NGUYỄN – KHẮC TIẾN – TÙNG
GIAI ĐOẠN MẤT NƯỚC KHỞI ĐẦU tháng 4 năm 1975
Từ 46 năm nay những ngày trước 30 tháng 4 mỗi năm là những ngày nhiều xao xuyến với những người Việt thời đó đang ở Đức ( cũng như ở Hải ngoại ) khi nhớ lại giai đoạn mất nước khởi đầu. . Thời này công nghệ truyền thông chỉ có TV và Radio, chưa phát triển như nhiều năm gần đây với website và facebook… Năm nay người Việt Hải ngoại từ đầu tháng tư đã đọc, đã nghe không biết bao nhiêu hồi ký , nhiều phân tích lịch sử , nhiều bản nhạc sáng tác ngay sau cuộc di tản cũng như nhiều bản nhạc còn nóng bỏng hào khí đấu tranh của những năm tiếp theo … , lắm khi không đủ thì giờ đọc và nghe !
Người ra đi khi mới sơ sinh (hay lên một) nay đã xấp sỉ 50 , những thanh niên lứa tuổi 30 đã về hưu khá lâu , còn lứa tuổi lớn hơn đã vắng bóng dần . Một quãng đời thấy như bóng câu qua cửa sổ mà nhiều khi cũng dằng dặc bao nuối tiếc, u buồn… Nhưng có lẽ chúng ta ít người biết hoàn cảnh , tâm trạng của những ai lúc đó đang ở nước ngoài . Dưới đây hé mở chút tâm sự của một số người lúa đó đang ở tuổi thâý đời còn nhiều ý nghĩa , cùng vài chuyện nho nhỏ thoáng hiện từ ký ức .
Không hiểu tại nhiều nước trên thế giới đầu 1975 có nhiều công chức , quân nhân tu nghiệp và nhiều sinh viên du học hay không và họ có tụ họp nhau lại để theo dõi tin tức mới nhất từ bên nhà hay không . Tại châu Âu thì các nước như Thụy Điển , Đan Mạch , Ý , Hòa Lan… coi như rất ít người Việt ở . Chỉ có Pháp , Đức , Bỉ là tương đối nhiều hơn . Paris là thành phố đã được tổ chức hội nghị về Việt Nam năm 1973 nghe nói có một vài cuộc biểu tình tập hợp người Việt chống cộng sản . Bên đó phong trào thiên cộng mạnh nhất Âu châu với những nhóm Việt Kiều Yêu Nước (Báo Đoàn Kết , báo của Mặt trận Dân tộc Giải Phóng Miền Nam, báo của nhóm Phật tử ngả về cộng sản v.v… ) , nhưng Tổng hội Sinh viên Việt Nam , phe Quốc Gia , cũng mang truyền thống rất tích cực. Ngày 28.4.1975 khi tình hình quá bi thảm, sinh viên và Việt kiều đã tổ chức tại Kinh thành ánh sáng một buổi tuần hành lớn. Những người tham dự đều chít khăn trắng, coi như một ngày tập thể để tang cho miền Nam từ đây chìm trong tang tóc u sầu sau bức màn tre !
Nước Đức lúc đó còn chia đôi, Tây Đức và Đông Đức.
Nhân đây xin nói đôi hàng về số người Việt ở Cộng Hòa Dân Chủ Đức – Đông Đức : Khác với Tây Đức , bên đó đa số là kiều dân , là những người được ” xuất khẩu lao động ” làm việc tại các xí nghiệp quốc doanh hay thanh thiếu niên sang chủ yếu học nghề, còn trái lại sinh viên, “nghiên cứu sinh” rất ít, khác hẳn bên Tây Đức là nơi chỉ có sinh viên và hầu như không có Việt kiều . Không hiểu thái độ chính trị của người Việt ở Đông Đức thực sự ra sao trước tình thế lúc đó , nhưng chắc họ ít tỏ thái độ vì thường thường họ nằm dưới sự kiểm chế của tòa đại sứ Bắc Việt ở Đông Berlin. Không những thế họ còn bị sự dòm ngó của ” sứ vùng ” , những phần tử được Tòa đại sứ giao cho giám sát địa phương. Làm gì ai cũng rất thận trọng , đi đâu cũng đi ít nhất hai người để kiểm soát lẫn nhau (như chính tác giả đã thấy qua một lần sang Tiệp năm 1968 là thời Dubcek muốn thoát vòng kiềm tỏa của Nga xô ).
