Seite auswählen

Rộ tin Lê Dũng Vova đã bị bắt

Vụ bắt giữ YouTuber lên tiếng vì dân oan cho thấy nhà cầm quyền CSVN quyết không dung thứ với những tiếng nói bất đồng và những nỗ lực cứu giúp dân oan của giới xã hội dân sự.

Ông Lê Văn Dũng, tự Dũng Vova, là chủ kênh CHTV thường đưa tin về dân oan khiếu kiện đất đai. Web screen capture

Sau một tháng bị truy nã, hôm 30/6/2021, ông Lê Văn Dũng, tự Dũng Vova, 51 tuổi, chủ kênh CHTV, được cho là đã bị bắt giữ tại thôn Nguyễn Xá, xã Phương Tú, huyện Ứng Hòa, Hà Nội, theo ít nhất ba nguồn tin trên mạng xã hội.

Hồi đầu tháng 6/2021, truyền thông nhà nước đưa tin, ông Dũng bị truy nã với cáo buộc “Làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước” theo  Điều 117, Bộ luật Hình sự CSVN.

Sau đó, nguồn tin trong giới xã hội dân sự cho hay ông Dũng tìm đường vượt biên sang Thái Lan nhưng không thành, trong bối cảnh các nước trong khu vực siết chặt cửa ngõ biên giới.

Làm chủ kênh đưa tin về dân oan

Kênh CHTV do ông Dũng làm chủ bị nhà cầm quyền CSVN coi là cái gai, vì thường xuyên đưa tin, bình luận về các vụ dân oan khiếu kiện đòi đất bị chính quyền cưỡng đoạt.

Ông Anton Tuấn, người cùng làm CHTV với ông Dũng, xác nhận vụ bắt giữ.

Ông Dũng bị bắt cùng một người em họ xa, là chủ ngôi nhà ông Dũng ở vào thời điểm bị bắt.

Từ nhiều tháng trước thời điểm bị truy nã và bắt giam, ông Dũng từng bị công an triệu tập liên miên.

Về ông Dũng Vova, báo điện tử Đài Tiếng nói Việt Nam cáo buộc: “Trong vụ Đồng Tâm, Dũng cùng đồng bọn liên hệ với các đối tượng cốt cán của “Tổ đồng thuận”, để “hỗ trợ pháp lý”, hướng dẫn cách thức đăng tải, cập nhật tình hình Đồng Tâm. Khi phiên xét xử vụ án Đồng Tâm diễn ra, Lê Dũng Vova tiếp tục thực hiện nhiều clip, đưa tin lệch lạc, sai sự thật về phiên xét xử.

Cùng với Lê Trọng Hùng (biệt danh Hùng “gàn”), Dũng Vova diễn trò làm hồ sơ ứng cử đại biểu Quốc hội. Khi bị loại ở vòng hiệp thương do không đủ tiêu chuẩn, Dũng và đàn em tiếp tục làm clip bôi nhọ danh dự các vị lãnh đạo của Quốc hội, kêu gọi người dân không đi bầu cử vì “nhân sự đã được sắp xếp từ trước”…

Báo đảng cũng quy chụp ông Dũng “nhiều năm núp bóng nhà báo, để thực hiện những mưu đồ phá hoại an ninh quốc gia, kích động gây mất đoàn kết dân tộc”.

Ông Lê Dũng Vova (thứ hai, phải qua) cùng giới xã hội dân sự trong ảnh chụp năm 2019. Courtesy of Facebook Nguyen Lan Thang

“Nói giúp cho dân oan và những người thấp cổ bé miệng”

Nhà báo tự do Huỳnh Ngọc Chênh, cựu phóng viên tờ Thanh Niên, bình luận: “ Tôi xem hết các video clip của Lê Dũng, không thấy chỗ nào vi phạm pháp luật của nhà cầm quyền. Nhưng tội của Dũng là đã nói giúp cho dân oan và những người thấp cổ bé miệng, và những người đó rất tin yêu Dũng, điều đó có thể gây nguy hiểm cho chế độ.”

