Seite auswählen

Thế hệ nhà báo chuyên làm ra thứ sản phẩm không hoặc ít giá trị 

Trên các tờ báo quốc doanh như Nhân dân, quân đội, Hà Nội Mới, báo đảng các tỉnh, thành… đều ghi giá bán chứng tỏ đây là loại hàng hóa trao đổi ngang giá trên thị trường.

Các tờ báo thuộc lĩnh vực truyền thông đại chúng này được ngân sách chi cho việc sản xuất nhưng không bán được trên thị trường mà chủ yếu được cơ quan chức năng mua để biếu các quan chức, cán bộ lãnh đạo, đảng viên lão thành cách mạng, 50 tuổi đảng trở lên và ép buộc các tổ chức đảng, cơ quan,doanh nghiệp nhà nước phải mua báo(Chỉ thị số 11CT/TW của bộ chính trị khóa 8(1996) do TBT Lê Khả Phiêu ký ngày 28/12/1996; Thông báo kết luận số 173-TB/TW của ban bí thư về việc tiếp tục thực hiện chỉ thị số 11 về việc mua, đọc báo, tạp chí của đảng”. 

Các cơ quan, doanh nghiệp phải đăng ký mua báo về nhưng việc có ai đọc không lại là chuyện khác. Những đối tượng được phân phát, phải mua này chiếm tỷ lệ rất nhỏ so với những người đóng thuế để nuôi các tờ báo đó. Theo tôi những người của các đơn vị, cơ quan mua báo kia dù không mất tiền mua nhưng cũng không hoặc rất ít đọc. Bằng chứng là họ không trực tiếp mua tức không có nhu cầu. 

Do dân không có nhu cầu nên các sạp báo không bán được các tờ báo đảng. Vì vậy phần lớn các tờ báo đảng sau khi chuyển đến các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp nhà nước, đối tượng được phát thu gom bán cho giới đồng nát. Không hiếm gặp những bao tải báo nhân dân, quân đội, Hà Nội mới, báo các tỉnh…còn mới tinh ở các kho tập kết đồng nát. 

Hồi xảy ra vụ Đồng Tâm, người dân phone cho tôi, rất bức xúc vì mấy số báo Hà Nội Mới không hề về địa phương làm việc với dân nhưng đăng nhiều tình tiết sai sự thật, vu khống họ rất tàn nhẫn. Tôi đi nhiều sạp báo ở Hà Nội để tìm các số báo đó xem họ viết gì về Đồng Tâm nhưng không mua được số nào. Các sạp cho biết: “Báo đảng bán ế lắm, từ lâu không nhận về nữa…”. Tôi đành phải vào mạng tìm đọc nhưng không phải số tin bài trên báo điện tử và báo giấy khi nào cũng giống hệt nhau.

Sản phẩm sản xuất ra không được thị trường chấp nhận tức không có giá trị hoặc giá trị không ngang với giá bán. Báo đảng được mua về dù  không, hoặc rất ít người đọc nhưng tòa báo vẫn được thanh toán tiền ngang giá để trả lương và lấy số lượng tờ báo “phát hành” để khai thác quảng cáo. Từ đây các doanh nghiệp quảng cáo cũng gần như bị lừa. Thực chất rất ít người biết đến sản phẩm của họ vì những tờ báo đó không có hoặc rất ít người đọc. Đó là một sự “ăn gian” mồ hôi, nước mắt nhân dân, doanh nghiệp. Dân phải nuôi một đội ngũ đông đảo nhà báo chuyên làm ra thứ sản phẩm không hoặc có ít giá trị cho xã hội.

Hệ quả tai hại

– Trước hết là cả cuộc đời hàng nghìn, vạn các thế hệ nhà báo làm ra sản phẩm không được nhân dân chấp nhận mà vẫn cứ lương, lộc tức sống báo hại dân.

Sứ mạng của một đời người là phải làm ra thứ sản phẩm, lợi ích, giá trị nào đó cho mình, cho cộng đồng để được hưởng thụ  thì cả cuộc đời những nhà báo kia là vô tích sự. Cả đời họ phí hoài!

– Hệ quả tai hại thứ hai là hàng 800 cơ quan truyền thông “quốc doanh” với hàng chục triệu ấn phẩm, chương trình phát thanh, truyền hình  nhưng do không có nhiều giá trị thông tin dân không ham đọc, xem, nghe dẫn đến bị mạng xã  hội, báo tự do cạnh tranh, lấn át  nên không đáp ứng được yêu cầu của nhà cầm quyền. Từ đây đảng, nhà nước lại phải đẻ ra các loại truyền thông “quái thai”chưa bao giờ có như dư luận viên, AK 47…tốn phí cơ man tiền bạc của dân.