Cộng hòa Liên bang Đức – Tây Đức – là nước đông sinh viên, Việt kiều thứ 2 ở Tây Âu có nhiều nhóm cộng tác với sinh viên thiên tả bên Pháp và khá “quậy “ . Từ 1973 đến 1975 hễ có nhân vật nào từ Sài Gòn qua đến bất cứ thành phố lớn nào diễn thuyết, nói chuyện trong khung cảnh lớn hay nhỏ, họ đều tổ chức thành nhóm đến tham dự và thay nhau đặt những câu hỏi ngang ngang, nếu không muốn nói là phá hoại. Hồi đó ở Tây Đức đa số là sinh viên du học của những năm 70-72. Họ là con nhà “có máu mặt” ở miền Nam thường sang Đức tự túc vì sang Pháp rất khó khăn do ngoại giao Pháp-Việt căng thẳng từ thời de Gaulle, mà sang Mỹ thì học phí đắt đỏ . Sinh viên thường quy tụ ở các tỉnh có trường đại học, tất cả đều xôn xao lo sợ , biết rằng tình hình không thuận lợi cho Miền Nam và sự sụp đổ về quân sự không tránh khỏi khi thiếu vũ khí và nhiên liệu . Những cuộc rút quân từ Huế, Đà Nẵng và “di tản chiến thuật” vùng cao nguyên với những cảnh hỗn độn thấy qua truyền hình làm người Việt ở Tây Đức vô cùng giao động . Thời đó liên lạc điện thoại giữa gia đình trong nước và họ không có vì trong nước rất ít ai có điện thoại tại nhà , muốn liên lạc với nhau thường phải ra bưu điện gọi hay gửi điện tín, nên rất cách trở . Họ thường tụ tập nhau tại một nơi cùng xem truyền hình , nghe radio Đức và ngoại quốc, rồi bàn tán với nhau . Họ hay đến Bonn thủ đô Tây Đức để hy vọng thu thập tin tức qua bộ ngoại giao Đức cũng như thường liên hệ với tòa đại sứ và nhân viên tòa đại sứ Việt nam, ai nghe thấy gì thì truyền lẹ cho nhau ngay . Có lẽ sự liên lạc giữa tòa đại sứ và Sài Gòn cũng hay đứt quãng nên không có tin tức gì mới, đặc biệt . Sinh hoạt trong tòa đại sứ cố giữ vẻ bình thường , sinh viên từ nhiều tỉnh đổ về để xin gia hạn thông hành ( hộ chiếu ) và trước tình thế bất trắc cho tương lai nhiều khi được rộng rãi gia hạn tới 10 năm ! Khoảng từ giữa đến cuối tháng tư 1975 nhóm sinh viên thiên cộng cũng tụ tập nhau ở vùng Bonn để quan sát tình hình, có vẻ như chia nhau lảng vảng gần tòa đại sứ với thái độ kiêu căng pha chút khiêu khích . Có lẽ họ được ” trên ” phân công để làm nhiệm vụ chuẩn bị ” tiếp quản tòa đại sứ ” hay chiếm đóng ? Chắc họ không hiểu, qua thủ tục ngoại giao, chỉ bộ ngoại giao Đức mới có thẩm quyền đóng cửa một tòa đại sứ cho đến khi tình hình chính trị ngã ngũ . Hồi đó bọn tôi còn hay gặp nhau tại nhà một ông tiến sĩ làm việc cho truyền thông Đức và một ông bác sĩ làm việc tại một bệnh viện gần Bonn. Hai gia đình cựu sinh viên du học này có đủ chỗ cho nhiều “khách tứ chiếng” ăn ngủ ngổn ngang trong nhà.
