Seite auswählen

Lưu Hiểu Ba – Khác biệt giữa nhân và phi nhân

Khai Phóng

Phạm Thị Hoài, lược dịch

Trước Sự kiện Thiên An Môn, Lưu Hiểu Ba là một học giả trẻ, vừa nhận bằng tiến sĩ tại Đại học Sư phạm Bắc Kinh, nổi tiếng là tự tin, đầy tinh thần phê phán, thẳng thắn và không hiếm khi cực đoan, được mệnh danh là một “hắc mã” trên văn đàn Trung Quốc và được nhiều cơ quan nghiên cứu ở nước ngoài chào đón.

Cuộc phỏng vấn với tạp chí Khai Phóng ngày 27.11.1988, khi ông vừa thỉnh giảng tại Na Uy trở về và ghé qua Hong Kong vài ngày để sau đó sang Mỹ theo lời mời của Đại học Hawaii, đã trở thành nguồn tham khảo và trích dẫn quan trọng cho cả giới nghiên cứu về Lưu Hiểu Ba lẫn phía lên án và kết án ông. Sau đây là tóm lược từ một số câu trả lời của ông.

_____

Về hệ thống giáo dục ở Trung Quốc

Tôi không nhìn vào mảnh bằng mà nhìn vào con người cụ thể, vì học vị không nói lên điều gì; 95% người tốt nghiệp đại học, 97% thạc sĩ và 98-99% tiến sĩ là đồ bỏ. Nhưng điều tôi quan tâm không phải là chuyện học vị, mà là hệ thống giáo dục ở Trung Quốc, cả trong quá khứ lẫn hiện tại. Kỹ năng và quy trình biến con người thành nô lệ của hệ thống đó đã đạt tới đỉnh cao và thuần thục nhất thế giới. Bản thân tôi từ tiểu học lên đến đại học như bị ép chặt vào một thanh nẹp, lớn lên như một thân cây, tuy có dài ra thật nhưng cành lá bị tuốt sạch.

Về giới nghiên cứu Trung Quốc ở nước ngoài

Quỹ nghiên cứu thuộc Đại học Oslo đã mời 5 vị khách Trung Quốc thỉnh giảng, lần lượt là tôi, nhà thơ Bắc Đảo, đạo diễn Trần Khải Ca, nhà văn Vạn Chi và nghệ sĩ Mễ Khâu. Tôi thấy 98% giới Hán học ở Bắc Âu cũng là đồ bỏ, chất lượng nghiên cứu cực kỳ kém, nhiều người nịnh bợ Bắc Kinh và tâng bốc những thần tượng được Trung Quốc đề cao. Quan hệ của họ với Bắc Kinh rất thực dụng, họ không phải là những học giả thực sự.

Tôi chỉ coi trọng Pierre Ryckmans (Simon Leys) ở Úc và John K. Fairbank ở Mỹ, đó là những người thực sự quan tâm tới các vấn đề Trung Quốc mà vẫn giữ được khoảng cách và sự tỉnh táo với chính quyền. Nhiều nhà Hán học ở Đức, Thụy Điển và Bắc Âu không hiểu cả văn hóa của chính họ lẫn văn hóa Trung Quốc. Cả trình độ tiếng Trung lẫn năng lực của các giáo sư Khoa Đông Á ở Đại học Oslo đều lệch lạc. Tôi đã bảo họ rằng các vị ở đây nghiên cứu văn học Trung Quốc đương đại cũng ở mức như chúng tôi ở Trung Quốc nghiên cứu văn học Việt Nam hay văn học Triều Tiên mà thôi, và họ không vui vì tôi là người Trung Quốc đầu tiên được họ mời mà lại phát ngôn thiếu lịch sự như vậy.

Về nền văn minh Trung Hoa nhân tranh cãi xung quanh bộ phim truyền hình Hà Thương
Theo tôi, đối kháng chỉ có thể hình thành giữa hai thứ tương đồng về sức mạnh nhưng bất đồng về phương hướng, trong khi nền văn minh Trung Hoa đã lỗi thời, không có gì để đối đầu với phương Tây, cho nên quan niệm về đối kháng với phương Tây chỉ cho thấy lòng tự phụ thâm căn cố đế của dân tộc Trung Quốc. Điều cần thiết bây giờ là thừa nhận sự lạc hậu và thất bại của mình, học lại từ đầu và chân thành học hỏi người khác.

Nhưng ý thức tiềm ẩn trong cả bộ phim Hà Thương là đề xuất việc Tây phương hóa Trung Quốc, song trong tương lai lại muốn Trung Quốc Hán hóa thế giới. Quan niệm của người Trung Quốc là khi phương Tây mạnh thì Trung Quốc làm nô lệ, và đến lượt mình, khi mạnh lên thì Trung Quốc sẽ muốn đè đầu phương Tây làm nô lệ, theo phương châm học sức mạnh của bọn man di để chế ngự bọn man di.

Trung Quốc chửi kẻ khác là đế quốc, nhưng chính mình mới thực là đế quốc nhất. Người Trung Quốc có thể thừa nhận rằng về vật chất thì mình lạc hậu, máy móc không bằng người, quần áo không bằng người, nhưng về tinh thần thì chẳng thua kém ai hết, còn đạo đức thì đứng đầu thế giới luôn. Tôi cũng không thích lời bình và giọng điệu trong phim này, vì đó là ngôn ngữ cứu thế, sở trường của Mao Trạch Đông, thứ ngôn ngữ đã ảnh hưởng mạnh đến lý luận và tiểu thuyết Trung Quốc đương đại.

