Câu chuyện về con chuột bạch đầu tiên trong xóm.
Buổi trưa cuối tuần đẹp trời, tôi được bác tổ trưởng dựng đầu gọi dậy, “ngoài trung tâm y tế quận đang tiêm vaccine kìa, cô muốn thì ra ngoải người ta chích cho”.
“Vaccine Trung Quốc hả bác?”, tôi hỏi lại.
“Ai biết loại gì, cô cứ ra đi”, bác tổ trưởng phẩy tay nhẹ nhàng rồi quay lưng bước nhanh, để lại trong tôi một nỗi băn khoăn nằng nặng.
Nỗi băn khoăn của tôi, kỳ thực, lại không mấy liên quan đến chất lượng của vaccine Trung Quốc như nhiều người lo sợ.
Tôi biết các vaccine này có hiệu lực thấp hơn nhiều các loại vaccine của phương Tây. Tôi cũng không ngây thơ tin tưởng các con số của Trung Quốc đưa ra. Cho dù họ đã chích vaccine nội địa cho cả tỷ người dân của mình, nhưng có trời mới biết hiệu quả thực tế và tác dụng phụ của nó ra sao. Ở trong cái lồng chim khổng lồ đó, bất cứ ai dám mở miệng nói trái ý chính quyền đều có thể trở thành một bác sĩ Lý Văn Lượng thứ hai. [1]
Thứ tôi có thể tin là số liệu từ các quốc gia khác đã tiêm vaccine Trung Quốc. Lý do đơn giản vì những nước này không có cộng sản bóp chẹt thông tin và bắt bỏ tù những ai dám nói khác ý mình. Các báo cáo như tỷ lệ phản ứng phụ là 0,1% ở Thái Lan, [2] hay hiệu quả ngăn ngừa tử vong đạt 94% ở Peru (dù nó chỉ có hiệu quả 50% trong việc ngăn ngừa nhiễm bệnh) có lẽ là đủ, [3] ít nhất là với tôi, để xem vaccine Trung Quốc cũng chỉ như một loại vaccine bình thường khác (dù kém hơn, cứ phải nhắc lại điều này để những ai đang hậm hực với “đồ Tàu” khỏi cự nự).
Một phần bận tâm của tôi không nằm ở vấn đề y tế. Nó là chuyện vaccine Trung Quốc vẫn chưa được chấp nhận ở nhiều nước phương Tây, và điều này có thể ảnh hưởng đến các kế hoạch làm việc trong thời gian tới của tôi. Nếu trong tương lai nhiều nước vẫn không chấp nhận hộ chiếu vaccine của những người đã tiêm vaccine Trung Quốc, rất có thể tôi sẽ lại phải tiêm thêm loại khác, một chuyện phiền phức và lãng phí thời gian.
Tuy nhiên, băn khoăn lớn nhất của tôi nằm ở người nhà. Mẹ tôi có bệnh nền và cần được tiêm vaccine sớm nhất có thể. Tôi hỏi mẹ có muốn đi tiêm không, hay đợi thêm vài tháng. Sau một lúc đắn đo, bà quyết định tiêm, vì một lý do chẳng dính gì đến y tế lẫn chính trị: làm cho xong để có thể sớm đi thăm cháu ngoại đang ở nơi khác.
Thế là tôi quyết định chở mẹ đi tiêm.
Vừa đẩy xe ra, chị hàng xóm đã rón rén tới hỏi chuyện. “Ủa, em đi chích vaccine à? Bữa giờ ông tổ trưởng nói mà cả xóm ở đây ai cũng sợ, đâu ai chịu đi.”
Ôi thì ra là vậy. Suýt chút nữa là tôi đã hiểu lầm bác tổ trưởng, tưởng rằng bác ưu ái thông báo cho mình đi sớm, hóa ra…
Chị hàng xóm chỉ tay về ngôi nhà bề thế của tổ trưởng, khẽ bồi thêm, “nhà này quen biết nên mấy tuần trước họ đi tiêm vaccine loại khác trước rồi.”