Phần người viết những giòng naỳ khoảng cuối 1974, đầu 1975 đã bỏ Munich dọn lên ở cách Bonn khoảng 70-80 cây số, thuê được một căn “biệt thự” cổ kính nhiều phòng, xây từ 100 năm trước nên rất thiếu tiện nghi. Nhưng nhờ rộng rãi nên đã là trạm ” trung chuyển ” cho các bạn từ miền Nam Đức tới, rồi cùng kéo nhau đi Bonn , chia tay nhau đến các người quen riêng, hẹn tái hợp ở nhà hai ông ký giả và bác sĩ đã kể.
Đa số trường hợp các sinh viên ở Đức thường ai cũng tính học xong sẽ về nước, nhưng thời sự bi đát đã đưa họ vào bế tắc! Riêng tôi thì mộng về nước coi như tiêu tan hẳn . Định là 1975 – 76 sẽ về Việt Nam luôn, mặc dù tình hình chính trị không phát triển theo ước mong của mình. Trước đó kể từ năm 1972 khi Nixon và Kissinger sang gặp Mao ở Bắc Kinh , và nhất là sau hiệp định Paris về Việt nam vẫn đinh ninh rằng trước sau gì cộng sản cũng chiếm toàn Miền Nam, sau một giai đoạn giao thời ( trung lập hay có sự bảo đảm nào đó để giữ thể diện cho các cường quốc dính lứu xa gần tới việc ép miền Nam chấp thuận hiệp định Paris ? ). Thế nhưng những người nghĩ tương tự như tôi vẫn nhất định về với đất nước, gia đình vi xa quê hương đã khá lâu. Nếu như sinh sống ở Việt Nam thì còn hy vọng làm đúng được nghề nghiệp tay trái mới học thêm , tôi sẽ xây dựng một cơ sở tiểu thương sản xuất gạch – ngói . Vì lý do rất dễ hiểu : khi chiến tranh hết, ở đâu và dưới bất cứ chế độ nào gạch ngói vẫn cần cho tái thiết và kiến thiết !
Tuy nghĩ thế nhưng dự định về nước thời điểm đó vẫn là một sự táo bạo, cố ý ngờ nghệch vì những kinh nghiệm với cộng sản ở miền Bắc từ cải cách ruộng đất 1953 cho biết rằng với chính sách dài hạn của họ ( cộng với lý lịch của mình ?) thì chế độ mới ở Miền Nam tới một thời điểm nào đó đâu có để mình là tiểu tư sản, tư sản yên thân ? Tôi cũng được biết có một người xa nước từ lâu ở Pháp đã về dạy tại mấy Viện Đại Học tại Sài Gòn và Miền Nam đã tâm sự : ” Mình về là một sự liều lĩnh , nhưng thôi, ở ngoại quốc làm việc cho thiên hạ, không có mình họ cũng chẳng sao . Về còn làm được lợi ích cho đất nước , ít ra trong một thời hạn mình còn làm được“. Nơi tôi . Tôi còn một anh bạn nhà cho sang Pháp từ năm mới trên mười tuổi mà vẫn nói tiếng Việt rất sõi , thêm vào đó lại nấu ăn, nội trợ rất giỏi. Sau mấy chục năm ” sợ ” không dám về nước. Do tôi thúc đẩy và cũng do gia đình nhờ tôi “mồi chài” làm sao đưa anh ta về Viet Nam được một lần. Kết cục anh đã về mấy tháng liền, từ tháng giêng năm 1975 và ” mê ” người Việt, đất Việt luôn không muốn đi ! Nhưng tình hình quân sự đang quá gay go giữa tháng tư 75 nên gia đình anh lại thúc anh trở lại Đức . Nghe lời , lòng đầy bịn rịn, anh trở lại München ( Munich ) . Biết tôi đã dọn lên gần Bonn anh đến mang tin gia đình tôi ở Saigon và cũng muốn gặp nhau để kể nhiều chuyện , nhất là vì anh ruột anh ở Việt Nam cũng là bạn học xưa của tôi. Chúng tôi thường cùng nhau đi thủ đô Tây Đức rôì về lại “ biệt thự cổ” của tôi như đi chợ. Tại Bonn lần lượt đến thăm những người bạn đồng hương. Ai nấy đều rất mừng được nghe tin sốt dẻo từ Sài Gòn, đặc biệt là tin quân sự vì một ông anh khác của anh là một tướng chỉ huy quân đội trước ngưỡng cửa Sài Gòn .
