„Thực tế, không có quốc gia Duyên hải Đông Nam Á nào đủ sức chống lại tham vọng bành trướng, bá quyền muôn đời của Trung cộng, kể cả tân tiến và giàu như Tân Gia Ba..
Các quốc gia duyên hải Đông Nam Á cần một sự chọn lựa bảo đảm sự sinh tồn của dân tộc tự chủ.“
Đại Dương
Hội nghị về Luật Biển Liên Hiệp Quốc lần thứ ba bắt đầu từ năm 1973 và kết thúc vào 1982 bằng Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS) được 167 quốc gia và Liên Hiệp Châu Âu tham gia có hiệu lực từ năm 1994. Hoa Kỳ nằm trong số 14 quốc gia chưa ký UNCLOS, nhưng, thi hành chính xác các điều khoản vì nó tương tự như các tập tục hàng hải mà cộng đồng nhân loại đã áp dụng từ lâu. Trung cộng ký vào đợt đầu, nhưng, thường đặt luật pháp quốc gia trên UNCLOS khiến các quốc gia duyên hải khắp thế giới, đặc biệt trên Biển Đông Trung Hoa (ECS) và Biển Nam Trung Hoa (SCS) gặp nhiều bất lợi và phiền toái.
Trong năm 2020, khi Hải quân Hoa Kỳ thực hiện hoạt động Tự do Hàng hải (FONOP) đã báo cáo có 19 quốc gia không tôn trọng UNCLOS bị Bắc Kinh chỉ trích là người ngoại cuộc.
Sự thực, UNCLOS áp dụng cho bất cứ người đi biển nào tuân theo bất chấp họ có ký hoặc phê chuẩn vì đó là quyền hạn đương nhiên. Sự cấm đoán, hạn chế trái với UNCLOS đều vô hiệu.
Trong bài “US fails to understand that it no longer calls the shots in Asia” được The Nikkei xuất bản hôm 21/04/2021, Chuyên gia Địa Chiến Lược, Brahma Chellaney chỉ trích Hoa Kỳ thực hiện hoạt động Tự do Hàng hải (FONOP) tại 19 quốc gia trong năm 2020 và cho rằng FONOP do Mỹ, Nhật, Úc thực hiện không ngăn chặn được bành trướng của Trung cộng.
Brahma Chellaney đã sai lầm khi chỉ trích hoạt động FONOP của Mỹ, Nhật, Úc:
(1) UNCLOS định nghĩa Vùng Đặc quyền Kinh tế (EEZ) “EEZ rộng 200 hải lý tính từ đường cơ sở. Trong vùng này, quốc gia ven biển được hưởng độc quyền trong việc khai thác đối với tất cả các tài nguyên thiên nhiên. Khái niệm vùng đặc quyền kinh tế được đưa ra để ngừng các cuộc xung đột về quyền đánh cá, tuy rằng khai thác dầu mỏ cũng đã trở nên một vấn đề quan trọng. Trong vùng đặc quyền kinh tế, nước ngoài có quyền tự do đi lại bằng đường thủy và đường không, tuân theo sự kiểm soát của quốc gia ven biển. Nước ngoài cũng có thể đặt các đường ống ngầm và cáp ngầm”. Các quốc gia duyên hải chỉ được “độc quyền về khai thác tài nguyên thiên nhiên”. Nước ngoài có quyền tự do đi lại trong EEZ của nước khác. Không có điều khoản nào cấm tàu bè nước ngoài có hoạt động quân sự trong EEZ của nước khác. Đừng lẫn lộn giữa chủ quyền và quyền-chủ-quyền trên biển.
(2) FONOP chỉ nhắc nhở các quốc gia duyên hải cần phải tôn trọng triệt để UNCLOS và cảnh cáo mọi diễn dịch sai. Do đó, Bắc Kinh chưa có phản ứng quyết liệt mỗi lần chiến hạm Mỹ đi vào khu vực 12 hải lý của các thực thể do Trung cộng kiểm soát ở Hoàng Sa (Paracel Islands, Tây Sa) và Trường Sa (Spratly Islands, Nam Sa).
