Seite auswählen
  • Luật sư Ngô Ngọc Trai
  • Gửi tới BBC từ Hà Nội

Vietnam

GETTY IMAGES

Ý kiến nói VN cần mạnh dạn sáp nhập tỉnh để loại bỏ quan chức địa phương yếu kém và tinh giản bộ máy đang thiếu ngân quỹ vì dịch Covid.

Mới đây thông tin từ Bộ Nội vụ VN cho biết cơ quan này đang tiến hành xây dựng đề án sáp nhập các đơn vị hành chính cấp tỉnh.

Theo tính toán, những tỉnh miền núi vùng cao diện tích dưới 8.000km2, dân số dưới 900.000 người, những tỉnh còn lại có diện tích dưới 5.000km2 dân số dưới 1,4 triệu người sẽ thuộc diện sáp nhập trong thời gian tới.

Theo thông tin báo chí nhà nước đưa hôm 17/7 thì dự kiến đề án sẽ được Bộ nội vụ trình lên Chính phủ, sau đó trong quý 4 năm 2021 Chính phủ sẽ trình Bộ Chính trị, Ban Chấp hành trung ương xem xét thông qua đề án này.

 

Nhưng sau khi thông tin việc sáp nhập tỉnh được đưa ra đã vấp phải một số ý kiến phản đối ví như của Tiến sĩ Nguyễn Xuân Diện và Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Chu đã bày tỏ quan điểm trên các trang Facebook cá nhân.

Bản thân tôi qua theo dõi hầu như không thấy ai chia sẻ thông tin với một thái độ hưởng ứng đồng tình.

Hôm 17/7 tôi đăng hai ý kiến gần như đồng thời trên Facebook, một về thông tin nước Mỹ cam kết tặng thêm cho Việt Nam 3 triệu liều vaccine và một thông tin về việc sáp nhập đơn vị hành chính cấp tỉnh.

Sau hai ngày sự tương tác nhận được rất khác nhau, số đông người bày tỏ sự quan tâm tới ý kiến về vaccine với hơn 350 lượt like, trong khi vấn đề còn lại nhận được rất ít sự quan tâm chỉ với hơn 20 lượt like.

Với xu hướng quan tâm ít ỏi như vậy lại cộng thêm việc có những ý kiến chỉ trích đề án sáp nhập, thành ra hôm 19/7 Bộ nội vụ đã tổ chức họp báo như một sự phân bua đáp lại những ý kiến chỉ trích.

Theo đó cho biết đề án này mới đang chỉ trong giai đoạn xin ý kiến, việc sáp nhập ngoài các yếu tố về diện tích và dân cư thì còn phải nghiên cứu tính thêm các yếu tố về quốc phòng và đặc tính văn hóa các vùng miền.

Bộ cũng cho biết chưa đề xuất cụ thể sẽ sáp nhập những tỉnh nào và sẽ trình đề án lên Chính phủ ở vào thời điểm thích hợp mà chưa ấn định thời điểm cụ thể.

Tôi thấy quả là đáng tiếc, một đề án cải cách tích cực bộ máy nhà nước lại không nhận được sự quan tâm thúc đẩy cần có của dư luận.

Và ngay cả những người thiết lập xây dựng đề án cũng thiếu tự tin vào công việc mình làm.

Vì sao cần sáp nhập?

Như tôi thấy thì vấn đề của bộ máy nhà nước và xã hội lâu nay đang dư thừa năng lực quản lý.

Không phải là thiếu mà chính sự quản lý quá kỹ lưỡng đã dẫn đến sự can thiệp chi li vào đời sống từ đó hạn chế sức vận động sáng tạo trong dân chúng.

Hãy hình dung một người có ý định bán buôn món hàng nào đấy ở góc phố nhưng sẽ nhanh chóng gặp đủ những thành phần ra hỏi điều kiện giấy phép lý do này nọ sẽ khiến người ta nản lòng mà từ bỏ.

