Seite auswählen

Lối cũ

 

Nguyên Hạnh HTD

Tôi trở về Huế với một tâm trạng nôn nao bồi hồi! Ba mươi năm sau mới nhìn lại Huế thân yêu, nơi đã cho tôi mật ngọt của ngày mới lớn. Phi trường Phú Bài vẫn vậy, vẫn u buồn ảm đạm dù đã trải qua bao tháng năm cũng chẳng rộng lớn gì hơn. Đã thế, tôi đặt chân xuống phi trường khi trời đã về chiều nên quang cảnh càng hiu hắt thê lương.

 

Con đường từ Phú Bài về thành phố, ngày xưa tôi thấy xa ngút ngàn mà sao bây giờ lại ngắn quá vậy? Qua đồng An Cựu lại càng giật mình trước sự đổi thay. Những đồng ruộng xanh tươi rì rào trong gió mà ngày xưa tôi vẫn đi ngang qua khi học thêm môn Pháp văn với thầy Thông nay không còn nữa. Huế đổi thay quá nhiều, Huế thầm lặng, Huế êm đềm, Huế tình tứ của ngày xưa đã không còn! Một cảm giác chơ vơ lạc lõng xâm chiếm lấy hồn tôi ngay những bước chân đầu tiên khi trở về chốn cũ.

 

Về thăm nhà được 3 hôm rồi nhưng thay vì đi nơi này nơi khác, tôi chỉ muốn tản bộ một mình. Lần bước tôi đi vào Nội thành, nơi đã ghi biết bao dấu chân của tôi mỗi ngày đi về; nhưng còn đâu những con đường hoàng thành ủ đầy bóng mát, nhìn đâu cũng thấy phố xá nhà cửa chen nhau. Thẫn thờ, lần bước đến hồ Tịnh Tâm (1), tôi rẽ vào con đường lởm chởm những đá dăm và ổ gà. Ngày xưa lúc nào hương sen ở đây cũng tỏa ra ngào ngạt cả một bầu trời, bây giờ chỉ toàn là những hồ ao rau muống tối tăm. Chính nơi đây tôi đã cùng bạn bè đua nhau học bài thi rồi khi chán học lại chơi trò buôn bán, nấu ăn hoặc dựa vào gốc cây dừa thiu thiu ngủ, văng vẳng bên tai có tiếng sáo diều vi vu như đưa tôi vào cõi mộng.

 

Lòng buồn nhiều hơn vui, tôi bước chậm lần về dọc theo con đường đến trường Đoàn Thị Điểm- trường tiểu học của tôi ngày xưa. Bờ thành rêu phong như cúi đầu trầm mặc, cung miếu bệ rồng lặng yên nhớ thuở vàng son. Trên đầu tôi hàng phượng vỹ đỏ rưng rưng đến nao lòng! Một cánh phượng ngập ngừng rơi, tôi nhặt lên, lật xem hai mặt cánh hoa trong lòng bàn tay mà gợi nhớ cả một thời cắp sách đến trường.

Năm tháng, nhiều năm tháng đã trôi qua, mới đó mà nay tôi cũng đang đi dần vào tuổi già, thuở áo trắng đã xa lắm rồi. Nhìn lại cuộc đời mình chỉ thấy những ngày còn cắp sách là êm đẹp, là thần tiên nhất. Chân bước thênh thang vui đùa với cỏ cây, với bầu trời, với gió, với mưa như trời đất thiên nhiên tự có sẵn và bằng lòng.

Đường về Nội thành hanh hao nắng trưa, lũ ve chợt thức giấc hối hả làm nhiệm vụ, cứ ra rả những bài tình ca muôn thuở làm tôi bồi hồi. Bâng khuâng tôi nhặt một cánh hoa nữa vừa rơi, những cánh phượng này sẽ theo tôi vượt đại dương về bên ấy. Tôi muốn lưu giữ một thoáng hương xưa để cảm thấy ấm lòng hơn trong những ngày vào đông tuyết giá ở xứ người.

