Seite auswählen

Tại cuộc họp cấp cao của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc về an ninh hàng hải diễn ra ngày 9/8, Mỹ và Trung cộng đã xảy ra xung đột về hoạt động của Bắc Kinh ở Biển Đông. Cuộc họp cũng tập trung vào các vụ tấn công tàu ở Vịnh Ba Tư, cướp biển ở Vịnh Guinea, buôn bán ma túy và người ở Địa Trung Hải Đại Tây Dương.

(Ảnh minh họa: hectorgalarza / Pixabay)

Mỹ, Ấn Độ, Nga phối hợp để đạt được đồng thuận về an ninh hàng hải

Tổng hợp thông tin từ các kênh truyền thông ngày 10/8, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi, trong tháng này giữ chức Chủ tịch Hội đồng Bảo an và chủ trì cuộc họp trực tuyến này. Ông cảnh báo, là di sản chung của tất cả các quốc gia và nhân dân, các đại dương trên thế giới đang phải đối mặt với nhiều mối đe dọa khác nhau. Ông chỉ ra rằng nạn cướp biển và khủng bố, một số quốc gia đã dựng lên các rào cản thương mại.

 

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã phản ứng trước những tuyên bố ngày càng cứng rắn của Bắc Kinh đối với một bộ phận khu vực Biển Đông, mặc dù phán quyết của Tòa án Công lý Quốc tế cách đây 5 năm đã bác bỏ các tuyên bố của Bắc Kinh. Ông Blinken cảnh báo rằng xung đột ở đó hoặc ở bất cứ khu vực biển nào đều “gây ra những hậu quả nghiêm trọng trên toàn cầu đối với an ninh và thương mại. Ở Biển Đông, chúng ta đã nhìn thấy cảnh ngộ nguy hiểm của tàu thuyền trên biển, và những hành động khiêu khích nhằm thúc đẩy các yêu sách hàng hải phi pháp.”

 

Ông Blinken nhấn mạnh rằng Mỹ và tất cả các quốc gia khác “có nghĩa vụ và trách nhiệm hơn trong việc bảo vệ các quy tắc mà tất cả chúng ta đồng ý tuân thủ, đồng thời giải quyết các tranh chấp trên biển một cách hòa bình.”

 

Ông Blinken nói với Hội đồng Bảo an rằng khi các hoạt động hàng hải bất hợp pháp của bất kỳ quốc gia nào không phải gánh chịu bất kỳ hậu quả nào, nó sẽ “làm gia tăng hiện tượng có tội mà không bị trừng phạt và sự bất ổn ở khắp mọi nơi”.

 

Ông Modi kêu gọi loại bỏ các rào cản thương mại hàng hải hợp pháp đe dọa nền kinh tế thế giới, giải quyết hòa bình các tranh chấp hàng hải, nỗ lực chung để chống lại các mối đe dọa hàng hải như bão, sóng thần, ô nhiễm, cướp biển và đánh bắt quá mức.

 

Tổng thống Nga Vladimir Putin đã tham dự cuộc họp của Hội đồng Bảo an và đưa ra lời kêu gọi rất hiếm hoi về việc “sử dụng không gian hàng hải một cách hòa bình và có trách nhiệm”. Ông cũng nói, với tư cách là một nước lớn về hàng hải, Nga “đang làm rất nhiều việc theo luật pháp quốc tế để duy trì và tăng cường an ninh trên biển”.

 

Ông Putin nói: “Mục tiêu của chúng tôi là giúp đảm bảo an toàn cho khu vực Vịnh Ba Tư, Vịnh Guinea và Đại Tây Dương, nơi chúng tôi đang nhìn thấy có ngày càng nhiều vụ cướp và bắt con tin trên biển. Tình trạng này ngày càng trở nên nghiêm trọng vì một số quốc gia không thể một mình chống lại các nhóm tội phạm xuyên quốc gia, cướp biển và khủng bố.”

 

“Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển” được công nhận

Thu hoạch lớn nhất của cuộc tranh luận công khai về an toàn hàng hải này là Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) ngày 10/12/1982 đã được Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc công nhận. Do Ấn Độ là Chủ tịch Hội đồng Bảo an, trước khi đạt được đồng thuận về tuyên bố chủ tịch của Hội đồng Bảo an, các quốc gia thành viên đã tiến hành đàm phán và thảo luận qua lại trong vài tuần.

 

Đảng Cộng sản Trung Hoa (ĐCSTH) có truyền thống phản đối “Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển” cũng bị buộc phải đồng ý rằng Công ước là một khuôn khổ pháp lý thích hợp áp dụng cho các hoạt động hàng hải.

