Seite auswählen
VNTB  – Trẻ  “mồ côi” Việt Nam đi du học ở Đức

Nguỵ Hữu Tâm

 

(VNTB) – Các bạn Đoàn Moritzburg đi trước hầu hết con em các bộ cao cấp về chính trị, thậm chí con em ủy viên TW Đảng, phần lớn bố mẹ thuộc cấp vụ, cao hơn như ba tôi thứ trưởng, phần lớn con em trí thức: giáo sư, bác sĩ, văn nghệ sĩ…

 

Nhân đây cũng nhắc lại chuyện ở Algeria mà bài trước tôi quên kể. Theo tôi biết, số các giáo viên-chuyên gia Việt Nam chết ở đó có đến cả chục người mà đều bởi chuyện tình cả, duy nhất trừ thầy Huỳnh Sum đã từng dạy Đại số cho bọn tôi ở ĐHTHHN, là người đầu tiên. Thầy vốn mắt kém mà phải đi dạy sớm, ở đấy họ quen phóng nhanh vì đường tốt, ít xe, nhưng sáng sớm ven biển nhiều sương mù, nên là người đầu tiên chết, do bị xe cán (mà qua bài này tôi xin thắp một nén nhang để tưởng nhớ thầy). 

Còn hầu hết đều do bị chồng vì ghen mà giết rồi dựng hiện trường giả như tự tử, chẳng hạn treo cổ trong rừng. Algeria thời nội chiến, ai hơi sức đâu tìm hiểu kỹ? Chuyện rùng rợn nhất xảy ra năm 1995 khi tôi mới về nước, có đến dự lễ truy điệu, nghe một anh bạn giải thích rằng, gia đình cứ nói tránh là ông ta đi ra đại diện văn phòng Air Algeria tại thành phố mua vé về nước thì bị FIS bắn chết, chứ thực ra ông này không sòng phẳng với gia đình nữ sinh viên về tiền nong đền bù nên bị họ công khai giết giữa đường phố. Thầy giáo thế thì ôi quá, nhất là vị này đã quá tuổi hưu lâu rồi, nguyên bí thư chi bộ đảng đơn vị. 

Về thời gian hơn 4 năm tại Trung Quốc còn phải kể thêm vì sao tôi (và các em) kém tiếng Việt thế. Số là khi sang đến Tâm Hư, do điều kiện sinh hoạt vật chất quá kém nên mẹ tôi mắc ngay bệnh lao, phải nhờ bác sỹ Nguyễn Tấn  Di Trọng là bạn thân cha tôi, mẹ tôi mới qua khỏi, thế nhưng từ đó mẹ tôi phải liên tục đi khám lại, nhất là sau này về lại Hà Nội thì lên Viện Lao TW, nên rất ngại tiếp xúc thân mật với con cái và có thể còn cả với mọi người cũng nên. Cứ xem bệnh phổi nguy hiểm thế nào, thì ngày hôm nay với dịch cúm Tàu, bạn đọc sẽ hiểu ngay. Thời nhỏ khi đã biết nhiều thì tôi chỉ sống một năm với gia đình mà, còn toàn sống tập thể. Trong giờ Văn ở Maxim-Gorki-Heim, CHDC Đức, khi  phải nói về tính cách nam giới  mà tôi lại dùng từ „đanh đá“ nên thầy Phan Bình mắng ngay nên cho đến bây giờ, sau 65 năm, tôi vẫn nhớ.

Cũng phải nói thời ấy, ngay sang Đức chúng tôi vẫn giữ nếp cũ là các lớp học đều phân biệt giới tính. Thời gian này tôi có 4 người bạn mà hai là Nguyễn Lưu, anh Toán, tôi Lý ở ĐHTH, Võ Đắc Bằng mà ở bài trước tôi có nhắc, sau này vẫn khá thường xuyên tiếp xúc còn Đinh Việt Hào, nguyên Giám đốc VTV SG, con cụ Đinh Văn Hớn, kỹ sư công chính, tốt nghiệp ở Pháp năm 1932, sau 1945 ra HN làm cho cho phủ  VNDCCH rồi cả gia đình sang Khu học xá cùng gia đình tôi, chỉ nghe nhắc tên và vẫn có mối liên hệ, mà chưa gặp lại được và Hoàng Ngọc Cường, tuy sau tôi 2 tuổi và sau này có hoàn cảnh hoàn toàn khác, học ĐHSP chứ không ĐHTH, nhưng vẫn rất thân, con GS Hoàng Ngọc Cang, bạn thân cha tôi từ khi ở Pháp và dạy Hóa, sau này cũng dạy Hóa ĐHSP, ba gia đình này rất thân nhau. 

Cuối năm 1954, từ Nam Ninh gia đình chúng tôi về lại Hà Nội, cô em cùng cha tôi về ngay sau giải phóng Thủ đô vì ông phải chuẩn bị xây dựng trường ĐHTHHN, tôi và mẹ về đầu năm 1955 vì còn phải thu dọn nhà cửa. Mẹ tôi cùng cô em lúc đầu ở trên Phạm Hồng Thái với ông bà ngoại tôi vì diện tích rộng có nhà trước nhà sau mà gia đình các cậu vô Nam hết, còn cha tôi với tôi ở Nguyễn Huy Tự (cho đến nay). Nhà này và nhà cạnh vốn cùng một chủ, mà theo tôi biết chủ hay con cái họ vẫn sống ở Phố Hàng Bài, nên có cùng diện tích trên 400m2 và thiết kế tương tự nhau, vốn được Cụ Hồ giao cho hai giáo sư mới được nhà nước phong là Đặng Thai Mai và cha tôi.

Cha tôi có cái xe Moscơvit kiểu cũ hết sức nhỏ, trông rất quái đản do ông Đoàn Hợi lái. Ba tôi, vì theo thể chế này là giáo sư tột ngạch có xe riêng, nên lúc đương chức luôn có xe riêng kèm người lái nên qua nhiều đời lái xe, cụ Hợi lúc đầu (trước giải phóng Thủ đô) làm nhân viên phòng thí nghiệm sau này không lái xe được nữa lại trở lại làm phòng thí nghiệm và có lên sơ tán với khoa Lý ĐHTHHN, rất thân thiết với chúng tôi, có chị con gái sau là thông gia với cô em tôi và cậu con làm TS ở Anh rồi về ETH Zurich, tôi có nhắc ở bài trước, còn cậu em là Đoàn Dũng tuổi cùng cậu em út tôi, sau đi học và làm TS ở Séc, trước về hưu làm Q. Giám đốc Trung tâm Thông tin khi PGS Mai Hà (có nhắc ở bài trước).

Dũng có kỷ niệm hay với tôi, số là tôi có được học nhạc nghiêm chỉnh ở CHDC Đức thời nhỏ, đầu tiên học đàn gió, sau thầy giáo bảo, ký túc xá nơi chúng tôi ở đang có cây dương cầm tốt, nên tội gì không học nên tôi cũng có học dương cầm hai năm. Cho nên khi sơ tán trên Thái Nguyên, tôi được phân công phụ trách văn nghệ khoa và cũng có sáng tác cho đội văn nghệ khoa hát, tôi có mang theo cây đàn gió từ Đức về nên hỗ trợ việc này rất tốt, nhất là bọn trẻ con, con em trong khoa, mà em tôi và Dũng là chủ lực cho đội văn nghệ tý hon ấy. Gần đây trong một buổi họp mặt gia đình, Dũng còn nhớ và một hát lại bài đó mà tôi sáng tác dành cho bọn trẻ con, làm tất cả mọi người đều ngỡ ngàng, dù bản thân tôi hoàn toàn quên (xin mở ngoặc Dũng lấy em gái kịch gia nổi tiếng  Lưu Quang Vũ). 

Nhưng cái gọi là „ham thích“ hay sang trọng là năng khiếu văn học, ngoài thừa hưởng của ông ngoại, hay chính vì thế, mà khi, sau này mẹ và em tôi cũng về ở cùng cha con chúng tôi, các chủ nhật đều đi xe đạp lên thăm ông bà ngoại trên Phố Phạm Hồng Thái. Kỷ niệm về văn học của tôi ở Phạm Hồng Thái phải kể, tôi chăm đọc Sách Hồng cho trẻ con và những truyện ma ly kỳ, rùng rợn của Phạm Cao Củng (cùng họ ngoại tôi, bà ngoại tôi tên là Phạm Thị Tảo mà) đầy trên tủ sách ông ngoại tôi, GS Nguyễn Đình Phong. Cuốn sách đặc biệt gây ấn tượng cho tôi là cuốn rất nhỏ với truyện ngắn „Một ngày đến thủ đô“ của Trần Đăng, vì đó cũng là những cảm xúc của tôi khi từ Nam Ninh (khi đó còn cực kỳ nghèo nàn, lạc hậu) về lại Hà Nội vào những ngày mưa phùn gió Bấc với cái rét căm căm, đến chốn đô thị phồn hoa giàu có, sang trọng. Và đó cũng là cảm giác của tôi, vốn sống ở phố cổ, khi lạc đến những khu phố sang trọng đang xây gần đây xung quanh Hà Nội cho người giàu. Quan điểm của tôi, không phải số tác phẩm mà chất lượng nó đánh giá tài năng của nhà văn. Về điều này thì Nam Cao, hay thậm chí Nguyễn Tuân, Nguyễn Đình Thi…chỉ có…xách dép chạy dài trước Trần Đăng.  

Về mặt học tập thì thời gian một năm rưỡi này tôi vào học Trường Phổ thông Ba là trường phổ thông trung học, dành riêng cho con em cán bộ mới tiếp quản Thủ đô, nay tọa lạc tại Phố Lý Thường Kiệt, vốn là trường dòng cũ nên rất rộng rãi, khang trang, có đến 3 cổng ra mặt phố là cả Quang Trung lẫn Hàng Bông Nhuộm nữa. Cũng phải nhắc lại hai tháng đầu khi cơ sở này chưa chuẩn bị kịp, chúng tôi còn phải tạm học ít tháng tại cơ sở Hàng Bông Nhuộm, đối diện với Sở Giáo Dục Hà Nội, cũng khá to nhưng dĩ nhiên không thể so với cơ sở Phố Lý Thường Kiệt được. Đáng tiếc tôi chỉ học có một năm ở lớp 5G trường này nên ấn tượng chẳng được sắc nét cho lắm, nên ở đây không nhắc lại, dù thi thoảng có dự họp lớp.

Nhưng đặc biệt nên nhắc đến thầy Võ Quang Hưng, sau này cũng đi Đức Moritzburg dạy Sinh học, và các bạn Nguyễn Nguyên Hy 5H sau này học Lý ĐHTHHN, dù trên tôi ba năm, nhưng rất thân thiết vì sau khi dạy vài năm ở ĐHTHHN, đi làm TS ở Minsk xong về công tác khá nhiều năm ở VHN Đà Lạt và VVL, rồi hiện nay cùng nhau dịch và viết những cuốn sách có ý nghĩa, dù khó bán, cho NXB Tri Thức do anh bạn, đồng nghiệp VVL Chu Hảo nguyên làm giám đốc, và các bạn sau này cũng đi Đức thuộc về Nhóm Moritzburg học sinh chúng tôi là Lê Huy Văn, 5H, , Ngô Thư, 5G, Hoàng Cương 5G, Phạm Ngọc Hân 5G, Lê Đăng Doanh, Nguyễn Lương Đĩnh, lớp 6 (sẽ nói kỹ ở dưới); các bạn nữ Bích Vân, Xuân Lý, Quang Diệu, Kim Ba, Thanh Mai, Thúy Phương (sau lấy anh Trọng Yêm trở thành con dâu Cụ Xuân Thủy) và Nhữ Ngọc Khanh (con gái BS Nhữ Thế Bảo nổi tiếng và là con dâu nhà văn Nguyễn Tuân) ở các lớp 5A, B, C.

Về bạn Thúy Phương xinh nhất hội, dĩ nhiên từ giác độ của tôi thì ngang ngửa với Nam Phương hoàng hậu – vì thế cha mẹ đặt tên Thúy Phương hay sao – có kỷ niệm rất hay xin mở ngoặc, chẳng sợ anh Yêm ghen mà còn tự hào nữa kia. Các hè ở Maxim Gorki Heim, trường tổ chức đi thực tế  ở Hợp tác xã Rüsseina, xa Dresden, chúng tôi phải đi tàu hỏa và ở đó cả tuần. Hai lớp 7 đi chung vì toán 9 chúng tôi cô Tea Reinhardt, dạy tiếng Đức, là giáo viên phụ trách lớp, toán 4 là thầy Werner Reinhardt, dạy Toán, chồng cô.

Buổi trưa ăn bánh mỳ thôi vì đang nhổ củ cải đường ngoài ruộng mà, tối mới ăn đồ nóng nghiêm chỉnh, nên phải gọt khoai tây dưới hầm tối rồi đưa lên nhà bếp, việc này phải do nam nữ làm chung (thế nhưng tuổi này lắm chuyện lắm, chuyện thời ấy đã nổi tiếng toàn trường rồi về bạn T Tấn H. – sau này làm đại diện cho hãng Hàng không CHDC Đức Interflug ở Việt Nam nên giàu nứt đổ đổ vách, vì thế phải ngồi tù hàng năm – báo ốm để nằm hàng tuần ở trạm xá trường vốn có cô y tá Margarette xinh đẹp). Bởi vậy thầy cô chọn tôi, thằng bé nhất lớp, và Thúy Phương. Tôi sướng cứ như điên, có lặp lại chuyện buổi tối ở chuyến đi xem phim ở Tâm Hư chăng. Thế nhưng dưới hầm ở Đức đèn sáng như ban ngày làm gì có thể có chuyện đó được, và nàng không thèm chấp, trai mới 15 tuổi mà nữ đã 18 thì cứ như chị em, hãy câm mồm lại còn muốn thì hát bài „Lá Diêu bông“ của Hoàng Cầm đi. Sau này cứ gặp Thúy Phương là tôi lại nhắc chuyện cũ…

Hết hè, chuẩn bị vào năm học mới, cha tôi bỗng bảo: „Con có muốn sang Đức học không?“ Sướng quá còn gì! Thế là chúng tôi tập trung ở trường Chu Văn An lúc ấy đang nghỉ hè trống trơn, coi đấy như ký túc xá để ăn ngủ, học và làm công tác chuẩn bị tại đấy luôn, để sẵn sàng lên đường. Về lớp học sinh duy nhất ở CHDC Đức thường được gọi là Moritzburg này gồm 350 người do sáng kiến của Wilhelm Pieck, Chủ tịch nước CHDC Đức thời đó, mời trẻ em mồ côi Việt Nam sang tiếp quản hai trường là trường Moritzburg, tại thị trấn Moritzburg cách thành phố Dresden 16 km và trường Maxim Gorki Heim ở ngay Quận 4 thành phố Dresden, nơi vốn dành cho trẻ em mồ côi Triều Tiên, ngay sau chiến tranh Triều Tiên 1950-1953, đến học, nhưng nay bọn này đã lớn và đã đi học nghề hay học trung học ở nơi khác, nên đang bỏ trống. 

Đoàn Moritzburg gồm 150 em đi năm 1955, còn đoàn Maxim Gorki Heim là đoàn chúng tôi đi sau, năm 1956, nhưng nay gọi chung là học sinh Moritzburg vì đến 1962 thì Bộ Giáo dục Việt Nam thay đổi ý kiến, quyết định rằng, cho tất cả những em trên 15 tuổi ở 2 trường đều  đi học nghề cả, bởi lẽ sợ các em khi lớn lên sẽ thành người Đức hết và không trở về nữa. Điều này hoàn toàn khác với những đoàn học sinh Việt Nam sang Liên Xô khi trước đều học tiếp đại học như các bạn tôi Võ Hồng Anh  hay Võ Đắc Bằng mà tôi có nhắc ở bài trước. Nói thế nghe có vẻ như ghen tức với nhóm đi Liên Xô quá, nhưng thực tế là vậy. 

Thế cho nên sau này không có sự phân biệt giữa hai nhóm, nhưng trước đó ở Bộ Giáo dục thì có sự phân biệt đó. Các bạn Đoàn Moritzburg đi trước hầu hết con em các bộ cao cấp về chính trị, thậm chí con em ủy viên TW Đảng mà bọn tôi đi sau không có, phần lớn bố mẹ thuộc cấp vụ, cao hơn như ba tôi thứ trưởng, phần lớn con em trí thức: giáo sư, bác sĩ, văn nghệ sĩ… ngay ở toán 9 tôi đã thể hiện rõ. Đoàn Moritzburg còn có hai bạn do thành tích cá nhân  mà được đi, vốn là du kích trong cuộc chiến chống Pháp, đó là bạn Tú mà sau này trong giới hướng dẫn viên tiếng Đức bọn tôi gọi đùa là „Tú đảng viên“ vì anh này ghét đảng ra mặt.

Còn anh nữa còn nổi tiếng hơn là anh Chu Khước, trong kháng chiến chống Mỹ được gọi đi bộ đội ngay nên có dịp „chiêu hồi“. Tôi nghe nói anh được đưa lên máy bay trực thăng để gọi bộ đội ta „chiêu hồi“. Anh đi Mỹ rất sớm, với tài năng đó, lại làm trong ngành ngân hàng, nơi „in tiền“ mà, nên gần đây vẫn thường xuyên về lại Việt Nam. Anh Phạm Công, mà tôi kể trong bài trước được anh An Khang khen là giỏi nhất lứa Moritzburg, kể anh Khước mời đi ăn nhà hàng rồi bảo, sang Mỹ cứ gọi anh, anh sẽ tiếp đón trọng thị, đáng tiếc là Công chưa có dịp sang Mỹ để thực hiện lời chào mời đó nơi bạn. 

Quay trở lại với Đoàn Maxim Gorki Heim. Đầu hè 1956,  198 người chúng tôi, tuổi giữa 10 và 15, lớp 1 đến 6, với 8 thầy cô, tụ tập tại trường Chu Văn An. Chia thành 9 toán (theo lớp học), 4 toán đầu gồm nữ, toán 9 chúng tôi gồm 21 người lớp 5 và 6, có anh Nhuận sang được một năm phạm kỷ luật bị đuổi về nước (tôi không biết cụ thể nhưng tính cách thì đáng nói lắm, tối đến cứ 9h30 phải lên giường thì thầy hay cô Đức ghé chào „Gute Nacht, schlaft gut-chúc ngủ ngon“, rồi tắt đèn, thì Nhuận ta nhảy cẫng lên bật đèn rồi, vì khi đi ngủ ở Đức người ta không mặc gì cho thoải mái hay cùng lắm là Nachthemd-áo ngủ dài đến chân như măng-tô nhưng bằng vải mỏng, ghé từng giường rồi tốc áo lên khoe „của quý“, bảo „tao đang đánh ping-poong đây“!), sau này hoàn toàn mất liên lạc, nên chỉ còn lại 20 người.

Cho đến nay đã có 4 ra đi, Nhuận mất liên hệ, chứ 14 người còn lại vẫn liên lạc với nhau. Chỉ có anh Thọ sang thăm con ở Thụy Sĩ và Đức kẹt dịch covid hai năm nay chưa về lại Việt Nam. Hai tháng học chính trị oải người, từ bé thế mà đã được „tẩy não“ rồi, nhất là Bộ mời các vị hoạt ngôn giảng, nhưng nay xem lại nhật ký thì thấy nó ngô nghê làm sao, may quá sang Đức sẽ là một thế giới hoàn toàn khác. Cũng may là thời gian này Bộ có tổ chức cho chúng tôi đi tham quan đây đó trong Hà Nội, tập múa hát là điều mà Phổ thông Ba chưa làm được, gặp mặt đại diện lãnh đạo, đại sứ quán Đức, dự chiêu đãi và xem phim.