Tôi không làm sao tìm ra được vị trí căn nhà cũ của mình hiện nằm ở khoảng nào? Hỏi thăm ai đây khi thời gian xa cách đã 30 năm? Tôi đứng bơ vơ, lòng rười rượi buồn, nhà cửa hai bên đã mọc chi chít như dãy phố chợ, còn đâu căn nhà ba gian hai chái có đủ sân trước vườn sau? Ngần ngại mãi tôi cũng tìm ra được căn nhà thân yêu của ngày thơ ấu mà nay đã trở thành cửa hàng bán quần áo. Cũng nhờ một lối đi vào bên hông, tôi đã vào được sân sau, bác chủ nhà đã ngỡ ngàng hỏi tôi cần gì? Tôi xin phép được thăm lại nơi chốn cũ của mình, câu hỏi đầu tiên là hòn non bộ mà Ba tôi đã chăm chút từng ngày có còn  không? Thì ra nó vẫn còn, vẫn đậm nét khắc ghi ngày tháng Ba tôi đã dựng nên nó, đã từng cẩn thận gắn bằng xi-măng từng cái cầu vồng nhỏ với ngư ông ngồi câu cá, với những mảnh đá quý đủ màu. Tôi được hướng dẫn đưa vào thăm ngôi nhà, tôi đang đứng giữa căn nhà, các cây cột đã lâu năm mà vẫn còn bóng loáng mặc dầu đã chịu đựng bao năm tháng chiến tranh. Đưa tay sờ nhẹ vào chất nước sơn mà cảm thấy lòng mình nao nao xao động, nước mắt ứa ra, tôi cố ghìm lại mà không được và đã òa khóc như một đứa trẻ thơ. Bác mời tôi một chén nước chè xanh nóng hổi, tôi uống một ngụm mà nghe nghèn nghẹn như vừa uống một chất thuốc thật đắng. Chính nơi đây tôi đã lớn lên, đã thức khuya dậy sớm, miệt mài sách vở cũng như đã từng chứng kiến bao nỗi buồn vui lẫn xôn xao rộn ràng của tôi cả một thời thiếu nữ xuân thì. Nhân đây cũng xin cám ơn anh bạn hàng xóm đã từng chăm sóc tôi tận tình trong những tháng ngày học thi. Ân tình này tôi vẫn nhớ ghi dù rằng tôi không thể đền đáp được và đã làm buồn lòng anh không ít…

Tôi thẫn thờ nhìn lại khu vườn ngày trước, hoa lúc nào cũng thi nhau đua nở. Mật ngọt trái cây mời gọi những con chim chào mào, chích chòe, se sẻ về đây hội tụ. Các thanh âm, hương hoa, màu sắc cùng phối hợp hài hòa. Tiếng chim hót rộn rã, nhạc gió lao xao, hương cau thoảng đưa ngạt ngào. Màu xanh mơn mởn của lá cây dưới bầu trời thanh thiên; đôi khi vào giữa trưa hè, cảnh vật đìu hiu trở nên vắng lặng. Tôi cảm thấy yêu thương trìu mến khu vườn một cách êm đềm, cảm giác đó tưởng như không bao giờ mất, nó nằm gọn trong trái tim tôi và mãi mãi ngự trị ở đó. Anh em chúng tôi thường chạy ra vườn tìm nhặt một chiếc mo cau làm xe tàu để kéo. Anh luôn luôn tình nguyện làm tài xế, tôi ngồi sau, anh kéo tàu đi từ nơi này đến nơi khác, mồ hôi nhễ nhại. Tôi thấy thật tội nghiệp và không muốn chơi trò đùa này nữa nhưng qua ngày hôm sau rồi cũng vậy anh vẫn giành làm kẻ kéo xe.

Mai đây biết đến khi nào tôi còn được gặp lại? Tôi đi thăm cây cau, nhìn lại cây bát-bát, dừng lại dưới một nhánh sầu đông, nhìn thật kỹ giữa cành lá sum suê. Tôi tự nghĩ chắc đêm nay sẽ có nhiều chim chóc về ngủ lại nhưng tôi nào có thấy được chi đâu? Đôi mắt tôi hai giọt lệ ứa trào!

