Mục lục
Phá cửa cưỡng chế dân đi xét nghiệm: Vi phạm quyền con người!
Hoàng Điệp
29-9-2021
TTO – Đó là nhận định của luật sư Hoàng Văn Hướng (Đoàn luật sư TP Hà Nội) về vụ việc cán bộ phường Vĩnh Phú, thành phố Thuận An, tỉnh Bình Dương phá khóa căn hộ, xốc nách cưỡng chế người phụ nữ đi xét nhiệm COVID-19 trước mặt trẻ em.
Không đi xét nghiệm có bị cưỡng chế không?
Theo thông tin ban đầu, chính quyền phường Vĩnh Phú tổ chức xét nghiệm COVID-19 cho nhân dân trong phường. Tuy nhiên, đúng thời gian phải xét nghiệm thì chị Hoàng Phương L. (ngụ tại căn hộ của chung cư Ehome 4) đang có giờ dạy học online yoga nên không ra ngoài xét nghiệm được.
Sau đó, đoàn cưỡng chế (bao gồm cả cảnh sát cơ động, công an phường, cán bộ phường….) đã phá khóa cửa để vào nhà xốc nách chị L. lôi xềnh xệch ra ngoài để xét nghiệm trước mặt đứa con trai của chị L..
Cụ thể, quy định về phòng chống dịch bệnh COVID-19 của Chính phủ và Bộ Y tế về việc lấy mẫu xét nghiệm trong cộng đồng thì khi cần thiết, cơ quan y tế có thẩm quyền được lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 đối với người bị nghi ngờ mắc bệnh truyền nhiễm để giám sát, cách ly y tế và điều trị.
Do đó, nếu người dân đã có thông báo của cơ quan chức năng về việc đi xét nghiệm mà không chấp hành thì có thể căn cứ theo điểm a, khoản 2, điều 7 nghị định số 117/2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế để xử phạt.
Theo đó, hành vi không thực hiện xét nghiệm theo yêu cầu của cơ quan y tế có thẩm quyền, trong quá trình thực hiện giám sát bệnh truyền nhiễm sẽ bị phạt tiền từ 1-3 triệu đồng.
Nếu quá trình cưỡng chế hành chính mà người đó vẫn cố tình không chấp hành, chống đối lại lực lượng chức năng và gây hậu quả không thực hiện được quyết định cưỡng chế thì người đó có thể bị xử lý về tội chống người thi hành công vụ theo Bộ luật hình sự.
Như vậy, theo quy định hiện hành thì một người không tuân thủ pháp luật về việc xét nghiệm cũng có thể bị cưỡng chế, tuy nhiên việc cưỡng chế này phải tuân thủ theo đúng quy trình mà pháp luật đã quy định.
Phá cửa cưỡng chế: rất phản cảm!
Tuy nhiên, trong vụ việc phá khóa cửa cưỡng chế chị L. đi xét nghiệm trước sự chứng kiến của bí thư đảng ủy phường và một số cán bộ, Công an phường Vĩnh Phú, TP Thuận An, tỉnh Bình Dương khiến nhiều người rất sốc và các luật sư cho rằng rất phản cảm.
Lý do về việc cưỡng chế được đưa ra là do chị L. không hợp tác nên phải cưỡng chế. Đại diện phường cho rằng trước đó chị L. có nhiều lần không ra lấy mẫu, trong khi chung cư Ehome 4 từng có ca F0 nên nguy cơ rất cao.
Như vậy, theo diễn biến trong clip cho thấy, đến thời điểm việc cưỡng chế được thực hiện thì không có văn bản hay quyết định cưỡng chế nào đối với người phụ nữ này.
Bình luận về việc này, luật sư Phạm Hoài Nam nói: “Hành vi cưỡng chế này rất phản cảm vì trong nhà có phụ nữ và trẻ con. Người phụ nữ bị cưỡng chế không hề được nhận bất kỳ văn bản thông báo nào về việc buộc phải chấp hành quy định xét nghiệm COVID-19, trong nhà lại có trẻ con. Họ phá khóa cửa xông vào nhà bắt giữ người mẹ làm cháu bé khóc và la hét do hoảng loạn, sốc tâm lý có thể ảnh hưởng đến sự phát triển về tâm sinh lý lâu dài của cháu bé.
