Seite auswählen

Mai Bá Kiếm

30-7-2021

Tiền đề của Chỉ thị 16 đặt ra: “Gia đình cách ly với gia đình, thôn bản cách ly với thôn bản, xã cách ly với xã, huyện cách ly với huyện, tỉnh cách ly với tỉnh…”

CƠ THỂ CHẾT – XÃ HỘI ĐỨNG HÌNH:

Người ta ví “mỗi gia đình là một tế bào của xã hội”. Từ đó suy ra, mỗi xã hội là một cơ thể! Nếu cơ thể sinh học bị tổn thương, áp dụng Chỉ thị 16: tế bào cách ly tế bào, mô cách ly mô, thực quản cách ly bao tử, bao tử cách ly ruột non, ruột non cách ly ruột già, tim cách ly phổi, phổi cách ly gan, gan cách ly thận, thận cách ly bọng đái…

Cơ thể áp dụng Chỉ thị 16 đột tử! Xã hội áp dụng Chỉ thị 16 “đứng hình”. Để không đứng hình, Chỉ thị 16 cho phép mỗi gia đình được “nhúc nhích” khi đi mua lương thực, thực phẩm, dược phẩm và hàng hóa, dịch vụ thiết yếu khác; khám chữa bệnh.

Không được mua đồ ăn như: bánh mì, phở, hủ tiếu… dù take away hay home delivery, chỉ được mua thịt, cá, củ khoai, trái bí… nhưng con người không phải là cọp và khỉ, nên phải nấu chín!

Muốn nấu phải mua: bếp, nồi, gas, dầu hôi, than, củi… thì bị phạt! Do “tinh trùng cách ly buồng trứng”, người vợ chưa ca bài “bặt kinh kỳ” phải mua băng vệ sinh cũng bị phạt!

Quận cách ly quận, nên Gò Vấp gây ùn tắt giao thông tại các cửa ngõ. Chợ cấm bán, chính quyền chấp nhận shipper.

Chỉ nhân viên y tế, cán bộ quận, phường, xã, ấp, tổ được phát “thẻ đi lại” để làm cầu nối giữa “thôn cách ly thôn…”, nhưng các cầu nối này không phải robot để có “miễn dịch 100%”.

Khi Gò Vấp bị phong tỏa, chỉ có cấp trưởng phòng trở lên được tiêm một mũi, nhưng tất cả công, viên chức quận phường đều đeo “thẻ chống dịch” đi lại khắp nơi, tiếp xúc nhiều F0, tức ra trận với tay không!

SO SÁNH KHÔNG CÙNG ĐẠI LƯỢNG:

Các lãnh đạo thích hô hào “chống dịch như chống giăc”, mà không hiểu đó cách so sánh “không cùng đại lượng”, nói theo dân gian là “so gà với vịt”.

Lính chống giặc được trang bị vũ khí, áo giáp và được tiếp viện. Khi một người lính bị thương, chỉ cần hai đồng đội khiêng lui về tuyến sau, giao cho quân y, rồi trở lại tuyến trước chiến đấu.

Trong mặt trận chống dịch, nhân viên y tế tuy có vũ khí (được tiêm vaccine) nhưng vẫn bị thương (bị nhiễm), thì cả ê kíp làm chung nhân viên F0 sẽ bị cách ly, ngừng chống dịch tối thiểu 14 ngày!

Trong chống dịch, một người lính bị thương cả trung đội không ra trận, thì quân ngũ đâu mà bổ sung cho kịp? Vì vậy, dịch chết ba, ta chết sạch! BV Bạch mai và BV bệnh Nhiệt đới TP.HCM là điển hình thất thủ!

Nhưng, khốn nạn nhất là đưa những người lính tay không (từ phó phòng ở quận trở xuống chưa tiêm chủng) ra trận! Cán bộ xã, phường, khu phố, tổ dân phố đã không có vũ khí, không mặc giáp (quần áo bảo hộ y tế) chỉ có khẩu trang mà đi chống dịch thì khác gì thí quân?

Quân số phường nào cũng hao hụt, quận cho tất cả nhân viên trong các phòng ban tiếp viện quân cho các phường!

Hiện nay, các bệnh viện đã hết giường trống và hết cổng ra oxy nên từ chối nhận cấp cứu bệnh cúm Vũ Hán và các loại bệnh khác! Ác đạn nhất là quy định phương tiện vào BV phải là xe cứu thương, trong khi BV nào cũng có 5, 7 tài xế thành F0. Bởi vậy, tôi rất kính phục anh Đoàn Ngọc Hải khi dũng cảm lái xe cấp cứu “ngoài luồng” giúp bệnh nhân!

Tiền đề “gia đình cách ly gia đình” sai từ đầu nên dẫn đến thảm họa như ngày nay! Nhân viên y tế, cán bộ phường xã, dân quận tự vệ đã kiệt sức rồi, đừng ngoa ngôn “chống dịch như chống giặc”./.