Mục lục
Ngành Khu Trục trong Không Lực Việt Nam Cộng Hòa
Nguyễn Hữu Thiện
Phi Đoàn 514 “Phượng Hoàng”
Lời nói đầu
Ngành khu trục được xem là hỏa lực chính yếu của Không Lực Việt Nam Cộng Hòa vì chúng ta không có các đơn vị oanh tạc chuyên biệt. Khởi đầu với Phi Đoàn 1 Khu Trục & Trinh Sát (tiền thân của Phi Đoàn 514 “Phượng Hoàng”) được chính thức thành lập ngày 1 tháng 6 năm 1956, tính tới tháng 7 năm 1974 – giai đoạn chót của thời kỳ bành trướng – ngành khu trục của KLVNCH đã phát triển tới mức tối đa với 19 phi đoàn, gồm 3 phi đoàn khu trục cánh quạt A-1, 6 phi đoàn phản lực siêu thanh F-5, và 10 phi đoàn phản lực A-37.
Chính vì tầm quan trọng của ngành khu trục, trước đây đã có nhiều bài viết rất công phu, chi tiết về ngành này của các vị niên trưởng, các cấp chỉ huy cũ, trong đó đáng kể nhất là các bài Phi đoàn 1 Khu Trục của cố NT Nguyễn Quang Tri, hai bài Phi đoàn 1 Khu Trục và Phi Đoàn 518 Phi Long của NT Phượng Hoàng Kim Cương, bài Phi đoàn 2 Khu Trục của NT Trần Bá Hợi; trong số này chỉ riêng bài Phi đoàn 1 Khu Trục của NT Phượng Hoàng Kim Cương + hình ảnh đã trải dài 103 trang trên Internet.
Công việc của chúng tôi chỉ là dựa vào các bài viết nói trên, phối hợp với những nguồn tài liệu tham khảo, đúc kết thành một bài tương đối ngắn gọn, nhưng có nhắc tới tất cả 19 phi đoàn trong ngành khu trục – gồm cả cánh quạt lẫn phản lực – để vinh danh một tập thể phi hành trong KLVNCH đã góp phần công lao lớn nhất, hy sinh xương máu nhiều nhất trong cuộc chiến bảo vệ lý tưởng Tự Do tại miền nam Việt Nam.
Vì thế, bài viết của chúng tôi, hình thức cũng như nội dung, chỉ mang tính cách tổng quát, sơ lược, nhất là phần viết về nhân sự và hoạt động của các phi đoàn phản lực. Ước mong sẽ được các vị niên trưởng, các chiến hữu trong ngành góp phần bổ khuyết.
Sau cùng, chúng tôi chắc chắn không tránh khỏi những sai sót, xin được cáo lỗi trước và mong sẽ được quý niên trưởng, quý chiến hữu, và các nhà sưu tầm góp phần điều chỉnh.
[Phiên bản thứ nhất của bài viết này đã được phổ biến trên Đặc san Lý Tưởng – Úc Châu, số Xuân Đinh Dậu 2017 vào đầu tháng 1/2017. Đây là phiên bản thứ hai với một số sửa đổi, bổ khuyết sau khi chúng tôi liên lạc và sự giúp đỡ quý báu của các vị niên trưởng trong quân chủng, các cấp chỉ huy trong ngành khu trục, và Khối Đặc Trách Khu Trục BTL/KQ, như Trần Bá Hợi, Dan Hoài Bửu, Nguyễn Quí Chấn, Lê Như Hoàn, Nguyễn Thiện Ân, Hoàng Văn Hùng…]
PHẦN I – NGÀNH KHU TRỤC CÁNH QUẠT
1- BỐI CẢNH CHÍNH TRỊ & THỜI CUỘC:
Trong Đệ Nhị Thế Chiến, tại Âu châu, sau khi Pháp bị Đức Quốc Xã đánh bại, Thống chế Pétain đứng ra thành lập chính phủ thân phe Trục (Axis: gồm Đức, Ý, Nhật Bản). Tại Đông Dương, viên Toàn quyền Pháp là Decoux bắt buộc phải lệ thuộc vào Chính phủ Pétain ở mẫu quốc, vì thế vào tháng 9 năm 1940, khi Nhật Bản tiến chiếm vùng Đông Nam Á, Decoux đã miễn cưỡng để Quân Đội Thiên Hoàng tự do đổ quân vào Việt Nam. Rồi với nhiều bất đồng về chính trị và quân sự, vào ngày 9 tháng 3 năm 1945, quân Nhật đã làm một cuộc đảo chính chớp nhoáng lật đổ chính quyền Pháp tại Đông Dương. Sau đó, Nhật Bản tuyên bố Việt Nam là một quốc gia độc lập trong Khối Thịnh Vương Chung Đại Đông Á do họ lãnh đạo.
