Seite auswählen

Các góc nhìn khác nhau về “hiện tượng” Nguyễn Phương Hằng

Jackhammer Nguyễn

26-5-2021

Bà Nguyễn Phương Hằng, Tổng Giám đốc công ty cổ phần Đại Nam, trở thành một ngôi sao được hàng triệu người nói tiếng Việt trên thế giới chú ý. Bà Hằng là vợ ông Huỳnh Uy Dũng, hỗn danh Dũng “lò vôi”, nổi tiếng giàu có.

Bà Hằng dùng các kênh mạng xã hội của mình để bàn chuyện (bình luận) xã hội, chỉ trích, tố cáo các nghệ sĩ có nhiều tai tiếng, trong đó có cả những đối thủ của bà.

Theo con số của BBC Việt ngữ cho biết, clip livestream của bà Hằng thu hút nửa triệu người xem trực tiếp trên YouTube và Facebook. Đây là clip livestream ngày 25/5 của bà Hằng, trên kênh một kênh YouTube của bà:

 

Căn cứ nội dung các clip bà Hằng livestream của bà Hằng, có thể xếp các chương trình này vào loại báo chí “lá cải”, mà ta thường thấy bán ở các quầy tính tiền trong các siêu thị phương Tây, những chuyện xung quanh “tình, tiền, tù, tội”.

Dĩ nhiên không phải “lá cải” là sai sự thật, nhưng hiểu một cách tương đối thì những sự thật này không có trọng lượng lớn, gây sự chú ý của các kênh truyền thông dòng chính. Ngay trong các kênh truyền thông lớn, thỉnh thoảng ta cũng thấy những mục “xe cán chó, chó cán xe”, thật ra cũng thuộc loại này.

Bài viết trên BBC Việt ngữ trích dẫn một số người am tường trong lĩnh vực truyền thông, để tìm hiểu xem vì sao bà Hằng lại thu hút người Việt đến thế.

Có thể đặt vấn đề khác từ “hiện tượng Nguyễn Phương Hằng”, rằng người Việt Nam đang thật sự chú ý đến chuyện gì. Câu trả lời có thể có ngay là, người Việt chú ý đến những chuyện… lá cải! Và không hẳn chỉ người Việt, mà một số người dân khác cũng vậy, nhưng có thể thấy sự khác nhau ở số lượng người quan tâm.

Không có gì sai khi một người đọc một tờ báo lá cải, tìm hiểu chuyện đời tư một ngôi sao nào đó, tài sản của một người nổi tiếng ra sao… Nhưng hàng triệu, hoặc hàng chục triệu người trên một đất nước cứ chăm chú vào những chuyện ấy, rõ ràng là có vấn đề.

Và đây chính là mục đích của các chế độ cầm quyền không chính danh, muốn sự chú ý của dân chúng bị đánh lạc hướng, thay vì quan tâm đến thực tại.

Người cộng sản từng chỉ trích nhà cầm quyền thực dân thời Pháp thuộc, tổ chức những cuộc vui giải trí nhảm nhí, để dân chúng không còn quan tâm đến chuyện giành độc lập nữa. Nay người cộng sản cũng làm như thế, để người dân không chú ý tới những chuyện thiết thực, như vụ Đồng Tâm (tranh chấp đất đai, đàn áp đẫm máu), Hồ Duy Hải (án oan, mà bất cứ người dân nào cũng có thể trở thành nạn nhân)… Có thể nói, hệ thống truyền thông nhà nước Việt Nam hàng chục năm qua, đã được định hướng như thế, rất đậm tính giải trí.

Tuy nhiên, truyền thông giải trí của nhà nước không vượt qua được những khuôn khổ bó buộc của những từ ngữ tuyên giáo, không sử dụng được những nền tảng truyền thông đại chúng mới của mạng xã hội một cách có hiệu quả. Và do vậy, xuất hiện hiện tượng Nguyễn Phương Hằng, với ngôn ngữ bình dân, cùng những câu chuyện thật, những vụ bê bối trong xã hội, vô cùng hấp dẫn.

Có thể nhìn hiện tượng Nguyễn Phương Hằng từ hai góc độ khác nhau. Thứ nhất, bà Hằng bổ sung vào thể loại “lá cải” của truyền thông nhà nước, giúp nhà nước cộng sản đánh lạc hướng sự chú ý của công chúng ra ngoài những vụ bê bối của “Đảng và Nhà nước”.

