Seite auswählen

Đại Nhạc Hội “Cám Ơn Anh Người Thương Binh VNCH Kỳ 14” tổ chức tại Westminster Mall hôm Chủ Nhật, thu được $206,116.50, tính đến 6 giờ chiều, giờ California, theo ban tổ chức cho biết.

Ban Tù Ca Xuân Điềm trình diễn tại Đại Nhạc Hội Cám Ơn Anh kỳ 14 tổ chức ở Westminster Mall hôm Chủ Nhật, 29 Tháng Tám. (Hình: Văn Lan/Người Việt)

Đó là chưa kể số tiền bằng thẻ tín dụng chưa thể tổng kết trong ngày.

Với mục đích vinh danh người chiến sĩ VNCH và gây quỹ giúp Hội HO Cứu Trợ Thương Phế Binh và Quả Phụ VNCH, đại nhạc hội khai mạc lúc 11 giờ 30 trưa, với nghi thức chào cờ Việt-Mỹ và phút mặc niệm.

Các hội đoàn các cựu quân nhân tham dự gồm có Trung Tâm Điều Hợp Chiến Sĩ VNCH Hải Ngoại Miền Tây Nam Hoa Kỳ, Liên Hội Cựu Chiến Sĩ VNCH Nam California, gồm các Hội Quân Cảnh, Hội Không Quân, Hội Hải Quân, Hội Cảnh Sát Quốc Gia, Hội Nữ Quân Nhân, Hội Võ Bị Đà Lạt, Hội Thủy Quân Lục Chiến, Hội Nhảy Dù, Hội Biệt Động Quân, Hội Nha Kỹ Thuật, Hội Thiếu Sinh Quân, Hội Đồng Đế, và các hội đoàn quân đội thân hữu của Liên Hội Cựu Chiến Sĩ, gồm Hội Thủ Đức, Hội Lực Lượng Đặc Biệt.

Trong phần khai mạc, bà Nguyễn Thanh Thủy, hội trưởng Hội HO Cứu Trợ Thương Phế Binh và Quả Phụ VNCH, nói: “Hình ảnh người chị cả Nguyễn Thị Hạnh Nhơn như ẩn hiện để khuyến khích chương trình Cám Ơn Anh kỳ thứ 14 được tiếp tục sau hai năm gián đoạn vì đại dịch COVID-19. Thượng Đế đã tạo cơ hội để hội trở thành nhịp cầu và điểm tựa đối với các chiến hữu, đồng hương và những thương phế binh quả phụ VNCH.”

Nghị Viên Kimberly Hồ (trái) và mẹ, bà Phạm Thị Khuê (thứ hai từ phải), trao tấm chi phiếu $20,000 cho bà Nguyễn Thanh Thủy (bìa phải), hội trưởng Hội HO Cứu Trợ Thương Phế Binh và Quả Phụ VNCH, tại Đại Nhạc Hội Cám Ơn Anh. (Hình: Văn Lan/Người Việt)

“Chết chóc đang diễn ra vì đại dịch ở quê nhà, tại Sài Gòn và các tỉnh lân cận tại miền Nam Việt Nam, các thương phế binh và quả phụ càng bi thảm hơn nữa.Dù cũng bị giới hạn vì đại dịch, hội cũng cố gắng cầu cứu các nơi để có tiền chuyển đến các thương phế binh và quả phụ, tất cả những người đang hấp hối, đang chờ đợi tấm lòng của các mạnh thường quân. Xin chân thành tri ơn đến tất cả tấm lòng của quý vị dành cho thương phế binh từ số tiền của các ông bà cụ, đến số tiền lớn hơn của các quý vị có điều kiện giúp đỡ,” bà Thủy tiếp.