Thế rồi ngày lên đường cũng đến, ngày 10 tháng 9. Chúng tôi lên tàu hỏa ở ga Hàng Cỏ thực hiện chuyến đi transsiberia từ đây, qua Trung Quốc, rồi sang tới Dresden. Nay hành trình này mất hai tuần, mà các bạn tôi vừa thực hiện năm 2005 kỷ niệm 50 năm sang Đức do phía bạn mời. Chúng tôi ghé ở Vũ Hán (nay nổi tiếng thế, cá nhân tôi ghé 5 lần) nghỉ ngơi một ngày, tắm rửa, rồi Bắc Kinh nữa. Dừng ở Novosibiers và Moscow để nghỉ ngơi một ngày, tắm rửa nữa. Những rừng bạch dương, cảnh tuyết đầy trời đất và nhà gỗ đơn lẻ, các thành phố Nga, hồ Baical lần đầu tiên trải nghiệm với bọn chúng tôi là quí giá đến thế nào xin miễn bàn. Ăn uống thì miễn chê, tàu liên vận mà, có bạn lên đến 7 kg, Việt Nam sau chiến tranh 2 năm mới thế. 

Tàu đến Brest-Litovsk ngày 29, biên giới Liên Xô-Ba Lan để đổi bánh (tàu Nga khổ rộng hơn khổ quốc tế 1,4m) thì có các thầy cô Đức ra đón. Các thầy cô cũng đã chuẩn bị quần áo ấm cho chúng tôi vì trời đã vào thu. Ở tuổi 12, may quá, tôi bắt đầu được biết thế nào là những tính tổ chức, kỷ luật, chu đáo, đúng giờ của người Đức hay của tác phong công nghiệp nói chung, nhưng ở người Đức là đặc biệt rõ. Thế là chúng tôi thực hiện chuyến đi 19 ngày chứ không hai tuần như thông lệ ở chuyến đi xuyên hai lục địa Á-Âu.  

Nhắc đến Maxim Gorki Heim, có lẽ xin chỉ nói riêng về toán 9, cho 21 người thay vì 198 chắc cũng đã là đủ. Trước hết hãy nói về 6 bạn đã ra đi: 

Phạm Ngọc Hân, người bạn con liệt sĩ trầm lặng, lúc học ở lớp không giỏi, ngồi cạnh bạn Doanh để được giúp đỡ, thế nhưng bởi lẽ đó mà nỗ lực vượt lên số phận, học nghề máy nổ ở thành phố công nghiệp Magdeburg rồi tiếp tục học đại học và làm luôn TS ở TH Otto von Guericke, còn trước cả Nguyễn Thiện Nhân, người chỉ làm TS „chui-hàm thụ“ vì, vốn chính thức  thì anh ta đang làm nhân viên Đại sứ quán CHMNVN tại (Đông) Berlin, chưa đi dạy một giờ mà vẫn được phong GS để đề bạt Bộ trưởng Giáo dục! Cũng nhân đây nhắc chuyện cô giáo Trần Thị Thơ, giáo viên tiếng Anh ở đại học Duy Tân (ôi quá đi thôi, cái tên Duy Tân) Đà Nẵng vừa bị nhà trường sa thải, mà có lẽ lỗi không phải của trường, mà là của cái thể chế công an trị này cơ, khi Thủ tướng là ông trung tướng công an, oai quá!

Nhưng Thủ tướng mà chẳng thực quyền, quyền ở tay TBT NPT cơ, nhà nước độc tài toàn trị mà, ngay khi nước sôi lửa bỏng cũng không thay đổi, làm sao khác được, có mong ngày tối nay Phó Tổng thống Kamala Harris sang thăm Việt Nam giải thoát cho các anh Trần Huỳnh Duy Thức, chị Phạm Đoan Trang, nhóm anh Phạm Chí Dũng và những tù nhân lương tâm khác, chứ việc sát sườn của chính người Việt Nam thì người Mỹ nào giúp được, họ lo cho địa chính trị và bản thân họ trước đã chứ, hãy so sánh SG hôm trước và Kabul hôm nay!…

Ngành Giáo dục chẳng cần hồi đó (những năm đầu thiên niên kỷ khi NTN phụ trách) mới hỏng, mà nó bắt đầu hỏng từ 1951 khi Cụ Hồ đi „ôm chân“ Xít và Mao, đúng 70 năm rồi. Còn ngay bây giờ, giả dụ như nếu cho những người cầm chịch đất nước có muốn bắt đầu sửa sai thì cũng còn mệt mới sửa được. Bạn Hân khiêm tốn nên suốt đời chỉ làm cầu nối khoa học kỹ thuật Việt-Đức mà thôi, chứ đâu leo được lên đến BCT BCHTW. 

Bạn Phạm Đức Chí, con một sĩ quan cao cấp, học kỹ thuật ở Đức về tham gia quân đội, chết bệnh nhưng tôi không rõ, nay thời đại thông tin, hỏi anh bạn thì anh trả lời ngay qua zalo „Tôi vừa hỏi Châu con trai của Chí: -Chí mất ngày 23/3/1978. Vì lao màng não . Trước đó làm ở TCTY Du lịch. Nguyễn Miễn, con Cụ Nguyễn Kiệm, nguyên bí thư thành ủy SG thời bí mật. Anh cũng từng làm đoàn trưởng Đoàn học sinh Maxim Gorki Heim, sau khi học kỹ thuật ở Đức về, anh tham gia xây dựng nhà máy thủy tinh Hải Phòng, rồi 1975 sau giải phóng về lại SG tham gia vực lại nền kinh tế sau chiến tranh. Nguyễn Văn Đoan, cũng con một sĩ quan cao cấp, sau khi học đại học kinh tế ở Đức thì ở lại Sứ quán tại Berlin làm tham tán Thương mại, về nước bị trọng bệnh nên mất sớm.

Phạm Vũ Thái, con một sĩ quan cao cấp quân đội, tuy học bình thường nhưng hành nghề in nên sau khi học đại học kinh tế ở Berlin về làm Trưởng phòng kỹ thuật NXB Thế giới, có những đóng góp không nhỏ cho NXB danh tiếng này. Riêng cá nhân anh là một trong số 4 tác giả của cuốn từ điển Việt-Đức đầu tiên do NXB Thế giới ấn hành năm 1998, sau cuốn từ điển Việt-Anh của Bùi Phụng do NXB Trường ĐHTHHN  ấn hành năm 1977. Bùi Quang Khanh, con nhà văn Bùi Hiển. Sau khi học đại học kinh tế ở Đức về, anh làm ở Vụ Hợp tác Quốc tế Bộ Kế hoạch đầu tư,  nhưng đáng tiếc mất sớm. 

Xin kể tiếp về 13 người còn lại. 

Hoàng Cương là con GS Hoàng Sử, một trong những thày thuốc chuyên khoa X quang đầu tiên ta, nhưng thể hiện ngay năng khiếu âm nhạc từ lúc đó nên được thày cô Đức khuyến khích và cử ngay đi Nhạc viện Carl Maria von Weber Dresden, vì rất nỗ lực nên sau khi tốt nghiệp trường này, anh còn học tiếp cao học ở Nhạc viện Tchaikovsky danh tiếng của Moscow rồi về giảng dạy ở Nhạc viện Hà Nội.  Sau 1975 anh về thành phố, làm hiệu trưởng Nhạc viện SG, anh Cương có nhiều nhạc phẩm: 1 concerto và nhiều nhạc phẩm nhỏ rất hay, mang tính dân tộc.  

Ngô Thư, con sĩ quan quân đội quân chủng Phòng không, sau khi học kỹ thuật máy nổ ở Magdeburg về anh tham gia Bộ đội Phòng không-Không quân, nguyên đại tá, bạn thân của Phạm Tuân. 

Lương Hải Bằng là con một lão thành cách mạng đã chiến đấu Tây Bắc và Lào, cũng đã học hết lớp 6 mới vào toán 9, khi đi học phấn đấu hết sức tốt, từng là lớp trưởng lớp chúng tôi, sau khi cơ khí ở Đức về học Hóa ĐHBK, vào ngành dầu khí quân đội, tham gia đặt ống dẫn dầu vào Nam trong chiến tranh chống Mỹ, đại tá, sau giải phóng được học trường Đảng Nguyễn Ái Quốc cùng lớp với Nguyễn Tấn Dũng, nếu anh thân với ông ta, biết đâu bây giờ anh đang có ghế ngồi ở TW, thậm chí BCT nếu không ngồi bóc lịch?     

Nguyễn Lương Đĩnh, con GS Văn học Nguyễn Lương Ngọc, học đại học chuyên về máy lạnh tại TH Otto von Guericke, Magdeburg. Về nước, anh tham gia quân đội, Bộ Tư lệnh Lăng Bác, để bảo dưỡng kỹ thuật ở đó. Sống kín đáo nên lâu nay bặt tin tức.

Phạm Huy Hải Đường, con GS Phạm Huy Thông, anh có mẹ người Pháp nên cao lớn, rất đẹp trai, các buổi tối lửa trại với các bạn Đức chúng tôi cứ phải che chắn không thì anh bị các cô gái Đức bắt cóc mất. Cũng vì thế mà khi sau này đi học nghề thì anh biến mất ngay và từ đó đến nay chúng tôi bặt tin, có nghe nói anh đóng trại ở vùng Berlin. Nhưng ngay hồi nhỏ, anh đã nói tiếng Việt giọng lơ lớ nên chắc sau này quên hẳn, mà đã đánh mất ngôn ngữ là mất tất cả, langue đi liền với civilisation-culture mà, anh không muốn liên hệ với chúng tôi thì chúng tôi botay.com.        

Lê Huy Văn, con họa sĩ nổi tiếng về sơn mài Lê Quốc Lộc, cả nhà theo nghề gia truyền, anh học trường Hochschule für Industrielle Formgestaltung-Đại học Tạo dáng công nghiệp Burg Giebichenstein danh tiếng. Anh đóng góp nhiều cho ngành Mỹ thuật Ứng dụng, design non trẻ ở Việt Nam, viết nhiều giáo trình và chuyên khảo, sau này anh làm hiệu phó Đại học Mỹ thuật Công nghiệp. 

Lê Đăng Doanh, con Cụ Lê Tư Lành, một nhà giáo, nhà nghiên cứu lịch sử Việt Nam, Ủy viên chính thức của Ban Thường vụ Quốc hội, Cụ đã tham gia giảng dạy cho lớp đại học Hán Nôm đầu tiên dưới chế độ mới. Anh Doanh sau khi học Hóa ở đại học Leuna-Merseburg về dạy ở ĐHTHHN thì tham gia, rồi làm trưởng Nhóm dịch thuật cho Nhóm chuyên gia kinh tế Müller của TW Đảng xã hội thống nhất Đức ở ĐCSVN, từng làm Viện trưởng Viện kinh tế TW,  hiện là chuyên gia kinh tế nổi tiếng, đã từng tham gia Viện IDS. 

Trương Tùng, con GS Trương Tửu của ĐHTHHN, sau khi ở Maxim Gorki Heim 3 năm với chúng tôi, anh đi học Cao đẳng Bảo vệ thực vật (BVTV) ở Đức, bảo vệ điểm xuất sắc. Nhưng giữa chừng thì vụ Nhân văn Giai phẩm xảy ra, cha anh liên đới mà ở Việt Nam ta thành phần chủ nghĩa, Mao-ít, quá nặng ai chẳng hiểu, anh cũng vướng. Nhưng với nghị lực phi thường anh vượt qua tất cả. Về công tác ở Vĩnh Phú, anh chủ trì 28 đề tài, dự án KHKT để xây dựng nền nông nghiệp sạch, từng là chi cục trưởng Chi cục BVTV Vĩnh Phú, và hiện nay đang là P Chủ tịch Hội KHKTBVTV Việt Nam. Năm 2000 anh được thưởng Huân chương Lao động hạng ba. 

Đỗ Xuân Khải, con luật sư Đỗ Xuân Sảng danh tiếng, người từng có bằng Luật, đại học Harvard, Phó Chủ tịch Đảng xã hội Việt Nam. Ông từng có nhiều nhà quanh Hồ Thiền Quang. Anh Khải học nghề in ở Đức, về nước công tác ở Nhà máy in Tiến Bộ rồi sau khi học tại chức tại ĐHBKHN được giao chức Giám đốc Xí nghiệp Máy in sát nách KS Horison thời nay, mà khi xưa là một nhà máy gạch mới có ống khói cao thế. Ấn tượng nhiều nhất tôi có là với bố anh Khải, một lần tôi đến thăm anh ở hai cái nhà sát nách nhau số 53 Phố Nguyễn Du thì cả nhà đi vắng cả, đang đông rét mướt, mưa phùn mà Cụ Sảng nằm ngay trên giường xếp dưới mái hiên trước cửa, chắc các phòng kia nhà nước „mượn“ hết rồi! Chẳng có gì đáng ngạc nhiên, sau giải phóng Miền Nam, ĐCSVN chẳng cần đến cái „chân gỗ“ là Đảng xã hội Việt Nam nữa, hai cái nhà này trở thành trụ sở của Hội Liên hiệp các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam, cho đến nay.

Nguyễn Công Mãn, bố cũng là một lão thành cách mạng, hoạt động trong ngành công an nên sau khi học nghề cơ khí cùng tôi ở Dresden thì anh đi học tiếp ngành cơ khí ở đại học TU Dresden danh tiếng, về làm kỹ thuật trong ngành công an và có đóng góp nhiều cho ngành kỹ thuật an ninh. Tính anhh hết sức cẩn thận, chu đáo nên được mọi người rất quý trọng.

Vũ Kim Nam, bố anh là BS Quân y, gia đình vốn gốc Phố Hàng Bạc, khi nhỏ ông bố từng học cùng hoàng thái tử Sihanouk. Anh Nam cũng có năng khiếu âm nhạc, Cương vĩ cầm thì anh dương cầm, hai anh con nhà nòi ngành y thính tai và khéo tay mà. Thế nhưng chỉ có một suất cho anh Cương, nên sau khi học kỹ thuật máy nổ ở Magdeburg, anh về nước, vào Bộ đội Phòng không-Không quân, tham gia chiến đấu chiến trường B, rồi về làm trưởng phòng Đầu tư ở UBHCND thành phố Hà Nội. Anh Nam với tôi khá thân, nhưng tôi còn thân hơn với… cháu anh ấy, cậu Vũ Dương vì là đồng nghiệp với tôi, cậu ấy học Lý ĐHTHHN rồi đi làm TS ở trường École Polytechnique danh tiếng, về nước cùng làm ngành Laser, hai chú cháu đã cùng nhau đi biểu tình chống Trung Quốc những năm 2014-2017, vụ tàu Hải Dương lấn thềm lục địa Việt Nam, rồi vụ Formosa…  

Nguyễn Xuân Hoài có bố từng là đại biểu Quốc hội, đi học Cao đẳng Bảo vệ thực vật ở Đức, về công tác trong ngành nông nghiệp, đi bộ đội, giải ngũ làm phiên dịch cho Sứ quán Đức, cả trước lẫn sau khi thống nhất nước Đức, nên rất có nhiều kinh nghiệm về mặt dịch thuật, hiện anh vẫn dịch cho các báo giấy và báo mạng.    

Nguyễn Ngọc Thọ có bố từng là cán bộ cao cấp ngành công an trong Nam, học cơ khí với tôi ở Dresden, rồi 1962 cũng về nước công tác như tôi, ở UBKH&KTNN, tôi Viện Đo lường thì anh Trạm Nhiệt đới. Sau đó anh đi học đại học và tiếp tục làm luôn TS theo dạng chuyển tiếp sinh ở TH Otto von Guericke. Về nước làm ở Tổng cục Đo lường, 1975 về SG làm đến P Giám đốc Art Export rất danh tiếng ngay Đường Đồng Khởi nguyên là con Đường Catinat nổi tiếng thế giới. Học giỏi và nói chung hết sức đa tài, có lẽ cũng gặp may nữa. Anh Thọ có ông anh nổi tiếng là GS Nguyễn Ngọc Giao, từng làm TS và sau TS ở đại học MGU, cán bộ giảng dạy ĐHTHHN, rồi sau 1975 về ĐHTH TPHCM, cuối cùng làm tới chức Chủ tịch Hội KH&KT thành phố.            

Về cuộc sống ở Maxim Gorki Heim hầu như chưa kể gì, chắc chắn còn có quá nhiều chuyện thú vị để kể, nhưng bài đã quá dài, xin phép để dịp sau, nếu bạn đọc còn nhã ý quan tâm đến, xin tiếp tục theo dõi VNTB cho những kỳ sau 2/9 nhé. Còn nếu có muốn nói trước, thì nói về cuộc thăm viếng của Cụ Hồ sang CHDC Đức năm 1957, có ghé thăm trường Moritzburg với 350 học sinh chúng tôi ở đấy (xem ảnh) mà tôi nhớ gì nói ấy. Rất long trọng, đầy quan chức Việt, Đức tháp tùng. Tôi còn nhớ như in: Cần song ngữ nên phải có người dịch cabin, thế nhưng thời ấy không chuyên nghiệp mà chỉ tìm ra một anh sinh viên, vì những người đầu tiên sang CHDC Đức cũng chỉ sau Hội nghị Genève thôi, nên chắc nếu anh đang năm thứ 3 là giỏi lắm. Đó là anh Bạc, vì sau này anh rất nổi tiếng, và tháng tư năm 1974, tôi may mắn còn được gặp anh ở siêu thị Centrum giữa trung tâm Berlin, dưới chân Đài Truyền hình, khi ngày đầu trở lại Đức sau một con giáp xa cách, phải đi mua sắm. 

Anh Bạc cao lớn, đẹp trai, ăn nói trôi chảy, nhưng ở việc dịch thì anh lúng túng, có lẽ do không khí trang nghiêm quá. Thế nên ngay ở đoạn mở đầu giới thiệu khách, anh dịch sai ngay, Bộ trưởng Giáo dục-Minister für Erziehung thì anh dịch nhầm là Minister für Kultur. Cụ Hồ giỏi tiếng Pháp thế nên nhận ra ngay, nhưng lẽ ra phải bỏ qua cho một chàng thanh niên trẻ đang lúng túng, thì lại can thiệp… „Nein, Nein, nicht Kultur – Không, không phải văn hóa, ai chẳng hiểu, đến tôi là thằng bé con mới 13 tuổi còn biết nữa là! Cụ muốn khoe, mình cũng biết tiếng Đức chăng? (Hình như sau này giới tuyên truyền Việt Nam còn loan tin Cụ biết mấy chục ngôn ngữ!)  Anh Bạc số đen, có lẽ bạc là không phải là Hàng Bạc giàu có mà bạc mệnh chăng. Vì cao lớn, đẹp trai, tài năng thế nên có cô gái Đức, thậm chí con bí thư huyện ủy phải lòng, chuyện vỡ lỡ, phạm nội quy bị đuổi về nước chăn bò trên Ba Vì, đến mãi 1974 mới được sang trở lại Đức mà tôi may mắn gặp và nói chuyện…vui vẻ, cũng là một kết thúc có hậu.   

Kỷ niệm của tôi ở tư cách là Moritzburger-dân Moritzburg

 

VNTB – Kỷ niệm của tôi ở tư cách là Moritzburger-dân Moritzburg

Nguỵ Hữu Tâm

 

(VNTB) – Tôi không làm chính trị nên cũng chẳng cổ súy cho cái gì cả! Chỉ duy nhất muốn nhắc lại các kỷ niệm của cá nhân mình mà thôi.

