Seite auswählen

„Từ ATM gạo, ATM bánh mì đến ATM oxy, “nhóm mai táng 0 đồng” và SOS Map…đều là sáng kiến của người dân giúp nhau từ lúc dịch Covid xuất hiện ở Sài Gòn hồi tháng 3/2020. “Toàn dân giúp nhau” là chuyện đang diễn ra hằng ngày ở Saigon.“

Song May

Sài Gòn sẽ tiếp tục phong tỏa đến hết ngày 15/9 do số ca nhiễm còn cao, ca cần điều trị và tử vong còn nhiều – trung bình 241 ca tử vong một ngày. Thông tin này trên báo sáng 13/8 không còn làm ai ngạc nhiên, nhưng sức chịu đựng của dân Sài Gòn quả là vô địch.

Chụp lại hình ảnh, Sài Gòn – hình chụp trước giai đoạn dịch Covid-19

Dân vẫn thiếu nguồn cung thực phẩm và ra đường phải tránh cả những “vùng xanh”

Đúng một tháng sau ngày Saigon phong tỏa, hôm 9/8 tôi nhận được kính che giọt bắn đặt ở Tiki từ hơn 2 tuần trước. Kênh bán hàng điện tử này mọi lần đặt hôm trước, hôm sau giao, giờ thì cứ đặt nhưng không biết chừng nào nhận được. Cái quy định bắt shipper phải xét nghiệm thường xuyên, rồi còn vô số điều kiện khác…như không được ship liên quận, gây khốn khổ cho người giao hàng, khiến nhiều người phải bỏ việc. Bạn tôi than mua một con gà trong quận giá 100.000 đồng, tiền ship hết 50.000 đồng. Tiền ship đội lên gấp 2 gấp 3 bình thường, khiến người nội trợ nào cũng phải cân nhắc.

Ngược lại, người cần gửi gấp một món hàng có khi không tìm được shipper. Hôm thứ Năm, ngày phong tỏa thứ 35, người bạn của tôi ở Thủ Đức lùng kiếm khắp nơi mới mua được một hộp sữa bột dành cho người tiểu đường để gửi tặng cho cha một đứa em ở quận 8 đang bị bệnh nặng thì gọi khắp nơi hơn 3 tiếng đồng hồ mới có người chịu nhận hàng, lý do chỉ vì đơn hàng giao liên quận. Khi shipper giao đến nơi thì…cha của đứa em vừa qua đời!

Gần nhà tôi, siêu thị to nhất khu vực bị F0 phải đóng cửa, ba cái chợ chung quanh vẫn đóng. Thử ra khu vực có cái chợ gần nhà, tôi mừng húm vì nhà làm tàu hũ mở cửa. Đứng trên lề đường, cách nhau 2 mét, từng người gọi vào đặt hàng. Một người bán hàng vừa giao tàu hũ cho tôi vừa hối: “Chị lấy tiền lẻ sẵn đi để khỏi thối mất thời gian, công an đi ngang đuổi không cho bán, nhục như con chó chị ơi”. Nhìn lại, mấy cửa hàng gần đó bán rau và bán thịt bò vẫn he hé cửa, nhanh chóng lấy hàng cho người mua với lời giục giã. Có vẻ như tình hình “mua lén, bán chui” chả có gì thay đổi sau hơn một tháng, trừ một phụ nữ cả gan bày một đống rau muống tơ hơ trước một hàng hiên. Lúc tôi đến, bà ấy vừa dọn rau vừa chửi vì có một đại diện chính quyền vừa đi ngang kêu bà phải dẹp không được bán. Những câu bà chửi nghe rất tục, thể hiện sự giận dữ, thế mà khi tôi hỏi mua rau, bà liền xuống giọng ngọt ngào: 20 ngàn một bó, em lấy mấy bó? Một bó rau muống to và mơn mởn toàn đọt non chỉ có 20.000 đồng, sao không để yên cho người ta bán trời ơi?

Ngày thứ 36 Saigon bị phong tỏa, tôi gặp bà tổ trưởng đi về nhà xách một bọc đựng 1 nhát cá chẽm và 1 bọc đựng 10 cái trứng gà ta, bên trên có mấy cọng ngò. Bà than: Thực phẩm giờ là vàng, mua có nhiêu đây mà hết 180.000 đồng, hỏi ở trong nhà có làm được từng ấy tiền không, lấy tiền đâu ăn? Tôi hỏi chị mua ở đâu? Bà tổ trưởng nói: Cái bà bán hủ tiếu đầu hẻm đó, giờ siêu thị đóng, chợ không mở, bà đó mua thêm thực phẩm để bán.