 

Ấn Độ chọn phương pháp tiếp cận có trách nhiệm, vừa có thể đạt được sự đồng thuận, đồng thời bắt đầu khởi xướng thảo luận giữa tất cả các quốc gia thành viên của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc trước vài tháng. Trong bài phát biểu của mình, Đại sứ TS Tirumurti, Chủ tịch Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc, nói rằng: “Hội đồng Bảo an tái khẳng định rằng luật pháp quốc tế được phản ánh trong Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển ngày 10/12/1982, đã quy định khuôn khổ pháp lý áp dụng cho các hoạt động hàng hải. Bao gồm cả việc chống lại các hoạt động bất hợp pháp trên biển.”

 

Đây là “khuôn khổ lập pháp” của Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển, lần đầu tiên nó được công nhận và chấp nhận trong bối cảnh an ninh hàng hải. Trước đó, nó đã được công nhận về vấn đề cướp biển ở Libya và Somalia, nhưng về phương diện an ninh hàng hải lại chưa được công nhận.

 

Đại biểu thường trú của Trung cộng vắng mặt thảo luận công khai

Mọi người liên tiếp đồn đoán về việc Đại sứ trường trú tại Liên Hiệp Quốc của Trung cộng là Trương Quân vì sao lại không tham dự thảo luận công khai. Một vị quan chức cho biết, nguyên nhân ông Trương Huy vắng mặt là do ông ấy phải trở về Bắc Kinh, để tiến hành bàn bạc về việc tổ chức hội nghị Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc (UNGA). Vị quan chức này bổ sung thêm, do việc đi lại tại Trung cộng cần tiến hành kiểm dịch nên ông Trương Quân không thể xuất hiện tại cuộc thảo luận công khai.

 

Tuy nhiên Phó đại diện Trung cộng thường trú tại Liên Hiệp Quốc là Đới Tân cũng đã đại diện Trung cộng tham gia cuộc thảo luận công khai về an ninh hàng hải này. 

 

Thắng lợi ngoại giao của Ấn Độ

Một nguyên nhân khác khi coi việc thừa nhận rằng “Công ước về Luật Biển” là một thành tựu ngoại giao to lớn của Ấn Độ, bởi vì bởi đây là cuộc thảo luận độc lập đầu tiên về “an ninh hàng hải” trong lịch sử của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc.

 

Các quốc gia thành viên khác của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc cố gắng thúc đẩy cuộc thảo luận về an ninh hàng hải, nhưng nó luôn bị đình trệ, nguyên nhân chủ yếu là do sự cản trở của Trung cộng (ĐCSTQ. Trước đó, Việt Nam (vào tháng 4/2021), và Guinea Xích đạo (tháng 2/2019) đã cố gắng tiến hành các cuộc thảo luận toàn diện, nhưng không thành công.

 

Đối với Ấn Độ, một khía cạnh quan trọng khác là cho phép nhấn mạnh vấn đề “chống khủng bố”. Trong tình huống này, họ còn phân phát một bản thuyết minh bao hàm khái niệm khuôn khổ. Công tác chuẩn bị diễn ra suôn sẻ, buộc Bắc Kinh phải miễn cưỡng chấp nhận “Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển” làm khuôn khổ pháp lý thích hợp áp dụng cho các hoạt động hàng hải, bao gồm chống các hoạt động hàng hải bất hợp pháp.

 

 “Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển” là gì?

Theo tuyên bố của Chủ tịch Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc, “’Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển’ là khuôn khổ pháp lý áp dụng cho các hoạt động hàng hải, bao gồm chống các hoạt động hàng hải bất hợp pháp.”

 

 

Khuôn khổ này nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tăng cường hợp tác quốc tế và khu vực để ứng phó với các mối đe dọa an ninh và an toàn hàng hải. Ngoài ra, “Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển” nhấn mạnh đến sự tương trợ tư pháp và các hình thức hợp tác thực thi pháp luật khác, bao gồm các thỏa thuận hoặc bố trí song phương hoặc khu vực, nhằm chống tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia trên biển. Khuôn khổ này cũng tìm cách tăng cường hợp tác trong an ninh và an toàn hàng hải, bao gồm chống cướp biển, cướp có vũ trang, khủng bố, buôn bán người và ma túy.

 

Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển thúc đẩy hơn nữa việc vận chuyển an toàn và có đảm bảo, đồng thời đảm bảo quyền tự do hàng hải phù hợp với luật pháp quốc tế hiện hành.