Về trí thức Trung Quốc

Tính hai mặt ở trí thức Trung Quốc rất mạnh, vì học thuật cũng có giá trị thực dụng, trở thành học giả là có thể gặt hái nhiều lợi ích thiết thực. Kẻ sĩ có được chỗ đứng trong xã hội bằng hai cách. Cách thứ nhất là nhập thế, trở thành thành viên của bộ máy quan liêu và hưởng thụ những lợi ích thực tế. Cách thứ hai là danh hậu đắc lợi, kiếm danh trước để thu lời sau. Chư Cát Lượng bày trò “tam cố mao lư” với kẻ cầm quyền để lưu danh tiếng, ẩn là để hiện, thoái là để tiến, xuất thế là để nhập thế.

Tôi tuyệt đối không tin rằng sự lạc hậu của Trung Quốc là do một số vị hôn quân nào đó gây nên, mà trước hết do tất cả mọi người, vì hệ thống do con người tạo ra. Mọi tấn bi kịch Trung Quốc đều do chính người Trung Quốc tự biên, tự diễn, tự dàn dựng và tự hân hoan thưởng thức. Vì vậy đừng đổ lỗi cho ai khác. Trí thức không nên đóng vai nạn nhân, một mình Mao Trạch Đông thì không thể làm nên cả cuộc Cách mạng Văn hóa. Người Trung Quốc rất thiếu sáng tạo. Phương Tây có những triết gia duy nghiệm, triết gia tư biện, triết gia tôn giáo, triết gia phi lý và học giả luận lý kiệt xuất. Trung Quốc chẳng có gì ngoài một đống hổ lốn lừa chẳng ra lừa, ngựa chẳng ra ngựa.

Về Khổng tử và phương Tây

Khổng tử tầm thường, Mạnh tử trí tuệ hơn, chỉ có Trang tử là thiên tài. Từ quan điểm triết học, Khổng tử chẳng là gì cả, Khổng giáo là một học thuyết nhập thế, lấy phục vụ chính trị làm mục đích. Nhà Hán đã biến nó thành công cụ thống trị và lẽ ra sinh mệnh của nó phải kết thúc ở nhà Hán, nhưng thật kỳ quái, bao nhiêu năm rồi mà nó vẫn tồn tại. Nhưng đối diện với thế giới hiện đại thì nó thực sự đã chết. Một số người ở phương Tây thích Khổng tử. Không có gì lạ cả, vì đó là một xã hội đa nguyên.

Nhưng trong một xã hội nhất nguyên thì cả những thứ tốt đẹp nhất cũng thành vô dụng. Nếu Trung Quốc là một chính thể đa nguyên, ai muốn tin vào Marx, vào đạo Cơ-đốc hay vào Khổng tử xin cứ việc, tôi chẳng có gì phản đối. Nhưng ở Trung Quốc hiện nay, tin vào Marx là đồng nghĩa với tin vào một hình thái tư tưởng độc tài, vì chủ nghĩa Marx ở Trung Quốc là công cụ của giai cấp thống trị; nó là một cái gậy, không có chút ý nghĩa lý luận nào.

Có những người đem thành tựu kinh tế của bốn con rồng châu Á để chứng minh giá trị của Nho giáo. Thật vớ vẩn và thậm chí vong ân bội nghĩa! Đài Loan, Hàn quốc và Singapore đều được Hoa Kỳ hỗ trợ, Nhật Bản cũng vậy. Không có sự ràng buộc về nhân quyền theo quan điểm của Mỹ thì có lẽ những nước đó chẳng có gì hết. Sự xấu xí của phương Đông là ở đó, phương Đông đang đứng trước vấn đề giải phóng con người. Trung Quốc là một cỗ máy chính trị, Nhật Bản là một cỗ máy kinh tế, trong đó mỗi cá nhân chỉ là một con ốc vít. Các vấn đề nhân quyền ở Đài Loan và Nhật Bản vẫn chưa được giải quyết. Hương Cảng đã giải quyết các vấn đề nhân quyền ở cấp độ của phương Tây hiện đại, nhưng chưa giải quyết các vấn đề của tự do ở cấp độ hiện đại.

Không có gì phải bàn cãi, hiện đại hóa là chân lý tối cao, nó bao hàm: sở hữu tư nhân, chính trị dân chủ, tự do ngôn luận và thượng tôn pháp luật. Tây phương hóa triệt để là nhân bản hóa và hiện đại hóa. Lựa chọn Tây phương hóa là để sống một cuộc sống của con người. Khác biệt giữa Tây phương hóa và duy trì hệ thống của Trung Quốc là sự khác biệt giữa nhân và phi nhân. Nói cách khác, nếu muốn sống một cuộc sống nhân bản thì phải triệt để Tây phương hóa, không có nhân nhượng và điều hòa gì hết.

Về văn học Trung Quốc Đại lục

Văn học Đại lục hiện nay không có gì hay cả. Không viết được, chứ không phải không được phép viết. Ảnh hưởng của văn học phương Tây chỉ hữu ích khi khơi dậy được sức sống nội tâm của các tác giả Trung Quốc. Như Lỗ Tấn, chịu nhiều ảnh hưởng ngoại quốc, song AQ chính truyện của ông tuyệt đối là của Trung Quốc. Hiện nay có một số tác giả sao chép cả quan niệm lẫn cấu trúc của văn học phương Tây, như Trạm xe điện của Cao Hành Kiện đã bệ nguyên kết cấu của Trong khi chờ Godot và được coi là “cách tân”. Kiểu thô tục cao cấp đó còn đáng sợ hơn bắt chước câu chữ. Văn học tìm về cội nguồn cũng sao chép những quái sự li kỳ của Trăm năm cô đơn, Trần Khải Ca và những người khác cũng lâm vào tình trạng này.

