Mục lục
Kỳ 1: Phát động diệt chuột, chuột càng sinh sôi
Khi những người ra chính sách không nhận biết hậu quả từ các quyết định của mình.
Khi Ấn Độ còn nằm dưới sự cai trị của thực dân Anh, thành phố Delhi của nước này đối mặt với tình trạng rắn hổ mang tràn lan khắp nơi.
Để dẹp bớt các ca bị rắn độc cắn, thị trưởng Delhi vận động người dân cùng tham gia diệt rắn. Chính quyền đặt ra mức tiền thưởng cho mỗi bộ da rắn hổ mang được người dân đem nộp.
Số lượng rắn bị giết tăng lên nhanh chóng, lượng tiền thưởng chính quyền trả cho người bắt rắn cũng ngày càng nhiều. Nhưng tình trạng rắn xuất hiện trong thành phố không có vẻ thuyên giảm.
Các quan chức phát hiện ra nhiều người dân đã nhanh nhạy nhận thấy cơ hội kinh doanh, mở các trại nuôi rắn để lột da đem đổi lấy tiền thưởng. Ngay lập tức, chính sách đổi rắn lấy tiền bị bãi bỏ.
Những người nuôi rắn, giờ đây mất đi động lực, thả hết các bầy rắn của mình. Thành phố sau đó ngập tràn rắn hổ mang hơn cả trước kia.
Câu chuyện này được kể lại trong quyển sách của nhà kinh tế học Horst Siebert, và được ông đặt cho tên gọi “hiệu ứng hổ mang” (cobra effect). [1]
Với người Việt Nam, chỉ cần thay rắn bằng chuột, câu chuyện sẽ trở nên hết sức quen thuộc. [2]
Năm 1902, lo ngại tình trạng lây lan dịch hạch từ chuột, chính quyền thực dân Pháp ở Hà Nội đặt ra chính sách khuyến khích người dân tham gia diệt chuột. Cứ mỗi cái đuôi chuột sẽ được đổi lấy tiền thưởng.
Chỉ trong vài tháng, hàng trăm ngàn con chuột, hay chính xác hơn là cái đuôi của chúng, được giao nộp cho nhà chức trách để lãnh tiền. Nhưng tình trạng chuột tràn lan không có vẻ cải thiện.
Các quan chức sau đó nhận ra nhiều người đã xem đây là một sinh kế mới. Thay vì giết chuột, họ bắt chúng để chặt đuôi đem lãnh thưởng. Những con chuột bị chặt đuôi được thả ra để tiếp tục sinh sản, và cứ thế người dân càng có nhiều chuột để bắt đổi tiền thưởng. Người ta còn phát hiện đường dây buôn lậu chuột từ các địa phương khác đem về Hà Nội.
Vậy là thay vì giúp giải quyết nạn chuột hoành hành, chính sách diệt chuột khiến vấn đề còn nghiêm trọng hơn lúc đầu.
Đó là những ví dụ kinh điển của “hiệu ứng hổ mang”: các quyết định tạo ra hậu quả ngược so với ý định ban đầu.
Những chính sách này còn được gọi chung là “perverse incentives”, tạm dịch là “tiêu chí nghịch”.
Vì sao người ta lại ban hành những chính sách mang lại kết quả ngược như vậy?
Câu trả lời ngắn gọn là vì họ không nghĩ tới những hậu quả đó.
Thế giới thực không vận hành như nhiều người tưởng tượng
Phần lớn chúng ta hình dung thế giới vận hành theo mối quan hệ nhân quả rất đơn giản: A gây ra B, từ đó suy ra chỉ cần chặn A là sẽ loại được B.
Trên thực tế, các quan hệ nhân quả trong thế giới thực thường là nhiều mớ bòng bong phức tạp đan xen vào nhau.
Trong rất nhiều trường hợp, thứ gây ra B ngoài A còn có A1, A2, A3, thậm chí là An. Về phần mình, mỗi một nhân tố A đó ngoài quan hệ với B còn có vô số mối liên hệ với các B1, B2, B3 cho tới Bn.
Lấy ví dụ đơn giản như tai nạn giao thông. Có vô số lý do có thể dẫn đến việc hai chiếc xe va chạm nhau ngoài đường. Vượt đèn đỏ. Ngủ gục. Say rượu. Cúi mặt vào điện thoại. Mất thắng. Xe nổ bánh. Dính phải ổ gà. Quá tốc độ. Vượt mặt không quan sát. Hay thậm chí đang chán đời muốn tự tử.
Với mỗi một lý do, đằng sau nó lại là cả một chuỗi những mối quan hệ đan xen khác.