Trong khi đó, nhà báo tự do Châu Đoàn ở Hà Nội viết: “Tôi không tin Dũng Vova là người có tội danh như báo chí đưa tin. Tin hay không tin là quyền của tôi có phải không nhỉ hay cứ báo viết ra là tôi phải tin?

Điều tôi biết chắc là Dũng Vova đã đọc hàng ngàn bộ hồ sơ của dân bị oan sai về pháp lý, dân oan mất đất và đã lên sóng nói về sự việc của họ. Người quan tâm tới những số phận thấp cổ bé họng là tôi quý.

Tất nhiên là tôi không thể biết hết các việc của Dũng Vova làm nhưng việc quý ai là quyền của tôi phải không các bạn? Hay việc này cũng là phạm luật và cũng phải theo chỉ đạo hay định hướng?

Ở đây tôi chỉ kêu gọi các bạn mua cà phê để giúp vợ Dũng Vova nuôi con nhỏ. Điều ấy chắc cũng không phạm luật đâu nhỉ?”, ông Châu Đoàn đưa ra lời đề nghị cộng đồng mạng giúp vợ ông Dũng mưu sinh để nuôi con.

Trước vụ bắt giữ ông Dũng, danh sách những người bị bắt vì Điều 117 chỉ tính tại Hà Nội bao gồm: Lê Anh Hùng, Phạm Văn Trội, Phạm Thành, Nguyễn Tường Thụy, Phạm Đoan Trang, Cấn Thị Thêu, Nguyễn Thị Tâm, Trịnh Bá Phương, Trịnh Bá Tư, Nguyễn Thúy Hạnh… 

Định Tường, Đất Việt (30.06.2021)

 

 

“TIỀN” – “LỆ” XIN – CHO TRONG PHÁP QUYỀN XHCN

nguyenhuuvinh

Một vụ án tham nhũng không lớn, nhưng đã gây sự chú ý của dư luận nhiều tháng ngày qua tại CDC Hà Nội, cơ quan phòng chống bệnh tật Hà Nội.

Tại vụ án này, Nguyễn Nhật Cảm, Giám đốc CDC Hà Nội đã cùng một số người nâng khống thiết bị y tế xét nghiệm covid-19 lên hàng tỷ đồng để bỏ túi. Số tiền được Tòa cho là “thất thoát” là khoảng hơn 5,4 tỷ đồng.

Dù là vụ án nhỏ, nhưng nó để lại nhiều dư âm trong suốt quá trình điều tra, xét xử cũng như sự quan tâm của xã hội xảy ra trong quá trình bắt giữ, xét xử ở hai cấp sơ thẩm và phúc thẩm.

Vụ tham nhũng này được tổ chức bài bản, nhanh chóng và chặt chẽ ngay khi cả đất nước đang đối diện với thảm họa dịch bệnh bởi Covid-19 và được tiến hành bởi người đứng đầu cơ quan chống dịch bệnh của Tp Hà Nội chỉ đạo cho hàng loạt cấp dưới cùng tiến hành vụ tham nhũng này.

Đây cũng là một trong các vụ án mở đầu cho một lĩnh vực mà từ trước đến nay nhiều người ít khi chú ý đến: Mua sắm thiết bị y tế. Tại CDC Hà Nội, đã có 18 gói thầu khác đang bị điều tra.

Tại vụ án này, số tiền ngân sách bị chiếm đoạt, theo tính toán là hơn 5,4 tỷ đồng. Số tiền này, nếu đem so sánh với những căn nhà của những hộ dân Việt Nam cần thiết để được thoát nghèo và có nhà ở vững vàng sẽ tương đương với gần 70 căn nhà. Nghĩa là tương đương với số tiền để hàng trăm người dân vô gia cư có chỗ ở cố định.