Các mạnh thường quân được mời lên sân khấu để vinh danh vì giúp đỡ hội gồm Trưởng Lão Hòa Thượng Thích Chơn Thành, Đệ Nhị Thượng Thủ Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Trên Thế Giới đồng thời là viện chủ chùa Liên Hoa, Garden Grove; Nghị Viên Phát Bùi của Garden Grove kiêm chủ tịch Cộng Đồng Người Việt Quốc Gia Nam California; Nghị Viên Kimberly Hồ của Westminster; Nghị Viện Diedre Thu-Hà Nguyễn của Garden Grove; bà Khúc Minh Thơ, cựu chủ tịch Hội Gia Đình Tù Nhân Chính Trị Việt Nam; ông Thái Hóa Lộc, thành viên phối hợp tổ chức Đại Nhạc Hội Cám Ơn Anh tại Dallas; Bác Sĩ Phạm Đức Vượng, thành viên Hội Đồng Điều Hành Tập Thể Chiến Sĩ VNCH Hải Ngoại Vùng Tây Bắc; ông Đỗ Vẫn Trọn, tổng giám đốc Hệ Thống Truyền Hình Viên Thao; và các ông Triệu Hà, Nguyễn Văn Ức, Cổ Tấn Tinh Châu, Phạm Minh Đức, La Trinh Tường, Nguyễn Doãn Hưng, Bác Sĩ Michael Đào, Bác Sĩ Nguyễn Trần Hoàng, ông bà Trần Dật ở Glendale, và các doanh nghiệp như Clever Care Health, The California Small Business, hệ thống Chè Cali…

Mở đầu phần văn nghệ là nhạc phẩm “Xuất Quân,” do ban hợp ca Liên Hội Cựu Chiến Sĩ VNCH Nam California trình bày, trong khi phía dưới khán giả phất cờ VNCH tung bay theo nhịp quân hành.

Ông Nguyễn Văn Thiệt (thứ ba từ trái), tổng hội trưởng Tổng Hội Cựu SVSQ Võ Bị Quốc Gia, trao ban tổ chức tấm chi phiếu $31,050. (Hình: Văn Lan/Người Việt)

Tiếp theo là ca khúc “Cờ Bay.”Tiếp nối là nhạc phẩm “Cám Ơn Anh,” sáng tác Trầm Tử Thiêng, do Trung Tâm Điều Hợp Tây Nam Hoa Kỳ và Cựu Sinh Viên Sĩ Quan Võ Bị Nam California trình bày.

Cô Trân Vũ, phó chủ tịch ngoại vụ Tổng Hội Sinh Viên Việt Nam Nam California, lần đầu tiên tham gia đại nhạc hội, chia sẻ: “Chúng em rất vui khi đóng góp chút công sức cho đại nhạc hội, đó là tấm lòng của 50 sinh viên thiện nguyện hôm nay, để mang đến sự biết ơn của chúng em đến với người thương phế binh ở quê nhà hiện đang sống chết vì đại dịch.”

Ông Nguyễn Văn Ức, chủ tịch Hội Đồng Đại Diện Tập Thể Chiến Sĩ VNCH Hải Ngoại, cựu phó ngoại vụ của hội thời kỳ bà Hạnh Nhơn làm hội trưởng, cho hay: “Tinh thần cứu trợ thương phế binh và quả phụ VNCH có từ đại nhạc hội kỳ thứ nhất, cho đến kỳ 11, sau biến cố đại dịch đã bị gián đoạn đến nay, giờ tình hình khá hơn, hy vọng đồng hương với lòng yêu mến cựu quân nhân VNCH, đóng góp cho chúng tôi có phương tiện dồi dào hơn, giúp cho những thương phế binh còn kẹt lại ở quê nhà đang sống rất khó khăn.”

“Đại nhạc hội cũng là mục đích giúp các chiến hữu của chúng tôi kém may mắn khi còn kẹt lại nơi quê nhà có cuộc sống an ủi hơn, giúp họ có được tinh thần để sinh tồn chứ về vật chất cũng không đủ vào đâu!” ông Ức tiếp.