Bác tài có thể ngủ gục vì phải chạy giao hàng nhiều ngày liên tục khi công ty thiếu nhân viên. Công ty thiếu nhân viên là do không kịp xin mẫu giấy phép đi đường mới nhất vừa được cập nhật cách đây 24 giờ. Lỗi lúc này sẽ không phải là của bác tài mà là của công ty. Tuy vậy, vấn đề lớn hơn sẽ nằm ở phía chính quyền khi liên tục thay đổi các quy định về giấy phép đi đường, hoặc sâu xa hơn là chính sách quản lý quan liêu và kém hiệu quả, đẩy khó khăn về phía doanh nghiệp.
Nhưng bác tài cũng có thể kiệt sức do phải chạy nhiều ngày liên tục để đạt chỉ tiêu công ty đề ra. Lúc này trách nhiệm sẽ nằm ở phía doanh nghiệp với các chính sách ép buộc nhân viên phải đánh đổi sức khỏe để lấy thành tích.
Hoặc chuyện bác tài ngủ gục có thể là do lối sống không điều độ, dành phần lớn thời gian nghỉ ngơi để cày game online hay bài bạc thâu đêm suốt sáng.
Nó cũng có thể là tổng hợp của tất cả những yếu tố trên và nhiều nguyên nhân khác.
Chỉ với một tình huống đơn giản là hai chiếc xe va chạm nhau ngoài đường, người ta có thể cần phải có vài trăm cái nghiên cứu công phu để hiểu tương đối cặn kẽ chuyện gì đã xảy ra.
Nhưng phản ứng thông thường của rất nhiều người khi chứng kiến sự việc tương tự xảy ra chỉ là “chắc thằng đó say rượu”, “ai biểu chạy nhanh quá làm chi”, hay những câu kiểu “đúng là đàn bà”.
Tầm nhìn của người ra chính sách
Ai là người có quyền ra chính sách để người khác tuân theo? Đó là những người ở vị trí quản lý của các tổ chức, hoặc ở tầm cao hơn là điều hành nhà nước. Mặc nhiên, để có thể ngồi vào những vị trí có quyền sinh sát, tầm mức tư duy của họ cũng phải cao hơn người khác.
Tuy vậy, thực tế cho thấy, nhiều người ở vị trí lãnh đạo có hiểu biết về thế giới thực lệch lạc kém xa người bình thường.
Trong những trường hợp đó, hậu quả từ các chính sách do họ đề ra nghiêm trọng gấp nhiều lần so với vấn đề ban đầu mà chính sách nhắm tới để chỉnh sửa.
Một trong những hậu quả thảm khốc nhất của “hiệu ứng hổ mang” thuộc về chính sách “trừ tứ hại” của chính quyền cộng sản Trung Quốc thời Mao Trạch Đông. [3]
Sau khi nắm quyền vào năm 1949, chính quyền mới của Trung Quốc đối mặt với nhiều vấn đề, nổi bật trong số đó là tình hình thiếu lương thực và dịch bệnh lan truyền.
Để giải quyết các vấn đề này, vào năm 1958, Mao Trạch Đông đã khởi xướng chiến dịch “trừ tứ hại”, vận động toàn dân cùng tìm diệt chuột, ruồi, muỗi và chim sẻ. Chim sẻ bị xếp vào nhóm “tứ hại” vì người ta cho rằng chúng ăn hết ngũ cốc trên các cánh đồng của nông dân.
Khắp Trung Quốc, già trẻ lớn bé đều được vận động tham gia chiến dịch truy sát các loài sinh vật trên. Chỉ trong một thời gian ngắn, kết quả vượt trên mong đợi. Thống kê cho thấy có 11 triệu kg muỗi, 100 triệu kg ruồi, cùng với 1,5 tỷ con chuột và 1 tỷ con chim sẻ đã bị tiêu diệt. [4]
Chim sẻ bị tận diệt với mục đích bảo vệ thu hoạch của nông dân. Nhưng khi lượng chim sẻ lớn biến mất, các loài côn trùng có hại không còn thiên địch, mặc sức sinh sôi nảy nở, tàn phá nghiêm trọng mùa màng. Đây được cho là một trong những nhân tố dẫn đến nạn đói cướp đi sinh mạng của hàng chục triệu người Trung Quốc trong các năm sau đó.
Ở đây, ta có thể thấy một khía cạnh khác của hiệu ứng hổ mang. Trong chiến dịch “trừ tứ hại”, mà cụ thể là việc tìm diệt chim sẻ, việc thực hiện được tiến hành suôn sẻ, người dân không tìm cách “ăn gian” hay đi đường vòng mà toàn tâm toàn ý thực hiện chính sách.
Tuy nhiên, giống như mọi chính sách hổ mang khác, hậu quả ngược vẫn xảy ra khi người ban hành chính sách không nhận biết đầy đủ các mối quan hệ nhân quả của sự việc.
