Seite auswählen

Quân đội Afghanistan: Nhụt chí. Đầu hàng

17.8.2021

VNC dịch từ Die Zeit

Mỹ và các đồng minh đã bơm hàng tỷ USD vào quân đội Afghanistan. Sau khi đồng minh rút quân, quân đội này lại đầu hàng Taliban ở nhiều nơi mà không có giao tranh và tan rã. Tại sao?

 

Bài phân tích của Thomas Wiegold

Người lính Quân đội Quốc gia Afghanistan gần Bagram © Mohammad Ismail / Reuters

 

Nhụt chí. Đầu hàng.

Trên giấy tờ, các lực lượng vũ trang Afghanistan là một thế lực đáng gờm. Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ đã thống kê chính xác 300.699 nam giới – và một số phụ nữ – vào cuối tháng 4 năm nay. Và Lầu Năm Góc phải biết: Mỹ không chỉ tài trợ trang thiết bị và hoạt động hàng ngày của Quân đội Quốc gia Afghanistan (ANA) và các đơn vị vũ trang khác của Bộ Nội vụ, mà còn trả tiền lương cho họ. Chỉ riêng Mỹ đã chi hơn 83 tỷ USD cho vũ khí, trang thiết bị và việc đào tạo cho ANA.

Trong vòng vài tuần, lực lượng này không chỉ thua trong cuộc chiến chống lại Taliban mà còn tránh đối đầu ngay từ đầu ở nhiều nơi. Toàn bộ các lực lượng lớn trên thực tế đã giải thể sau khi chỉ huy của họ đồng ý trao quyền không đổ máu cho quân nổi dậy. Những người lính của các quốc gia phương Tây, những người trong gần hai thập kỷ đã thúc đẩy việc đào tạo và phát triển lực lượng an ninh Afghanistan, hiện đang ngạc nhiên về những gì đã thực sự xảy ra.

Không có câu trả lời đơn giản cho điều đó, và không có lý do duy nhất. Các vấn đề bắt đầu với những con số. 300.699 thành viên của lực lượng an ninh là một con số dường như chính xác, đặc biệt là kể từ khi một hệ thống sinh trắc học đã được thiết lập để ghi lại số binh sĩ và cảnh sát viên – trước đó những cấp trên tham nhũng thường chỉ đơn giản là bịa ra cấp dưới và bỏ tiền lương vào túi riêng của họ. Số liệu thống kê, tính đến ngày 29 tháng 4, không bao gồm tất cả những người đã ngã xuống trong vài tháng qua, bị thương bởi Taliban hoặc bị bắt làm tù binh, hoặc đơn giản là đã đầu hàng. Và ngay cả những người đã rời quân ngũ trước đó cũng không.

Tỷ lệ đào ngũ đã là một vấn đề trong nhiều năm, đặc biệt là đối với quân đội. Theo báo cáo mới nhất của đặc phái viên của chính phủ Hoa Kỳ tại Afghanistan cho ANA, cái gọi là tỷ lệ tiêu hao này trung bình là ba phần trăm mỗi tháng. Đối với cảnh sát quốc gia, con số này thậm chí là 3,5% trung bình hàng tháng. Chính phủ Afghanistan đã giữ kín trong thời gian gần đây các chi tiết này.

Thường họ không phải là những người đào ngũ theo cách hiểu của phương Tây, mà là những người thanh niên trẻ được bố trí ở các vùng khác của đất nước xa gia đình – và là những người sau đó coi nghĩa vụ chăm sóc gia đình quan trọng hơn việc phục vụ trong quân đội. Nhiều tân binh cũng đã gia nhập lực lượng vũ trang để tránh cuộc sống nghèo khổ bên bờ vực sống còn. Việc họ chọn lực lượng vũ trang nhà nước chứ không phải Taliban thường là một sự trùng hợp ngẫu nhiên.