Về phần mình, tôi cũng phải nhặt nhạnh sự thông tuệ của người khác, nhưng học một cách thiết thực, vì tôi lớn lên trong một sa mạc văn hóa. Tôi phải cảm ơn Marx, vì Tuyển tập Karl Marx là cuốn sách duy nhất tôi được đọc thời Cách mạng Văn hóa. Marx đã cấp cho tôi rất nhiều chỉ dẫn về lịch sử triết học phương Tây và là cầu nối duy nhất với “thế giới” thời đó. Tôi đã đọc Toàn tập Karl Marx hơn 40 quyển và có thể trích dẫn thuộc lòng khá nhiều đoạn. Các tác phẩm thời kỳ đầu của Marx rất được.

Về chủ nghĩa Marx

Với tôi, chấn động duy nhất từ Marx là thái độ phê phán không thỏa hiệp. Phương pháp luận lịch sử của Marx cũng chứa đựng một đạo lý nhất định, nhưng nhiều thứ khác thì vớ vẩn, chẳng hạn sự phân tích cấu trúc xã hội phương Tây: kẻ bóc lột và người bị bóc lột, giai cấp tư sản và giai cấp công nhân, quá đơn giản để thấy được quan hệ tương hỗ, kiềm chế lẫn nhau giữa các giai tầng. Nói chính xác thì khái niệm giai cấp hiện không thể áp dụng ở phương Tây được nữa. Cách phân loại của Marx chỉ đúng với xã hội chuyên chế.

Chủ nghĩa cộng sản của Marx thực ra chỉ là một nhánh trong truyền thống của phương Tây, từ nhà nước lý tưởng của Plato qua thiên đường trong Kinh thánh, Utopia của More, Thái dương thành (Civitas Solis) của Campanella đến chủ nghĩa xã hội không tưởng của Pháp. Nhưng lý tưởng mác-xít khốn khiếp là ở chỗ nó thuyết giảng rằng ngay ngày mai nó sẽ thành hiện thực: chủ nghĩa tư bản đã chuẩn bị sẵn điều kiện vật chất tối hảo cho cuộc cách mạng dẫn đến chủ nghĩa cộng sản. Các lý tưởng của Marx xem ra thật rẻ mạt.

Về điều kiện cải tạo Trung Quốc

Trung Quốc hiện chưa thoát khỏi nền văn minh nông nghiệp và vẫn còn phải tu bổ khóa học về chủ nghĩa tư bản. Ngay cả khi một vài nhà cầm quyền có hạ quyết tâm thì Trung Quốc vẫn không có khả năng cải tạo về căn bản, vì đơn giản là thiếu nền móng. Điều kiện duy nhất để Trung Quốc thực sự đạt tới một chuyển đổi lịch sử là phải trải qua ba trăm năm chấp nhận làm thuộc địa. Hương Cảng được như ngày nay là nhờ cả trăm năm thuộc địa. Trung Quốc rộng lớn hơn nhiều, đương nhiên phải cần đến ba trăm năm. Nhưng liệu ba thế kỷ có đủ không? Tôi vẫn hoài nghi lắm. Song đáng tiếc là lịch sử không còn cho Trung Quốc một cơ hội như Hương Cảng nữa. Thời thuộc địa thực dân đã thuộc về quá khứ. Chẳng còn ai sẵn sàng nhận lấy cái gánh nặng là Trung Quốc.

Về Tổ quốc

Marx viết trong Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản: “Công nhân không có Tổ quốc. Người ta không thể cướp của họ cái mà họ không có.” Tôi không quan tâm đến những lời gió bay ái quốc hay phản quốc. Ai thích gọi tôi là đồ phản quốc thì tôi là đồ phản quốc, đồ bất hiếu quật mộ tổ tiên, và tôi lấy đó làm tự hào./.

Tiếng Dân

Lưu Hiểu Ba, Hiến chương 08 và con đường dân chủ hoá Trung Quốc

 

 

 

Trong vụ án của giáo sư Lưu Hiểu Ba (Liu Xiaobo), nhà đấu tranh dân chủ tại Trung Quốc và khôi nguyên giải Nobel Hòa bình năm 2010, bằng chứng dùng buộc tội ông âm mưu lật đổ chính quyền là một tài liệu ông chắp bút cùng một số người khác, có tên là Hiến chương 08 (Charter 08).

Bản Hiến chương này được công bố ngày 10/12/2008 – ngày kỉ niệm Tuyên ngôn Nhân quyền Quốc tế – với hơn 300 học giả, luật sư, nhà báo và nhiều nhân vật nổi tiếng khác tại Trung Quốc ký tên.

Phong trào Hiến chương 08 đã được hơn 12.000 người Trung Quốc ký tên ủng hộ, cũng như thu hút được hơn 100.000 chữ ký trên thế giới. Bản thân ông Lưu thì bị bắt vài tháng sau khi bản Hiến chương được công bố và bị tuyên án 11 năm tù.

Với sự đồng ý của tổ chức Human Rights for China – cơ quan được phép chuyển ngữ các bài viết của ông Lưu Hiểu Ba sang tiếng Anh – Luật Khoa tạp chí xin giới thiệu đến bạn đọc bản dịch toàn văn Hiến chương 08, lần đầu tiên được công bố bằng Anh ngữ vào ngày 9/4/2010.