Thật buồn cho những thế hệ nhà báo báo hại dân.

Nguyễn Đình Ấm

VNTB (18.07.2021)

 

 

Làm sao chính quyền của Joe Biden vừa có thể thắt chặt mối quan hệ Mỹ-Việt, vừa thúc đẩy nhân quyền?

 

Nhà nghiên cứu Trần Thị Bích gần đây có một bài bình luận với nhan đề “Không đánh đổi: Biden vừa có thể nâng cấp mối quan hệ giữa Hoa Kỳ và Việt Nam, vừa thúc đẩy nhân quyền”. Trong đó, bà nhận định rằng chính quyền Biden cần phải xây dựng niềm tin với đối tác chính quyền Hà Nội bằng cách tôn trọng thể chế chính trị của Việt Nam và phân biệt nó với sự khác biệt của chủ nghĩa ‘xét lại’ của Trung Quốc. Giang Nguyễn có cuộc trao đổi với bà Trần Thị Bích để tìm hiểu thêm. 

Ngoại trưởng Mike Pompeo và Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại Hà Nội hôm 30/10/2020. Ảnh minh họa.  Reuters

Giang Nguyễn: Thưa chị Bích, Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden ngay từ đầu nhiệm kỳ đã nhấn mạnh chính quyền của ông sẽ đặt vấn đề dân chủ và nhân quyền làm trọng tâm của chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ. Đối với Việt Nam, chính phủ Hoa Kỳ có khả năng thúc đẩy nhân quyền đồng thời thắt chặt quan hệ kinh tế và an ninh giữa hai nước, nhưng theo chị, để đạt được cả hai mục tiêu, Hoa Kỳ cần phân biệt giữa chế độ cộng sản của Việt Nam và của Trung Quốc. Vậy theo chị, đâu là sự khác biệt?

Phó Tổng thống Hoa Kỳ Joseph Biden nói chuyện tại Học viện Ngoại giao Ukraine, 22 tháng 4, 2014AFP photo

Trần Thị Bích: Theo tôi nghĩ, vấn đề quan trọng là khi chính quyền của ông Donald Trump đã chỉ ra rằng Trung Quốc là một nước theo ‘chủ nghĩa xét lại’ (revisionist). Khái niệm của một nước theo chủ nghĩa xét lại tập trung vào hành vi của nước đó trong quan hệ giữa quốc tế với nhau.

Chúng ta có thể thấy rằng trong những năm vừa qua thì Trung Quốc đã trở nên rất hung hăng hơn trong tranh chấp Biển Đông, như Đường lưỡi bò là một, hoặc thay đổi biến các đá trở thành đảo nhân tạo hoặc là bắt nạt những nước khác trong khu vực, thì đó là những hành vi của một nước theo chủ nghĩa xét lại.

Ông Trump và những quan chức khác trong chính quyền của ông liên tục gắn liền ‘chủ nghĩa xét lại’ với ‘chủ nghĩa cộng sản’. Chẳng hạn như ông Mike Pompeo từng phát biểu rằng ‘Cộng sản luôn luôn nói dối.” Khi mà ông ấy ‘gộp đũa’ như vậy, ông ấy không nghĩ rằng Việt Nam, một nước mà Mỹ đang rất là muốn củng cố quan hệ, cũng là một nước cộng sản. Khi có những lời nhận xét như vậy thì theo tôi nó không hề giúp cho việc xây dựng niềm tin giữa hai nước.

Giang Nguyễn: Tức là khi mà gom Việt Nam vào chung với lại cùng một chủ nghĩa xét lại như Trung Quốc thì Mỹ đã không xích gần được với Việt Nam trong các vấn đề khác, có phải ý của chị như vậy không ạ?

Trần Thị Bích: Cũng một phần. Ý chính của tôi là khi chính quyền Mỹ muốn chỉ trích Trung Quốc về những hành vi ở Biển Đông hoặc những hành vi ép buộc các nước khác, thì họ không nên dùng từ ‘chủ nghĩa cộng sản’ mà nên sử dụng các từ ‘nước theo chủ nghĩa xét lại’.

Giang Nguyễn: Trong bài bình luận của chị, chị nói là qua những gì chúng ta thấy trong thời kỳ của Tổng thống Barack Obama hay là trong thời kỳ của Tổng thống Donald Trump thì những sự phân biệt như vậy đã ảnh hưởng ít nhiều đến vấn đề nhân quyền?

Trần Thị Bích: Theo tôi hiểu thì dưới thời Tổng thống Obama họ không gắn liền từ ‘chủ nghĩa xét lại’ với các nước cộng sản, nhưng họ vẫn nói đến vấn đề nhân quyền. Họ không chỉ tay vào mặt như dưới thời Tổng thống Trump.