Ở các vùng nông thôn của Afghanistan, nơi có đặc điểm là cấu trúc bộ lạc, quân đội cung cấp cho những người lính này ít động lực ngoài việc trả tiền để tham gia. Chiến đấu trong các đơn vị khu vực và do đó một phần là hỗn hợp sắc tộc ở bên ngoài xa khu vực quê hương của họ hầu như không củng cố động lực chiến đấu.

Các huấn luyện viên phương Tây đã phàn nàn về sự thiếu động lực này trong nhiều năm. Sau nhiệm vụ của họ, nhiều binh sĩ của Bundeswehr cũng tường thuật về những người lính hầu như không tuân theo các thỏa thuận và dường như họ đã quên những gì họ đã thực hành tuần trước. Ở các cấp bậc càng cao, điều này càng ít xảy ra. Ở các cấp bậc cao của giới sĩ quan, những người lính làm việc chuyên nghiệp, những người tham gia vào việc hình thành một đoàn quân theo gương mẫu phương Tây.

Các lực lượng vũ trang đã phải tranh đấu với việc thiếu hứng thú, ngay cả khi Taliban dường như vẫn ở thế phòng thủ. Vài tháng qua, thực tế là từ một năm qua kể từ thỏa thuận giữa cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump và Taliban vào tháng 2 năm 2020, tình hình trở nên tồi tệ hơn: Các binh sĩ Afghanistan đã tuyên bố rõ ràng rằng những người phương Tây ủng hộ họ sẽ rút về, bất kể tình trạng trong nước sẽ phát triển như thế nào.

Với sự rút lui của Hoa Kỳ, các công ty công nghiệp dân dụng cũng rời khỏi đất nước

Nhưng lực lượng an ninh Afghanistan phụ thuộc vào sự hỗ trợ này từ quân đội quốc tế, đặc biệt là từ Mỹ. Phần lớn công nghệ của họ, thứ đã giúp họ vượt trội trước phiến quân, phụ thuộc vào phương Tây: việc bảo trì máy bay trực thăng và máy bay của Không quân Afghanistan, kết quả trinh sát, ví dụ qua các bức ảnh trên không và cuối cùng nhưng không kém phần quan trọng, nguồn cung cấp vũ khí hiện đại.

Việc Mỹ rút quân đã chấm dứt điều này. Bởi vì cùng với những người lính, những công ty dân sự, những người được gọi là nhà thầu, cũng đã rời bỏ nước này. Và những công ty này rất quan trọng đối với hoạt động của Lực lượng Không quân. Các lực lượng vũ trang Hoa Kỳ ước tính vào mùa xuân rằng nếu không có các kỹ thuật viên dân sự, lực lượng không quân này sẽ không hoạt động trong vòng hai đến ba tháng.

Điều này dẫn đến một vòng xoáy làm nhụt chí mà cuối cùng trên thực tế đã làm tiêu tan sức mạnh chiến đấu của các lực lượng vũ trang Afghanistan. Taliban càng chiếm được nhiều quận và càng kiểm soát được nhiều đường nông thôn, thì binh lính càng phải phụ thuộc vào nguồn cung cấp từ đường hàng không. Nếu điều đó không xảy ra và lương thực và đạn dược sắp hết, họ không còn cách nào hơn là trao quyền cho quân địch chứ không chịu chiến đấu.

Mặc dù vậy lực lượng không quân Afghanistan vẫn được coi là bộ phận hiệu quả nhất của lực lượng vũ trang bên cạnh cái gọi là biệt kích: lực lượng đặc biệt chống lại Taliban nhờ sự huấn luyện xuất sắc, hỏa lực và trên hết là động lực chiến đấu. Nhưng khi các lực lượng vũ trang bình thường càng ít có khả năng để tự chống lại quân nổi dậy, thì những biệt kích này càng phải tham dự vào nhiều mặt trận nhỏ và cuối cùng hầu như không thể thực hiện được khối lượng lớn các ủy nhiệm.