Nhưng tới ngày 15 tháng 8 năm 1945, sau khi Hoa Kỳ thả trái bom nguyên tử thứ hai xuống Nagasaki (Trường Kỳ), Nhật Hoàng phải lên đài phát thanh tuyên bố đầu hàng vô điều kiện. Sự thất trận của Nhật Bản đã tạo ra một cuộc khủng hoảng chính trị tại Việt Nam. Hồ Chí Minh cùng Mặt Trận Việt Minh lợi dụng cơ hội này để cướp chính quyền từ tay người Nhật vào ngày 19 tháng 8 năm 1945 – thực chất là cuộc “Tổng Khởi Nghĩa” của nhiều thành phần, lực lượng yêu nước mà về sau cộng sản nhận là cuộc “Cách Mạng Tháng Tám” của riêng họ.
Ngày 2 tháng 9 năm 1945 tại Hà Nội, Hồ Chí Minh tuyên bố thành lập nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa, tự phong làm “Chủ tịch”. Mấy tháng sau, vào ngày 6 tháng 3 năm 1946, họ Hồ ký Hiệp định Sơ bộ với Pháp để Pháp được đổ quân trở lại Việt Nam.
Mục đích của Hồ Chí Minh trong việc ký Hiệp định Sơ bộ 6 tháng 3 chỉ là tạm thời hòa hoãn với Pháp để rảnh tay tiêu diệt các đảng phái, các thành phần yêu nước chân chính trong Mặt Trận Việt Minh; để rồi sau đó quay sang chống Pháp, kêu gọi “toàn dân kháng chiến” vào tháng 12/1946.
Sau khi Việt Minh để lộ bộ mặt thật cộng sản, cuộc tranh chấp giữa hai phe quốc – cộng bắt đầu. Đại đa số người Việt quốc gia yêu nước nhận định không còn con đường nào khác hơn là dựa vào người Pháp để chống lại cộng sản.
Tháng 9/1947, một phái đoàn người Việt quốc gia gồm 24 đại diện của đủ mọi thành phần đã bay sang Hương Cảng, trình thỉnh nguyện thư lên cựu hoàng Bảo Đại xin ông trở về điều đình với người Pháp để cứu nước.
Ngày 5/6/1948, trên soái hạm Duguay Trouin đậu ngoài khơi Bắc Việt, Cao ủy Pháp tại Đông Dương Bollaert và cựu hoàng Bảo Đại đã ký kết Hiệp định Hạ Long, theo đó Pháp công nhận Việt Nam là một quốc gia độc lập, nằm trong Liên Hiệp Pháp.
Ngày 28/4/1949, cựu hoàng Bảo Đại về nước. Ngày 20/7, tuyên bố thành lập “Việt Nam Quốc Gia” do cựu hoàng làm Quốc trưởng, lấy Sài Gòn làm thủ đô.
Ngày 11/5/1950, Thủ tướng Trần Văn Hữu chính thức tuyên bố thành lập Quân Đội Quốc Gia Việt Nam.