 

Buổi thắp nến yêu cầu trả tự do cho Liu Xiaobo tại Hong Kong tháng 7/2017. Ảnh: Reuters/Bobby Yip

HIẾN CHƯƠNG 08

I. Phần mở đầu

Hiến pháp đầu tiên của Trung Quốc đã ra đời đúng 100 năm về trước; Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền cũng đã tròn 60 tuổi. Bức tường Dân chủ (Democracy Wall) đã dựng lên được 30 năm; 10 năm đã trôi qua từ khi chính phủ Trung Quốc ký Công ước Quốc tế về các quyền Dân sự và Chính trị.

Sau một thời kỳ dài sống cùng những thảm họa về nhân quyền, đối mặt với chúng bằng những cuộc đấu tranh cam go và khốn khổ, những người Trung Quốc nào đã thức tỉnh sẽ ngày càng có thêm nhận thức để khẳng định rằng, tự do, bình đằng, và nhân quyền chính là những giá trị phổ quát mà nhân loại chia sẻ; và rằng dân chủ cùng một nền cộng hòa lập hiến là những thiết chế căn bản của văn hoá chính trị hiện đại.

Những kẻ muốn tìm cách “hiện đại hóa” việc tước đoạt những giá trị phổ thông này và các cơ chế chính trị dân chủ căn bản sẽ dẫn đất nước tiếp tục đi trên một quy trình đầy thảm họa, vì nó ngăn cản người dân thực hiện các quyền tự do, làm mục rữa lòng nhân bản trong họ, và hủy diệt phẩm giá của mỗi người.

Trung Quốc trong thế kỷ 21 sẽ đi về đâu? Liệu Trung Quốc sẽ tiếp tục mô hình “hiện đại hóa” này trong một chế độ toàn trị, hay là chúng ta sẽ ủng hộ những giá trị chung của nhân loại, hòa vào dòng chảy của văn minh, và xây dựng một mô hình nhà nước dân chủ?

Đây là một việc mà chúng ta không thể né tránh và phải quyết định.

Những thay đổi mang tính cách lịch sử từ giữa thế kỷ 19 đã bóc trần những ung nhọt của xã hội phong kiến Trung Hoa, đánh dấu sự mở màn của những chuyển biến vĩ đại nhất mà chúng ta có thể nhìn thấy được tại đất nước này sau hàng nghìn năm.

Phong trào Tự cường (1861-1895) đã mang lại những tiến bộ cho năng lực kỹ thuật của chúng ta, qua việc học hỏi những phương pháp sản xuất, các kiến thức khoa học, và cả kỹ thuật quân sự từ phương Tây.

Sự kiện Trung Hoa thua trận trong trận chiến Thanh-Nhật (Sino-Japanese War 1894-1895) một lần nữa phơi bày tính lỗi thời của hệ thống phong kiến; cuộc Cải cách 100 ngày (Hundred Days’ Reform 1898) đã khai mở một không gian cách tân cho các thiết chế xã hội, cho dù nó đã kết thúc trong sự đàn áp tàn khốc của phe thủ cựu ở triều đình nhà Thanh.

Ngoài mặt, Cách mạng Tân Hợi (1911) chính là sự cáo chung của chế độ phong kiến kéo dài hơn 2.000 năm và mở đầu cho nền cộng hòa đầu tiên ở Đông Á. Thế nhưng, do những yếu tố đặc thù của những vấn nạn trong ngoài tại thời khắc đó của lịch sử mà thể chế cộng hòa non trẻ ấy đã nhanh chóng chấm dứt. Để rồi chế độ chuyên quyền đã trở lại cai trị Trung Hoa.

Sự thất bại trong việc mô phỏng các công nghệ và cải cách thể chế đã khiến cho rất nhiều người Trung Hoa khi ấy phải tự nhìn nhận lại một cách sâu sắc về cội nguồn của những căn bệnh xã hội trong văn hóa của chúng ta. Từ đó, chúng ta đã nhìn thấy được sự khởi xướng của những phong trào Ngũ tứ (May Fourth 1919) và Tân Văn hóa (New Culture 1915-1921) dưới lời kêu gọi “khoa học và dân chủ.”

Đáng tiếc là con đường dân chủ hóa ở Trung Hoa đã bị bóp chẹt một cách tàn bạo bởi cả những cuộc nội chiến lẫn các cuộc xâm lăng.

Quy trình thiết lập một nhà nước lập hiến đã bắt đầu được hình thành ngay sau khi Trung Hoa giành được chiến thắng trong cuộc chiến Trung-Nhật (1937-1945). Thế nhưng, kết quả của cuộc nội chiến giữa hai phe Quốc dân đảng và Cộng sản đã đẩy Trung Hoa xuống tận sâu đáy vực của một chế độ độc tài trong thời hiện đại.

Đất nước “Trung Quốc” thành lập vào năm 1949 tuy mang tiếng là “nền cộng hòa nhân dân”, nhưng trong thực tế đó là một mô hình “đảng trị”. Là nơi mà đảng cầm quyền được độc quyền về tất cả mọi mặt trong đời sống người dân: chính trị, kinh tế, và tài nguyên xã hội.

Mô hình nhà nước đó đã kéo đến một chuỗi dài những thảm họa về nhân quyền. Đó là cuộc Vận động Phản hữu (Anti-Rightist Campaign), Đại nhảy vọt (Great Leap Forward), Cách mạng Văn hoá, Thảm sát Thiên An Môn, các chiến dịch đàn áp không chính thức đối với các hoạt động tôn giáo và phong trào duy quyền, gây ra hàng chục triệu cái chết.

Người dân và đất nước này đã phải trả giá quá đắt.