Lực lượng vũ trang lớn với hơn 300.000 người hóa ra lại là một gã khổng lồ với đôi chân bằng đất sét, đã thất bại vì những vấn đề thực tế – nhưng trên hết là vì thiếu động lực. “Họ chỉ đơn giản là mất tinh thần”, một sĩ quan của Bundeswehr (quân đội Đức) chứng kiến ​​sự kết thúc nhiệm vụ của Đức cho biết. Việc chính quyền ở Kabul, cho tới lúc nó vẫn còn tồn tại, cũng bị cho là tham nhũng và tham gia vào việc tranh giành nội bộ cũng không làm tăng khả năng sẵn sàng chiến đấu. Trong các cuộc phỏng vấn với tờ New York Times, nhiều binh sĩ bày tỏ sự tuyệt vọng và cảm giác bị chính phủ bỏ rơi. Tại sao lại phải hy sinh mạng sống của mình cho một người không thể lo được những thứ cơ bản như đạn dược và lương thực?

Liệu cuối cùng tiền bạc có đóng vai trò gì trong việc Taliban dùng để mua chuộc các chỉ huy khu vực hay không, cho đến nay vẫn chỉ là phỏng đoán và khó có thể kiểm chứng được. Bởi vì cho dù một vị tướng trao doanh trại của mình và cả vũ khí mà không chiến đấu vì không muốn đưa những người lính của mình tham dự vào một cuộc chiến vô vọng, hay là ông ta trong thâm tâm có cảm tình với Taliban hoặc được trả tiền hay không, có lẽ sẽ không bao giờ làm rõ được./.

 

 

Taliban “cướp” chính quyền : Do chính phủ Afghanistan tham nhũng để quân đội kiệt quệ

 

RFI

Sau 20 năm chiến tranh, quân Taliban đã kiểm soát trở lại thủ đô Kabul, Afghanistan, ngày 15/08/2021.
Sau 20 năm chiến tranh, quân Taliban đã kiểm soát trở lại thủ đô Kabul, Afghanistan, ngày 15/08/2021. – AFP

Từ lúc chiếm thủ phủ đầu tiên Zarani ở tây nam cho đến lúc tiến vào thủ đô Kabul ngày 15/08/2021, lực lượng Taliban chỉ mất 10 ngày. Cộng đồng quốc tế, từ Mỹ đến Nga, đều bất ngờ trước đà tiến thần tốc của quân Taliban. Lính Afghanistan bỏ súng, vượt biên, trong khi nhiều lãnh đạo tỉnh đàm phán giữ mạng, để Taliban tiếp quản. Khoảng 70.000 quân nổi dậy đánh bại lực lượng có đến 300.000 người.

Tại sao quân đội Afghanistan lại thất bại ê chề như vậy ?

Tham nhũng có tổ chức  

Lý do chính đó là tệ nạn tham nhũng có tổ chức và phổ biến trong giới lãnh đạo. Bằng chứng mới nhất, theo phát ngôn viên Nikita Ishenko của đại sứ quán Nga tại Afghanistan hôm 16/08, là tổng thống Ghani bỏ trốn khỏi Kabul “với bốn xe ô tô chất đầy tiền. Họ cố gắng nhét số tiền vào trực thăng, nhưng không vừa, nên một số tiền đã bị bỏ lại trên đường băng”. Năm 2019, Afghanistan bị xếp thứ 173 trên 180 nước trong bảng xếp hạng của tổ chức Minh Bạch Quốc Tế.

Cuộc chiến ở Afghanistan đã tiêu tốn 2,26 nghìn tỉ đô la. Kể từ khi bắt đầu can thiệp vào Afghanistan, Washington đã chi 83 tỉ đô la để thành lập một quân đội kiểu Mỹ. Trên giấy tờ, lực lượng an ninh Afghanistan, gồm quân đội và cảnh sát, có đến 300.000 người. Nhưng thực tế, chỉ có 18.000 người thuộc biên chế của bộ Quốc Phòng Afghanistan vào tháng 07/2020, số còn lại là cảnh sát hoặc làm việc cho cơ quan an ninh. Theo phân tích của Trung tâm chống khủng bố thuộc Học Viện Quân sự Hoa Kỳ West Point, Afghanistan có 8.000 lính không quân và 96.000 lính bộ binh.

