Seite auswählen

Trưởng thành từ lũy tre Dương Nội

 

    Nguyệt Quỳnh trò chuyện cùng Trịnh Bá Phương

    6-5-2021

    Trang facebook “Chuyện của Thịnh” (1) có một bộ ảnh về dân làng Dương Nội và những ngôi biệt thự bỏ hoang mà tác giả dẫn dắt bằng câu: “Ừ, họ vẫn ở đây”.

    Trước kia, nơi đây là những mảnh vườn xanh tốt, là mái nhà, là của cải của những hộ dân. Tất cả đã đổi thay, đã là dấu chấm hết với họ vào một buổi sớm mai cùng với lệnh cưỡng chế đất, tiếng máy xúc, lựu đạn cay và tiếng gào khóc trong tuyệt vọng của nông dân Dương Nội.

    Chúng Tôi Vẫn Ở Đây” là bộ ảnh chụp một nhóm người trong số 200 hộ dân đã từ chối nhận tiền thu hồi đất để tiếp tục bám trụ trên mảnh đất của mình. Nhìn hình ảnh một gia đình người nông dân Dương Nội nằm ngủ say sưa giữa bức tường của hai ngôi biệt thự bỏ hoang, trên lá cỏ, giữa đất trời mà như đang nằm chính trong ngôi nhà của mình; tôi hiểu vì sao suốt một thập kỷ đăng đẵng giữa bạo lực và trấn áp, Dương Nội vẫn mãi mãi là mái nhà của họ. Những nhóm lợi ích như đám ruồi xanh kia rồi sẽ biến mất khi đất không còn cho mật; nhưng đất quê hương, máu thịt bao đời của cha ông mình sẽ mãi mãi vẫn là đất quê hương!

    Xin cùng bạn chia sẻ một thập kỷ gian nan của nông dân Dương Nội qua cuộc trò chuyện với anh Trịnh Bá Phương – một trong những người có mặt từ đầu – đã góp phần không nhỏ trong nỗ lực xây dựng sự đoàn kết đấu tranh dai dẳng của bà con. Mong rằng chúng ta sẽ học được nhiều điều từ họ, những người mà nhà thơ Hồng Nguyên gọi là “Áo vải chân không đi lùng giặc đánh”.

    ***

     Con Dương Nội luôn luôn tuân thủ luật pháp, nhưng hiểu rất rõ về quyền hạn của mình.

    Nguyệt Quỳnh: Xin anh cho biết ý nguyện của bà con là gì? Tại sao không làm riêng từng gia đình mà đấu tranh chung cả làng với nhau?

    Trịnh Bá Phương: Mục đích ý nguyện của nhóm dân oan chúng tôi là đấu tranh đòi lại tư liệu sản xuất là đất đai của chúng tôi. Nguyên nhân chính là khi không còn đất đai thì chúng tôi rơi vào cảnh thất nghiệp và nghèo đói. Từ đó con cái chúng tôi không được cắp sách đến trường, lâm bệnh ốm đau không có tiền đi viện…

    Theo quy định cụ thể của nhà nước trong “Nghị định số 75/2012/NĐ-CP” (2) ngày 03 tháng 10 năm 2012, chúng tôi khiếu kiện tập thể thông qua hình thức cử 20 người đại diện là hoàn toàn đúng luật khiếu nại tố cáo. Việc khiếu nại chung đã giúp chúng tôi có sức mạnh tập thể, các phe nhóm lợi ích khó khăn hơn trong việc trấn áp số đông chúng tôi. Tuy nhiên thời gian qua chính quyền đã dùng rất nhiều thủ đoạn hòng tách chúng tôi làm đơn riêng từng hộ để dễ bề đàn áp, dập tắt phong trào. Không ít lần chính quyền Hà Nội đã thuyết phục gia đình tôi làm đơn riêng để dễ giải quyết, nhưng quan điểm của gia đình tôi không phản bội lại bà con và kiên quyết sát cánh với bà con đấu tranh đến cùng.

    Mỗi người dân Dương Nội chia sẻ trách nhiệm của mình.

    Nguyệt Quỳnh: Thưa anh, bà con có sợ bị dán nhãn “lập tổ chức phản động” chống nhà nước không?

    Trịnh Bá Phương: Chúng tôi thực hiện theo luật pháp nên chính quyền không dễ quy chụp cả nhóm chúng tôi là tổ chức. Tuy nhiên truyền thông nhà nước và đám gọi là ‘Dư luận viên’ vẫn thường quy chụp là nhóm chúng tôi bị các thế lực phản động xúi dục, kích động và chúng quy chụp cho tôi và mẹ tôi Cấn Thị Thêu là tham gia tổ chức phản động, hòng chia rẽ gây hoang mang trong nhóm. Trong khi các thành viên trong gia đình tôi đến thời điểm hiện tại không thuộc một tổ chức, hay đảng phái chính trị nào.