Dẫu vậy các vấn đề vẫn cần sự quản lý, nhưng cách thức thì cần thay đổi. Khi xưa thì cần con người sử dụng tai mắt để giám sát việc làm, nhưng nay có thể ban hành luật pháp để người dân tự tuân thủ và thực hiện các biện pháp hậu kiểm.

Đó là sự tiến bộ theo nhận thức bộ máy hành chính là nhằm để phục vụ chứ không phải để quản lý kiểm soát dân chúng.

Những việc cũ mà báo chí đã phản ánh như có ông nông dân làm ra máy bay không được thử nghiệm bay, làm ra tàu ngầm không được thử nghiệm vận hành, cho thấy sự quản lý quá kỹ đã ảnh hưởng tới tư duy sáng tạo và năng lực phát triển thế nào.

Cho nên việc sáp nhập những tỉnh nhỏ nằm trong tổng thể chiến lược thu hẹp phạm vi bộ máy nhà nước, nếu thực sự có một đường hướng như vậy, thì đó là đường hướng đúng đắn vì mục tiêu thúc đẩy phát triển.

Mặt khác việc sáp nhập còn tạo khả năng nâng tầm năng lực lãnh đạo điều hành cho cấp địa phương

Lâu nay như tôi thấy thì hệ thống chính trị nhà nước ở Việt Nam có một thực tế là chính quyền ở trung ương cấp tiến hơn địa phương.

Sự cấp tiến đó là ở chỗ tinh thần cởi mở hơn, dân chủ hơn do chịu nhiều giám sát hơn, ý thức được các vấn đề khó khăn của quốc gia cũng như những quy luật vận động phát triển tất yếu hơn.

Trung ương thường có tiếp xúc với ngoại giao nước ngoài, thông qua hội thảo và thảo luận kiến thức được mở rộng hơn, cho nên hiểu việc hơn.

Và một lý do nữa là trung ương hơn cũng do bởi tập hợp chọn lọc được những người xuất sắc ở các địa phương đưa về.

Hiện nay nhiều địa phương cấp tỉnh tự dựng ra những rào cản ngăn sông cấm chợ do dịch bệnh covid gây ảnh hưởng lưu thông hàng hóa.

Hoặc như vị cán bộ phường ở Khánh Hòa nói ‘bánh mỳ không phải lương thực thiết yếu’ khi xử phạt người đi đường.

Đó đều cho thấy vấn đề ở năng lực lãnh đạo điều hành ở địa phương.

Nếu sáp nhập nhiều tỉnh lại làm một, sẽ chỉ có một Hội đồng nhân dân tỉnh và một Ủy ban nhân dân tỉnh thay vì nhiều thiết chế như cũ, khi đó sẽ chọn được một số ít những người giỏi nhất trong một số đông cá nhân ưu tú.

Và giả sử như cả nước sáp nhập lại chỉ còn 30 tỉnh, khi đó sẽ thuận lợi trong việc tập trung thúc đẩy tinh thần pháp quyền, tôn trọng các quyền tự do dân chủ của công dân.

Khi chất lượng năng lực phẩm chất được nâng lên thì đó sẽ là tiền đề tốt hơn cho phát triển.

Cần mạnh dạn làm ngay

Theo như được biết thì văn kiện Đại hội Đảng Cộng sản vừa rồi đã thay thế từ Quản Lý Nhà Nước bằng từ Quản Trị Quốc Gia.

Theo đó như tôi hiểu thì công tác quản lý được yêu cầu nhắm đến tính hiệu quả, không chỉ là hiệu quả trong mục tiêu công việc cần quản lý mà còn là hiệu quả ở bình diện chi phí kinh tế nữa.

Đề án sáp nhập tỉnh như thế sẽ phù hợp với tinh thần mới này.

Từ lâu nay hệ thống bộ máy nhà nước được cho là áp dụng theo mô hình Xô Viết khi xưa với hai bộ máy đảng và nhà nước song hành với nhau.