Nói như thế không có nghĩa là bà Hằng đang âm mưu với nhà nước cộng sản, mà tôi tin là bà Hằng chỉ làm những điều mà bà thích làm, ngẫu nhiên trùng hợp với tin tức “lá cải” của truyền thông nhà nước.

Và với sự khôn ngoan của một doanh nhân dưới chế độ cộng sản, bà biết lằn ranh mà chế độ ấy đặt ra, nằm ở đâu, để không vượt qua “lằn ranh đỏ”. Bà cứ việc móc mỉa Hoài Linh, cứ thóa mạ Vy Oanh … không sao cả, miễn không đụng tới Tô Lâm hay Nguyễn Phú Trọng là bà an toàn.

Điều thứ hai là, sự chú ý của công chúng với bà Hằng và những câu chuyện của bà, thay vì Ban Tuyên giáo Trung ương và những câu chuyện “chống diễn biến hòa bình” của ban này, có nghĩa là dân chúng chú ý đến những câu chuyện có thật (dù lá cải), chú ý đến đời thường, thay những hoang tưởng mỹ miều mang màu sắc cộng sản ra rả trên các phương tiện truyền thông mấy chục năm nay.

Ở góc nhìn đó, sự xuất hiện của bà Hằng là một điểm tích cực. Tuy nhiên, như đã trình bày ở trên, vài ngàn người thì không sao, nhưng hàng triệu hay hàng chục triệu người chỉ quan tâm đến chuyện lá cải, bỏ qua những chuyện hệ trọng như: Chuyện nông dân ngày càng cơ cực, dân nghèo sắp chết đói vì đại dịch, biển Đông bị Trung Quốc uy hiếp, chuyện tham nhũng của bộ máy tư bản bồ bịch (crony capitalism) bòn rút công sản,… có thể thấy tương lai của đất nước ra sao!

Có lẽ những người cổ vũ cho dân chủ hóa Việt Nam thoát khỏi chế độ toàn trị, cần quan sát “hiện tượng Nguyễn Phương Hằng”, để biết được tâm trí người dân Việt Nam đang ở đâu và vì sao họ quan tâm đến những chuyện như thế, thay vì những chuyện hệ trọng, ảnh hưởng trực tiếp tới đời sống của họ và tương lai của con cháu họ.

Bà Nguyễn Phương Hằng là thước đo cho những người cổ xúy dân chủ Việt Nam nhìn ra mình đã thành công hay thất bại trong việc gieo mầm những tư tưởng cấp tiến và dân chủ cho công chúng Việt Nam.

Cho tới nay, chưa thấy ai nói rằng bà Hằng phao tin vịt, ngoại trừ Sở Thông tin và Truyền thông thành Hồ xử phạt 7,5 triệu đồng hồi tháng trước, vì bà lỡ vượt lằn ranh, đụng tới chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận.

Theo ý kiến chủ quan của tôi, dù sao người dân Việt Nam xem bà Hằng nói thao thao bất tuyệt, vẫn tốt hơn so với chuyện ông Trọng mơ màng đến chủ nghĩa xã hội và dĩ nhiên là tốt hơn các YouTuber hải ngoại tung tin vịt, chẳng hạn như về gian lận bầu ở Mỹ, hay chuyện ông Trump trở lại nắm quyền trong vài tháng tới./.

Tiếng Dân

Trường ĐH Luật TPHCM lập tổ công tác xử lý TS Đặng Anh Quân trong vụ việc bà Nguyễn Phương Hằng

 

TPO – Trường ĐH Luật TPHCM đã thành lập tổ công tác xem xét, xử lý TS Đặng Anh Quân, giảng viên của trường, người vừa bị Công an TPHCM khởi tố và bắt tạm giam tối qua 24/2.

Sáng 25/2, trao đổi với PV Tiền Phong, PGS. TS Trần Hoàng Hải – Quyền Hiệu trưởng Trường ĐH Luật TPHCM xác nhận thông tin trên.