Ban tổ chức Đại Nhạc Hội Cám Ơn Anh làm việc. (Hình: Văn Lan/Người Việt)

Đến từ rất sớm, bà Đặng Kim Trang, chủ tịch cộng đồng Việt Nam San Diego, cố vấn Câu Lạc Bộ Hùng Sử Việt, đi cùng ông Nguyễn Văn Lực, cựu quân nhân QLVNCH, chủ tịch Câu Lạc Bộ Hùng Sử Việt San Diego, cho hay: “Chúng tôi về đây tham dự với mục đích rất nhỏ bé là sự tri ân của chúng tôi với các thương phế binh và quả phụ VNCH, đã hy sinh rất nhiều trong cuộc chiến. Xin đại diện cộng đồng Việt Nam San Diego và Câu Lạc Bộ Hùng Sử Việt, đóng góp số tiền $1,300 nhỏ bé này, như tấm lòng tri ân của chúng tôi,” bà Kim Trang nói.

Số tiền được gởi về được cập nhật từng lúc tăng lên, chứng tỏ tấm lòng của người Việt hải ngoại đối với người thương binh tại quê nhà, dù ít dù nhiều vẫn không bao giờ cạn.

Trong khi số tiền ủng hộ tiếp tục tăng lên, Nghị Viên Kimberly Hồ cũng đóng góp $20,000.
Bà nói: “Số tiền $20,000 này là từ ba quỹ, gồm có cha tôi, cố Đại Tá Hồ Sĩ Khải, mẹ tôi bà Phạm Kim Khuê, và tôi. Mọi năm như thường lệ chúng tôi ủng hộ cho chương trình gây quỹ cứu trợ TPB/QP nơi quê nhà. Xin đồng hương giúp một tay cùng cô Hội Trưởng Nguyễn Thanh Thủy đã tiếp nối truyền thống cao đẹp này từ cố Hội Trưởng Nguyễn Thị Hạnh Nhơn.”

Tiếp đến là ông Nguyễn Văn Thiệt, tổng hội trưởng Tổng Hội Cựu SVSQ Võ Bị Quốc Gia, trao ban tổ chức tấm chi phiếu $31,050.

Ông nói: “Thương phế binh VNCH đã bỏ thân xác của họ và sự mất mát của gia đình họ, phần đóng góp của chúng tôi chỉ là hạt muối bỏ biển, mong có thể xoa dịu bớt phần bất hạnh của họ. Sự đóng góp sẽ không chấm dứt ở đây mà còn tiếp tục trong tương lai, ông nói.”

Ca sĩ Hoàng Anh Thư trình bày ca khúc “Người Tình Không Chân Dung.” (Hình: Văn Lan/Người Việt)

Bác Sĩ Thanh Mỹ, trưởng nhóm Hậu Duệ VNCH tại Tampa Bay, Florida, ủng hộ chi phiếu $10,000 và kèm theo bức thư kêu gọi các thế hệ trẻ tiếp tục ủng hộ chương trình Cám Ơn Anh của hội.

Ông Tần Nam, chủ tịch Liên Hội Cựu Chiến Sĩ VNCH Nam California, nói: “Cuộc chiến trôi qua đã 46 năm, chúng ta đã bỏ lại sau lưng hơn 20,000 thương phế binh ở quê nhà, những người chiến sĩ đã hy sinh một phần thân thể để bảo vệ nền tự do dân chủ của VNCH. Họ là những người xây dựng bức tường chận đứng sự xâm lược của Cộng Sản, bảo vệ người dân được sống trong tự do hạnh phúc, nhưng ngày hôm nay họ là những người bị xã hội quên lãng. Họ đã đau khổ và mất mát nhiếu nhất trong cuộc sống, phải vất vả mưu sinh với nhiều thương tật chiến tranh, lê lết trên vỉa hè bán vé số, xin từng bữa cơm để sống qua ngày, trong khi các chiến binh miền Bắc được hưởng đầy đủ các phúc lợi xã hội!”