Ngồi cũng đã lâu, tôi xin từ biệt và cám ơn bác: Một ngày gần đây, cháu xin đến thăm bác một lần nữa. Nói như vậy nhưng tôi biết là khó có ngày trở lại đây như đã hẹn khi phải qua bao nghìn trùng xa cách.

Tôi đi trong bóng mát của những cành lá sầu đông tỏa rộng, bên kia đường là cây phượng vỹ to lớn già cỗi. Tôi đứng lại dưới cây như đứng dưới bóng một vị thần đã từng chứng giám che chở cho tôi trong những ngày thơ dại. Tôi thầm nguyện xin gởi gắm cùng cây bao tâm sự buồn vui của mình. Chân buớc xa dần nhưng đầu vẫn cố quay nhìn, vẫn muốn ghi dấu hình ảnh căn nhà thân yêu với bao kỷ niệm, bao bóng dáng dấu vết của một ngày xưa không bao giờ trở lại!

Ngày tháng rồi sẽ vẫn qua đi với bao nhiêu điều xảy đến; vẫn lặp lại những công việc, những diễn biến quen thuộc nhưng không vì thế mà thiếu đi những điều mới lạ. Và lạ nhất là sau nhiều năm xa xứ, miệt mài với công việc, tưởng rằng trái tim đã khô cằn nhưng hóa ra vẫn thấy mình còn gặp lại những thổn thức, những xúc động trước cảnh cũ, nơi chốn của những ngày thơ ấu đong đầy kỷ niệm dấu yêu của đời mình.

Huế rứa đó ngàn lần xa lại nhớ,

Một ngày về thôi mắt Huế đã sầu vương.

Lòng dặn lòng dù có trăm vạn lần thương,

Cũng đừng khóc mà quê hương mình lụt lội!

(Thơ HĐT Anh)

 

Nguyên Hạnh – HTD.

——————————————————————

Chú thích:

1.  Danh thắng hồ Tịnh Tâm bị “bức tử”

Danh thắng hồ Tịnh Tâm bị “bức tử”

25/01/2019

VHO- Được xem là một trong 20 cảnh đẹp đất thần kinh, nhưng nhiều năm qua danh thắng hồ Tịnh Tâm đang bị “bức tử” vì tình trạng rác và nước thải sinh hoạt đổ trực tiếp ra hồ. Bên cạnh đó, một số hạng mục của di tích này cũng đang xuống cấp, cần được tu bổ kịp thời.

 

 Bèo tây phủ đầy mặt hồ, làm mất mỹ quan của danh thắng

Di tích hồ Tịnh Tâm nằm về phía Bắc của khu di sản Hoàng cung Huế (thuộc phường Thuận Thành, TP Huế, Thừa Thiên Huế), được xem là Ngự uyển của Hoàng gia và là địa danh trong chùm thơ ca ngợi 20 cảnh đẹp đất thần kinh của vua Thiệu Trị. Hồ hình chữ nhật với chu vi gần 1.500m, có ba hòn đảo Bồng Lai, Phương Trượng và Doanh Châu – là nơi có nhiều công trình kiến trúc truyền thống của thời Nguyễn. Thế nhưng, cùng với áp lực gia tăng dân số và điều kiện sống, nhiều năm trở lại đây, danh thắng này đã phải “hứng” trực tiếp một lượng lớn nước thải sinh hoạt đổ ra từ các hộ gia đình sống xung quanh đó.

Người dân địa phương cho biết, nước hồ Tịnh Tâm trước đây trong veo, có hương sen thơm ngát. Vào những ngày hè nóng nực, nhiều người thường ra đây trải chiếu, mắc võng tránh nắng. Nhưng những năm gần đây, khi đi qua lại đoạn này nhiều người phải bịt mũi vì mùi hôi nồng nặc. Theo quan sát của chúng tôi, có rất nhiều cống thoát nước lớn đổ thải ra hồ khiến nước hồ ở gần đó đen ngòm và bốc mùi hôi thối. Ngoài ra, nhiều hộ dân cũng xả rác sinh hoạt bừa bãi quanh bờ hồ, thậm chí là đổ cả vật liệu xây dựng gây ra cảnh nhếch nhác ở một khu di tích nổi tiếng dưới triều nhà Nguyễn.

