Seite auswählen

Nguyễn Đình Bổn

21-6-2021

1- Tờ báo quốc ngữ đầu tiên:

Khai sinh sớm nhất trong làng báo Quốc ngữ Việt Nam là Gia Định báo. Tờ báo tổng hợp này có khuôn khổ 25 x 32 cm, ra hàng tuần tại Sài Gòn và tồn tại suốt 44 năm sau khi phát hành số đầu vào ngày 15 tháng 4 năm 1865.

2- Tờ báo quốc ngữ tư nhân đầu tiên:

Nguyệt san Thông loại khóa trình (báo kiểu sách đọc thêm, giải trí mang mục đích giáo dục) do Trương Vĩnh Ký chủ trì, khuôn khổ 16 x 23,5 cm, phát hành hàng tháng tại Nam Kỳ trong những năm 1888-1889, là tờ báo quốc ngữ tư nhân đầu tiên. Số báo số 1 ra vào tháng 5, 1888.

3- Tờ báo phụ nữ đầu tiên:

Báo Nữ giới chung (tiếng chuông của nữ giới) xuất bản vào Thứ Sáu hàng tuần tại Sài Gòn bắt đầu năm 1918 là tờ báo đầu tiên chuyên về phụ nữ. Số báo đầu tiên ra mắt ngày 1 tháng 2, 1918. Lê Ðức làm chủ nhiệm và Sương Nguyệt Anh, con gái của Nguyễn Ðình Chiểu làm chủ bút.

4- Tờ báo kinh tế đầu tiên:

Báo Nông cổ mín đàm (ngồi uống trà bàn chuyện làm ruộng và đi buôn) khuôn khổ 20 x 30 cm, phát hành vào Thứ Năm hàng tuần tại Sài Gòn, là tờ báo kinh tế đầu tiên với số 1 ra ngày 1 tháng 8 năm 1901.

5- Nhà báo Việt Nam đầu tiên:

Nhà báo Việt Nam đầu tiên là Trương Vĩnh Ký (1837-1898), tên tự là Sĩ Tải thường gọi là Pétrus Ký, quê ở Tân Minh-Vĩnh Long (nay thuộc Bến Tre). Ông là một học giả lớn, thạo 26 ngoại ngữ, là tác giả của hơn 100 bộ sách, hàng nghìn bài viết, có chân trong nhiều hội khoa học quốc tế, cống hiến xuất sắc cho các chuyên ngành: văn hóa, ngôn ngữ, địa lý, nhân chủng học. Ông thành lập, làm tổng biên tập những tờ báo Quốc ngữ đầu tiên, đồng thời là cây bút chủ chốt của rất nhiều báo khác và được coi là người đặt nền móng cho báo chí quốc ngữ Việt Nam.

6- Nữ tổng biên tập đầu tiên:

Danh hiệu này thuộc về Nguyễn Xuân Khuê (1864-1921), thường được biết qua bút danh là Sương Nguyệt Anh, người con gái thứ tư của nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu, quê ở Ba Tri-Bến Tre. Nhận lời mời của các đồng nghiệp, đầu năm 1918 bà lên Sài Gòn làm Tổng Biên tập tờ Nữ giới chung và phụ trách tờ báo này trong suốt thời gian tồn tại của nó.

Ngoài ra thời kỳ phát triển mạnh nhất, đa dạng nhất của báo chí VN là thời kỳ 1954 đến 30.4.1975 tại Sài Gòn.

***

Nhìn các cột mốc này, ta thấy ngày 21.6.1925, tại Quảng Châu (Trung Quốc), khi Nguyễn Ái Quốc ra tờ Thanh Niên và sau này ngày 5.2.1985, Hội nhà báo Việt Nam quyết định lấy ngày này làm Ngày Báo chí Việt Nam. Rồi đến ngày 21.6.2000 mới gọi Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam đều muộn hơn, ít đa dạng hơn vì thiếu hẳn mảng báo chí tư nhân. Báo chí trong chế độ này được quy định rõ ràng là dùng để tuyên truyền cho các chính sách của nhà cầm quyền. Nhà báo trong hệ thống này chỉ là loại công chức phục vụ chế độ.

Do đó, gọi 21.6 là ngày Nhà báo VN là sai. Tên chính thức trong văn bản là: Ngày báo chí cách mạng Việt Nam.