Mục lục
1—–LÝ DO THỰC SỰ ĐẢNG CỘNG HÒA NGĂN CẢN LUẬT SỬA ĐỔI QUY TẮC FILIBUSTER
Đảng Cộng Hòa luôn biện minh cho kế hoạch của họ để ngăn chặn luật về thay đổi quy tắc filibuster tại Thượng viện trong tuần này bằng lập luận cho rằng đó là một sự thâu tóm quyền lực liên bang rất lớn.
Nhưng những lời nói và hành động trong quá khứ của họ cho thấy một lần nữa họ đang ưu tiên lợi thế chính trị của mình hơn là bảo vệ nền dân chủ.
Khi Donald Trump thất bại trong cuộc bầu cử năm ngoái, hầu hết các đảng viên Cộng hòa đã không làm những gì mà hầu hết các đảng thua cuộc làm trước đây, họ chỉ nghĩ đến những cách thức tiêu cực để làm khó thành phần thiểu số da màu, kêu gọi những thay đổi nhằm rút ngắn những con đường dẫn đến quyền lực trong những cuộc bầu cử sắp tới.
Các nhà lãnh đạo đảng Cộng Hòa ở Washington và các tiểu bang đỏ, họ đã tận tâm che giấu hành vi phản dân chủ của Trump, ủng hộ những lời nói dối về gian lận bầu cử và chống đối hết mức có thể những cuộc điều tra liên quan đến ngày ô nhục 06.01 ở điện Capitol và những hành vi sai phạm của Trump khi còn tại nhiệm, điển hình nhất là thất bại trong việc giải quyết đại dịch Covid-19.
Thay vì tìm hiểu lý do tại sao cử tri lại từ chối ủng hộ Trump sau một nhiệm kỳ, thì các nhà lập pháp của đảng Cộng Hòa đã đưa ra các dự luật bắt nguồn từ những lời nói dối của Trump về một cuộc bầu cử bị đánh cắp có thể giúp họ dễ dàng tự chọn lấy người chiến thắng trong các cuộc bầu cử trong tương lai, không màng đến ai là người được cử tri chọn.
Trong bối cảnh đó, các đảng viên Cộng Hòa tại Thượng Viện trong tuần này dự kiến sẽ ngăn chặn các hành động của đảng Dân chủ đã được thiết lập một kế hoạch hiệu quả nhằm bảo vệ một nền dân chủ đang bị tấn công gần như chưa từng có bởi những kẻ cánh hữu cực đoan.
Cuộc đối đầu này đến vào đúng thời điểm quan trọng đối với nhiệm kỳ Tổng Thống của ông Joe Biden. Các cuộc đàm phán nhằm đem đến một dự luật cơ sở hạ tầng lưỡng đảng chỉ có một con đường hẹp để đi đến kết quả. Và, cũng phải công nhận một cách công bằng, với một nỗ lực kéo dài nhiều tháng cho một thỏa thuận lưỡng đảng về cải cách cảnh sát cuối cùng cũng tạo ra một số dấu hiệu lạc quan cho tiến bộ thực sự.
Trong khi những vấn đề lập pháp này là quan trọng đối với chương trình nghị sự chính trị của Tổng Thống Joe Biden, thì cuộc xung đột về thay đổi quy tắc filibuster liên quan đến một điều khoản quan trọng sống còn đối với nước Mỹ – đó là, làm sao để duy trì ổn định hệ thống chính trị của nước này.
Đảng Dân chủ hiện đang cố gắng vượt qua cửa ải khó ăn nhất tại Thượng viện với những dự luật thay đổi quy tắc filibuster, mở rộng quyền truy cập vào lá phiếu bằng cách giới thiệu tính năng đăng ký cử tri tự động, bảo vệ bỏ phiếu qua thư và thiết lập các tiêu chuẩn toàn quốc cho việc bỏ phiếu sớm. Có nhiều ý kiến cho rằng liệu Washington có tài trợ hợp lý cho một cuộc đại tu lớn đối với hệ thống bầu cử trên phạm vi toàn quốc hay không.
Để tạo ra thêm khó khăn cho đảng Dân Chủ trong thời gian này, các tiểu bang đỏ dưới sự kiểm soát của đảng Cộng Hòa đã tuyên bố cho rằng hệ thống bầu cử ở tiểu bang của họ hoạt động ổn định, không cần thay đổi và không muốn bị liên bang áp đặt những dự luật bầu cử mới.
Tuy nhiên, những tuyên bố của đảng Cộng Hòa tại Quốc Hội liên bang bị đặt ra nghi vấn bởi các hành động của các nhà lập pháp tiểu bang, là những người đang tích cực phá hoại nền dân chủ của Hoa Kỳ. Hầu hết các nhà lập pháp Đảng Cộng hòa ở Washington đã bỏ phiếu để bảo vệ Trump khỏi các cáo buộc luận tội sau khi Trump kích động cuộc bạo động ở Điện Capitol vào ngày 6 tháng 1. Và gần đây nhất, các thượng nghị sĩ đảng Cộng Hòa đã chặn một cuộc điều tra độc lập của lưỡng đảng về các sự kiện ngày hôm đó.
Các tuyên bố về gian lận mà đảng Cộng Hòa biện minh cho các dự luật bỏ phiếu hạn chế từ Florida đến Texas và Arizona đến Michigan đều hoàn toàn sai sự thật. Những người thuộc đảng Cộng Hòa chỉ nghĩ đơn giản rằng việc để có nhiều người đi bỏ phiếu dễ dàng, thoải mái sẽ khiến đảng Cộng Hòa khó giành được quyền lực hơn.