Sở dĩ gọi là vụ án nhỏ và xã hội vẫn coi là vụ án nhỏ, dù số tiền bị tham nhũng và chiếm đoạt trong vụ án không nhỏ. Nó là hàng chục, hàng trăm ngôi nhà, là hàng ngàn phòng học của trẻ em, là hàng vạn, hàng triệu bữa ăn của những em bé vùng dân tộc ít người phải nhịn từng bữa để đến trường trong giá lạnh mùa đông. Nó là bằng hàng vạn số tiền mà cụ ông, cụ bà được báo đảng đưa lên làm mẫu mực trong việc góp từ ổ trứng gà, từng đồng cắc tiền tiết kiệm, hay những trẻ em phải đập lợn đất để quyên góp vào cái gọi là “Quỹ Vaccine” cho chính phủ gửi tiết kiệm hiện nay.

Đơn giản nhất, nó được gọi là vụ tham nhũng nhỏ, tham nhũng vặt, chỉ vì quy mô, tần suất và hậu quả những vụ án tham nhũng bởi quan chức cộng sản ngày càng nhiều, ngày càng lớn, và ngày càng khủng khiếp với con số hàng trăm, hàng ngàn tỷ đồng và xảy ra như cơm bữa, trong mọi mặt của đời sống xã hội Việt Nam hiện nay.

Bởi so với những vụ án mà quan chức hùa nhau móc số tiền 7.000 tỷ đồng, hối lộ mỗi lần cả ba, bốn triệu đola như vụ AVG hoặc những vụ án gần đây thì đây là vụ án không lớn.

Thế nhưng, nó được quan tâm của cả xã hội, là ở chỗ vụ án xảy ra tại cơ quan phòng chống dịch bệnh, trong thời điểm khó khăn, căng thẳng nhất, hoảng sợ nhất của cả nước trước đại họa do đại dịch bởi virus Covid-19 gây ra.

Vụ án lại được chính người đứng đầu cơ quan phòng chống dịch bệnh với đầy đủ những học hàm, học vị là Giáo sư, là tiến sĩ… với đầy đủ chức năng, nhiệm vụ và câu khẩu hiệu luôn treo trước mặt là “Lấy Y đức làm trọng”.

Và theo Chủ tịch Quốc hội CSVN Nguyễn Thị Kim Ngân, thì sở dĩ vụ này không thể cho qua, là bởi vì “Ăn quá dày, chỉ có hai tỷ mà nâng lên dến 7 tỷ”. Vì thế, chỉ có thể là tăng nặng.

Câu nói của Nguyễn Thị Kim Ngân đã được bàn tán rất nhiều và đã đưa ra một thông điệp khá rõ ràng rằng: Nếu vụ án này cũng như hàng vạn, hàng trăm ngàn vụ án khác trong xã hội cộng sản hiện nay chỉ ăn mỏng vừa phải thôi, hoặc không “ăn quá dày”, “ăn đều, chia sòng”, thì mọi chuyện đã trở nên bình thường đâu vào đó.

Để rồi quan chức vẫn cứ là quan chức mẫu mực, vẫn là những người dẫn đầu phong trào “Học tập và làm theo Hồ Chí Minh”, vẫn rao giảng đạo đức, thậm chí vẫn viết thành sách, thành giáo trình “Phòng chống diễn biến hòa bình” về tư tưởng đạo đức cán bộ đảng viên như Trương Minh Tuấn- Bộ trưởng Bộ Thông tin – Truyền thông trước khi bị lộ trong vụ AVG.

Điều hài hước, góp phần tạo nên cơn bão dư luận trong vụ án này, là những điều xảy ra khi vụ án bị khởi tố và đưa ra xét xử.

Mặc dù như trên đã nói, Nguyễn Thị Kim Ngân đã khẳng định rằng sẽ xử nghiêm, sẽ tăng nặng vì “ăn quá dày”, thì vẫn có những điều không bình thường xảy ra.

