Mục lục
Bà Cấn Thị Thêu và con trai Trịnh Bá Tư vững mạnh ứng đối trước tòa
Án tù 16 năm mà Tòa tỉnh Hòa Bình tuyên phạt đối với hai mẹ con nông dân đấu tranh giữ đất, Cấn Thị Thêu và Trịnh Bá Tư, không làm cả hai nao núng mà ngược lại trước tòa họ vẫn khẳng khái ứng đối, bác bỏ những cáo buộc của tòa. Bản án cũng bị các tổ chức nhân quyền và những người quan tâm mạnh mẽ lên án.
Bà Cấn Thị Thêu và con trại, anh Trịnh Bá Tư tại toà án tỉnh Hoà Bình hôm 5/5/2021 Courtesy of VTC News
“Em thật sự rất là là bức xúc, bức xúc vô cùng. Thật sự trong người em từ hôm qua đến giờ vẫn là cơn giận dữ rất lớn”.
Đó là tâm trạng của cô Trịnh Thị Thảo, con gái của bà Cấn Thị Thêu, một ngày sau khi mẹ cô và em trại, anh Trịnh Bá Tư, bị Tòa án Nhân dân tỉnh Hòa Bình xét xử về cáo buộc phát tán tài liệu chống nhà nước.
Cô Thảo cùng với người chị dâu là cô Đỗ Thị Thu là những người thân duy nhất được Tòa cho phép tham dự vụ xét xử hôm 5 tháng 5.
Ông Trịnh Bá Khiêm, chồng bà Thêu, lại bị ngăn cản không cho tham dự. Ông cùng với vài chục bà con Dương Nội đã phải đứng ngoài để theo dõi. Ông Khiêm chia sẻ qua livestream rằng, ông chỉ thấy được vợ và con trai trong một vài giây chớp nhoáng khi hai người bị chở đi sau khi phiên tòa kết thúc và ông được biết vợ và con trai bị tuyên phạt mỗi người 8 năm tù giam và 3 năm quản chế:
“Khi mà hai xe chở vợ tôi và con trai tôi ra ngoài cổng, tôi và dân Dương Nội đã vẫy tay và vợ tôi và con trai tôi cũng vẫy tay trở lại và có nhìn thấy tôi”.
Phiên tòa sơ thẩm kết án 16 năm tù chỉ diễn ra trong một ngày.
Hai nhà đấu tranh giữ đất bà Cấn Thị Thêu và con trai Trịnh Bá Tư tại toà án tỉnh Hoà Bình hôm 5/5/2021. Photo: Báo Hòa Bình
Cô Trịnh Thị Thảo nói đây là lần đầu tiên sau 10 tháng cô gặp lại mẹ, em trai từ khi hai người bị bắt giam.
“Khi bước vào phiên tòa thì lúc đấy mẹ em và Tư đã ở trong phiên tòa rồi. Cái cảm xúc của em lúc đấy nhìn mẹ, em không kìm được nước mắt. Em bật khóc ngay ở trong cái phiên tòa đấy. Em thấy mẹ với Tư nhìn thấy em và chị Thu, mẹ với Tư mừng lắm. Mẹ với Tư thì rất mạnh mẽ, vững vàng.”
Trong lúc bà Thêu và anh Tư đang đối mặt với các quan tòa và phía cáo buộc họ phạm tội, cô Thảo cho hay, họ lại là nguồn động viên cho người thân có mặt trong phiên tòa. Bà Thêu và anh Tư đưa tay cái lên ra dấu như muốn nói với cô Thảo và cô Thu rằng hãy “cố gắng lên nhé con, nhé chị”!
Cô Đỗ Thị Thu đã trao đổi được ngắn ngủi với mẹ chồng, bà Thêu.
“Chị Thu nói là cu con, đứa bé sau rất là ngoan, thì mẹ em có nói là con vừa đẻ xong được vài hôm thì mẹ bị bắt, mẹ không thể chăm được con thì mẹ thương con lắm. Con hãy cố gắng.”
“Tên tôi là nạn nhân cộng sản”
Xót xa vì tình cảnh gia đình, nhưng trước Hội đồng xét xử, cả hai mẹ con đã thể hiện tinh thần kiên quyết khẳng định họ vô tội ngay từ những phút đầu của phiên xử.
“Đầu tiên chủ tọa phiên tòa hướng dẫn mẹ em cách xưng hô với Hội đồng xét xử. Họ nói là mẹ em và Tư phải xưng hô là ‘bị cáo’ với Hội đồng xét xử. Thì mẹ em và Tư nói tôi không có tội, tôi sẽ xưng ‘tôi’ với Hội đồng xét xử chứ tôi sẽ không bao giờ tôi xưng ‘bị cáo’. Và suốt phiên tòa đó thì mẹ và Tư đều xưng ‘tôi’ với họ. Tiếp theo nữa là Hội đồng xét xử hỏi mẹ em với Tư tên gì thì mẹ em với Tư đều trả lời ‘Tên tôi là nạn nhân của Cộng sản”.
Bà Cấn Thị Thêu, anh Trịnh Bá Tư, cùng với anh Trịnh Bá Phương và một người dân oan khác là bà Nguyễn Thị Tâm bị bắt giữ ngày 24/6/2020. Trước đó những người này đã tích cực đưa tin về vụ cưỡng chế đất đai ở xã Đồng Tâm, khi lực lượng chức năng tấn công vào xã này hồi đầu năm ngoái, làm chết bốn người, trong đó có người thủ lĩnh tinh thần của làng là cụ Lê Đình Kình.
