Seite auswählen

„Trung cộng là đối thủ cạnh tranh số một của Mỹ, ở khu vực, đây là điều ai cũng biết. Tam giác quan hệ Việt-Mỹ-Trung được hình thành dựa trên nhiều yếu tố, lịch sử có, địa lý có, chiến lược có, và một trong những yếu tố chiến lược khá quan trọng là niềm tin.“

Nguyễn Thế Phương

 

Chuyến thăm của Phó Tổng thống Mỹ Kamara Harris tới Việt Nam được đánh giá là một phần trong nỗ lực nhằm thắt chặt hơn nữa mối quan hệ đối tác toàn diện giữa hai nước, và tạo đà để nâng “chất” quan hệ trong tương lai.

Quan trọng hơn hết, chuyên thăm này thể hiện rằng “lòng tin chiến lược” giữa hai quốc gia đang ngày càng được củng cố và tăng cường. Mỹ đang thực lòng mong muốn Việt Nam bớt khắt khe hơn và xem Mỹ như là một người bạn thực chất.

Những chuyến viếng thăm dồn dập của các quan chức cấp cao trong chính quyền mới của Mỹ, từ Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin cho tới bà Phó Tổng thống, là minh chứng cho thấy nước này coi Việt Nam là một trong những đối tác rất quan trọng ở khu vực.

Điều này được minh chứng rõ nét thông qua bản Hướng dẫn Chiến lược An ninh Quốc gia Tạm thời được Washington công bố vào tháng 3, khi Singapore và Việt Nam là hai quốc gia Đông Nam Á duy nhất được xướng tên.

Phía Mỹ có lẽ cũng cảm nhận được tầm quan trọng của mình trong chính sách đối ngoại Việt Nam. Bởi ngay cả khi phải “oằn mình” chống lại đợt “tấn công” nghiêm trọng nhất từ trước tới nay của Covid, thì các quan chức Mỹ vẫn nhận được sự chào đón hết sức trọng thị từ giới chức Việt Nam. Ngay cả trong lúc khó khăn, Việt Nam vẫn giành thời gian và nguồn lực để đón tiếp các nhân vật quan trọng từ đất nước phía bên kia bán cầu.

Mặc dù vấn đề an ninh nói chung và Biển Đông nói riêng đóng vai trò quan trọng trong chương trình nghị sự, cả hai bên đều không muốn tạo một ấn tượng rằng đây là một mối quan hệ nhằm chống lại một nước thứ ba. Thông cáo báo chí sau chuyến thăm của bà phó tổng thống cho thấy rõ quan hệ đối tác toàn diện Việt-Mỹ là mối quan hệ trải dài trên khắp mọi lĩnh vực, từ y tế cho tới giáo dục, từ phát triển bền vững cho tới khám phá không gian, từ giảm thiểu tác động của chiến tranh cho tới tăng cường kinh tế, thương mại.

Chuyến thăm còn là dịp để hai bên tìm hiểu những điều còn bất đồng đề có thể từ từ tháo gỡ, tiến tới nâng chất quan hệ trong tương lai. Niềm tin trong một mối quan hệ song phương không phải là thứ tự nhiên mà có, nó cần được vun đắp theo thời gian, và cần được chứng minh qua thực tế.

Quan hệ Việt-Mỹ là đa chiều. Nhưng xét từ góc độ chiến lược, mối quan hệ đó nằm trong tổng thể bức tranh chiến lược lớn hơn. Trung cộng là đối thủ cạnh tranh số một của Mỹ, ở khu vực, đây là điều ai cũng biết. Tam giác quan hệ Việt-Mỹ-Trung được hình thành dựa trên nhiều yếu tố, lịch sử có, địa lý có, chiến lược có, và một trong những yếu tố chiến lược khá quan trọng là niềm tin.

Đối với Việt Nam, niềm tin trong quan hệ song phương được thể hiện qua một số thuật ngữ mà chúng ta tương đối quen thuộc: đối tác, đối tác chiến lược, đối tác toàn diện, và cả đối tượng.