Giang Nguyễn: Như chị biết thì những nhà đấu tranh trong những năm qua đặc biệt bị đàn áp khắc nghiệt. Liệu chính quyền Hoa Kỳ có quyết liệt hơn về những đòi hỏi nhân quyền và liệu chính quyền Biden thực sự có khả năng thúc đẩy Việt Nam cải thiện tình hình nhân quyền?

Hình minh hoạ. Ông Antony Blinken, người vừa được bổ nhiệm làm Ngoại trưởng Mỹ trong chính quyền mới của Tổng thống đắc cử Joe Biden  AFD 

 

Trần Thị Bích: Tổng thống Biden từ hồi mà ông ấy còn làm Phó Tổng thống dưới Tổng thống Obama thì hai người đã làm việc với nhau rất chặt chẽ về việc thúc đẩy nhân quyền. Trong vài tháng vừa qua Tổng thống Biden rất thống nhất trong các thông điệp của ông trong việc nâng cao nhân quyền trên toàn cầu.

Tôi nghĩ rằng khi cơ hội đến để Tổng thống Biden và những quan chức trong chính quyền của ông có cơ hội tiếp xúc với các lãnh đạo Việt Nam thì họ sẽ nhắc đến nhân quyền và chắc chắn sẽ thúc đẩy Việt Nam trong việc nâng cao nhân quyền ở Việt Nam. 

Mỹ có rất nhiều cách để giúp Việt Nam củng cố được nhân quyền. 

Cách thứ nhất là trực tiếp nói về nhân quyền qua đối thoại song phương. Trong bài viết, tôi có đề cập đến đối thoại đa phương. Như trong trường hợp của Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), Mỹ và Việt Nam đã ký kết một thỏa thuận riêng để đưa ra một lộ trình rõ ràng để Việt Nam có thể củng cố nhân quyền. Mặc dù việc chính quyền của ông Trump rút ra khỏi TPP khiến cho thỏa thuận song phương đó bị vô hiệu lực, nhưng trong quá trình đối thoại thì Việt Nam đã có những tiến bộ trong vấn đề nhân quyền. Một ví dụ, đó là Việt Nam đã tham gia vào Công ước (của Liên Hiệp Quốc) chống tra tấn. Hoặc là chính quyền Việt Nam cũng đã đồng ý thả một số tù nhân chính trị và hứa rằng Việt Nam sẽ tiếp tục thay đổi luật trong nước để mà thống nhất với luật pháp quốc tế. Đó là cách trực tiếp.

Ngoài ra thì có những cách gián tiếp mà Mỹ có thể thực hiện để giúp Việt Nam củng cố vấn đề nhân quyền. Ví dụ như là tăng cường quản lý của nhà nước, giảm thiểu tham nhũng ở trong nước. Khi tham nhũng giảm thì dân sẽ cảm thấy hài lòng với chính quyền hơn, điều đó sẽ dẫn đến ít các cuộc biểu tình hơn và khi mà ít biểu tình hơn thì sẽ ít có cơ hội cho chính quyền đàn áp các cuộc biểu tình đó. Như vậy sẽ là một cách gián tiếp để củng cố nhân quyền.

Ngoài ra còn một cách nữa đó là Mỹ có thể giúp Việt Nam củng cố hệ thống pháp luật để họ có thể xét xử đối tượng ở trong nước một cách công bằng hơn. 

Giang Nguyễn: Mới đây thì Tổng thống Biden đã gặp với Tổng thống Vladimir Putin của Nga. Cuộc gặp gỡ đó có cho chúng ta thấy điều gì về cách thúc đẩy vấn đề nhân quyền không ạ?

Trần Thị Bích: Đó là một ví dụ rất tốt. Vì nhiều người nói rằng việc Tổng thống Biden gặp Tổng thống Putin có phải là một dấu hiệu cho thấy Mỹ không quan trọng vấn đề nhân quyền nữa hay không? Nhưng thực ra theo tôi nghĩ, Tổng thống Biden gặp Tổng thống Putin không phải vì hai nước đồng quan điểm với nhau mà chính vì hai nước khác nhau. Cho nên họ mới cần gặp mặt để mà thẳng thắn đối thoại.

Theo tôi đó là một phong cách của Tổng thống Biden. Ông sẽ rất thẳng thắn để đối thoại những vấn đề rất nhạy cảm với những nước mà theo ông là quan trọng.

Nhà nghiên cứu Trần Thị Bích. Ảnh: CSIS

Giang Nguyễn: Liệu chúng ta thấy mối quan hệ giữa Việt Nam và Hoa Kỳ được nâng cấp lên thành một quan hệ chiến lược trong nhiệm kỳ của ông Biden?