Ở Bonn nói chung chúng tôi gặp nhau đều đặn, cả ngày xem TV, nghe đủ mọi đài , bàn luận về chiến thuật khả thi cho giai đoạn này, về sự trung gian hòa giải của Pháp, về sự trợ giúp ngoại giao cho Mỹ của Nga và Tàu (dĩ nhiên là vị lợi). Nhưng đề tài chính vẫn là liên lạc vơi gia đình, với trong nước bằng ngả nào khi miền Nam sụp đổ và một “bức màn tre” hay “màn sắt” được dựng lên ? Rồi có cuộc trả thù, cuộc “tắm máu” xảy ra ở miền Nam bị chiếm không, hay sẽ chỉ có sự giết dần giết mòn? Hay là sẽ được chiêm ngưỡng hình ảnh cực đẹp như cuối cuối cuộc chiến tranh Nam Bắc Hoa kỳ, cảnh từ tướng chỉ huy cho đên binh sĩ Bắc trong im lặng, trang nghiêm tuyệt vời, kính cẩn chào đoàn quân Nam giã từ vũ khí trở về quê hương sống đời dân dã!
Bên những suy nghĩ miên man của bọn tôi như thế là những ký ức chung được cùng nhau nhắc lại, kèm những kỷ niệm riêng của mỗi ngươi qua giây phút trầm ngâm ngắn ngủi xen kẽ .
Ở nhà hoài cũng tẻ nhạt, thiếu không khí, chúng tôi kéo nhau đi dạo, nhưng lúc nào cũng kè kè cái radio transistor bên cạnh để không bỏ lỡ tin mới nhất! Cả bọn tản bộ trên bờ sông Rhein (Rhin, tiếng Pháp), con sông có đoạn dài đã là biên giới ngăn hai cựu thù Đức-Pháp. Liên tưởng đên sông Gianh trong sử Việt, đến sông Bến Hải của hiện tại có lẽ sắp làm xong nhiệm vụ lịch sử ! Nhìn sang bên kia sông thấy nhà thờ lớn của thành phố láng riềng của Bonn là Köln (Cologne) đứng sừng sững nặng nề lại nhớ tới vai trò của các tôn giáo trên chính trường miền Nam. Anh bạn mới từ Saigon qua kể về dư luận đồn đại: vị thượng tọa có “sáng kiến” mang bàn thờ Phật ra đường “tranh đấu” ở Huế năm 1963 có thể đóng vai trò trung gian hòa giải giữa chính thể miền Nam và Mặt trận giải phóng. Biết đâu do đó sẽ mở đầu một thời thịnh trị của đất nước như thời Phật giáo Lý -Trần ?
Sau khi đi dạo về nhà, trong lúc chờ “đại yến”, chúng tôi bùi ngùi nghĩ đến tương lai lưu vong. Ừ, ở nước ngoài thì cũng phải cai trị lẫn nhau, lo đoàn kết với nhau và lo đuổi cộng để hồi hương chứ, mặc dù đang bị cộng đuổi ! Thế là có vụ lập chính phủ lưu vong và chia ghế, dầu chưa thấy CIA hay mật vụ của cường quốc nào “bật đèn xanh“ cả ! Đến giờ này mà anh bạn “Xiêng pô”, sciences politiques, từng chuyên về nghiên cứu chính trị, còn cố “tiếu lâm” được thì mang nhiều chua chát hơn là khôi hài ! Thế rồi chính phủ lưu vong cũng lập xong rất nhanh với hai bộ trưởng “bẩm sinh” là là ông Bác sĩ thì lo bộ Y tế và ông ký giả thì phụ trách bộ Thông tin! Anh bạn vừa từ Việt nam qua còn nặng dư âm quân sự lại có anh là tướng nên mời giữ bộ quốc phòng ! Tuy nhiên với hiện tình đất nước thì bộ này vô tích sự nhất!