Chụp lại hình ảnh,Người Sài Gòn nhớ da diết những ngày thành phố sáng đèn tươi vui

Có thực phẩm bán là khỏe

Ừm, đúng là giờ ai ở Saigon có thực phẩm bán là khỏe ru, vì người mua không trả giá, không chọn lựa, nhìn thấy gì là mua nấy. Hôm rồi, ra kêu gạo, tôi thấy bà chủ mời mua thịt heo và thịt gà. Có người hỏi mua vài lạng tỏi, bà ta nói: Không bán vài lạng, mua ít nhất nửa ký mới bán! Cái thời ra chợ tha hồ mua vài củ tỏi, vài củ hành, 1 lạng thịt, còn mua rau luôn được đính kèm thêm gia vị….giờ xa lắc rồi.

Ngày thứ 36 Saigon bị phong tỏa, lần thứ 4 tôi mua được bánh mì. Một người bạn mua được bánh mì từ một người bán rong lạc vào xóm đã ghi lại số điện thoại chuyển cho tôi. Anh chàng bán bánh mì đã bỏ sẵn 10 ổ to vào bọc, giá 10 ổ 50.000 đồng, vẫn như trước. Tôi hỏi lò bánh mì ở đâu, anh chàng bảo gần một cái chợ cách nơi tôi ở khoảng 5 cây số. Cứ trưa trưa anh chàng lấy bánh bỏ vào giỏ đi bán rong trong khoảng 10 cây số nhưng không dám rao hàng, gặp ai là rề xe lại hỏi. Có lần anh chàng qua một chốt bị phạt 2 triệu đồng vì “tội” dám chạy sang quận khác để bán rong.

Chụp lại hình ảnh,Sài Gòn – hình tư liệu

Ba lần trước tôi mua được bánh mì khi đang đi trên đường. Lần đầu tiên là từ một cậu bé đi xe đạp điện. Lần thứ hai và thứ ba từ hai cô gái đi xe gắn máy. Bốn lần mua gặp 4 người bán khác nhau, nhưng giỏ bánh mì của họ giống nhau thế: một cái sọt to phủ bạt gai lên trên để giữ bánh còn nóng. Không có ai trong số họ dám rao hàng, cứ âm thầm hỏi, âm thầm bán cho lẹ rồi chạy đi. Cái thời gì thật khốn khổ, đã không nhìn thấy rõ mặt nhau, không được giao tiếp, mà còn không được tự do mua bán.

 

Khó khăn nếu đồ hư

Không chỉ vậy, giờ nhà ai bị hư máy lạnh, hư tủ lạnh, hư vòi nước – máy bơm nước…cũng đành chịu nếu người thợ sửa quen không ở cùng phường, cùng quận, vì “sửa chữa” không nằm trong danh mục “thiết yếu”!

Sau hơn 1 tháng phong tỏa, Saigon càng thêm chật chội vì chỗ nào cũng dây đỏ giăng ngang, phải tránh ra tìm đường khác. Lúc mới phong tỏa, đó là dấu chỉ nơi đó có F0 phải tránh xa thì trong khoảng hơn 10 ngày nay, những sợi dây đỏ giăng ngang trước một con hẻm nào đó lại là…”vùng xanh cần được bảo vệ, cấm người lạ ra vô”. Có vẻ như ai đó đang “ngây thơ” tưởng rằng con virus chủng Delta này sợ những sợi dây đỏ và không dám chui qua “vùng xanh”!

 

Một bác sĩ, bạn của tôi, cảm thán: “Những cái dây giăng và hàng rào gọi là xanh này cản trở cấp cứu khẩn cấp, xui xẻo cho ai có nhà trong đó cần nhập viện!”.

 

Toàn dân giúp nhau

Khốn khổ nhất trong những ngày này là gia đình có thân nhân bị bệnh, bất cứ bệnh gì. Nhìn thấy nhu cầu, bác sĩ Phan Xuân Trung (Medic) đã thành lập group “Giúp nhau mùa dịch”, với ý định tập họp các bác sĩ, y tá tư vấn qua mạng. Ý tưởng của ông Trung đã biến thành phong trào và hiện có cả 100 group mang tên tương tự trên Facebook (nhiều group trong số đó thêm tên địa phương như Sài Gòn, Bình Dương, Hà Nội…). Mỗi một ngày, group “Giúp nhau” của BS Trung tràn ngập thông tin kêu cứu. Phổ biến nhất là tìm xe cấp cứu; tìm bệnh viện chịu nhận bệnh nhân; tìm người thân thất lạc trong các khu cách ly và bệnh viện dã chiến; tìm nơi đổi bình oxy; xin toa thuốc chữa F0 cách ly tại nhà; xin toa thuốc chữa nhiều bệnh khác. Đau lòng nhất là có những status viết xong lời kêu cứu tìm xe cấp cứu cho mẹ cho cha thì vài tiếng sau cập nhật là bệnh nhân đã qua đời tại nhà. Ám ảnh nhất là những status tìm người thân thất lạc – vì đã đi cách ly tập trung nhưng sau đó chuyển đi cấp cứu mà không kịp mang theo giấy tờ, điện thoại. Một thế giới đầy sự hoảng loạn mà đôi khi tôi đành phải lướt qua vì cảm giác bất lực không giúp được họ.