Trường ĐH Luật TPHCM lập tổ công tác xử lý TS Đặng Anh Quân trong vụ việc bà Nguyễn Phương Hằng ảnh 1
TS Đặng Anh Quân trong lần livestream cùng bà Phương Hằng

Theo ông Hải, tổ công tác này đã được lập ra trước khi ông Quân bị bắt nhằm xem xét mức độ vi phạm từ đó đưa ra phương án xử lý. “Do thời điểm ông Quân bị bắt rơi vào cuối tuần nên tổ công tác chưa thể họp được. Dự kiến, ngày thứ Hai tuần tới, tổ sẽ họp và nhà trường sẽ có thông cáo báo chí chính thức về vụ việc”, ông Hải nói.

Cũng theo ông Hải, thời gian qua dư luận xã hội cũng có nhiều thông tin không hay về Trường liên quan đến TS Đặng Anh Quân. “Nhiều người bảo trường luật nhưng không biết luật để xử, tại sao lại để xảy ra trường hợp như vậy… Tuy nhiên, quan điểm của trường trong sự việc này là thận trọng, có cơ sở pháp lý mới xử lý và đặc biệt là trường không bao che, sai đến đâu, xử lý đến đó”, ông Hải nói.

Về công tác giảng dạy, theo ông Hải, TS Quân hiện đang bị tạm giam nên những tiết học có liên quan trường sẽ bố trí người thay thế.

Như Tiền Phong đưa tin, tối 24/2, Cơ quan CSĐT Công an TPHCM đã tống đạt quyết định khởi tố bị can và lệnh bắt tạm giam đối với ông Đặng Anh Quân. Ông Đặng Anh Quân bị khởi tố về tội “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân”.

Ông Đặng Anh Quân được biết đến với vai trò là cố vấn pháp lý cho bà Nguyễn Phương Hằng, trong giai đoạn bà này có những livestream gây xôn xao dư luận. Công an TPHCM xác định, ông Đặng Anh Quân là khách mời, xuất hiện ở 11 buổi livestream của bà Hằng, trong giai đoạn từ tháng 10/2021 đến tháng 3/2022.

Ông Đặng Anh Quân là giảng viên khoa Luật Thương mại, Trường ĐH Luật TPHCM. Ông Quân có học vị tiến sĩ, đảm nhiệm việc giảng dạy về luật đất đai, môi trường.

Vụ án bà Nguyễn Phương Hằng: Một bị hại đề nghị điều tra 46 Youtuber

 

TPO – Cơ quan CSĐT Công an TPHCM làm việc với bà Đinh Thị Lan để làm rõ yêu cầu bồi thường thiệt hại trong vụ án liên quan đến bà Nguyễn Phương Hằng. Người này không yêu cầu bà Hằng bồi thường thiệt hại, song kiến nghị khởi tố điều tra vai trò đồng phạm của 46 Youtuber.

Ngày 20/3, Cơ quan CSĐT Công an TPHCM đã mời bà Đinh Thị Lan (47 tuổi, ngụ quận Gò Vấp) đến làm việc để làm rõ yêu cầu bồi thường thiệt hại trong vụ án “Lợi dụng quyền tự do dân chủ, xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân” do bà Nguyễn Phương Hằng và đồng phạm thực hiện.

Vụ án bà Nguyễn Phương Hằng: Một bị hại đề nghị điều tra 46 Youtuber ảnh 1
Bà Nguyễn Phương Hằng tại Cơ quan công an. Ảnh: Công an cung cấp.

Vì lý do cá nhân, bà Lan đã ủy quyền cho mẹ ruột và em gái đi thay.

Trong bản tường trình gửi cơ quan công an, bà Lan không yêu cầu bà Nguyễn Phương Hằng bồi thường thiệt hại và kiến nghị khởi tố điều tra thêm 46 Youtuber với vai trò là đồng phạm của bà Hằng.

Theo bà Lan, sau khi bà Nguyễn Phương Hằng chửi bà thì chủ các kênh Youtuber này cũng vu khống, làm nhục bà trên mạng xã hội. Do đó, bà Lan đề nghị cơ quan điều tra khởi tố 46 Youtuber nêu trên.

Trong tường trình, bà Lan cũng nêu rõ có 15 kênh Youtuber đã dừng việc vu khống, 31 kênh còn lại thì vẫn đang tiếp diễn thực hiện hành vi.