 

Thành Dung, Vision Times

Trí Thức VN (11.08.2021)

 

***

 

Bài đọc thêm:

 

Tại Hội Đồng Bảo An, Mỹ tố cáo Trung cộng bắt nạt nước khác ở Biển Đông

(Ảnh minh họa) – Khu trục hạm Mỹ USS Barry (DDG 52) đi qua eo biển Đài Loan để tiến vào Biển Đông ngày 21/11/2020. © USS Barry (DDG 52) – Seaman Molly Crawford

Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc lần đầu tiên vào hôm qua, 09/08/2021, đã tổ chức qua phương tiện video hội nghị một cuộc họp chính thức cấp cao riêng biệt về chủ đề an ninh biển. Ngay tại diễn đàn Hội Đồng Bảo An, Hoa Kỳ đã tố cáo các “hành động bắt nạt” tại Biển Đông, một lời tố cáo rõ ràng là nhắm vào Trung cộng.

Đại diện Bắc Kinh đã lập tức phản bác gay gắt, cáo buộc Mỹ là kẻ gây rối. 

Theo ghi nhận của hãng tin Anh Reuters, phát biểu trong cuộc họp, ngoại trưởng Antony Bliken, đại diện cho Hoa Kỳ, đã chỉ trích các hành vi mà ông gọi là “bắt nạt” nước khác tại Biển Đông, cảnh báo rằng một cuộc xung đột tại khu vực đó “sẽ gây ra những hậu quả nghiêm trọng trên toàn cầu đối với an ninh và thương mại”.

 

Gợi lại quan điểm chính thức của Hoa Kỳ, xem yêu sách của Trung cộng tại Biển Đông là những đòi hỏi không phù hợp với luật pháp quốc tế, ngoại trưởng Mỹ nhấn mạnh : 

“Khi một quốc gia nào đó không phải đối mặt với các hậu quả khi phớt lờ các quy định hàng hải, thì điều đó sẽ làm tăng tình trạng không bị trừng phạt và bất ổn ở mọi nơi”.

 

Theo ông Blinken, tại vùng Biển Đông đã xẩy ra nhiều vụ va chạm nguy hiểm giữa tàu bè trên biển và đã có các hành động khiêu khích nhằm thúc đẩy các yêu sách hàng hải phi pháp. 

Ngoại trưởng Mỹ nhấn mạnh thái độ quan ngại của Hoa Kỳ trước các hành vi “hù dọa và bắt nạt các nước khác trong việc tiếp cận các nguồn tài nguyên biển của mình một cách hợp pháp”.

 

Phát biểu sau ngoại trưởng Mỹ, phó đại sứ Trung cộng tại Liên Hiệp Quốc là ông Đới Binh (Dai Bing) đã không ngần ngại lớn tiếng cáo buộc Hoa Kỳ là “mối đe dọa lớn nhất đối với hòa bình và ổn định ở Biển Đông”, là nước đã “tự ý đưa tàu và máy bay quân sự hiện đại tiến vào Biển Đông như một hành động khiêu khích và công khai gây hiềm khích giữa các nước trong khu vực.” 

Không chỉ thế, nhà ngoại giao Trung cộng còn cho rằng Mỹ không có bất kỳ “uy tín” nào để nói về các vấn đề hàng hải vì không phải là thành viên của UNCLOS, tức là Công Ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển.

 

Cuộc họp của Hội Đồng Bảo An Liên Hiêp Quốc hôm qua về an ninh biển có sự tham dự của 15 thành viên hiện thời của Hội Đồng Bảo An, bao gồm 5 ủy viên thường trực (Anh, Pháp, Mỹ, Nga và Trung cộng) và 10 ủy viên không thường trực, trong đó có Việt Nam và Ấn Độ, nước là chủ tịch luân phiên trong tháng 8. Trong hội nghị hôm qua, đích thân thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đã khai mạc cuộc họp, đặc biệt có sự tham gia của tổng thống Nga Vladimir Putin và thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính.

 

Biển Đông: Trung cộng bị đẩy vào thế thủ tại cuộc họp của Hội Đồng Bảo An

(Ảnh minh họa) – Các tàu của Trung cộng tập trung tại khu vực Đá Ba Đầu, Biển Đông. Ảnh chụp ngày 27/03/2021. via REUTERS – PHILIPPINE COAST GUARD

 

Trung cộng và Hoa Kỳ vẫn thường xuyên chỉ trích lẫn nhau trên vấn đề Biển Đông tại các cuộc họp song phương hay trên các diễn đàn khu vực và quốc tế. 