Còn luật sư Hoàng Văn Hướng (Đoàn luật sư TP Hà Nội) thì nói rằng ông rất sốc khi xem clip cơ quan chức năng cho người phá khóa cửa cưỡng chế chị L. ra sân xét nghiệm trong tiếng khóc thét của trẻ em.
“Lúc mới xem tôi tưởng là bắt tội phạm đặc biệt nguy hiểm vì thấy có sự hiện diện của cảnh sát cơ động, công an phường và rất đông cán bộ. Khi phá khóa vào được nhà họ cũng không thông báo, trao đổi gì với người bị cưỡng chế nên tôi càng tin rằng họ bắt tội phạm phạm tội quả tang hoặc tội phạm truy nã.
Tiếng trẻ con khóc thét và tiếng chị L. la lên là tôi đang làm việc, tôi còn đang làm việc khiến tôi bàng hoàng. Người ta đã bẻ cánh tay áp giải người phụ nữ này ra ngoài trong tiếng khóc váng của đứa trẻ khiến tôi rất sốc.
Nhưng tôi còn sốc hơn nữa khi 2 cảnh sát áp giải chị L. ra ghế để buộc xét nghiệm. Tôi không thể tin được là người ta cưỡng chế một người dân như áp giải tội phạm chỉ để đi xét nghiệm, không hề tuân thủ các quy định phòng chống dịch”, ông Hướng nói.
_____
Clip cưỡng chế xét nghiệm COVID:
Đó là hành vi phản cảm và có dấu hiệu trái pháp luật
29-9-2021
Tối hôm qua, LS Tran Duy Canh có đưa clip về cảnh lực lượng chức năng phá cửa để cưỡng chế một phụ nữ đi test Covid. Điều đầu tiên, đứng ở góc độ bình thường của một người dân tôi cảm nhận hành vi đó vô cùng tàn bạo. Ám ảnh và đau đớn nhất là tiếng khóc thét của trẻ con, tiếng thét đó sẽ là nỗi ám ảnh hằn sâu vào trong ký ức tuổi thơ trong sáng và nó không biết lý do tại sao mọi người phá nhà và bắt mẹ của mình đi. Mẹ con đã làm gì sai hay sao? Và có thể cháu sẽ bị chấn động và khắc sâu một vết thương cho đến mai sau.
Dịch bệnh đã làm điên đảo toàn thế giới, Việt Nam cũng không ngoại lệ, hàng ngàn sinh mệnh con người đã phải lìa xa cuộc đời. Nỗi đau ấy khó thể từ ngữ nào diễn tả hết. Chỉ cần có lòng trắc ẩn và lương tri chắc chắn ai cũng cảm nhận được nó đau đớn vô cùng. Chính quyền, lãnh đạo làm việc có thể vì trách nhiệm chung nhưng cách hành xử đầu tiên phải tuân theo quy định pháp luật, xa hơn là phải ứng xử, hành động bằng tình thương để tâm dân phục, khẩu dân phục. Tuy nhiên, xem clip chắc hầu như tất cả chúng ta đều phản đối, dù lực lượng có đưa ra bất cứ lý do gì để biện hộ cho hành động đã xảy ra bởi không khác gì đang trấn áp một tội phạm ghê gớm.
Quay trở lại vấn đề pháp lý được quy định như thế nào. Tôi đặt giả thiết để cho rằng vụ việc xảy ra là lực lượng chức năng yêu cầu cư dân sống ở đó đi xét nghiệm và người phụ nữ (chị L) nói “mình an toàn, đã tự tét ở nhà âm tính” (thông tin trên báo Phụ nữ). Vậy, pháp luật có buộc dân phải xét nghiệm và nếu không thực hiện bị chế tài như thế nào?
1) Cơ quan chức năng có quyền yêu cầu công dân chấp hành việc xét nghiệm nếu công dân đó bị nghi ngờ mắc bệnh truyền nhiễm (tất nhiên sự nghi ngờ phải có căn cứ, chứ không thể nghi ngờ suông, điều này Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm quy định rõ) thì phải sẽ lấy mẫu để chính quyền có phương án giám sát, nếu mắc bệnh phải đi cách ly, điều trị để đảm bảo an toàn cho cộng đồng. Ví dụ như người chị L là FO, F1… Vì vậy, nếu xảy ra như trường hợp trên mà công dân không thực hiện sẽ bị chế tài phạt tiền từ 1-3 triệu theo Điểm a Khoản 2 Điều 7 Nghị định 117/2020.