Giai đoạn “Đổi mới và Mở cửa” của những thập kỷ cuối thế kỷ 20 đã kéo Trung Quốc thoát khỏi chế độ độc tài chuyên chế và sự nghèo đói dai dẳng, xuyên suốt thời đại Mao Trạch Đông, qua sự thay đổi rõ rệt về mức độ tài sản cá nhân, cũng như tiêu chuẩn đời sống của người dân.

Quyền tự do của nền kinh tế cá thể và các đặc quyền xã hội được trả về vị trí cũ, xã hội dân sự bắt đầu hình thành, và những lời kêu gọi về nhân quyền và tự do chính trị từ phía người dân cũng dần gia tăng.

Những người nắm giữ quyền lực, trong khi thực thi các chính sách cải cách kinh tế, thị trường và quyền tư hữu, cũng đã bắt đầu thay đổi thái độ đối với các quyền con người. Thay vì thẳng thừng từ chối chúng như trước đây, thì nay họ đã bắt đầu nhìn nhận các quyền này.

Trong hai năm 1997 và 1998, chính quyền Trung Quốc đã ký hai công ước quốc tế quan trọng về quyền con người. Năm 2004, Quốc hội Trung Quốc cũng đã sửa đổi Hiến pháp để đưa vào đó việc nhà nước “tôn trọng và đảm bảo quyền con người” của người dân. Và năm nay, chính quyền cũng đã hứa hẹn sẽ tiến hành thực hiện một “Chương trình hành động về Quyền con người” trên toàn quốc.

Tuy nhiên, cho đến thời điểm hiện tại, thái độ cấp tiến về chính trị này hầu như vẫn chỉ nằm trên giấy: luật về quyền con người thì có đấy, nhưng nhà nước pháp quyền thì vẫn chưa xuất hiện. Chúng ta có một bản Hiến pháp, nhưng không có một nhà nước lập hiến.

Đây vẫn là một thực trạng hiển nhiên về toàn cảnh nền chính trị của chúng ta.

Giai cấp lãnh đạo vẫn nhất quyết sử dụng sự toàn trị của họ để nắm giữ quyền lực, thẳng thừng từ chối mọi kiến nghị về thay đổi chính trị. Điều này đã dẫn đến sự tha hóa của nhà nước, để họ có thể mặc nhiên gây khó dễ cho việc xây dựng nhà nước pháp quyền, từ chối công nhận các giá trị nhân quyền, dẫn đến sự băng hoại đạo đức, phân cực xã hội, phát triển bất bình thường về mặt kinh tế, hủy diệt cả môi trường tự nhiên lẫn không gian văn hóa.

Chúng ta hiện nay không có một cơ chế nào có thể đảm bảo rằng người dân có thể hưởng được các quyền tự do, quyền tư hữu, và quyền được mưu cầu hạnh phúc. Tất cả những điều này dẫn đến sự tích lũy âm ỉ của đủ loại mâu thuẫn trong xã hội, khiến cho bạo lực ngày càng có xu hướng gia tăng.

Nói một cách chính xác, đó là sự đối kháng mãnh liệt giữa chính quyền và người dân, và chúng ta nhìn thấy điều đó qua những con số của các cuộc biểu tình lôi kéo được số đông tham gia.

Điều này cho thấy sự mất kiểm soát thê thảm từ phía chính quyền đang dần hình thành, và gợi ý với chúng ta rằng, tình trạng lạc hậu của thể chế hiện nay đang tiến đến một điểm mà sự thay đổi nhất định sẽ xảy ra.

II. Những khái niệm căn bản 

Tại thời điểm giao thoa mang tính quyết định cho tương lai và số phận của Trung Quốc, điều chúng ta cần làm là nhìn lại các nỗ lực của những quá trình hiện đại hóa đất nước hàng trăm năm vừa qua để tái khẳng định những khái niệm sau:

Tự do: Tự do là cốt lõi của những giá trị phổ quát. Các quyền tự do ngôn luận, xuất bản, quyền được có tự do tín ngưỡng, tụ tập, biểu tình, lập hội, đình công, tuần hành đều là những biểu hiện cụ thể của tự do. Nơi nào mà tự do không thể sinh sôi nảy nở thì nơi đó cũng không còn là một nền văn minh hiện đại đáng được nhắc đến.

Quyền con người: Quyền con người, hay nhân quyền không phải là thứ mà nhà nước có quyền ban tặng cho chúng ta. Mà đó là những quyền mà mỗi người sinh ra vốn đã nắm trong tay. Đảm bảo quyền con người của mỗi người dân vừa là mục tiêu quan trọng nhất của một thể chế, vừa là nền tảng của tính chính danh về quyền lực, giúp cho nhà nước có thể đại diện người dân. Điều này cũng là đòi hỏi căn bản của chính sách “đặt người dân trước hết.”

Những thảm họa chính trị tiếp nối nhau tại Trung Quốc đều có liên quan mật thiết đến việc đảng cầm quyền đã bỏ mặc việc thực thi nhân quyền của người dân.

Nhân dân mới là rường cột của nước nhà, chính quyền được lập ra là để phục vụ người dân, chính phủ chỉ có thể tồn tại khi nó hoạt động vì người dân.

Bình đẳng: Sự chính trực, phẩm giá, và tự do của mỗi cá nhân là bình đẳng như nhau, không màng địa vị xã hội, nghề nghiệp, giới tính, điều kiện kinh tế, sắc tộc, màu da, tín ngưỡng, hay quan điểm chính trị. Nguyên tắc về bình đẳng trước pháp luật cho mỗi một người, cũng như những nguyên tắc về bình đẳng xã hội, kinh tế, văn hóa, và quyền chính trị của tất cả công dân phải được thực thi.