    Chúng tôi tổ chức nhiều cuộc họp hàng tuần để bà con cảnh giác các âm mưu chia rẽ; từ đó, đã khiến nhà cầm quyền Hà Nội đi từ thất bại này đến thất bại khác. Nhóm chúng tôi bầu ra mẹ tôi là người đại diện soạn thảo đơn thư, tổng hợp ý kiến nhân dân. Tôi cùng 18 người nữa là đại diện cho nhóm, ngoài ra mỗi tổ dân phố có 1 tổ trưởng chịu trách nhiệm nắm bắt tình hình, nếu có an ninh xâm nhập, đánh phá, gây chia rẽ thì đến nay chúng tôi đã lật tẩy toàn bộ âm mưu của họ. Hiện chúng tôi đang là một khối đoàn kết, không một ai có thể đánh phá, triệt hạ tinh thần đấu tranh của chúng tôi.

    Sông Côn khi cạn khi đầy,

    Khí thiêng đất nước nơi này vẫn thiêng!

    Nguyệt Quỳnh: Thưa anh nhờ yếu tố nào hay sinh hoạt nào mà bà con sống chết với nhau như vậy?

    Trịnh Bá Phương: Từ khi đấu tranh chúng tôi đã lên đình làng thắp hương, làm lễ ăn thề. “… Có phúc cùng hưởng có họa cùng chịu. Cùng bắt chặt tay nhau tranh đấu giữ lại tư liệu sản xuất. Nếu ai phản bội lại nhân dân sẽ phải chịu những thảm họa, dù có chết thì muôn đời con cháu không rửa được tội…” Lời thề được viết thành sớ. Photo mỗi người giữ một bản. Thực tế đã có vài cá nhân phản bội lại nhóm chúng tôi và đã gặp những bi kịch, người bị tai nạn, người bò húc tấn công dẫn đến bị liệt, người đang buôn bán bỗng dưng bị cấm khẩu…

    Về sự chia sẻ đến từ cộng đồng, với sự ủng hộ trên 150 tấn gạo chúng tôi minh bạch sổ sách và phân phát đều cho bà con. Cá nhân tôi khi bố mẹ tôi trong tù mọi người đã chia sẻ cho gia đình tôi khoảng 15,000 Úc kim tương đương 300 triệu đồng, toàn bộ số tiền này tôi đã mua gạo phát cho bà con. Tuy nhiên vì việc này mà loa phường Dương Nội liên lục phát thanh là tôi phát gạo để lấy uy tín với bà con, để kích động bà con…

    Chúng tôi cùng là nạn nhân nên đồng cảm yêu thương nhau như người một nhà. Chúng tôi nhận thức rõ chỉ có sự đoàn kết mới có thể đương đầu với tổ chức Mafia đội lốt chính quyền, chính quyền càng đàn áp, bắt giam chỉ càng khiến bộ mặt thối nát của họ phơi bày, bạo lực và nhà tù không thể dập tắt tinh thần đấu tranh của chúng tôi mà điều đó chỉ khiến chúng tôi thêm gắn kết.

    Đối diện với trấn áp, bạo lực, tổn thất, … bà con Dương Nội biết rõ mình không đơn độc.

    Nguyệt Quỳnh: Khi bị trấn áp, cụ thể như nhiều người đại diện bị bắt giam, bà con đã làm gì để vượt qua lo sợ?

    Trịnh Bá Phương: Việc bố mẹ tôi bị kết án 50 tháng tù, 5 người trong nhóm bị bắt và kết án 66 tháng tù tổng cộng nhóm chúng tôi bị kết án 116 tháng tù giam đã gây tổn thất khá nặng nề đối với chúng tôi. Tuy nhiên chúng tôi đã biến đau thương thành hành động, không chùn bước trước bạo quyền, chúng tôi đã tổ chức hàng trăm cuộc biểu tình nhằm lên án, tố cáo tội ác của nhà cầm quyền Hà Nội. Trong những lúc khó khăn ấy, chúng tôi không đơn độc, hàng nghìn người từ khắp nơi trên thế giới đã đồng hành cùng chúng tôi, chia sẻ tinh thần và cả vật chất. Hơn 150 tấn gạo đã chuyển về Dương Nội, có người lượm ve chai tích cóp lại để gửi những kg gạo về, chúng tôi coi đó là động lực tinh thần giúp chúng tôi vượt qua tháng ngày gian khó. Cơ quan ngoại giao các nước, tổ chức nhân quyền và các cơ quan báo chí quốc tế đã không ngừng nỗ lực giúp chúng tôi, điều đó khiến dân làng tôi vững tâm hơn.

    Có thể nói nhà cầm quyền đã sử dụng trăm mưu ngàn kế với chúng tôi, từ sử dụng côn đồ đến nhà tôi đe doạ giết, cho đến sử dụng bạo lực và nhà tù, các thành viên gia đình tôi và dân làng nhiều lần bị đánh đập rất tàn bạo và khủng bố tinh thần. Cùng với đó là các cơ quan báo chí viết sai lệch vu cáo, quy chụp chúng tôi là bị kích động chống phá chính quyền. Nhưng thực tế, chính đảng cộng sản mới là kẻ kích động chúng tôi phải vùng lên đấu tranh chống áp bức, bóc lột.

    Việc một vài cá nhân phản bội lại nhóm thì chúng tôi đã lật tẩy âm mưu và khai trừ khỏi nhóm.

    Dân chủ để hạn chế mâu thuẫn, chia sẻ khó khăn để ngăn ngừa rạn nứt.

    Nguyệt Quỳnh: Thưa anh các đụng chạm trong nội bộ – nếu có thường là gì và những người trụ cột của Dương Nội đã làm gì để giải tỏa?