Theo báo chí cho biết, trước khi xảy ra việc xét xử phúc thẩm, đã có hàng trăm cán bộ ngành y tế viết đơn xin giảm nhẹ tội cho Nguyễn Nhật Cảm, cựu Giám đốc CDC Hà Nội.

Trong đó có 424 y bác sỹ, cán bộ nhân viên các bệnh viện ở các tỉnh, cán bộ đã nghỉ hưu; 39 người, trong đó có nhiều phó giáo sư, tiến sỹ của Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương; 54 y bác sỹ, cán bộ nhân viên Trung tâm y tế quận Nam Từ Liêm, Hà Nội…

Ngoài ra, 23 CDC các tỉnh, Hội Y học dự phòng Việt Nam cũng có đơn xin giảm nhẹ tội cho các bị cáo thuộc CDC Hà Nội.

Đó mới là điều lạ trong vụ án này nói riêng và hệ thống tư pháp CS Việt Nam nói chung.

Hẳn nhiên, ai cũng biết rằng khi có đơn xin giảm án cho bị cáo, sẽ có nhiều lý do được đưa ra.

Trong vụ án AVG, Phạm Nhật Vũ – em trai của Phạm Nhật Vượng, người được mệnh danh là giàu nhất Việt Nam hiện nay – cướp số tiền 7.000 tỷ đồng của ngân sách nhà nước, cũng đã được các Giáo hội Phật giáo quốc doanh Trung ương và các địa phương như Ban trị sự Giáo hội Việt Nam TP Hà Nội, các tỉnh Hà Giang, Tuyên Quang, Hà Tĩnh, Hưng Yên, Cao Bằng… làm đơn xin miễn giảm hình phạt với lý do Vũ đã chi cho các chùa nhiều tiền bạc.

Trong vụ Đô đốc Nguyễn Văn Hiến làm thất thoát hàng ngàn mét vuông đất và cả ngàn tỷ đồng của Quân chủng Hải Quân, thì đã được chính Quân chủng Hải Quân xin giảm án và ân xá, không đòi hỏi đền bù thiệt hại.

Nhưng hẳn nhiên, ai cũng phải hiểu rằng trong một đất nước nếu có một nhà nước pháp quyền, thì việc xin xỏ trước luật pháp dù của tập thể, dù của những người có danh vọng hay bất cứ ai thì đều vô nghĩa.

Bởi “Quân pháp bất vị thân”.

Thế nhưng, ở Việt Nam thì hẳn nhiên phải khác phần còn lại của thế giới. Trước khi vụ án được đưa ra xét xử ở phiên phúc thẩm, báo chí và Tòa đã cho biết rằng có hàng trăm người ký đơn xin giảm nhẹ hình phạt hoặc tha bổng cho quan tham.

Sở dĩ có như vậy, chỉ vì đơn giản là quan tòa trong nhà nước Pháp quyền XHCN không xét xử bằng luật, bằng chứng cứ mà xét xử bằng chỉ thị, bằng ý cấp trên… qua những vụ án bỏ túi.

Điều đó đã tạo thành “Lệ” trong việc xét xử tại Việt Nam, không chỉ có thời gian gần đây qua các vụ án nêu trên, mà đã có một quá trình từ xưa đến nay trong quá trình xét xử của ngành Tòa Án tại Việt Nam.

Sở dĩ cái “Lệ” này được hình thành và phát triển, chung quy lại cũng bởi chữ “Tiền” mà ra. Ở những người, những cơ quan, những tổ chức Giáo hội Phật giáo quốc doanh kia, chữ “Tiền” là nguyên nhân điều khiển những hành động của họ, bất chấp tội ác đã diễn ra như thế nào và gây hậu quả với ai ra sao.