Cô Trịnh Thị Thảo thuật lại: “Trong phiên tòa đấy thì họ xoay quanh tám cái video nói về tội ác Đồng Tâm. Mẹ em và Tư đã đăng tải thông tin này một cách trung thực, khách quan nhất. Họ nói là mẹ và Tư chống phá chính quyền nhân dân, thì mẹ em với Tư nói là chính quyền này là chính quyền của các quan chức cộng sản chứ không phải là chính quyền của nhân dân. Các ông không đại diện cho chúng tôi. Các ông đè đầu cưỡi cổ cướp bóc từ Bắc vào Nam thì chúng tôi không công nhận chính quyền của các ông là chính quyền của nhân dân.
Tiếp theo họ nói là đất nước này bình yên thế, tại sao lại chống phá? Thì mẹ em nói là, ‘Bình yên? Bình yên tại sao lại trong một làng Đồng Tâm đang đêm ngủ lại đem vài nghìn quân đến bắng giết cụ Lê Đình Kình gần 90 tuổi, mà ông theo đảng đến lúc chết vẫn còn tin đảng’?”.
Trong khi đó báo chí Nhà nước khi đưa tin về phiên tòa nói rằng bà Cấn Thị Thêu và anh Trịnh Bá Tư đã thừa nhận hành vi vi phạm pháp luật. Mạng báo Quân đội Nhân dân viết:
“Trong quá trình điều tra cũng như tại phiên tòa, Cấn Thị Thêu và con trai Trịnh Bá Tư đã thừa nhận hành vi vi phạm pháp luật” và “Bị cáo Cấn Thị Thêu và Trịnh Bá Tư cũng đã tỏ rõ thái độ ăn năn, thành khẩn khai báo, nhận thức rõ hành vi phạm tội của bản thân.”
Phiên xét xử hai nhà hoạt động trong chỉ một ngày đã bị các tổ chức nhân quyền mạnh mẽ lên án. Ân xá Quốc tế (Amnesty International) nhận định những cáo buộc của Tòa án tỉnh Hòa Bình đối với hai mẹ con là “ngụy tạo” và nhằm trừng phạt, trả thù đối với hoạt động ôn hòa phơi bày bất công và những vi phạm nhân quyền tại Việt Nam.
Hai tổ chức nhân quyền là Mạng lưới Nhân quyền Việt Nam và Người Bảo vệ Nhân quyền nhận thấy rằng “việc bắt giữ bà Thêu cùng hai con trai của bà là độc đoán chỉ vì các hoạt động nhân quyền ôn hoà của họ. Họ bị biệt giam trong giai đoạn điều tra, không có sự chứng kiến của luật sư trong các cuộc hỏi cung và bị đối xử vô nhân đạo, thậm chí đe dọa bởi cán bộ của cơ quan tố tụng, như anh Tư khẳng định trong phiên toà”.
Ông Matthew Bugher, giám đốc chương trình Chấu Á của Article 19, tổ chức bảo vệ quyền tự do ngôn luận có trụ sở tại Anh, kêu gọi Việt Nam ngưng ngay hành vi quấy rối bằng tư pháp đối với bà Cấn Thị Thêu và anh Trịnh Bá Tư, chấm dứt đàn áp các tiếng nối độc lập, và hơn nữa, chính Bộ luật Hình sự của Việt Nam phải được sửa đổi phù hợp với luật nhân quyền quốc tế.
Những thiếu sót trong quá trình tố tụng và… những cái không nên có!
Luật sư Đặng Đình Mạnh cho rằng lẽ ra Điều luật 117 (làm, tàng trữ, phát tán và tuyên truyền thông tin, tài liệu vật phẩm nhằm chống Nhà nước) không nên có trong Bộ luật Hình sự vì nó đi ngược với Điều 25 của Hiến pháp Việt Nam về quyền tự do ngôn luận, vì vậy bản án 16 năm tù là một oan sai. Luật sư Mạnh là một trong bốn luật sư bào chữa cho gia đình hôm đó. Ông chia sẻ:
“Chúng tôi có sự phân công với nhau. Như tôi thì chuyên về xem xét về thủ tục một vụ án. Các luật sư mới cử tôi là người bào chữa đầu tiên và tôi trình bày vấn đề thuần túy về phương diện thủ tục. Có nhiều cái không đúng, không bảo đảm nguyên tắc bình đẳng tại tòa. Ví dụ như bà Cấn Thị Thêu, chúng tôi có hướng dẫn để bà yêu cầu phải có các điều tra viên và giám định viên phải có mặt ở tòa. Nhưng mà tòa không chấp thuận. Và qua bao nhiêu bản mà các công an điều tra viên họ lập và những văn bản kết luận, họ coi đây mặc nhiên nó đúng rồi, nó là chân lý rồi, là chứng cứ để buộc tội.
Chúng tôi đã phản bác điều đó. Chúng tôi nói lẽ ra phải có những người này để chúng tôi hỏi rằng là từ cơ sở pháp lý nào mà họ hình thành lên những văn bản đó”?
Luật sư Mạnh nói các luật sư đã không có được cơ hội đối chất với công an điều tra về những điều như thế. Thay vào đó, lại có một đối tượng mà ông nói lẽ ra không nên có trong một tòa án pháp luật:
“Giám định thì nó có nhiều loại giám định. Thật ra giám định là một định chế rất tốt. Nó giúp cho những người khi tham gia một vụ án và không có những kiến thức chuyên môn, thì những giám định viên này giúp. Ví dụ như một người bị chết đột ngột chẳng hạn thì giám định viên về pháp y có thể chỉ ra là người đó chết do bệnh tật, ngẫu nhiên hay vì tai nạn hay bị ám sát… Thể thì những giám định viên thật ra đều rất tốt, giúp cho vụ án hình sự. Nhưng ở Việt Nam, trong những vụ án loại này lại có một cái giám định viên gọi là giám định viên tư pháp, về tư tưởng, về nhận thức, về quan điểm chính trị. Thì họ sẽ chỉ ra ‘Lời đó mang ý nghĩa phỉ báng chính quyền. Mà nếu phỉ báng chính quyền thì nó sẽ thuộc tội danh của Điều luật 117’. Thì đây là loại giám định viên mà thế giới không có. Chỉ có Việt Nam mới có”.