Nghe chị nói mà tôi tặc lưỡi tự trách, vừa trách bản thân không quen biết “ông ngoại” nào, vừa trách mình quá ngoan ngoãn ở yên trong nhà vài tuần qua, không chịu ra ngoài hóng chuyện, lỡ biết bao nhiêu “drama” hay ho.
Khi biết mẹ con tôi vẫn quyết định đi tiêm, chị một mắt tròn một mắt dẹt, vừa ái ngại vừa thích thú. Tôi biết mình chính thức trở thành chuột bạch của khu phố.
Tôi thầm nghĩ nếu có máu làm chính trị, và ở một quốc gia đàng hoàng tử tế, có lẽ tôi đã kiếm được kha khá phiếu bầu. Chỉ với động tác tình nguyện làm chuột bạch này, trong mắt các cử-tri-của-xóm, rõ ràng tôi đã ăn đứt các lãnh đạo to mồm nhưng rụt cổ của xứ Việt.
Nỗi lo về việc làm thế nào tìm đường đến nơi tiêm nhanh chóng được dỡ bỏ. Con đường huyết mạch thông xóm tôi với thế giới bên ngoài mấy ngày trước vẫn còn bị rào chết, làm các shipper chết dở không biết cách nào để giao hàng, giờ đây đã được mở ra như chưa từng có ngày chia ly.
Đường phố và hàng quán hai bên trông như các mô hình đồ chơi bị bỏ quên trong nhà kho suốt nhiều năm, vừa được người ta lấy ra quét bụi vài nhát vu vơ. Chúng xơ xác, tiêu điều và sứt mẻ.
Khung cảnh tại địa điểm tiêm phòng lại náo nhiệt hơn tôi tưởng. Xe chất đầy trong bãi, người chờ kín trong sân. Già trẻ lớn bé đều có đủ. Những người đến trước bồn chồn chờ gọi tên. Các nhóm đến sau túm tụm lại điền phiếu đăng ký. Một cụ già được người thân dìu ra. Tới trước cổng, cụ mở khẩu trang hồn nhiên khạc một bãi đờm xuống đất như đánh dấu lãnh thổ. Có lẽ trạm tiêm phòng này không dám tiêm cho cụ, nhưng cụ vẫn có ý định quay lại đây chăng?
Trong lúc chờ đợi, thỉnh thoảng bạn nhân viên y tế lại ra trước sân nói to: “Các cô chú ơi, mọi người có biết hôm nay mình tiêm vaccine gì chưa ạ? Hôm nay mình tiêm vaccine Sinopharm của Trung Quốc nha. Nếu cô chú nào đồng ý tiêm thì mình chờ gọi tên, còn không thì báo để tụi con rút hồ sơ của cô chú”. Không có ý kiến nào sau những lần thông báo như vậy, ngoại trừ những lời xầm xì và tiếng cười nhạt “biết hết mà”, “còn có lựa chọn nào khác đâu”. Có lẽ trong đầu mỗi người đều nghĩ về một “ông ngoại” xa xôi nào đó…
Tôi và mẹ chờ gần một tiếng mới đến lượt. Việc khám sàng lọc diễn ra khá kỹ lưỡng. Và kết quả của nó là một chuyện không quá ngạc nhiên: mẹ tôi không được tiêm. Bác sĩ yêu cầu những người có bệnh nền nghiêm trọng phải chích trong bệnh viện để đảm bảo an toàn. Một vài cô cậu chưa đến 18 tuổi, dù chỉ thiếu có vài tháng, cũng phải ngậm ngùi bị trả hồ sơ ra về.
Thế là người cần được tiêm nhất trong nhà tôi vẫn chưa thể tiêm. Đã định ra về ngay khi biết tin, nhưng nghĩ tới trách nhiệm chuột bạch cao cả với hàng trăm con người ở khu phố, tôi quyết định ở lại.