Cuộc họp đầu tiên của Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc về hồ sơ an ninh biển ngày hôm qua, 09/08/2021 cũng không ra ngoài thông lệ, với một cuộc khẩu chiến gay gắt giữa hai bên. 

Điểm đáng chú ý là phản ứng cực kỳ thô bạo của đại diện Trung cộng trước những đòn tấn công của Mỹ, dấu hiệu cho thấy Bắc Kinh bị đẩy vào thế thủ.

 

Phải nói là những lời tố cáo của Mỹ – thông qua phát biểu của ngoại trưởng Antony Blinken đối với các hành động của Trung cộng tại Biển Đông – không có gì mới: Vẫn là những hành vi hù dọa, bắt nạt của Trung cộng nhắm vào các láng giềng, không cho họ khai thác các tài nguyên biển mà các nước này được quyền hưởng theo luật lệ quốc tế, hoặc là những yêu sách chủ quyền biển bị Tòa Trọng Tài Thường Trực La Haye phán quyết là “không có cơ sở pháp lý”.

 

Chính tính chất “phi pháp” của các hành động này đã được ngoại trưởng Mỹ nhấn mạnh khi ông nhắc lại rằng việc bảo vệ các quy tắc, luật lệ trên biển là trách nhiệm của tất cả các quốc gia, chứ không chỉ của các nước có yêu sách đối với vùng biển đảo ở Biển Đông. Điều cần chú ý là ngoại trưởng Mỹ không hề nêu đích danh Trung cộng trong phát biểu của mình.

 

Trái lại, phản ứng của đại diện Trung cộng rất thô bạo. Phó đại sứ Trung cộng bên cạnh Liên Hiệp Quốc, Đới Binh, đã nêu đích danh Mỹ và cáo buộc Washington về những hành động mà Bắc Kinh cho là tự ý điều tàu thuyền và máy bay vào Biển Đông để “khiêu khích và công khai gây hiềm khích giữa các nước trong khu vực”.

 

Trưởng đoàn Trung cộng tại cuộc họp còn nêu bật việc Mỹ chưa phê chuẩn Công Ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển, dựa vào đó cho rằng Washington không có tư cách nói về vấn đề biển, đồng thời nói rằng Hội Đồng Bảo An không phải là nơi để bàn về Biển Đông, qua đó chỉ trích Mỹ là đã nêu bật hồ sơ này trong cuộc họp.

 

Bị Mỹ chỉ trích vì không tuân thủ phán quyết của Tòa Trọng Tài Thường Trực về Biển Đông, ông Đới Binh đã phải lặp lại quan điểm cố hữu của Bắc Kinh là bác bỏ phán quyết này, cho dù đó là của một định chế trong khuôn khổ Công Ước UNCLOS mà Trung cộng luôn khẳng định là họ tôn trọng. Chính trên vấn đề UNCLOS này mà Trung cộng đã cho thấy là họ bị lâm vào thế bị thủ trong cuộc hop hôm qua.

 

Theo tiết lộ của nhật báo Ấn Độ Hindustan Times ngày hôm nay, 10/08, theo thông lệ, sau khi hội nghị về an ninh biển kết thúc, một bản tuyên bố của chủ tịch Hội Đồng Bảo An phải được nhất trí thông qua.

 

Tuy nhiên, vào hôm qua, công việc này đã bị trì hoãn đến phút cuối vì Trung cộng chống lại những từ ngữ liên quan đến Công Ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển. Các nhà đàm phán Ấn Độ đã phải nỗ lực tìm ra cách nói sao cho tất cả các thành viên chấp nhận được mà không bỏ qua phần nhắc đến UNCLOS, điều mà toàn bộ bốn thành viên thường trực còn lại của Hội Đồng Bảo An nhất quyết duy trì.

 

Theo Hindustan Times, bản tuyên bố của chủ tịch Hội Đồng Bảo An như vậy đã nhấn mạnh đến tính ưu việt của luật pháp quốc tế, lưu ý rằng UNCLOS là khuôn khổ pháp lý cho mọi hoạt động trên đại dương, bao gồm cả việc chống lại các hoạt động bất hợp pháp trên biển.

 

Tờ báo Ấn Độ cho rằng tuyên bố về an ninh hàng hải, trong đó đoạn ám chỉ đến các hành động gây hấn của Trung cộng ở Biển Đông bằng cách kêu gọi bảo đảm quyền tự do hàng hải phù hợp với luật pháp quốc tế, đã được Hội Đồng Bảo An thông qua bất chấp việc Trung cộng tìm cách gây khó khăn.

RFI (10.08.2021)