Bèo tây phủ đầy mặt hồ, làm mất mỹ quan của danh thắng.

Hồ Tịnh Tâm cũng là nơi trồng sen nổi tiếng của vùng đất Cố đô Huế. Nhưng vì tình trạng ô nhiễm nguồn nước kéo dài nên sen cũng không sống nổi, chỉ còn lác đác một ít diện tích. Thay vào đó, bèo tây tràn ngập mặt hồ, gây mất mỹ quan. Ở khu vực mặt nước thoáng hơn thì người dân xung quanh “tận dụng” làm nơi trồng rau muống. Ngoài ra, các hạng mục công trình kiến trúc ở hồ Tịnh Tâm đã bị hư hại hàng chục năm qua cũng chưa được quan tâm bảo tồn. Di sản này gần như trở thành “phế tích”. Nhiều chuyên gia cho rằng hồ Tịnh Tâm là địa chỉ văn hóa – du lịch hấp dẫn, có thể triển khai nhiều hoạt động thu hút du khách trong và ngoài nước. Chính quyền địa phương và đơn vị quản lý di tích cần nhanh chóng bắt tay thực hiện công tác bảo tồn, tôn tạo cảnh quan danh thắng này càng sớm càng tốt.

Theo lãnh đạo Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế (TTBTDTCĐ Huế), hiện có hơn 130 hộ dân sống xung quanh hồ Tịnh Tâm xả nước thải trực tiếp ra hồ, gây ô nhiễm nghiêm trọng. Trung tâm là đơn vị quản lý về chuyên môn, còn quản lý địa bàn di tích do UBND phường Thuận Thành nhưng nhiều năm nay tình trạng ô nhiễm ngày một nặng thêm. Hiện nay, Trung tâm đang xây dựng hồ sơ dự án về bảo tồn tổng thể di tích hồ Tịnh Tâm, do Phân viện Khoa học công nghệ xây dựng miền Trung làm đơn vị tư vấn. Ngoài việc trùng tu và bảo tồn hệ thống kiến trúc trên các đảo của hồ Tịnh Tâm, thì dự án cũng sẽ tiến hành nạo vét lòng hồ, khơi thông dòng chảy và xử lý hệ thống nước thải. Dự kiến, dự án sẽ được thực hiện cùng với việc triển khai đề án di dời dân cư ra khỏi khu vực 1 Kinh thành Huế.

Ông Phan Văn Tuấn, Phó Giám đốc TTBTDTCĐ Huế cho biết: Trước tình trạng xuống cấp và ô nhiễm nghiêm trọng ở di tích hồ Tịnh Tâm và hồ Học Hải, vào năm 2015 Trung tâm đã lập một dự án riêng từ nguồn vốn biến đổi khí hậu. Các thủ tục đã được gửi đến các cơ quan chức năng phê duyệt nhưng nguồn vốn đó bị gián đoạn. Sau đó, chúng tôi đã đưa dự án trùng tu và bảo tồn, tôn tạo cảnh quan của di tích này vào trong kế hoạch đầu tư trung hạn giai đoạn 2016-2020. Theo ông Tuấn, khó khăn hiện nay là tình trạng nhiều hộ dân lấn chiếm xung quanh hồ Tịnh Tâm. Do đó, trong kế hoạch triển khai đề án di dời dân cư ra khỏi khu vực 1 Kinh thành Huế, TTBTDTCĐ Huế đã ưu tiên đưa dự án này lên hàng đầu và tập trung giải quyết cho được vấn đề các hộ dân lấn chiếm xung quanh hồ.

 SƠN THÙY – LỘC ĐIỀU