 

…Mở ngoặc đã dài, nên xin ôn lại những năm tháng ở CHDC Đức thời xưa vậy, thế cũng đã là 65 năm rồi, chúng tôi lên đường tại ga Hàng Cỏ chiều ngày 29.09.1956, ít hôm nữa kỷ niệm 65 năm ngày ra đi. 

Lại còn có thêm kỷ niệm đầu năm 1956 với cha tôi, mà bài trước tôi quên kể mà nay vừa nhớ ra nên tôi mạnh dạn ôn lại, bởi lẽ nó khá tương tự như chuyện anh sinh viên tên là Bạc ở Dresden năm 1957 đi dịch cho „Bác Hồ“ khi „Bác“ sang thăm chúng tôi thời ấy đang sống ở Đức. Số là năm đó Sukarno, Tổng thống Indonesia cũng sang thăm Việt Nam mà trường ĐHTHHN được chọn làm cơ sở tiếp đón, và cha tôi đang làm hiệu trưởng dĩ nhiên phải chủ trì buổi tiếp. Có ai đó trong nhóm tư vấn gợi ý cho cha tôi rằng, khi ta đã gọi „Bác Hồ“ thì tiếng Indonesia cũng có từ Bung tương đương chỉ cho Bác, cho nên phải gọi là Bung Sukarno. Cha tôi nói thế, không ngờ „Bác“ sửa ngay, Sukarno thì Su đã là Ông rồi, chỉ có Karno là tên thôi, cho nên thay vì Bung Sukarno, phải gọi là Bungkarno mới đúng. Hiệu trưởng mất điểm, chắc chắn là trong số mấy chục ngoại ngữ mà „Bác“ biết có cả tiếng Indonesia chăng? Xin đừng đổ tội „bới lông tìm vết“, bởi lẽ số vết đen quá nhiều, chẳng cần phải bới mới tìm ra đâu! Cái dở nhất của „Bác“ lại chính là cái mà ngày nay ĐCSVN ca ngợi cha đẻ ra mình: ít học nhưng lại hết sức khôn lỏi, gian manh, dối trá nên 1920 không theo  Quốc tế Đệ nhị là chủ nghĩa xã hội khoa học mà ngày nay các đảng xã hội dân chủ ở châu Âu và đảng Dân chủ Hoa Kỳ vẫn theo đuổi, một chủ nghĩa xã hội nhân bản chứ không phải thứ chủ nghĩa độc tài toàn trị mà chủ nghĩa cộng sản khát máu, mà sau này chủ nghĩa Nazi của Hitler ở Đức và và Pol Pot ở Campuchia đã từng theo đuổi, chứ không cần nói đến tên lang sói họ Tập. 

Việt Nam cùng các nước như Ấn Độ, Indonesia, Đài Loan…, được các anh hùng giải phóng dân tộc là Gandhi, Nehru, Sukarno, Tưởng Giới Thạch đưa nước họ thoát khỏi chủ nghĩa thực dân, thì có nước nào để chết nhiều dân như Việt Nam hay không, để cuối cùng thì đất nước rơi vào nước chậm phát triển nhất Đông Nam Á này, duy nhất chỉ ở cái nước Việt Nam khốn khổ do „Bác“ và ĐCSVN „vinh quang đưa hết từ thắng lợi này đến thắng lợi khác“ lãnh đạo! Tài tình thay! Hay nói khác đi là số phận dân tộc này oan nghiệt thay!  

Xin quay trở lại với đề tài chính của bài này là trường Maxim Gorki Heim: Như đã nói ở bài trước, chúng tôi đi được là do sáng kiến của Wilhelm Pieck, Chủ tịch nước CHDC Đức thời đó, mời trẻ em mồ côi Việt Nam sang tiếp quản hai trường nội trú là trường Käthe Kollwitz Heim, tại thị trấn Moritzburg cách thành phố Dresden 16 km và trường Maxim Gorki Heim ở ngay Quận 4 thành phố Dresden, lấy tên hai nhà văn cộng sản Đức và Nga. Các bạn đoàn trước gồm 150 người đi năm trước rồi, chúng tôi là đoàn thứ hai, 200 người, nên rất thuận lợi, phía bạn đã chuẩn bị hết sức kỹ lưỡng. Nhóm 350 người chúng tôi trở nên nổi tiếng ở Đức vì trước đây nhiều năm trên truyền hình Đức có chiếu một cuốn phim nhiều tập giới thiệu, và ở cuốn phim ấy, họ đã đặt tên cho nhóm chúng tôi là Moritzburger.    

Cuộc đi 19 ngày xuyên lục địa Á-Âu ấy cho đến hôm nay vẫn đọng lại trong chúng tôi như, hay đúng là, bước ngoặt cho cuộc đời. Qua nó mà chúng tôi đã trở thành những con người hoàn toàn khác. Ngay bước chân lên tàu đã thấy sự khác biệt đập vào mắt ngay: tàu ta nhỏ, lạc hậu sang tàu Trung Quốc đã khá hơn, còn tàu Liên Xô và Đức thì miễn chê rồi. Giữa chừng có nghỉ ngơi, tắm rửa ở các thành phố lớn Vũ Hán (cầu ở đó giống hệt cầu Thăng Long Hà Nội vì cùng thiết kế Liên Xô cả, và độ dài chắc cũng na ná vậy, nhưng khi ấy chưa xong nên chúng tôi phải đi phà vượt sông Dương Tử), Bắc Kinh, Novosibirsk, Omsk, Moscow… đều dừng hàng này, và được tiếp đón hết sức trọng thị. Ngày nay có máy bay phản lực vượt khoảng cách 12.000km ấy sau 10h chứ thời ấy, chỉ trong 19 ngày mà chúng tôi, những đứa trẻ mới lớn mà được trải ra tất cả cảnh vật và con người với các nền văn hóa khác nhau: nông thôn và thành thị Trung Quốc và Liên Xô, trải dài ra trước mắt hệt như một cuốn phim truyền hình nhiều tập thì thú vị biết bao! Nhưng vẫn phải nói, riêng cá nhân tôi thì ấn tượng nhất vẫn là cảnh vật Zabaikal. Rừng thông và bạch dương cộng với tuyết mù mịt kéo cho đến tận chân trời, mà suốt mấy ngày tàu hỏa chạy với tốc độ 60-70km/h chứ có ít đâu. Nhớ lại chuyện cũ để lập mối liên hệ đến ngày hôm nay. 

Tôi đọc báo Đức thì thấy với sự ấm lên của Trái Đất thì chính vùng đất Bắc Mỹ, Canada ở Tây bán cầu và vùng Siberia của Nga sẽ là những vùng phát triển nhất thế giới cuối thế kỷ này. Vì thế mà Nga đang ưu tiên tài trợ cho không chỉ người Nga mà cả người Hán mang quốc tịch Nga đến khai khẩn vùng đất này (Putin sợ anh Tập lấn sân mà, âm mưu đại Hán ai chẳng rõ, từ hàng ngàn năm nay rồi), tôi thấy mình được chứng kiến bao sự kiện và vùng đất ở cuộc đời ngắn – mà dài của mình!…

Sang đến biên giới Bạch Nga-Ba Lan chuyển tàu, rồi tàu vù vù chạy đã đến thành phố Frankfurt/Oder, biên giới Đức-Ba Lan thì đã có các thầy cô, bạn bè Đức ra đón, thân thiết biết bao. Các thầy cô còn đưa ngay cho tất cả mọi người chúng tôi kẹo bánh và quần áo ấm, trời vào rét rồi mà! Người Đức chu đáo thế! Đến trường thì mới biết được rằng, nó khang trang đến mức nào. Trường nằm ngay bên trong thành phố Dresden, là một trong những thành phố đẹp nhất châu Âu, thuộc di sản văn hóa UNESCO với những di tích lịch sử và văn hóa, như lâu đài Zwinger có bảo tàng mỹ thuật nổi tiếng thế giới, nhà hát Sempel với kiến trúc trường phái Baroque, lâu đài Pillnitz, lâu đài Moritzburg… mà trường lại nằm trên trọn một quả đồi rộng đến… 6 ha, với tòa lâu đài chính bốn tầng chiều dài chắc chắn không dưới 100m và rất nhiều tòa nhà to, có 2, 3 tầng, phụ trợ. Biên chế giáo viên và phục vụ mới khủng khiếp thế nào: chúng tôi chỉ có 200 học sinh mà có đến 8 giáo viên Việt Nam cùng với… 31 giáo viên Đức và…105 nhân viên phục vụ ở nhà bếp, nhà ăn, xưởng may, xưởng giặt là, bệnh xá, lao công vệ sinh v.v… Thử hỏi hôm nay, ngay cơ chế thị trường, trường con em nhà giàu đi nữa, mấy trường dám so sánh?

Những ngày đầu ở Đức bỡ ngỡ với nhiều bạn chứ không phải với tôi vì tôi đã quen với cuộc sống, sinh hoạt giống  như ở doanh trại thiếu sinh quân thời ở Nam Ninh, Trung Quốc, của tôi: được cấp phát mọi thứ ở ký túc xá và lên lớp, mặc đồng phục, ăn ngày ba bữa sáng, trưa, chiều; xếp hàng theo từng toán vào nhà ăn có thầy cô đi cùng và dạy kỹ từ cách cầm dao nĩa thế nào, và theo dõi khi ăn, đi ngủ thế nào (xin bạn đọc nhớ lại chuyện vui với anh bạn Nhuận của toán 9 chúng tôi ở bài trước) – và tất cả các giờ giấc trong ngày học, chơi thể thao –  đã lên lịch từ trước Diện tích trường rộng như thế nên đầy sân bóng đá, bóng chuyền,…và bãi cỏ thư dãn, và có cả một phòng thể dục đa năng có lẽ không kém nhiều phòng thể dục thành phố Hà Nội hôm nay, bạn đọc hiểu vì sao bóng đá và các môn thể thao Đức nhiều huy chương đến thế. 

Có một kỷ niệm với bạn Doanh rất hay mà viết đến đây tôi vẫn nhớ như in. Có một lần chúng tôi chơi bóng đá trên những sân cỏ có đầy ở trường, mà Doanh ta chẳng bao giờ tham gia, tôi bỗng „mót đi giải“ nên phải về toalét tít tận trên tầng ba nhà Knabenhaus-nhà con trai, ngôi nhà ba tầng rất lớn, chỉ thua lâu đài chính của trường, dành cho các phòng ngủ và tất cả các phòng sinh hoạt đi kèm cho ba toán con trai lớn, trong khi lâu đài dành cho ba toán nữ và hai toán nam nhỏ. Chạy vội vào toalét nhưng cũng kịp nhận ra, trong một khoang đang để ngỏ, và Doanh ta đang…nghiến ngấu đọc sách trong đó, không phải sách truyện mà là một cuốn từ điển giải thích dày cộp. Tôi vốn tính tò mò mà, cha Doanh đọc gì mà ghê thế, tối đến giở ra xem, may quá cuốn sách Doanh đã đọc, hắn còn để lại dấu trong đó, mục hắn đọc là Haber-Bosch Verfahren, ein großindustrielles chemisches Verfahren zur Synthese von Ammoniak – phương pháp đại công nghiệp để tổng hợp amoniac. Thảo nào mà sau này cha ấy chẳng trở nên giáo viên Khoa Hóa ĐHTHHN, rồi cuối cùng thậm chí còn leo lên đến viện trưởng Viện kinh tế trực thuộc TW ĐCSVN, cố vấn kinh tế cho các lãnh đạo quốc gia, như Nguyễn Văn Linh.

Cũng còn chuyện này liên quan đến Doanh mà tôi nên kể lại, vì nó gắn chặt với tính cách con người, đâu chẳng thế, bây giờ tuổi sắp ra đi, ngại gì mà chẳng kể ra. Đó là hai năm sau, 1960, khi chúng tôi đã đi học nghề (xin xem lại bài trước). Toán 9 tôi có Doanh lên Leuna-Merseburg học nghề hóa sợi, còn tôi với Thọ ở lại Dresden học cơ khí. Trong lớp đó, Thọ với tôi học giỏi nhất nên các thầy gợi ý nên chuyển sang học với các bạn đã học xong lớp 10, tức là trên bọn tôi 2 lớp, Đông Đức khi ấy gọi là đã tốt nghiệp Mittelschule-Trung học, trong khi bọn tôi mới xong lớp 8, gọi là đã tốt nghiệp Grundschule-Tiểu học, là trình độ tối thiểu, mang tính bắt buộc. Nếu học lớp đó thì chỉ cần 2 năm, thay vì 3 năm, là xong và có ngay bằng Schulreife-Baccalauréat, hết lớp 12, học vị tú tài, được vào thẳng đại học mà không qua thi cử gì. Hai chúng tôi ngại lên Berlin xa, chỉ gửi thư kèm lời giới thiệu của các thầy cho Đại sứ quán Việt Nam xin phép. Cứ tưởng thế là xong. Không ngờ ở đó có thư trả lời ngay, các vị viết ráo hoảnh: „Hai em học giỏi thì ở lại giúp các bạn kém mới là đoàn kết, sứ quán không duyệt“. Ai hay, sau này chúng tôi mới biết Doanh cùng hai bạn nữ đã lên thẳng Đại sứ quán xin trước chúng tôi và được họ duyệt, ba bạn ấy học xong trước bọn 200 đứa chúng tôi một năm, nên được vào học thẳng đại học ở thành phố Halle gần đó, còn chúng tôi được về nước „phục vụ nhân dân anh hùng và gia nhập giai cấp công nhân quang vinh, thành trì của cách mạng, chứ không thành trí thức-cục phân của nhân loại“. Hết bình luận!             

Bạn trẻ Hà Nội trước cúm Tàu một số ít đã được theo các lớp thiếu sinh quân do Viettel hay các đơn vị quân đội khác tổ chức vào dịp hè nhưng xin nhắc lại: trật tự, kỷ luật, ngăn nắp, vệ sinh, sạch sẽ, tiết kiệm,…thói quen đúng giờ và tất cả những tính cách này chúng tôi đã học được ngay từ khi còn rất nhỏ ở một nước Đức công nghiệp phát triển, mà chúng tôi có nó ngay từ cách nay cả trên nửa thế kỷ nay. Những tính cách mà mấy con Rồng châu Á chỉ trong 30 năm đã đạt được khi là nước dân chủ, nhưng ĐCSVN hứa hẹn bao nhiêu lần nhưng đều lỡ hẹn và nay, khi dân trí đã lên cao thì đành vớt vát hứa đến năm 2045 nhưng ai tin nổi khi ngay cái yêu cầu có vẻ như nhỏ nhoi nhất nhưng lại hết sức cần để đạt được điều đó, là phải tự do ngôn luận, đa đảng… thì đã là không thể được, duy nhất chỉ vì nó đụng chạm đến quyền lợi ích kỷ của bè lũ cầm quyền cộng lũ thân tín, họ hàng, „chân gỗ“ ăn theo…!

Cũng còn phải nhắc lại nền giáo dục toàn diện ở trường Maxim Gorki Heim nói riêng và có lẽ cho toàn nước Đức như sau này chứng minh khi đã thống nhất, là hoàn toàn tương đương giữa Đông và Tây Đức dù theo hai thể chế chính trị khác nhau. Ngay từ lứa tuổi đó chúng tôi đã được học nhạc rất kỹ vì thời khóa biểu trong tuần dành nhiều giờ cho Âm nhạc, mỗi người phải học một nhạc cụ, và tất cả các thầy cô đều có thể phụ trợ cho thầy dạy Âm nhạc, khi trong giờ ngoại khóa chúng tôi gặp khó khăn. Và những buổi đi thăm Bảo tàng, đi nghe hát hay hòa nhạc mà với phần đông người Việt Nam vẫn là thứ hàng xa xỉ, thì với chúng tôi thời đó là lẽ đương nhiên, có lẽ duy nhất chỉ trừ môn…bóng đá hiện nay ở nước ta. 

Các thầy cô Đức khi biết chúng tôi không phải con em mồ côi thì lại càng tỏ rõ sự thông cảm, luôn động viên, và nhắc nhở chúng tôi hàng tháng hay hơn phải viết thư về thăm hỏi cha mẹ, anh chị em và họ hàng thân thiết. Nước Đức sau Thế chiến Hai khốc liệt, đời sống nhân dân nói chung cũng còn gặp rất nhiều khó khăn, vẫn đang còn chế độ tem phiếu mà các bạn trẻ hôm nay phần lớn ngỡ ngàng, mà chúng tôi được ứng xử như thế thì phải biết chúng tôi mang ơn nước Đức và nhân dân Đức đến thế nào. 

Hàng tháng chúng tôi vẫn có một khoản sinh hoạt phí cho cá nhân như tem thư hay các khoản lặt vặt khác mà mỗi người nếu tiết kiệm vẫn có thể mua một thứ đáng giá. Hầu hết các bạn sau ba năm đều mua xe đạp mà đối với Việt Nam ta là không thể thiếu được. Cá nhân tôi thì đã được ông ngoại cho một chiếc Sterling gần như mới, nên dành khoản tiền đó mua một chiếc đàn gió Weltmeister-Vô địch thế giới  trứ danh, sau trên nửa thế kỷ „nay vẫn dùng tốt“, mà bài trước cũng đã có dịp nhắc tới kỷ niệm với Dũng, cậu bạn của em trai tôi.