    Trịnh Bá Phương: Nhóm chúng tôi có rất ít mâu thuẫn; nếu có, thường là nhỏ giữa các thành viên. Nếu có mâu thuẫn chúng tôi tổ chức họp dân và khuyên giải, góp ý.

    Về phương pháp đấu tranh cũng như soạn thảo nội dung đơn thư khiếu nại chúng tôi đều biểu quyết lấy ý kiến của tập thể nên hầu như không có mẫu thuẫn trong lĩnh vực này.

    Bất kỳ thành viên nào trong nhóm ốm đau hay nhà có việc nhóm chúng tôi đều đến chia sẻ với gia đình, ngoài ra chúng tôi thường xuyên tổ chức gặp gỡ chia sẻ nhằm thắt chặt tình đoàn kết từ đó ngăn ngừa những sự việc có thể gây rạn nứt tình cảm.

    Chúng tôi luôn nhắc cho nhau về kẻ thù của chúng tôi là kẻ đã mang danh chính quyền đến đàn áp và cướp đất của chúng tôi, chứ không phải là những thành viên trong nhóm. Tất cả các thành viên phải gạt đi hết những bất đồng, những mẫu thuẫn nhỏ nhặt mới có thể tạo được sức mạnh tập thể để đi đến thắng lợi cuối cùng.

     con Dương Nội luôn đồng hành với Tổ Quốc

    Yêu thương, chung thủy, vững tin vào công lý.

    Nguyệt Quỳnh: Anh còn điều gì khác muốn chia sẻ thêm?

    Trịnh Bá Phương: Trong cuộc đấu tranh giữ đất, nhóm chúng tôi đã tham gia các phong trào khác như bảo vệ cây xanh, bảo vệ môi trường, tham gia biểu tình đòi tự do cho các nhà yêu nước, tham gia các phiên toà xét xử người yêu nước bị nhà nước cộng sản bắt giam tuỳ tiện. Và hướng về biển đông, chống sự bành trướng của Bắc Kinh khi đã cướp Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam! Và mới đây là phản đối bè lũ bán nước đã đưa ra dự luật đặc khu và dự luật an ninh mạng.

    Ngày 22-9-2016, khi bị bắt vào đồn CA Nghĩa Đô, mấy an ninh quận Hà Đông thuyết phục gia đình tôi làm đơn riêng để họ dễ giải quyết. Tôi từ chối, vì cuộc đấu tranh giữ đất của 356 hộ dân phường Dương Nội đã trải qua gần một thập kỷ (bắt đầu từ năm 2008). Trong quãng thời gian dài ấy, chúng tôi đã dựa vào nhau vượt qua những hình thức đàn áp đê hèn của cộng sản Hà Nội, bà con dân oan Dương Nội đã dành cho gia đình tôi những ân tình, và gia đình tôi sẽ không bao giờ phản bội lại bà con đi đêm với cộng sản để mưu lợi cho riêng mình.

    Hình ảnh ngày 25-7-2015 bà con dân oan, bạn bè đón mẹ tôi kết thúc 15 tháng tù oan. Nhà tù đã từng không khuất phục được chúng tôi. Nay cộng sản Hà Nội lại tiếp tục dùng bản án 20 tháng tù với mẹ tôi để khủng bố gia đình tôi và bà con dân oan, nhưng chúng tôi không chùn bước, bởi chúng tôi tin rằng công lý sẽ được thực thi nếu kiên quyết đấu tranh.

    Xin được gửi lời cảm ơn đến các tổ chức Nhân Quyền, các tổ chức xã hội dân sự, các cơ quan ngoại giao Hoa Kỳ, Úc,… Và những cá nhân yêu công lý đã ủng hộ và giúp đỡ chúng tôi trên hành trình đòi Công Lý.

    ***

    Câu chuyện của dân làng Dương Nội cho tôi liên tưởng đến hình ảnh những nông dân ở Yên Thế, Thái Nguyên vào thế kỷ thứ 19; đó là những con dân VN đã gìn giữ đất mẹ suốt hàng nghìn năm. Hiểu về họ, chúng ta chợt thấy yêu Dương Nội như yêu một trang sử vừa sống lại giữa đời này.

    _____

    Phụ Chú:

    (1) Trang facebook “Chuyện của Thịnh”: https://hanoigrapevine.com/vi/2018/03/photo-series-we-are-still-here-duong-noi-village/

    (2) Nội dung khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh được quy định cụ thể tại Điều 5 và Điều 6 Nghị định số 75/2012/NĐ-CP ngày 03 tháng 10 năm 2012.

    Luật Tiếp công dân số 42/2013/QH13 được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XIII, kỳ họp thứ 6 thông qua ngày 25 tháng 11 năm 2013, quy định cụ thể quyền và nghĩa vụ của người đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh; trong đó đối với trường hợp nhiều người cùng khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh về một nội dung thì phải cử người đại diện để trình bày nội dung khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh (Điểm đ Khoản 2 Điều 7)./.