Và đây là mấu chốt của vấn đề: nếu người ra chính sách không nhìn thấy được hết các hậu quả từ quyết định của mình, hoặc ít nhất là nhận biết được khả năng tồn tại của các hậu quả tiềm ẩn đó, mọi chính sách họ ban ra đều sẽ giống như canh bạc may rủi.
Giống như mọi canh bạc, nhà cái – ở đây là người ra chính sách – luôn hưởng phần hơn.
Phần rủi luôn được đẩy về phía những người dân thấp cổ bé họng.
***
Kỳ 2: Thiếu tự do thông tin, rắn chuột mặc sức tàn phá
Trong các thể chế độc tài, cơ chế phản hồi bị đứt gãy nghiêm trọng.
Trong bài viết ở kỳ trước, chiến dịch “trừ tứ hại” được giới thiệu như một ví dụ của hiệu ứng hổ mang, góp phần dẫn tới hậu quả ngược là nạn đói ở Trung Quốc trong giai đoạn 1959 – 1961.
Sẽ là thiếu sót lớn nếu nhắc tới nạn đói kinh hoàng trên mà không đả động đến chính sách “đại nhảy vọt” đầy tai tiếng của chính quyền Mao Trạch Đông, được thực hiện từ năm 1958 đến 1962. [1]
Bưng mô hình kinh tế tập thể của Liên Xô vào để phát triển nông nghiệp và công nghiệp, nhà lãnh đạo họ Mao quyết tâm chỉ trong vài năm ngắn ngủi giải quyết vấn đề lương thực của đất nước, vượt mặt các cường quốc tư bản và thể hiện đầy đủ bản chất ưu việt của chủ nghĩa xã hội.
Trọng tâm của chính sách “đại nhảy vọt” là một cuộc ganh đua ý thức hệ, vậy nên không có gì ngạc nhiên khi các tiêu chí thực hiện nó ngay từ ban đầu đều nhắm đến việc đạt được các con số ấn tượng: hàng chục ngàn các công xã nhân dân được thành lập, [2] hàng trăm ngàn lò luyện thép sân vườn được dựng nên, [3] và vô số các báo cáo láo về năng suất vượt trội được cán bộ địa phương thi nhau gửi về trung ương. [4]
“Đại nhảy vọt” mang đầy đủ các tính chất của một hiệu ứng hổ mang điển hình: người ban hành chính sách không có hiểu biết về cách nền kinh tế vận hành, các tiêu chí đánh giá mang tính bề mặt, và hậu quả của nó thì thê thảm hơn vấn đề ban đầu định giải quyết.
Thống kê chính thức của chính quyền Trung Quốc cho biết có 15 triệu người đã chết trong nạn đói từ năm 1959 đến 1961. [5] Nhiều người cho rằng con số thực lớn gấp nhiều lần. Trong cuốn sách “Mao’s Great Famine” (Nạn đói vĩ đại của Mao) xuất bản năm 2010, nhà sử học người Hà Lan Frank Dikotter cho biết ít nhất 45 triệu người đã chết do hậu quả của chính sách “đại nhảy vọt”. [6]
Hiệu ứng hổ mang trong trường hợp này dẫn đến hậu quả thảm khốc, một phần nguyên nhân quan trọng nằm ở việc trong thể chế độc tài như Trung Quốc, “cơ chế phản hồi” bị cản trở và xuất hiện quá muộn.
Quan hệ nhân quả trên thực tế: các vòng lặp phản hồi
Đa số mọi người hình dung về quan hệ nhân quả theo kiểu đường thẳng (linear thinking): A -> B và chấm hết.
Các quan hệ nhân quả trên thực tế không phải là đường thẳng. Chúng là những vòng lặp đan xen vào nhau, được gọi là các “vòng lặp phản hồi” (feedback loop) hay “vòng lặp nhân quả” (causal loop).
Vòng lặp phản hồi về cơ bản có hai loại. Loại thứ nhất là “vòng lặp dương” (positive loop) hay còn gọi là “vòng lặp bổ trợ” (reinforcing loop). Loại thứ hai là “vòng lặp âm” (negative loop) hay “vòng lặp cân bằng” (balancing loop).
Một ví dụ đơn giản về vòng lặp dương như hình bên dưới, mô tả mối quan hệ giữa việc dân số tăng dẫn đến nhu cầu thực phẩm tăng, từ đó dẫn đến nhu cầu trồng trọt tăng. Khi sản lượng trồng trọt tăng, dân số gặp điều kiện thuận lợi tiếp tục tăng, và nhu cầu lương thực lại tăng. Các nhân tố trong vòng lặp này đều thuận chiều nhau (cùng tăng hoặc cùng giảm), nên nó còn được gọi là vòng lặp bổ trợ.