Đặc biệt, như đã nói ở trên, trong vụ CDC, khi Nguyễn Thị Kim Ngân, chủ tịch Quốc hội đã “quyết” phải xử, phải tăng nặng… thì hẳn nhiên ai cũng biết mọi sự xin xỏ hoặc trái ý lãnh đạo đều không có tác dụng. Bởi ở Việt Nam lời nói quan chức cộng sản còn hơn mọi bộ luật hay mọi quy định của Hiến pháp hay pháp luật. Xưa nay, đã có biết bao tiền án và tiền lệ, là chẳng cần Tòa, chỉ cần một quan chức cộng sản đưa ra ý kiến, thì hàng loạt thân phận người dân bị định đoạt. Huống chi, đây lại là một trong “Tứ trụ” triều đình, quyền sinh, quyền sát trong tay.

Điều đó, nói lên khá nhiều ý nghĩa.

Rằng, chính những người ký đơn kia, đã khẳng định với Nguyễn Thị Kim Ngân, Chủ tịch Quốc hội CSVN rằng: Số tiền 5,4 tỷ đồng trong vụ án này, chẳng là gì so với những vụ việc, những sự phá hoại khác xảy ra nhan nhản hàng ngày trong hệ thống chính trị hiện tại.

Rằng, đã đến lúc, họ cho thấy những lời nói của quan chức không còn là sắt, là đá buộc phải thi hành như trước. Bởi ai cũng thấy những lời nói ngáo đá của quan chức xảy ra hàng ngày, hàng giờ.

Và rằng: Cái gọi là luật pháp, là pháp quyền XHCN tại Việt Nam, chỉ là một trò đùa, một công cụ được lèo lái và sử dụng bất chấp mọi sự thật, mọi thực tế và cái gọi là “Nhà nước pháp quyền XHCN” chỉ là một sự hài hước không hơn, không kém.

J.B Nguyễn Hữu Vinh 

nguyenhuuvinh’s blog (RFA (29.06.2021)

 

 

Gia đình Hồ Duy Hải chưa bao giờ được nói chuyện kêu oan…

Bà Nguyễn Thị Loan và LS Trần Hồng Phong trong một lần gửi đơn khẩn cấp về chứng cứ ngoại phạm HDH dự đám tang ông Tư Lan (tháng 5/2921). Ảnh: FB tác giả

Có một điều có thể nhiều người chưa biết, và nếu biết, có thể bị shock, là gia đình Hồ Duy Hải (chị Nguyễn Thị Loan – mẹ Hải, em Hồ Thị Thu Thuỷ – em gái Hải, các dì Rưỡi Len) suốt 14 năm qua mỗi khi vào thăm Hồ Duy Hải trong Trại giam CHƯA BAO GIỜ ĐƯỢC NÓI VỀ CHUYỆN KÊU OAN với nhau.

Cụ thể, cán bộ Trại giam yêu cầu chỉ được hỏi thăm sức khoẻ, ngoài ra không được nói bất kỳ câu nào về việc kêu oan, thông tin giải quyết vụ án, diễn tiến kêu oan… Nếu “vi phạm” quy định này, thì “sẽ khổ cho Hải đó”, theo lời cán bộ Trại giam.

Vài năm trước, mỗi lần vào thăm, gia đình còn phải viết đơn cam kết không nói chuyện gì khác ngoài chuyện hỏi thăm sức khoẻ thì mới được cho vào thăm! Từ sau phiên toà giám đốc thẩm, khoảng hơn một năm nay cán bộ Trại giam không còn bắt phải viết giấy cam kết này nữa.

Thông thường, mỗi tháng gia đình được vào thăm Hải một lần. Nhưng cũng có nhiều lần cách quãng, tới 3, 4 tháng mới được gặp mặt. Lần gặp gần đây nhất cũng đã hơn hai tháng, vì dịch Covid-19.