2) Vậy câu hỏi đặt ra, nếu người dân thuộc diện bị nghi ngờ có căn cứ thì có bị cưỡng chế không. Trường hợp này là “Có” nhưng phải cưỡng chế như thế nào cho đúng pháp luật. Đó là sau khi vận động, tuyên truyền không được thì trước khi cưỡng chế Chủ tịch Uỷ ban cấp huyện phải ban hành quyết định cưỡng và lên phương án chi tiết. Trường hợp cụ thể của chị L có được phá cửa xông vào nhà hay không?
Quan điểm của tôi là không được phép. Theo thông tin mô tả trên báo Tuổi trẻ cho thấy, sự việc này có sự chứng kiến của bí thư phường, một số cán bộ, công an phường và lý do phá cửa đại diện phường cho rằng “trước đó chị Là có nhiều lần không ra lấy mẫu, trong khi chung cư EHome từng có ca FO”. Như vậy rất cao không có quyết định cưỡng chế được Chủ tịch huyện ban hành thì hành vi phá cửa lôi người phụ nữ đi xét nghiệm là trái pháp luật.
3) Nếu trái pháp luật thì có dấu hiệu tội “xâm phạm chỗ ở hợp pháp của người khác” và “hủy hoại tài sản” nếu giá trị tài sản bị thiệt hại định giá từ 2 triệu đồng trở lên. Tuy nhiên, để khẳng định việc này có phạm tội không thì cần phải thực hiện nhiều thủ tục, quy trình xác minh và lấy lời khai của tất cả bao gồm chị L và những cán bộ. Hành vi của cán bộ sẽ không bị xử lý nếu được thực hiện đúng trình tự pháp luật. Điểm c, Khoản 1 Điều 158 BLHS quy định về tội xâm phạm chỗ ở người khác như sau: “Dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực, gây sức ép tinh thần hoặc thủ đoạn trái pháp luật khác buộc người khác phải rời khỏi chỗ ở hợp pháp của họ”.
Ngoài ra, không biết khi đã đưa chị ấy ra ngoài rồi thì còn chụp hình và quay phim làm gì. Nếu vì mục đích làm nhục thì có có dấu hiệu tội “Làm nhục người khác”.
4) Giả thiết đặt ra nếu cơ quan công vụ cưỡng chế đúng (theo trình tự chặt chẽ) mà chị L chống đối và việc chống đối đó đủ mạnh thì có dấu hiệu tội “Chống người thi hành công vụ” chứ không phải trường hợp chống đối nào cũng phạm tội.
Dù thế nào đi chăng nữa, cơ quan chức năng lần làm rõ và thông tin rộng rãi ra công luận, ai sai phải xử lý nghiêm. Tuy nhiên, trước khi có kết quả cuối cùng thì đại diện chính quyền phải đến gia đình chị L để gặp cháu bé. Phải chia sẻ với để giúp cháu không bị tổn thương. Đó là việc cần làm ngay lúc này! Hãy trao đi tình thương chân thành, đó là việc cần làm ngay lập tức.
P/S: Bài viết chỉ chia sẻ pháp luật, ngoài ra không nhằm mục đích gì khác. Tuy nhiên, tay tôi vẫn run và đau xót…
Thay trời hành… đạo tặc!
29-9-2021
Thiệt là tình, mấy tháng trú ẩn pháo đài, chiến binh-tui luyện “chưởng” Huê Kỳ nên hơi lậm. Coi cái clip lóe sáng, cảnh sát ập vào, lôi người phụ nữ xềnh xệch đi qua hành lang, ống kính tiếp tục chếnh choáng ra vùng sáng, tưởng gì, hóa ra lôi đi là để đặt chị ta ngồi xuống bàn… chọt ngoáy!
Ngỡ là phim, tình tiết kết thúc hành động giật gân kia lại bất ngờ đến buồn cười nên vẫn cứ nghĩ là phim hề, mà quên đi tiếng khóc thét của đứa trẻ, quên đi cái hành vi “ào ào như sôi” của một mớ người khoác lên mình bộ sắc phục kia…
Sau đây, liệu có tác giả nào, nhà làm phim nào dám, muốn, thôi thúc làm phim từ những câu chuyện thực tế ấy hay không thì tôi không rõ. Nhưng đó là một phần từ hiện thực – những ngày này, ngay tại đây.