Ngày 25/6/1951, Quốc trưởng Bảo Đại ký Dụ số 9 thành lập ngành Không Quân.
Theo sử gia Phạm Văn Sơn, tác giả cuốn “QLVNCH trong giai đoạn hình thành” do Phòng 5 Bộ Tổng Tham Mưu xuất bản, khi trở lại Đông Dương, người Pháp không hề có ý định thành lập một quân đội riêng cho Việt Nam, mà chỉ thành lập những đơn vị bản xứ do sĩ quan Pháp chỉ huy, cũng chẳng khác nào “lính khố xanh” thời trước.
Chỉ tới sau khi quân cộng sản Trung Hoa đánh bại quân Trung Hoa Dân Quốc vào cuối năm 1949, rồi tới đầu năm 1950 chính thức công nhận chính phủ Việt Minh do Hồ Chí Minh lãnh đạo, người Pháp mới chấp nhận việc thành lập Quân Đội Quốc Gia Việt Nam, với hai mục đích chính sau đây:
(1) Nhận viện trợ quân sự của Hoa Kỳ, lúc đó đã nhận ra hiểm họa cộng sản tại vùng Đông Nam Á.
(2) Thu hút các tôn giáo, đảng phái, các phần tử yêu nước chân chính trước kia chủ trương không hợp tác với thực dân Pháp.
Việc thành lập Quân Đội Quốc Gia Việt Nam được tiến hành mạnh mẽ từ cuối năm 1950, sau khi Đại tướng De Lattre de Tassigny, một người chống cộng quyết liệt, được cử sang làm Cao ủy Đông Dương kiêm Tổng tư lệnh Quân đội Pháp tại Viễn Đông. Ông thường tới các trường trung học Việt Nam diễn thuyết để khơi động lòng yêu nước của thanh niên bản xứ.
[Jean de Lattre de Tassigny, sinh năm 1889, là một danh tướng của Pháp thời Đệ Nhị Thế Chiến. Sau khi tới Đông Dương, vào tháng 1/1951, ông đã đập tan cuộc tấn công biển người đầu tiên của Võ Nguyên Giáp tại Vĩnh Yên với trên 10.000 bộ đội bị thương vong. Vì thế, nhiều người tin rằng nếu vào năm 1954, De Lattre de Tassigny còn ở Đông Dương, đã không có cái gọi là “chiến thắng Điện Biên Phủ” của Việt Minh]
Riêng việc thành lập ngành Không Quân trong Quân Đội Quốc Gia VN còn được nhiều ưu tiên nhờ sự quan tâm, vận động của Thiếu tướng Nguyễn Văn Hinh, Tổng tham mưu trưởng Quân Đội Quốc Gia Việt Nam, vốn là một người xuất thân từ Không Quân Pháp. (Chú thích 1)
Tuy nhiên, những “ưu tiên” ấy cũng chỉ là việc cấp tốc xây dựng một trung tâm huấn luyện tại Nha Trang để đào tạo các hoa tiêu quan sát, quan sát viên, chuyên viên kỹ thuật, và tuyển mộ khóa sinh gửi đi thụ huấn tại các trường Không Quân Pháp ở Bắc Phi, hoặc nội địa Pháp, đặc biệt là Trường Võ Bị Không Quân (Salon-de-Provence), nơi xuất thân của ông Nguyễn Văn Hinh, còn trước mắt chưa có một dự kiến nào về một “không lực” của Quân Đội Quốc Gia VN.
Mãi tới năm 1953, người Pháp mới chuyển giao hai phi đoàn quan sát của Không Quân Pháp tại Viễn Đông để thành lập hai đơn vị phi hành đầu tiên cho Không Quân Việt Nam, là Phi Đoàn 1 Quan Sát (chỉ huy trưởng: Trung úy Nguyễn Ngọc Oánh) và Phi Đoàn 2 Quan Sát (chỉ huy trưởng: Trung úy Võ Dinh).