Cùng ví dụ trên, nếu xem xét yếu tố nông sản, ta có thể chỉ ra một vòng lặp giản lược khác. Nông sản tăng dẫn đến nhu cầu dùng thuốc trừ sâu tăng. Càng dùng nhiều thuốc trừ sâu, chất lượng và số lượng đất nông nghiệp thích hợp để trồng trọt càng giảm. Điều này dẫn ngược lại đến việc sản lượng nông nghiệp sẽ giảm. Cơ chế này được gọi là vòng lặp cân bằng do tính chất tự triệt tiêu nhau của nó.
Trên thực tế, mỗi yếu tố đều liên hệ tới nhiều vòng lặp khác nhau. Các vòng lặp phức tạp này đan xen và không ngừng thay đổi, hoặc mở rộng hoặc thu hẹp tùy theo sự biến đổi của từng yếu tố.
Bạn có thể tìm hiểu về các vòng lặp này qua video của Đại học MIT (Hoa Kỳ). [7]
Cách nhận biết các vòng lặp: tiếp nhận dòng chảy thông tin
Làm thế nào để nhận biết hết tất cả các mối quan hệ nhân quả khi xem xét một hiện tượng?
Câu trả lời ngắn gọn là không thể. Không ai, và cho tới thời điểm hiện tại không có bộ máy nào có thể vẽ được hết các vòng lặp quan hệ chằng chịt của thế giới thực.
Điều quan trọng nhất vì vậy là làm sao trong thời gian ngắn nhất có thể nhận biết được các cơ chế phản hồi này.
Chìa khóa cho nó nằm ở dòng chảy của thông tin.
Nơi nào thông tin càng thông suốt, các quan hệ nhân quả càng sớm được nhận diện, tốc độ ra các quyết định phản hồi và chỉnh sửa càng nhanh.
Ngược lại, ở nơi thông tin bị kiểm soát, bóp méo và thậm chí trở thành công cụ để “vẽ lại” thế giới thực như ý muốn của một số người, các quan hệ nhân quả sẽ chỉ được phát lộ khi núi lửa đã phun trào ngay trước mắt.
Đó là điều đã xảy ra với “đại nhảy vọt” và cả những chính sách duy ý chí sau đó của Mao Trạch Đông.
Hệ thống công xã nhân dân gom hàng chục ngàn người vào một nơi sinh hoạt và làm việc trong những điều kiện như nhau, triệt tiêu hết động lực phấn đấu của từng cá nhân. Các lò luyện thép mini mọc lên như nấm chỉ tạo ra những sản phẩm phế thải, trong khi hậu quả phá rừng đến từ việc xây dựng và vận hành chúng hơn nửa thế kỷ sau vẫn còn hiển hiện. [8] Các báo cáo láo về năng suất tưởng tượng từ cán bộ địa phương trong một thời gian dài nghiễm nhiên được xem là sự thật, bất chấp hiện thực hoàn toàn trái ngược.
Không có báo chí tự do để phản ánh kịp thời những lỗ hổng trong chính sách, không có tự do ngôn luận để bảo vệ những người nói ra sự thật, các chính sách đầu rắn đuôi chuột được mặc sức tung ra, gây thảm họa này đến thảm họa khác.
Mãi đến khi hàng triệu người chết trong đau đớn sau khi phải cạp đất để ăn, theo đúng nghĩa đen của nó, cơn điên của những chính sách dị dạng này mới dừng lại.
Kỳ 3: Câu chuyện chống dịch tại Việt Nam có thể đã rất khác
Hệ quả ngược của việc áp đặt tiêu chí cứng nhắc “bóc tách F0 ra khỏi cộng đồng”.
Trong kỳ 1 và 2 của loạt bài về hiệu ứng hổ mang, chúng ta đã tìm hiểu về hệ quả ngược của những chính sách dựa trên tư duy nhân quả đơn giản, [1] và tầm quan trọng của tự do thông tin đối với khả năng nhận biết các vòng lặp phản hồi. [2]
Câu hỏi cho kỳ 3 là: hiệu ứng hổ mang có xuất hiện trong chính sách chống dịch của Việt Nam không?
Câu trả lời có thể được tìm thấy khi nhìn vào cách các lãnh đạo ban hành chính sách, mức độ ý thức của họ về hậu quả từ những quyết định của mình, và khả năng hiểu biết của các quan chức về cách thức vận hành thực tế của xã hội.
Các địa phương chống dịch theo kiểu hồn ai nấy giữ, mặc cho hàng hóa lưu thông bị tắc nghẽn. [3] Người dân nghi ngờ các quyết định của chính quyền, luôn trong tâm thế đề phòng làm ngược lại mọi thứ quan chức tuyên bố. [4] Những người nhập cư ở Sài Gòn không ngừng tìm cách tháo chạy về quê. [5] Các doanh nghiệp trong nước lẫn các nhà đầu tư nước ngoài đồng loạt lên tiếng cảnh báo hậu quả của việc tiếp tục chính sách phong tỏa. [6] [7] Và tỷ lệ tử vong vì COVID-19 tại Việt Nam cao hơn trung bình của thế giới. [8]
Bức tranh chống dịch của Việt Nam có thể tóm gọn trong hai chữ “hỗn loạn”.