Sau khi đo huyết áp, nhịp tim, cuối cùng tôi cũng được vào phòng tiêm. Cây kim của nhân viên y tế cắm vào rồi rút ra nhanh tới mức tôi thấy lo lắng không biết phải báo cáo trải nghiệm của mình thế nào với các đồng bào ở xóm, vì thật sự là đến cảm giác có kim tiêm đâm vào người cũng chẳng có.
Ngồi chờ thêm 30 phút để kết thúc quy trình, tôi đi về với những lời dặn dò kỹ lưỡng và tận tâm của các bạn nhân viên y tế còn rất trẻ.
Đường phố vẫn trông như các mô hình đồ chơi xác xơ đầy bụi bặm, nhưng chỉ cần vài trận rửa nước, mọi thứ sẽ sạch sẽ tinh tươm như ngày đầu.
Tôi về tới xóm với hàng chục con mắt hỏi han sốt sắng, điều khá lạ lẫm với một người xưa nay đi làm về chỉ biết ru rú trong nhà như tôi. Ai cũng thở phào khi thấy tôi chưa bị rụng thứ gì trên người. Có lẽ những ngày sắp tới, chuyện sống chết của tôi sẽ trở thành đề tài nóng hổi trên bàn nghị sự của các anh chị em, và lời của tôi sẽ có trọng lượng hơn xa những gì họ được nghe trên VTV.
Vậy đấy. Số liệu khoa học gì đó là một chuyện. Thứ có thể khiến người ta chấp nhận và tin tưởng nhiều lúc lại là một chuyện hoàn toàn khác. Lòng tin giữa người với người đến từ hành động chứ đâu phải từ cái miệng bốc phét hay các con số vẽ vời.
Rốt cuộc thì trong các con số thống kê, chỉ có một loại là luôn luôn đúng thôi mà.
Tôi nhớ lại con số cuối cùng trong một bài thơ của Wislawa Szymborska, tình cờ giở ra đọc lúc ngồi chờ theo dõi sau khi tiêm. [4]
Trong 100 người,
những người luôn biết nhiều hơn kẻ khác:
52.
Không chắc về bất cứ điều gì mình làm:
gần như toàn bộ số còn lại.
Sẵn sàng giúp đỡ,
nếu không quá mất thời gian:
49.
Luôn làm người tốt,
vì họ không thể làm khác đi được:
4, ờ, có thể là 5.
Có thể ngưỡng mộ người khác mà không thấy đố kỵ:
18.
Vẫn hoài giữ cái hoang tưởng
gieo cấy từ một thời thanh xuân ngắn ngủi:
60, thêm bớt vài số.
Những người không nên bị giỡn mặt:
44.
Thường xuyên sống trong sợ hãi
vì một ai đó, hoặc cái gì đó:
77.
Tìm được hạnh phúc:
20 gì đó, cùng lắm.
Ở một mình thì vô hại,
lẫn trong đám đông lại thành chó dại:
hơn một nửa, ít nhất là vậy.
Tàn nhẫn
khi hoàn cảnh đẩy đưa:
tốt nhất không nên biết con số,
kể cả là nhẩm tính.
Trở nên khôn ngoan khi nhìn lại những việc đã xảy ra:
không nhiều hơn bao nhiêu
những kẻ khôn ngoan trước khi nó xảy ra.
Thứ duy nhất họ lấy ra được khỏi cuộc đời là những thứ họ không đem theo được xuống mồ:
30
(ước gì tôi lầm).
Vật vã trong đau khổ
và lẩn sâu trong căn phòng tối đen kịt:
83, sớm hay muộn.
Những người công tâm:
kha khá, 35.
Vừa công tâm
vừa thấu hiểu:
3.
Xứng đáng được đồng cảm:
99.
Sẽ chết:
100 trên 100.
Con số này chưa bao giờ sai.
(Lược dịch từ bài thơ “A Word On Statistics” của Wislawa Szymborska)