Hiến Pháp trao vai trò cho các tiểu bang trong việc ấn định thời gian, địa điểm và tiến hành các cuộc bầu cử quốc hội. Nhưng Hiến Pháp cũng nói rõ rằng, Quốc Hội liên bang được quyền điều chỉnh các dự luật liên quan đến bầu cử và cho phép các nhà lập pháp liên bang ban hành luật thay thế một số quy tắc của các tiểu bang. Có bằng chứng cho thấy rằng, những người sáng lập Hiến Pháp đã đúng khi lo lắng rằng, việc cho phép các tiểu bang toàn quyền tự điều chỉnh các quy tắc về bầu cử có thể khiến các tiểu bang trở nên lạm dụng quyền lực và đưa ra các tiêu chí bầu cử không công bằng có thể đe dọa sự thống nhất của Liên Bang Hoa kỳ.
Riêng đối với Thượng nghị sĩ Bernie Sanders của tiểu bang Vermont, một người độc lập bỏ phiếu kín với đảng Dân Chủ, tỏ ra cởi mở với cách tiếp cận của Joe Manchin, qua các đề xuất khiến Ngày bầu cử trở thành ngày lễ quốc gia, bắt buộc bỏ phiếu sớm 15 ngày, đưa ra yêu cầu về ID với tất cả cử tri đồng thời cấm việc vẽ lại các khu dân biểu theo đường lối đảng phái. Ông Sanders phát biểu cho rằng: “Tôi sẵn sàng làm mọi thứ có thể để bảo vệ nền dân chủ Mỹ. Chúng tôi có thể bất đồng về mọi loại vấn đề, nhưng tước đi quyền của người dân tham gia vào nền dân chủ Mỹ là điều không thể chấp nhận được.”
Tham khảo:
https://edition.cnn.com/2021/06/21/politics/voting-rights-senate-republicans-trump-biden/index.html
https://www.politico.com/news/magazine/2021/06/19/jan-6-capitol-riot-trutherism-495197
https://www.nbcnews.com/politics/congress/senate-vote-tuesday-democrats-big-voting-bill-gop-promises-filibuster-n1271703
https://www.nbcnews.com/politics/elections/not-acceptable-obama-slams-gop-plan-filibuster-voting-rights-bill-n1271695
***
2—–SẼ MẤT RẤT NHIỀU THỜI GIAN ĐỂ KHẮC PHỤC THIỆT HẠI DO TRUMP GÂY RA
Chuyến công du nước ngoài đầu tiên của Tổng Thống Joe Biden trên cương vị Tổng Thống Mỹ đến Châu Âu đã đạt được mục tiêu chính yếu, đó là báo hiệu cho những người bạn đồng minh của Mỹ biết rằng, nước Mỹ đã sẵn sàng một lần nữa để dẫn đầu liên minh phương Tây.
Các nhà lãnh đạo Liên Hiệp Châu Âu vui mừng khi thấy một Tổng Thống Hoa Kỳ đã thực sự trở lại và ca ngợi các giá trị của chủ nghĩa đa phương và sự ổn định của phương Tây, nhưng chỉ với một chuyến thăm nhau như vậy sẽ không thể nào đủ để bù đắp, sửa chữa tất cả những thiệt hại qua bốn năm thù địch, đấu đá với những đồng minh bởi tính khí thất thường dưới thời Donald Trump.
Thật vậy, trong 4 năm dưới thời Trump, người Châu Âu đã học được một bài học thực tế nhất, rằng đừng bao giờ ngây thơ nghĩ rằng, bất cứ vị Tổng Thống của đảng chính trị nào cũng luôn đứng về phía những bạn bè đồng minh trong bất kỳ hoàn cảnh nào, bài học điển hình đã xảy ra, khi nước Mỹ có một người bị rối loạn nhân cách lại nắm giữ chức vụ lãnh đạo cao nhất của quốc gia đầu đàn của khối tự do.
Nhiều nhà lãnh đạo ở Brussels, họ cần nghĩ đến đề xướngg tạo một liên minh vững chắc mà không có người Mỹ, lý do được họ đưa ra là có thể vào bất cứ lúc nào, nếu nước Mỹ lại thiếu may mắn có thêm một Donald Trump 3.0 hay 4.0, trẻ hơn, gian xảo hơn, thâm độc hơn thì mọi xáo trộn sẽ lại xảy ra như dưới thời của Trump 2.0, có khi còn tệ hơn gấp nhiều lần.
Liên Hiệp Châu Âu cần theo đuổi các mục tiêu địa chính trị của riêng mình để bảo đảm sự độc lập khỏi nước Mỹ, bao gồm xây dựng khả năng quốc phòng của riêng mình và giao thương với các nước như Trung Quốc và Nga theo hướng có lợi cho khối này nhưng không ảnh hưởng đến chính sách đối ngoại của Mỹ đối với Nga và Trung Quốc.
Chuyến đi đầu tiên của Tổng Thống Biden được xem là đã thành công vì trong Hiến chương Đại Tây Dương mới do Tổng Thống Biden và Thủ tướng Anh Boris Johnson đều đồng ý, cũng như tuyên bố chung của Mỹ và Liên Hiệp Châu Âu, tất cả các bên đều đồng ý cho rằng, nếu trật tự quốc tế dựa trên quy tắc dân chủ sẽ phát triển mạnh trong một thế giới nơi các chế độ chuyên quyền độc tài đang trỗi dậy, các quy tắc cũ do Liên Minh phương Tây tạo ra trước đây cần phải đổi mới.