Trần Thị Bích: Những quan chức của bên Mỹ và những quan chức của bên Việt Nam đều nói rằng nội hàm của mối quan hệ đối tác toàn diện của Việt Nam và Mỹ hiện tại đã đạt đến mức chiến lược rồi. Thế nhưng tôi cũng tự hỏi rất nhiều lần vậy tại sao chính thức vẫn chỉ là quan hệ đối tác toàn diện? Tôi cũng như rất nhiều người theo dõi Việt Nam cũng đang rất mong chờ hai nước đồng ý chính thức nâng cấp mối quan hệ này lên mức đối tác chiến lược. Bởi vì theo tôi việc chính thức nâng cấp đó sẽ giúp cho hai nước có một cái khung vững chắc hơn đề tiếp tục nâng cao quan hệ hai bên. 

Nhưng hiện tại thì không rõ khi nào hai bên sẽ chính thức nâng cấp quan hệ bởi vì trong suốt hai năm qua mọi người đã mong chờ giây phút đó mà nó vẫn chưa xảy ra. Có thể là do những điều kiện khác chưa đạt cho nên họ không thể thống nhất được.

Giang Nguyễn: Cảm ơn chị Trần Thị Bích rất nhiều. 

RFA (18.07.2021)

 

 

Không có tự do thì liệu thu phí có giúp báo chí chuyên nghiệp hơn?

Một người đàn ông sử dụng điện thoại thông minh khi đi ngang qua một tấm áp phích cảnh báo chống lại việc phát tán ‘tin tức giả’ về virus corona ở Hà Nội, 14/42020. REUTERS / Kham

Ông Hồ Quang Lợi – Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam, cho rằng: ‘Báo chí thu phí thể hiện khát vọng làm nghề ngày càng chuyên nghiệp hơn’.

Ông Hồ Quang Lợi phát biểu như vừa nêu khi trao đổi với báo chí nhà nước Việt Nam hôm 17/6/2021.

Theo ông Lợi, việc thu phí từ nội dung tác phẩm báo chí đã có từ lâu ở nhiều nước, nhiều tờ báo trên thế giới đã thực hiện việc này và thành công. Ông Lợi cũng cho rằng, việc triển khai báo chí thu phí là tín hiệu tích cực, thể hiện niềm tin vào nghề của nhà báo, mong muốn thuyết phục xã hội bằng chính ‘chất lượng thông tin với sự chính xác, có trách nhiệm’.

Không chỉ báo Đảng, báo chí tại Việt Nam nói chung đều phải phục vụ nhiệm vụ chính trị, không có báo chí tư nhân, Nhà nước định hướng dư luận xã hội… những việc như vậy, lâu nay vẫn là những cái cơ bản mà Nhà nước Việt Nam áp dụng với báo chí. Như vậy liệu những điều ông Hồ Quang Lợi nói có thực tế?

Trả lời RFA từ Nha Trang hôm 17/6, nhà báo Võ Văn Tạo, nhận định:

“Chủ trương thu phí báo chí được Chính phủ Việt Nam dự định thu thí điểm một vài tờ, rồi sau đó nhân rộng đại trà. Theo quan điểm của ông Hồ Quang Lợi, thì ổng khuyến khích và cho rằng cái đó là báo chỉ thể hiện tính chuyên nghiệp hơn, tự tin hơn, hợp lý hơn… Tôi nghĩ nếu thật sự Việt Nam có một nền báo chí thì cũng nên làm như thế. Không cần Nhà nước quy định đâu, bản thân tờ báo tự biết cần phải làm gì với sản phẩm của người ta, làm sao để tiêu thụ tốt. Thật ra việc lấy tiền công chúng khi đọc báo của mình không phải đơn giản, công chúng rất đa dạng, người ta chọn thông tin cần thiết đối với họ…”

Theo nhà báo Võ Văn Tạo, tại Việt Nam, Đảng và Nhà nước coi báo chí là công cụ tuyên truyền. Vì vậy, có nhiều tin bài không đáp ứng sự mong đợi của công chúng nhưng vẫn xuất hiện trên báo chí…, như vậy mà thu tiền báo chí thì nhà báo Võ Văn Tạo cho rằng hơi khó, thậm chí không thể được. Ông nêu ví dụ:

“Cũng như người dân nói lâu nay về báo Nhân Dân, nhưng nhân dân không có đọc, người ta còn nói vui các sạp báo muốn phá sản thì lấy báo Nhân Dân để bán, tức là ế luôn. Để duy trì, Đảng Cộng sản có chủ trương buộc các chi bộ phải mua báo hàng tháng, còn các đảng viên 40 tuổi đảng trở lên thì được cấp miễn phí một tờ… thế nhưng mà họ cũng chẳng đọc. Đối với báo chí cà báo giấy và báo mạng hiện nay, thì để tạo nguồn thu cho mình, thì không chỉ lấy tiền từ công chúng, có những tờ phát không, và thu tiền quảng cáo. Nếu thu hút được nhiều độc giả thì sẽ có nhiều nhãn hàng quảng cáo, đấy là nguồn thu để nuôi tờ báo. Còn nói theo kiểu duy ý chí như kiểu Việt Nam rồi đi vận động các nơi khác thì tôi nghĩ không phải đơn giản đâu.”