“Chúng ta nợ họ món nợ rất lớn, mặc dù đã tổ chức 14 kỳ đại nhạc hội để giúp đỡ thương phế binh VNCH. Số tiền chúng ta gởi về cho họ rất khiêm tốn, nhưng cũng nói lên ý nghĩa tinh thần khi chúng ta muốn nói lên sự tri ân họ, luôn nhớ, vinh danh, và giúp đỡ họ, vì họ là những anh hùng, để chúng ta có cuộc sống tốt đẹp hôm nay,” ông Tần Nam chia sẻ.

Phần ca nhạc với các ca sĩ liên tục hát trong chương trình, gây hào hứng cho khán giả.
Ca sĩ Lê Quốc Tuấn, người gắn bó với chương trình Cám Ơn Anh nhiều năm qua, đặc biệt là năm nay rất khó khăn vì tình hình đại dịch, cho hay: “Với tình hình rất khó khăn ở Việt Nam hiện nay, dịch bệnh hoành hành, em không biết nói gì hơn là làm hết sức mình và cầu chúc cho chương trình thành công để giúp các chú bác ở Việt Nam được bình an sức khỏe.”

Ca sĩ Hoàng Anh Thư của Trung Tâm Asia cũng nhiều năm tham gia chương trình đại nhạc hội này, chia sẻ: “Em luôn ủng hộ chương trình này và rất mong mọi người cùng ủng hộ. Trong tình hình dịch bệnh tràn lan tại Việt Nam hiện nay, không chỉ gia đình em mà những người thương binh VNCH cũng lâm vào cảnh khốn cùng. Em rất lo lắng và cầu mong mọi người mau chóng sẽ vượt qua.”

Đông đảo đồng hương tham dự Đại Nhạc Hội Cám Ơn Anh kỳ 14. (Hình: Văn Lan/Người Việt)

“Em xin đóng góp lời ca tiếng hát để kêu gọi mọi người cùng chung tay một lòng ủng hộ, đóng góp cho chương trình Cám Ơn Anh được nhiều kết quả, hầu trợ giúp được nhiều cảnh đời bất hạnh của người thương binh, cô nhi quả phụ VNCH tại quê nhà, họ đã chịu đau thương mất mát quá nhiều!” Hoàng Anh Thư chia sẻ.

Nhạc phẩm “Người Tình Không Chân Dung,” sáng tác Hoàng Trọng, được ca sĩ Hoàng Anh Thư trình bày, da diết như lời người chiến sĩ VNCH dù đã hy sinh cho lý tưởng tự do, vẫn hàng đêm nỉ non bên tiếng thời gian, tiếng mộng mơ của một con người trong lòng đất mẹ, khi những mộng ước chưa thành!

Ca sĩ Gia Huy kêu gọi: “Cuộc sống chúng ta ở đây vẫn hơn gấp trăm lần của các thương binh VNCH, vậy nên chúng ta cùng góp bàn tay để có phần quà góp phần xoa dịu nỗi đau mà các chú, các bác đang ngày đêm chật vật sống còn tại quê nhà, nhất là trong mùa đại dịch này! Mong tất cả đồng hương khắp nơi trên thế giới cùng đóng góp bàn tay!”

Ông Phạm Hợp, người đạo diễn chương trình Cám Ơn Anh trong hai kỳ, cho hay: “Mọi người đều có cảnh khổ, hiện nay ở Mỹ tương đối tạm thời ổn định, nhưng tại Việt Nam dịch bệnh đang bùng phát nặng nề, nhất là ở Sài Gòn. Và người bị thiệt thòi nhất là những người thiếu may mắn, họ là những chiến sĩ VNCH, thân thể bị mất mát, đang bị cô lập khốn khổ không biết sống còn như thế nào!”