Trong một bài phát biểu tại trụ sở NATO ở Brussels, Tổng Tư Lệnh của quân đội mạnh nhất thế giới, Tổng Thống Joe Biden nói: “Chúng ta phải chứng minh cho thế giới và chính người dân của chúng ta thấy rằng nền dân chủ sẽ luôn thắng trước những thách thức của thời đại phát triển và nhu cầu của người dân của chúng ta.”
Các nhà ngoại giao Châu Âu cho biết rằng: “Mỹ và các quốc gia đồng minh có thể sẽ không tránh khỏi một lần nữa chứng kiến sự trỗi dậy của các phong trào dân túy cực đoan vốn được coi là những thế lực cản trở hợp tác quốc tế và làm suy yếu nền dân chủ. Chúng tôi đã thấy những gì đã xảy ra với cuộc bầu cử tại Hoa Kỳ, chúng tôi biết nó cũng có thể xảy ra trong các nền dân chủ của chúng tôi, thật đáng buồn, đó là điều đã xảy ra ở Anh với Boris Johnson và Brexit. Đó là điều đã xảy ra ở Pháp với phe áo Vàng và Marine Le Pen cánh hữu cực đoan, và nhiều nhóm dân tuý cực đoan khác đang lăm le trỗi dậy, đó là lý do tại sao chúng tôi đang làm việc cùng nhau để xây dựng một số đạo luật dân chủ, những thứ không thể thay đổi.”
Nhưng chỉ có những kẻ ngây thơ mới bỏ qua sự thật cay đắng rằng, bất chấp những ý định tốt nhất của Tổng Thống Biden qua sự trở lại của nước Mỹ, bắt tay xây dựng lại quan hệ liên minh của Liên Hiệp Châu Âu, ai có thể dám khẳng định, sự ổn định chính trị của cả Châu Âu và Hoa Kỳ sẽ vẫn luôn như hiện nay trong vòng 18 tháng tới?
Các lý do được biện minh cho điều này bao gồm các cuộc bầu cử trong nước, chẳng hạn như các cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ ở Mỹ năm 2022, hay các cuộc bầu cử ở Pháp, Đức và Bắc Ireland, cho đến những khác biệt đáng kể trong các ưu tiên chính trị ở cả hai bên bờ đại dương.
Tuy nhiên, với tất cả những lời nói thân thiện, những cái bắt tay nồng ấm và cam kết hợp tác cùng nhau, vẫn còn một dấu hỏi lớn về cách thức liên minh sẽ hợp tác như thế nào với nền chính trị tương đối bất ổn tại nhiều quốc gia trong liên minh, kể cả nước đầu đàn là Hoa Kỳ.
Một trở ngại lớn trong sự tương tác lẫn nhau, đó chính là Trung Quốc, dù chính quyền Biden đã chấp nhận rằng, hai bên sẽ có những cách tiếp cận khác nhau đối với Trung Quốc, nhưng Hoa Kỳ sẽ làm gì tiếp theo nếu Liên Hiệp Châu Âu vẫn tiếp tục theo đuổi quan hệ kinh tế nhiều hơn với Bắc Kinh. Người Mỹ có sẵn sàng làm việc với người châu Âu hay không về các công nghệ quan trọng trong tương lai như trí tuệ nhân tạo, do lo ngại về nạn đánh cắp tài sản trí tuệ và tấn công mạng của Trung Quốc.
Các nước trong Liên Hiệp Châu Âu muốn khẳng định khối 27 quốc gia là một nhóm cường quốc kinh tế toàn cầu với một đồng minh trong hiện tại là Biden, thay vì là một đối thủ như Trump trong 4 năm qua, giờ đây họ có cơ hội để bước lên và chiếm một vị trí trên đường đua cùng với Mỹ và Trung Quốc một cách công bằng, và kết quả xếp hạng chung cuộc của kẻ thắng chính là những yếu tố quan trọng như ổn định chính trị trong nước, dập tắt đại dịch và một chính phủ được lòng dân.
Áp lực đối với Liên Hiệp Châu Âu là rất lớn. Nếu họ thực sự muốn trở thành một nhóm cường quốc địa chính trị lớn không phụ thuộc vào Mỹ trong tương lai, 27 quốc gia thành viên sẽ cần phải đoàn kết hơn bao giờ hết vì một nước Mỹ ngày nay, không hề giống một nước Mỹ cách đây 4 năm trở về trước, chẳng ai có thể đoán trước được tình hình chính trị của nước Mỹ sẽ như thế nào trong năm 2022 và 2024, bất cứ điều tệ hại nào cũng có thể xảy ra, với bất ổn chính trị của nước Mỹ hiện nay thì việc xuất hiện những Trump 3.0 hay 4.0 để kéo nước Mỹ trở lại như thời kỳ nội chiến cách đây hơn 150 năm là điều hoàn toàn có thể xảy ra.
Người Châu Âu giờ đây nhận biết rằng, trong thế kỷ 21, họ phải cố gắng tự độc lập, tạo được sự đoàn kết, đồng lòng giữa 27 quốc gia thành viên để đạt được sự ổn định về chính trị, quân sự, kinh tế, nước Mỹ sẽ chẳng thể nào đưa tay ra giúp anh đồng minh nào cả khi trong nước đầy bất ổn chính trị, loạn lạc xã hội
Tóm lại, chuyến công du châu Âu của Tổng Thống Joe Biden được xem là một chuyến đi đầu tiên, khá thành công, làm hài lòng các người bạn đồng minh cùng chí hướng, cùng chia sẻ các giá trị dân chủ cơ bản và cho thấy thiện chí của sự hợp tác, nhưng nói một cách thật lòng với một chút xót xa, các nhà lãnh đạo Châu Âu đều biết rằng, mối quan hệ tốt đẹp gắn kết giữa hai bờ đại dương được hình thành sau Thế chiến II đã không còn, họ vẫn còn bị ám ảnh bởi những tác hại nặng nề của một nước Mỹ dưới thời Donald Trump trong 4 năm qua, và rất khó để quên.