Đây không phải lần đầu việc thu phí độc giả khi xem báo được nhắc đến. Từ năm 2020, nhiều vị Tổng biên tập báo Nhà nước đã nói về vấn đề này. Đơn cử như trong Diễn đàn Tổng Biên tập với chủ đề ‘Báo chí và bài toán phát triển nguồn thu’ diễn ra hôm 11/6/2020, nhiều lãnh đạo các cơ quan báo chí Nhà nước kiến nghị việc thu phí từ các nhà mạng và thu phí người đọc báo trên mạng để đa dạng hóa nguồn thu.

Sau đó vào ngày 21/8/2020, nhà báo Trần Tiến Duẩn, Tổng biên tập báo điện tử VietnamPlus trong buổi trả lời phỏng vấn báo mạng VietnamNet cũng đã cho rằng thu phí độc giả là xu hướng của báo chí thế giới.

Một người dân giấu tên ở Sài Gòn khi trả lời RFA nói:

“Nếu không có gì khác biệt mà vẫn thu tiền thì người ta sẽ có nhiều nguồn khác đọc nên không sẵn lòng trả vì không có nguồn này thì đọc nguồn khác, bây giờ tin tức có nhiều nơi để đọc.”

Còn Nhà báo Minh Hải, báo Quảng Nam khi trả lời RFA trước đây cho rằng, điều này rất vô lý vì không có căn cứ để thu phí. Ông nêu ví dụ:

“Ví dụ anh thấy thông tin này hay anh share (chia sẻ) cho nhiều người đọc, không lẽ anh phải trả phí? Cái thứ hai nữa là ai sẽ quản lý việc thu đó và tiền đó sẽ về đâu? Cái thứ ba, làm như thế không khác chi là bóp chết báo chí Việt Nam. Bởi khi bạn đọc phải trả phí thì họ sẽ không muốn đọc nữa. Không ai đọc thì mục đích tuyên truyền của nhà nước sẽ không đạt được. Tôi nghĩ chuyện thu phí bạn đọc sẽ không thành.”

Báo in bán dạo ở Hà Nội, ảnh minh họa chụp trước đây. AFP.

Ban Tuyên giáo Trung ương hôm 9 tháng 9 năm 2020, cùng với Bộ Thông tin và Truyền thông, và các tờ báo Đảng như báo Nhân Dân, Tạp chí Cộng sản, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật… đã tổ chức Hội nghị trực tuyến yêu cầu tăng cường mua và đọc báo, tạp chí của Đảng…

Tại Hội nghị, Ban Tuyên giáo Trung ương đưa ra chỉ thị đến tất cả các ban ngành ở các địa phương trên toàn quốc, cần nâng cao nhận thức, coi việc mua và sử dụng báo, tạp chí của Đảng là trách nhiệm, là nhu cầu cần thiết. Liệu việc mua và sử dụng báo, tạp chí của Đảng có là nhu cầu cần thiết của người dân, hay công chức địa phương mà Ban Tuyên giáo Trung ương gắn nó với trách nhiệm?

Dư luận trên mạng xã hội nghi ngờ, liệu có phải kêu gọi thu phí báo chí để có thêm nguồn thu thuế, hay nhằm giúp một phần để các tờ báo Đảng có người đọc?

Ông Trần Bang, một người bất đồng chính kiến khi trả lời RFA từ TPHCM hôm 17/6, nói:

“Việc thu phí báo chí thì tôi cũng lần đầu nghe nói. Đúng ra thì bất cứ kinh doanh ngành nghề gì mà có thu, thì bất cứ quốc gia nào cũng đánh thuế, hoặc ngành nghề khuyến khích thì không thuế… Còn ở Việt Nam thì chỉ có Nhà nước mới được làm báo chí online, còn báo mạng hay YouTuber, Facebooker, Blogger cũng online nhưng gốc ở nước ngoài mà có thu nhập thì lại do bên quản trị doanh nghiệp, bên tài chính. Còn bên Tuyên giáo mà đưa ra vấn đề tài chính thì tôi cũng thấy lạ. Một mặt họ xây bảo tàng, tượng đài văn hóa nghìn tỷ, mặt khác họ lại đề xuất thu phí báo chí online, thì tôi thấy cái đó nó không ăn nhập vào đâu cả, không đúng chức năng của cơ quan quản lý báo chí. Cái đó là của ngành thuế, của bên lập pháp.”