Tiếng vang từ phiên toà
Luật sư Mạnh cho biết, khi ông gặp thân chủ trong buổi làm một hôm trước phiên tòa, thì bà Cấn Thị Thêu và anh Trịnh Bá Tư đều khẳng định khi bị buộc có tội thì họ sẽ kháng cáo, và hai người đã lập lại ý định này với đoàn luật sư trong phiên tòa.
Ông Mạnh nói, phiên tòa đã để lại nhiều dấu ấn đối với cá nhân ông:
“Tôi tham dự nhiều tòa án, nhiều phiên tòa mà xử những người có tội liên quan đến chính trị. Hôm qua phải nói là tôi dự một phiên tòa hết sức ấn tượng. Họ được xem như là những người nông dân, họ là nông dân. Nhưng mà thái độ họ thể hiện trước tòa, bản lĩnh của họ, sự bất khuất, kiên cường của họ, cách ứng xử của họ làm tôi hết sức bất ngờ. Chúng tôi hết sức khâm phục với những người phải mang tội danh như vậy”.
Cô Trịnh Thị Thảo nói, khi kết thúc phiên tòa và Hội đồng xét xử tuyên án 16 năm tù đối với bà Cấn Thị Thêu và anh Trịnh Bá Tư, cả hai người đã hô to: “Đả đảo cộng sản! Đả đảo cộng sản”!
Giang Nguyễn, RFA (08.05.2021)
Quản trị web/ blog: nghề dễ đi tù
Nhà chức trách Việt Nam luôn ‘canh me’ để bỏ tù liên quan ‘quyền mở miệng’?!
“Với người đọc, nếu muốn trao đổi quan điểm về bài viết hoặc nhận xét, đánh giá… thì hãy để lại lời bình luận có tâm, thiện chí với tác giả. Với người viết, hãy thận trọng với những lời bình luận của công chúng trong bài viết của bạn. Hãy xử lý trước khi chúng kịp mang đến tai họa”.
Luật sư Đặng Đình Mạnh đã đưa ra nhắc nhở như trên sau đúng 1 ngày kết thúc phiên hình sự sơ thẩm vụ án bà Cấn Thị Thêu “Tên tôi là Nạn Nhân Cộng Sản”.
Trở lại với tựa bài viết: vì sao nghề quản trị web ở Việt Nam dễ bị đi tù?
Thuật ngữ “Admin – Administrator” là người quản trị, hay là quản trị viên. Đây là quyền cao nhất đối với quản lý viên. Với các nền tảng trực tuyến website, facebook, diễn đàn… thì admin là người điều hành.
Có lẽ việc ‘dễ bị đi tù’ ở đây chủ yếu ‘rơi’ vào “Admin Facebook”, tức là quản trị viên các fanpage, groups và người này có tất cả quyền hạn đối với một cái group, fanpage đó. Thường các fanpage, group được tạo ra nhằm hướng nhiều đối tượng khác nhau, nhằm thu hút lượng tiếp cận, tương tác và cũng để giải trí hay mua bán kinh doanh tùy theo mục đích của admin tạo ra.
Cũng vòng nguy hiểm đe dọa tù tội tương tự, đó là “Admin diễn đàn”, tức là người quản lý một cái diễn đàn, blog và có quyền hạn cao nhất trên đó, họ sẽ kiểm duyệt nội dung mà các thành viên đăng tải trên trang của họ. Ở các diễn đàn, forum hay các blog cộng đồng là nơi người ta có thể thấy admin nhiều nhất.
Admin diễn đàn là người tương tác mạnh với cộng đồng trong diễn đàn đó, luôn xuất hiện với danh nghĩa admin. Khác với admin website – đôi khi cộng đồng không hề biết đến thương hiệu cá nhân cả admin website.
Người làm Admin Facebook sẽ quản lý các group, fanpage của doanh nghiệp, bao gồm việc đăng bài, kiểm duyệt các bình luận hay bài đăng tải, cảnh cáo và xóa các nội dung bình luận xấu nhằm bảo vệ trang của mình trước những thành phần xấu, đồng thời tương tác với các thành viên trong nhóm.
Thường thì để an toàn trong hạn mức nào đó, phía quản trị thường sử dụng mẫu câu như trên VOA: “Đây là một blog cá nhân được đăng tải trên Đài VOA nhưng không nhất thiết tương đồng với quan điểm của đài và của chính phủ Hoa Kỳ”.
Một vấn đề đặt ra là vì sao nhà chức trách Việt Nam luôn ‘canh me’ để bỏ tù liên quan ‘quyền mở miệng’ như nhắc nhở ở phần đầu bài viết này từ luật sư Đặng Đình Mạnh?
Có phải không, tự kể điều mình biết, tự nói điều mình nghĩ với hàng triệu người đã trở thành chuyện đơn giản và bình thường. Khi một người nói, nhiều người có thể cùng nghe, bất kể người nói là ai, làm gì, ở đâu thì vai trò, vị trí của cá nhân trong tương tác với xã hội đã khác trước và chắc chắn sẽ càng ngày càng khác. Và đó cũng là lý do để dù muốn hay không, hệ thống truyền thông chính thống phải tự thay đổi – mà dễ thấy nhất là các mục “Bình luận” nằm dưới các bài viết trên báo điện tử luôn là nội dung thu hút độc giả nhất cho sự tương tác.