Tháng 12/2014, sau khi Hồ Duy Hải may mắn được hoãn thi hành án ngoạn mục vào phút chót (ngày 4/12/2014), có Đoàn giám sát của Quốc hội vào làm việc tại Long An, tìm hiểu tình hình. Nhân dịp này, tôi đã làm giúp gia đình chị Loan một lá đơn Xin được nói chuyện kêu oan với con và xin chuyển trại giam.

Nhân đó, tôi cũng thống nhất với gia đình cho phép luật sư (là Ls. Nguyễn Văn Đạt và tôi – Ls. Trần Hồng Phong) được gặp Hồ Duy Hải để “có cơ hội tìm hiểu rõ hơn về việc kêu oan của Hồ Duy Hải”.

Đơn này đã được gửi cho các cơ quan và trực tiếp cho bà Lê Thị Nga, khi đó là Phó Chủ nhiệm UB Tư pháp QH. Nhưng tới nay vẫn chưa có kết quả, các luật sư trợ giúp pháp lý cho gia đình Hồ Duy Hải vẫn CHƯA BAO GIỜ được tiếp xúc với thân chủ của mình. Việc này là một trở ngại và gây nhiều khó khăn hơn trong hành trình kêu oan cho Hồ Duy Hải.

Tóm lại: suốt 14 năm qua, gia đình Hồ Duy Hải chưa bao giờ được nói chuyện kêu oan với con mỗi khi vào thăm gặp. Thật đau lòng.

Lá đơn LS Trần Hồng Phong soạn cho gia đình Hồ Duy Hải từ tháng 12/2014, với chữ ký của bà Loan, bà Rưỡi. Trong đó có nội dung xin cho Luật sư được gặp Hồ Duy Hải. Ảnh: FB tác giả

Trần Hồng Phong , Tiếng Dân (29.06.2021)

 

 

Hiến pháp 2013 là đạo luật của Nhân dân hay của Nhà nước?

Về nguyên lý dân chủ và nhà nước pháp quyền, Hiến pháp là đạo luật của nhân dân tổ chức nên nhà nước và trao quyền lực cho nhà nước.

Xét cho cùng, Hiến pháp 2013 của nước ta cũng có ý như vậy. Tại đoạn cuối của “Lời nói đầu”, Hiến pháp 2013 tuyên bố: “…, Nhân dân Việt Nam xây dựng, thi hành và bảo vệ Hiến pháp này vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”; và đồng thời khẳng định: “Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam do Nhân dân làm chủ; tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân mà nền tảng là liên minh giữa giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức”.

Tuy nhiên, Hiến pháp 2013 tự mâu thuẫn với quan niệm trên bởi một qui định rằng: “Quốc hội thực hiện quyền lập hiến, quyền lập pháp, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước và giám sát tối cao đối với hoạt động của Nhà nước” (Điều 69, đoạn 2). Với quy định này, có thể hiểu: Ở nước ta, quốc hội lập pháp có quyền lập hiến; quyền lập hiến không còn thuộc về nhân dân nữa; và quyền lập hiến bị coi ngang bằng với quyền lập pháp. Hệ lụy là đánh tụt vị trí tối cao của Hiến pháp xuống.

Tôi nghi rằng các GS. TS và GS. TSKH biết vấn đề này bởi Hiến pháp 1992 qui định dứt khoát rằng “Quốc hội là cơ quan duy nhất có quyền lập hiến và lập pháp” (Điều 83, đoạn 2), nên thêm từ “thực hiện” vào đoạn văn kể trên để lấy đường giải thích khi có sự thắc mắc. Nhưng từ “thực hiện” này thêm vào đó thật buồn cười vì nó phải giải thích chung cho tất cả các chức năng của Quốc hội. Buồn cười hơn là ngay sau đó lại viết Quốc hội “có nhiệm vụ và quyền hạn” “Làm Hiến pháp và sửa đổi Hiến pháp” (Điều 70).