Các kỳ nghỉ hè hay nghỉ đông, nhà trường đều tổ chức cho chúng tôi đi nghỉ, khi thì Sayda, khi thì Schellerhau…, toàn những thị trấn nổi tiếng vùng núi Erzgebirge của Đông Đức. Có hai kỷ niệm đáng nhớ, một là kỳ nghỉ ở Sayda, đó là một dãy núi đầy thơ mộng, chúng tôi đi lang thang trong rừng thông, bên dưới là các dạng cây bụi nhỏ như việt quất, hay sim, mua bên ta, mùa hè quả chín màu đen hay đỏ mọng nước, ngọt lịm. Bữa cơm trưa, tình cờ có một đội bóng đá cũng đang nghỉ ở đó nên nhà bếp mới cho chúng tôi được ăn chế độ như họ, nghĩa là ăn món beef.. gì mà hôm nay tôi quên menu, nhưng là món thịt bò còn sống còn nguyên máu đỏ, có trộn hành, ớt Tây, tỏi… đến bây giờ vẫn chưa quên mùi vị của nó. Bỗng nhiên một buổi trưa xôn xao…có khách đến thăm, mà lại là khách từ quê nhà, từ Việt Nam sang, đoàn đại biểu Tổng công đoàn Việt Nam đi dự hội nghị Liên hiệp công đoàn thế giới World Federation of Trade Unions, WFTU, tại Berlin mấy ngày nên có dịp ghé đây. Tôi đã hơi ngờ ngợ, hình như cha tôi cũng có mối liên hệ với họ vì cụ có chân trong Ban chấp hành Tổng công đoàn Việt Nam mà, trên bàn cụ luôn có những lá thư của họ, mà tôi vốn chơi tem nên rất thích những con tem xinh xắn của nước ngoài dán trên bì thư, đầy màu sắc, đôi khi lại là những tác phẩm mỹ thuật của những danh họa nổi tiếng mà được rút về kích cỡ chỉ một hai centimet nên cực kỳ quý giá. Nên tôi chăm chú nhìn, giữa những người Đức cao lớn có hai người đàn ông Việt Nam nhỏ bé da thẫm kia, tôi cố căng mắt hơn nữa, thì hai cha con đã nhận ra nhau. Mới có hai năm xa cách mà sao thấy nó lâu thế, mà đây là tôi đã quen với cuộc sống tập thể, xa gia đình bốn năm ở Nam Ninh rồi đó. Hai cha con gặp nhau được có hai tiếng để tôi hỏi thăm sức khỏe mẹ tôi, ông bà ngoại, hai em và họ hàng, và cha tôi hỏi về tình hình ăn ở, học hành của tôi, nhưng cụ đã ở Pháp lâu nên quá rõ. Thời gian qua nhanh thế, chúng tôi đã phải bin rịn chia tay chưa biết bao giờ gặp lại… Nhưng đời nào ai biết chữ ngờ…

Còn một lần nghỉ đông một tuần ở SchellerhauErzgebirge, thật sự hệt như những bức tranh núi, rừng phủ đầy tuyết, nắng chiếu chói chang nên hoàn toàn chẳng có cảm giác lạnh, gió hiu hiu thổi…và nhất là vắng vẻ đến khủng khiếp nhưng không gây sợ hãi mà trái lại, thoải mái và thư giãn đến mức tột bực, có trên thiên đường chắc cũng chỉ cảm xúc đến vậy. Chúng tôi lang thang đi ski trong rừng thông suốt ngày như thế, chán thì tìm một ngọn đồi không dốc lắm leo lên rồi sung sướng trượt nhanh như bay xuống, hoàn toàn chẳng sợ tai nạn vì nếu có ngã chăng nữa thì cũng chỉ ngã trên tuyết, chẳng hề hấn gì. Tối về nhà nghỉ, tuy hoàn toàn bằng gỗ nhưng rất kín đáo, có chăn đệm ấm áp và được ăn những món ăn thuần Đức như thịt nướng với khoai tây rán hay món Eisbein mit Sauerkraut – đùi lợn luộc với dưa muối nổi tiếng, ngon tỉnh người. Tối đến tôi nghiền sách, những cuốn du lịch Nam Mỹ rừng nhiệt đới với đủ loại ác thú nguy hiểm và dữ dằn còn hơn tất cả các loài ở Việt Nam  ta, sao mà hấp dẫn thế khi xung quanh là rừng thông phủ đầy tuyết và vắng lặng như tờ. 

Cô Tea Reinhardt còn tổ chức cho chúng tôi đến thăm một gia đình người địa phương. Nhà tôi đến là nhà có ông chủ làm công chứng viên trên thị trấn, nên coi như thành phần trí thức địa phương. Cô con gái cùng tuổi với tôi nên chúng tôi thoải mái nói chuyện. Cô và tôi sau này vẫn có mối liên hệ thư tín với nhau, sau này khi tôi học ĐHTHHN thì cô cũng về Karl-Marx-Stadt (nay là đổi tên thành Chemnitz) học kinh tế, còn gửi cho tôi bộ từ điển Anh-Đức, Đức-Anh, tôi còn mang theo sang tận Algeria, rồi khi về lại Việt Nam mới bị thất lạc do lỗi của vận chuyển hàng không.               

Nói về mặt giáo dục toàn diện của Đức, tôi chắc chắn rằng bây giờ Đức phải đứng ở tốp đầu thế giới, nhưng tôi bổ sung chuyện xảy ra với chúng tôi 65 năm về trước, khi học ở trường Maxim Gorki Heim. Lớp chúng tôi có dịp đi thực tập ở nhà máy in Druckerei Sächsische Zeitung-Nhà in Nhật báo xứ Xắc-xô-ni. Hàng tuần chúng tôi đến đó làm việc cả một ngày, tại tất cả các phân xưởng ở một nhà máy mà chắc chắn to hơn nhà máy in Tiến Bộ của thành phố Hà Nội: chuẩn bị bản thảo và hình ảnh, in lưới, in offset, khắc gỗ, xưởng cơ khí… Có các bác thợ cả và các cô chú công nhân chỉ bảo tận tình nên bọn chúng tôi làm việc…gần như họ. Nói thế để bài sau nói về việc tôi được đi học nghề 3 năm tại trường dạy nghề của VEB Kamera- und Kinowerke Dresden – Xí nghiệp Quốc doanh Máy ảnh và máy chiếu phim Dresden sướng như thế nào, và thực tế là đã được chuẩn bị từ trước rồi, nên hoàn toàn không bị bỡ ngỡ dù phải học với thầy và bạn Đức.

Tôi và bạn Văn (xin xem bài trước) còn được cái may là tới thực tập ở Atelier für Zeichen- und Trickfilme – Xưởng phim hoạt hình Dresden, có lẽ do các thầy cô nhận ra có chút năng khiếu hội họa nào chăng, bạn Văn thì rõ rồi chứ tôi thì? Dĩ nhiên hội họa và âm nhạc là hai ngành mà tôi yêu thích, dẫu có sau…vật lý, tôi vừa nhắc chuyện sưu tập tem thư mà, hiện nay ở nhà vẫn còn giữ vài cuốn album chứa đầy tem thư. Ở đấy, sau khi đến thăm các phân xưởng, bạn Văn và tôi còn được một cán bộ ở đó, họa sĩ Hamacher, nhưng xin bạn đọc đừng nhầm với Alfred Hamacher (1862–1935), cũng họa sĩ nổi tiếng Đức nhưng sống trước ông này có lẽ cả nửa thế kỷ! – dạy cách làm phim hoạt hình. Tôi vẫn còn nhớ như in, dẫu không chụp ảnh lưu niệm, ông này, chắc lúc ấy cũng phải trên dưới 40 tuổi rồi, nhưng nhỏ nhắn chứ không cao to như những người Đức khác. Ông quý hai chúng tôi tới mức có một chủ nhật mời bọn tôi về nhà riêng ở ngoại ô chơi. Tôi còn nhớ là bọn tôi phải đi xe điện hàng tiếng đồng hồ dọc theo bờ sông Elbe, nửa đường theo hướng đến đích là lâu đài Pillnitz.  Đấy là một căn villa hết sức xinh xắn kèm xưởng vẽ rộng rãi, với những luống hoa và cây cảnh bên bờ sông êm ả với các bãi cát trắng dài, bãi cỏ xanh ngát và những rặng liễu thướt tha, hệt như chúng ta vẫn thường tưởng tượng về nghệ sĩ và cuộc sống của họ. Cô vợ trẻ đẹp, chắc vốn (hay vẫn) là người mẫu cho các tác phẩm của ông chồng. Và tôi còn nhớ rằng, ông cho chúng tôi xem bộ carte postale những tác phẩm hội họa của ông, rồi nhân thể, kiểm tra năng khiếu hội họa của chúng tôi, và đã hết sức hài lòng về những bức mà chúng tôi đã chọn ra, hầu hết là những tác phẩm hội họa hiện đại, các bức tranh trừu tượng theo trường phái ấn tượng, lập thể, hay dada…, bởi những tranh cổ điển thì chúng tôi đã xem đến phát chán ở các bảo tàng hay sách giáo khoa. 

Nhưng có lẽ cuối cùng ở kỷ niệm này, last not least, phải nhắc đến giáo viên chủ nhiệm, cô giáo tiếng Đức của chúng tôi, cô Tea Reinhardt, người có vai trò quyết định tạo nên nhân cách cho chúng tôi trong thời gian 3 năm ở trường Maxim Gorki Heim. Trong các giờ tiếng Đức và Âm Nhạc mà cô chịu trách nhiệm chính để truyền đạt cho chúng tôi, mà phải nói là truyền đạt với tài năng sư phạm miễn chê, từ 2 đề tài này cô suy rộng ra những đề tài lịch sử, văn học, triết học, hội họa.. của Đức và của cả thế giới nữa, mà tóm gọn là văn hóa với cái nghĩa rộng nhất của khái niệm này. Nhớ như in những giờ học mà cô say sưa kể về cuộc đời và sự nghiệp những nhân tài mà ngày nay ai cũng ngưỡng mộ: Goethe, Schiller, Heine, T. Mann, Rembrandt, Beethoven, Mozart, Humboldt, Einstein…

Ba năm ở Dresden đầu đời, tuy xa gia đình và quê hương nơi chôn nhau cắt rốn, nhưng chỉ với năm đó, chúng tôi đã tìm ra được một quê hương thứ hai mà ngày nay 350 người chúng tôi có thể tự hào được. Nhớ những giờ nằm dài ra trên những bãi cỏ hay những đêm nằm trên giường nhìn ra ngoài tuyết rơi đầy trời mà mơ mộng… Vào những lúc đó, tôi cũng đã sáng tác được những bài hát hay những đoạn văn ngắn đầu tiên ở cuộc đời… chỉ duy nhất…thơ là không, tôi xin thú thật đấy là điểm yếu nhất trong các điểm yếu của tôi, nhưng may quá, mù về…thơ không chết ai, dẫu cho đó cũng là một cái „cửa sổ“ cũng như một ngoại ngữ, mà thiếu nó, người ta thiếu một chút ánh sáng hay một chút khí trời trong mát, nhưng biết làm sao, ai vẹn toàn được đâu? Hay nói khác đi, cũng chẳng nên „tham lam“ quá!                                                                  

Để kết luận cho bài này, tôi xin nói như sau: Lứa Moritzburger chúng tôi thời đó gồm 350 người, sau 65 năm nhìn chung là được học hành hết sức đầy đủ, đều vốn là „con ông cháu cha“ cả, mà không có ai vinh dự trở thành „giáo sư“, chỉ duy nhất có hai PGS, một là chị Phạm Minh Hà, lứa đi 1955, do nhu cầu công tác để làm hiệu phó ĐHBKHN mới „phấn đấu“ thành PGS, và hai là một anh thuộc toán 9 chúng tôi, lứa đi 1956, cũng do nhu cầu công tác để làm hiệu trưởng Nhạc viện TPHCM là anh Hoàng Cương. Tuy phần đông đều tốt nghiệp đại học cả – mà số rất lớn ở Đức, nhưng lại chỉ an phận làm chuyên môn ở các ngành khác nhau thôi, chứ rất ít theo ngạch quan chức hay danh vị. Tại sao vậy?

Sẽ có nhiều cách giải thích từ các giác độ khác nhau. Tôi thiên về quan điểm nặng triết-xã hội học nhiều hơn. Chúng tôi có 6-7 năm ở Đức, học bằng tiếng Đức với thầy cô Đức ở lứa tuổi 10-17 là cái tuổi chuẩn bị trưởng thành, nhận thức được nhiều nhất nên cái kiến thức đó tạo dấu ấn cho suốt cả cuộc đời. Mà đã ở chúng tôi, thì cũng sẽ là bài học cho các bạn trẻ ngày hôm nay, dù các bạn đó sau chúng tôi cả nửa thế kỷ, xin cứ tạm hiểu ngầm rằng: chúng tôi „cầm đèn chạy trước ô-tô“ mà thôi. 

Đó là cuộc cạnh tranh giữa hai nền giáo dục mà cũng là hai nền văn hóa chủ yếu thời đại này, đó là nền văn hóa phương Tây của Thiên Chúa giáo với đại diện là Âu-Mỹ và nền văn hóa phương Đông mà đại diện là Trung Quốc với học thuyết Khổng Tử. Trong khi nền giáo dục phương Tây hướng đào tạo ra con người tự do, phóng khoáng, toàn diện cả về thể chất lẫn tư tưởng thì trái lại, học thuyết Khổng Tử đào tạo ra con người nô lệ, thường dân phải thờ phụng vua tôi, vợ phụ thuộc chồng, con cái mắc nợ cha mẹ (để khi về già cha mẹ có chỗ nương tựa), và quá thực dụng, hoàn toàn hướng theo thành tích để trở thành đám quan lại phục vụ thiên tử, mà ngày nay cũng không thay đổi ở Trung Quốc hiện đại, trước đây thờ phụng Mao thì nay thờ phụng họ Tập, xét cho cùng thì nhân dân Trung Quốc vẫn là một lũ nô lệ, cho dù Trung Quốc đã phóng tàu vũ trụ lên Sao Hỏa.

Ngày hôm nay phương Tây do Mỹ cầm đầu đang cạnh tranh khốc liệt với Trung Quốc ở một cuộc đấu tranh hai nền văn hóa và kéo theo nó là kinh tế và chính trị mang tính địa chính trị toàn cầu, ở thời 4.0. Chưa ai nói trước gì được rằng, ai thắng ai bại, bọn chúng tôi U80 chắc chắn chẳng chứng kiến được đâu, xin nhường cho các bạn trẻ! 

Từ những trải nghiệm của chúng tôi để tìm ra chính kiến và từ đó định ra con đường đi cho chính mình! Chắc chắn chẳng ai giống ai, mà thế thì mới đa dạng, mới hay, và vì tôi không làm chính trị nên cũng chẳng cổ súy cho cái gì cả! Chỉ duy nhất muốn nhắc lại các kỷ niệm của cá nhân mình mà thôi.

______________

(*) Ngay ở câu đầu tiên đã vướng rồi. Làm gì Việt Nam ngày 2/9/1945 đã có độc lập mà tổ chức lễ lạt linh đình từ 76 năm nay. Thôi thì nó đã được biến thành truyền thống rồi, tạm gọi là lễ Tết Mới hay lễ 2/9 vậy, và xin bạn đọc kỹ tính bỏ từ độc lập đi cho. Ông Hồ, với thói láu cá, dối trá, lươn lẹo của ông, sau khi cướp được chính quyền mà chẳng được ai trên thế giới công nhận, chỉ mãi 1950 sau chiến thắng biên giới do được Liên Xô và Trung Quốc ngầm trợ giúp vũ khí, thông thương được với thế giới nên mới bắt đầu dần dần được công nhận, hãy so sánh với Taliban hiện nay ở Afghanistan, dù tất cả mọi so sánh đều khập khiễng, nhất là sau 76 năm, nhưng có sự tương tự để bạn đọc trẻ tưởng tượng được ra. Các nước phương Tây khi đó biết tỏng ông là cộng sản trá hình rồi nên tẩy chay là đương nhiên, ông ta khôn khéo kéo các trí thức vào làm bình phong, „chân gỗ“ cho mình, xóa Đảng Cộng sản Đông dương chỉ trên hình thức, nay thì ai chẳng rõ, để hiện nguyên hình là tay sai Trung Quốc (tình tiết mà ngày hôm nay có ai đó nhắc lại, các đồng chí trẻ của „Bác“ thấy trong cặp „Bác“ luôn có đôi giày phụ nữ bèn hỏi „của ai thế?“ thì „Bác“ gạt ngay „sao các cậu  tò mò thế“, nay thì ai cũng rõ, đó là của Tăng Tuyết Minh, vợ đầu của „Bác“, do đích thân Mao và Chu mối lái và tổ chức đám cưới!). Ông Hồ đã mắc sai lầm tham gia  Đại hội Đảng Xã hội Pháp lần thứ XVIII họp ở thành phố Tours (tháng 12-1920) để thành lập Đảng Cộng sản, để từ đó dấn sâu vào con đường ấy, mà cho đến tận ngày hôm nay dân tộc ta chưa thoát ra được, chỉ vì bè lũ lãnh đạo bám vào cái sai lầm chết người đó của ông để cho đến tận ngày hôm nay vẫn duy trì chế độ cộng sản – độc tài toàn trị, hoàn toàn xa lạ với thế giới văn minh, chỉ còn Tàu cộng và các nước cộng sản khác theo đuổi.              

 

1 Tác giải (vòng đỏ)  chụp cùng các bạn Toán 9 và hai thầy Đức Hans Sinner, trái, giáo viên ngoại khóa, và Karl Hinke, phải, người đeo ca-vát, hiệu trưởng trường Maxim Gorki Heim.

Tác giải (vòng đỏ)  chụp cùng các bạn Toán 9 trường Maxim Gorki Heim, đang biểu diễn nhạc cụ.

Các bạn nữ Toán 3 trường Maxim Gorki Heim bên chiếc máy in khi thực tập tại nhà máy in Druckerei Sächsische Zeitung-Nhà in Nhật báo xứ Xắc-xô-ni.

Cải chính những thông tin của Ngụy Hữu Tâm về Lê Đăng Doanh

 

VNTB – Cải chính những thông tin của Ngụy Hữu Tâm về Lê Đăng Doanh

Lê Đăng Doanh

 

Lời Toà Soạn
Toà soạn  VNTB nhận được thư cải chính  của TS Lê Đăng Doanh  về bài viết ” Kỷ niệm  của tôi ở tư cách là Moritzburger  – dân  Moritzburg ” của tác giả Nguỵ Hữu Tâm và  xin đăng  toàn văn thư ở đây  để rộng đường  dư luận. 

 

 

Trong Bản tin Việt Nam Thời Báo ngày 7/9/2021 có đăng bài Kỷ niệm của tôi ở tư cách là Moritzburger-dân Moritzburg của Ngụy Hữu Tâm trong đó có một số đoạn nói về tôi, Lê Đăng Doanh. Tôi xin cải chính hai thông tin sau đây của Ngụy Hữu Tâm về tôi như sau:


Về đoạn:

“ Ai hay, sau này chúng tôi mới biết Doanh cùng hai bạn nữ đã lên thẳng Đại sứ quán xin trước chúng tôi và được họ duyệt, ba bạn ấy học xong trước bọn 200 đứa chúng tôi một năm, nên được vào học thẳng đại học ở thành phố Halle gần đó, còn chúng tôi được về nước „phục vụ nhân dân anh hùng và gia nhập giai cấp công nhân quang vinh, thành trì của cách mạng, chứ không thành trí thức-cục phân của nhân loại“. Hết bình luận! “

Sự thật là như sau:

Năm 1959, tôi được phân công học nghề thí nghiệm viên hóa học (Laborant), tức công nhân chuyên làm việc trong phòng thí nghiệm hóa học tại Trường Đào tạo nghề của nhà máy hóa chất sản xuất film Agfa Wolfen. Ba chúng tôi là Nguyễn Thị Xuân Liễu, Nguyễn Thị Quang Diệu và tôi Lê Đăng Doanh được ghép vào học cùng lớp với các bạn CHDC Đức đã tốt nghiệp tú tài (Abitur) nên chỉ mất 2 năm trong khi các bạn khác phải học ba năm. Do kết quả học tập tốt trong hai năm cả ba chúng tôi được chuyển lên học tại trường Cao Đẳng Công nghệ Hóa học Koethen (Technische Hochschule fuer Chemie Koethen)  , một trường kỹ sư thực hành lâu đời của Đức. Do kết quả học tập tốt, được sự ủng hộ của Hiệu trưởng tôi đã học hết chương trình ba năm trong hai năm, thi hết các môn, làm bài tốt nghiệp trong nghỉ hè và được chuyển tiếp lên Đại học Kỹ thuật Merseburg,  Hiệu trưởng trường Koethen dùng xe của trường đưa tôi đi học tại Merseburg. 

Như vậy hoàn toàn không có việc tôi chạy lên Sứ quán để xin như lời bịa đặt ác ý của Ngụy Hữu Tâm. Hai bạn Nguyễn Thị Xuân Liễu và Nguyễn Thị Quang Diệu hiện đang sống ở Thành phố Hồ Chí Minh hoàn toàn có thể xác minh điều này.         

Về đoạn

Thảo nào mà sau này cha ấy chẳng trở nên giáo viên Khoa Hóa ĐHTHHN, rồi cuối cùng thậm chí còn leo lên đến viện trưởng Viện kinh tế trực thuộc TW ĐCSVN, cố vấn kinh tế cho các lãnh đạo quốc gia, như Nguyễn Văn Linh.”