Trước đó, bà Lan đã có đơn tố cáo gửi Cơ quan CSĐT Công an TPHCM về việc bị bà Nguyễn Phương Hằng thường xuyên vu khống, làm nhục bà trên mạng xã hội với nhiều từ ngữ tục tĩu.

Tháng 3/2022, Công an TPHCM khởi tố, bắt tạm giam bà Nguyễn Phương Hằng về tội “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân” theo Điều 331 Bộ luật Hình sự 2015.

Mở rộng điều tra, Cơ quan CSĐT đã khởi tố đối với Nguyễn Thị Mai Nhi (trợ lý của bà Nguyễn Phương Hằng), Lê Thị Thu Hà (nhân viên Công ty CP Đại Nam), Huỳnh Công Tân (Trưởng phòng truyền thông Công ty CP Đại Nam) và tiến sĩ luật Đặng Anh Quân (giảng viên trường Đại học Luật TPHCM) cùng về tội danh trên.

Điều luật hình sự 331 và quyền tự do ngôn luận: nhìn từ Canada

 

VNTB – Điều luật hình sự 331 và quyền tự do ngôn luận: nhìn từ Canada

Cát Tường

 

(VNTB) – Mặc dù pháp luật ở hai quốc gia có quy định cụ thể khác nhau nhưng Việt Nam hoàn toàn có thể học hỏi kinh nghiệm từ Canada để hoàn thiện hơn các quy định của pháp luật trong nước về quyền tự do ngôn luận

 

Nhà chức trách luôn tuyên bố: Điều 331 Bộ luật hình sự Việt Nam là phù hợp với quy định của pháp luật quốc tế cũng như yêu cầu thực tiễn để điều chỉnh các quan hệ xã hội của Việt Nam.

Điều luật hình sự số 331 quy định rằng người nào lợi dụng các quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do tín ngưỡng, tôn giáo, tự do hội họp, lập hội và các quyền tự do dân chủ khác xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, thì bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.

Trường hợp phạm tội gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm.

Một báo cáo khoa học của tác giả Phạm Thị Bắc Hà, Khoa Pháp luật Quốc tế, trường Đại học Luật Hà Nội, đưa ra khuyến cáo, rằng, “Mặc dù pháp luật ở hai quốc gia có quy định cụ thể khác nhau nhưng Việt Nam hoàn toàn có thể học hỏi kinh nghiệm từ Canada để hoàn thiện hơn các quy định của pháp luật trong nước về quyền tự do ngôn luận”.

Rộng đường dư luận, xin được trích giới thiệu về báo cáo khoa học này.

Cơ sở pháp lý ghi nhận quyền tự do ngôn luận ở Canada

Canada là thành viên của một số văn kiện pháp lý quốc tế ghi nhận quyền tự do ngôn luận, bao gồm: Công ước về quyền dân sự và chính trị (Điều 10), Công ước về quyền trẻ em (Điều 13), Công ước về xóa bỏ mọi hình thức phân biệt chủng tộc (Điều 5 (d) (viii)) Công ước về quyền của người khuyết tật (Điều 21), Tuyên bố châu Mỹ về các quyền và nghĩa vụ của con người (Điều IV).

Với sự tôn trọng các quyền tự do của con người, pháp luật Canada đã ghi nhận và quy định ngay tại Phần I của Hiến pháp năm 1982 – Hiến chương về các quyền và tự do, đồng thời ghi nhận trong mục 1 (d) và (f) Dự luật Nhân quyền của Canada.

Với ý nghĩa nhấn mạnh tầm quan trọng của truyền thống tôn giáo đối với xã hội Canada cũng như nhân phẩm và giá trị con người, Hiến chương của Canada về các quyền và tự do bao gồm 34 mục với lời mở đầu “Canada được thành lập dựa trên những nguyên tắc công nhận sức mạnh tối cao của Chúa và quy tắc của Pháp luật”.

Mục 2 của Hiến chương đã ghi nhận 4 nhóm quyền tự do, trong đó quyền tự do ngôn luận được khẳng định tại mục (b): “mọi người đều có các quyền tự do cơ bản” bao gồm “tự do tư tưởng, niềm tin, quan điểm và ngôn luận, bao gồm cả quyền tự do báo chí và các phương tiện truyền thông khác”.