Sẽ cần nhiều nghiên cứu công phu để hiểu cặn kẽ nguyên nhân của sự hỗn loạn này. Ở phương diện ban hành chính sách và các tiêu chí chống dịch đi kèm, có thể chỉ ra ngay một vấn đề nổi cộm: hệ quả ngược đến từ việc chính quyền áp đặt một tiêu chí chống dịch cứng nhắc.
Đó là tiêu chí về việc loại bỏ triệt để số ca dương tính (F0).
Không nhìn nhận đầy đủ các quan hệ nhân quả
Nhìn sơ qua, đây là một tiêu chí hoàn toàn hợp lý. Số ca F0 tăng sẽ dẫn đến số lượng tử vong vì dịch bệnh tăng. Giảm số F0 sẽ giảm số tử vong. Đây là mối quan hệ nhân quả đơn giản, như minh họa bên dưới.
Lưu ý đây là một vòng lặp cân bằng (balancing loop), tự triệt tiêu nhau. Số ca tử vong tăng sẽ tỷ lệ nghịch với số ca F0. Nghĩa là không cần làm gì thì cũng sẽ đến lúc không còn F0.
Tuy nhiên, như chúng ta đã tìm hiểu qua kỳ trước, các mối quan hệ nhân quả trên thực tế hiếm khi đơn giản như tưởng tượng.
Trong trường hợp này, mối quan hệ giữa số F0 và số tử vong có thể được diễn đạt bằng một vòng lặp chính xác hơn như sau.
Ở đây, ta có thể thấy mối quan hệ nhân quả giữa số ca F0 và số ca tử vong phụ thuộc vào ít nhất hai nhân tố khác: số ca cần hỗ trợ và số ca nhập viện.
Trên thực tế, không phải F0 nào cũng có triệu chứng và cần hỗ trợ (80% không có triệu chứng, chỉ 10% trở nặng). [9] Cũng không phải cứ nhập viện là sẽ tử vong (ngay cả trường hợp nguy kịch như phi công người Anh trước đây, nếu bệnh viện có đầy đủ khả năng điều trị thì vẫn có thể qua khỏi). [10]
Như vậy, nếu mục tiêu quan trọng nhất là giảm số ca tử vong vì dịch bệnh, tiêu chí đặt ra không nhất thiết là phải “bóc tách F0 ra khỏi cộng đồng” như cách chính quyền thực hiện. Mục tiêu giảm số ca tử vong có thể được thực hiện thông qua việc giảm số ca cần hỗ trợ và từ đó là số ca phải nhập viện.
Với mỗi một nhân tố, các mối quan hệ nhân quả tiếp theo sẽ được xác định. Ví dụ như để giảm số ca cần hỗ trợ, những yêu cầu tiên quyết là đảm bảo ăn uống đủ chất, thuốc men đầy đủ, duy trì hoạt động thể chất và đảm bảo tinh thần vững vàng (minh họa bên dưới).
Khi đó, các chính sách chống dịch sẽ được thiết kế sao cho các điều kiện này không những không bị ảnh hưởng mà còn phải được tăng cường (huy động lực lượng xã hội dân sự, tạo điều kiện cho các tổ chức từ thiện hoạt động, khuyến khích người dân thực hiện các hoạt động thể chất nâng cao sức khỏe).
Tuy nhiên, với việc áp dụng các biện pháp phong tỏa chặt, rào đường khóa ngõ, buộc người dân “ai ở đâu ở yên đấy”, chính quyền lại khiến tình hình thêm trầm trọng.
Không đáp ứng được nhu cầu an sinh tối thiểu của người dân, [11] gây khó khăn cho hoạt động của các đội nhóm từ thiện, [12] tùy tiện cản trở việc lưu thông các mặt hàng thiết yếu, [13] xử phạt các hoạt động thể dục, [14] những biện pháp phong tỏa cực đoan của chính quyền tạo hệ quả ngược, đẩy số ca cần hỗ trợ tăng cao, từ đó khiến số ca nhập viện cũng tăng và số tử vong do dịch bệnh tăng theo.
Đó là chưa kể những vòng lặp nhân quả khác.
Nổi bật như việc xét nghiệm tràn lan, gây lãng phí lớn (thậm chí còn có dấu hiệu trục lợi) [15] thay vì dành số tiền đó vào công tác an sinh và các hoạt động cứu chữa, giúp khống chế mục tiêu giảm số tử vong. Hay như chính sách gom toàn bộ F0 lẫn F1 đi cách ly, hao tốn nguồn lực của xã hội vốn có thể được dành cho việc giúp đỡ các trường hợp thật sự cần thiết. Hoặc việc phong tỏa kiểu nhốt kín khiến các trường hợp cần hỗ trợ y tế không được đáp ứng kịp thời, dẫn đến những hậu quả đáng tiếc.