Về phần Phi Đoàn 312 Đặc Nhiệm, có nhiệm vụ chuyên chở các yếu nhân, được thành lập ngày 1/8/1951 (tới năm 1954 trở thành Phi Đội Liên Lạc – ELAVN), thì do sĩ quan Pháp chỉ huy, mãi tới tháng 6/1955 mới được bàn giao cho Đại úy Huỳnh Hữu Hiền.
Tính tới ngày 1/7/1955, ngày người Pháp chính thức bàn giao quyền chỉ huy ngành Không Quân cho phía Việt Nam (ngày này về sau được gọi là “Ngày Không Lực 1 tháng 7”), đã có thêm hai đơn vị phi hành khác được thành lập cho KQVN là Phi Đoàn Tác Chiến & Liên Lạc vào tháng 1/1954, và Phi Đoàn 1 Vận Tải vào ngày 1/6/1955.
Trong số các đơn vị phi hành kể trên, Phi Đoàn Tác Chiến & Liên Lạc – gọi một cách đầy đủ là “Đệ Nhất Phi Đoàn Tác Chiến & Liên Lạc” (do danh xưng tiếng Pháp “1er Groupe de Combat et de Liaison”, viết tắt là 1er GC&L) – là đơn vị đầu tiên và duy nhất có khả năng “tác chiến”, dù rất giới hạn.
Lực lượng của Phi Đoàn Tác Chiến & Liên Lạc gồm 16 phi cơ hai động cơ MD-315 Flamant do hãng Pháp Marcel Dassault chế tạo sau Đệ Nhị Thế Chiến, có 2 rack bom dưới cánh, mỗi bên mang được 4 trái bom miểng loại 250 cân Anh, và 2 đại liên 50 (12 ly 7) ở hai bên mũi phi cơ. Trong nhiệm vụ liên lạc, MD-315 có thể đáp xuống phi trường loại C (1.000m) ở các tỉnh nhỏ để chuyên chở các yếu nhân; ngoài ra, MD-315 còn được sử dụng trong việc thả dù tiếp tế cho các tiền đồn.
Giữa năm 1956, Phi Đoàn Tác Chiến & Liên Lạc bị giải thể vì theo các điều khoản của Hiệp Định Genève 1954, mọi chiến cụ do người Pháp quản trị, trong đó có phi cơ, phải đem ra khỏi Việt Nam trước ngày 30/6/1956.
Vì thế, 16 chiếc MD-315 đã được người Pháp lấy lại, 10 chiếc giao cho Không Quân Hoàng Gia Căm-bốt, 6 chiếc bay về Pháp.
Nhưng cho dù Phi Đoàn Tác Chiến & Liên Lạc không bị giải thể, những chiếc MD-315 ấy, với hỏa lực rất hạn chế và khả năng thao tác của một “vận tải cơ hạng nhẹ”, cũng không thể gọi là phi cơ tác chiến đúng nghĩa. Cho nên sau khi Hoa Kỳ nhập cuộc, một trong những đòi hỏi ưu tiên hàng đầu của Tổng thống Ngô Đình Diệm sau khi lên nắm chính quyền là thành lập các phi đoàn khu trục.
Có thể viết, sự phát triển của Không Lực VNCH nói chung, ngành khu trục nói riêng, gắn liền và tiến hành song song với sự tham dự của Hoa Kỳ vào tình hình Đông Dương trước nguy cơ bành trướng của chủ nghĩa cộng sản tại vùng Đông Nam Á.
Sau khi chính thức công nhận ba quốc gia Đông Dương – Vương quốc Lào, Vương quốc Căm-bốt và Việt Nam Quốc Gia – vào ngày 3 tháng 2 năm 1950, chính phủ Hoa Kỳ (thời Tổng thống Truman) đã quyết định viện trợ quân sự cho lực lượng Pháp tại Đông Dương thông qua Chương trình Viện trợ Phòng thủ Hỗ tương (MDAP: Mutual Defense Assistance Program), bắt đầu vào ngày 8/5/1950.