Ở đâu, ngành nghề gì, bất cứ ai thì cũng có người này người nọ. Tốt xấu, đúng sai không từ một ai, nhất là chịu nhìn kỹ chính bản thân mình. Để ít nhất, trong phê phán, lên án bất cứ ai, sẽ công bằng hơn.
Nhưng với những người đã mang “hàm” công vụ, là ông bí thư đảng – chắc chắn, ông nằm lòng công tác dân vận. Ông công an càng làu thông “đối với nhân dân phải kính trọng, lễ phép”, thế mà họ, cho rằng, hay mượn lấy việc chống dịch, phủi bỏ tất cả.
Nhìn rộng ra, có một bộ phận quan chức, cán bộ, cái máu “quan cách mạng” (chữ của cụ dùng) nó chảy không dừng. Hễ có tí việc mà liên can tới dân tình, được dịp kiểm tra, tra hỏi là lập tức ra oai, là nổi máu trưởng thượng, quan quyền. Cái nơi mà họ cho rằng mình đang tối thượng ấy, điều lệ, mười mấy điều không được làm, trăm mấy điều nhận diện hoàn toàn bay biến; và nhất là luật pháp, thì lại càng chẳng mảy may. Cứ thế ra tay. Cứ thế hống hách. Coi dân như rác.
Sực nhớ, cả trăm năm trước, ông Trần Hữu Trang viết trong Đời cô Lựu, nhân vật Hội đồng Thăng, “ê, Hai Thành, ở đây pháp luật là tao, tao là pháp luật nhe mậy, mầy đi đằng trời cũng hông thoát”.
100 năm sau, trời vẫn cao lồng lộng mà những tay “hội đồng Thăng” còn đầy rẫy khắp nơi. Mùa dịch bệnh, nó lại len cả vào trong chung cư mà thay trời hành đạo… tặc!
Thì đừng hồ nghi, sao “dịch bệnh” ở ta lại lắm trò “biến chủng”?
Dùng vũ lực cưỡng chế xét nghiệm: Chuyện không thể có ở những nước văn minh
Điểm khác biệt nằm ở chỗ: chúng ta có nghĩ cho nhau như người với người?
Việc toàn bộ hệ thống chính trị Việt Nam chống dịch bằng cách cưỡng chế đã không còn là chuyện lạ.
Việc cưỡng chế cách ly tập trung đối với người nhiễm bệnh được làm rất rầm rộ và nhiệt tình khi dịch vừa bùng nổ, nay hóa ra được các “chuyên gia” cho là không phải cách hay (?!). [1]
Việc cưỡng chế người dân ở nhà bằng hằng hà sa số những văn bản trên trời, nay thế này mai thế khác cũng đã được các cây bút Luật Khoa chấm phá nhiều nét. Chính sách ngăn sông cấm chợ này đến nay cũng được “giải thích” lại là thiếu thực tế. [2]
Rồi sau đó là cưỡng chế doanh nghiệp không được mở cửa, shipper không được giao hàng. Và thậm chí là cưỡng chế bác sĩ, nhân viên y tế không được nghỉ việc. [3]
Nay, với hình ảnh đập cửa, phá khóa, xông vào nhà bắt người, bẻ ngoặt tay người mẹ rồi lôi đi xét nghiệm trong tiếng gào khóc của trẻ nhỏ, đó lại là một sản phẩm “quỷ khóc thần sầu” khác của các nhà chấp pháp chuyên nghiệp Việt Nam.
Cái sai về thủ tục, về thẩm quyền, về quy định pháp luật nói chung từ cao xuống thấp, từ trái sang phải thì đã có chuyên gia pháp luật Việt Nam giải thích rõ ràng. [4]
Với tư cách là một người nghiên cứu luật, tôi chỉ muốn đóng góp thêm vài góc nhìn so sánh trước khi những cây bồi bút như Tifosi dùng tin giả để nói hươu nói vượn rằng “nước ngoài cũng thế”.
***
Ngày tôi vừa đến xứ lạ quê người trong đại dịch, tôi cũng khá lo lắng về việc mình sẽ phải tụ tập chỗ đông người, và bị những nhân viên y tế nhễ nhại mồ hôi, vốn đã đụng chạm với hàng trăm người trước đó, hì hục “ngoáy mũi”.
