Seite auswählen

Christian Golcyznski, 8 tuổi, trong đám tang của Cha – Marine Staff Sgt. Marcus Golcyznski – tử trận tại Iraq, 2007. (1)

ĐIỆP MỸ LINH (Tạp ghi)

 

Thời gian gần đây, những biến động tại Afghanistan khi Hoa Kỳ rút quân khiến nhiều ngòi bút đưa ra sự so sánh giữa miền Nam Việt Nam, tháng Tư năm 1975 và Afghanistan, tháng Tám năm 2021.

Vâng, tôi thấy vài điểm tương đồng như Cha Mẹ đưa em bé qua hàng rào kẽm gai để em bé được vào vòng tay của người lính Mỹ – chỉ với hy vọng cho con được đến chốn an toàn . Taliban đến từng nhà, tại Afghanistan, treo cổ những người làm việc cho Mỹ. Vài người liều, “đu” theo máy bay, bị rớt, chết; trong số này có một thanh niên thuộc Afghanistan’s youth natonal football team, v.v…

Ngoài vài điểm tương đồng như trên, tôi còn nhận thấy ba điểm rất đáng chú ý.

1.- Năm 1973, Mỹ rút quân khỏi Việt Nam; Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa (VNCH) giữ vững miền Nam cho đến năm 1975.

2.- Năm 2021, Mỹ rút chưa hết quân khỏi Afghanistan mà quân Taliban đã chiếm thủ đô Kabul của Afghanistan rồi!

3.- Nếu Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu có câu: “Đừng nghe những gì cộng sản nói, hãy nhìn kỹ những gì cộng sản làm!” thì, tại Afghanistan cũng có câu: “No one trusts anything that comes from the Taliban’s mouth.”

Link: https://www.cnn.com/2021/08/20/asia/afghanistan-taliban-rule-friday-intl/index.html

Riêng tôi, kể từ ngày Mỹ bắt đầu rút quân khỏi Afghanistan, tôi cứ hồi hộp, lo âu và cầu nguyện để Taliban đừng pháo kích bừa bãi vào đoàn người chạy loạn hoặc pháo kích vào phi trường Kabul – như cộng sản Việt Nam (csVN) đã pháo kích vào phi trường và pháo kích chính xác vào đoàn người cùng dòng máu Lạc Hồng – đang chạy về phía VNCH để được che chở, năm 1975.

Trong khi tôi đang thầm vui vì tưởng rằng Taliban không tàn ác như csVN thì, bảng tin trên CNN, ngày 08-26-2021, làm tôi tức giận.

Trưa nay, 08-27-2021, tôi lại thấy tin bổ túc, lúc 12:36 PM ET: “… a bombing at Kabul’s airport killed at least 170 people including 13 US service members {…} More than 200 people were injured in Thursday’s attack, an official with Afghanistan’s Ministry of Health told CNN on Friday…” Link: https://www.cnn.com/2021/08/27/asia/afghanistan-kabul-airport-attack-update-intl-hnk/index.html

Thì ra, cái ác lúc nào cũng chập chùng trong thế giới này! Tôi ngậm ngùi nghĩ đến những vụn vỡ trong trái tim của người Mẹ, người vợ, người con, người chị/em gái và người tình của người lính Mỹ – tưởng sắp thoát được vùng lửa đạn – phải gục ngã vào giờ phút cuối!

Là một ngòi bút không chuyên nghiệp, không thích và không muốn tìm hiểu về chính trị, tôi chỉ xin được nhìn hai sự kiện Việt Nam 1975 và Afghanistan 2021 từ “lăng kính” của một phụ nữ. Tôi chỉ xin được viết từ tâm thức của một người Mẹ, người vợ, người con, người chị, người yêu hoặc là người em gái của một người lính tác chiến.

Từ vị thế của người vợ, những lần được tháp tùng các cuộc hành quân hỗn hợp của Hải Quân VNCH – để viết tường thuật – tôi đã thấy và cảm nhận được sự hy sinh cũng như nỗi đau trong lòng người lính Mỹ khi phải xa quê hương để dấn thân vào cuộc chiến mà chính họ không hiểu được lý do!

Lần đầu tiên tôi thấy người Mỹ – Hải Quân đại úy Graham, cố vấn trưởng của Duyên Khu II – đổ máu trên chiến trường Việt Nam là năm 1964, tại Vĩnh Hy, Cam Ranh. Thời điểm đó, Hải Quân trung úy Hồ Quang Minh (Bố của các con tôi) là Chỉ Huy Trưởng Duyên Đoàn 26, hậu cứ tại Bình Ba, vịnh Cam Ranh.