Chủ nghĩa cộng hòa: Chủ nghĩa cộng hòa (Republicanism) là một hệ thống lãnh đạo đất nước cộng hưởng để hướng đến việc xã hội chung sống trong hòa bình. Đó là tam quyền phân lập, kiểm soát và cân bằng những nhóm lợi ích khác nhau trong xã hội. Đó là một cộng đồng với sự đa dạng về lợi ích, các nhóm xã hội, với văn hóa đa nguyên và đa tín ngưỡng, kiếm tìm một phương thức xử lý các chính sách công dựa trên nền tảng của sự cạnh tranh công bằng, thảo luận chung, và sự tham gia đầy đủ của mọi công dân.

Dân chủ: Có một định nghĩa rất căn bản: chủ quyền quốc gia thuộc về nhân dân và chính phủ là do người dân bầu ra. Một nền dân chủ thường có những đặc tính sau.

1) Tính chính danh của các quyền lực chính trị đến từ người dân; nguồn gốc của quyền lực chính trị chính là người dân. 2) Kiểm soát quyền lực chính trị được thực thi qua việc người dân sử dụng quyền được chọn lựa của mình. 3) Công dân phải được hưởng quyền bầu cử thật sự; tất cả các vị trí lãnh đạo nhà nước phải là sự lựa chọn của chính người dân và được tổ chức thường xuyên. 4) Tôn trọng ý kiến của phe đa số những vẫn phải bảo vệ quyền con người của các nhóm thiểu số.

Nói tóm lại, thể chế dân chủ chính là một phương tiện hiện đại và công khai để có thể tạo ra một chính phủ “của dân, do dân, và vì dân.”

Chủ nghĩa lập hiến: Chủ nghĩa lập hiến (Constitutionalism) là nguyên tắc để bảo đảm rằng, những quyền tự do căn bản của người dân được định nghĩa trong Hiến pháp phải được bảo vệ bởi các thiết chế luật pháp của một nhà nước pháp quyền. Việc này đồng nghĩa với việc phải kiểm soát và giới hạn quyền lực và hành vi của nhà nước, cũng như định ra các thiết chế hợp lý và rõ ràng để thực thi các điều này.

III. Những quan điểm cơ bản

Vậy nên, trong tinh thần trách nhiệm và xây dựng của những công dân, chúng tôi sẽ nói rõ các quan điểm của mình một cách chi tiết, đối với các vấn đề hành chính công, quyền lợi công dân, và phát triển xã hội tại Trung Quốc.

1. Sửa đổi Hiến pháp: Dựa trên những giá trị và khái niệm đã được trình bày ở trên, Hiến pháp phải được sửa đổi để xóa bỏ những điều khoản nào không tuân thủ với nguyên tắc chủ quyền nhân dân. Để từ đó, Hiến pháp sẽ thực sự trở thành một văn bản đảm bảo quyền con người và cho phép công dân thực hiện quyền của mình. Hiến pháp sẽ trở thành văn bản pháp luật quyền lực nhất mà không một cá nhân, tổ chức, hay đảng chính trị nào có thể vi phạm. Và Hiến pháp sẽ trở thành nền tảng của quyền lực pháp lý cho công cuộc dân chủ hóa ở Trung Quốc.

2. Phân bổ quyền lực, thực hiện kiểm soát và cân bằng: Tổ chức một mô hình chính phủ hiện đại với tam quyền phân lập để đảm bảo việc kiểm soát và cân bằng các nhánh lập pháp, tư pháp, và hành pháp. Thiết lập những nguyên tắc về các đạo luật hành pháp và chính phủ trách nhiệm nhằm tránh xảy ra việc bộ máy hành pháp trở nên quá kềnh càng. Chính phủ bị buộc chịu trách nhiệm với tiền thuế của người dân, thiết lập hệ thống kiểm soát và cân bằng quyền lực giữa địa phương và trung ương, quyền lực của chính quyền trung ương được định nghĩa rõ ràng tại Hiến pháp để các địa phương có được quyền tự chủ.

3. Tổ chức hệ thống lập pháp dân chủ: Các cơ quan lập pháp ở mọi cấp đều do người dân bầu trực tiếp, đảm bảo nguyên tắc công bằng và bình đẳng khi làm ra luật và thực thi một nền dân chủ lập pháp.

4. Tư pháp độc lập: Ngành tư pháp không phụ thuộc vào quan hệ đảng phái và hoàn toàn không bị ảnh hưởng bởi đảng chính trị, và là một hệ thống tư pháp độc lập nhằm đảm bảo công lý. Một tòa bảo hiến và một hệ thống chuyên phụ trách các vấn đề vi phạm Hiến pháp phải được thành lập để giữ vững quyền lực của Hiến pháp. Ngay lập tức xóa bỏ các uỷ ban chính trị và tư pháp các cấp của đảng Cộng sản vì chúng là mối hiểm họa của một nhà nước pháp quyền. Nghiêm cấm sử dụng các thiết chế công cho việc tư.

5. Những thiết chế công phải thuộc quyền sử dụng chung: Quân đội phải nằm dưới sự quản lý của chính phủ. Các quân nhân và tướng lĩnh chỉ trung thành với Hiến pháp và tổ quốc. Tất cả các đảng phái chính trị phải rút khỏi quân đội; nâng cao tính chuyên nghiệp của quân đội. Tất cả nhân viên chính phủ, kể cả công an, đều là những người nên giữ một lập trường chính trị trung dung. Bãi bỏ những quy định mang tính kỳ thị trong việc bổ nhiệm nhân viên nhà nước chỉ dành riêng cho đảng viên. Nhân viên chính phủ nên được bổ nhiệm với một tinh thần bình đẳng, không phân biệt đảng phái chính trị.