Đến bộ Xã hội và Thương phế binh thì có vấn đề vì địa hạt quá lớn cho thời hậu chiến, chắc phải tách làm hai bộ! Nguyên lo cho số Thương phế binh khổng lồ của cả hai bên mà chưa xác định đựoc con số chính xác cũng đủ mệt rồi ! Lo cho tử sĩ Nam, liệt sĩ Bắc, thương phế binh cả hai miền, tiêu chuẩn nào cho công bình, Bắc hay Nam hy sinh cũng đều là hy sinh! Thôi, phải mời bà “Xã hội học và Dân số học chuyên biệt” đang ở dưới bếp lên vấn kế và mời tham chính luôn cho trọn sự bình quyền nam nữ! Trong bếp các bà, các cô đang tíu tít làm nhiều món sơn hào hải vị mà vì bồn chồn âu lo ai nấy có ăn cũng không còn thưởng thức được hoàn toàn hương vị …
Từ giữa tháng 4 bao nhiêu thảm cánh xảy ra trong nước: tin có đơn vị các quân nhân ngồi thành vòng tròn rồi rút lựu đạn ra tự tử tập thể , rồi một trung tá Cảnh sát quốc gia trong bộ quân phục uy nghi, tư thế hào hùng, rút súng bắn vào đầu tự vận giữa công trường trước Quốc hội , tin một máy bay chở trẻ em mồ côi được di chuyển sang Mỹ định cư bị rớt sau khi cất cánh . Mấy trăm em thiệt mạng cùng một số nữ y tá Mỹ . Ngoài ra còn những cảnh đau lòng khi bao gia đình chen chúc leo lên nóc tòa đại sứ Hoa kỳ để được trực thăng ra hạm đội 7 Mỹ, rồi cảnh quân phục của binh sĩ cỡi ra vứt bên đường , cảnh phóng viên truyền hình ngoại quốc ghi lại hình ảnh mấy “ cán ngố ” không hiểu thuộc đơn vị nào, có nhiệm vụ gì mà lại đèo nhau trên xe đạp ngơ ngác giữa một đương phố Sài Gòn ! …
Rồi tin Tổng thống cuối cùng của nền cộng hòa Việt nam tuyên bố đầu hàng !
Cả bọn chúng tôi sửng sốt, bàng hoàng, không ai bảo ai mà tự nhiên ôm chặt nhau khóc !
NGUYỄN – KHẮC TIẾN – TÙNG,
2021
Bốn mươi sáu năm sau ngày 30.4.1975
* * *
CHO ĐẾN NGÀY NAY …
( vắn tắt đôi dòng thời sự thay LỜI KẾT )
Những thảm cảnh vừa kể lướt qua mỗi năm cộng đồng di tản lại được xem cùng vô số videos, hồi ký mới cũ của “ngụy dân” nói chung, của các quân nhân mọi binh chủng, của các tù cải tạo khác bị đọa đày vào những năm đẹp nhất của cuộc đời bên cạnh ký ức của nhiều tu sĩ caỉ tạo viên thuộc nhiều tôn giáo, trừ đạo Mác Lê.
Những điều kể trên từ nước Đức đã chỉ được ghi lại vắn tắt như một đóng góp nhỏ của cá nhân cũng như của những người đồng lứa tuổi cùng tâm trạng. Hy vọng từ Đức, Đông và Tây, cũng sẽ có người viết thêm theo cái nhìn qua góc độ riêng của mình. Nói chung, đúng vào dịp mất nước ít ai lúc đó đang ở ngọai quốc, viết hồi ký về thời điểm này, kể cả các nghệ sĩ đang đi lưu diễn, các thương gia trên chuyến thăm viếng tìm thị trường mới và các nhà ngoại giao của cả hai miền Bắc Nam. Có lẽ phần đông nghĩ rằng điều mình viêt ra thật nhỏ bé, có thấm thía gì đâu so với đau khổ lớn lao tràn ngập của bất cứ nạn nhân nào sau ngaỳ mất nước!