Đơn cử, bài báo Dân kiện chủ tịch tỉnh, chủ tịch tỉnh không dự tòa ‘vì lý do công tác’ trên tờ Tuổi Trẻ, phần “bình luận” được kiểm duyệt, đã xuất hiện 2 nội dung nhẹ nhàng như sau: “Bạn đọc thấy nội dung của bài viết rất hay, để rộng đường dư luận biết. Tòa án cũng đau đầu cách né tránh của chủ tịch ủy ban Khánh Hòa. Không mang tính thuyết phục” – “Chủ tịch làm đúng thì nên thu xếp công việc để có mặt tại toà làm rõ cho bên nguyên đơn”.
Sự dè dặt của báo chí ở đây trong phần xét duyện bình luận của độc giả, có căn cứ từ một quy định được thể hiện qua hình thức ‘tự nguyện’. Vào ngày 25-12-2018, Hội Nhà báo Việt Nam đã công bố Quy tắc sử dụng mạng xã hội của người làm báo Việt Nam, có hiệu lực từ ngày 1-1-2019; trong đó, các khoản 02, 03, 04, 06 tại Điều 4 “Những việc/điều người làm báo không được làm khi tham gia mạng xã hội”.
Cụ thể, người làm báo Việt Nam tuyệt đối không được có những hành vi như: “Đăng tải các tin, bài, hình ảnh, âm thanh trên mạng xã hội, đưa ra các bình luận, chia sẻ quan điểm cá nhân hoặc trích đăng lại các bài phát biểu, ý kiến trái với đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước; trái với nội dung, quan điểm của tác phẩm báo chí mà bản thân người làm báo đó đã viết và đăng tải, trái với quan điểm của cơ quan báo chí nơi mình công tác”;
“Bình luận, nhận xét, chia sẻ các thông tin có mục đích kích động, lôi kéo người khác phản ứng tiêu cực về các vấn đề chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh, quốc phòng, đối ngoại… có yếu tố phức tạp, nhạy cảm đang cần tạo cách nhìn, thái độ tích cực mang tính xây dựng của cộng đồng và sự đồng thuận xã hội”;
“Thông tin vụ việc chưa được kiểm chứng, gây hoang mang trong nhân dân, gây thiệt hại cho các hoạt động kinh tế – xã hội, gây khó khăn cho hoạt động của cơ quan nhà nước hoặc người thi hành công vụ; gây tổn hại về thể chất, danh dự, nhân phẩm của công dân; tuyên truyền, kích động bạo lực, cổ xúy lối sống đồi trụy, hủ tục mê tín dị đoan, các hành vi tiêu cực, phân biệt đối xử về giới, vùng miền, dân tộc, chủng tộc”…
Nếu người làm báo vi phạm các quy định nêu trên sẽ không chỉ vi phạm Luật Báo chí, mà còn vi phạm Bộ luật Hình sự, và Hội Nhà báo Việt Nam nhấn mạnh rằng sở dĩ họ đưa ra các quy định này là trực tiếp xác định tiêu chí đạo đức nghề nghiệp có tính chất răn đe, để hội viên không vi phạm.
“Khi một bài viết được đăng công khai, thì người đăng không chỉ chịu trách nhiệm về nội dung bài viết của mình trước pháp luật, mà còn phải chịu trách nhiệm về những lời bình luận của công chúng trong bài viết ấy!? Rủi thay, nếu lời bình luận ấy mang nội dung chống, phá chính quyền, thì danh tính tác giả bài viết sẽ được đưa vào tầm ngắm của các cơ quan bảo vệ pháp luật và kéo theo sự chế tài là khả năng không hề nhỏ” – luật sư Đặng Đình Mạnh, nhận xét.
Thới Bình, VNTB (08.05.2021)
NXB Tự do lên tiếng vụ cộng tác viên bị khởi tố vì phát hành sách ‘chống phá’
NGUỒN HÌNH ẢNH,NXB TỰ DO Chụp lại hình ảnh, Một số ấn phẩm của NXB Tự do
Nhà xuất bản Tự do – một tổ chức dân sự không được Việt Nam công nhận – lên tiếng vụ việc ông Nguyễn Bảo Tiên bị công an Việt Nam khám nhà, bắt giữ và khởi tố hôm 5/5 do phát hành các ấn phẩm mà chính quyền nói mang tính ‘chống phá’.
Trong email gửi BBC News Tiếng Việt hôm 6/5, đại diện NXB Tự do khẳng định ông Bảo Tiên là cộng tác viên của mình, rằng ông vô tội và ông chỉ đang “thực thi các quyền được công nhận trong các Công ước quốc tế mà chính quyền Việt Nam đã ký kết”.
Báo Công an Nhân dân năm 2020 gọi Nhà xuất bản Tự do là “một tổ chức dân sự trá hình, hoạt động “chui”, chuyên xuất bản, in ấn và phát hành các ấn phẩm có nội dung tiêu cực, xuyên tạc, kích động bạo lực, chống phá Đảng, Nhà nước”.
Đại diện NXB Tự do cũng nêu nghi vấn việc ông Bảo Tiên có thể đã bị bắt và giam giữ trái phép 18 tháng nay chứ không phải tới ngày 5/5 mới bị bắt như truyền thông chính thống của Việt Nam đưa tin.
Email của NXB Tự do có đoạn:
“Vào khoảng tháng 7, tháng 8/2019, an ninh TP.HCM siết chặt các địa điểm dịch vụ chuyển phát bưu phẩm nhằm ngăn chặn các con đường chuyển sách của NXB Tự Do đến bạn đọc. Trước khó khăn này, NXB đã ra lời kêu gọi sự giúp đỡ của cộng đồng. Lời kêu gọi của chúng tôi đã được rất nhiều người ủng hộ, trong đó có anh Nguyễn Bảo Tiên ở Phú Yên.