Hiệu ứng ngược của các biện pháp trừng phạt
Trong hoàn cảnh lý tưởng, việc xóa bỏ số ca F0 là con đường tốt nhất để giảm số ca tử vong vì dịch bệnh.
Trên thực tế, điều này gần như không thể, khi virus corona chủng mới (SARS-CoV-2) có đầy đủ các dấu hiệu sẽ sống chung với con người, và từ đó buộc con người phải tìm cách sống chung với nó như cách nhân loại đã quen với các chủng virus corona khác. [16]
Tuy nhiên, khi vẫn chưa có thuốc điều trị hiệu quả và lượng vaccine vẫn chưa được phủ rộng, các chính sách để giảm số ca F0 là việc nên làm. Mục tiêu này có thể được thực hiện mà không cần phong tỏa kiểu cực đoan. Cách các nước chống dịch hàng đầu thế giới phong tỏa mà không gây hỗn loạn, đảm bảo nhu cầu sinh hoạt thể chất và tinh thần của người dân là những bài học mà Việt Nam đáng ra có thể áp dụng từ đầu. [17]
Bên cạnh đó, vẫn còn những biện pháp hữu hiệu khác để chống dịch.
Cơ chế lây lan của virus SARS-CoV-2 cho đến nay vẫn chỉ là qua tiếp xúc gần. Nếu có đeo khẩu trang và chú ý sát khuẩn, xác suất lây bệnh ngay cả khi tiếp xúc gần cũng là rất thấp.
Biện pháp giảm F0 hiệu quả nhất vì vậy vẫn là đeo khẩu trang và sát khuẩn.
So với việc phong tỏa, đây là yêu cầu hợp lý và dễ thực hiện hơn nhiều. Các biện pháp kiểm soát/ trừng phạt vi phạm cũng dễ nhận được sự ủng hộ của dư luận hơn nhiều.
Trong số các biện pháp kiểm soát hành vi của xã hội, trừng phạt luôn là yếu tố được cân nhắc cuối cùng.
Lý do đơn giản vì so với các biện pháp khuyến khích khác, nó không có bao nhiêu tác dụng trong việc thay đổi hành vi của con người. [18]
Nếu động lực lớn nhất để (không) thực hiện một hành vi là để tránh bị phạt, nhu cầu (không) thực hiện hành vi đó sẽ biến mất ngay khi biện pháp trừng phạt không còn. Đó là lý do nhiều người chỉ dừng đèn đỏ khi có công an, và vô tư vượt đèn khi không thấy bóng áo vàng nào.
Các biện pháp trừng phạt dẫn đến cơ chế phản ứng đối phó, hoặc đối đầu. Cơ chế này tạo ra sự căng thẳng thường xuyên, cản trở đến năng lực học hỏi và thay đổi hành vi trong lâu dài.
Và cuối cùng, chính sách trừng phạt thường không được áp dụng công bằng. Tình trạng này đặc biệt tồi tệ ở những thể chế độc tài, như cách chúng ta thấy chính quyền thẳng tay phạt các trường hợp người dân không tuân thủ quy định phòng chống dịch, còn lãnh đạo thì công khai vi phạm mà không bị ai xử phạt. [19]
Với các điểm hạn chế đó, yếu tố cơ bản để các biện pháp trừng phạt có hiệu quả là nó phải nhận được sự ủng hộ của dư luận và tương xứng với tính chất của hành vi vi phạm.
***
Tình trạng chống dịch hỗn loạn của Việt Nam có một phần lớn nguyên nhân từ việc áp đặt tiêu chí cứng nhắc “bóc tách F0 ra khỏi cộng đồng”.
Khi chính quyền kiên quyết xử phạt các cán bộ địa phương chỉ vì để xuất hiện các ca F0, [20] [21] bất kể đó là vì lý do gì, [22] không khó hiểu khi quan chức địa phương buộc phải bảo vệ thân mình, áp đặt những biện pháp phong tỏa thời trung cổ, tìm mọi cách để địa phương không xuất hiện ca nhiễm bệnh.
Vô số nhân lực, thời gian và tiền bạc được dồn vào việc “dựng pháo đài”, dẫn đến tình trạng thiếu hụt nguồn lực khi cần tập trung đảm bảo an sinh, chăm sóc y tế và cứu chữa người bệnh kịp thời.
Chính sách chống dịch cứng nhắc của chính quyền gây ra hậu quả trầm trọng hơn vấn đề mà nó được đặt ra để giải quyết.
Những hậu quả này, người dân phải lãnh đủ.
Kỳ 4: Làm thế nào để bớt tư duy kiểu đầu rắn đuôi chuột?