“Một chương trình đại nhạc hội phải xứng danh của nó, nhất là để xin tiền hỗ trợ cho người thương binh càng khó khăn hơn khi kêu gọi lòng nhân ái của đồng hương, nhất là trong mùa đại dịch này,” ông nói thêm. “May mắn là Westminster cho phép chúng ta làm chương trình này, trong khi các địa phương khác không thể nào xin được giấy phép mở đại nhạc hội! Xin cám ơn thành phố Westminster, và các vị dân cử trong thành phố hết lòng chung tay với chúng tôi, nhất là Nghị Viên Kimberly Hồ, mới giúp chúng tôi có được giấy phép trước đây một ngày!”

Nghi thức chào quốc quân kỳ trước giờ khai mạc đại nhạc hội. (Hình: Văn Lan/Người Việt)

Chương trình do Linh Mục Vũ Hải Đăng, tuyên úy Không Quân Hoa Kỳ, và MC Đỗ Thanh điều hợp, với sự đóng góp của các ca sĩ khác như Trần Thái Hòa, Mạnh Đình, Thế Sơn, Đặng Thế Luân, Huỳnh Phi Tiển, Đăng Vũ, Johnny Dũng, Nguyễn Khắc Huy, Ngô Khải Anh, Ngọc Châu, Phillip Huy, Diễm Liên, Thanh Trúc, Thanh Lan, Khánh Trân, Bích Vân, Trang Thanh Lan, Diệp Thanh Thanh, Thanh Mai, Đồng Thảo, Hồ Hoàng Yến, Bác Sĩ Bích Liên, cùng ban nhạc MB-Dallas, làm nên một đại nhạc hội rất sôi động.

Chương trình kết thúc với ca khúc “Việt Nam, Việt Nam,” sáng tác Phạm Duy, khi tất cả khán giả ra trước sân khấu phất cờ vỗ tay hòa nhịp cùng nhau. [đ.d.]

Người Việt (30.08.2021)

 ***

 

Bài đọc thêm:

 

‘Long and Kimmy Nguyen Family Foundation’ tặng $200,000 cho thương phế binh VNCH

Từ trái: Nhạc sĩ Nam Lộc, cố Thiếu Tá Nguyễn Thị Hạnh Nhơn, hội trưởng Hội HO Cứu Trợ Thương Phế Binh và Quả Phụ VNCH và nhạc sĩ Trúc Hồ trong “Đại Nhạc Hội Cám Ơn Anh” kỳ 4. (Hình: Huy Phương/Người Việt)

“Long and Kimmy Nguyen Family Foundation,” một tổ chức vô vụ lợi của gia đình gốc Việt, có trụ sở chính tại Reston, tiểu bang Virginia, vừa ngỏ ý muốn trao tặng $200,000 cho các thương phế binh Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa ở Việt Nam.

Ông Nguyễn Long và bà Kimmy Dương, sáng lập viên “Long and Kimmy Nguyen Family Foundation.” (Hình: thekimmyduongfoundation.org)

Nhạc sĩ Nam Lộc, cựu giám đốc di trú và tị nạn thuộc cơ quan USCC, Los Angeles, cho báo Người Việt biết như vậy vào hôm 30 Tháng Tám.

Theo ông Nam Lộc, “Tuần qua, nhân dịp đến Washington DC để vận động cho việc định cư của đồng bào Việt Nam tỵ nạn  tại Thái Lan, ông và phái đoàn có dịp tiếp xúc với các vị sáng lập viên của Long and Kimmy Nguyen Family Foundation. Đây một tổ chức vô vụ lợi với các hoạt động liên quan đến văn hóa, giáo dục, xã hội cũng như hỗ trợ cho các sinh hoạt cộng đồng của người Việt tại hải ngoại.”

Nhạc sĩ Nam Lộc kể tiếp: “Sau khi nghe một số anh chị em thiện nguyện viên trong phái đoàn của chúng tôi trình bày về hoàn cảnh bi thương của đồng bào ở quê nhà đang phải chịu đựng trong mùa đại dịch hiện nay, đặc biệt là các thương phế binh Việt Nam Cộng Hòa, ông Nguyễn Long và bà Kimmy Dương, sáng lập viên tổ chức Long and Kimmy Nguyen Family Foundation, muốn gởi $200,000 về giúp họ.”