Theo ông Trần Bang, báo chí tại Việt Nam hoàn toàn do Đảng Cộng sản kiểm soát nội dung mà bây giờ đòi thu phí báo online thì thật là nực cười.

Báo chí tại Việt Nam hoàn toàn do Nhà nước kiểm soát. Nhưng nếu so với cách đây khoảng ba hay bốn thập kỷ, thì việc kiểm soát báo chí có thay đổi. Không chỉ bị kiểm soát trực tiếp từ Ban Tuyên giáo Trung ương đến Ban Tuyên giáo địa phương và các Sở Thông tin – Truyền thông ở các tỉnh thành, các tờ báo còn bị kiểm duyệt thông qua việc bố trí nhân sự trong các cơ quan báo chí như bí thư chi bộ, đảng bộ của các nơi này.

Trong phúc trình về Chỉ số Tự Bo Báo chí Thế giới năm 2020 do Tổ chức Phóng Viên Không Biên Giới RSF công bố, Việt Nam bị xếp hạng 175 trên 180 quốc gia, được đánh giá là không có tự do báo chí.

RFA (17.06.2021)

 

 

Nhóm Báo Sạch đối diện thêm cáo buộc ‘tiết lộ bí mật nhà nước’

Các nhà báo độc lập của nhóm Báo Sạch, hiện đang bị giam giữ để điều tra trước cáo buộc “bôi nhọ, xúc phạm các lãnh đạo Đảng”, có thể đối mặt với một cáo buộc nữa nghiêm trọng hơn, là ‘làm lộ bí mật nhà nước’, theo truyền thông trong nước đưa tin hôm 16/6.

Trong bức ảnh do Công an cung cấp chụp qua màn hình của Thanh Niên Online là (từ trái qua, từ trên xuống) các nhà báo Trương Châu Hữu Danh, Nguyễn Thanh Nhã, Nguyễn Phước Trung Bảo và Đoàn Kiên Giang, hiện đang đối mặt với cáo buộc mới, tội “cố ý làm lộ bí mật nhà nước.”

Bốn thành viên của nhóm Báo Sạch, từng gây tiếng vang ở Việt Nam vì các bài viết chống tham nhũng, hồi tháng 5 bị cơ quan An ninh điều tra TP Cần Thơ đề nghị truy tố về hành vi “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền lợi ích hợp pháp của tổ chức cá nhân” theo điều 331 của Bộ luật Hình sự Việt Nam.

Hôm 16/6, VKSND của thành phố này đề nghị Công an TP Cần Thơ điều tra bổ sung thêm sau khi công an cho biết “hành vi của các bị can có dấu hiệu phạm tội ‘Cố ý làm lộ bí mật nhà nước” theo Điều 337 BLHS, theo truyền thông trong nước.

Trang Báo Sạch, được lập trên mạng xã hội Facebook và từng có 100.000 người theo dõi, đã bị đóng lại ngay sau khi nhà báo Trương Châu Hữu Danh bị bắt hồi tháng 12/2020. Hơn 4 tháng sau đó, 3 thành viên còn lại – gồm Nguyễn Thanh Nhã, Đoàn Kiên Giang và Nguyễn Phước Trung Bảo – cũng bị công an Cần Thơ bắt giữ và khởi tố cùng với cáo buộc “lợi dụng quyền tự do dân chủ.”

Dẫn nguồn tin của Công an Cần Thơ, báo Công an Nhân dân cho biết cơ quan điều tra đã thu thập 31 bài viết liên quan đến TP Cần thơ và 29 video đăng công khai trên Facebook. Theo cơ quan điều tra, nhà báo Hữu Danh “thừa nhận các bài viết phản ánh là sai sự thật.”

Còn theo VietNamNet, cơ quan điều tra thu giữ tại nhà, hộp thư điện tử… của các bị can 9 văn bản liên quan đến vụ án Hồ Duy Hải và Trường Đại học Tôn Đức Thắng. Vụ án Hồ Duy Hải gây tranh cãi trong công chúng ở Việt Nam khi nhiều người cho rằng tử tù này bị kết án trong một quy trình thiếu minh bạch. Vụ việc trường ĐH Tôn Đức Thắng cũng gây tranh cãi trong công luận khi chính quyền cách chức hiệu trưởng và bắt giữ một giảng viên của trường sau khi giảng viên này tố cáo một bí thư tỉnh đạo văn để làm luận án tiến sỹ.