Tham khảo:
https://edition.cnn.com/2021/06/19/politics/biden-europe-tour-analysis-intl-cmd/index.html
https://www.huffpost.com/entry/election-subversion-for-the-people-act_n_60d10886e4b0b75a294e17ee
https://www.nytimes.com/2021/06/17/world/europe/joe-biden-vladimir-putin-usa-russia.html
***
3—–MỨC ĐỘ THAM NHŨNG LẠM QUYỀN CỦA TRUMP RẤT KHỦNG KHIẾP?
Quý vị có thể tin được không, nếu có ai đó nói rằng: “Mức độ tham nhũng của một cựu Tổng Thống gian xảo, lạm quyền là quá lớn để người Mỹ có thể hiểu được. Rất khó để hình dung ra đầy đủ mức độ sai phạm khủng khiếp của con bọ hút máu tiền của đất nước như con bọ xít Donald Trump”.
Một loạt các tiết lộ mới đang làm đầy thêm những nét vẽ sống động nhất một bức tranh về cách làm thế nào mà Donald Trump đã sử dụng và lạm dụng quyền lực của mình với tư cách là Tổng Thống để nhũng lạm của công. Những tiết lộ mới sẽ được phơi bày ra trước ánh sáng về tất cả những gì mà công chúng Mỹ chưa hề biết đến về tất cả những phương cách mà Trump đã vượt qua các giới hạn truyền thống trong việc thực thi quyền lực của một vị Tổng Thống, các cơ quan thực thi pháp luật liên bang cần có một cuộc kiểm tra toàn diện và đưa ra câu trả lời xác thực cho công chúng Mỹ trước cuộc bầu cử Tổng Thống Mỹ năm 2024, trước khi Trump và đám nha trảo có thể đạt được thành công đâu đó trên một số tiểu bang trong cuộc bầu cử giữa kỳ năm 2022, làm tiền đề cho cuộc xâm chiếm Tòa Bạc Ốc trở lại trong năm 2024.
Một trong số những khám phá đáng kinh ngạc mới đây đã cho thấy, Trump và Chánh văn phòng Tòa Bạch Ốc, Mark Meadows đã liên tục gây áp lực lên Bộ Tư Pháp, để lên tiếng công khai hỗ trợ cho những tuyên bố vô căn cứ của Trump về việc có gian lận cử tri trong cuộc bầu cử Tổng Thống năm 2020.
Và điều thật sự đáng ngại hơn cả tai tiếng của vụ “Watergate” năm 1972 dưới thời Richard Nixon, đó là việc Bộ Tư pháp dưới thời Trump đã ra trát đòi các hồ sơ liên lạc của các nhà báo, thành viên đảng Dân chủ và nhân viên trong Hạ viện, và thậm chí cả cố vấn Tòa Bạch Ốc của chính Trump, và không ai trong số họ được biết là mình đang bị theo dõi cả.
Đặc biệt, tiết lộ về cuộc theo dõi những đối thủ chính trị, những nhân vật cấp cao trong Quốc Hội đang phụ trách việc điều tra Trump đã đem đến những phản ứng đồng thuận nhiều nhất giữa những người đang phụ trách công việc theo dõi hồ sơ đạo đức và pháp lý của Trump.
Đây thực chất chỉ là một trong nhiều tiết lộ chưa được khám phá, và chỉ được khám phá sau khi Trump rời nhiệm sở, câu hỏi giờ đây được đặt ra, nếu đem vụ việc này ra so sánh với việc chính quyền Richard Nixon đã tìm mọi cách để chống lại các cuộc điều tra, dẫn đến một cuộc khủng hoảng Hiến Pháp, cản trở công lý, sử dụng Cục Điều Tra Liên bang FBI, Cơ Quan Tình Báo Trung Ương CIA, Sở Thuế Vụ thành những vũ khí chính trị để tấn công đối thủ đã dẫn đến việc từ chức của Richard Nixon vào ngày 09.08.1974, nếu ông Nixon không từ chức lúc đó thì ông cũng bị Hạ Viện luận tội và cách chức thì vụ việc theo dõi lần này của Donald Trump chẳng có gì khác hơn, nên dù hiện tại Trump không còn là Tổng Thống, liệu Hạ Viện và các cơ quan thực thi pháp luật có biện pháp để trừng phạt Trump vì vi phạm tương đương như vụ “Watergate” hay không?
Ngay chính John Dean, cựu cố vấn Tòa Bạch Ốc của ông Richard Nixon cũng phải thừa nhận, mức độ vi phạm của vụ “Watergate” và “Trumpgate” về hình thức thì hoàn toàn giống nhau nhưng cách thức tạo nên sự vi phạm của Trump nguy hiểm hơn vì đã sử dụng một cơ quan quyền lực trong thế tam quyền phân lập của đất nước phải thực hiện theo chỉ thị của Trump, phá vỡ niềm tin của công chúng về sự độc lập của ngành Tư Pháp.