Ông nhấn mạnh: “Tôi nhận lời sẽ chuyển số tiền này cho các anh em thương binh một lần này vì tôi cùng ông Nguyễn Long và bà Kimmy Dương hoạt động xã hội trong nhiều lãnh vực lâu rồi chứ đây không phải là công việc của tôi.”

Bà Kimmy Dương nói với phóng viên Người Việt: “Chúng tôi nhờ các thiện nguyện viên nhóm ông Nam Lộc lập danh sách thương phế binh ở Việt Nam vì họ có những mối liên lạc chặt chẽ với những thương phế binh này.”

“Tôi được biết nhóm của ông Nam Lộc có trong tay một danh sách chừng 2,000 hồ sơ nhưng trước tình hình đi lại ở Việt Nam gặp khó khăn vì COVID-19, họ cần phải cập nhật những hồ sơ này.”

“Họ cần khoảng 30 ngày để hoàn tất việc cập nhật hóa,” bà Kimmy nói.

Ông Nam Lộc cho biết: “Danh sách thì rất cập nhật rồi vì có sự tiếp tay của chính những thương phế binh trong nước. Tuy nhiên theo sự giải thích của các văn phòng dịch vụ gởi tiền thì vấn đề đi lại hiện nay để giao tiền gặp rất nhiều khó khăn, nếu không muốn nói là không thực hiện được ở một số địa điểm.”

Ông tiếp: “Cho nên việc quan trọng nhất là phải biết cách thức và địa điểm thích hợp để giao tiền cho họ.”

Bà Kimmy Dương hiểu tình hình cấp bách của những thương phế binh này nên muốn đẩy nhanh công việc này càng sớm càng tốt.

“Chúng tôi muốn gởi biếu 2,000 người, mỗi người $100. Nhưng thay vì đợi danh sách 2,000 người một lúc, chúng tôi giải quyết từng nhóm nhỏ. Thí dụ, nếu có cách để giao tiền cho 10 người thì chúng tôi gởi ngay cho 10 người.”

Bà thêm: “Làm vậy thì hơi lắt nhắt cho chúng tôi vì phải theo dõi số tiền gởi ra cho chính xác. Nhưng người ta đang cần, mình không thể đợi lâu. Chúng tôi chỉ muốn việc khai với Sở Thuế IRS phải hết sức minh bạch.”

Từ phải, ông Nguyễn Long, bà Kimmy Duong và An Nguyễn, sinh viên được học bổng “Long Nguyen and Kimmy Duong Scholarship” năm 2018. (Hình: thekimmyduongfoundation.org)

Đóng góp lớn lao cho xã hội nhưng… “có gì đâu”

Ngoài Long and Kimmy Nguyen Family Foundation, bà Kimmy Dương còn là sáng lập viên của Kimmy Duong Foundation, cũng là một tổ chức vô vụ lợi, thành lập năm 2015.

Kimmy Duong Foundation có nhiều hoạt động liên quan đến văn hóa, giáo dục, y tế, xã hội và từng phát nhiều học bổng hàng năm cho các sinh viên gốc Việt quanh vùng Đông Bắc Hoa Kỳ.

Tổ chức này còn đóng góp nhiều triệu đô la cho các đại học như Montgomery College, University of Maryland, George Mason University,…

Ông Nguyễn Long và bà Kimmy Dương tập trung sự đóng góp xã hội vào hai tiểu bang Maryland và Virginia. Dưới đây là vài thí dụ điển hình.

Năm 2009, hai vợ chồng manh thường quân này đã trao $5 triệu để hỗ trợ các sinh viên kỹ thuật tại Đại Học George Mason University tại Virginia và trường đã đặt tên cho tòa nhà trong phân khoa kỹ thuật là “Long and Kimmy Nguyen” để vinh danh họ, theo báo của George Mason University.