Cơ quan điều tra cho rằng các văn bản mà họ phát hiện và thu giữ tại nhà và từ hộp thư điện tử cũng như nhóm chat của các thành viên nhóm Báo Sạch có “đóng dấu mật” và “tối mật” trong khi các tài liệu khác không đóng dấu mật nhưng có nội dung ghi là “mật.” Theo Công an Nhân dân, Cơ quan điều tra nhận định rằng “các bị can có dấu hiệu của hành vi cố ý làm lộ bí mật Nhà nước; chiếm đoạt, mua bán hoặc tiêu huỷ vật hoặc tài liệu bí mật Nhà nước.”

Vụ bắt giữ nhóm Báo Sạch bị các tổ chức quốc tế, trong đó có Uỷ ban Bảo vệ Ký giả và tổ chức Phóng viên Không Biên giới, lên án. Chính phủ Mỹ hồi tháng 4 cũng lên tiếng bày tỏ quan ngại đối với vụ bắt giữ các nhà báo này và kêu gọi chính phủ Việt Nam trả tự do cho những người bị giam giữ bất công ở quốc gia Đông Nam Á.

VOA (17.06.2021)

 

 

Cơ sở, đất đai tôn giáo có thể giải quyết qua việc sửa đổi Luật Đất Đai?

Hình minh hoạ. Những người Công giáo tập trung bên ngoài toà án ở Hà Nội hôm 8/12/2008 nơi 8 người Công giáo bị xét xử về tội gây rối trật tự công cộng liên quan đến tranh chấp đất đai giữa Công giáo và chính quyền.

Theo thống kê từ Ban Tôn giáo Chính phủ, tính đến tháng 11/2020, các tổ chức tôn giáo trong nước đã sử dụng chừng 29.801 cơ sở tôn giáo, tăng khoảng 5.801 so với năm 2008.

Đây là những con số được đưa ra trong hội nghị trực tuyến về cơ chế quản lý, sử dụng đất tôn giáo, tín ngưỡng, do Bộ Nội vụ và Ban Kinh tế Trung ương  tổ chức hôm 3/6.

Theo truyền thông Nhà nước, Ban Tôn giáo Chính phủ cho biết, con số những cơ sở trên bao gồm các nơi thờ tự, đào tạo, các địa điểm phụ trợ, hoạt động xã hội của tôn giáo, trong đó bao gồm cả những cơ sở đã được và chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Lên tiếng tại hội nghị trực tuyến ngày 3/6, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Vũ Chiến Thắng cho rằng vấn đề quản lý, sử dụng đất tôn giáo, tín ngưỡng là vấn đề lớn, phức tạp và có bất cập trong cơ chế giao đất, sử dụng đất, quản lý, điều hành.

Vị quan chức Bộ Nội vụ cho hay, thời gian qua, Đảng và Nhà nước đã chỉ đạo sát sao vấn đề vừa nêu, còn Ban Tôn giáo Chính phủ cũng đã tham gia sửa đổi Luật Đất Đai, trong lúc các Ban Chỉ đạo Trung ương cũng đã tổ chức nhiều cuộc họp liên quan đến vấn đề quản lý, sử dụng đất đai trong tôn giáo.

Vẫn lời ông Vũ Chiến Thắng, Bộ Nội vụ đang chuẩn bị sơ kết Luật Tín Ngưỡng- Tôn Giáo năm 2018, qua đó sẽ đề xuất ban hành chủ trương, chính sách mới về quản lý đất đai trong các tôn giáo. Tuy nhiên đây là vấn đề khó và phức tạp, ông Vũ Chiến Thắng phát biểu tiếp.

Báo cáo của Bộ Nội vụ về Luật Đất Đai năm 2013, với những quy định cụ thể đối với đất tôn giáo, tín ngưỡng… cho thấy chưa tìm được hướng giải quyết ổn thỏa và lâu dài.

Mặt khác, việc áp dụng Luật Đất Đai năm 2013 còn những điểm khó khăn, vướng mắc trong công tác quản lý, thí dụ về hạn điền, về giao đất, về việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, và  chưa có quy định rõ ràng việc tôn giáo sử dụng đất vào các hoạt động an sinh xã hội như thế nào.

Song song với đó, vẫn theo báo cáo từ Bộ Nội vụ, bất cập trong quản lý đất đai tôn giáo như lưu trữ và quản lý hồ sơ đất đai, bất cập trong công tác sử dụng đất tôn giáo, bất cập trong việc giao đất cho các doanh nghiệp tư nhân để xây dựng khu du lịch văn hóa tâm linh, thiếu chủ động giải quyết vấn đề đất đai, cơ sở liên quan đến tôn giáo…chưa kể công tác hướng dẫn, tranh thủ chức sắc, vận động quần chúng ở một số nơi chưa hiệu quả, chưa tạo được sự đồng thuận từ phía tôn giáo…

Phải chăng đây là dấu hiệu Việt Nam muốn tháo gỡ những vướng víu bất cập trong Luật Đất Đai nói chung, với qui định đất là sở hữu Nhà Nước và dân quản lý, trong đó cả qui định về đất tôn giáo nói riêng, là bình luận trên các cộng đồng mạng mới đây.