Lo lắng của tôi hóa ra chỉ là lo bò trắng răng.
Ngoại trừ lần xét nghiệm tại sân bay, các nhân viên y tế phát cho tôi hai bộ xét nghiệm tại nhà (bao gồm đầy đủ các vật dụng như lúc test tại chỗ). Họ dặn dò tôi đọc kỹ những thông tin hướng dẫn đi kèm, và nói sẽ gọi điện hướng dẫn thêm khi ngày xét nghiệm gần đến.
Cách hai ngày trước khi đến ngày xét nghiệm, nhân viên gọi điện yêu cầu tôi đặt một cuộc gọi online với cơ quan y tế bang để xác định thời gian trong ngày (tối đa 15 phút) mà tôi có thể làm xét nghiệm.
Đến ngày, tôi ngồi trước màn hình máy tính và được nhân viên hướng dẫn lại một lần nữa. Người này chứng kiến tôi tự lấy mẫu dịch trong mũi của mình và bỏ vào ống bảo quản. Sau đó, tôi đóng gói ống dịch theo kiện hàng được cho sẵn, dán nhãn cũng do họ cho sẵn, và gửi cho FedEx theo cơ chế đặc biệt đến cơ quan xét nghiệm.
Tôi không lo lắng về việc phải tập trung đông người, phải mất thời gian chờ hàng tiếng đồng hồ để có tờ giấy xét nghiệm mà bản thân không biết họ có ghi nhầm tên hay nhầm kết quả của mình hay không.
Cơ quan nước bạn, dù rất nhiều lần gửi mail nhắc nhở rằng việc cố tình trốn tránh xét nghiệm có thể có hệ quả pháp lý hình sự và con số tiền phạt có thể lên đến hàng trăm ngàn đô-la, cũng không hùng hục gửi áo xanh áo vàng đến trước cửa căn hộ AirBnB của tôi mà chặt chém ổ khóa kèm chửi bới vang vọng khắp một góc trời.
Cái lý do quan trọng nhất của sự khác biệt giữa nước ta và nước bạn, mà ở đây chỉ mới nói đến trong trải nghiệm của tôi, là việc nghĩ cho nhau như người với người.
Có hàng tá lý do mà một người không muốn bị người khác lấy mẫu xét nghiệm.
Theo phân tích của hai nhà khoa học Jane Williams và Bridget Haire trên trang The Conversation, [5] những người từ chối xét nghiệm trực tiếp có thể bao gồm người bị chấn thương tâm lý vì là nạn nhân của bạo lực trong quá khứ; người chưa đủ tin tưởng hệ thống y tế nhà nước; người lo ngại việc xét nghiệm và tiếp xúc với quá nhiều nhân viên y tế (như tôi); người lo sợ việc bị phát hiện dương tính đồng nghĩa với việc họ có thể bị ép đi chữa trị tập trung tại những nơi mà họ không biết là đâu.
Dù vì lý do gì đi chăng nữa, và dù quần chúng có thể gọi họ là “ích kỷ”, “thiếu suy nghĩ”, các quốc gia phát triển như Úc từ chối việc sử dụng vũ lực để bắt buộc xét nghiệm COVID.
Hai tác giả nêu trên nhấn mạnh hai lý do cho việc này: trước tiên là quyền tự do thân thể (right to bodily integrity) và quyền riêng tư (right to privacy), sau đó là nghĩa vụ và tôn chỉ của hầu hết các nhân viên y tế rằng họ chỉ có thể thực hiện việc khám chữa bệnh với sự đồng ý tự nguyện của người được khám. Nhờ vậy, các cơ quan y tế ở Úc luôn nhớ rằng họ sẽ chỉ sử dụng vũ lực như là biện pháp cuối cùng. Và biện pháp cuối cùng ấy cũng sẽ phải trải qua hàng loạt các tiêu chuẩn tư pháp khác.
Tại sao chính quyền Việt Nam cho đến nay vẫn không nghĩ ra nổi cách để người dân lấy mẫu tại tư gia, với đầy đủ tiện nghi, an toàn và sự riêng tư?