Đến năm 2020, hai ông bà lại tặng “Nguyen and Kimmy Duong Student Services Center” cho đại học cộng đồng Montgomery College tại Maryland, theo báo Montgomery College viết.

Còn theo College Funding Group, từ năm 2017 đến giờ, chương trình học bổng “Long Nguyen and Kimmy Duong Scholarship Program” đã hỗ trợ cho 30 sinh viên gốc Việt và vẫn đang tìm kiếm thêm để giúp đỡ những sinh viên khác.

Các sinh viên được học bổng này phải có các tiêu chuẩn như: “Thành tích học tập xuất sắc. Tiềm năng lãnh đạo mạnh mẽ. Thành tích về việc phục vụ cộng đồng người Việt và người Mỹ. Tự hào về văn hóa và di sản Việt Nam và niềm đam mê áp dụng nền tảng học thuật của họ để tạo ra một thế giới tốt đẹp hơn, cả ở Hoa Kỳ và Việt Nam.”

Bà Kimmy bày tỏ: “Lúc đầu, chúng tôi muốn giúp học bổng cho các em sinh viên gốc Việt, nhưng dạo gần đây, chúng tôi mở rộng chương trình để bao gồm các sắc tộc khác.”

Bà cười: “Không phải chỉ có người gốc Việt mới cần giúp đỡ. Tôi nghĩ, chúng tôi nên giúp đỡ tất cả những ai xứng đáng.”

Trong suốt thời gian đại dịch, Kimmy Foundation từng giúp nhiều gia đình hay cá nhân nghèo từ $500 đến $1,000 với tổng số là 20 gia đình mỗi tháng, theo “PR.com.”

Không thích nói về những đóng góp lớn lao của mình trong nhiều lãnh vực khác nhau tại Maryland và Virginia, bà Kimmy chỉ cho việc làm của vợ chồng bà là “có gì đâu!”

Giúp thương phế binh từ lâu

Hôm Chủ Nhật, 29 Tháng Tám, Đại Nhạc Hội “Cám Ơn Anh Người Thương Binh VNCH Kỳ 14” do  Hội HO Cứu Trợ Thương Phế Binh và Quả Phụ VNCH tổ chức tại Westminster Mall, thành phố Westminster, miền Nam California, thu được $206,116.50, tính đến 6 giờ chiều, giờ California, theo ban tổ chức cho biết.

Như vậy, với sự đóng góp của “Long and Kimmy Nguyen Family Foundation” các thương phế binh ở Việt Nam có thêm $200,000 nữa.

Riêng nhạc sĩ Nam Lộc, từ năm 2006, ông nhận lời cộng tác với cựu Thiếu Tá Nguyễn Thị Hạnh Nhơn, hội trưởng Hội HO Cứu Trợ Thương Phế Binh và Quả Phụ VNCH để tổ chức “Đại Nhạc Hội Cám Ơn Anh” kỳ đầu tiên kéo dài đến năm 2017 khi bà Hạnh Nhơn qua đời.

“Đại Nhạc Hội Cám Ơn Anh kỳ 10 là lần cuối tôi cộng tác với bà Hạnh Nhơn,” ông Nam Lộc nói. “Nhưng sau đó tôi còn làm thêm kỳ 11 trước khi xin nghỉ.”

Trong khoảng thời gian ông Nam Lộc cộng tác với bà Hạnh Nhơn, “Đại Nhạc Hội Cám Ơn Anh” thu được khoảng hơn $8.5 triệu và giúp được 63,000 gia đình thương phế binh và quả phụ VNCH.

Ông Nam Lộc kêu gọi: “Những ai muốn giúp anh em thương phế binh ở Việt Nam, xin  gởi ngân phiếu  về: Hội HO Cứu Trợ Thương Phế Binh và Quả Phụ VNCH, P.O Box 25554, Santa Ana, CA 92799.”

Theo Người Việt (01.09.2021)