Kỳ 4 và hết: Làm thế nào để bớt “tư duy lớp mầm”
Đừng sợ, ngồi vào chỗ của người khác, và nghĩ tiếp.
Những câu chuyện và phân tích từ các kỳ trước dễ khiến nhiều người lầm tưởng hiệu ứng hổ mang là vấn đề chỉ xuất hiện trong các chính sách công.
Trên thực tế, nó xuất hiện thường xuyên trong mọi quyết định và hành động của mỗi người.
Khi cha mẹ nhìn thấy đứa con nhỏ biếng ăn, họ quyết định dùng phần thưởng để khuyến khích đứa bé thay đổi hành vi: ăn đúng ăn đủ sẽ được cho tiền. Đứa bé lập tức trở nên ngoan ngoãn và nghe lời, ăn đủ bữa và chén hết món. “Chính sách” của cha mẹ đem lại kết quả mỹ mãn, đứa trẻ ngày càng biết tự chăm sóc bản thân hơn, họ nghĩ vậy.
Sau một thời gian ngắn, đứa bé nhận ra miếng ăn bỏ vào miệng mình có thể được dùng như một thứ để thương lượng. Thế thì vì sao phải dừng lại ở đó? Nó bắt đầu yêu cầu phải có động lực mới chịu làm các “công việc” khác. Từ đi tắm, đánh răng, đi ngủ, mặc quần áo, dọn dẹp phòng cho đến đi thăm ông bà, và tất nhiên là đi học, mọi thứ đều cần phải “được trả công” mới đáng làm.
Nếu cha mẹ tiếp tục duy trì chính sách cũ, dùng tiền thưởng để làm động lực thay đổi hành vi của con cái, họ có nguy cơ biến đứa bé thành một người mãi-không-lớn, luôn nghĩ rằng thế giới mắc nợ mình, rằng mọi hành động của bản thân đều phải có người khác trả ơn, kể cả những việc đem lại lợi ích thiết thân nhất cho nó.
Quyết định của cha mẹ như vậy đã tạo ra “tiêu chí nghịch” (perverse incentives), vẽ nên một bức tranh tương lai hoàn toàn trái ngược so với ý định.
Dĩ nhiên, đó chỉ là một tình huống giả định. Tương lai của đứa trẻ phụ thuộc vào vô số nhân tố. Nhưng không ai có thể phủ nhận cách giáo dục của gia đình là một trong những thứ có ảnh hưởng nhất.
Ví dụ đơn giản này cho thấy mọi quyết định chúng ta đưa ra đều có thể dẫn đến những hậu quả ngược. Làm thế nào để tránh chuyện đó?
Công thức 10-10-10
Như đã nhiều lần đề cập ở các kỳ trước, hầu hết chúng ta đều tối giản hóa các mối quan hệ của sự vật và hiện tượng ở thế giới thực.
Khi quyết định thực hiện một hành động A, nhiều người chỉ nghĩ tới các hệ quả trực tiếp từ nó. Thậm chí không ít người chỉ hình dung ra các kết quả tốt đẹp (T) mà bỏ qua các hậu quả xấu (X).
Việc dừng lại ở hệ quả trực tiếp được đặt cho tên gọi là “first order thinking”, tạm gọi là “tư duy lớp mầm”. [1]
Tư duy lớp mầm, như tên gọi, là kiểu suy nghĩ nhanh nhảu và dễ dàng như cách trẻ con bốn tuổi hình dung về thế giới.
Câu chuyện cán bộ tại Bình Dương huy động hàng chục người đến phá khóa, đột nhập vào nhà riêng rồi bẻ tay lôi dân đi xét nghiệm là một ví dụ của kiểu tư duy này. [2]
Các quan chức tự tin vào hành động vi phạm pháp luật của mình đến mức còn tự quay phim lại để tuyên truyền và báo cáo lập công với cấp trên. Sau một ngày khi đoạn clip được phát tán, dư luận sục sôi nổi giận thì ông bí thư phường, người chỉ huy đoàn cưỡng chế mới công khai xin lỗi dân. [3]
Yêu cầu những người như ông bí thư phường phải thoát khỏi tư duy lớp mầm là một điều gần như bất khả thi. Nhìn vào ngay cả các chính sách của chính quyền trung ương, ta có thể thấy đây là kiểu tư duy phổ biến của quan chức nhà nước hiện nay.
Nếu không phải là người bị các loại vi khuẩn chế độ gặm nhấm đầu óc, khả năng bạn thoát khỏi lối tư duy thiển cận này cao hơn nhiều.
Chìa khóa của lối ra nằm ở câu thần chú “and then what” (rồi sao nữa), hay có thể chuyển sang tiếng Việt là “nghĩ tiếp đi”. [4]
Thay vì dừng lại ở lớp hệ quả đầu tiên T1 và X1, điều tốt nhất có thể làm để tránh các hậu quả không mong muốn là nghĩ tiếp đến những hệ quả khác có thể xảy ra, từ T2, T3, T4… Tn cho đến X2, X3, X4… Xn.