“Anh Tiên liên lạc với chúng tôi và từ đó anh trở thành một cộng tác viên nhiệt tình của NXB Tự Do. Tuy nhiên, từ sau ngày 02/10/2019 thì chúng tôi bị mất liên lạc hoàn toàn với anh, nick Facebook và Whatsapp của anh bị khóa.
“Sau đó, khoảng tháng 11, 12/2019, chúng tôi liên tục nhận được thông báo từ độc giả – những người bị an ninh câu lưu thẩm vấn – báo về việc an ninh đang điều tra “một đường dây làm sách ở Phú Yên”.
“Từ những thông tin này, chúng tôi biết anh Tiên đã bị bắt và Cơ quan An ninh đang tìm cách đổ hoàn toàn trách nhiệm cho anh về các hoạt động của NXB Tự Do.
“Cho đến tận ngày hôm qua, 05/05/2021 báo chí Việt Nam mới đồng loạt đưa tin về vụ bắt giữ và khởi tố đối với anh Nguyễn Bảo Tiên, nghĩa là sau 18 tháng kể từ khi anh Tiên mất tích.”
NXB Tự do cho rằng họ ‘có cơ sở’ để hoài nghi ông Bảo Tiên đã bị bắt, giam giữ và ‘quản thúc trái pháp luật’ suốt 18 tháng qua.
NGUỒN HÌNH ẢNH,NXB TỰ DO Chụp lại hình ảnh, Các ấn phẩm của NXB Tự do chủ yếu về chính trị, xã hội và luật pháp.
“Chúng tôi yêu cầu Nhà nước Việt Nam và Cơ quan An ninh tỉnh Phú Yên trả tự do cho anh Tiên ngay lập tức và vô điều kiện,” đại diện NXB Tự do viết trong email trả lời BBC ngày 6/5.
‘Hao tổn nhân lực và nguồn lực’
Đây không phải lần đầu tiên NXB Tự do – được thành lập tháng 2/2019 với tuyên bố là “một tổ chức phi lợi nhuận…không chịu sự kiểm duyệt của chính quyền Việt Nam” – bị đàn áp.
Tháng 11/2019, Tổ chức Theo dõi Nhân quyền và Tổ chức Ân xá Quốc tế đề nghị Việt Nam ‘dừng trấn áp’ Nhà Xuất Bản Tự do. Bản thông cáo cho hay hàng loạt người đã bị quấy rối, đe dọa, và ít nhất một người cho hay bị tra tấn và bị đối xử tệ bạc khi bị cảnh sát giam giữ.
Thông cáo nói “cuộc đáp áp này làm trầm trọng thêm bầu không khí sợ hãi phổ biến ở Việt Nam, nơi chính quyền hạn chế nghiêm ngặt quyền tự do ngôn luận, và nơi người dân đối mặt với việc bị bắt giữ và bỏ tù chỉ vì nói lên ý kiến của mình”.
Vụ bắt giữ đình đám nhất xảy ra vào tháng 6/2020, khi công an Việt Nam cho bắt nhà hoạt động Phạm Đoan Trang, tác giả, đồng sáng lập viên và cựu thành viên của NXB Tự do.
Trao đổi với BBC, đại diện NXB Tự do thừa nhận họ đang ‘bị đàn áp và truy bức liên tục’ nên đang bị ‘hao tổn về nhân lực và các nguồn lực khác’. Tuy nhiên, NXB Tự do vẫn cố gắng duy trì việc xuất bản và phát hành sách dưới dạng ebook, miễn phí cho độc giả.
“Hy vọng một ngày không xa, những cuốn sách in của NXB Tự Do lại được tiếp tục chuyển đến tay bạn đọc,” đại diện NXB Tự do nói với BBC.
Chính quyền VN và các NXB ‘lề trái’ có thể tìm tiếng nói chung?
Trao đổi với BBC News Tiếng Việt hôm 7/5, luật sư Đặng Đình Mạnh từ TP Hồ Chí Minh nói quan điểm của ông và nhiều luật sư khác là phản đối Điều 117 Bộ Luật Hình sự – điều luật mà chính quyền Việt Nam viện dẫn để bắt ông Bảo Tiên.
“Tôi đã từng phát biểu công khai nhiều lần rằng điều 117 là điều không nên có trong Bộ Luật Hình sự của Việt Nam, bởi nó đi ngược lại hiến pháp của Việt Nam và các công ước quốc tế mà Việt Nam tham gia, trong đó quy định người dân được quyền tự do ngôn luận. Như vậy, quan điểm của chúng tôi là những người bị bắt và xét xử theo điều này là bị oan.”
“Nhưng phải hiểu rằng ở đây có sự xung đột trong cách hiểu về luật pháp. Hiến pháp thì quy định vậy nhưng trên thực tế, chính quyền đang cho là các sách đó đi ngược lại chính sách của mình, do đó họ tìm cách cản trở hoạt động và thậm chí xử lý hình sự những người liên quan.”
“Luật pháp Việt Nam chưa hoàn hảo. Mỗi lần tham gia quan hệ quốc tế thì luật pháp Việt Nam lại có sự thay đổi, tiệm cận hơn với quốc tế. Nhưng hành xử theo luật tại Việt Nam vẫn có một khoảng cách lớn với quốc tế. Giải pháp là Việt Nam cần căn cứ theo tiêu chuẩn quốc tế mà làm theo, để có tiếng nói chung với luật pháp quốc tế. Việt Nam không thể nào sáng tạo luật riêng được,” luật sư Mạnh nói.
Tuy nhiên, luật sư Mạnh cho rằng việc NXB nghi vấn ông Bảo Tiên bị câu lưu 18 tháng chỉ là ‘phỏng đoán’. Để kết luận, NXB Tự do cần phải có các dữ liệu, chứng cứ chính xác, rõ ràng.