Ví như một lĩnh vực như giáo dục phim ảnh hay báo chí sẽ do cả hai cơ quan là Sở Thông tin Truyền thông và Ban Tuyên giáo tỉnh quản lý.

Đứng trước thực tế hai hệ thống vận hành theo hàng dọc như vậy thì điều hợp lý cần làm là sáp nhập đơn vị hành chính theo hàng ngang, giúp tiệm cận đạt đến tính hiệu quả trong chi phí kinh tế.

Có ý kiến cho rằng sáp nhập chắc gì đã giúp tinh giản biên chế và tiết kiệm được chi phí trả lương mà sẽ chỉ dồn cục vào một chỗ mà thôi.

Điều lo ngại này là đúng. Song cũng nên nhìn nhận đó là vấn đề kỹ thuật thuộc về cách làm chứ điều đó không bác bỏ được việc sáp nhập như là một chính sách hợp lý đúng đắn.

Về mặt cơ học có thể khẳng định chắc chắn có việc giảm biên chế. Ví như chỉ có một Hội đồng nhân dân thay vì 2 hay 3 Hội đồng nhân dân thì rõ ràng là giảm biên chế rồi.

Cũng có những ý kiến khác cho rằng hiện nay đang bị dịch nên tập trung cho việc đó, thay vì làm xáo trộn tâm tư ảnh hưởng đến chống dịch.

Tôi thì cho rằng việc lãnh đạo điều hành đất nước cần có sự trù tính tương lai.

Hãy hình dung sau khi dịch Covid được khống chế, xã hội hoạt động trở lại bình thường, thì khi đó đất nước như vừa trải qua một cơn nghịch cảnh.

Điều hợp lý nhất cần xuất hiện khi đó là phải có một đề án cải cách sâu rộng mạnh mẽ theo hướng tiến bộ để thực hiện, để tạo động lực tinh thần vực dậy vừa tạo sự phù hợp với hoàn cảnh thực tế.

Dịch Covid chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến nguồn thu ngân sách trả lương, nếu sau dịch cơ thể kinh tế ốm yếu mà vẫn duy trì việc chi tiêu như cũ thì đó không phải là điều nên duy trì.

Cho nên thời điểm dịch dã như thế này chính là lý do thích hợp để đẩy mạnh quyết tâm sáp nhập đơn vị hành chính./.

Bộ Nội vụ chỉ nhìn thấy chuột nhắt, không thấy con voi?

 

Mạc Văn Trang

22-7-2021

Chuyện Bộ Nội vụ đưa ra phương án sáp nhập 10 tỉnh diện tích nhỏ, dân số ít, đã khiến dư luận xôn xao. Nhiều người đã phản biện, chê trách.

Tôi muốn nói thêm một vài khía cạnh.

1. Mục đích của việc sáp nhập là gì?

Đó là để giảm bớt bộ máy cồng kềnh, ngày càng phình to, bớt các quan chức, nhân viên ăn lương, quỹ lương không chịu đựng nổi (Số người hưởng lương ngân sách ở Việt Nam, nếu tính theo tỉ lệ dân cư, còn cao hơn cả Trung Quốc, cao hơn nhiều nước phát triển).

Mục đích đó được Bộ Nội vụ nói rõ sau đây: “Theo Bộ Nội vụ, qua việc thực hiện chủ trương sắp xếp, sáp nhập cấp huyện, cấp xã trong giai đoạn 2019 – 2021, các địa phương trên cả nước đã giảm được 8 đơn vị hành chính cấp huyện, 561 đơn vị hành chính cấp xã”…

“Sau sắp xếp, sáp nhập ĐVHC cấp huyện, số cán bộ, công chức cấp huyện dôi dư ra 589 người, cấp xã dôi dư ra 8.488 người. Bên cạnh đó, số người hoạt động không chuyên trách hưởng lương ở cấp xã sau sáp nhập dôi dư 7.723 người”…

“Báo cáo của 45 địa phương gửi về Bộ Nội vụ cho thấy sau khi thực hiện sắp xếp, sáp nhập các ĐVHC cấp huyện, cấp xã, các địa phương đã giảm chi ngân sách khoảng 1.360 tỉ đồng, trong đó giảm chi tiền lương, phụ cấp 1.011 tỉ đồng, giảm chi hoạt động 311 tỉ đồng, giảm chi khác hơn 40 tỉ đồng”…

Chủ trương này rất tốt, cứ làm tiếp đi!