(3) Tân Đề Ly đề nghị Hoa Kỳ phải được sự đồng ý khi tập trận trong EEZ của Ấn Độ bị Hoa Thịnh Đốn cáo buộc “yêu sách hàng hải quá mức”. Hoa Kỳ thực hiện FONOP hoàn toàn phù hợp với UNCLOS.
Các quốc gia duyên hải Đông Nam Á cho rằng trong cuộc tranh giành quyền lực Mỹ-Trung cộng thì tốt nhất nên đứng ngoài cuộc. Thực tế, nếu xung đột vũ trang xảy ra sẽ giống một trận Sóng Thần (Tsunami) tàn phá không phân biệt nước lớn hay nhỏ. Các quốc gia theo Phe Trục (Ý-Đức-Nhật) bị thiệt hại nhiều nhất trong Thế chiến Thứ hai.
Thái độ cứng rắn của Hoa Kỳ thời Tổng thống Donald Trump đối với các tuyên bố chủ quyền của Trung cộng, đặc biệt trên Biển Nam Trung Hoa đã khuyến khích các quốc gia duyên hải Đông Nam Á như Nam Dương, Mã Lai Á, Phi Luật Tân, Việt Nam mạnh dạn hơn trong việc bảo vệ chủ quyền và quyền-chủ-quyền và quyền-tài-phán bất chấp sự đe doạ của Bắc Kinh.
Khi tàu cá Trung cộng được Hải cảnh hộ tống vào hành nghề trong EEZ của Nam Dương đầu tháng 1/2019 đã bị Tổng thống Joko Widodo phái phi cơ và chiến hạm truy đuổi. Jokowi chuyển Bộ tư lệnh Hạm đội Tác chiến tới Natuna và đích thân thị sát để trấn an dân chúng ở Natuna.
Tàu Hải dương Địa chất HD8 của Trung cộng hoạt động khảo sát song song với tàu thăm dò dầu khi The West Capella trong EEZ của Mã Lai Á hồi tháng 5-2020. Hoa Kỳ phái Thuỷ bộ hạm USS America tập trận chung với một Khu trục hạm của Úc gần đó và sau khi kết thúc đã có một chiếc Cận duyên hạm Tác chiến USS Gabrielle Giffords (LCS 10) đi song song cho tới khi Capella hoàn tất nhiệm vụ.
Sau khi đắc cử năm 2016, Tổng thống Phi Luật Tân, Rodrigo Duterte tới Bắc Kinh chầu Tập Cận Bình với hy vọng nhận được 24 tỉ USD đầu tư và nhiều lợi ích kinh tế khác nên làm ngơ thắng lợi pháp lý khi Toà án Trọng tài Thường trực Liên Hiệp Quốc về Luật Biển (PCA) ra phán quyết ngày 12/07/2016 “Đường 9 Đoạn của Trung cộng không có giá trị pháp lý”. Từ bấy đến nay, 24 tỉ USD chỉ nhỏ giọt trong khi Bắc Kinh gia tăng các hoạt động nới rộng chủ quyền của Trung cộng trên SCS. Tức nước vỡ bờ, khi hàng trăm tàu Dân quân biển của Bắc Kinh xuất hiện thường trực tại Bãi Ba Đầu trong Nhóm đảo Trường Sa đầu tháng 3/2021 nằm trong EEZ của Phi Luật Tân nên Duterte liền điều động chiến hạm và phi cơ giám sát thường xuyên và đã hai lần gửi công hàm phản đối lên Liên Hiệp Quốc. Trước đây, khi Bắc Kinh lấn chiếm trong EEZ của Phi Luật Tân thì Duterte nói nếu phái binh sĩ tới đó thì chẳng có ai trở về! Phi Luật Tân chẳng được gì sau hơn bốn năm quỳ gối trước Tập Cận Bình nên Duterte đứng thẳng lưng công khai chống lại Bắc Kinh.
Mãi tới 25/03/2021 Bộ Ngoại giao Việt Nam mới xác định tàu cá Trung cộng đã xâm phạm chủ quyền Việt Nam, vi phạm quy định trong UNCLOS 1982.
Do lòng tham vô đáy và hành động ích kỷ mà các quốc gia duyên hải Đông Nam Á và Đài Loan không áp dụng đúng các quy tắc chủ quyền và quyền-chủ-quyền và quyền-tài-phán trong UNCLOS để giải quyết dứt khoát các tranh chấp dai dẳng liên quan đến hải phận, vùng chồng lấn mà cùng nhau hợp tác khai thác tài nguyên thiên nhiên trong Biển Đông Nam Á, đặc biệt tại Nhóm đảo Trường Sa.
