Bà Cấn Thị Thêu và con trai Trịnh Bá Tư tại phiên tòa ngày 5/5/2021 ở tỉnh Hòa Bình. Photo TTXVN
Chỉ trong ba tháng vừa qua chính quyền Việt Nam đã bắt giam và xét xử ít nhất 30 người vì dám lên tiếng chỉ trích chế độ, phần lớn bị quy vào tội “tuyên truyền chống nhà nước”, theo số liệu mới nhất từ nhóm các gia đình tù nhân lương tâm Việt Nam.
Trong bản thông tin Qúy II 2021, nhóm Đại gia đình Tù nhân Lương tâm Việt Nam cho biết có đến 16 người bị bắt giam hay khởi tố và 15 người bị đưa ra xét xử.
Bản tin được tập hợp từ các gia đình này cho biết họ xem “những người dân dám lên tiếng và hành xử theo lương tâm của mình mà bị tù đày là những tù nhân lương tâm (TNLT), trong khi cơ quan ngôn luận của Bộ Công an lại tiếp tục bác bỏ khái niệm này, cho rằng ở Việt Nam “không có tù nhân lương tâm.”
Trong số các blogger, nhà báo, nhà hoạt động nhân quyền bị bắt theo cáo buộc “tuyên truyền chống nhà nước” (Điều 117 Bộ Luật Hình sự) có ông Đỗ Nam Trung, ông Lê Văn Dũng, bà Nguyễn Thúy Hạnh ở Hà Nội.
Một số khác bị bắt vì cáo buộc “trốn thuế” (Điều 200 Bộ Luật Hình sự) như trường hợp của nhà báo Mai Phan Lợi, nhà hoạt động thiện nguyện Đặng Đình Bách.
Đáng lưu ý là việc chính quyền bắt giam các thành viên của nhóm Báo Sạch vào tháng 4 với cáo buộc “lợi dụng các quyền tự do dân chủ” (Điều 331 Bộ luật Hình sự) bao gồm các ông Nguyễn Thanh Nhã, Đoàn Kiên Giang và Nguyễn Phước Trung Bảo, sau khi một thành viên khác là nhà báo Trương Châu Hữu Danh bị bắt với cùng cáo buộc vào tháng 12 năm ngoái.
Ông Huỳnh Ngọc Chênh, chồng của nhà hoạt động Nguyễn Thúy Hạnh, người bị bắt vào tháng 4/2021, nói với VOA:
“Từ thời ông Nguyễn Phú Trọng lên vào 2016 và đồng thời tình hình thế giới có những khủng hoảng thì [chính quyền Việt Nam] ra sức bắt bớ từ thời đó tới bây giờ. Bắt bớ nhiều lắm, có tội nặng, có tội nhẹ, không có tội gì cũng bắt. Trong xu hướng đó, bắt được ai thì họ cứ bắt. Có cớ này, cớ khác để bắt. Tôi nghĩ Nguyễn Thúy Hạnh chả làm gì sai pháp luật cả.”
Bà Nguyễn Thị Ánh Tuyết, bạn gái của nhà hoạt động Đỗ Nam Trung, nói:
“Theo cá nhân tôi, việc bắt bớ anh Trung là điều vô lý vì anh Trung không làm cái gì gọi là “tuyên truyền chống phá nhà nước” cả.”
Trong số hơn 15 trường hợp bị đưa ra xét xử trong ba tháng qua, nổi cộm nhất là vụ án nhà hoạt động vì quyền đất đai Cấn Thị Thêu và con trai Trịnh Bá Tư ở Hà Nội– mỗi người 8 năm tù và 3 năm quản chế với cáo buộc “tuyên truyền chống Nhà nước” theo Điều 117 BLHS. Với cùng cáo buộc này, cựu phóng viên Trần Thị Tuyết Diệu ở Phú Yên bị tuyên 8 năm tù giam. Hay vụ bà Nguyễn Thị Cẩm Thúy, cựu giáo viên ở Khánh Hòa, bị tuyên 9 năm tù vì dám “tập hợp lực lượng nhằm thành lập tổ chức chính trị đối lập mang tên “Quốc hội””.
Bà Trịnh Thị Thu, con của nhà hoạt động Cấn Thị Thêu, nói với VOA:
“Bản án đối đối với Trịnh Bá Tư và mẹ tôi vừa qua là quá nặng nề. Gia đình tôi rất bức xúc.”
Vào tháng trước, Mạng lưới Nhân quyền Việt Nam, một tổ chức nhân quyền có trụ sở ở bang California, Hoa Kỳ, công bố báo cáo dài hơn 100 trang trong đó có nêu danh sách 288 tù nhân lương tâm hiện đang bị chính quyền Việt Nam giam cầm, tính đến cuối tháng 5/2021.
“Việt Nam vẫn tiếp tục vi phạm những nhân quyền cơ bản, từ phân biệt đối xử, bắt và giam giữ tùy tiện, vi phạm các đảm bảo về xét xử công bằng, đến hạn chế quyền tự do tôn giáo, tự do quan điểm và biểu đạt, tự do lập hội,” báo cáo viết.
Hôm 12/7, trang Công an Nhân dân (CAND) của Bộ Công an Việt Nam có bài xã luận cho rằng những nội dung trong báo cáo của Mạng lưới Nhân quyền Việt Nam “phản ánh sai lệch, thiếu khách quan, xuyên tạc thực tế về vấn đề nhân quyền và can thiệp vào công việc nội bộ Việt Nam…”.
Cơ quan ngôn luận của Bộ Công an cho rằng ở Việt Nam không có cái gọi là “tù nhân lương tâm” mà chỉ có “những công dân vi phạm pháp luật Việt Nam bị bắt giữ, truy tố và xét xử”; và rằng “các đối tượng bị bắt giữ, xử lý do vi phạm pháp luật Việt Nam, được điều tra, xét xử theo đúng quy định Bộ luật Tố tụng Hình sự.”
VOA (13.07.2021)