 

Trung cộng, đối tác chiến lược toàn diện của Việt Nam, rõ ràng không muốn Việt Nam xích lại quá gần Mỹ.

Có nhiều cách thức để Trung cộng có thể tăng cường vị thế và đối đầu với Mỹ, mà một trong những cách thức đó là chiến lược gây chia rẽ. Vũ Xuân Khang từ Đại học Boston trong một bài viết đăng trên The Diplomat đã nhấn mạnh rằng Bắc Kinh mong muốn tạo ra sự chia rẽ giữa Mỹ vời các đồng minh và đối tác, trong đó chắc chắn có Việt Nam, nhằm làm suy yếu hệ thống khu vực do Mỹ dẫn dắt.

Truyền thông và giới học giả Trung cộng thường đưa ra mấy lập luận sau.

Thứ nhất, họ cho rằng tranh chấp lãnh hải giữa hai bên chỉ là một vấn đề nhỏ trong tổng thể bức tranh lớn hơn, và không nên để vấn đề này làm tổn hại tới quan hệ vốn tổng thể là tốt đẹp.

Thứ hai, Trung cộng luôn muốn thuyết phục Việt Nam rằng các tranh chấp trên biển là tranh chấp song phương. Hai nước có thể giải quyết các tranh chấp kiểu này một cách hoà bình và không cần phải lôi kéo bất cứ nước nào vào “câu chuyện cãi vã nhỏ nhặt này”.

Thứ ba, Trung cộng nhấn mạnh vào các giá trị chung giữa hai đảng cầm quyền, và khuyên Việt Nam cẩn thận trước các mưu đồ chính trị từ Mỹ. Thông qua giới học giả và truyền thông, Bắc Kinh nhấn mạnh tới sự “nguy hiểm” và “hai mặt” của Washington. Thông điệp cuối cùng hết sức rõ ràng: hãy giữ tính trung lập vốn có và đừng “ngả” về phía Mỹ quá nhiều.

Bắc Kinh đã và đang tích cực truyền tải những thông điệp nêu trên qua con đường mạng xã hội, trong bối cảnh đây là một kênh thông tin hiệu quả đối với công chúng Việt Nam.

Các kênh Facebook của đại sứ quán và lãnh sự quán Trung cộng hoạt động rất tích cực trong khoảng thời gian mấy năm trở lại đây, đặc biệt khi xu hướng ngoại giao “chiến lang” của nước này đang ngày càng trở nên phổ biến.

Chưa rõ liệu chiến thuật này có thực sự mang lại hiệu quả hay không, nhưng về mặt truyền thông đại chúng, nỗ lực của Trung cộng đang mang lại tác dụng ngược. Nhà báo Lương Nguyễn An Điền mới đây có một bài viết hết sức thú vị so sánh việc sử dụng mạng xã hội của các cơ quan ngoại giao Trung cộng và Mỹ ở Việt Nam, và rút ra một kết luận rằng thông điệp mà nước Mỹ truyền tải tới công chúng Việt Nam tạo ra phản ứng tích cực hơn rất nhiều so với Trung cộng.

 

Người Mỹ chia sẻ một thứ nội dung đa chiều, đa lĩnh vực, mềm mại và khéo léo hơn rất nhiều so với những gì mà chúng ta được thấy từ “những con sói chiến” của Trung cộng: hiếu chiến, kệch cỡm, bề trên và hung hăng.

Để có được thứ gọi là lòng tin, cần phải hiểu nhau và tôn trọng lẫn nhau. Nước Mỹ đã cố gắng làm điều đó ở cả hai chiều kích, từ trên xuống thông qua các chuyến thăm cấp cao, và từ dưới lên qua các thông điệp được gửi đi trên mạng xã hội. Cưỡng ép và doạ nạt rõ ràng không phải là hành động xây dựng lòng tin hiệu quả, dù là trên biển hay trên facebook.

 

Nguyễn Thế Phương (04.09.2021)

Nghiên cứu Việt – Mỹ