Thế nhưng nếu quan sát sẽ thấy có nhiều người thật nhiệt tâm khi chia sẻ thông tin các ATM oxy miễn phí, cho số điện thoại xe cấp cứu 0 đồng, số điện thoại bác sĩ tại các bệnh viện dã chiến hoặc bệnh viện cấp cứu, lại có cả những bác sĩ sẵn lòng đến tận nhà ứng cứu bệnh nhân. Trong số đó, chẳng có ai chia sẻ đường dây nóng trợ giúp của chính quyền Sài Gòn là 1022, bấm số 2!

Thông tin mới nhất mà group này đang chia sẻ là có những người (cả già lẫn trẻ) đi chích vaccine xong liền bị sốt liên tục hoặc cả tuần sau mới sốt, xét nghiệm là bị nhiễm Covid. Có hai khả năng xảy ra: việc tụ tập đông người ở điểm chích vaccine khiến người đi chích bị nhiễm, nhưng cũng có thể người đó đã bị nhiễm trước khi chích. Hôm đầu tuần, bà chủ trại hòm mà tôi nhắc đến trong bài “Chuyện tang gia hậu sự vẫn chưa đến hồi kết” kể vừa lo đám tang cho mẹ một người bạn chết vì Covid. Điều đáng nói là bà cụ mới đi chích vaccine Moderna về hôm trước, hôm sau sốt dữ dội, xét nghiệm bị nhiễm Covid và mất luôn tại nhà, tức bà bị dương tính trước khi chích vaccine. Lẽ ra trước khi được chích vaccine, bà cụ đó được xét nghiệm và chữa trị thì chưa chắc đã chết, bà chủ trại hòm nói.

Đó cũng là hệ lụy của việc chính quyền đẩy nhanh chích ngừa vaccine ở Saigon! Từ việc xét nghiệm đại trà ở từng phường để truy lùng F0 thấy không ổn dẫn đến việc đẩy nhanh chích ngừa vaccine không cần xét nghiệm trước, quyết định nào cũng vội vã, dẫn đến việc tụ tập đông người mất kiểm soát.

Bà chủ trại hòm còn than với tôi là giờ Bình Hưng Hòa chỉ nhận thiêu xác người chết vì Covid nhưng đội xe của bà đến đó xếp hàng chờ từ 42 tiếng đến hơn 50 tiếng sau mới quay về. Giờ nhiệm vụ của bà là khâm liệm và đưa xác đến lò thiêu, quân đội lo giao hũ cốt. Thế nhưng mỗi ngày bà đều nhận được điện thoại “truy lùng hũ cốt”của thân nhân người chết mà chính bà cũng không biết phải hỏi ai!

Chụp lại hình ảnh,Sài Gòn là trung tâm kinh tế của Việt Nam

Thứ Sáu 13, tôi nhận được thông tin là có một bệnh viện công mở dịch vụ giữ xác người chết vì Covid trong phòng lạnh với giá 2,2 triệu đồng, chả rõ là 1 ngày hay một 1 tuần hay 1 tháng. Và có những người đang toan tính đầu tư các thùng container lạnh để mở dịch vụ này.

Hơn một tuần nay, tôi thường dõi theo bản đồ SOS trợ giúp người khó khăn trên mạng. Ngày nào mở ra tôi cũng thấy màu đỏ – dấu chỉ số người khó khăn cần được trợ giúp – phủ kín bản đồ, còn màu vàng – dấu chỉ số người muốn cho – chỉ lác đác. SOS Map là sáng kiến của một công ty tin học tư nhân, đến nay đã cập nhật được hơn 11.000 điểm cần giúp đỡ. Vào các điểm màu đỏ ở nhiều quận khác nhau, tôi thấy đa số người dân đều cần nhận thực phẩm.

Từ ATM gạo, ATM bánh mì đến ATM oxy, “nhóm mai táng 0 đồng” và SOS Map…đều là sáng kiến của người dân giúp nhau từ lúc dịch Covid xuất hiện ở Sài Gòn hồi tháng 3/2020. “Toàn dân giúp nhau” là chuyện đang diễn ra hằng ngày ở Saigon. Có lẽ chưa có quốc gia nào lại phát sinh nhiều tổ chức từ thiện như ở Việt Nam, đặc biệt là ở Saigon, nơi người dân dù nghèo vẫn sẵn sàng mở hầu bao đóng góp cho nhóm từ thiện mà họ tin tưởng. Người dân càng khó khăn, các nhóm từ thiện càng có nhiều việc để làm, chỉ có các quan chức là sướng, bởi họ được phép ngồi trong phòng lạnh nghĩ ra các chỉ thị….

Song May

BBC (14.08.2021)