Nhận định về các ấn phẩm do NXB Tự do phát hành và hiện đang bị cấm, luật sư Mạnh nói ông thấy trên thực tế chúng ‘rất chất lượng’, ‘hướng thiện’, ‘chủ trương khai dân trí’.
“Chính quyền nên khuyên khích những NXB ‘ngoài lề’ như NXB Giấy vụn, NXB Tự do, chứ không nên cấm.”
“Giải pháp là tạo điều kiện để các NXB này hợp pháp hóa. Chính quyền có thể mời đại diện NXB tới để hướng dẫn đăng ký cho hợp pháp. Đây là một cách làm hết sức thiện chí từ chính quyền. Tôi nghĩ rằng các NXB sẽ sẽ hoan nghênh ngay,” luật sư Đặng Đình Mạnh nói với BBC.
BBC (07.05.2021)
Nhà Xuất bản Tự do: An ninh coi anh Nguyễn Bảo Tiên là con cá lớn mà họ bẫy được
Ảnh minh họa FB Nhà Xuất bản Tự Do
Ngay sau khi truyền thông Nhà Nước vào ngày 5/5 loan tin khởi tố anh Nguyễn Bảo Tiên, một cộng tác viên của Nhà Xuất bản Tự do, về tội “tàng trữ, tuyên truyền tài liệu nhằm chống Nhà nước”, Nhà Xuất bản này đã ra bản tuyên bố cho rằng Cơ quan An ninh Công An tỉnh Phú Yên giam anh Nguyễn Bảo Tiên trái pháp luật trong suốt 18 tháng qua và việc làm của anh này không vi phạm pháp luật.
Phóng viên Giang Nguyễn đã có cuộc nói chuyện với một đại diện Nhà Xuất bản Tự do để sự việc được rõ thêm. Mời quý vị theo dõi.
Giang Nguyễn: Cảm ơn chị Ngọc Minh đã dành thời gian cho chúng tôi. Vì vấn đề an toàn đối với chị, chúng ta đã đồng ý chỉ dùng bút danh của chị và không tiết lộ nơi chị đang cư ngụ. Trong phạm vi có thể, xin chị cho biết vai trò của chị trong Nhà Xuất bản Tự do?
Ngọc Minh: Xin kính chào quý khán thính giả nghe đài cùng toàn thể quý đài RFA. Đầu tiên tôi xin thay mặt anh chị em Nhà Xuất bản Tự do, cảm ơn sự quan tâm của Giang Nguyễn và quý đài RFA đối với Nhà Xuất Bản. Cảm ơn sự thông cảm của quý đài đối với sự an toàn của chúng tôi. Vâng tôi là một thành viên và biên tập viên của Nhà Xuất bản Tự do và vì vấn đề an ninh an toàn cá nhân tôi xin được phép không tiết lộ thông tin cá nhân. Xin thông cảm.
Giang Nguyễn: Hôm 6 tháng 5, Nhà Xuất bản Tự do đã công bố lá thư lên tiếng về sự việc cộng tác viên Nguyễn Bảo Tiên bị bắt khác với những gì đã được loan tải trên báo chí nhà nước? Xin chị cho biết sự việc theo quan điểm của các anh chị thành viên Nhà Xuất bản? Quý anh chị dựa trên thông tin gì để nghi vấn rằng ông Nguyễn Bảo Tiên đã bị bắt từ tháng 10/2019?
Ngộc Minh: Về vụ việc của anh Nguyễn Bảo Tiên, chúng tôi có cơ sở để nghi ngờ rằng anh Tiên đã bị nhà cầm quyền Việt Nam bắt giữ hoặc quản thúc từ tháng 10/2019. Những cơ sở nghi vấn của chúng tôi bao gồm: Thứ nhất anh Tiên là một cộng tác viên của Nhà xuất bản; công việc của anh là nhận các đơn hàng, bao gồm sách và các thông tin người nhận, do chúng tôi chuyển cho anh. Nghĩa là anh chị gửi sách theo các địa chỉ mà chúng tôi cung cấp; tuy nhiên anh đã mất liên lạc với chúng tôi từ ngày mùng 2/10/2019. Đến nay đã hơn 18 tháng, vì vậy, anh Tiên không thể có sách mới cũng như thông tin độc giả để phát tán các đơn hàng trong những ngày gần đây như cách mà công an Phú Yên tuyên bố.
Thứ hai do bị chính quyền Việt Nam truy bức liên tục, Nhà Xuất bản Tự do đã ngừng phát hành sách in từ tháng 6/2020. Nhất là sau vụ shipper (những người vận chuyển) khác của Nhà xuất bản bị an ninh giăng bẫy và bắt giữ, vì vậy anh Tiên càng không có lý do gì để tự mình đi phát tán sách vào những ngày gần đây.
Thứ ba Nhà xuất bản đã liên tục nhận được rất nhiều những thông tin từ độc giả, những người đã nhận sách và bị an ninh câu lưu, thẩm vấn trong thời gian tháng 11, tháng 12/2019 về việc anh Tiên bị lộ và bị bắt. Tuy thông tin vào thời đó rất là mơ hồ nhưng tất cả đều cho thấy an ninh đang tập trung điều tra về một “đường dây làm sách” ở Phú Yên. Điều này cho thấy dường như lúc đó an ninh muốn quy chụp cho anh Tiên toàn bộ trách nhiệm về các hoạt động của Nhà Xuất bản Tự do.
Chúng ta cần nhớ rằng đó là thời điểm trước Đại hội của Đảng cộng sản Việt Nam và một nhiệm vụ quan trọng nhất của an ninh lúc đó là phải phá cho bằng được Nhà Xuất bản Tự do trước khi Đại hội diễn ra. Có lẽ vì chưa bắt được Phạm Đoan Trang và các thành viên khác của Nhà xuất bản vào thời điểm đấy nên họ muốn đổ hết tội cho anh Tiên chăng? Tuy điều này chúng tôi chỉ nghi vấn nhưng mọi thông tin mà chúng tôi nhận được đều cho chúng tôi cảm nhận như vậy. Như vậy, bạn có thể thấy an ninh coi anh Tiên là một con cá lớn mà họ bẫy được, vậy họ có thể dễ dàng để cho anh Tiên thoát khỏi tầm mắt của họ để đi nghênh ngang phát tán sách vào những ngày gần đây hay không?