     

    “Kẻ có tội là lũ quan tham độc tài cộng sản”

    Trịnh Thị Thảo

    14-10-2021

     

    Hôm qua ngày 13/10/2021, các luật sư vào gặp mẹ tôi – Cấn Thị Thêu và em Trịnh Bá Tư tại trại tạm giam công an tỉnh Hoà Bình. Em Tư thời gian đầu vào trại sức khỏe không được tốt do hôm an ninh, công an ập vào bắt em đi đã đánh đập em dã man, bị đau bụng đến mức sưng thận phải vào bệnh viện điều trị.

    Hiện tại sức khỏe của em Tư ổn, nhưng tôi cho rằng sẽ để lại di chứng về sau này. Mẹ tôi đang bị đau mắt và có nhắn gia đình gửi thuốc nhỏ mắt vào.

    Các luật sư có gửi thông báo hoãn phiên toà phúc thẩm ngày 17/9/2021 do dịch bệnh đến trại tạm giam, nhưng phía trại giam cũng không thông báo cho mẹ và em tôi, thật là ngán ngẩm với cách làm việc của trại tạm giam công an tỉnh Hoà Bình. Hiện tại phía trại giam đã cho một người án kinh tế ở cùng buồng với mẹ tôi.

    Phía sở thông tin và truyền thông Hoà Bình họ kết luận 8 video phát trên trang các nhân của mẹ tôi và em Tư nói trung thực, khách quan về vụ nhà cầm quyền đưa 3.000 cảnh sát cơ động tấn công vào làng Đồng Tâm giết chết cụ Lê Đình Kình là chống chính quyền nhân dân. Mẹ tôi đã gửi đơn yêu cầu triệu tập các giám định viên của sở thông tin và truyền thông Hoà Bình tại phiên toà phúc thẩm.

    Mẹ tôi khẳng định sẽ trình bày tất cả các nội dung trong phiên toà phúc thẩm cho dù án có tăng nặng hay không.

    Xuyên suốt từ đầu đến cuối mẹ tôi và em Tư đều khẳng định là không có tội, kẻ có tội là lũ quan tham độc tài cộng sản đã bị quỷ dữ tha mất lương tâm.

    Mẹ tôi và em Tư gửi lời hỏi thăm sức khỏe và cảm ơn đến gia đình hai bên nội ngoại, bạn bè, các tổ chức nhân quyền quốc tế, các đại sứ quán của các nước tiến bộ, các tổ chức xã hội dân sự và cộng đồng đã luôn quan tâm đến gia đình tôi trong suốt thời gian qua.

    Cảm ơn các luật sư Đặng Đình Mạnh, Phạm Lệ Quyên, Lê Văn Luân, Ngô Anh Tuấn đã bào chữa hết mình cho mẹ tôi và em Tư.

    Hôm nay 14/10/2021 gia đình tôi nhận được tin ngày 4/11/2021 sẽ diễn ra phiên toà sơ thẩm của anh trai tôi – Trịnh Bá Phương.

    Các tổ chức nhân quyền lên tiếng về bản án đối với bà Cấn Thị Thêu và con trai


    Bà Cấn Thị Thêu và anh Trịnh Bá Tư tại phiên tòa ngày 5/5/2021 ở tỉnh Hòa Bình. Photo TTXVN

    Các tổ chức nhân quyền quốc tế lên tiếng phản đối phiên tòa xét xử và bản án của chính quyền Việt Nam đối với nhà hoạt động Cấn Thị Thêu và con trai Trịnh Bá Tư ngay sau khi một tòa án ở tỉnh Hòa Bình tuyên mỗi người 8 năm tù và 3 năm quản chế.

    Hôm 5/5, bà Emerlynne Gil, Phó Giám đốc Khu vực của Tổ chức Ân xá Quốc tế (Amnesty International), cho biết trong một thông cáo: “Việc kết tội này là một sự phản bội công lý. Bà Cấn Thị Thêu và con trai của bà, Trịnh Bá Tư, là những nhà bảo vệ nhân quyền dũng cảm nên lẽ ra phải được chính phủ Việt Nam bảo vệ, không bị sách nhiễu hay giam cầm.”

    Việc kết tội này là một sự phản bội công lý.
    Bà Emerlynne Gil thuộc tổ chức Ân xá Quốc tế

    “Lẽ ra ngay từ đầu không nên bắt bà Cấn Thị Thêu và anh Trịnh Bá Tư, chứ đừng nói đến chuyện kết tội họ với những cáo buộc ngụy tạo,” người đại diện Ân xá Quốc tế cho biết thêm.

    Tổ chức này cho rằng rõ ràng hai mẹ con bà Thêu đã bị trừng phạt để trả đũa cho hành động ôn hòa của họ nhằm phơi bày những bất công và vi phạm nhân quyền.

    “Đáng buồn thay, ở Việt Nam, hoạt động bảo vệ nhân quyền ôn hòa đủ để đối mặt với án tù dài hạn,” bà Gil nói.

    Tương tự, tổ chức nhân quyền Article 19 hôm 5/5 ra thông cáo cho biết việc kết án một bà mẹ và con trai Việt Nam vì hoạt động ủng hộ nhân quyền của họ cho thấy rõ sự đàn áp đang diễn ra đối với xã hội dân sự độc lập và việc biểu đạt trên mạng ở Việt Nam.