Tôi làm giảng viên tại Bộ môn Hóa Hữu cơ, Khoa Hóa, Đại Học Tổng Hợp từ năm 1968 sơ tán ở Đại Từ, Thái Nguyên đến năm 1971 tại Hà Nội. Trong thời gian đó tôi giảng chuyên đề về “Vận dụng quang phổ (hồng ngoại, tử ngoại, cộng hưởng từ hạt nhân) ở Bắc Thái và Hà Nội là một lĩnh vực mới đối với Việt Nam thời bấy giờ, Ngụy Hữu Tâm có đến nghe thỉnh giảng bài giảng của tôi.

Năm 1971, Thủ Tướng Phạm Văn Đồng mời Cố vấn kinh tế CHDC Đức sang giúp trực tiếp bên cạnh Thủ Tướng,(vẫn được gọi là đoàn Mueller theo tên của Trưởng đoàn, hàm Bộ trưởng CHDC Đức) tôi nhận được lệnh trưng tập về làm việc tại Phủ Thủ Tướng từ 1971 đến 1978, làm Bí thư Đoàn Phủ Thủ Tướng rôi tham gia Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế trung ương từ khi thành lập theo quyết định của cấp trên. Năm 1987 tôi được Ban Bí Thư điều động về công tác tại Vụ Tổng Hợp Văn phòng Trung ương Đảng rồi điều về công tác tại Văn phòng Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh. Năm 1990 khi Tổng Bí Thư Nguyễn Văn Linh kết thúc nhiệm kỳ, tôi trở về công tác tại Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế trung ương. 

Quá trình điều chuyển, bổ nhiệm rất chặt chẽ, theo đúng quy trình, hoàn toàn không có việc “chạy” như Ngụy Hữu Tâm dùng, không chỉ nhằm đả kích cá nhân tôi mà thực chất là  phỉ báng công tác điều động và bổ nhiệm cán bộ cấp cao của Đảng và Chính phủ.

Sự nhận xét về một người luôn là hai sự nhận xét, nhận xét về người bị Ngụy Hữu Tâm nhận xét và là sự nhận xét về bản thân Ngụy Hữu Tâm. Phải là một người như thế nào mới có thể bịa đặt để bôi xấu bạn học cũ như vậy.

Chuyện của hơn 70 mùa thu trước

 

VNTB –  Chuyện của  hơn 70 mùa thu trước

Ngụy Hữu Tâm

 

(VNTB) – Kỷ niệm xưa thời đầu đời tôi, sinh trước nước VNDCCH trên cả một năm.

 

Mấy hôm nữa cả nước ăn mừng Tết Độc lập – đáng tiếc là trong cơn dịch cúm Tàu tang tóc nên có lẽ trong im lặng – nước ta thoát khỏi ách thực dân Pháp và phát- xít Nhật. 

76 năm qua, tôi 77, tính cả tuổi mụ đã là 78, bằng tuổi cha tôi khi ra đi vào cõi vĩnh hằng – hai năm nữa là 80 rồi – thọ hơn cả cha, theo câu tục ngữ là „con hơn cha là nhà có phúc“. Quá thọ để nhìn kỹ lại thời gian chính mình đã trải nghiệm, may ra là có bạn đọc trẻ nào đó quan tâm, để từ tiểu sử một người suy ra lịch sử một đất nước, một dân tộc chăng? Nó như cái kính vạn hoa vậy, chẳng phải vạn mà hàng chục triệu kia (hay 100 triệu cũng được). 

Nhân ngày Quốc khánh nói, hay kể lại, chuyện lịch sử đất nước, thì thử nhìn kỹ một người xem sao? Cứ nghĩ thế để tôi cố viết nhiều – dù là „vạch áo cho người xem lưng“ – và phải viết với độ trung thực nhất có thể, đôi khi phải cắn răng, nặn óc hàng ngày xem có đúng người đó với  cái tên đó hay không và lần này thì sẽ đề tên thật nhiều nhất có thể, không sợ phật lòng ai, bởi vì có ai nỡ đem xử trảm người viết sử, chỉ có bạo chúa mới làm thế. 

Mấy hôm trước tôi đã có bài nói từ tuổi 24 trở đi, bây giờ thử lật lại từ đầu xem sao. 

Tôi sinh 1944 ở một gia đình không dám nói quyền quý nhưng cũng là trí thức có hạng của cái nước lúc đó gọi là Đông Dương thuộc Pháp, nhưng sau đảo chính Nhật tháng ba 1943 thì có chính phủ Việt Nam lâm thời của Cụ Trần Trọng Kim do Nhật dựng nên, nhưng chắc chắn hết sức rối ren vì Thế chiến Hai đang sắp kết thúc. Vì đây là đất thuộc Nhật, quân đội Nhật đang nắm giữ nên máy bay Quân đồng minh (Anh, Mỹ) bay đến ném bom để tiêu diệt những tàn quân cuối cùng của Nhật, thế nhưng như tất cả mọi cuộc chiến tranh, quá nhiều dân thường chết oan. Gia đình chúng tôi, cha tôi khi đó đang là giáo sư Trường Bưởi cùng giáo viên và học sinh trường bỏ Hà Nội đang bị đánh bom về sơ tán tại Sầm Sơn, Thanh Hóa. 

Cũng nên nhắc lại:  gia đình tôi gốc Tàu Phúc Kiến sang Việt Nam từ thời Minh nên thành người Việt rồi, ghét Trung Quốc thậm tệ, Huế có làng Minh Hương mà (tôi có viết bài nói cha tôi ghét người Tàu thế nào khi cử anh cán bộ đi kèm để mua máy cho Việt Nam ở Thượng Hải mà ăn lẹm tiền đó). Ông nội tôi làm chủ sự bưu điện thời đó phải lên làm việc lâu ở Tây Nguyên nên các con sinh ra và lớn lên ở đó, mãi sau mới về lại Huế. 

Con đầu và cuối là gái sau đi tu tại gia, 3 trai ở giữa mà cha tôi đầu mang tên Kontum vì sinh ở đó, các ông sau là KT Em và KT Con, ông này cứ bị bạn bè giễu là „con thằng KT“ nên chán quá, đổi tên thành Mộng Huyền, cũng tạm thành công trong văn thơ, bạn của Cù Huy Cận ở nhóm Thơ Mới. Tôi không biết gì về ông bà nội vì hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ chia cắt, ông nội mất thời đầu, bà nội mất thời sau, ngay trước giải phóng Huế 1975, cha mẹ tôi còn kịp về chịu tang. 

Cha tôi học giỏi vì khi về Huế, chỉ thạo tiếng Banar, không biết tiếng Kinh, bị bạn bè giễu là „thằng Mọi“, nên phải gắng học. Có học bổng sang Paris từ 1933, cha tôi vốn cùng các Cụ Nguyễn Xiển, Tạ Quang Bửu, Nguyễn Mạnh Tường, Hoàn Xuân Hãn, Ngô Đình Nhu, … khi đó đang học ở Trường École Normale, Sorbonne hay các grandes écoles khác, nhưng khi 1939 Thế chiến bùng nổ, theo lời khuyên của thầy Joliot-Curie hướng dẫn làm luận án Tiến sĩ, bỏ Pháp về nước và được trọng dụng ngay, về dạy ở trường Chasseloup Sài Gòn rồi ra Trường Bưởi cùng mấy Cụ trên.  

Rồi ông lấy mẹ tôi vì ông ngoại tôi, Nguyễn Đình Phong cũng là giáo sư (Văn) Trường Bưởi – họ Nguyễn Đình cũng là họ mạnh ở Hà Nội, thời hiện đại nay tôi xin kể ra ông bác, anh họ mẹ tôi là Nguyễn Đình Nam, chồng bà Vũ Thị Chín, nổi tiếng hơn chồng, đại biểu Quốc hội, hai ông bà tốt nghiệp TS ở Paris 1954 về Hà Nội mua ngôi villa to đùng ở Phố Cao Bá Quát, dạy Toán đại học Sư phạm, nhưng vì tham gia Nhân văn Giai phẩm, bị trù úm cả đời, ba con sau này còn vươn lên được là nhờ bà Chín, ôi cái chủ nghĩa cộng sản đầy tai ương, hãy so sánh Kabul hè 2021 với Sài Gòn xuân 1975! 

Ông ngoại tôi có mẹ tôi là đầu, sinh 1922, sau đó là cậu Miên, chết trẻ 1946 tại Hà Nội khi cuộc chiến Pháp-Việt nổ ra, sau này khi 1956 tôi về lại Hà Nội luôn thấy trên bàn thờ gia đình cùng các cụ nội ngoại, nên nay tôi vẫn nhớ như in. Sau nữa là 4 cậu nữa mà cậu Phác là cuối, chỉ hơn tôi 6 tuổi, và chỉ trừ cậu Cơ làm giáo viên vật lý ở lại Việt Nam, còn các cậu kia, nhất là cậu Giai sát mẹ tôi, đều là quan chức cao cấp, phía bên kia, đi định cư nước ngoài cả, tôi sẽ kể sau. Nhà mà cha mẹ tôi ở khi cưới là 75, chỗ cha tôi thuê ngay sát 77 Phố Phạm Hồng Thái nhà ông bà ngoại tôi (có lẽ gần nhau vậy nên cha tôi „phải lòng“ mẹ tôi chăng) gần Nhà máy Điện Yên Phụ, nay là hai ngôi nhà lừng lững của Tổng công ty Điện lực Việt Nam. 

Xin mở ngoặc, nhân nói về gia đình, phải nói về cha, thì tôi dẫu chắc chắn chịu nhiều ảnh hưởng, nhưng về tính cách, chắc chắn 2 người hoàn toàn trái ngược. Tôi nóng mà cha lạnh, Cụ hiền lành, nhu mì, khiêm nhường, rất kín đáo, tôi chưa nghe Cụ quát ai bao giờ, với tôi khi Cụ không hài lòng cũng chỉ trừng mắt mà thôi. Về Cụ Hồ, cha tôi nói biết Cụ chống thực dân Pháp để giành độc lập cho Việt Nam thì ủng hộ, chứ chủ nghĩa cộng sản cha tôi không quan tâm, thế cho nên năm 1951 khi GS Nguyễn Khánh Toàn khi ấy là Thứ trưởng Giáo dục muốn giới thiệu cha tôi vào Đảng thì cha tôi từ chối. 

Nhưng đến năm 1956 khi biết nếu ông không vào Đảng thì sẽ ảnh hưởng đến bước tiến thân của con cái thì đã muộn, cha tôi ngỏ ý xin vào Đảng thì bị bí thư Đảng ủy trường ĐHTHHN khi ấy là Lê Hoàng Linh từ chối, bảo: „Anh ở ngoài Đảng sẽ có ích cho Đảng hơn“, không biết hư thực ra sao, cũng có thể hiểu đó là cách để ông ta dễ khống chế cha tôi hơn chăng. Việc cha tôi có mối quan hệ thân thiết với Cụ Ngô Đình Nhu, mãi sau 1975 chúng tôi mới được biết, còn về việc cha tôi nhường chức Bộ trưởng Giáo dục cho GS Nguyễn Văn Huyên thì tôi không nghe cha tôi nói, mà Cụ chỉ nói rằng, GS Hoàng Xuân Hãn có khuyên cha tôi nhận chức đó nhưng ông từ chối. 

Có lẽ cha tôi nghĩ không nhận trách nhiệm chính trị hay hơn, cũng như sau này không nhận làm Thứ trưởng đại học. Còn với con cái thì tôi tin vào Chúa theo nghĩa rộng nhất của từ này, cha tôi về nước thì mới có chúng tôi, nếu không thì tôi bây giờ đang là hạt nano bay trong vũ trụ, còn sau này, nếu cha tôi vào Đảng thì tôi cũng đã là Đảng viên và, biết đâu không phải là „dư luận viên“?                  

Còn về cái nhà mà đầu năm 1944 khi phải đi sơ tán ở Thanh Hóa, cha mẹ tôi thuê ở cùng các cậu, sau này mỗi dịp nghỉ hè chúng tôi đều có dịp về thăm, ở ngay sát chợ Sầm Sơn, là một ngôi nhà to, cao ráo sạch sẽ rất gây ấn tượng cho tôi. Và tôi cũng rất ấn tượng vì cứ thấy biển bị kéo ra xa dần, chứ nay ảnh hưởng biến đổi khí hậu chắc không thế nữa. Lâu không về lại, nhất là khách Đức mà tôi hướng dẫn toàn ra Hạ Long không bao giờ dừng lại ở Thanh Hóa dù có đi xuyên Việt bằng đường bộ. Ngoài biển, hồi đó Sầm Sơn còn đầy những ngọn đồi mà tôi vẫn nhớ, sim, mua phủ kín. Tôi sinh vào ngày dài nhất trong năm, nóng dữ lại tuổi khỉ nên chắc chắn cái đó cũng ảnh hưởng đến tính cách: nóng tính, ham hoạt động và chắc cũng ít nhiều thông minh, sau này luôn thuộc loại giỏi của lớp, chẳng bao giờ chịu thuộc top trung bình. Và mẹ tôi kể, tôi toàn được nuôi bằng sữa dê ở tuổi đầu đời, nên chuyện sau này „nhiều vợ“ chắc cũng chẳng đáng lạ. 

Cũng nên nhắc lại là tuy Trần Huy Liệu là người về Huế dự lễ và nhận ấn kiếm của Vua Bảo Đại, nhưng cha tôi đã cùng các trí thức tên tuổi khác ký chung một bức điện đề nghị Vua thoái vị và vì ông nội tôi lúc đó đang làm chủ sự Bưu điện Huế nên là người đích thân chuyển thư đó cho Hoàng gia, góp phần xóa bỏ chế độ phong kiến Việt Nam, điều mà nhiều nước trên thế giới ngày nay chưa làm được.    

Sau Cách mạng Tháng Tám, từ Sầm Sơn về lại Hà Nội, cha tôi được cử làm Giám đốc Việt Nam học xá, đại học đầu tiên của nước VNDCCH vừa mới ra đời, đóng ở những ngôi nhà ba tầng cũ, nay thuộc trường Đại học Bách khoa Hà Nội (xin xem ảnh minh họa). Tôi được các cụ kể lại, Cụ Hồ rất sâu sát đã đến thăm ngay gia đình Giám đốc, có ôm tôi mà bảo „Đây là vị Giám đốc tương lai của đại học Việt Nam“ (Cụ cũng làm động tác này với rất nhiều người, trong đó có anh bạn ĐX Bách, cùng khóa tôi nhưng khoa Văn, sau này làm hiệu trưởng trường viết văn Nguyễn Du, có cho tôi xem ảnh chụp Cụ đang ôm anh ấy khi anh 5 tuổi rồi bảo „Đây là đồng chí TBT tương lai của ĐCSVN“). Cụ đâu phải Nostradamus hay Bà Vanga, nên tôi sau này cuối đời chỉ là anh hướng dẫn viên du lịch quèn, còn anh bạn tôi có khá hơn, làm đến… hiệu trưởng một đại học Việt Nam mà thôi, chứ không phải của bất cứ nước nào khác. Cụ phán láo quá!

Chỉ được một năm rưỡi ở Hà Nội thì Pháp gây hấn, cuộc toàn quốc kháng chiến nổ ra, gia đình tôi đi sơ tán ở Bình Đà, Hà Đông, rồi chiến tranh ác liệt quá, chạy lên „An toàn khu“ trên Chiêm Hóa, Tuyên Quang. Khi ấy tôi đã có hai em, cô Nhung và cậu Dũng (xin xem ảnh minh họa). Cậu em này sau mất vì điều kiện quá khó khăn không có thuốc men, dẫu gia đình tôi ở ngay sát gia đình nhà giáo sư Tôn Thất Tùng (xin mở ngoặc mọi người lúc đấy hay đùa, gán ghép cô em tôi với anh Tôn Thất Bách vì hai người sinh cùng năm 1946). 

Cha tôi lúc ấy làm Giám đốc Trung học vụ nên Cụ phải đi công tác liên miên, nhưng đến 1951 sau chiến dịch biên giới, phía ta vốn đã được Liên Xô và Trung Quốc công nhận, nay có đường thông thương với hai nước này. Trung Quốc muốn giúp ta đào tạo cán bộ cho tương lai ở Quảng Tây mà bài trước tôi có nhắc tới, một ở Quế lâm là Trường Thiếu sinh quân và một ở thành phố Quảng Tây là Trường Sư phạm (còn gọi là Khu học xá TW) do Cụ Võ Thuần Nho (em trai đại tướng Võ nguyên Giáp, có thời làm thứ trưởng Bộ Đại học cho GS Tạ Quang Bửu) làm Giám đốc. 

Cha tôi được cử làm Giám đốc Trường Khoa học Cơ bản là trường đại học khoa học đầu tiên của ta. Thế là lúc đó gia đình tôi được từ Chiêm Hóa đi sang Quảng Tây, bấy giờ không phải là xe thồ nữa mà đó đã là xe hơi, chiếc Molotova mới 4 bánh chứ không phải 6 hay 10 bánh như sau này trong chiến tranh chống Mỹ. Tôi nhớ nhất lần đầu tiên được đi xe hơi (khi đã hiểu biết, khi ở Hà Nội thì còn nhỏ quá), ngửi mùi xăng thấy nó thơm và đặc biệt thế mà bây giờ thì… sợ hết hồn! Và những lần phải chờ đợi hàng tiếng đồng hồ để lên phà vượt qua sông, mà sau này đi tour lại lấy lại được cảm giác ấy, điều mà chắc các bạn trong Nam dễ thấy hơn vì có nhiều sông nước. Nhưng sông miền Bắc nhỏ chứ không như trong Nam và thường có núi ở gần và bên bờ sông um tùm tre.

Sang đến làng Tâm Hư là làng nhỏ cách thành phố 10km, nghèo khổ và bẩn thỉu còn hơn Việt Nam thời ấy. Gia đình còn giữ được những ảnh chụp chung với các anh sinh viên mà sau này đều là những người hết sức nổi tiếng như Nguyễn Đình Tứ, Nguyễn Hoàng Phương, Đinh Ngọc Lân, vật lý, Phạm Sĩ Liêm, xây dựng… 

Ở làng này tôi còn hai kỷ niệm mà nay sau 70 năm phải nhắc lại, vì đó là những tình cảm đầu đời. Một là (tôi đã đề cập tới ở một bài báo nhưng nay nhất thiết phải nhắc lại vì quan trọng) tôi đã tình cờ chứng kiến cải cách ruộng đất ở Trung Quốc trước khi nó được „xuất cảng“ sang Việt Nam. Bây giờ đã qua đi đúng 70 năm nay mà tôi thấy nó vẫn hiển hiện trước mắt, mà cũng đã từng thấy trên nhiều phim Trung Quốc thời ấy: tất cả làng hàng trăm người tụ tập trên sân đình để chứng kiến đội xử tội ngắm bắn „tên địa chủ“ bị chói chặt hai tay sau lưng, sau loạt súng là máu ở ngực bắn phọt ra tứ tung và ngã đổ vật xuống.

Tôi sợ quá nhắm nghiền hai mắt lại chạy vội về nhà và cả tuần đó ngủ không yên vì cái cảnh rùng rợn đó. Ngay sau vài năm thì tôi cũng được xem nhiều phim, cảnh và hiện vật hết sức ghê rợn của phát-xít Hitler tại các trại tập trung ở CHDC Đức, nhưng hoàn toàn chẳng để lại dấu ấn lâu bền như kỷ niệm trên. Phát-xít Đức còn lâu mới ghê tởm được như Trung Hoa cộng sản.