Nhưng từ đó Bộ Nội vụ tiến tới sáp nhật các tỉnh “không đạt chuẩn” về diện tích và dân số, lại là một sai lầm như nhiều người đã phê phán.

“Về chủ trương sáp nhập các tỉnh, theo Bộ Nội vụ sẽ thí điểm sắp xếp các tỉnh chưa đạt 50% một trong hai tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên và quy mô dân số theo quy định. Trước mắt, sẽ thí điểm sáp nhập một số tỉnh có diện tích tự nhiên nhỏ, mật độ dân số đông, có khó khăn về quỹ đất dành cho không gian phát triển”.

2. Để tinh gọn bộ máy, giảm biên chế, có giải pháp tối ưu, sao không làm?

Đó là giảm các đầu mối cơ quan ở trung ương và các tỉnh; giảm biên chế các cơ quan trung ương và các tỉnh. “Thời đại 4.0”, chính phủ điện tử thì cần gì nhiều người, càng tinh gọn hợp lý, càng hiệu quả. Có đầy đủ cơ sở lý luận, có thực tế của các nước văn minh đã, đang làm, sao không biết bắt chước?

2.1. Giảm đầu mối và biên chế của “toàn hệ thống chính trị” đi.

Không dân nào chịu nỗi mãi “ba tầng cai trị” là Đảng, Chính quyền và các Đoàn thể đều ăn lương vào tiền thuế của dân rồi cai quản dân, “dạy dỗ” dân, thu tiền của dân… quanh năm suốt tháng.

– Hiện Đảng CSVN có 1 Văn phòng và 7 Ban. Mỗi Ban của Đảng có 1 Trưởng ban, 4-5 Phó ban tương đương với Bộ trưởng và các Thứ trưởng. Dưới Ban có các Vụ…Rồi hệ thống của Đảng đến Tỉnh, Thành, quận/huyện cũng vậy.

– Hệ thống Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ, Công đoàn, Hội Nông dân, Mặt trận Tổ quốc .. .đều như cơ quan ngang Bộ, có các Ban như bên Đảng, có Viện nghiên cứu, Học viên đào tạo … Hệ thống đoàn, hội này đến Tỉnh/Thành, huyện, xã/phường.

Các hội, đoàn này “ăn tàn, phá hại” cũng khủng khiếp lắm, vi dụ, riêng sử dụng xe ô tô công mà Tổng Liên đoàn lao động VN hiện sử dụng vượt mức quy định 167 xe công

Ở các nước dân chủ, văn minh, ngân sách nhà nước không phải chi cho các tổ chức nói trên, đã có bao nhiêu tiền để chi cho Y tế, Giáo dục, trợ cấp xã hội, mua vaccine phòng Covid-19 mà không cần xin dân, xin khắp nơi…

Vậy sao Bộ Nội vụ không dám đề xuất giảm đầu mối, giảm biên chế, giảm chi tiêu của các tổ chức trên cho dân nhẹ gánh, mà nhăm nhe nhập mấy tỉnh?

2.2. Sao không nhập các Bộ và giảm biên chế trong hệ thống hành chính?

Hiện có 22 bộ, có thể thành 16 bộ được không? Sao không nhập Tổng cục dạy nghề vào Bộ Giáo dục- đào tạo? Nhập các Bộ thì chả ảnh hưởng, xáo trộn gì đến dân như kiểu tách nhập tỉnh, huyện, xã.

Chính phủ hiện có 5 Phó thủ tướng, giảm đi 3, còn 2 như các nước được không?