    Ông Matthew Bugher, Trưởng chương trình Châu Á của tổ chức Article 19, nói: “Bản án hôm nay là một đòn mạnh khác đối với nền tự do Internet ở Việt Nam. Với mỗi lần kết tội một người bảo vệ nhân quyền, Việt Nam lại khẳng định vị thế là một trong những kẻ thù hàng đầu của quyền tự do ngôn luận trên thế giới.”

    Bản án hôm nay là một đòn mạnh khác đối với nền tự do Internet ở Việt Nam.
    Ông Matthew Bugher thuộc tổ chức Article 19

    Mạng lưới Nhân quyền Việt Nam và Người Bảo vệ Nhân quyền hôm 5/5 ra một tuyên bố chung cho biết: “Chúng tôi nhận thấy rằng việc bắt giữ bà Thêu cùng hai con trai của bà là độc đoán chỉ vì các hoạt động nhân quyền ôn hoà của họ.”

    “Họ bị biệt giam trong giai đoạn điều tra, không có sự chứng kiến của luật sư trong các cuộc hỏi cung, và bị đối xử vô nhân đạo thậm chí đe doạ bởi cán bộ của cơ quan tố tụng, như anh Tư khẳng định trong phiên toà. Thêm vào đó, chúng tôi cho rằng các hoạt động nhân quyền của gia đình bà Thêu không vi phạm luật pháp Việt Nam, và phiên toà này không bảo đảm tính công bằng trong xét xử.”

    Bà Thêu và anh Tư bị bắt và khởi tố vào tháng 10/2020 với cáo buộc “Tuyên truyền chống Nhà nước” theo Điều 117 Bộ Luật Hình sự.

    Hai tổ chức này kêu gọi Quốc hội Việt Nam xoá bỏ Điều 117 cùng nhiều điều khoản khác trong phần an ninh quốc gia của Bộ luật Hình sự vốn được sử dụng để dập tắt tiếng nói phản biện ôn hoà và khuyến nghị rằng Việt Nam cần nghiêm túc thực hiện các cam kết quốc tế về nhân quyền, để phát triển bền vững.

    Ngay trước phiên tòa, Tổ chức Theo dõi Nhân quyền (HRW) đã phát đi thông cáo báo chí, kêu gọi chính quyền Việt Nam thả ngay lập tức bà Thêu và hai con trai – anh Trịnh Bá Phương cũng bị bắt và đang chờ xét xử – đồng thời bãi bỏ mọi cáo buộc đối với họ.

    Ông John Sifton, Giám đốc vận động khu vực châu Á của HRW phát biểu: “Bà Cấn Thị Thêu và gia đình bà là những người bảo vệ nhân quyền dám lên tiếng ở Việt Nam. Chính phủ Việt Nam nên lắng nghe những người như gia đình dũng cảm này, không nên ném họ vào tù.”

    Các tổ chức nhân quyền kêu gọi chính quyền Việt Nam hủy bỏ “bản án oan” này ngay lập tức và trả tự do ngay lập tức và vô điều kiện cho bà Cấn Thị Thêu và anh Trịnh Bá Tư vì cho rằng họ bị chính quyền kết án chỉ vì thực hiện các quyền con người một cách ôn hòa./.

     

    Trịnh Bá Tư và mẹ, bà Cấn Thị Thêu

    HRW Trịnh Bá Tư và mẹ, bà Cấn Thị Thêu

    Hội đồng xét xử TAND tỉnh Hòa Bình ngày 5/5 tuyên phạt bị cáo Trịnh Bá Tư 8 năm tù, bị cáo Cấn Thị Thêu 8 năm tù với tội danh “Làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống phá nhà nước”.

    Sau khi mãn hạn tù, các bị cáo phải chịu sự quản thúc trong thời gian 3 năm.

    Bà Cấn Thị Thêu bị bắt cùng hai con trai là Trịnh Bá Phương, Trịnh Bá Tư ngày 24/6/2020.

    Hiện chưa có lịch xét xử ông Trịnh Bá Phương – người hiện nay được giam ở trại giam số 1 Hỏa Lò, Hà Nội.

    Ông Trịnh Bá Khiêm, chồng bà Cấn Thị Thêu, phát livestream trên Facebook cho hay ông đến tòa nhưng không được vào dự vì không có căn cước. Nhiều bà con Dương Nội cũng tới tham dự nhưng bị công an ‘lùa sang bên kia đường’.

    Sau đó, ông Khiêm được cho vào trong sân tòa nhưng không được vào trong phòng xử.

    Con gái ông Khiêm là Trịnh Thị Thảo và con dâu Đỗ Thị Thu được tham dự phiên tòa.

    Trong các video và hình ảnh được gia đình ông Khiêm đăng trên Facebook, có thể thấy có rất nhiều công an, cảnh sát, xe cứu hỏa, cứu thương… được huy động trước cổng tòa án Hòa Bình.

    Cô Trịnh Thị Thảo viết trên Facebook rằng mẹ cô kể bà “bị giam chung với người nhiễm HIV, và phòng giam 7m2 giam 10 người, bảy ngày đầu phải uống nước bể”.

    Chính phủ Việt Nam luôn nói hệ thống chấp pháp của nước này tôn trọng nhân quyền và tôn trọng phụ nữ nhưng những thông tin nói trên không được truyền thông chính thống đăng tải.