Hơn nữa, trong nhiều điều khoản của Hiến pháp 2013, các GS. TS và GS. TSKH lại viết theo kiểu coi Hiến pháp là đạo luật của Nhà nước và thông qua đó, Nhà nước ban phát cho dân chúng đủ thứ trên đời. Ví dụ:

“Nhà nước khuyến khích, tạo điều kiện để doanh nhân, doanh nghiệp và cá nhân, tổ chức khác đầu tư, sản xuất, kinh doanh” (Điều 51, khoản 3);

“Nhà nước ưu tiên đầu tư và thu hút các nguồn lực khác cho giáo dục…” (Điều 61, khoản 2);

“Nhà nước ưu tiên đầu tư và khuyến khích tổ chức, cá nhân đầu tư nghiên cứu, phát triển, chuyển giao, ứng dụng có hiệu quả thành tựu khoa học và công nghệ…” (Điều 62, khoản 2);…

Các chính sách lớn này nếu được đưa vào Hiến pháp thì chúng phải là các chính sách chung của toàn dân đưa ra và giao cho Nhà nước thực hiện. Có lẽ các GS. TS và GS. TSKH không được học kỹ thuật viết Hiến pháp cho nên mới viết như vậy (!?)

Nhà nước pháp quyền dân chủ được viết trong Hiến pháp (đạo luật gốc) 1949 (hiện hành) của Cộng hòa Liên Bang Đức như sau:

“Điều 20 [Cấu trúc chính trị và xã hội, bảo vệ trật tự hiến pháp]

(1) Cộng hòa Liên bang Đức là một nước liên bang dân chủ và xã hội.

(2) Tất cả quyền lực công bắt nguồn từ nhân dân. Nó được thực hiên bởi nhân dân thông qua các cuộc bầu cử và các cuộc trưng cầu ý dân và bởi các cơ quan lập pháp, hành pháp và tư pháp cụ thể.

(3) Lập pháp bị ràng bởi trật tự hiến pháp, hành pháp và tư pháp bởi pháp luật và công lý.

(4) Tất cả người Đức có quyền chống lại bất kỳ ai cố gắng làm hay không làm vượt ra ngoài khuôn khổ của trật tự hiến pháp nếu không có phương cách nào khác có thể”.

Lưu ý: Hiến pháp này của Cộng hòa Liên bang Đức quy định về quyền con người trước việc tổ chức và phân chia quyền lực.

Chỉ trong một điều khoản này đã họ đa có thể bao quát được toàn bộ chính trị và xã hội của Cộng hòa Liên bang Đức. Họ đã dành nhiều chỗ cho các giải thích tư pháp về hiến pháp. Nhà nước được nhân dân giao nhiệm vụ và phải làm chứ không có chuyện nhà nước ban phát cho dân.

Ngô Huy Cương, Báo Tiếng Dân (29.06.2021)

 

 

Quan chức CSVN tham nhũng đất đai ‘phổ biến, phức tạp’

Luật Đất Đai CSVN “vừa đá bóng, vừa thổi còi” nên “cán bộ, đảng viên lợi dụng chức quyền tham ô, tham nhũng, sách nhiễu, lợi ích nhóm.”

Hôm 28 Tháng Sáu, “Ban Kinh Tế Trung Ương đã phối hợp với Ban Cán sSự Đảng Tòa Án Nhân Dân Tối Cao tổ chức hội thảo “Thực trạng vi phạm pháp luật về đất đai và kiến nghị sửa đổi chính sách, pháp luật về đất đai,” theo tường thuật của tờ Người Lao Động.

Dân tỉnh Hưng Yên tới Hà Nội biểu tình chống nhà cầm quyền cưỡng chế đất của dân rồi bán cho tư bản đỏ kiếm lời.(Hình: Cat Barton/AFP/Getty Images)

Trong cuộc hội thảo này, các quan chức chóp bu của chế độ tại hai cơ quan kể trên thừa nhận tình trạng tham nhũng khủng khiếp về đất đai trên cả nước suốt bao nhiêu năm qua. Đã có những vụ cưỡng chế đất đổ máu rúng động dư luận trong ngoài nước mà gần đây nhất xảy ra tại xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, Hà Nội.

