„Cái “tên” ấy là danh xưng thật xác đáng và đầy ý nghĩa cũng dành cho hàng triệu triệu người dân Việt, những người hoạt động nhân quyền, những dân oan đòi công lý và công bằng, những nạn nhân của chế độ Cộng sản…“
Lynn Huỳnh
Dĩ nhiên ai cũng biết đây khó thể là danh từ riêng theo cách hiểu của ngữ pháp tiếng Việt.
Linh mục Giuse Ngô Văn Kha, Dòng Chúa Cứu Thế, chia sẻ ở tài khoản cá nhân facebook của ngài rằng (trích):
“Cái “tên” ấy bất ngờ được chị Cấn Thị Thêu khẳng khái thốt ra giữa phiên toà, gây nên nhiều bối rối từ chính những kẻ có chức danh, có tên tuổi đang nhân danh Nhà nước pháp quyền, “cầm cân nảy mực – thi hành công lý”.
Cái “tên” đầy uy lực ấy đối kháng cách mãnh liệt với những mỹ từ mà Nhà cầm quyền Cộng sản vẫn luôn tự hào với người dân trong nước và kiêu hãnh với các quốc gia trên thế giới, là “độc lập, tự do, dân chủ, văn minh và hạnh phúc” (?!)
Cái “tên” ấy được long trọng công bố một cách dõng dạc, ôn hoà, không chút sợ hãi trước những áp bức về thể chất lẫn tinh thần của Nhà cầm quyền, bất chấp sự trả giá bằng bản án bất công và vô pháp, khắc nghiệt và hèn hạ.
Cái “tên” ấy là câu trả lời dứt khoát cho những cáo buộc của Nhà cầm quyền về những “hoạt động nhằm lật đổ chính quyền,” “tuyên truyền chống nhà nước”, và “lợi dụng quyền tự do dân chủ” để đàn áp giới bất đồng chính kiến, những người hoạt động xã hội và đòi hỏi nhân quyền.
Cái “tên” ấy là danh xưng thật xác đáng và đầy ý nghĩa cũng dành cho hàng triệu triệu người dân Việt, những người hoạt động nhân quyền, những dân oan đòi công lý và công bằng, những nạn nhân của chế độ Cộng sản có hoàn cảnh như chị và gia đình chị.
Cái “tên” ấy đại diện cho triệu triệu dân oan trong cả nước, chỉ định những khuôn mặt khắc khổ, sần sùi vì bị đày đoạ, những ánh mắt hằn sự khô khốc của những giọt nước mắt tủi hờn, những số phận nghiệt ngã đã được an bài bởi những chính sách phi pháp và vô luân…
Cái “tên” và hình ảnh của chị được ghi khắc trong lòng người dân, những người luôn ngả theo công lý, luôn dành tình cảm và sự tôn trọng đối với chị gia đình chị – là những người có chính nghĩa, không khuất phục bạo quyền”…
Với đoạn nhận xét trên của một vị linh mục, liệu nhà chức trách có quy chụp một điều luật hình sự nào đó với ngài, bởi rõ ràng ở đây cả câu “Tên tôi là Nạn Nhân Cộng Sản” mang ý nghĩa của tính biểu tượng, gợi nhớ đến “Je suis Charlie” (tiếng Pháp có nghĩa “Tôi là Charlie”). Đây là một khẩu hiệu và logo được tạo ra bởi giám đốc nghệ thuật Pháp Joachim Roncin và được những người ủng hộ tự do ngôn luận và tự do báo chí chấp nhận sau ngày 7 tháng 1 năm 2015, trong đó mười hai người đã bị giết tại các văn phòng của tờ tuần báo châm biếm Pháp Charlie Hebdo.
“Je suis Charlie” xác định một người nói hoặc người hỗ trợ với những người đã bị giết trong vụ nổ súng Charlie Hebdo, và bằng cách mở rộng, một người ủng hộ tự do ngôn luận và chống lại các mối đe dọa vũ trang. Một số nhà báo chấp nhận biểu hiện như một tiếng kêu biểu tình cho sự tự do thể hiện bản thân.
“Tên tôi là Nạn Nhân Cộng Sản” cũng vậy, đây có thể là những người cộng sản đã từng đứng dưới màu cờ sắc áo của tổ chức Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam, để rồi sau ngày 30 tháng tư ít lâu, họ nhận ra là bị lừa (xem thêm “Tôi dám nhìn thẳng vào sự thật vì không còn là tù binh của Đảng”).
“Tên tôi là Nạn Nhân Cộng Sản”, có thể đó là những trí thức về sau này đã phải ‘bất lực’ với ‘phê và tự phê’ trong bộ máy cầm quyền Đảng, đã chọn việc “trả thẻ Đảng” như một số thành viên trong Câu lạc bộ Lê Hiếu Đằng, như bác sĩ Quân đội Đinh Đức Long, như nhà báo Phạm Chí Dũng…
“Tên tôi là Nạn Nhân Cộng Sản”, có thể đó còn là những đảng viên công an như Trung tướng Cao Ngọc Oánh đã bị chính đồng chí của mình ‘triệt’ trong tranh giành quyền lực khi dựng lên vụ án PMU18, để rồi sau đó đành ‘nghỉ hưu’ trong cay đắng hoạn lộ.
“Tên tôi là Nạn Nhân Cộng Sản”, có thể đó là cựu Thường trực Ban Bí thư Đinh Thế Huynh, một quân nhân, nhà báo và chính trị gia. Trên lý thuyết, ông hiện vẫn là Đại biểu Quốc hội Việt Nam khóa XIV nhiệm kỳ 2016-2021, thuộc Đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố Đà Nẵng, thế nhưng trên chính trường thì ông đã mất dạng.
“Tên tôi là Nạn Nhân Cộng Sản”, đó có thể còn là cựu Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng, người mà ai cũng tưởng đã đặt một chân vào vị trí Tổng Bí thư khóa XIII.
Có lẽ ông Trần Quốc Vượng sẽ ‘để đời’ với nhận định: “Cơ đồ ta xây dựng 75 năm nay sụp đổ hay không cũng do chúng ta thôi, chẳng phải do kẻ thù đâu. Chẳng ai xâm lược mình, chẳng ai mang máy bay, đại bác đến xâm lược, lật đổ chúng ta đâu. Ta không làm tốt thì tự ta lật đổ ta thôi”.
Xem ra ở xứ Việt từ hơn 46 năm qua, ai cũng có thể “Tên tôi là Nạn Nhân Cộng Sản”.
Lynn Huỳnh
VNTB (07.05.2021)