    ‘Tên tôi là “Nạn nhân cộng sản”

    “Đó là câu trả lời của bà Cấn Thị Thêu và ông Trịnh Bá Tư cho tòa về họ tên trong phần xác định lý lịch.”

    “Chứng kiến sự đanh thép, bất khuất … của họ tại tòa, mất tự chủ, tôi chảy nước mắt vì xấu hổ,” luật sư Đặng Đình Mạnh, một trong bốn luật sư bào chữa cho bà Thêu và ông Tư, thuật lại vào giờ nghỉ trưa của phiên tòa.

    Lực lượng bảo vệ và xe cứu hỏa trước tòa án Hòa Bình hôm 5/5/2021

    THU DO Lực lượng bảo vệ và xe cứu hỏa trước tòa án Hòa Bình hôm 5/5/2021

    Ngay trước phiên tòa, Tổ chức Theo dõi Nhân quyền (HRW) đã phát đi thông cáo báo chí, kêu gọi chính quyền Việt Nam thả ngay lập tức bà Thêu và hai con trai, đồng thời bãi bỏ mọi cáo buộc đối với họ.

    John Sifton, Giám đốc vận động khu vực châu Á của HRW phát biểu: “Cấn Thị Thêu và gia đình bà là những người bảo vệ nhân quyền dám lên tiếng ở Việt Nam. Chính phủ Việt Nam nên lắng nghe những người như gia đình dũng cảm này, không nên ném họ vào tù.”

    Thông cáo của HRW cũng cáo buộc chính quyền Việt Nam đã ‘vi phạm các tiêu chuẩn nhân quyền quốc tế’ khi không cho luật sư gặp bà Thêu và ông Trịnh Bá Tư trong suốt chín tháng, đồng thời không cho phép gia đình họ được thăm gặp.

    Người dân Dương Nội tới dự phiên tòa nhưng không được vào

    THU DO Người dân Dương Nội tới dự phiên tòa nhưng không được vào

    Ông Sifton nói: “Ngay cả khi đối mặt với sự ngược đãi và tàn bạo, bà Cấn Thị Thêu và gia đình đã thể hiện sự dũng cảm lớn lao khi theo đuổi hoạt động vận động nhân quyền, trong khi chính phủ Việt Nam lại thiếu can đảm lắng nghe những lời chỉ trích của công dân. Các nhà tài trợ và đối tác thương mại quốc tế của Việt Nam cần lên tiếng ủng hộ những người bất đồng chính kiến dũng cảm này và lên án thành tích đàn áp tồi tệ của Việt Nam”.

    Vì sao bà Thêu và con trai bị bắt?

    Gia đình bà Thêu, một gia đình thuần nông dân ở Dương Nội, Hà Nội, bị mất đất sau khi nhà nước tịch thu cho ‘dự án phát triển đô thị’.

     

    Hai vợ chồng bà Thêu bị bắt tù lần đầu vào năm 2014 với tội danh ‘chống người thi hành công vụ’, khi bà Thêu quay phim vụ cưỡng chế đất ở Dương Nội.

    Ra tù, bà Thêu tiếp tục biểu tình phản đối nạn cưỡng chế đất. Bà cũng tham gia vào các cuộc biểu tình vì môi trường, dân chủ, và ủng hộ các nhà hoạt động khác. Những việc này khiến bà bị chính quyền bỏ tù lần hai năm 2016.

    Ra tù năm 2018, bà Thêu nói mình từ ‘nhà tù nhỏ trở về nhà tù lớn’, và tuyên bố đấu tranh đến cùng vì dân chủ và quyền cua người dân mất đất. Tham gia cùng bà trong các cuộc đấu tranh này còn có hai con trai là Trịnh Bá Phương, Trịnh Bá Tư.

    Họ dùng mạng xã hội để lên tiếng về các vấn đề đất đai và các vụ việc khác mà họ cho là bất công trong xã hội.

    Trước khi bị bắt, Trịnh Bá Phương là người tích cực đăng các tin, bài về vụ án Đồng Tâm, thu hút sự chú ý của dư luận trong và ngoài nước.

    Trịnh Bá Phương và Trịnh Bá Tư cũng đăng trên Facebook vào ngày bị bắt video họ nói về việc ‘không có ý định tự sát’ trong tù, và nếu họ chết thì là do bị tra tấn, đánh đập. đồng thời yêu cầu những người ủng hộ và thành viên gia đình công khai thi thể của họ nếu họ bị giết, ‘để vạch trần tội ác’ chống lại họ.

    Bà Thêu cùng hai con trai bị bắt ngày 24/6/2020 trong hai vụ án khác nhau, với cùng tội danh ‘tuyên truyền chống nhà nước’.

    Chính quyền Việt Nam nói gì?

    Bộ Công an cho hay kết quả điều tra ban đầu ‘xác định’ ba mẹ con bà Thêu ‘có hoạt động soạn thảo, đăng tải, phát tán các video clip, bài viết có nội dung bịa đặt, gây hoang mang trong quần chúng nhân dân nhằm mục đích chống nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, theo báo Tuổi Trẻ.

    Cũng bộ này cho hay sau khi khám xét nơi ở của gia đình bà Thêu, cơ quan An ninh điều tra “đã thu được một số cuốn sách, một số tài liệu viết tay, đĩa CD, DVD… có nội dung liên quan đến hoạt động tuyên truyền chống Nhà nước.”