Có thể nói, hiện nay các cơ quan thực thi pháp luận khắp nơi đang tiến hành nhiều cuộc điều tra bởi nhiều cáo buộc khác nhau đều chĩa mũi dùi thẳng về hướng Mar-a-Lago với nhiều cuộc điều tra cản trở công lý, lạm dụng quyền lực tại cả lưỡng viện Quốc Hội, thao túng tài chính, trốn thuế tại New York, lạm dụng quyền lực để ép buộc quan chức bầu cử của tiểu bang Georgia lật ngược kết quả bầu cử, giao dịch mờ ám với phía Ukraine trong việc vận động hành lang để tìm lợi thế trong tranh cử.
Ủy ban Tư pháp Hạ viện đã thông báo trong tuần này rằng họ sẽ tổ chức các phiên điều trần về việc chính quyền Trump và Bộ Tư Pháp đã ra trát đòi Apple giao ra các thông tin liên lạc của các nhà báo và thành viên Quốc hội. Cùng thời điểm này thì Tổng thanh tra của Bộ Tư pháp Biden cũng đang tiến hành công việcđiều tra. Đồng thời, đảng Dân chủ tại Hạ viện cũng đang khởi động một cuộc điều tra của riêng họ về vụ nổi dậy ngày 06.01 sau khi các đảng viên Cộng Hòa ở Thượng viện chặn một ủy ban lưỡng đảng để điều tra vụ bạo loạn.
Nhưng, liệu với những cuộc điều tra khác nhau này, tiến hành trên nhiều hướng và hoạt động theo các quy tắc khác nhau, có cung cấp đầy đủ đến công chúng Mỹ một bức tranh toàn cảnh về tất cả các phương cách mà Trump đã sử dụng sai quyền hạn của một Tổng Thống trong bốn năm cầm quyền hay không.
Noah Bookbinder, chủ tịch của tổ chức Trách nhiệm và Đạo đức Công Dân ở Washington, một nhóm phi lợi nhuận thiên tả chuyên nghiên cứu các hành vi vi phạm đạo đức của các vị nguyên thủ và chính trị gia, nói rằng cần có một cách tiếp cận có hệ thống hơn để hiểu được tầm ảnh hưởng và sự tác hại bởi lạm dụng quyền lực của Trump đối với các bộ, ngành của chính phủ liên bang. Đây chính xác là chủ đề chung qua tất cả các vụ bê bối, đó là Trump, đã tranh thủ lợi dụng mọi yếu tố quyền lực liên bang vì lợi ích cá nhân và chính trị của ông ta. Điển hình nhất là việc Trump đã ân xá cho Roger Stone và Paul Manafort, những đồng minh chính trị đã từ chối hợp tác với cuộc điều tra của Cố vấn đặc biệt Robert Mueller.
Tuy nhiên, có một vài điểm khác biệt đã chỉ ra rằng, tại sại sao vụ “Watergate” lại dễ giải quyết hơn, bởi vì đã có một ủy ban Watergate của Thượng viện được lập ra, sau đó mới dẫn đến cuộc điều tra luận tội tại Hạ viện, đồng thời khi đó đã có một công tố viên đặc biệt chuyên trách vụ “Watergate” và những bằng chứng không thể chối cãi, với những thủ tục, và hệ thống nhịp nhàng, ăn khớp với nhau đã dẫn đến sự từ chức của Richard Nixon ngay cả khi Nixon còn đương nhiệm, còn quyền lực trong tay lại là điều không quá khó khăn. Còn vụ “Trumpgate“? Chúng ta chưa có một Uỷ Ban chuyên trách vụ “Trumpgate” tại Thượng Viện, chưa có được một công tố viên đặc biệt, chưa nắm được các bằng chứng trong tay, nên vụ “Trumpgate” chưa mang lại một cách giải quyết khả thi như mong đợi.
Đối với chính phủ đương nhiệm của Tổng Thống Biden, ông vẫn có thể dùng quyền hành pháp để tạo ra một số ủy ban độc lập, để kiểm tra các vụ lạm dụng quyền lực tại mỗi cơ quan liên bang hoặc giao cho tổng thanh tra của mỗi cơ quan liên bang phải điều tra các vụ lạm dụng quyền lực, xung đột lợi ích trong phạm vi bộ, ngành của họ, nhưng vấn đề này sẽ tạo ra thế khó cho Tổng Thống Joe Biden, khi hướng đi của ông được xem là khá rõ, không muốn tạo thêm sự xung đột giữa hai chính quyền tiền nhiệm và đương nhiệm, và để Bộ Tư Pháp toàn quyền điều tra theo hướng độc lập, nếu thực sự Bộ Tư Pháp cho đó là việc nên làm.
Có thể nói rằng, cho đến giờ phút này, Bộ Tư pháp của Tổng Thống Biden đã thực sự gây thất vọng cho hầu hết các đảng viên Dân chủ và các nhà hoạt động tự do trong Quốc Hội bởi sự kín tiếng trong những đòi hỏi tranh luận, chống lại phán quyết của Thẩm Phán Amy Berman Jackson về việc công khai các tờ khai thuế của Trump và không tiến hành làm rõ bản báo cáo sai lệch và thiên vị của cựu Bộ trưởng Tư pháp William Barr nhằm biện minh cho quyết định không truy tố cựu Tổng Thống vì cản trở công lý trong cuộc điều tra ở Nga.