***
Nói rộng ra hơn nữa, dù hầu hết các quốc gia đều cân nhắc ý tưởng xét nghiệm bắt buộc (mandatory testing), nó rất khác với kiểu xét nghiệm cưỡng bức (coerced testing) mà các nhà chấp pháp “thần thánh” tại Bình Dương đang thực hiện. Xét nghiệm COVID-19 bắt buộc là quy định yêu cầu người dân chứng minh rằng họ không mắc COVID-19 tại thời điểm gần nhất khả dĩ như một điều kiện hình thức, và trong hoàn cảnh họ cần đi ra ngoài. [6]
Ở Canada, ngay cạnh hai cổng ra vào khuôn viên trường tôi, chính quyền địa phương đặt một loạt các phòng lấy mẫu tại chỗ và trả kết quả trong ngày (hiển nhiên là miễn phí). Đây là một giải pháp tình thế để giúp các sinh viên muốn vào khuôn viên, sử dụng thư viện hay các dịch vụ khác của trường mà vẫn chưa (hoặc không thể) tiêm vaccine đầy đủ. Lưu ý là trong trường hợp những sinh viên này muốn vào trường, yêu cầu “bắt buộc” của việc xét nghiệm COVID-19 mới phát sinh. Trong trường hợp họ vẫn học online và tự cách ly ở nhà, quyền xét nghiệm hay không nằm ở họ.
Tương tự, ở Vương quốc Anh, quy định xét nghiệm bắt buộc thường được giao cho các tổ chức tư nhân tự quyết định, và hẳn nhiên chỉ phục vụ cho mục đích của người dân muốn ra ngoài để sử dụng một loại dịch vụ nhất định nào đó.
Những nhân viên không muốn tiêm vaccine có thể bị bên tuyển dụng yêu cầu xét nghiệm theo một tần suất nhất định (thường là mỗi hai tuần một lần). Họ cũng được khuyến khích bảo đảm các điều kiện làm việc giúp cho người lao động bỏ thời gian đi xét nghiệm không cảm thấy lo lắng (ví dụ như đảm bảo trả lương khi vắng mặt). [7]
Các nhà hát nổi tiếng tại Anh hiện nay cũng có thể đề nghị khán thính giả muốn tham gia dự khán trực tiếp, nhưng chưa tiêm vaccine, phải có kết quả âm tính trong thời hạn 48 giờ. [8]
Nhìn chung, không ai lại phá cửa nhà một người không có bất kỳ triệu chứng gì để cưỡng bức xét nghiệm cả.
Ngay cả Đài Loan, một trong những quốc gia áp dụng chính sách xét nghiệm chủ động (proactive testing) đầu tiên và mạnh mẽ nhất thế giới, cũng chưa dùng đến bạo lực để bắt buộc những người dân cách ly tại nhà phải xét nghiệm. [9] Trong nỗ lực mới nhất của Đài Loan trong việc chuẩn bị đối phó với biến chủng Delta, chính quyền Đài Bắc cũng từ bỏ các chiến dịch gõ cửa từng nhà hay bắt buộc tập trung xét nghiệm. [10] Thay vào đó, 82 cơ sở y tế lớn khắp đất nước được giao thẩm quyền, tự quyết định xem người nào có nguy cơ mắc COVID-19 và cần thực hiện xét nghiệm tại nhà. Các bộ xét nghiệm cũng được cung cấp miễn phí để người dân tự xét nghiệm một cách thoải mái nhất, tương tự như trường hợp của người viết nói trên. Đây mới thật sự là biện pháp đúng để giải phóng nguồn lực y tế và lấy mẫu xét nghiệm, lại nhanh chóng, an toàn hơn cả.
***
Bệnh “ngáo xét nghiệm” không phải là hiện tượng mới tại Việt Nam. Rất nhiều trường hợp được chia sẻ cho thấy tình trạng chính quyền địa phương bắt ép xét nghiệm ngày đêm, từ tỉnh thành này qua tỉnh thành khác, và có khi chỉ cách nhau có vài tiếng đồng hồ. Người dân lâu nay chỉ bông đùa vài câu cho qua, và chấp nhận thực hiện với kỳ vọng rằng chính sách của chính quyền là đúng, và nó sẽ giúp kiểm soát được bệnh dịch.
Nay, thấy cách lực lượng chấp pháp phá cửa nhà, bắt bớ một người chỉ vì không xuống xét nghiệm tập trung đúng giờ, trong khi người này thực hiện đúng các biện pháp giãn cách và không có triệu chứng gì; có lẽ chúng ta nên đặt dấu hỏi về mục tiêu thật sự của chính sách xét nghiệm diện rộng./.