Vài nét chấm phá từ cuộc đời tôi ( phần 1)

 

VNTB – TS Nguỵ Hữu Tâm: vài nét chấm phá từ cuộc đời tôi ( phần 1)

Ngụy Hữu Tâm

(VNTB) – Ôn lại kỷ niệm xưa ở Viện khoa học Việt Nam, xưa vốn là “vườn trẻ TW” và nay là “tháp ngà khoa học VN” và một vài nét liên quan.

1.

Vào tháng hè oi bức, giữa hai tuần giãn cách liên tiếp tại Hà Nội. Sau Sài Gòn cả trên tháng nay vì đại dịch covid 19, cúm Tàu, tôi phải nằm nhà chán ngắt dẫu truyền hình chiếu đủ các môn thể thao của Olympic Tokyo 2020 trên đủ các kênh, với công nghệ HD và màn hình phẳng rộng như đang ngồi trong rạp chiếu phim với hình ảnh vẫn hết sức rõ nét và các cuộc thi tài cực kỳ hấp dẫn, nhưng nằm nhà xem mãi cũng chán.  

May quá có nhiều hồi ký về những gì đã xảy ra trên nước ta thời hiện đại xuất hiện trên mạng, đặc biệt là các bài viết về cuộc Cải cách Ruộng đất long trời lở đất mà nay dù nhà nước đã biết bao nhiêu lần “sửa sai”, “minh oan” cho những người bị hại, thậm chí còn trao giải thưởng cho người sống sót dẫu họ đều ở tuổi xế chiều mà phần lớn đều đã ra đi. Đề tài này bắt buộc chúng ta phải ngẫm nghĩ về những gì còn sâu lắng hơn thế rất nhiều, hầu như, nếu tôi nói không ngoa, mang tính triết lý đời người, hay rộng hơn, là lịch sử thế giới vì nó liên quan tới ĐCSVN trong bối cảnh mối liên hệ với ĐCSTQ và những hệ quả của nó, nhất là khi ngày nay Trung Cộng đã vươn lên vị trí ngang ngửa với Hoa Kỳ và chèn ép đàn em hết mức có thể.           

Từ nguồn cảm hứng đó, tôi thấy mình phải viết một chút gì, dẫu mình chẳng có trải nghiệm như các tác giả trên, càng không có chút năng khiếu văn học gì. Nhưng khi đã thích thì bắt buộc phải làm. Và khi mọi người đã viết được, thì tôi cũng dám thử viết, dù ngắn hơn rất nhiều vì đề tài quá rộng, một chút ít về bản thân ở tư cách là người từng tham gia xây dựng Viện khoa học Việt Nam những năm trước và những con người khác – các đồng nghiệp – ở đấy, dẫu cho khi đó chắc chỉ có không đến ngàn người, nay ba ngàn chăng, quá nhỏ để nói lên điều gì, nhưng biết đâu chẳng có bạn đọc thích thú, nhất là các đồng nghiệp để kiểm chứng hay chỉ đơn giản là so sánh. Hơn nữa về đề tài này cũng có rất nhiều bài trên mạng rồi, nhưng cứ xin coi đây là một bổ sung mà thôi. Nhìn sự việc ở một góc độ khác, vì nói là xây dựng rồi làm việc ở Viện khoa học Việt Nam, nhưng tôi đi công tác ở ngoài cũng khá nhiều, chưa nói cuối đời rời hẳn, tuy vẫn có mặt đó, nhưng coi như đã bỏ hẳn nghiên cứu khoa học, mà làm dịch thuật là chính. Nhưng dẫu sao vẫn gắn bó với những con người ở đó, nếu không làm sao có bài này được?

Dù các bài vừa nhắc ở trên và bài của tôi đều muốn nói về số phận dân tộc Việt trong một thời khoảng, thế nhưng nếu như có thể coi các bài trên như một bức tranh chân dung vẽ nhiều người mà tác giả đồng thời vẽ nhiều người mẫu thì bức của tôi lại là một bức chân dung tự họa mà tôi tự khắc họa chính mình để muốn nói về cả một cộng đồng nhiều người, cứ tưởng dễ mà lại quá khó, nên chuyện thành công hay không hãy xin để bạn đọc phán xét, tôi chỉ là một họa sỹ tồi nhưng có đầy đam mê và quyết tâm muốn vẽ một bức tranh đẹp, thế chắc cũng là quá đủ chăng?…     

Dẫn nhập hơi dài dòng, xin bạn đọc lượng thứ. Nhất là tuy mang tính mô tả lịch sử, tôi không thể đề tên cụ thể từng người liên quan mà chỉ viết tắt hay đổi tên vì số lớn người nhắc đến, nay dẫu chưa ra đi thì cũng đều đã trên dưới 80 tuổi cả rồi, và vì điều kiện bắt buộc cho sự tế nhị là vậy, nên dẫu cho người trong cuộc có thể đoán ngay ra người thực mà không sợ lầm lẫn, bởi vì tôi không hề hư cấu, trái lại muốn trung thực nhất có thể, nhưng vẫn là từ góc nhìn của cá nhân cho dù sức có hạn và cùng thời gian và cùng đề tài ấy đã có nhiều tác giả viết, nên có thể thiếu khách quan nên mong lượng thứ. Xin xem thêm: https://funix.edu.vn/blog/goc-xmen/dau-nam-di-tham-bao-tang-ngo-rat-vo-ly-nhung-lai-vo-cung-thuyet-phuc/https://cespsite.wordpress.com/2018/09/02/nguoi-viet-tram-lang-viet-nam-di-truoc-ve-sau-phan-2/http://dongtac.hncity.org/

2.

   Tôi tốt nghiệp khoa Lý khóa 9 Đại học Tổng hợp Hà Nội (các khoa ĐHTHHN đều có các giáo viên và sinh viên nổi tiếng vì đấy là cái nôi đào tạo nhân tài đất nước, riêng khoa Văn tự hào bao nhiêu về cựu sinh viên của mình: Diệp Minh Tuyền người viết Khúc quân hành hay Hoàng Thị Ý Nhi, nữ sĩ tài ba, thì ngỡ ngàng biết bao với NPT, đồng môn trước tôi một khóa, nhưng lại hết sức mang tiếng xấu về sự bảo thủ, tham lam vô độ cộng với tham nhũng quyền lực)  năm 1968 khi trường ĐHTH Hà Nội đang còn sơ tán trên huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên, vào những năm kể từ 1965 sau khi Mỹ bắt đầu đánh phá Miền Bắc, chúng tôi vốn sống và nghe giảng ở những lán trại trong rừng, làm thí nghiệm với dòng điện ọc ạch phát ra từ những chiếc máy nổ cũ kỹ, từ chốn rừng xanh núi đỏ hoang sơ tôi về lại thủ đô ngàn năm văn vật nhưng nay buồn tẻ do vắng hoe vì sơ tán. 

Cầm tờ quyết định tốt nghiệp đại học và giấy giới thiệu công tác đến Cục Cán bộ, Bộ Công An, khi ấy nằm ngay Phố Nguyễn Du ven hồ Thiền Quang thơ mộng. Như tất cả bạn bè cùng lớp và cùng lứa thời đó, thanh niên thời chiến mà, tôi đã viết đơn với nguyện vọng xin vào phục vụ trong các lực lượng vũ trang, thì bị anh sĩ quan tiếp nhận hồ sơ, với bộ mặt lạnh như tiền từ chối thẳng thừng: Đồng chí về lại Phòng Tổ chức trường, chắc họ nhầm lẫn chi đó.  Tôi về Trường gặp anh Lam Đỏ, Trưởng phòng Tổ chức Trường, nhìn vào mắt tôi cười xòa: “Họ nói thế thôi, ngành Công An vốn nặng thành phần chủ nghĩa lắm mà, họ ưu tiên công nông cơ, nhất là lại có đợt sinh viên nước ngoài mới về, họ tha hồ chọn. Cậu thì lo gì, thôi về lại Ủy ban Khoa học Nhà nước là cơ quan đã cử cậu đi học nhé”, tôi chỉ nhìn mũi anh. 

 Sau khi tốt nghiệp công nhân kỹ thuật ở Dresden, CHDC Đức về, tôi vốn đã công tác 2 năm tại Viện Đo lường UBKHNN mà. Thế là tôi đến nhận công tác tại  tòa nhà màu đỏ lừng lững tọa lạc ở 39 Trần Hưng Đạo, vốn là trụ sở của hãng Shell, ngay trong trung tâm thành phố  với các anh cùng lớp là Đoàn quang phổ, Minh, Nguyễn hạt nhân, Khắc vô tuyến, cùng khoa, Phú, Văn khoa Toán, Vũ hóa, Hồng lý ở ĐHTH Leningrad và Moscow, sau này là những lãnh đạo nổi tiếng của VHLKH & CNVN, mới về. 

Tôi cùng Đoàn, Minh, Nguyễn, Vũ và Hồng được làm việc tại ba phòng Vật lý Quang phổ, Hạt nhân, và Chất rắn khi ấy có các anh Hùng, Anh ở Leningrad về, Tố ở Ba Lan về, làm trưởng phòng. Phòng tôi khi đó đã có một anh tốt nghiệp trước tôi 2 khóa, cũng ngành Quang phổ, ĐHTHHN, sau này trở nên hết sức nổi tiếng vì là phò mã rồi thành viên Ban điều hành Bộ Bưu chính viễn thông, là anh Xuân. Đấy là nòng cốt cho Viện Vật lý thành lập  ngay năm sau, 1969, khi được bổ sung các anh Văn, Vọng, Cao, Đoàn, chị Nguyễn, sau này là chị Võ Hồng Anh, con gái đại tướng, rất hùng mạnh cho Phòng Vật lý lý thuyết. Anh Văn, vì đã là giáo sư của Liên Xô, tuy Việt Nam chưa phong, được cử là Viện trưởng. 

Cũng phải nhắc lại tiền thân của VKHVN khi ấy vẫn đang còn là Trung tâm Khoa học Tự nhiên, gọi tắt theo tiếng Nga là NIKI vì do Liên Xô giúp xây dựng ở địa điểm nay là 18 Hoàng Quốc Việt, nhưng khi ấy chỉ là con đường làng Bưởi nhỏ hẹp – rộng chưa đến 8 mét! Còn viện thì do thợ nề và nông dân quanh vùng xây, mới chỉ có hai tòa nhà và hai phân xưởng đều đang xây dở tầng một, xung quanh là ruộng lúa và bãi lầy, và do anh Nguyễn Trọng Yêm phụ trách.   

Tôi rất phấn khởi vì được làm quang phổ hồng ngoại với anh Thân Văn Lượng  (sau này anh đi làm TS ở CHDC Đức, tốt nghiệp về BCA sau xin ra được, về dạy Đại học Tôn Đức Thắng SG, tôi có gặp được một lần) mới ở Leningrad về làm trưởng nhóm và các bạn vốn là dân tốt nghiệp hóa Quốc, ĐHTHHN và Đình mới tốt nghiệp ở ĐHTH Schiller, Jena, CHDC Đức về, trên máy UR-20 của CHDC Đức, là một trong những máy lý hóa –quang phổ hấp thụ hồng ngoại đắt nhất mà Việt Nam lúc đó có. 

Tôi còn được phân công hướng dẫn luận án đại học ngay cùng với anh Lý Hòa ở nhóm QP khoa Lý ĐHTHHN, nhớ cùng anh đưa sinh viên lên thực tập ở nhà máy hóa chất Lâm Thao,  sau giải phóng 1975  anh Hòa về SG làm hiệu trưởng ĐHTH TPHCM. Rồi khi ngành vật lý laser bắt đầu phát triển thì tôi được cử theo đuổi ngành này. Còn nhớ, các anh TĐA và CĐT bên Bộ CA mang ống laser He-Ne từ Đức về và chúng tôi đã lắp lên cho chạy, chúng tôi tự hào biết bao đó là những máy laser đầu tiên ở Việt Nam, điều chỉnh hai gương song song để tạo buồng cộng hưởng khó thế nào. 

Đến hè năm 1973 tôi được cơ quan cử đi nghiên cứu sinh, đi thi. Đây là kỳ thi thứ 2, trước đấy, tức từ 1971 trở về trước không có thi, ai được cơ quan cử đi học là đi. Và chỉ nhờ có sự nỗ lực của bộ trưởng Đại học khi đó là GS. Tạ Quang Bửu để kiên quyết bắt thi chứ không xét lý lịch nữa thì chất lượng sinh viên và nghiên cứu sinh cũng như cán bộ nói chung mới gia tăng, nhưng việc đấy lại đụng đến con ông cháu cha. Cho nên sau đó ông bị thất sủng, đến khi về hưu, ông mắc bệnh gọi xe nhà đi bệnh viện mà cũng bị từ chối thẳng thừng bị lái xe nói dỗi: xe hỏng. 

Kết quả thi nghiên cứu sinh tôi đỗ nên được học ngoại ngữ một năm, nhưng vì tôi đã vững tiếng Đức nên đi ngay đầu năm 1974, cùng anh Cứ, cán bộ ĐHTHHN – vốn tốt nghiệp Đại học Văn-Khoa Huế, vốn khóa trước và khi anh này đã học xong tiếng Đức, sau này anh về Viện khoa học Quân sự Bộ Quốc phòng và chúng tôi vẫn thường xuyên liên hệ với nhau, anh Trần nổi tiếng với khái niệm Ba giáo sư vật lý có chung tên vần C. Tôi sang Viện Quang học Quang phổ – ZOS, VHLKH CHDC Đức, Adlershof, Berlin. 

Với điều kiện làm việc miễn chê với trình độ các nhà khoa học – thày giáo và đồng nghiệp – và thiết bị tân tiến nhất thời đó, cuối năm 1977 tôi nhận bằng TS VL của ĐHTH Berlin HUB về lại Viện Vật lý và ít lâu sau được cử làm Phó phòng, Q. Trưởng phòng, trong thời gian chờ được kết nạp Đảng (về sự việc này tôi cũng đã có viết một bài báo mạng, đăng đã lâu trên tờ bauxitevn, nay chắc bạn đọc muốn nhắc lại, tôi chỉ xin nói ngắn gọn: tôi không muốn vì phải thề như ở đảng mafia và cũng hiểu không thể vì vướng lý lịch như sau này chứng minh, cậu em dù đang tại ngũ tại sân bay Trà Nóc chuẩn bị đi học sĩ quan, khi cán bộ ra Bắc xác minh lý lịch thì được giải ngũ ngay). 

Về chuyện nhận chức Phó phòng có sự kiện hay nên nhắc lại, 34 tuổi nhận chức Phó phòng thời ấy có lẽ hơi sớm nên các anh lớn tuổi đùa ngay: Thằng Tâm vừa lên chức phá phòng, khá đúng. Còn anh Đức bạn cùng khóa, có pha chút ghen tỵ, lại hỏi: Ở nước ngoài nhà khoa học chỉ quan tâm làm chuyên môn, sao ở ta mọi người ham làm quan thế nhỉ. Tôi trả lời: Tôi phải làm trưởng chỉ vì không muốn người yếu chuyên môn hơn mình quyết định việc nghiên cứu của mình mà thôi. Có lẽ câu trả lời này cho đến nay vẫn đúng cho thể chế toàn trị này. 

Đúng khi anh Văn đã làm lãnh đạo VKHVN mà vẫn khư khư giữ chức viện trưởng Viện Vật Lý (VVL) để phải mâu thuẫn gay gắt với các anh Xuân và Hồng để các anh này…tách ra một VVL khác, cũng nằm trong VKHVN. Và cậu cháu, con rể cô em gái tôi, tốt nghiệp TS giỏi ở Anh, sang công tác vài năm ở đại học danh tiếng TH Zurich, Thụy Sĩ, về nước (Viện Dầu khí chỗ anh TNT, ở dưới có nhắc) làm việc vì bố bị ung thư, cũng hành động y như tôi và cũng có câu trả lời tương tự khi được tôi hỏi. 

Cũng phải nói rằng, thời gian đó dù cơ sở vật chất nghèo nàn nhưng anh em chúng tôi được đào tạo khá cơ bản và đồng bộ, khá đoàn kết nên làm việc so với hoàn cảnh là khá kết quả, cũng vẫn có báo cáo khoa học gửi ra nước ngoài dù còn ít. Phòng Quang học, khi đó do tôi phụ trách, có đến trên 30 cán bộ với 10 người đã có bằng TS, trong đó tôi quý nhất anh Trần Khiêm Thẩm, TS hóa ở Liên Xô, hình như Bacu về, phu quân chị Lê Viết Kim Ba, bạn học thời nhỏ Moritzburg Đức với tôi, sau này chị được giải thưởng Kovalevskaja về công trình thiết bị lọc máu, mà chắc chắn anh đóng góp không ít. 

Anh Thẩm vướng lý lịch nên không được kết nạp Đảng và càng không được nhận vị trí lãnh đạo, chỉ bởi vì anh ở Nam ra mà không thuộc diện cán bộ tập kết nên bị tổ chức Đảng nghi ngờ địch cử ra phá ta. Tôi nhớ nhất ở anh Thẩm là từ duy ý chí anh hay dùng cho các nhà lãnh đạo, mà khi đó chúng tôi, các cán bộ trẻ với quá ít trải nghiệm đời và kinh nghiệm chính trị, chỉ hiểu rất hời hợt, và câu chuyện hài hước anh kể, khi anh ruột anh, bí thư tỉnh ủy Hậu Giang, ra Bắc thăm ông em, hỏi anh nên trồng cây gì và nuôi con gì thì anh độp ngay: “nên trồng cây thuốc phiện và nuôi con cave”, thời đó chưa ai dùng và cũng không biết có phải anh sáng tác hay không. 

Từ ý này thì tôi phải thành thật mà nói rằng những người cộng sản Việt Nam đúng là vậy, họ tuy rất thông minh và tràn đầy quyết tâm, thế nhưng vì ít học nên ngây thơ đến mức không tưởng, có gì tác hại cho sự phát triển của một dân tộc hay không nếu lãnh đạo đất nước mà họ lại như thế, và nay cũng là phổ biến và từ cấp thấp nhất? Trong đầu tôi lại hiện lên, dù đã nửa thế kỷ trôi qua, toàn thể cán bộ viện chúng tôi ngồi trên nóc ngôi nhà lớn nay là hội trường VHLKHTN&CNVN để nghe anh Văn huấn thị về kinh nghiệm của Liên Xô gửi người đi học các nước tiên tiến ra sao,  đến các Viện hiện đại nhất học những thầy giỏi nhất, hay của Trung Quốc khi ấy lấy trọng điểm cho khoa học là máy tính, công nghệ vũ trụ, bán dẫn, laser, công nghệ sinh học như thế nào? Dẫu không sai nhưng không tưởng vì không thực tế. Thế cho nên Z181 hay thậm chí kế hoạch chế tạo bom nguyên tử (như Bắc Hàn hiện nay ư?) đều thất bại.

 Cũng phải nói lãnh đạo hết sức quyết tâm. Tôi tốt nghiệp TS cuối năm 1977 thì cuối 1982 được sang Pháp một năm làm post-doc. ở Université Paris-Sud với giáo sư Yves Meyer. Với bạn trẻ ngày nay là quá chậm nhưng thời đó là ưu tiên hết sức. Về đời sống riêng, tôi lập gia đình 1971, có con trai cuối năm 1972,  đúng thời Hà Nội đánh bom B-52. Tôi sinh con gái 8 năm sau tức là giữa năm 1980. Khi ấy nuôi con khó thế nào, nhà nước cũng chỉ cho phép nuôi hai con mà thôi, xin bạn đọc lượng thứ cho tôi khỏi phải nhắc lại. 