Dù đánh giá của báo chí và công luận không được tích cực dành cho Bộ Tư Pháp của TT Biden, nhưng vẫn nhận được một số nhận xét tích cực bởi một số nhà bình luận chính trị, họ ủng hộ sự thận trọng của chính quyền Biden và Bộ Tư Pháp của ông khi không để xảy ra tình trạng một nguyên tắc bất di bất dịch từ bao nhiêu đời Tổng Thống trước đây là không sử dụng Bộ Tư pháp như một công cụ để trả thù một kẻ bị đánh bại tư cách ứng cử viên tổng thống.
Có mâu thuẫn hay không ở nhận định này? Tôi nghĩ là có, nếu Bộ Tư Pháp của TT Biden tiến hành điều tra, đưa ra ánh sáng những khuất tất, sai phạm trong 4 năm dưới thời của Trump, thì những hành động này không thể được xem là một cuộc tấn công để trả thù, hoàn toàn không, nếu chỉ là những cuộc điều tra về những sai phạm đã dẫn đến những tổn thất uy tín của nước Mỹ trên chính trường quốc tế, sự tác hại bởi những thuyết âm mưu và tin giả bởi Trump đã gây chia rẽ xã hội, đảng phái chính trị thì đó phải được xem là những việc làm chính đáng của bất cứ Bộ Tư Pháp nào dưới bất kỳ một Tổng Thống nào, nếu nước Mỹ có được một hệ thống luật pháp nghiêm minh như Hàn Quốc, Đài Loan, Pháp, Philippines, những nhà cựu lãnh đạo tại các quốc gia này đã phải ra trước vành móng ngựa, phải ăn cơm tù vì những đồng tiền tham nhũng ít nhiều, nhưng dù có gom lại tổng số tiền tham nhũng của họ vẫn chưa bằng một con số trong những số tiền mà Trump và gia đình đã thâm lạm công quỹ hay gom được lợi nhuận nhờ chức vụ Tổng Thống, những sai phạm đã quá rõ ràng, bằng chứng có sẵn qua những cuộc điều tra từ công tố viên đặc biệt Robert Mueller hay trong những cuộc điều tra cản trở công lý, lạm dụng quyền lực của Quốc Hội, nhưng Bộ Tư Pháp của TT Biden vẫn bình chân như vại, vẫn muốn giữ thế độc lập cho thể chế của riêng ông, hay ông Merrick Garland là người của Donald Trump, một William Barr khác? Hay nói một cách nôm na, đơn giản cho dễ hiểu: “Tôi điều tra William Barr, ai sẽ điều tra tôi?“
Nhiều người cho rằng, tôi quá nóng vội, hãy cho họ thêm thời gian, hay nói một cách tích cực hơn, rằng có thể Bộ Tư Pháp của ông Merrick Garland đang có những bước đi thận trọng, đang dồn toàn lực điều tra để gom một mẻ lưới lớn, bắt toàn bộ những con cá lớn nhỏ, tôi sẽ cố cho mình niềm tin như vậy để thấy rằng sự chọn lựa ông Merrick Garland vào vị trí Bộ trưởng Tư Pháp là một quyết định không sai của Tổng Thống Joe Biden, nếu ông Biden thật sự tin vào một nền Tư Pháp độc lập, sẽ thực thi pháp luật nghiêm minh và mạnh mẽ.
Nhưng, nói thật, qua những quyết định rời rạc, thiếu dứt khoát của Bộ Tư Pháp hiện nay, tôi thực sự không hy vọng những sai phạm nguy hiểm và tác hại, ảnh hưởng khủng khiếp của những kẻ tồi bại như Trump và đám nha trảo sẽ được đưa ra trước ánh sáng.
Và, nếu như vậy, thì nền Dân Chủ của đất nước này sẽ đi về đâu? Những người giữ các chức vụ trong chính phủ liên bang như Tổng Thống, Bộ Trưởng sẽ tha hồ làm bậy, tham nhũng, lạm quyền mà không lo hậu quả đến sau khi mãn nhiệm, từ chức?
Trên thế giới, đã có nhiều uỷ ban điều tra đặc biệt được thành lập để tìm hiểu sự thật, quy trách nhiệm cho các nhà độc tài, họ thường tập trung vào các hành vi vi phạm nghiêm trọng nhân quyền, giết người của đảng đối lập, mất tích, tra tấn và những thứ tương tự, nhưng chưa có uỷ ban điều tra nào được thành lập để đưa ra ánh sáng những sai phạm như tham nhũng công quỹ, cản trở công lý, lạm dụng quyền lực, cấu kết với nước ngoài để lũng đoạn kết quả bầu cử, nổi dậy lật đổ chính phủ. Những tội danh này không mới cũng không cũ nhưng hầu hết các quốc gia trên thế giới đều không muốn tiến hành, vì họ sợ những thủ tục truy tố, điều tra đó sẽ lập lại trên chính bản thân và cương vị của mình trong hiện tại, sau khi họ mãn nhiệm, từ chức hay còn gọi là hạ cánh an toàn.
Nhưng, đối với những người có trách nhiệm thực thi công lý một cách nghiêm minh, trong trường hợp này chính là vị trí của Merrick Garland, thì ông ấy cần phải hiểu rằng, để chữa lành một vết thương lớn cho một xã hội nhiều chia rẽ, một đất nước đầy rẫy sự nghi ngờ, đấu đá, tàn hại lẫn nhau bởi sự tàn phá, huỷ hoại của một con quỷ dữ, xảo quyệt và nguy hiểm như Donald Trump nhưng với cách giải quyết đơn giản của ông Merrick Garland, chỉ muốn giải quyết bằng cách dồn tất cả những thứ rác rưởi vào một góc nhà và trùm chiếc mền đầy bông hoa lên đống rác đó sẽ chỉ dẫn đến những vấn nạn lâu dài và tệ hại hơn nữa trên đất nước này.