Với các lý do trên cùng với sự mất tích 18 tháng và tuyên bố đột ngột về việc khởi tố anh Tiên vào ngày mùng 5 tháng 5 của bên phía an ninh, chúng tôi hoàn toàn có cơ sở để tin rằng anh Tiên đã bị giam cầm trái phép suốt 18 tháng qua hoặc tối thiểu thì cũng bị quản thúc cách ly suốt một thời gian dài.
Giang Nguyễn: Quý vị đã có hành động gì khi không liên lạc được với anh Nguyễn Bảo Tiên từ ngày 2/10/2019 hoặc là xác nhận thông tin từ độc giả? Hay có điều gì bất lợi trong việc lên tiếng về sự mất tích của anh Nguyễn Bảo Tiên nên các anh chị đã giữ kín cho tới bây giờ?
Ngọc Minh: Việc anh Tiên bị mất liên lạc và những nghi vấn về việc anh bị bắt từ tháng 10/2019 luôn là một nỗi đau canh cánh của anh chị em Nhà Xuất bản Tự do chúng tôi. Quả thật suốt thời gian dài chúng tôi không biết phải làm gì để giúp anh ấy. Vì không có sự thỏa thuận trước khi anh Tiên bị bắt nên chúng tôi không rõ anh đã khai như thế nào. Do đó rất khó có thể đưa tin cho anh ấy. Chúng tôi lo sợ rằng những thông tin của chúng tôi đưa lại có thể gây bất lợi cho anh, như kiểu gián tiếp cung cấp bằng chứng cho an ninh. Vì vậy chúng tôi chọn im lặng suốt từ thời gian đó đến giờ.
Tuy nhiên im lặng không đưa tin trên truyền thông không có nghĩa là chúng tôi không làm gì cho anh. Trường hợp của anh cũng đã được chúng tôi thông báo đến một số tổ chức ngoại giao, một số tổ chức nhân quyền. Đến nay cơ quan công an đã công bố rõ những hoạt động của anh nên chúng tôi mới có thể công bố những thông tin mà chúng tôi có về vụ việc này.
Đáng tiếc là đến nay chúng tôi vẫn chưa thể liên lạc được với gia đình anh Tiên vì chúng tôi không biết họ ở đâu. Như trong tuyên bố của Nhà Xuất Bản đã đề cập, anh Tiên chủ động liên lạc với chúng tôi và nhận giúp phát hành sách. Ở thời điểm nhạy cảm đó do quá cẩn thận nên anh sử dụng một nick ảo và dùng tên giả rồi đổi tên, đổi SIM, đổi điện thoại liên tục, nên chúng tôi không biết nhân thân của anh, chỉ biết em sống ở thành phố Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên.
Đến sau khi anh bị bắt và thông qua thông tin từ độc giả chúng tôi mới biết được tên thật của anh. Chúng tôi mong rằng quý độc giả nếu ai biết thông tin về thân nhân của anh Tiên xin liên hệ với chúng tôi được biết để có sự trợ giúp về pháp lý cho Tiên trong thời gian sắp tới.
Chúng tôi hiểu anh và gia đình đã chịu rất nhiều đau thương trong những 18 tháng qua. Chúng tôi tha thiết mong mỏi cộng đồng hãy quan tâm đến họ.
Giang Nguyễn: Khi kêu gọi sự giúp đỡ từ các cộng tác viên, các anh chị có những biện pháp gì để bảo vệ họ không?
Ngọc Minh: Trường hợp của anh Tiên là trường hợp rất đau lòng của Nhà Xuất bản Tự do và đây cũng là một sơ suất rất lớn của chúng tôi. Rút kinh nghiệm từ vụ việc của anh Tiên chúng tôi đã có những hướng dẫn bảo mật kỹ càng hơn cho các cộng tác viên cũng như thiết lập mối quan hệ để có thể hỗ trợ họ kịp thời cho họ khi có rủi ro xảy ra.
Giang Nguyễn: Hiện nay thành viên của Nhà Xuất bản Tự do gặp những khó khăn gì?
Ngọc Minh: Hiện nay các thành viên của Nhà Xuất bản Tự do ở trong nước họ đang phải sống trong cuộc tình trạng rất nguy hiểm vì họ phải luôn luôn trốn tránh sự truy đuổi của an ninh Việt Nam. Vì vậy trong giai đoạn này chúng tôi chỉ có thể tiếp tục duy trì hoạt động xuất bản online. Tất cả các tác phẩm của chúng tôi đều được đăng tải công khai và cung cấp miễn phí cho độc giả qua dạng ebook trên website của Nhà Xuất Bản. Website chính thức của chúng tôi đã bị đánh sập. Hiện tại chúng tôi phải sử dụng thêm một website miễn phí. Tất cả các đầu sách đều được đăng tải công khai trên đó. Bạn đọc có nhu cầu về sách và muốn có sách thì có thể tải từ website hoặc liên lạc với chúng để nhận được bản ebook.
Giang Nguyễn: Thành thật cảm ơn chị Ngọc Minh.
Ngọc Minh: Xin cảm ơn.
Giang Nguyễn, RFA (07.05.2021)
Ông Nguyễn Bảo Tiên bị bắt vì ‘phát tán’ các ấn phẩm của NXB Tự Do
Công an Phú Yên đọc lệnh tạm giam ông Nguyễn Bảo Tiên, nhưng hình ảnh không ghi chú chụp vào ngày nào. Photo Công an Phú Yên.