6. Đảm bảo quyền con người được thực thi: quyền con người phải thật sự được thực thi, bảo vệ nhân phẩm. Tổ chức Ủy ban Nhân quyền, nơi chịu trách nhiệm trước công chúng, ngăn chặn những hành vi lạm quyền và những hành vi vi phạm quyền con người từ phía chính phủ, và đặc biệt là phải đảm bảo được quyền tự do cá nhân của mỗi công dân. Không ai phải chịu cảnh bắt bớ và bỏ tù, bị triệu tập, thẩm vấn và nhận trừng phạt một cách trái pháp luật. Bãi bỏ chế độ học tập cải tạo.

7. Bầu cử cho các chức vụ nhà nước: Hoàn toàn thực thi một chế độ bầu cử dân chủ để người dân có thể thực sự thực hiện quyền bầu cử trực tiếp, “một người dân, một lá phiếu”. Dần thay đổi một cách có hệ thống đối với tất cả chức vụ lãnh đạo hành pháp, để họ là do nhân dân bỏ phiếu trực tiếp bầu ra. Các cuộc bầu cử đúng luật cho những chức vụ công , với sự cạnh tranh công bằng của các ứng cử viên cùng với việc người dân được tham gia là một phần không thể tách rời của các quyền con người căn bản.

8. Đảm bảo sự bình đẳng giữa nông thôn và thành thị: Bãi bỏ việc thực hiện hai giai cấp – thành thị và nông thôn – trong chế độ hộ khẩu hiện hành, để đảm bảo các quyền hiến định của mọi công dân trước pháp luật, trong đó có quyền tự do đi lại, cư trú.

9. Tự do lập hội: Đảm bảo mọi công dân đều có quyền lập hội. Thay đổi chế độ đăng ký hiện hành, bãi bỏ việc yêu cầu các tổ chức cần phải có sự chấp thuận của các đơn vị địa phương. Thay vào đó, việc đăng ký chỉ nên đơn giản là một hệ thống lưu trữ hồ sơ. Bãi bỏ các quy định kiểm soát đảng phái chính trị. Các hoạt động của các đảng phái chính trị chỉ cần tuân thủ theo Hiến pháp và pháp luật; bãi bỏ chế độ ưu tiên một đảng được độc quyền chính trị; thực hiện các nguyên tắc về tự do hoạt động đảng phái và tạo điều kiện cho các đảng phái được cạnh tranh công bằng; bình thường hóa và công nhận tính pháp lý của việc hoạt động đảng phái chính trị.

10. Tự do tụ tập: Các quyền tự do tụ tập, tuần hành, biểu tình, và thể hiện quan điểm là các quyền tự do căn bản của người dân dựa trên Hiến pháp. Vì vậy, khi người dân thực hiện các quyền này, họ không thể bị đàn áp bởi những hành vi vi hiến của đảng cầm quyền và nhà nước.

11. Quyền tự do biểu đạt: Công nhận các quyền tự do ngôn luận, tự do in ấn và xuất bản, cũng như tự do học thuật để đảm bảo công dân có quyền được biết và giám sát các hoạt động của chính phủ. Ban hành các điều luật mới để đảm bảo các quyền tự do báo chí, xuất bản; xoá bỏ các lệnh kiểm duyệt thông tin, bãi bỏ các điều luật “âm mưu lật đổ nhà nước” trong Bộ luật Hình sự và chấm dứt việc trừng phạt việc thực hành tự do ngôn luận như một tội hình sự.

12. Quyền tự do tôn giáo: Đảm bảo quyền tự do tôn giáo và tín ngưỡng, thực hiện việc phân rõ tôn giáo và chính phủ để các hoạt động tôn giáo và tín ngưỡng không phải chịu sự kiểm soát của nhà nước. Nghiên cứu và xóa bỏ tất cả các đạo luật hành pháp, quy định hành pháp và các điều luật địa phương liên quan đến việc kiểm soát và ngăn cản công dân thực hiện quyền tự do tín ngưỡng. Chấm dứt việc quản lý các hoạt động tôn giáo của nhánh hành pháp. Bãi bỏ chế độ quy định các tổ chức tôn giáo (và các nơi thờ phụng) phải xin phép và thay vào đó là một hệ thống lưu trữ thông tin.

13. Tổ chức việc giáo dục dân quyền: Bãi bỏ hệ thống giáo dục và thi cử dựa trên các chủ thuyết và lý tưởng của một đảng chính trị duy nhất. Tiến hành thực thi rộng rãi giáo dục dân quyền về các giá trị phổ quát và quyền tự do, để từ đó xây dựng một xã hội có nhận thức về dân quyền, đạo đức và tiến bộ.

14. Bảo vệ quyền tư hữu: Thiết lập một hệ thống dựa trên nền kinh tế tự do và cởi mở để bảo vệ quyền tư hữu của người dân, bằng cách bảo đảm tự do về quyền kinh doanh và dẹp bỏ các công ty độc quyền của nhà nước. Thay vào đó, thành lập một Ủy ban về Quản lý các Tài sản công của đất nước, chịu trách nhiệm trước công chúng. Thực hiện cải cách về quyền tư hữu một cách có hệ thống với các điều luật rõ ràng, hợp lý, thực hiện cải cách đất đai để thực sự công nhận quyền sở hữu đất của công dân, đặc biệt là đất nông nghiệp.