Không màng đến những lời kêu gọi điều tra quyết liệt hơn nữa từ những thẩm phán gan dạ, từ hệ thống truyền thông báo chí, từ những người nắm rõ chi tiết và bằng chứng thuyết phục nhất về những điều hủ bại, tàn độc của Donald Trump, thì hình như, ông Merrick Garland đang làm đúng như những gì đảng Cộng Hòa mong muốn, đó là cần bỏ qua những sai phạm của quá khứ để hướng tới tương lai, vì sự đoàn kết đảng phái.
Nhưng qua những hành vi sai phạm, lạm dụng quyền lực của Donald Trump, Quốc Hội đã thấy ra được những lỗ hổng cần thiết phải bịt kín để tránh bị lạm dụng một lần nữa trong tương lai qua Đạo Luật Bảo vệ Dân chủ của Chúng ta do Chủ tịch Ủy ban Tình báo Hạ viện, Adam Schiff khởi xướng nhằm vá lại những lỗ hổng mà Trump biết và đã khai thác nó trong 4 năm cầm quyền, đó là giới hạn quyền lực về ân xá và những đối tượng được ân xá; cấm nhận những khoản chi trả cho Tổng Thống hoặc lợi ích liên quan đến những công ty của Tổng Thống và gia đình; tăng cường khả năng của Quốc Hội trong việc thực thi trát đòi hầu tòa đối với các cơ quan hành pháp; ghi lại tất cả các cuộc tiếp xúc của Tổng Thống với Bộ Tư pháp và các lãnh đạo nước ngoài; bảo vệ tính độc lập của tổng thanh tra các cơ quan liên bang; và sau cùng, điều quan trọng nhất, đó là kéo dài thời hạn truy tố sau khi mãn nhiệm đối với những hành vi sai trái khi còn đương chức.
Trong một tuyên bố vào cuối tuần, Chủ tịch Ủy ban Tình báo Hạ viện, Adam Schiff cho biết: “Mặc dù Trump không còn là Tổng Thống, chúng tôi không thể bỏ qua những hành vi sai phạm mà ông ta đã làm khi còn đương chức và chúng tôi sẽ phải vá lại những lỗ hổng trong hệ thống mà ông ấy đã khai thác, nếu chúng ta không làm gì cả, sẽ khiến hệ thống tư pháp một lần nữa trở thành con mồi cho một người điều hành đất nước vô đạo đức.”
Tôi không biết ông Merrick Garland sẽ nghĩ gì, có mắc cỡ chút nào hay không sau khi nghe những lời tuyên bố của ông Adam Schiff, khi nói đến hệ thống tư pháp đó là gì, người điều hành đó là ai, ai sẽ phải chịu trách nhiệm nếu để đất nước này một lần nữa rơi vào vòng xoáy bạo lực và hỗn loạn, chết chóc bởi những cuộc nổi dậy điên rồ và những kẻ sẵn sàng đạp đổ nền dân chủ Mỹ bằng mọi cách có thể, thưa ông Merrick Garland, hãy thoát khỏi cái “vỏ ốc an toàn” để trở thành một người can đảm, sự hèn nhát không thể song hành với sự thành công của một thể chế.
Tham khảo:
https://www.theatlantic.com/politics/archive/2021/06/trump-corruption-consequences/619225/
https://www.nbcnews.com/politics/national-security/fbi-agent-acknowledges-court-filing-trump-backers-discussed-revolution-jan-n1271305
***
4—–DẤU HIỆU CẢNH BÁO SỰ SỤP ĐỔ CỦA ĐẢNG CỘNG HÒA TẠI OAKLAND, MICHIGAN
Sự hoạt động mạnh mẽ và ảnh hưởng rộng của đảng Cộng hòa ở Oakland County của Michigan, từng được xem là một thành trì vững chắc trong thời kỳ hậu chiến, đang sụp đổ từng mảng nhỏ. Mất những cộng đồng ở vùng ngoại ô quan trọng này có phải là một dấu hiệu cảnh báo cho sự sụp đổ của chủ nghĩa Trump hay không?
Sự suy giảm ảnh hưởng của đảng Cộng Hòa trong các cộng đồng vùng ngoại ô đang ngày càng lan rộng. Đặc biệt hơn, Oakland ở Michigan từng là một nguồn quyên góp chiến dịch khổng lồ cho đảng Cộng Hòa và các ứng cử viên có ảnh hưởng ở Washington, cũng chính là chiếc nôi đã nuôi dưỡng và làm nên tên tuổi của Ronna Romney McDaniel, Chủ tịch của Uỷ Ban Quốc Gia Đảng Cộng Hòa từng luôn giữ được màu đỏ đậm, cho đến gần đây.
Đó là một địa phương đặc biệt quan trọng và tên tuổi lẫy lừng và bắt buộc phải ghé thăm đối với mọi ứng cử viên Tổng Thống đầy tham vọng của đảng Cộng hòa.
Mười năm trước, đảng Cộng Hòa đã nắm giữ được hai trong số bốn ghế tại Hạ Viện Hoa Kỳ, hai ghế còn lại đang nằm trong tay của đảng Dân Chủ, còn bây giờ, năm 2021, cả bốn ghế đều nằm trong tay đảng Dân Chủ. Những đảng viên Dân Chủ hiện đang đại diện tại Hạ Viện tiểu bang, Thượng Viện tiểu bang và Hạ Viện Hoa Kỳ với dân biểu Haley Stevens.