Tới tháng 8/1950, Phái Bộ Cố Vấn Quân Sự Mỹ (MAAG: Militarty Assistance Advisory Group) được thành lập, đặt trụ sở tại Sài Gòn, với mục đích giúp đỡ Việt Nam, Căm-bốt và Lào chống lại cộng sản. Đây là những nhân viên quân sự đầu tiên của Hoa Kỳ tới Việt Nam, gồm các cố vấn về tổ chức quân đội, tác chiến, bảo trì, tiếp liệu, v.v…
Riêng Không Quân Hoa Kỳ, song song với việc tham gia Phái Bộ Cố Vấn Quân Sự, còn có một số quân nhân được luân phiên gửi tới Đông Dương để thi hành những công tác đặc biệt (được gọi tắt là các toán TDY: temporary duty); chẳng hạn các toán kỹ thuật từ Phi-luật-tân tới Nha Trang để giúp Pháp bảo trì các vận tải cơ C-47 “mượn” của Hoa Kỳ. Việc gửi các toán TDY diễn ra từ đầu thập niên 1950 cho tới khi trận Điện Biên Phủ kết thúc (1954).
Ngày 23/12/1950, Hoa Kỳ ký hiệp ước “ngũ phương” với Pháp, Việt Nam, Căm-bốt và Lào, theo đó Hoa Kỳ sẽ viện trợ quân sự gián tiếp cho ba quốc gia Đông Dương thông qua Pháp.
Tới năm 1954, với viện trợ quân sự của Hoa Kỳ, Pháp đã đạt được những bước tiến đáng kể trong việc xây dựng và phát triển Quân Đội Quốc Gia Việt Nam. Nhưng riêng ngành Không Quân thì hầu như chưa có gì.
Sau khi thất trận tại Điện Biên Phủ và phải ký kết Hiệp Định Genève 1954, Pháp đã bị mất hoàn toàn ảnh hưởng ở Đông Dương. Theo thỏa thuận ký kết vào cuối tháng 9/1954 giữa Ngoại trưởng Hoa Kỳ và Bộ trưởng Pháp quốc Hải ngoại, kể từ ngày 1/1/1955, viện trợ của Hoa Kỳ trong chương trình Viện trợ Phòng thủ Hỗ tương (MDAP) sẽ được trao trực tiếp cho các quốc gia Đông Dương, và trách nhiệm huấn luyện quân đội Việt Nam sẽ được Pháp trao lại cho Hoa Kỳ.
Tháng 1/1955, người Mỹ chính thức nhận lãnh trách nhiệm huấn luyện cho toàn quân đội VN, tuy nhiên bên cạnh sự hiện diện của người Mỹ, người Pháp vẫn tiếp tục công việc huấn luyện và cố vấn tại các đơn vị Quân Đội Quốc Gia Việt Nam cho tới khi mãn hợp đồng. Vì thế vào ngày 20/1/1955, để tránh tình trạng dẵm chân nhau, người Mỹ đã tạm thời ngưng các hoạt động của Phái Bộ Cố Vấn Quân Sự (MAAG) để cùng với Pháp thành lập Phái Bộ Liên Lạc Huấn Luyện Mỹ-Pháp (Training Relations Instruction Mission, viết tắt là TRIM), với nhiệm vụ phối hợp trong việc cố vấn, huấn luyện và bàn giao quyền chỉ huy các đơn vị cho Quân Đội Quốc Gia Việt Nam.
Phái bộ này gồm 200 sĩ quan Pháp và 217 sĩ quan Mỹ, do Paul Ély, Cao ủy Đông Dương kiêm Tư lệnh Quân Đội Pháp tại Viễn Đông và tướng John O’Daniel, Trưởng phái bộ MAAG của Mỹ cầm đầu. Tuy nhiên trên thực tế, tất cả mọi chương trình đều thực hiện theo quan điểm của Hoa Kỳ (sau khi quân Pháp rút hết khỏi Việt Nam, phái bộ TRIM lại đổi thành phái bộ MAAG như cũ).