Công an tỉnh Phú Yên vừa loan tin đã bắt giam ông Nguyễn Bảo Tiên, làm nghề tài xế, với cáo buộc “Tuyên truyền chống Nhà nước” vì đã “phát tán” các ấn phẩm bị chính quyền cấm của Nhà xuất bản Tự do. Một tuyên bố được cho là của Nhà xuất bản Tự Do cho biết có thể ông Tiên đã bị giam suốt 18 tháng qua.
Báo Công an Nhân Dân hôm 5/5 cho hay cơ quan công an vừa khám nhà, bắt tạm giam ông Nguyễn Bảo Tiên liên quan đến việc phát hành sách của Nhà xuất bản Tự Do.
Tuy nhiên, trang thông tin của Công an tỉnh Phú Yên đã loan báo việc bắt ông Tiên từ hôm 20/4, và vào chiều ngày 29/4, đích thân ông Phạm Đại Dương, Bí thư Tỉnh ủy Phú Yến, đã khen thưởng “nóng” cho Công an tỉnh về “thành xuất xuất sắc” trong quá trình điều tra vụ án này.
Ông Bảo Tiên bị khởi tố và cáo buộc phạm tội “Tàng trữ, phát tán, tuyên truyền tài liệu nhằm chống Nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam” theo quy định tại điểm a khoản 1 điều 117 BLHS .
Theo trang này, ông Tiên được cho là đã “chủ động” nhận phát tán sách như “Cẩm nang nuôi tù”, “Chính trị bình dân”, “Phản kháng phi bạo lực” là những sách mà chính quyền cho là “không được phép lưu hành, có nội dung chống chính quyền Việt Nam.”
Trang CAND cho biết từ tháng 8/2019 đến tháng 10/2019, ông Tiên nhiều lần nhận tổng cộng 68 bưu phẩm (có chứa các cuốn sách trên) và đã phát tán tới người nhận 24 bưu phẩm. Trang này cho biết “mới đây,” trong lúc đang “phát tán” 21 bưu phẩm tại Bưu cục Kerry Express tỉnh Phú Yên thì bị lực lượng Công an phát hiện, thu giữ.
Truyền thông Việt Nam và Công an Phú Yên không nêu chi tiết thời gian nào ông bị phát hiện đang “phát tán” các ấn phẩm này và ông bị bắt vào thời gian nào.
Ông Nguyễn Bảo Tiên sinh năm 1986, sống tại TP. Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên.
Trong một tuyên bố ngày 6/5 mà VOA nhận được, Nhà xuất bản Tự Do cho biết việc ông Nguyễn Bảo Tiên, một cộng tác viên của Nhà xuất bản Tự Do, bị bắt “có quá nhiều nghi vấn.”
“Chúng tôi có cơ sở để hoài nghi anh Tiên đã bị bắt và giam giữ từ tháng 10/2019 đến nay, như vậy, anh Tiên có thể đã bị giam giữ hoặc bị quản thúc trái pháp luật suốt 18 tháng qua,” Nhà Xuất bản Tự Do cho biết.
Nhà xuất bản Tự Do cho rằng việc làm của ông Nguyễn Bảo Tiên là hoàn toàn chính đáng, ông chỉ thực hiện quyền tự do ngôn luận, tự do xuất bản và quyền đọc sách một cách ôn hòa.
Nhà xuất bản này nhận định rằng ông Tiên “vô tội”. Nhà xuất bản “cực lực lên án tội ác này của nhà cầm quyền Việt Nam, yêu cầu chính quyền trả tự do cho anh Nguyễn Bảo Tiên và các tù nhân lương tâm khác ngay lập tức và vô điều kiện.”
Nhà Xuất Bản Tự Do, được thành lập tháng 2/2019, là một tổ chức phi lợi nhuận “với hoạt động chính là xuất bản và phát hành các ấn phẩm không chịu sự kiểm duyệt của chính quyền Việt Nam.” Vì sự an toàn của họ, hầu hết các thành viên của Nhà xuất bản Tự Do không công khai danh tính.
“Kể từ khi thành lập và hoạt động đến nay, các thành viên và cộng tác viên của Nhà xuất bản Tự Do liên tục bị bắt bớ, câu lưu và sách nhiễu. Điển hình là vụ bắt giữ bà Phạm Đoan Trang, một tác giả, đồng sáng lập viên và cựu thành viên của NXB Tự Do,” Nhà Xuất bản Tự Do cho biết trong tuyên bố.
Theo tổ chức Ân xá Quốc tế, lực lượng an ninh Việt Nam đã thẩm vấn ít nhất 100 người trên khắp đất nước, và khám xét nhà của ít nhất một chục người, tịch thu sách về dân chủ và chính sách công do Nhà xuất bản Tự Do in và phát hành.
Vào tháng 6/2020, Nhà xuất bản Tự Do được Hiệp hội Xuất bản Quốc tế (IPA) đã trao giải thưởng Prix Voltaire. Khi ấy, nhà báo Phạm Đoan Trang, phát ngôn viên của Nhà xuất bản Tự Do, cho VOA biết:
“Trong bối cảnh ở Việt Nam khi mà tình hình đàn áp nhân quyền – trong đó có quyền tự do xuất bản- gia tăng, giải thưởng này đối với chúng tôi là một điều vinh hạnh. Tất nhiên là chúng tôi bị sức ép từ chính quyền, nhưng chúng tôi sẽ phải cố gắng nhiều hơn nữa”.
Trong một tuyên bố khi trao giải, IPA nói: “Các nhân viên của Nhà xuất bản Tự Do đã tự đặt mình vào rủi ro lớn để giúp người khác thực hiện quyền tự do ngôn luận”.
VOA (06.05.2021)