Sau đợt phân chia lại do đảng Cộng Hòa kiểm soát vào năm 2012, đảng Cộng Hòa có đa số 14/7 trong Hội đồng Ủy viên Quận Oakland; nhưng bây giờ, đảng Dân Chủ có lợi thế 11/10 và sẽ kiểm soát quá trình phân chia lại cấp quận lần đầu tiên trong nửa thế kỷ.
Sự thay đổi đang xảy ra trong các cộng đồng như Birmingham và Bloomfield – một nơi có ít nhất ba thế hệ Romneys, bao gồm Ronna McDaniel, người gọi Thượng nghị sĩ Mitt Romneys là chú ruột, đã gọi Oakland là nhà riêng của họ. Ở đây, các thế hệ gia đình tài phiệt đăng ký cho các con vào các trường công lập giàu có và quyên góp cho đảng Cộng Hòa.
Sẽ không phải nói ngoa, nếu gọi Oakland County ở Michigan là lãnh thổ của ”Đảng Cộng Hòa của Mitt Romney‘, nhưng rất tiếc, giờ đây Đảng Cộng Hòa đã trượt đi quá xa khỏi chủ trương bảo thủ truyền thống, tác hại đã xảy ra bởi ảnh hưởng từ những điều xấu xí trong ngày 06.01 và dư âm của cách giải quyết tồi tệ, có phần cực đoan của đảng Cộng Hòa tại Quốc Hội nhằm biện minh, bao che cho kẻ cầm đầu bất xứng đã dẫn đến hậu quả nhãn tiền ngày nay tại Oakland County, Michigan.
Giữa chiến dịch tranh cử của Barack Obama vào năm 2012 và Joe Biden vào năm 2020, tỷ lệ chiến thắng cho các ứng cử viên Tổng Thống của đảng Dân Chủ ở Oakland đã tăng khoảng 55.000 phiếu bầu. Rất ít người nhận thấy điều đó, nhưng tỷ lệ phiếu bầu cho Đảng Dân Chủ tại Oakland County với dân số 1.300.000 hiện đã vượt quá thành phố Detroit với dân số 700.000. Hầu hết những lá phiếu bầu trên toàn tiểu bang Michigan đang được bầu cho đảng Dân Chủ với tỷ lệ cao hơn nhiều so với 10 năm trước đây.
Đó là một vấn đề sống còn đối với đảng Cộng Hòa trong một tiểu bang đã từng đóng một vai trò quan trọng trong hai cuộc bầu cử Tổng Thống vừa qua. Và Oakland County, thực sự chính là dấu hiệu cảnh báo khủng hoảng cấp quốc gia cho đảng Cộng Hòa trên toàn quốc.
Oakland County thường được xem là đại diện cho xu hướng thống trị trong nước vì nó kết hợp những sinh viên tốt nghiệp đại học và giàu có nhất ở các vùng ngoại ô ngày càng đa dạng và trở nên dân chủ, theo đuổi xu hướng cấp tiến nhiều hơn. Màu đỏ đang ngày càng nhạt dần tại đây, và một màu xanh đang dần hé lộ, để cảnh báo một sự thay đổi cần thiết từ tình trạng bảo thủ đang chuyển biến ngày càng cực đoan của đảng Cộng Hòa qua cuộc bầu cử Tổng Thống năm 2020, qua những lời nói dối tệ hại của Donald Trump, qua cuộc nổi dậy bất thành vào ngày ô nhục 06.01 và phản ứng ươn hèn, nhu nhược của đảng Cộng Hòa tại Quốc Hội.
Những quần thể cộng đồng ngoại ô chủ yếu là người da trắng nhưng ngày càng đa dạng hơn, có học thức cao và tương đối giàu có. Họ không sợ người nhập cư; họ ủng hộ người nhập cư trong cộng đồng của họ, đặc biệt là với những người nhập cư có tay nghề cao, bị thu hút làm việc tại các doanh nghiệp tại vùng ngoại ô này, bởi các chính trị gia Cộng Hòa có đầu óc kinh doanh. Họ cảm thấy chán chường với chính trị cực đoan và các cuộc chiến chính trị đảng phái, họ cảm thấy lo ngại về sự gia tăng của các âm mưu chống chính phủ bởi cánh hữu cực đoan chủ trương bạo lực.
Những người da trắng giàu có ở Michigan luôn tự cho mình là người của đảng Cộng Hòa, nhưng đến thời điểm hiện tại, họ chợt nhận ra đảng Cộng Hòa đang ngày càng rời xa quan điểm bảo thủ truyền thống, không còn quan tâm đến chăm sóc sức khỏe, nợ của sinh viên, mà chỉ mạnh tay hơn trong cách đối xử tệ với các sinh viên, vận động viên thể thao chuyển giới hoặc làm cho việc bỏ phiếu trở nên khó khăn hơn.
Đây là câu chuyện về một Oakland County ở Michigan đang chuyển sang màu xanh, là cảnh báo mới nhất về sự sụp đổ liên tục của Đảng Cộng hòa ở các vùng ngoại ô của Mỹ: Người da trắng giàu có ở Oakland County đã không rời bỏ đảng Cộng Hòa, nhưng đảng Cộng Hòa đã rời bỏ họ.
Tham khảo:
https://www.politico.com/news/magazine/2021/06/18/biden-republican-voters-oakland-county-michigan-suburbs-494983
https://eu.freep.com/story/news/local/michigan/oakland/2020/11/06/oakland-county-election-2020-race-results/6184186002/
Việt Linh