15. Cải cách công khố: Dân chủ hóa hệ thống tài chính công và đảm bảo quyền của người đóng thuế. Tiến hành thực hiện các khuôn mẫu và hệ thống của một hệ thống tài chính công với những định nghĩa rõ ràng về trách nhiệm và quyền lực của nó. Đồng thời, phải thiết lập một hệ thống hữu ích, hợp lý để phân bổ quyền lực tài chính giữa các cấp bậc khác nhau trong chính phủ.

Tiến hành cải cách hệ thống thuế một cách rộng lớn trên toàn quốc, nghiêm túc xem xét việc giảm mức thuế, đơn giản hóa hệ thống thuế và cân bằng nghĩa vụ và trách nhiệm giữa các bên. Các ban ngành chính phủ không thể tuỳ tiện tiến hành gia tăng mức thuế mà không bị trừng phạt bởi một quy trình công khai và dựa trên ý nguyện của người dân.

Thông qua những đề xuất cải cách quyền tư hữu để đa dạng hóa cũng như giới thiệu những cơ chế cạnh tranh vào thị trường, hạ chuẩn những quy định của lĩnh vực tài chính để tạo điều kiện phát triển cho các công ty tư nhân nhằm đẩy mạnh tối đa nguồn năng lượng của hệ thống tài chính.

16. An sinh xã hội: Thiết lập một hệ thống an sinh xã hội để đảm bảo tất cả công dân đều nhận các quyền lợi về giáo dục, chăm sóc y tế, việc làm, và hưu trí.

17. Bảo vệ môi trường: Bảo vệ môi trường sinh thái, cổ xúy phát triển bền vững, và chịu trách nhiệm trước các thế hệ tương lai và toàn nhân loại; làm rõ và đặt ra các quy chuẩn trách nhiệm của các cấp chính quyền nhà nước, đồng thời cổ x

úy việc tham gia và giám sát của các nhóm xã hội dân sự trong việc bảo vệ môi trường.

18. Cộng hòa liên bang: Nhận nhiệm vụ đảm bảo hòa bình và phát triển trong khu vực với một tinh thần bình đẳng và công bằng, tạo dựng một hình ảnh quyền lực nhưng có trách nhiệm qua việc bảo vệ các thể chế tự do ở Hong Kong và Macau.

Trong tinh thần tự do và dân chủ, tiến hành kế hoạch hòa giải giữa đại lục và Đài Loan qua những cuộc thương thảo công bằng và với sự hợp tác chặt chẽ. Tìm hiểu một cách khôn khéo tất cả những phương án và mô hình về các thiết chế có thể tạo ra được sự thịnh vượng chung cho mọi sắc tộc, để từ đó tiến đến việc xây dựng Cộng hòa liên bang Trung Quốc dựa trên khuôn mẫu của một nhà nước lập hiến và dân chủ.

19. Công lý chuyển tiếp: Phục hồi danh dự và tiến hành bồi thường cho cá nhân và gia đình của những người đã phải chịu sự bức hại vì quan điểm chính trị của mình trong những phong trào xã hội vừa qua; trả tự do cho tất cả các tù nhân chính trị và tù nhân lương tâm; trả tự do cho những ai bị bỏ tù vì niềm tin và lý tưởng; lập ra một Ủy ban Điều tra để tìm hiểu về sự thật của những sự kiện lịch sử, xác định những người phải chịu trách nhiệm, và giương cao công lý. Để từ đó, tìm kiếm sự hòa giải xã hội dựa trên nền tảng này.

IV. Kết luận

Trung Quốc, một nước lớn trên thế giới, là một trong năm thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an LHQ, và là một thành viên của Hội đồng Nhân quyền. Vì vậy, Trung Quốc cần phải đóng góp vào công cuộc thiết lập nền hòa bình cho nhân loại và tạo ra sự tiến bộ về nhân quyền.

Đáng tiếc, là trong tất cả các nước lớn nhất thế giới hiện nay, Trung Quốc là nước duy nhất vẫn muốn tiếp tục bám víu vào chủ nghĩa toàn trị. Và từ đó, trói buộc người dân vào một vòng nô lệ của những thảm họa về quyền con người và khủng hoảng xã hội, ngăn cản sự phát triển và cản trợ sự tiến bộ của văn minh nhân loại.

Tình trạng này cần phải thay đổi!

Chúng ta không thể chờ đợi công cuộc dân chủ hóa và cải cách chính trị thêm được nữa.

Vì vậy, trong tinh thần dân quyền, dám nói dám làm, chúng tôi công bố Hiến chương 08.

Chúng tôi hy vọng rằng những người dân Trung Quốc nào chia sẻ cùng một nỗi lo về tình hình đất nước, cảm nhận được trách nhiệm và sứ mạng của chúng ta, bất kể là quan chức chính phủ hay một người dân thường và từ mọi giai cấp xã hội, sẽ bỏ qua những khác biệt và tìm kiếm điểm chung để đến với nhau.

Rồi từ đó, chúng ta có thể cùng xây dựng một phong trào công dân hành động, cổ xúy những sự thay đổi to lớn cho xã hội Trung Quốc để nhanh chóng xây dựng một nhà nước lập hiến tự do và dân chủ.

Điều này cũng chính là những khát vọng và mơ ước mà thế hệ cha ông chúng ta đã không ngừng theo đuổi trong hơn 100 năm qua.

Luật Khoa

Ghi chú: Bài viết này đã có sửa đổi sau lần đăng đầu tiên vào ngày 7/7/2017, và “Hiến chương số 8” đã được sửa thành “Hiến chương 08”. Tên gọi của Hiến chương 08 trong tiếng Trung là Linh bát Hiến chương (零八宪章) vì đã được công bố vào năm 2008. Luật Khoa tạp chí và người dịch xin chân thành cảm ơn độc giả Ivan Nhieukhekov.