Những người Công giáo làm lễ tại nhà thờ Thái Hà để cầu nguyện trong một vụ tranh chấp đất đai với chính quyền Hà Nội hôm 25/4/2009. AFP

Blogger Tuấn Khanh, một nhà quan sát xã hội, cho rằng phản ứng từ các cộng đồng mạng trong nước cho thấy, việc quản lý, giao phó, điều hành và sử dụng đất tôn giáo theo chủ trương Nhà  nước không chỉ gây tranh cãi mà còn là chuyện ‘trên không thuận- dưới không hòa’ bao lâu nay:

Nói rằng bắt đầu nghĩ cách làm sao để gỡ vướng và giải tỏa những khó khăn về  vấn đề đất đai và tài sản tôn giáo là cách đánh động dư luận rằng Nhà nước cũng đang trăn trở, suy nghĩ về vấn đề khó khăn này, là nhận định của blogger Tuấn Khanh:

Thứ nhất vướng là vướng cho ai, giải quyết  cho ai, cho Nhà nước hay cho người dân? Sau năm 1975 cho đến năm 2000 là chiến dịch tịch thu tài sản của những tôn giáo, bao gồm cả tài sản về giáo dục, nhà thờ và tất cả những điền địa liên quan mà chính quyền cho rằng mình có quyền tịch thu bởi vì đây là những tài sản “bất hợp pháp”. Chữ “bất hợp pháp” nằm trong ngoặc kép vì nó được ấn định như một vấn đề Nhà Nước muốn giải quyết”.

Giờ nói đến giải quyết vướng mắc thì Luật Đất Đai với qui định ràng buộc là Nhà nước quản lý và dân chỉ được quyền sử dụng, Nhà Nước có thể lấy lại bất cứ lúc nào, thì e rằng mọi chuyện không dễ, kể cả việc sửa đổi luật. Blogger Tuấn Khanh nói tiếp:

Điều đó xảy ra ở rất nhiều nơi, từ Giáo xứ Cồn Dầu, Nhà Thờ Chánh Tòa Hà Nội, cho tới tất cả những câu chuyện liên quan về tranh chấp như Đan Viện Thiên An chẳng hạn, chuyện đập chùa Liên Trì chẳng hạn. Tất cả là câu chuyện duy ý chí của một chính quyền nằm trong một Hiến Pháp mà đất đai do Chính phủ quản lý. Nhà nước không bao giờ đi qua được những vướng mắc đó nếu Hiến Pháp không được thay đổi”

Mà nếu Hiến Pháp không được thay đổi thì Nhà nước chỉ có thể liều vượt qua giống như sự ban ơn cho những tôn giáo đó bằng cách đã lấy rồi giờ trả lại cho người ta ở mức độ nào vừa phải mà Nhà Nước đồng ý, chứ không có giá trị nào về giải quyết vướng mắc cả”.

Không chỉ đất đai của Công giáo hay Phật giáo ngoài quốc doanh, blogger Tuấn Khanh giải thích thêm, những Tôn giáo bạn khác ở Việt Nam như Cao Đài, Hòa Hảo ít nhiều cũng bị chung số phận:

“Trước 1975 đạo Hòa Hảo và đạo Cao Đài đều có những trường Đại Học  riêng của mình, đào tạo anh tài ở các vùng miền Tây và miền Đông”

“Sau 75 đến giờ, cột mốc quan trọng là sau 1995 khi cấm vận được bỏ đi, Nhà nước bắt đầu sử dụng cách ‘tôi không lấy được thì tôi cũng không cho bạn xài’. Họ biến tài sản của nhà thờ hay chùa thành vườn hoa, công viên hay một cái gì đó chẳng hạn. Nói là tìm giải pháp cho vướng mắc chỉ là sự đánh tiếng, chuẩn bị cho một chính sách nào đó để đối phó với thế giới và người dân trong giai đoạn nào đó. Đừng mơ là Nhà nước sẽ gỡ rối tất cả. Nó chỉ cho thấy ông Nhà Nước đã đến lúc nhìn lại và văn minh hơn ngày xưa vậy thôi”.

Đất Việt (17.06.2021)

Durch die weitere Nutzung der Seite stimmst du der Verwendung von Cookies zu. Weitere Informationen

Die Cookie-Einstellungen auf dieser Website sind auf "Cookies zulassen" eingestellt, um das beste Surferlebnis zu ermöglichen. Wenn du diese Website ohne Änderung der Cookie-Einstellungen verwendest oder auf "Akzeptieren" klickst, erklärst du sich damit einverstanden.

Schließen