Các Bộ hiện có từ 4 đến 6 Thứ trưởng, bớt đi chỉ còn 1 đến 2 như các nước văn minh được không? Bớt 1 Thứ trưởng là bớt đi phòng riêng, xe riêng, nhà công vụ, thư ký riêng, bớt đi nhiều chuyến dẫn đoàn đi công tác nước ngoài; bớt đi nhiều cuộc họp vô ích, bớt đi nhiều chỉ thị thừa, nhất là bớt đi một ông quan thì dân bớt khổ.

Bộ máy Trung ương giảm đi tối đa thì bộ máy hành chính 63 tỉnh/thành, 705 quận/huyện, 10.599 cấp xã/phường cũng giảm theo. Tinh gọn bộ máy đến mức tối thiểu (cũng là tối ưu, trong thời đại 4.0) thì bớt được biết bao nhiêu loại cán bộ “ăn của dân không chừa thứ gì”, không những thế còn làm khổ dân như Phó Chủ tịch phường “bánh mì” Trần Lê Hữu Thọ ở Nha Trang.

3. Bớt các tướng lĩnh và giảm biên chế ngành Công an được không?

Hiện Bộ Quốc phòng có 489 tướng, Bộ Công an có hơn 200 tướng. Nghe nói Việt Nam nhiều tướng quân đội và công an nhất thế giới?

Riêng nhiệm kỳ của Chủ tịch Trần Đại Quang – Nguyễn Phú Trọng đã thăng 574 cấp tướng: “(Thanh tra) – Trong nhiệm kỳ 5 năm (2016-2021), Chủ tịch nước đã ký quyết định thăng quân hàm và cấp bậc hàm cấp tướng đối với 400 sĩ quan Quân đội nhân dân và 174 sĩ quan Công an nhân dân”…

Bớt đi vài trăm tướng, chỉ còn tối thiểu như thời Việt Nam DCCH được không? Thời đó ít tướng, sao quân đội Việt Nam hùng mạnh thế? Còn bây giờ nhiều tướng để làm gì? Thêm 1 tướng là thêm lương cao, quyền lớn, kẻ hầu người hạ, thêm đội quân cho tướng chỉ huy …gây biết bao tốn kém và phiền nhiễu?

Nhiều tướng, rồi tướng quan liệu, tham nhũng, đi tù hàng loạt, càng mất uy tín của lực lượng vũ trang, mà dân thêm xấu hổ!

Công an Việt Nam hẳn biên chế dôi dư nhiều, nên khi có sự kiện gì “nhạy cảm” là 3-4 công an đến canh gác mỗi “đối tượng nhạy cảm” ở thành phố Hà Nội, Hồ Chí Minh… Đại hội diễn ra 5 ngày thì canh cả 5 ngày; Phiên tòa “nhạy cảm” diễn ra 3 ngày là canh cả 3 ngày. Không biết trên thế giới có nước nào thừa công an để làm như vậy không? Bớt đi! Bớt được nhiều lắm, đỡ tốn cơm dân và đỡ làm xấu mặt thêm cho ngành công an, trước mắt nhân dân..

TÓM LẠI, Giảm đầu mối và biên chế như trình bày ở trên, sẽ hiệu quả gấp trăm, ngàn lần sáp nhập 10 tỉnh, mà dân rất vui mừng, hoan nghênh, xã hội không những không bị xáo trộn mà còn quang đãng, thông thoáng, sạch sẽ hơn.

Với mục đích tinh gọn bộ máy và giảm bớt biên chế ăn lương nhà nước mà Bộ Nội vụ đề xuất nhập 10 tỉnh thì chỉ nhìn thấy “con chuột nhắt” mà không nhìn thấy bộ máy cai trị cồng kềnh như “con voi” to lù lù trước mắt!

Không đề xuất được phương án xử lý “con voi” bộ máy quốc gia thì Bộ Nội vụ còn tồn tại làm gì?

Tiếng Dân