Lần thứ hai, khi Minh chỉ huy Giang Đoàn 30 Xung Phong, tham dự hành quân dài hạn Tam Giác Sắt. Cố vấn của GĐ30XP – Hải Quân trung úy Martin – bị thương nặng, trên chiếc Command.

Lần thứ ba, Hải Quân đại úy Blust – cố vấn của GĐ26XP, hậu cứ tại Long Xuyên – bị Việt cộng “bắn sẻ” trên chiếc Command, trong lúc Minh chỉ huy đoàn chiến đỉnh giang hành trên kinh Trèm Trẹm, để tiếp cứu đồn thứ Chín.

Lần thứ tư, tại xã Hộ Phòng, quận Gia Rai, cũng thời điểm Minh chỉ huy GĐ26XP. Trên con kinh đào rất hẹp, Hải Quân đại úy Taylor – cố vấn của GĐ26XP – bị thương vì Việt cộng bắn B-40 vào chiếc Command.

Lần thứ năm, tại Kinh Ngang, Minh là Chỉ Huy Trưởng Liên Đoàn V Tuần Thám. Khi đoàn PBR – Patrol Boat Riverine, khinh tốc đỉnh – đến khúc cua ngặt, bị B-40, B41 của Việt cộng bắn xối xả. Một B-41 xuyên qua khinh tốc đỉnh chỉ huy. Minh và cố vấn Gronados đều bị thương.

Đối với tôi, cảnh lửa đạn trên sông hoặc dọc bờ sông, vào ban đêm, mang nặng tính chất hào hùng và bi thảm. Nhưng, hình ảnh và tiếng hát nghẹn ngào của Hải Quân đại úy Ashmore – thay thế cố vấn Blust, GĐ26XP – nơi mũi chiếc Command vào một đêm trăng, trên sông Cái Lớn, lại cho tôi hiểu thế nào là thương nhớ, thế nào là cô đơn, thế nào là bơ vơ, lạc lõng của một người lính chiến phải xa quê hương cả nửa vòng trái đất!

Gần nửa thế kỷ qua, không thể nào tôi nhớ được tựa đề của ca khúc mà Ashmore thường hát trên những dòng sông nhuộm máu. Nhưng giọng hát đầy u uẩn và bóng dáng đơn độc của Ashmore nơi mũi chiếc Command thì mãi hoài đọng lại trong hồn tôi!

Mỗi khi nhớ lại giọng hát và hình ảnh của Ashmore, tôi tự hỏi: Từ khi tôi được sinh ra cho đến bây giờ, biết bao nhiêu ngàn lính Mỹ đã “rơi” vào tình cảnh bơ vơ, lạc lõng sau mỗi trận chiến – nếu họ may mắn còn sống? Biết bao nhiêu ngàn lính Mỹ bị tàn tật? Biết bao nhiêu ngàn lính Mỹ đã bị “mất xác”?

Nhắc đến người lính Mỹ bị “mất xác”, tôi xin trích một phân đoạn từ tùy bút Tạ Ơn Mảnh Đất Này, của ĐML, có liên quan đến sự “trở về” của First Lieutenant Paul Magers!

“… Paul Magers chết khi chàng chỉ 25 tuổi và mới đến Việt-Nam chỉ có hai tuần! Paul biết quê tôi chỉ có hai tuần nhưng thân xác của Paul thì “ở lại” đó đến gần 40 năm! Trong ảnh, nụ cười của Paul rất rạng rỡ, vô tư. Nụ cười đó mà biết hận thù ai! Ánh mắt đó mà muốn bắn giết ai! Bởi vậy mới có một chiến binh Hoa Kỳ – James Lenihan – trong trận Thế Giới Đại Chiến II, đã bắn kẻ thù xong thì gục đầu bên xác kẻ thù mà khóc:

 

I shot a man yesterday

And much to my surprise,

The strangest thing happened to me

I began to cry.

 

He was so young, so very young

And Fear was in his eyes.

He had left his home in Germany

And came to Holland to die

……

I knelt beside him

And held his hand

I begged his forgiveness

Did he understand?

 

It was the War

And he was the enemy

If I hadn’t shot him

He would have shot me.

 

I saw he was dying

And I called him “Brother”

But he gasped out one word

And that word was “Mother.”… (1) (Hết trích)

 

Kể từ Thế Giới Đại Chiến thứ II, theo tài liệu trên internet, số thương vong – không kể thương binh – của lính Mỹ trên thế giới là:

  • Thế Chiến Thứ II: 461,800.
  • Việt Nam: 58,220.
  • Iraq: 4, 431.
  • Afghanistan: 2,376.
  • Triều Tiên: Chưa được ghi nhận.
  • Bị bệnh Posttraumatic stress disorder (PTSD): Chưa được kiểm chứng.
  • Tự tử sau mỗi cuộc chiến: Chưa được phổ biến.