Kể từ sau giải phóng Miền Nam, cấm vận, chiến tranh biên giới phía Nam, phía Bắc liên miên nên đời sống vô cùng khó khăn, VKHVN không thể khác được, chuyện đi nước ngoài, lại tư bản nữa, là một sự ban ơn lớn của lãnh đạo, mọi người hay nói nửa đùa nửa thật, đi Pháp là để chuẩn bị đi chuyên gia. Đúng thế, nhà nước bắt đầu phải trả nợ, Algeria có cho ta vay dầu và nước ta trả nợ bằng cách gửi công nhân xây dựng, các cán bộ ngành y tế và giáo dục sang đó, mà dù đã trả hết nợ ở Algeria, điều đó cho đến nay vẫn thực hiện cho các nước khác, chỉ có điều là để tăng nguồn ngoại tệ cho đất nước, các nước chậm phát triển đều làm vậy. 

Khi tôi về thì tình hình xã hội như trên đã nói, lại nữa dần dà trong phòng còn có hai anh Đức và Sĩ tốt nghiệp TS bậc 2 ở Đức (Dr. habil. hay Dr. sc.) và Liên Xô (Dr. Nauk, TSKH ở ta) về, lại là đảng viên nữa nên khi tôi chỉ là Q. Trưởng phòng hờ, tự biết thế đứng của mình hết sức bấp bênh, tất nhiên tôi biết phải tìm con đường thoát cho mình. Bên VKHVN ít người đi chuyên gia vì các nước đều yêu cầu có quá trình giảng dạy. May quá bên Khoa Lý ĐHTHHN các anh bố trí cho tôi năm 1986 song song sang dạy bên đó, nên  khi năm 1987 có anh Hoàng Đắc Lực, Trưởng phòng Hạt nhân, được đi chuyên gia, dạy ở Đại học Msila, Algeria, nên tôi có cớ để xin lãnh đạo cho đi. 

Cũng phải mở ngoặc sau thời gian ở nước ngoài khá lâu, vợ tôi cũng đi Đức 2 năm 1985-87, thì chuyện gì phải đến sẽ đến, gia đình có lục đục nên tôi cũng phải nhân dịp này thoát ly. Lãnh đạo duyệt nên được cử đi thi tiếng Pháp và chuyên môn rồi đến Sứ quán kiểm tra lần cuối, tôi đã có thời gian tập dượt bên Paris-Sud và ĐHTHHN nên may mắn trót lọt.

 

Đi làm chuyên gia ở Algeria ( phần 2)

 

VNTB – TS Nguỵ Hữu Tâm: Đi làm chuyên gia ở Algeria ( phần 2)

Nguỵ Hữu Tâm

 

(VNTB) –  Sau trên 30 năm mở cửa phát triển dưới sự lãnh đạo tài tình của Đảng ta, Việt Nam cũng chỉ mới tương đương Algeria khi đó, nếu xét thu nhập bình quân cũng vậy, trên 2000 USD.


3. 

Thế là vào niên học 1988-89 tôi đã bay sang Algeria, nhưng đến Constantine thành phố lớn thứ ba sau thủ đô Alger và thành phố cảng Oran phía tây, gần Maroc – nằm phía đông gần Tunisie, cách biển 90 km, nhưng lại có trường đại học lớn nhất. Đồng 200 Dinar có mệnh giá lớn nhất, in hình trường này, là ngôi nhà chính 30 tầng nằm chót vót trên đồi cao, do Saudi Arabia xây tặng. Thế cho nên đoàn chuyên gia Việt Nam vào loại đông nhất Algeria, anh em vật lý rất đông, ở đây tôi gặp các anh Đoàn đồng nghiệp VVL, Phạm Quốc  Hùng trên tôi 2 khóa, của ĐHTHHN, anh Nguyễn NH, chị Ngọc của ĐHBK… nên rất thuận lợi. Anh Quan Hán Khang khóa 1 ĐHTHHN, cũng vật lý ở ĐH Mỏ làm đoàn trưởng ở cùng căn hộ, (về anh Khang có kỷ niệm cũng khá lý thú, sống với nhau đủ lâu, anh quý tôi nên mới bảo, tao giới thiệu mày vào Đảng nhé, tôi chỉ cười không dám nói, đến khi bức tường Berlin đổ, Liên Xô tan rã, anh mới bảo: May quá mày không vào Đảng chứ không thì bây giờ mày là những thằng đầu tiên phá Đảng). 

Anh Trần NT cũng dân vật lý Ru về khoa Lý ĐHTHHN rồi về Viện Dầu khí, bí thư chi bộ. Nhưng lại khó khăn cực kỳ, vừa chân ướt chân ráo sang mà chủ nhiệm khoa gọi lên giao dạy Nhiệt động học cho nghiên cứu sinh vật lý lý thuyết. Môn này có giao cho tôi dạy bằng tiếng Việt tôi cũng xin vái chào nói chi bằng tiếng Pháp nên tôi chối ngay, thế là ông ta giao tôi chữa bài tập, may quá việc này thì tôi làm cùng anh Hùng, dạy lý thuyết lại là anh Khang. Thế nhưng chủ nhiệm khoa đã hủy hợp đồng năm sau khi tôi những muốn ở lại nhiều năm. Và thế là có việc cho tôi làm. 

Khi sang Berlin nghỉ đông năm ấy, tôi xin thầy một số thiết bị laser và mang về tặng lại Tổ bộ môn VL chất rắn, và tham gia với họ đề tài phát triển laser ở Algeria, nên Tổ trưởng bộ môn này, TS. Hahlimi, ở Nga về, kiêm Phó khoa, lại ký một HĐ dài hạn cho tôi. Tôi chỉ còn việc lên Bộ Đại học trên Alger xin hủy quyết định của Chủ nhiệm khoa là xong. Thế nhưng lại chưa xong. Anh Khang khác phòng nhưng cùng căn hộ rỉ tai tôi: Cậu tìm cách giải trình chứ Chi bộ đề nghị Sứ quán đuổi cậu về nước đấy vì họ bảo cậu tự ý đem thiết bị laser CHDC Đức tặng Việt Nam mang cho Algeria. 

Quyết định của ông đồng nghiệp ngay căn hộ bên cạnh đây! May quá thầy tôi là người cẩn thận. Nhằm tránh chuyện mang thiết bị laser là đồ cấm qua cửa khẩu sẽ bị giữ lại, ông đã phòng xa và cho tôi một tờ quyết định của Viện ZOS cho phép TS NHT mang thiết bị giảng dạy sang Algeria! Hết bàn! 

Về những năm tháng ở Algeria thì sinh viên lười học chứ không như Việt Nam ta, ở dưới tôi xin có nhận xét chung về người Algeria, cũng có thể là tôi không có khiếu giảng dạy, nhưng xin kể một chi tiết: ngoài chuyện họ học cách đình công ở Pháp (giáo viên chúng tôi được nghỉ hoài vì họ quá hay làm grève-đình công, nhưng cuối năm trả bài thì sao đây, tỷ lệ trượt quá cao thì nguy cơ hủy HĐ ngay), ba môn cours-lý thuyết, TD-bài tập và TP-thực hành, thí nghiệm chỉ có TD là bắt buộc nên trốn học hoài. 

Tôi mới phải áp dụng phương pháp Việt Nam dù là phản giáo dục, bảo hôm sau thi thì hôm trước thầy sẽ phụ đạo để thi cho tốt, nhưng thực ra tôi đã cho toàn bộ lời giải rồi. Cứ tưởng chúng rủ nhau đến đông không ngờ vẫn vắng hoe, hay mấy đứa đến nghe sẽ chỉ cho lũ lười học? Không ngờ lớp 60 đứa thì chỉ có 6 làm được bài, tôi đành đánh trượt 2/3. Chủ nhiệm khoa gọi lên, kêu sao ông khắt khe với sinh viên thế. Đã thế tôi về sửa điểm, cho cả lớp đỗ. Nước giàu dầu mỏ có khác! 

Anh em chuyên gia chúng tôi, sau nhiều năm ở Algeria, nhận định, có thể tạm kết luận là họ lười hơn dân ta nhiều vì bản chất du mục, anh mục đồng để cho chó chăm đàn cừu chứ còn mình cứ nằm trên đồi ngủ kỹ, và cũng nói dối đến trắng trợn vì bản chất thương lái. Ngại nhất là lương tháng gửi ngân hàng hỏi mãi mà nào thấy đâu, lại nữa theo luật Hồi giáo, gửi ngân hàng lãi bằng không! Thế nhưng phi thương bất phú, nhớ những năm tháng ngăn sông cấm chợ của Đảng ta mà ghê răng quá! Chúng tôi ngại nhất là khi họ xoa tay nhau ý là chẳng còn gì để nói với nhau nữa, và câu trả lời sẵn cửa miệng là demain, demain-ngày mai mà thực ra là chẳng bao giờ. Về cuộc sống các chuyên gia Việt Nam ở Algeria, nếu bạn đọc quan tâm hơn, xin tham khảo cuốn Tha hương ký sự của Ngô Tất Vĩnh.   

Hè năm sau đó tôi và anh Hùng về nước, anh về hẳn sau 3 năm công tác, tôi được gia hạn nên chỉ về phép. Thế nhưng như cha tôi đã cảnh báo, tôi phải ở lại để làm thủ tục ly dị, cả một câu chuyện đau khổ nhưng có thể viết vài trang chứ không như bây giờ. Cũng nên nhắc lại để bạn đọc  trẻ hiểu, cộng sản học đạo Thiên Chúa còn cấm ly dị thì cũng hết sức gây khó dễ chứ không như phương Tây và bây giờ ở ta. Ở buổi tranh cãi ở tòa phải có đại diện cơ quan hai bên dự, bên tôi khi đấy là anh Vũ M., chủ tịch công đoàn VVL. Tôi vốn muốn giữ con nên phải thuê luật sư già, giỏi cố vấn, thì ông này khuyên: Cả đời tôi giúp ly dị bao nhiêu đám rồi, anh cứ muốn treo chuông (không chịu ly dị) ư, con anh rồi sau chúng lớn lên chúng sẽ hiểu ra. Đúng thế. 

Và sau này khi tôi ở Pháp, chị Ngọc vốn làm nghiên cứu sinh ở Praha, từ Tiaret qua làm hàng xóm thân thiết, hết sức tốt nên cứ muốn hàn gắn lại, vợ cũ thường xuyên gửi thư sang cũng muốn thế nhưng tôi cương quyết: Tết tôi về mà hè nếu chị chưa về thì tôi cưới đấy, may quá có thầy cũ Ngô Quốc Quýnh ở ĐHTH giới thiệu cô cháu quý, nên chỉ phải tìm hiểu nửa năm đã đủ, hè bà vợ cũ về thì đã muộn, bà sang lại Praha ngay. Đúng như mọi người (mê tín) dự đoán, ngày ly dị (10.10.1990) ba số 0 thế này thì không có chuyện sau này gương vỡ lại lành đâu. Cho đến nay thế cũng đã là 26 năm tôi sống cùng bà vợ thứ 2, 1/2  rồi (ở VKHVN có nhiều Tâm, nên ai hỏi Tâm nào thì phải đế thêm “Tâm nhiều vợ ấy” là thế, tôi đâm nổi tiếng! Một là số ít, hai đã số nhiều rồi, mà đây 2, 1/2  là vì các cụ thường nói “già nhân ngãi non vợ chồng”, thậm chí rất nhiều cơ mà). 

 4.  

Vợ con ra đi, tạm thời sang Moscow rồi sau Praha và mãi mãi vậy. Một cuộc tình mới mà nếu khéo viết cũng đáng giá một truyện dài vì là thiên tình sử đẹp giữa trai tài gái sắc dù chàng đã đứng tuổi nhưng dư sức vì sau bao năm ly thân và kiêng kỵ ở nước ngoài (xin mở ngoặc kể thêm, Algeria Hồi giáo nên không chỉ cấm rượu và thịt lợn mà cấm cả chuyện quan hệ trai gái nhưng chẳng hề kém phương Tây về mặt này, thành phố nào cũng có phố đèn đỏ, tôi đã từng chứng kiến khi buổi trưa đến giảng đường thì thấy một cặp nam nữ sinh viên đang quần nhau trên bàn. Và chúng tôi dù ở Algeria lâu, cũng khá thân với đồng nghiệp nhưng rất ít người được bạn mời đến nhà chơi. Họ bảo ngay con trai lấy vợ ở riêng cũng chẳng bao giờ mời bố lại chơi nhà vì sợ bố ngủ với vợ mình! Nghe ghê quá! 

Cá nhân tôi thì chỉ được một đồng nghiệp mời đến nhà chơi nhưng anh này lại là chuyên gia Ấn Độ), và nàng tuy không còn trẻ nữa nhưng là con nhà gia thế và muộn thế chỉ vì bị cắt buồng trứng và đang là giáo viên trung học môn tiếng Pháp và hai gia đình đều có hai biệt thự chỉ cách nhau một vườn hoa nhỏ, và cũng xin mở ngoặc thêm, khi chúng tôi đến xin phép ông bố vợ tương lai thì cụ chỉ cười xòa mà bảo: Đấy là việc của anh chị chứ sao lại hỏi tôi?, nhưng đáng tiếc chỉ kéo dài được có 2 năm với Thu Trang vì 1983 nàng có học bổng sang Pháp. Khi nàng bỗng tuyên bố với tôi, em có học bổng đi Pháp đây thì tôi sững sờ và đâu ngờ nàng đã lên kế hoạch dài hạn cả rồi. Thế là tôi đành vớt vát báo là tôi sẽ trở lại Algeria và chúng ta sẽ chỉ xa nhau bởi một khoảng cách nước biển Địa Trung Hải, và quả vậy tôi chỉ bay trước nàng một tháng. 

Lần này đi Algeria là khi ở đây, màn kịch chính trị đã gần hạ, bởi vậy cuộc nội chiến, chủ yếu diễn ra vào ban đêm, mà xe buýt liên tỉnh đều chạy đêm tránh nắng, trở nên khốc liệt ghê gớm. Tôi được phân công lên thành phố núi heo hút Tiaret, mà anh chị em chuyên gia chúng tôi, đông nhất Algeria với gần 40 người, hay bông đùa mà gọi là Mù Cang Chải. Chuyên gia Việt Nam đông quá, trường chưa bố trí được chỗ ở, anh em chúng tôi 3 giáo viên vật lý đến sau phải ở mỗi người một phòng học rộng thênh thang trên tầng 5 ở ngôi nhà mới xây, chưa có nước nên sáng sáng phải dậy sớm xách nước lên trữ dùng cả ngày, không có buồng tắm nên tắm ngay trong phòng hoặc lười chuyện đổ nước thải thì chỉ có cách… mang nước ra toilet tắm! 

Mà mùa đông Algeria lạnh hơn ở ta, nhất là vùng núi, cả Constantine lẫn Tiaret đều vậy, đôi khi nhiệt độ dưới không, tôi vài lần chứng kiến tuyết rơi tuy ít lâu sau tan ngay. Bạn đọc thử tưởng tượng xem, nói là đi chuyên gia chứ còn khổ hơn ở Việt Nam! Từ Tiaret, tôi vẫn thường xuyên thư từ với nàng…và vẫn đằm thắm lắm. Nhưng tình hình chính trị ở Algeria thì đã hết chịu nổi rồi. Lực lượng vũ trang Hồi giáo cực đoan FIS (Front Islamique Salut – Mặt trận Chiến thắng Hồi giáo) không chỉ đánh vào các chuyến xe đêm mà đã bắt đầu đánh cả vào ban ngày và trước hết đánh vào người nước ngoài vốn làm việc khá nhiều ở Algeria.

 Là nước giàu như các nước Ả Rập dầu mỏ khác vì với diện tích trên 2 triệu km2 họ không chỉ có dầu mỏ, mà họ còn có hầu hết các nguyên liệu khác, lại chỉ có trên hai chục triệu dân ngay khi kỳ nghỉ hè bắt đầu, tôi đành “goodbye Algeria” từ chuyến bay Oran-Paris. Xin mở ngoặc hè năm rồi sau bao năm trở lại Nha Trang, thành phố tôi biết khá kỹ,  mà ở dưới tôi nói sẽ nói kỹ hơn vì sao, nằm trên tầng 20 một khách sạn ven biển nhưng ở phòng có cửa sổ ngắm vào núi vì ít tiền. Tôi cứ ngỡ tưởng như mình đang ở các thành phố biển Algeria là Alger, Oran, Skikkda hay Annaba, thế là sau trên 30 năm mở cửa phát triển dưới sự lãnh đạo tài tình của Đảng ta, Việt Nam cũng chỉ mới tương đương Algeria khi đó, nếu xét thu nhập bình quân cũng vậy, trên 2000 USD. Trong khi cùng thời gian đó các nước Rồng châu Á khác như Singapore, Đài Loan, Hàn Quốc đã ngang ngửa hay thậm chí vượt nhiều nước công nghiệp phát triển, bây giờ ở Đại hội Đảng XIII phải vớt vát đặt kế hoạch đến…2045! 

Hú vía, vì chỉ ít lâu sau thì cũng từ chuyến bay Alger-Paris, FIS, tổ chức Hồi giáo vũ trang Algeria, cướp máy bay rồi khi không thỏa mãn đòi hỏi của 3 tên cướp, đến sân bay muốn tới là bất cứ sân bay châu Âu nào không phải Pháp, đã lần lượt giết vài người trước khi đội cảm tử Pháp có thể cướp lại máy bay khi nó bắt buộc phải đỗ ở Marseille vì cạn xăng, trong đó có một người Việt Nam, anh này là nhân viên Sứ quán, và một trong những tên cướp máy bay sau này khai thì, sau khi giết nhân viên mật vụ người Algeria, chúng bắt đầu giết đến người nước ngoài, và vì kiểm tra hộ chiếu thấy anh sinh tại Hà Nội, thì tên này nhất thiết phải là cộng sản rồi, mà có thể cũng đúng thế. Khi trở lại nước Pháp, thì tôi vốn cũng đã ở một năm tại đấy, lại có họ hàng nhiều nên vấn đề không khó, ghé gặp nàng tại một trường nhà dòng, thì cũng không ngạc nhiên lắm, đây là lần cuối cùng, nàng sẽ ở lại Pháp mãi mãi, mà tôi thì không thể!

Cũng nên ôn lại một chút một kỷ niệm nhỏ. Vào những năm 80 khi cấm vận khốc liệt nên nhà nước bắt đầu “mở cửa”. Các bạn bè tôi đều mở công ty cả, nào 3C, FPT… rất nổi tiếng, tôi chủ quan, tưởng dễ, tay không bắt giặc, chẳng có tý vốn nào mà dám cùng mấy đồng nghiệp, trong đó có anh Võ Đắc Bằng, cùng học từ nhỏ trong Tâm Hư, Nam Ninh nhưng anh được đi Liên Xô ngay, cả tuổi trẻ ở Moscow, lại học MGU, làm việc nhiều năm ở Dubna, lại cũng trưởng phòng ở VVL, mở công ty Phát triển Vật lý-Tin học, sau hai năm thành tích duy nhất là môi giới bán được mấy cái máy cũ và…gửi được một đoàn thực tập sinh đi Séc, phải bán tống tháo công ty đi để tôi trở lại Algeria, với cái giá rẻ bất ngờ là… 200 USD! Lại nói vì cái vụ gửi đoàn thực tập sinh đi Séc mà tôi gặp trở ngại khi muốn xuất ngoại, làm thủ tục xin visa thì Công An suýt giữ tôi lại không cho đi, may có quen biết mới tường và phải giải thích rằng, bản thân tôi chẳng tư túi gì về vụ này mà chỉ giúp một anh bạn mà thôi! Thoát nạn! Hú vía!