    Báo Công an Nhân Dân viết rằng Cấn Thị Thêu, Trịnh Bá Phương, Trịnh Bá Tư “trong quá trình hoạt động chống phá cũng thường được hậu thuẫn từ bên ngoài, các trang mạng thù địch tung hô, biến họ thành những con rối, ngông cuồng, thách thức luật pháp”.

    Tờ này mô tả bà Thêu nhiều lần tập trung hàng trăm dân ở Dương Nội để khiếu kiện, la ó, căng băng rôn, khẩu hiệu ‘gây mất trật tự công cộng’. Rằng bà nhiều lần được răn đe nhưng ‘không hối cải’, lại còn lôi kéo hai con trai là Trịnh Bá Phương, Trịnh Bá Tư vào ‘vòng tội lỗi’./.

    BBC

     

    Bà Cấn Thị Thêu và con trai Trịnh Bá Tư đối mặt với 5-12 năm tù vì 8 clip trên Facebook

     

    Hai mẹ con từ đấu tranh giữ đất đến lên tiếng cho quyền con người là bà Cấn Thị Thêu và con trai Trịnh Bá Tư vào ngày 5/5 tới đây sẽ phải ra tòa ở Hòa Bình với cáo buộc tội ‘chống phá Nhà nước’.
    Giang Nguyễn
    2021-05-03

    Bà Cấn Thị Thêu và con trai Trịnh Bá Tư đối mặt với 5-12 năm tù vì 8 clip trên FacebookNhà đấu tranh bà Cấn Thị Thêu trong phiên tòa phúc thẩm tại Tòa án Nhân dân thành phố Hà Nội vào ngày 30/11/2016.

     AFP

    Tội danh cụ thể mà cơ quan chức năng cáo buộc đối với bà Cấn Thị Thêu và con trai út của bà, anh Trịnh Bá Tư, là “Làm, tàng trữ, phát tán và tuyên truyền thông tin, tài liệu vật phẩm nhằm chống Nhà nước”, theo Điều 117 Bộ Luật Hình Sự 2015. Nếu bị kết tội, cả hai sẽ phải đối diện với mức án từ năm đến 12 năm tù giam.

    Thông báo của Toà được truyền thông Nhà nước cho biết, phiên xử sẽ bắt đầu vào lúc 8 giờ sáng tại trụ sở Tòa án Nhân dân tỉnh Hòa Bình và đây là phiên xử công khai.1

    Tuy nhiên, vào tối ngày 3 tháng 5, ông Trịnh Bá Khiêm, chồng bà Cấn Thị Thêu và là cha của Trịnh Bá Tư cho biết ông không nhận được bất cứ giấy tờ gửi đến cho gia đình thông báo về ngày giờ hai người thân của ông bị đưa ra xét xử:

    “Tôi có làm đơn để gửi tòa thì họ đưa cho tôi giấy biên nhận đơn nhưng không có ghi ngày hẹn làm việc. Vì Tòa Cộng sản Hòa Bình khi mà ai đến làm việc là người bảo vệ cứ hỏi, “Có giấy hẹn không” thì mới làm việc, còn không có giấy hẹn thì khó khăn. Họ đã đưa cho tôi bản biên nhận nhưng mà không có ngày hẹn. Tôi bảo với Tòa rằng cái giấy này không có ngày hẹn thì để một năm sau trả lời cũng được phải không? Tòa Hòa Bình còn ngang nhiên công bố với tôi là không cho gặp vợ con tôi trước phiên tòa và không thông báo cho tôi biết phiên tòa sẽ xử vào ngày nào chứ chưa nói đến việc là đưa giấy mời cho tôi. Viên tòa Hòa Bình bảo chắc là nghe thông tin từ luật sư phải không”?

    Ông Khiêm khẳng định, cho dù có được phép dự phiên tòa hay không ông vẫn sẽ đến tận tòa để đưa thông tin về phiên xử.

    Bà Cấn Thị Thêu và con trai Trinh Bá Tư. Courtesy: Facebook

     

     Bà Cấn Thị Thêu và con trai Trinh Bá Tư. Courtesy: Facebook

     Gia đình cho biết có bốn luật sư tham gia bào chữa cho hai mẹ con bà Cấn Thị Thêu và Trịnh Bá Tư tại phiên xử. Đó là các luật sư Đặng Đình Mạnh, Lê Văn Luân, Phạm Lệ Quyên và Ngô Anh Tuấn.

    Luật sư Đặng Đình Mạnh giải thích, dù trên lý thuyết vụ án được nói xét xử công khai, nhưng qua thực tế bấy lâu nay hầu hết trong những vụ án có yếu tố chính trị, người thân vẫn có thể bị cấm, ngăn chặn không cho dự.

    Luật sư Đặng Đình Mạnh cũng cho biết những bằng chứng mà cơ quan chức năng dùng để cáo buộc bà Cấn Thị Thêu và anh Trịnh Bá Tư là những video clip và livestream mà hai người đã đăng tải trên mạng xã hội. Ông trình bày:

    “Trong tám cái clip mà bà Thêu và em Tư đã lập trên trang mạng xã hội Facebook, họ livestream về vụ án Đồng Tâm. Ví dụ như họ tường thuật rồi đưa ra suy nghĩ và quan điểm của họ về sự việc xảy ra ở Đồng Tâm. Cơ quan chức năng cho rằng họ phải chịu trách nhiệm về 8 clip đó vì nó mang nội dung tuyên truyền chống lại nhà nước”.