Tại sao lại có con số quá chênh lệch này ? Trả lời France 24 ngày 16/08, ông Frédéric Grare, nhà nghiên cứu ở Hội đồng Quan hệ Quốc tế châu Âu, cho biết : “Nói dối về quân số cho phép (chính quyền Kabul) nhận được tài trợ từ phía Mỹ nhiều hơn mức thực tế”. Còn theo một nhà ngoai giao phương Tây tại Kabul, được Le Monde trích dẫn, “có lẽ có 46 tiểu đoàn ma, mỗi tiểu đoàn có 800 người”. Tình trạng “nhiều lãnh đạo (Afghanistan) hiện nay đều tham nhũng và/hoặc bất tài” đã được nêu trong báo cáo Quốc Hội Mỹ năm 2017.

Quân đội không thiện chiến 

Quân nhân thì thất vọng vì “giới lãnh đạo không quan tâm đến nghỉ phép, thăng chức, tăng lương” nên giải ngũ. Điều này giải thích cho việc quân đội Afghanistan không có lực lượng ổn định, tinh nhuệ, do thường xuyên phải huấn luyện tân binh. Ví dụ vào năm 2020, số tân binh chiếm đến 25% lực lượng, theo báo cáo của SIGAR Mỹ. Nhưng tân binh cũng thiếu nhiệt huyết do thường xuyên phải “triển khai dài ngày, có thể phải tham chiến gần như thường trực và điều kiện sống khó khăn” và bị điều động ngoài vùng họ sinh sống.

Khi Washington thông báo rút hết quân, Lầu Năm Góc chuyển tiền cho chính phủ Kabul trả lương cho quân đội, thay vì trả trực tiếp như vẫn làm trước đó. Nhưng nhiều quân nhân Afghanistan khẳng định không nhận được lương trong nhiều tháng. Mất hỗ trợ bằng đường hàng không của Mỹ, nhiều tuyến hậu cần phải ngừng, vì chính quyền Afghanistan không có phương tiện. Kết quả là quân nhân trên chiến tuyến không được chi viện lương thực và đạn dược, nên dễ dàng buông súng khi quân Taliban đến và trốn ra nước ngoài.  

Hoa Kỳ muốn đầu tư trang thiết bị tối tân cho quân đội Afghanistan, nhưng trình độ quân nhân lại có hạn, cơ sở hạ tầng yếu kém, chỉ có khoảng 30% người dân có điện cả ngày. Khi Mỹ bất ngờ đẩy nhanh rút quân, chính quyền Kabul không còn trông cậy được vào lực lượng không quân Mỹ, để cho lực lượng nổi dậy thoải mái di chuyển.

Ngoài việc thiếu lực lượng có khả năng tác chiến, quân đội Afghanistan còn không có người có tầm lãnh đạo. Quyền chỉ huy nằm trong tay những quan chức dân sự ở phủ tổng thống thiếu kinh nghiệm chiến trường và những vị tướng già lo “đấu đá chính trị” nhiều hơn là vạch kế hoạch đối phó Taliban.

Tất cả những điểm nêu trên đều có lỗi của Hoa Kỳ. Washington biết những điểm yếu đó, nhưng vẫn làm ngơ, thậm chí chấp nhận “giấu” những thất bại của quân đội Afghanistan theo yêu cầu của chính quyền Kabul. Sai lầm mới nhất của Mỹ chính là đã đánh giá thấp khả năng của Taliban “không thể thắng trận”, để lực lượng nổi dậy tiến vào Kabul không cần một phát súng và sớm hơn so với tính toán của Washington. Đây chính là nguyên nhân dẫn đến cảnh tháo chạy hỗn loạn từ ngày 15/08/2021./.