Trước tiên, các quốc gia duyên hải Đông Nam Á như Việt Nam, Phi Luật Tân, Mã Lai Á, Brunei phải giải quyết các vấn đề lưu cữu về chủ quyền và quyền-chủ-quyền và quyền-tài-phán theo đúng quy định trong UNCLOS mà không cần dựa vào sức mạnh của 10 quốc gia trong ASEAN. Do Campuchia, Lào, Thái Lan, Myanmar không có lợi ích trực tiếp từ SCS nên dễ bị Bắc Kinh mua chuộc để chống lại các quyết định bất lợi cho Trung cộng trên Biển Đông Nam Á. ASEAN với chính sách “đèn nhà ai nấy rạng” nên mỗi lần Bắc Kinh chỉ cần mua chuộc một hội viên là có thể đánh bại nghị quyết của ASEAN liên quan đến SCS.
Do chưa biết nội lực thực sự mà ASEAN cứ tưởng mình có thể thành “lực lượng thứ ba” để hoà giải giữa Hoa Kỳ và Trung cộng khi sinh hoạt trên Biển Nam Trung Hoa nên đòi Hoa Kỳ phải có trách nhiệm bảo vệ an ninh và cung cấp bất cứ loại vũ khí tối tân nào. Trong khi đó, Bắc Kinh có bổn phận mang của cải làm cho các quốc gia ASEAN đời sống sung túc vào hàng nhất nhì thế giới.
Thực tế, không có quốc gia Duyên hải Đông Nam Á nào đủ sức chống lại tham vọng bành trướng, bá quyền muôn đời của Trung cộng, kể cả tân tiến và giàu như Tân Gia Ba. Vậy mà cư dân Tân Gia Ba với 76% gốc Trung Hoa lúc nào cũng thoả mãn yêu cầu đồn trú các phương tiện quân sự của Hoa Kỳ cần thiết để giám sát mọi hoạt động của Trung cộng trên Biển Nam Trung Hoa.
Hôm 23/04/2021, Bộ trưởng và Thứ trưởng Bộ Quốc Phòng Việt Nam và Trung cộng để ca tụng tình hữu nghị và hợp tác suốt 70 năm qua để quên thực tế, đoàn tàu Dân quân Biển của Trung cộng đang lăm le chiếm Bãi Ba Đầu nằm trong Cụm Sinh Tồn do Việt Nam tuyên bố chủ quyền. Nhưng, án lệ vụ kiện giữa Nicaragua và Colombia năm 2012, Tòa lưu ý rằng thực thể chìm ở triều cao không phải là đối tượng để tuyên bố chủ quyền.
Hôm 24/04/2021, Chủ tịch Tập Cận Bình đích thân tới đảo Hải Nam dự lễ hạ thuỷ Tàu ngầm nguyên tử Trường Chinh, Khu trục hạm Đại Liên, và Thuỷ bộ hạm Hải Nam để góp phần làm chủ Biển Nam Trung Hoa.
Tóm lại, căng thẳng trên Biển Nam Trung Hoa do hai yếu tố: (1) Tham vọng thống trị vô bờ và ngàn đời của Trung cộng nhằm biến Biển Nam Trung Hoa thành chiếc ao nhà. (2) Hoa Kỳ tự cam kết duy trì một vùng biển mở rộng, an ninh cho cộng đồng quốc tế.
Các quốc gia duyên hải Đông Nam Á cần một sự chọn lựa bảo đảm sự sinh tồn của dân tộc tự chủ.
Đại-Dương
Tài liệu tham khảo:
After Xi: Future scenarios for leadership succession in post-xi Jinping era (CSCS)
US fails to understand that it no longer calls the shots in Asia (Nikkei)
The Biden-Suga Summit: Heavy on Symbols, Light on Specifics (National Interest)
Chinese military tests Taiwan’s radar system with surface-level incursion into ADIZ (SCMP)
US fails to understand that it no longer calls the shots in Asia (Nikkei)
Chinese navy marks 72nd anniversary, unveiling no new warships (SCMP)