Một phương pháp đơn giản thường được chia sẻ để giúp hình dung ra các lớp hệ quả trong tương lai là công thức 10-10-10: chuyện gì sẽ xảy ra sau 10 phút, sau 10 tháng, sau 10 năm nữa? [5]
Sáu chiếc ghế
Để có thể tưởng tượng ra được các lớp hệ quả từ quyết định của mình, người ta không chỉ cần nghĩ xa hơn mà còn cần phải nghĩ từ góc độ của người khác.
Mỗi một người trong cuộc (stakeholder) đều có những hoàn cảnh, quyền lợi, động cơ khác nhau. Không ngồi vào những chiếc ghế của họ, chúng ta không thể tưởng tượng ra được họ sẽ phản ứng ra sao với những quyết định của mình.
Nếu trước khi chỉ tay năm ngón ra lệnh cho quân phá cửa nhà dân, ông bí thư phường dành ra vài phút suy nghĩ, nhấc mông lên và thử ngồi vào ghế của người dân, của đồng nghiệp, của cấp dưới, của cấp trên, của dư luận, chắc hẳn ông đã không phải muối mặt chịu cơn thịnh nộ của thiên hạ.
Tất nhiên, việc đặt mình vào vị trí của người khác chỉ có ý nghĩa khi bản thân tôn trọng sự khác biệt, từ đó mới có thể hiểu được phản ứng khác nhau của những người xung quanh. Đây là yêu cầu quá cao với những ai nằm trong bộ máy nhà nước, một hệ thống được thiết kế để tạo ra các con robot biết phục tùng tuyệt đối.
Tôi vay mượn ý tưởng sáu chiếc ghế này từ công cụ “sáu chiếc mũ tư duy” (six thinking hats) của Edward de Bono. [6] Những chiếc mũ khác màu của ông được dùng để khuyến khích mỗi người thực hành các kiểu tư duy khác biệt. Trong trường hợp này, nó có thể được vận dụng để chúng ta hiểu được tư duy khác nhau của từng người bằng cách ngồi vào vị trí của họ.
Đừng sợ ngu
Mọi công cụ trên đời đều là vô dụng nếu người ta sợ hãi không dám sử dụng chúng.
Và không có cái sợ nào phổ biến hơn nỗi sợ cái ngu cái dốt của bản thân.
Càng sợ hãi, người ta càng chìm sâu trong các quyết định tăm tối của mình, để rồi tìm mọi cách đổ thừa các hậu quả cho người khác, và lại tiếp tục ra những quyết định gây họa, rồi lại đổ thừa – một vòng lặp xuống đáy.
Nhà lãnh đạo độc tài Mao Trạch Đông của Trung Quốc là một ví dụ kinh điển.
Với tất cả các chính sách thảm họa gây ra cái chết của hàng chục triệu người, Mao Trạch Đông chưa bao giờ nhận ra lỗi của bản thân. [7] Ngược lại, hết lần này đến lần khác, ông đều tìm ra được các nguồn cơn để đổ lỗi. Nếu không phải là dân trí thấp thì là có kẻ phá hoại, nếu không phải là do lũ phản động thì là do những người thực hiện chưa đủ quyết tâm làm tới cùng. Bằng cách đó, Mao tìm mọi cách thao túng sự thật, giành giật quyền lực, đẩy đất nước chìm sâu hết khủng hoảng này đến khủng hoảng khác. Vòng lặp thảm họa này chỉ chấm dứt khi nhân vật này chết.
Nếu không sợ cái dốt của mình, người ta sẽ dễ dàng nhận ra giới hạn hiểu biết của bản thân, và từ đó biết cách để hạn chế đến thấp nhất những sai lầm. Đó là lý do lòng khiêm tốn đòi hỏi một sự dũng cảm nhất định.
Ở phương diện ra quyết định, đặc biệt là những quyết định ảnh hưởng đến tập thể, sự khiêm tốn cho phép chúng ta nhận sự giúp đỡ của người xung quanh.
Đây là phiên bản nâng cấp của “sáu chiếc ghế”.
Thay vì phải một mình ngồi vào chiếc ghế của từng người và cố gắng hiểu cách họ suy nghĩ, giờ đây ta có thể mời những người trong cuộc cùng tham gia trong quá trình ra quyết định. Ở đó, ta sẽ trực tiếp lắng nghe những phản hồi của họ và kịp thời đưa ra những điều chỉnh tương ứng.
Bằng cách dẹp bỏ nỗi sợ của bản thân, ta cũng đồng thời bỏ bớt được nỗi sợ về những hậu quả không thể đoán trước trong tương lai.