Hồi ký ngắn từ Đức naỳ đáng lẽ chỉ đến 30.4.75 là kết thúc.
Nhưng có lẽ một vài điều sau thời điểm nầy cũng nên viết vắn tắt thêm để làm rõ vài chi tiết, cho có trước có sau , cho “có… hậu” !
Những sinh viên yêu nước thiên tả tại Tây Đức cũ quá ít người hồi hương để phụng sự chế độ lý tưởng mà họ đã một thời ao ước . Số này đếm được chua đủ trên đầu ngón tay. Họ đã về “phục vụ nhân dân ” nhưng cũng có người – qua một thời gian – bị “thất sủng”. Sau này họ tìm cách gửi con cái sang Đức du học rồi ở luôn, hay nếu về nước thì tìm cách làm cho các cơ sở Đức. Cũng có những cựu sinh viên thiên tả sang Mỹ với gia đình đã trốn từ Việt Nam qua . Một số ở lại Đức sống bằng dịch vụ chuyển tiền về nước hay xuất nhập cảng, mở văn phòng du lịch với trọng tâm Tours Việt Nam . Có người muốn quên quá khứ “tranh đấu”, đã theo nhịp sống, hội nhập, làm nên sự nghiệp tại Đức .
Từ 1979 phong trào di cư, vượt biên bùng phát trong nước và kéo dài triền miên , Dr. Neudeck với con tàu Cap Anamur đã cứu vớt một số thuyền nhân trên biển và sau đó họ được đón gia đình qua xum họp .
Người Việt xa nước nhưng vẫn mang theo truyền thông nhớ ơn, nhớ ơn đất nước đã cưu mang. Và nhớ ơn tiến sĩ Neudeck nên đã đóng góp để hoàn tất tượng đài kỷ niệm vị ân nhân này.
Thế hệ thứ nhất và con cháu họ có những khó khăn , nhưng cũng có nhiều thành công . Sự hội nhập vào xã hội mới tốt đẹp , tuy nhiên vấn đề bảo tồn văn hóa cho các thế hệ sau hy vọng sẽ hoàn hảo hơn và giữa hội nhập với bảo tồn văn hóa gốc luôn luôn đạt được quân bình ! Mong rằng tương lai sẽ thênh thang cho tất cả.
Số dân cư Việt ở Đông Đức cũ , “tường nhân”, sau khi bức tường biên giới Đông Tây sụp đổ, được ở lại Công hòa Liên bang Đức (thống nhất) thường vẫn là công dân của Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Do đó họ phụ thuộc, ràng buộc nhiều vơi tòa đại sứ CHXHCN Việt nam và “quê hương tinh thần” trong tiềm thức cũng như tác phong đạo đức, văn hóa của đa số chưa thoát khỏi tầm mức của nền giáo dục xã hội chủ nghĩa được thấm nhuần từ hàng chục năm nay.
Những ai đã đi hợp tác lao động sau 1989 /1990 không ở lại Đức mà chọn giải pháp tình nguyện về nước đều được nhận một khoản trợ cấp hồi hương.
So với số Việt kiều ở Tây Đức cũ, cùng các cựu sinh viên và “ thuyền nhân”, thì ( theo cả phỏng đoán lẫn thống kê ) người có gốc Bắc Việt đông hơn nhiều. Và vẫn tiếp tục đông hơn vì nạn buôn người do băng đảng Việt chủ trương đưa thêm người mới sang. Vừa đây đường giây bất hợp pháp bị cảnh sát liên bang Đức và cảnh sát các tiểu bang bố ráp. Ngoài ra còn nhiều người Việt ở khối cộng sản Đông Âu cũ cũng thường tìm đường qua Đức kiếm cách làm chui và ở lại.
* Aktuelle Auflage 23. Juni 2021 *