 

Một đất nước – the United States of America (USA) – đã đóng góp cho thế giới Tự Do bao nhiêu nhân sự và xương máu, chưa kể tài chánh, quân trạng, quân dụng, khí giới, v.v… mà mỗi lần USA rút quân khỏi một nước nào thì USA cũng đều nhận bị “lên án”, như “đâm sau lưng đồng minh”, “tháo chạy”, “bội ước”, “phản bội”, v.v…

Thế csVN bội ước, xâm phạm bao nhiêu Hiệp Ước ngưng bắn trong cuộc chiến 21 năm trên Quê Hương tôi, để cuối cùng cưỡng chiếm miền Nam Việt Nam, đã ai thẳng thắn, mạnh dạng lên án csVN chưa?

Chưa!

 

Điều cay đắng và mỉa mai nhất là: Mỗi lần Hoa Kỳ “phản bội”, “tháo chạy”, “bội ước” một nước nào thì chính người lính Mỹ cũng phải canh gác, giữ trật tự, an ninh – nhiều khi phải chết vì những nhiệm vụ sau cùng này, như sáng 26 tháng 08 năm 2021, tại phi trường Kabul – chỉ với mục đích đem được càng nhiều dân địa phương càng tốt về Mỹ để…nuôi, làm người tỵ nạn!

Biết bao nhiêu con cháu của các sắc dân tỵ nạn tại Mỹ đã thành công vượt bực trên nhiều lãnh vực, trong mọi địa hạc; thế mà đã có tổ chức nào của người tỵ nạn thành lập Hội Giúp Đỡ hoặc biết ơn Thương Binh và tử sĩ Hoa Kỳ chưa?

Chưa!

 

Người lính Mỹ, trong nhân dáng hiên ngang, với những bước chân chắc nịch, đôi mắt nhìn thẳng và kỹ thuật tác chiến tuyệt vời. Nhưng người lính Mỹ cũng có trái tim biết rung động, biết nhớ thương, biết đau khổ như bạn và tôi. Xin đừng “thần thánh hóa” hoặc đòi hỏi những điều mà người lính Mỹ không thể thực hiện được; vì người lính Mỹ còn phải chu toàn bổ phận đối với người hôn phối, gia đình và người thân.

Xin hãy nghĩ đến những trái tim tan vỡ trong mỗi gia đình, khi một người lính Mỹ gục ngã!

Tôi quan niệm, người Mỹ chỉ như người láng giềng tốt bụng. Khi bạn bị té ngoài sân, người láng giềng tốt bụng đó chỉ có thể đỡ bạn dậy, gọi 911 rồi an ủi, phủi bùn đất cho bạn. Thế là bạn may mắn rồi! Đừng buồn trách khi người láng giềng đó không ở lại đàn hát cho bạn nghe trong thời gian bạn dưỡng thương!

Nhưng, khi gia đình bạn nuôi một con thú bất trị, chuyên phá phách trong nhà, sân vườn của bạn, của làng xóm – có khi cắn người thân của người láng giềng tốt bụng – thì người láng giềng tốt bụng đó sẽ không ngại ngùng gì mà không kiện bạn hoặc giết con thú bất trị của bạn.

Sau đó, người láng giềng đó có thể chỉ dẫn cho bạn cách thức làm vườn, trồng những loại hoa đẹp. Thế thôi! Bạn không thể buộc người láng giềng đó phải tự tay chăm sóc vườn hoa cho bạn hoặc “đền” cho bạn con thú khác!

 

Để kết thúc bài viết, tôi xin mượn lời của một cựu quân nhân Mỹ từng tham chiến tại Iraq.

Veterans Club Founder and CEO Jeremy Harrell, an Army veteran who served in Iraq, said: “I think that’s a really good idea. I’m glad President Biden is keeping President Trump’s idea to bring troops home and to get folks out of Afghanistan.” Link: https://www.wave3.com/2021/04/15/its-time-come-home-kentucky-afghan-iraq-war-veterans-react-us-troop-withdrawal/

 

ĐIỆP MỸ LINH

https://www.diepmylinh.com/

 

1.-Hình trong bài của Wonbo Woo, Kate Snow and Tracy Connor – ngày 20-Dec. 2013 – US News.

2.-Washington (CNN) — What does it feel like to kill a man? James Lenihan of Brooklyn knew. He fought in Europe in World War II and he killed a German soldier during a battle in Holland.