Với một quốc gia theo hệ thống pháp luật Common có sự pha trộn với Civil law và có mô hình cơ quan bảo vệ Hiến pháp là Tòa án tối cao như Canada thì các quyền và tự do được ghi nhận trong Hiến pháp đồng thời đã được Tòa án Tối cao Canada giải thích thông qua các án lệ của mình.

Từ giải thích của Tòa án tối cao trong các vụ việc thực tế, mục đích của việc ghi nhận quyền tự do ngôn luận ở Canada được làm rõ. Theo đó, việc bảo vệ quyền tự do ngôn luận được đặt ra dựa trên các nguyên tắc và giá trị cơ bản thúc đẩy tìm kiếm và tìm ra sự thật, thúc đẩy tham gia vào việc đưa ra các quyết định chính trị xã hội và là cơ hội để mỗi cá nhân tự thực hiện đầy đủ quyền của mình thông qua tự do ngôn luận.

Tòa án Tối cao Canada đã khẳng định mối liên hệ giữa quyền tự do ngôn luận với tiến trình chính trị là mấu chốt của mục 2 (b). Trên hết, tự do ngôn luận được đánh giá là công cụ quản lý dân chủ. Ngoài ra, với sự bảo vệ của Hiến pháp, quyền tự do ngôn luận ở Canada hướng đến việc khuyến khích tìm kiếm sự thật thông qua trao đổi ý kiến cởi mở và thúc đẩy cá nhân tự thực hiện đầy đủ quyền để từ đó trực tiếp gắn kết tự do với phẩm giá con người.

Tự do ngôn luận được bảo vệ nếu nó không đe dọa bạo lực

Ở Canada, quyền tự do ngôn luận cũng bảo vệ quyền không thể hiện ngôn luận của mỗi cá nhân.

“Tự do ngôn luận còn bao gồm quyền không nói gì hoặc quyền không nói những điều nhất định. Bản thân sự im lặng cũng là một hình thức biểu đạt mà trong một số trường hợp có thể diễn tả điều gì đó rõ hơn cả ngôn từ”. Do đó, các hình thức bắt buộc hay cưỡng ép trong trường hợp này có thể tạo ra sự hạn chế của mục 2 (b).

Tuy vậy, trong tình huống cụ thể, Tòa phúc thẩm Ontario đã khẳng định yêu cầu đọc lời thề với Nữ hoàng tại các nghi lễ công dân không vi phạm quyền tự do ngôn luận.

Ngược lại, các yêu cầu pháp lý về việc phải nộp hay báo cáo thông tin có thể dẫn đến sự hạn chế quyền tự do ngôn luận bởi việc không tuân thủ những yêu cầu này bị trừng phạt với hình thức phạt tiền hay phạt tù.

Hành vi tuân thủ pháp luật không đồng nghĩa với việc buộc phải bày tỏ sự ủng hộ đối với luật pháp, minh chứng như nghĩa vụ phải nộp thuế cho Chính phủ sử dụng để cấp kinh phí cho các sáng kiến lập pháp (như trợ cấp công cộng cho các ứng cử viên trong cuộc bầu cử để trang trải chi phí cho chiến dịch của họ), không đồng nghĩa với việc thể hiện sự ủng hộ đối với các sáng kiến đó.

Theo đó, nội dung ngôn luận không cần phải được tiếp nhận và hiểu một cách chủ quan mới được bảo vệ theo Điều 2 (b).

Như vậy, Tòa án tối cao Canada đã giải thích quyền tự do ngôn luận “theo nghĩa rộng”. Theo các giáo sư luật Hiến pháp Kent Roach và David Schneerman, “cách tiếp cận có mục đích và định hướng “rộng và tự do” của Tòa án tối cao đối với sự bảo vệ của Hiến pháp để chắc chắn rằng tất cả phương thức biểu đạt đủ điều kiện đều được sự bảo vệ của Hiến pháp”.

Nhờ cách tiếp cận và giải thích rõ ràng đối với mục 2 (b), các tòa án Canada thường “dễ dàng xác định vi phạm” trong các vụ việc thực tế.