Vào khoảng thời gian này (đầu năm 1955), vì không muốn mang tiếng vi phạm các điều khoản của Hiệp Định Genève 1954 dù không đặt bút ký, Hoa Kỳ chỉ có ý định giúp miền Nam thành lập một không lực với khả năng giới hạn, khả dĩ đủ để đáp ứng các nhu cầu quan sát, liên lạc và vận chuyển của Quân Đội Quốc Gia Việt Nam (sau ngày 26/10/1955, đổi danh xưng thành Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa).
Việc huấn luyện và viện trợ trực tiếp đầu tiên của Hoa Kỳ cho Không Quân Việt Nam bắt đầu vào tháng 8/1955 với việc thay thế các phi cơ MS.500 Criquet của hai phi đoàn quan sát bằng phi cơ Cessna L-19 Bird Dog (L-19 sau này cải danh thành O-1). Tổng cộng 60 phi cơ L-19 đã được lần lượt giao cho KQVN.
Cùng khoảng thời gian nói trên, khoảng 20 phi cơ huấn luyện North American T-6G Texan đã được đưa tới TTHLKQ Nha Trang để sử dụng trong việc huấn luyện nâng cấp (advanced training) cho các phi công Việt Nam. Và tới năm 1957 thì các máy bay “bà già” (MS.500) quen thuộc đã hoàn toàn vắng bóng trên bầu trời Việt Nam sau hơn 10 năm hiện diện.
North American T-6G Texan
Sau khi miền Nam tuyên bố thành lập chính thể cộng hòa và Thủ tướng Ngô Đình Diệm trở thành vị Tổng thống tiên khởi vào ngày 26/10/1955, đã có những cuộc tiếp xúc giữa các đại diện hai miền Nam Bắc về việc tổ chức tổng tuyển cử thống nhất đất nước vào tháng 7/1956 theo điều khoản của Hiệp định Genève 1954. Tuy nhiên, bước sang đầu năm 1956, đã xảy ra hàng loạt vụ khủng bố, ám sát, bắt cóc tại miền Nam mà thủ phạm, theo lời tố cáo của chính phủ Việt Nam Cộng Hòa, chính là các cán bộ cộng sản nằm vùng do Việt Minh gài lại. Các cuộc tiếp xúc chấm dứt, Tổng thống Ngô Đình Diệm đơn phương bác bỏ giải pháp tổng tuyển cử, viện lý do nhân dân miền Bắc sống dưới chế độ cộng sản độc tài đảng trị sẽ không được tự do sử dụng lá phiếu của mình.
Khi quyết định như thế, Tổng thống Ngô Đình Diệm đã tiên liệu việc cộng sản Bắc Việt, với sự yểm trợ của cộng sản quốc tế, sớm muộn cũng sẽ tiến hành xâm lược miền Nam, nên ông đã yêu cầu Hoa Kỳ khẩn cấp tăng cường viện trợ quân sự cho QLVNCH nói chung, KQVN nói riêng.
Mặc dù yêu cầu nói trên đã không được Hoa Kỳ đáp ứng một cách tích cực, ít nhất KQVN cũng có thêm được hai phi đoàn.
Ngày 1/6/1956, Phi Đoàn 2 Vận Tải được thành lập tại Tân Sơn Nhất, sử dụng phi cơ Douglas C-47 Dakota. Phi đoàn này hợp cùng Phi Đoàn 1 Vận Tải thành Liên Phi Đoàn 1 Vận Tải.
Cùng ngày, Phi Đoàn 1 Khu Trục & Trinh Sát – đơn vị khu trục đầu tiên của KQVN – làm lễ xuất quân tại căn cứ không quân Biên Hòa, nơi sau này được mệnh danh là “cái nôi của ngành khu trục”.