Tại cuộc hội thảo kể trên, Trần Tuấn Anh, cựu bộ trưởng Công Thương nay là trưởng Ban Kinh Tế Trung Ương, lập lại nhận định của trung ương đảng CSVN công nhận: “Tham nhũng, tiêu cực trong lĩnh vực này còn lớn; thị trường bất động sản phát triển không ổn định, thiếu lành mạnh, giao dịch ‘ngầm’ còn khá phổ biến; tình hình khiếu nại, tố cáo, tranh chấp về đất đai còn diễn biến phức tạp.”

Hồi năm 2018, Bộ Chính Trị đảng CSVN cũng đã phải thú nhận: “Tình trạng vi phạm chính sách pháp luật về đất đai còn diễn ra phổ biến, phức tạp. Công tác thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo liên quan đến đất đai chưa được cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền quan tâm kịp thời, xử lý dứt điểm.”

Nguyên chủ tịch tỉnh Khánh Hòa Lê Đức Vinh nay bị tù vì tham nhũng đất. (Hình: Tuổi Trẻ)

Quan chức đảng viên CSVN trên cả nước dựa vào Bộ Luật Đất Đai nhiều khuyết tật đã cấu kết với nhau, cho phép họ “lợi dụng chức quyền tham ô, tham nhũng, sách nhiễu, lợi ích nhóm.” Hàng ngàn người dân chúng bị quan chức các địa phương cướp đất bán lại cho các tư bản đỏ để ăn hối lộ, đi khiếu kiện khắp nơi từ năm này sang năm khác trong vô vọng.

Cuộc hội thảo hôm Thứ Hai, 28 Tháng Sáu, được tổ chức tiếp theo sau nhiều lời “dạo đờn” của chế độ mấy tháng gần đây là sẽ cho sửa lại Bộ Luật Đất Đai 2013 nhưng hiện vẫn chưa thấy gì cụ thể.

Hôm 2 Tháng Năm, báo Lao Động nói: “Thủ tướng yêu cầu nhanh chóng sửa Luật Đất Đai.” Nhưng đến ngày 14 Tháng Sáu mới đây, tờ Tuổi Trẻ đưa tin: “Luật Đất Đai 2013 được đánh giá là đang tồn tại nhiều bất cập, vướng mắc nhưng lại chưa có đề xuất đưa vào chương trình xây dựng luật hai năm đầu tiên của Quốc Hội khóa XV.”

Nguyên chủ tịch tỉnh Khánh Hòa bị tống giam vì tham nhũng đất. (Hình: Tuổi Trẻ)

Ngày 12 Tháng Ba, 2021, trang mạng “chinhphu.vn” đăng tải ý kiến của ông Đặng Hùng Võ, nguyên thứ trưởng Bộ Tài Nguyên Môi Trường CSVN kêu ca rằng nhà cầm quyền các địa phương “có thẩm quyền vừa thực hiện quyền quyết định về đất đai với vai trò đại diện cho sở hữu toàn dân và vừa thực hiện quyền quản lý đất đai, tức là ‘vừa đá bóng, vừa thổi còi’” dẫn đến tham nhũng.

Các bài viết, bản tin về sửa đổi Luật Đất Đai mấy tháng qua chỉ đề cập sửa đổi những điều khoản lòng vòng như “bảo vệ đất nông nghiệp,” các loại hợp đồng “sử dụng đất,” rồi “bịt lỗ hổng trong Luật Đất Đai”… Nhưng cái cốt lỗi của vấn đề là quyền tư hữu đất đai của người dân thì vẫn bị tước đoạt, không hề đả động trong chuyện sửa luật. (TN) [kn]

Người Việt (28.06.2021)