    Luật sư Đặng Đình Mạnh chia sẻ quan điểm của ông khi chuẩn bị cho phiên tòa sơ thẩm:

    “Trước tiên tôi có thể khẳng định: Tất cả các luật sư bào chữa cho vụ án này xác định là họ vô tội. Thứ hai, riêng đối với tôi thì tôi sẽ chú trọng trình bày quan điểm cho thấy rằng Điều luật 117 đi ngược lại với Hiến Pháp. Thêm nữa, nó đi ngược lại với Công ước về Nhân quyền của Liên Hợp Quốc. Khi có những xung đột với luật quốc tế (mà chính quyền Việt Nam đã từng ký kết tham gia) mà căn cứ vào chính luật pháp của Việt Nam có quy định trong trường hợp có những xung đột thì ưu tiên áp dụng luật quốc tế. Và nếu trong trường hợp áp dụng luật quốc tế thì đương nhiên phải nhìn rằng họ vô tội”.

    Đối với ông Trịnh Bá Khiêm, trước khả năng vợ và con trai út bị án tù và đây không phải là lần đầu tiên vợ ông, bà Cấn Thị Thêu, bị chính quyền Việt Nam giam tù, ông Khiêm nói:

    “Bản án dù năm năm hoặc 12 năm mà Cộng sản Hòa Bình còn nói là vợ tôi tái phạm thì có thể Cộng sản Hòa Bình xử đến 15 năm như nhà báo độc lập Phạm Chí Dũng, thì tôi vẫn cứ thấy là bình thản thôi. Vì bọn Cộng sản này dã man thì gia đình nhà tôi đã tính trước rồi. Gia đình nhà tôi vẫn cứ tiếp tục đấu tranh, vẫn bình thản với mọi bản án của cái chế độ Cộng sản, chế độ ăn cướp này”.

    Luật sư Mạnh cho biết sẽ có buổi làm việc với thân chủ tại trại tạm giam vào ngày 4 tháng 5, một ngày trước khi phiên tòa diễn ra.

    Bà Cấn Thị Thêu, hai con trai anh Trịnh Bá Tư và Trịnh Bá Phương, cùng với một người dân Dương Nội là bà Nguyễn Thị Tâm bị lực lượng chứa năng bắt vào ngày 24/6/2020, sau khi bốn người này loan tin và lên tiếng về vụ lực lượng công an tấn công vào xã Đồng Tâm, ngoại thành Hà Nội vào rạng sáng ngày 9/1/2020.  Anh Trịnh Bá Phương và bà Nguyễn Thị Tâm bị tách ra một vụ án riêng do Công an Hà Nội thụ lý. 

    “Theo hồ sơ thể hiện thì cả hai mẹ có quan điểm riêng trong vụ án này, đó là bất hợp tác với cơ quan an ninh điều tra. Trong suốt mấy chục bản lời khai thì họ đều nhất quán chỉ có một câu thôi, đó là chỉ làm việc khi có mặt luật sư. Ngoài ra cả hai không thừa nhận bất kỳ điều gì cả”. -Luật sư Đặng Đình Mạnh

    Bà Cấn Thị Thêu và anh Trịnh Bá Tư được cho biết trong suốt thời gian gần một năm bị tạm giam, vẫn giữ quyền im lặng đối với công an điều tra. Anh Trịnh Bá Tư có một giai đoạn tuyệt thực 20 ngày. Anh Trịnh Bá Phương đã bị đưa đi bệnh viện tâm thần dù trước kia không có triệu chứng bệnh gì về tâm thần.

    Luật sự Mạnh ghi nhận một điều mà ông cho là đáng chú ý. Đó là gia đình bà Cấn Thị Thêu ý thức rõ quyền của mình trong tiến trình tố tụng:

    “Theo hồ sơ thể hiện thì cả hai mẹ có quan điểm riêng trong vụ án này, đó là bất hợp tác với cơ quan an ninh điều tra. Trong suốt mấy chục bản lời khai thì họ đều nhất quán chỉ có một câu thôi, đó là chỉ làm việc khi có mặt luật sư. Ngoài ra cả hai không thừa nhận bất kỳ điều gì cả”.

    Gia đình bà Cấn Thị Thêu đấu tranh đòi công lý cho dân oan từ hàng chục năm nay sau khi họ bị cưỡng chế đất tại Dương Nội, ngoại thành Hà Nội.

    Bà Thêu, 60 tuổi, đã hai lần bị chính quyền Hà Nội bỏ tù vì những hoạt động đấu tranh của bà. Năm 2014, bà bị giam tù 15 tháng về cáo buộc “chống người thi hành công vụ”. Sau khi được thả, bà trở lại hoạt động và bị bắt lần thứ hai vào năm 2016. Lần đó bà bị giam 20 tháng về tội danh “gây rối trật tự công cộng”.

    Ông Trịnh Bá Khiêm cũng bị tuyên án 18 tháng tù trong vụ xử cùng lần với bà Cấn Thị Thêu và một người dân Dương Nội khác vào năm 2014./.

     RFA