Tôi chẳng ân hận gì về những năm tháng đã sống ( phần 3)

 

VNTB – TS Nguỵ Hữu Tâm: Tôi chẳng ân hận gì về những năm tháng đã sống( phần 3)

Nguỵ Hữu Tâm

(VNTB) – Tôi chẳng ân hận gì về những năm tháng đã sống, nếu có được làm lại cuộc đời một lần nữa, dù không bao giờ xảy ra, thì tôi vẫn làm vậy.

5.                                        

Đầu năm 1995, sau gần ba năm xa cách, lại đặt chân xuống sân bay Nội Bài. Chỉ còn mẹ già và cô em gái với cậu em rể ra đón, gia đình cô em cũng đã ly tán. Chú em út, sang Berlin từ 1989 cùng gia đình, đã yên vị bên Munich rồi. Tôi về lại Viện Vật Lý ( VVL), nay đã khác nhiều so với 7 năm trước, khi tôi tạm lánh. VVL đã tách thành 3, thêm VVL ứng dụng và thiết bị khoa học  (đầu năm rồi lại quay về VVL, bài toán tách nhập muôn thuở ở nước Việt Nam này mà, bao giờ khá lên được, hỏi cũng là trả lời) và Viện Vật Liệu. 

Tôi bỏ việc nghiên cứu tổng cộng cả 7 năm rồi nên trở lại việc này là bất khả thi, tôi đến cơ quan cho có mặt: “sáng cắp ô đi, tối cắp ô  về”, còn làm ngoài để tăng thêm thu nhập. Thế nhưng thời gian này vẫn đọng lại trong tôi ở những buổi sinh hoạt hàng tuần của Ban Chiến lược VKHVN do PGS Mai H., khi đó đang là giám đốc Trung tâm thông tin tư liệu Viện, tổ chức, bao gồm nhiều anh đã hoặc sắp về hưu, trong đó tôi quý nhất là các anh Trần Khiêm Thẩm, Đặng Mộng Lân (thầy giáo vật lý trường bổ túc ban đêm của tôi, mà tôi đánh giá là một trong những người am hiểu vật lý nhất lúc đó, cuối đời vẫn chăm viết bài cho Physics Letters, dẫu vướng lý lịch đến thực tập nước ngoài cũng chẳng được đi, và viết những cuốn sách vật lý hết sức hay, dễ hiểu, anh khóa 3 ĐHTH, vốn đỗ thủ khoa), anh Nguyễn Hữu Khôi, anh hơn tôi đến 17 tuổi, nên coi tôi như thằng em út – cũng vướng lý lịch nên cuối đời chỉ làm đến chức viện phó Viện Hóa Học các Hợp Chất Thiên Nhiên, mà lẽ ra phải làm viện trưởng VKHVN – không thèm chấp, dù cùng tôi dịch nhiều sách nhưng khi xuất bản sách, thậm chí cuốn “Tiểu sử Albert Einstein” dầy gần ngàn trang, ở lễ ra mắt sách có đại diện Sứ quán Đức dự mà anh cũng không chịu đến mà bảo: “Thôi cậu đi là đủ”, và anh An K., nguyên Cục trưởng Cục Phát minh Sáng chế. Anh ấy cứ gặp tôi là bảo: “Lứa Moritzburg chúng mày chỉ có thằng Phạm C. là giỏi”. Anh Phạm C. này, vốn dòng họ Phạm Gia mà, thì đa tài thật, nguyên giáo viên Hóa Lý ĐHBK rồi đi bảo vệ TS luật ở HUB hẳn hoi, rồi thậm chí còn hành nghề này vài năm, về hưu mánh mung và bốc thuốc thành thần, nhưng dân Nghệ Tĩnh ngang như cua, lại điên điên khùng khùng nữa, ăn mặc thì cứ như thằng vô gia cư, dù có nhà 6 tầng mặt đường cho hãng lớn thuê, con gửi học New Zealand. 

Kỷ niệm đặc biệt với Ban Chiến lược này, như tôi cũng đã có lần nhắc tới trên báo mạng, là chúng tôi có viết kiến nghị lên TW Đảng: bước đầu nên thực hiện đa đảng bằng cách tách đôi đảng ra, chẳng hạn cho Mặt trận Tổ Quốc hay Hội Nông dân tách ra với cương lĩnh mới, nhưng chắc họ sợ đảng viên dồn hết sang đảng mới, hay chỉ do thói “kiêu ngạo cộng sản” của họ, mà bặt vô âm tín (nhưng đa đảng như Nga ngày nay mà trở về độc tài như Putin thì cũng chẳng có nghĩa gì cho bước phát triển của dân tộc). Cũng về vấn đề này, anh em chúng tôi ở VKHVN tự hào là có hai giáo sư tài giỏi, không chỉ nổi tiếng thế giới là Hoàng Tụy và Phan Đình Diệu, mà còn dũng cảm công khai phê phán sai trái của Đảng, để cuối cùng GS Phan Đình Diệu, thậm chí còn bị trù úm nữa. Kể về cái “kiêu ngạo cộng sản” sợ hết ngày! 

Song song với dịch thuật, tôi còn làm, như nhiều anh em khác gọi là, đi tour, nôm na là làm tourguide khi có hãng du lịch gọi. Rồi hy vọng trở lại giảng dạy, đăng ký xin nhà nước công nhận chức danh PGS, nhưng 3 lần đều trượt cả. Với vốn liếng 4 ngoại ngữ, thậm chí đến tiếng Nga tôi cũng dùng tốt, nhớ khi qua Moscow thăm cô em, đi lùng đĩa than những bài nổi tiếng mà Nga có mà Đức chưa, cô em tôi hỏi, thì cô mậu dịch viên bảo: Ở đây hết rồi, đến cửa hàng X còn nhé, tôi hiểu và xăm xăm đi ra xuống metro khiến cậu em rể hết sức ngạc nhiên. Cho nên tôi vẫn hành nghề tour guide cho đến ngày hôm nay, chỉ vì cúm Tàu ngăn cản mà thôi. Nên nhớ, đầu tháng 3. 2019 tôi đang dẫn khách, chỉ vì KS khách ở có ông khách Anh nhiễm cúm Tàu mà toàn bộ KS phải phong tỏa khử trùng, tôi vẫn ghé khuyên khách nên kiên trì bỏ ngày đó đi tiếp, thế nhưng khách đủ tỉnh hủy chuyến trở về Đức, hóa ra khách đúng tôi sai. Đời có ai dám tin ở chữ ngờ. Tôi nghỉ tour từ đó đến nay và cứ theo tình hình này thì chắc còn phải nán chờ cho đến hè tới.

6. 

Không chỉ đi Miền Bắc, tôi cũng có nhiều chuyến đi xuyên Việt, tôi vốn gốc Huế, nhà tổ ở Đường Bạch Đằng chỉ cách Cố đô bởi nhánh sông Hương, nên có nhiều người thân ở Huế mà. Nhắc lại đoạn trên nói đến Nha Trang, tôi hay qua đó và ở lại nhiều ngày với khách, thường phải tìm khách  sạn  bình dân ở, bởi vì còn phải nuôi cậu út sinh 1999 mà, năm 1995 về nước tôi lập gia đình ngay, “an cư lạc nghiệp” mà, bà xã cũng đã hơi quá lứa nên đến lần thứ ba mới đậu, nhớ hai lần đang trong SG mà anh bạn ngoài HN báo: “Anh Tâm về nhà ngay”, phải lập tức lấy vé để trở về. 

Trong Nha Trang tôi có hai ông bạn cùng khoa Lý nay đã thành đạt, đều đi Nga về, một ông làm ở Viện Biển, một làm Phó Tư lệnh Sân bay, nhưng tôi lại hay về chỗ anh Ngân, bạn cùng cơ quan, anh hơn tôi 4 tuổi, cũng dân Nga về vì vốn đi học Nga từ nhỏ, thậm chí còn trước lúc bọn tôi đi Đức, từng làm việc nhiều năm ở Dubna nên nay làm đại diện cho VVL trong NT, kiêm chức phân viện trưởng phân Viện Vật Liệu NT. Anh có nhà công vụ là một căn nhà nhỏ nằm sát viện, nhưng là nhà cũ thời Tây nên có hành lang rất rộng, tối tối hết giờ tour tôi lại về chỗ anh chị (có duy nhất cô con gái thì đã lấy chồng ở  ngoài HN) tán gẫu và nghỉ đêm tại đấy. 

Anh Ngân dân Hóa nhưng vốn học cùng lớp với các anh Chu H. và T. X. Hoài ở Quế Lâm, là dân vật lý nên tôi cũng thân quen, lại cùng VVL cũ cả nên rất thân thiết, những đêm ở đó qua rất nhanh. Tôi nhớ có lần anh sầm mặt bảo tôi: “Lại một lần nữa tao phải báo với mày là mày lại trượt PGS rồi, cứ nhắc đến tên mày là sếp nhăn mặt thì bố thằng nào dám bỏ phiếu cho mày”. Ở Việt Nam có chuyện bầu GS nên mới kỳ vậy. Cứ để các trường đại học tự tuyển như các nước vẫn làm thì làm sao? Hay bây giờ đã loạn rồi thì thế sẽ loạn vô cùng cũng chẳng sao?

Hết thời hạn phân viện trưởng phân Viện Vật Liệu NT, vì là PGS, chuyên viên cao cấp, anh Ngân về làm cộng tác viên Viện Công nghệ Môi trường, cách VVL chỉ không đến trăm mét nên tuần nào chúng tôi cũng gặp nhau, không ở hội thảo thì cũng ở viện anh vì tôi còn một anh cũng vốn là quân của phòng QH của tôi cũ đang làm ở viện đó, hay ở quán cà-phê của viện (lớn là VHLKH&CNVN), hết sức tâm đầu ý hợp. Lại trở lại nói chữ ngờ. Bây giờ cúm Tàu, anh lại trên 80 rồi nên thôi không lên viện nữa. Nhưng có zalo hay viber cũng tiện, buôn dưa lê cả tiếng cũng được không sợ hết tiền, nhất là đang phong tỏa toàn phần như thế này. Thế nhưng những sự kiện gần đây đã làm sứt mẻ tình bạn của chúng tôi. Nay tôi tránh không gọi anh nữa mà máy anh cũng luôn bận. 

Số là tôi chủ quan, cứ nghĩ sống, nói chuyện với nhau bao nhiêu năm, 82 tuổi, lại là trí thức xịn, PGS chuyên viên cao cấp, nguyên bạn học của các anh Chu H., T.X. Hoài đều đã ở phía bên kia, ít ra cũng không kiên định chủ nghĩa Mác-Lê đến thế. Tôi cứ tưởng vào giữa năm 2021 này, khi bộ mặt lang sói của họ Tập đã quá lộ rõ và chủ nghĩa cộng sản cũng vậy, thì anh Ngân nếu không nói là cùng phía với chúng tôi, thì cũng không đối lập, nhưng anh lại trở lại vấn đề giai cấp: “Chúng mày giai cấp khác, chúng tao giai cấp khác, bố tao đã ngồi tù Hỏa Lò cùng Đỗ Mười, chế độ này đã mang lại cuộc đời mới cho giai cấp cần lao, hơn trước rất nhiều, chúng tao phải kiên quyết ủng hộ”. 

Viết đến đây tôi bỗng nghĩ, trong bao nhiêu cái sai trái của chủ nghĩa cộng sản, thì cái sai nhất, nguy hiểm nhất mà cho đến nay ai có lương tri vẫn sợ, có lẽ đó là quá đề cao vấn đề giai cấp và việc phải dùng bạo lực để tiêu diệt giai cấp “bóc lột”. Ngay ở một trí thức cao cấp đến như vậy mà não trạng cũng không hề thay đổi, bất chấp những thay đổi đến chóng mặt của thời đại công nghệ 4.0 này. Tôi cũng nghĩ đến anh Đại, bạn lâu năm của tôi, cũng đã từng làm viện trưởng VVL, khi bàn về chính trị, tôi có nói: “Càng về già, mình  mới càng nhận thức ra rằng Cụ Diệm đúng, cụ Hồ sai”, thì anh bảo: “Cả hai Cụ đều đúng”, một dạng ba phải… 

Nhưng Đại lại cũng là người đã tổ chức cho tôi ngay vào năm 1995 khi từ Paris về, đã được đi thăm Trung Quốc từ mặt khoa học. Số là khi đó anh đang làm việc bên Nhật nên có điều kiện kéo 3 người gồm anh Phạm L., vừa bảo vệ TS do anh hướng dẫn, anh Hoàng đang làm TS và tôi, đến tham gia 2 Hội nghị Laser Quốc tế tại Hàng Châu và Thượng Hải. Chúng tôi họp ở hai nơi đó tổng cộng chỉ một tuần, nhưng dành cả hai tuần đi tàu hỏa suốt dọc bờ biển Nam Trung Quốc từ Nam Ninh qua Phúc Kiến đến hai thành phố đó. 

Biết thêm về Trung Quốc khi tôi đã ở đó từ 1951 đến đầu 1955 và đi bằng tàu hỏa 5 lần qua suốt từ Nam tới Bắc, lần cuối vào đầu năm 1978 khi Bắc Kinh còn ngổn ngang vì làm đường tàu điện ngầm nhưng theo phương pháp thủ công dùng sức người, đào đất lên xây đường ống rồi lấp lại. Lần này thấy Trung Quốc đã thay đổi hoàn toàn, nhưng không phải là không có điều gì đáng nói. Thành phố Thượng Hải to hơn Paris tôi vừa mới về, nhà cửa hiện đại hơn, nhưng vào đêm thì ga Thượng Hải la liệt nông dân từ thôn quê ra thành phố làm công nhân, ngủ lại. 

Chúng tôi đến thăm Viện Laser Thượng Hải, được thấy những chiếc laser còn lớn hơn những cái tôi từng thấy ở đại học Paris-Sud hay École Polytechnique. Nhưng khi tôi đến nói chuyện với một đồng nghiệp  trạc tuổi tôi thì anh này bảo: “Tâm ơi, về nước hãy tìm cách gửi giấy mời để tôi sang Việt Nam bởi vì tôi chưa từng đi nước ngoài nào”. Còn tệ hơn cả CHDC Đức và Việt Nam thời xưa, tuy cùng là nước cộng sản. 

Còn về thói bạo ngược, trịnh thượng, coi thường nước ngoài của Trung Cộng thì chuyện đường sắt trên cao 13km Hà Đông-Hà Nội lại chỉ là một ví dụ nhỏ trong hàng ngàn, xin kể thêm, có thể bạn đọc thấy thú vị: chính anh B kể tôi, khi về thăm lại trường cũ ở Quế Lâm thì thấy trường được sửa lại khang trang, có biển long trọng đề Trường này từng đào tạo cán bộ nòng cốt cho Việt Nam, thế  nhưng ngay phía sau lại đề Việt Nam là bọn vô ơn, cứ làm như họ tham gia (hay gây ra) hai cuộc chiến tranh chống Mỹ ở hai nước Việt Nam và Triều Tiên chỉ vì “tinh thần quốc tế vô sản”. 

Còn chuyện này còn mới hơn, ghê hơn. Cậu em họ bà xã tôi làm ở Sứ quán ta tại Bắc Kinh, hết nhiệm kỳ vừa từ Trung Quốc về, kể rằng, vào dịp tàu thăm dò dầu khí Hải Dương của họ đậu ở bờ biển thuộc thềm lục địa ta thì cứ một giờ sáng là Bộ Ngoại Giao Trung Quốc lại gọi điện triệu đại sứ ta đến vì ta khiêu khích họ! Ngang ngược, hỗn hào kiểu nước lớn hết chỗ nói! 

7.               

Bài cũng dài, có lẽ nên kết thúc ở đây chăng? Tôi chỉ muốn kết luận rằng, tôi chẳng ân hận gì về những năm tháng đã sống, nếu có được làm lại cuộc đời một lần nữa, dù không bao giờ xảy ra, thì tôi vẫn làm vậy. Đúng thế, mọi người đều bảo, các nhà vật lý khi về già đều mê tín. Tôi thì tôi tin rằng, có một thế lực cao hơn chính cả Chúa mới có quyền quyết định, mà khoa học sẽ vĩnh viễn không nắm bắt nổi. Lại nhớ câu “Jedem das Seine” ở trước mỗi trại tập trung bên Đức (như chacun à son sort của Pháp, Chúa đã an bài vốn có nguồn gốc từ Thiên Chúa Giáo). Càng nhớ khi ở Pháp những năm 90, muốn ở lại lâu dài, có người thân khuyên nên viết một bài báo chống cộng là đủ để được hưởng quy chế tỵ nạn, ngay cho lúc đó ai cũng đã biết, các lãnh đạo Trung Quốc và Việt Nam đều chỉ nói cộng sản đầu lưỡi mà thôi. Đặng Tiểu Bình ngay khi đó đã thực hiện chủ nghĩa thực dụng khi nói “chủ nghĩa cộng sản hay tư bản không quan trọng, mèo trắng hay mèo đen, không quan trọng, miễn là bắt được chuột”. Và tôi hồi đó tôi đã không viết báo, nên bây giờ mới ở Việt Nam, viết báo nếu nói chống cộng cũng không đúng mà chính xác là “phản biện, theo lề trái của những người bất đồng chính kiến”. 

Nay, dù không thoải mái mà rất khó khăn nữa kia, và dù cũng không đến nỗi phải ngồi tù, nhưng đã từng bị CA bắt một lần đưa về đồn hỏi tội cả buổi để cuối cùng liệt vào “danh sách đen” để nhiều lần bị nhắc nhở, bởi vì người nào khi cầm quyền cũng tìm mọi cách bảo vệ quyền đó vì quyền đi liền với quyền lợi mà, tuy ở phương Tây cũng vậy mà thôi, nhưng vì là những nước tự do, dân chủ nên khác biệt độc tài ghê gớm, mà hơn nữa lại là độc tài toàn trị thì ghê gớm tới mức thế nào, dân các nước, dù ngày nay hay trước kia là cộng sản, biết quá rõ. Khi nói tự do, dân chủ, vì dân, thì ai cũng phải nói vậy để mỵ dân mà, nhưng thể hiện thế nào thì phương Tây họ đến gần nhất rồi, ta chỉ theo họ không cũng đủ mệt. 

Còn về sống ở Việt Nam thì tôi đã làm được như cha tôi, phục vụ đất nước tôi, nơi chôn nhau cắt rốn tôi, điều quan trọng nhất mà Frédéric Joliot-Curie, một người thầy, cộng sản nhưng mà tốt, từng khuyên cha tôi và tôi cũng sẽ kiên định mục tiêu đó cho đến phút chót, dù thời gian chẳng còn nhiều nữa. Và tôi bỗng nghĩ, khó khăn còn nhiều lắm, đến như Nga sau hơn 30 năm vẫn chưa có dân chủ, vẫn là một nhà nước độc tài dù không toàn trị. Và bài toán đúng nhất cho sự phát triển của một dân tộc có lẽ là nâng cao dân trí, mà việc này hết sức khó khăn và phải được đặt làm mục tiêu tối thượng, điều mà Cụ Phan Chu Trinh và các cụ có tư duy sáng nhất đất nước đã đề ra mà phải bỏ dở, tuy mãi mãi vẫn đúng.