Để xác định biểu đạt cụ thể ở mỗi vụ việc có là đối tượng được bảo vệ theo mục 2 (b) Hiến chương hay không, bên cạnh nội dung thì Tòa án tối cao còn xem xét cả phương thức và địa điểm biểu đạt ngôn luận.

Theo đó, nếu phương thức hay địa điểm biểu đạt mâu thuẫn với các giá trị mục 2 (b) Hiến chương mang đến (bao gồm tự thực hiện, đàm thoại dân chủ và tìm kiếm sự thật) thì không được bảo vệ theo mục 2 (b).

Về phương thức biểu đạt ngôn luận, các phương thức được sử dụng để truyền tải một thông điệp hay chỉ một phần hoặc từng phần của thông điệp đều được mục 2 (b) bảo vệ.

Tuy nhiên, Hiến chương không bảo vệ các phương thức ngôn luận mang dạng thức bạo lực “cho dù có ý nghĩa bạo lực thể chất hay không thì cũng sẽ không được bảo vệ theo mục 2 (b)”. Tức là các phương thức biểu đạt ngôn luận bạo lực hay đe dọa bạo lực nằm ngoài phạm vi bảo vệ của mục 2 (b).

Minh chứng điển hình như phát ngôn chất vấn. Chất vấn có thể là đối tượng bảo vệ của mục 2 (b) hay không hoàn toàn phụ thuộc vào tình huống thực tế căn cứ vào phân tích các quy định ở mục 1 và mục 2 (b) Hiến chương.

Theo đó, nếu chất vấn công khai với bài phát biểu công cộng bao hàm các mối đe dọa thực sự hoặc sử dụng ngôn từ kích động thù địch có thể vi phạm Bộ luật Hình sự Canada bao gồm cả các quy định về tội phạm thù địch.

Tương tự, khi bài phát biểu diễn ra trong một không gian công cộng và các phát ngôn ồn ào như “la hét, hò hét, chửi rủa, hát hò hoặc sử dụng ngôn ngữ xúc phạm hoặc tục tĩu” có thể cấu thành vi phạm tại mục 175 (1) Bộ luật Hình sự về tội phá rối. Như vậy, hầu hết các phương thức ngôn luận đều được mục 2 (b) bảo vệ trừ khi nó mang dạng thức bạo lực hay đe dọa bạo lực. Theo đó, trên thực tế, việc xem xét ngoại lệ tập trung chủ yếu vào phân tích địa điểm biểu đạt ngôn luận.

Khuyến nghị cho Việt Nam

Việt Nam nên đưa ra tiêu chí cụ thể, rõ ràng để xác định các trường hợp ngoại lệ của việc thực hiện quyền tự do ngôn luận ngay trong quy định của Hiến pháp, hoặc trong một văn bản hướng dẫn của Chính phủ.

Cũng giống như Canada, pháp luật Việt Nam khi ghi nhận quyền tự do ngôn luận đồng thời cũng xác lập giới hạn của việc thực hiện quyền với tinh thần là “theo quy định của pháp luật” ngay trong Hiến pháp của quốc gia.

Tuy nhiên, hình thức thiết lập giới hạn quyền tự do ngôn luận ở Canada và Việt Nam có điểm khác biệt. Theo đó, Canada ghi nhận giới hạn quyền này ngay trong Điều 1 Hiến chương với các tiêu chí cụ thể, bao gồm tính “hợp lý”, “được quy định trong luật” và “được minh chứng rõ ràng trong đời sống xã hội và dân chủ”.

Đối với Việt Nam – là một nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa được “tổ chức và hoạt động theo Hiến pháp và pháp luật, quản lý xã hội bằng Hiến pháp và pháp luật”, Điều 25 Hiến pháp 2013 khi ghi nhận quyền tự do ngôn luận cũng khẳng định “việc thực hiện các quyền này do pháp luật quy định”.

Như vậy, Hiến pháp năm 2013 chưa đưa ra được tiêu chí rõ ràng để xác lập giới hạn mà phải thông qua các quy định ở nhiều văn bản quy phạm pháp luật khác nhau (như Luật Báo chí năm 2016, Luật Tiếp cận thông tin năm 2016,…) và điều này dẫn đến sự phức tạp với công dân khi muốn đánh giá nhanh một hành động của Chính phủ có ảnh hưởng đến quyền tự do ngôn luận của mình hay không.