Seite auswählen

Biển Đông: Hệ thống viễn thám dày đặc kinh hồn của Trung cộng

Hệ thống viễn thám dày đặc của Trung cộng ở Biển ĐôngChuyên gia Mỹ cho rằng hòng chiếm ưu thế trong việc kiểm soát thông tin, Trung cộng xây dựng mạng lưới thông tin dày đặc trên các đảo nhân tạo bị bồi đắp trái phép trên Biển Đông.

“Biển Đông thực sự là một phần trong chiến lược phòng ngự chiều sâu của Trung cộng”, Michael Dahm, nghiên cứu viên cấp cao về an ninh quốc gia thuộc Phòng thí nghiệm ứng dụng vật lý, Đại học Johns Hopkins (Mỹ), nói trong tọa đàm trực tuyến về Biển Đông do Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) tổ chức ngày 23/9.

Theo ông Dahm, Trung cộng muốn dùng các tiền đồn họ xây dựng trái phép tại Biển Đông để phục vụ mục đích phòng ngự. Nếu có xung đột, đối phương sẽ phải vượt qua các đảo nhân tạo ở Biển Đông để chạm tới đảo Hải Nam (Trung cộng).

Để thực hiện ý đồ, Trung cộng đã xây dựng mạng lưới thông tin dày đặc trên các đảo nhân tạo được bồi đắp trái phép. Mạng lưới này góp phần giúp Trung cộng thực hiện chiến lược chiến tranh thông tin hóa, ông Dahm nhận định.

Bộ Ngoại giao Việt Nam đã nhiều lần khẳng định Việt Nam có đầy đủ chứng cứ lịch sử và cơ sở pháp lý khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với cả hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa phù hợp luật pháp quốc tế.

Hạm đội tàu cá Trung cộng neo đậu tại rạn đá Ba Đầu thuộc cụm Sinh Tồn thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam ở Biển Đông. Ảnh: Reuters.

7 thực thể của Trường Sa bị Trung cộng bồi đắp trái phép
Từ năm 2013, quân đội Trung cộng bắt đầu xây dựng các đảo nhân tạo bên trên những thực thể họ chiếm đóng trái phép. Những đảo này được phát triển thành căn cứ quân sự và được hoàn thiện đáng kể trong năm 2018.

Trên đất liền Trung cộng, các yếu tố cấu thành của một căn cứ quân sự có thể được phân tán trên phạm vi rộng. Nhưng tại Biển Đông, rất nhiều hệ thống đều được tập trung trên cùng một đảo nhân tạo, như hệ thống truyền thông vệ tinh, hệ thống truyền tin cao tần, radar, tác chiến điện tử, cơ sở tên lửa, nhà chứa máy bay,…

“Những tiền đồn chính của Trung cộng (trên các đảo nhân tạo) đủ lớn để lắp đặt hoặc triển khai gần như mọi loại hệ thống vũ khí hoặc máy bay trong tay quân đội nước này”, ông Dahm nói.

Nhiều yếu tố thông thường phân tán diện rộng trên đất liền xuất hiện trong một bức ảnh vệ tinh chụp đá Vành Khăn thuộc chủ quyền của Việt Nam nhưng bị Trung cộng chiếm đóng phi pháp. Ảnh: Maxar/DigitalGlobe.

Theo ông Dahm, truyền thông từng đưa tin Trung cộng triển khai tên lửa đất đối không tại các đảo nhân tạo, dù ảnh vệ tinh thương mại và miễn phí chưa ghi nhận hình ảnh loại tên lửa này.

“Nếu có, chúng sẽ được đặt trong garage… Mỗi đảo nhân tạo lớn của Trung cộng đều có 8 garage, tương ứng con số 8 bệ phóng thường thấy trong một tiểu đoàn tên lửa phòng không của Trung cộng”, ông Dahm nói.

Dù vậy, ông Dahm chỉ ra rằng hỏa lực trên các đảo nhân tạo này không bằng hỏa lực của chỉ ba tàu hải quân Trung cộng kết hợp lại, gồm một tuần dương hạm, một khu trục hạm, và một khinh hạm.

“Nếu Hải quân Trung cộng điều 10-20 tàu tới Biển Đông, ta sẽ dần thấy được là tên lửa có thể chỉ được đặt trên các đảo nhân tạo để phòng thủ”, ông Dahm nói.

Mạng lưới thông tin dày đặc

Ông Dahm chỉ ra rằng chúng ta thường tập trung vào hệ thống vũ khí cùng phạm vi tấn công mà đôi lúc quên đi điều chiếm vị trí trung tâm trong chiến lược chiến tranh thông tin hóa của Trung cộng, cụ thể là việc kiểm soát thông tin trên chiến trường.

Theo ông Dahm, những đảo nhân tạo mà Trung cộng bồi đắp đã tạo ra một mạng lưới dày đặc các năng lực truyền tin, giám sát, và trinh sát. Các đảo nhân tạo này được kết nối với nhau bằng cáp quang dưới biển, vệ tinh thông tin, đường truyền băng thông rộng tần số cao, đường truyền tán xạ tầng đối lưu…

Mạng lưới truyền tin được xây dựng trên các đảo nhân tạo bị Trung cộng bồi lấp trái phép. Đồ họa: Michael Dahm.

Với mạng lưới liên lạc trên, tàu và máy bay quân sự Trung cộng có thể hoạt động tương đối kín đáo tại Biển Đông bằng cách tắt hệ thống liên lạc và radar, qua đó khiến chúng khó bị phát hiện. Trong khi đó, các đảo nhân tạo sẽ âm thầm thu thập và truyền đạt thông tin chiến trường.

Lấy ví dụ cho công dụng của những đảo nhân tạo này, ông Dahm nhắc lại sự kiện hàng trăm tàu cá Trung cộng, vốn bị nghi là tàu dân quân biển, neo đậu trái phép tại đá Ba Đầu vào tháng 3.

Gần đá Ba Đầu là đá Tư Nghĩa, một rạn san hô thuộc cụm Sinh Tồn thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam đã bị Trung cộng bồi đắp trái phép.

Lượng thông tin mà đá Tư Nghĩa cung cấp cho Trung cộng vượt xa so với lượng thông tin tàu các nước khác nhận được. Do nắm thông tin, tàu Trung cộng có thể lựa chọn thời gian và địa điểm can dự.

Căn cứ trái phép trên đá Tư Nghĩa giúp hệ thống truyền tin và radar của Trung cộng có độ bao phủ, từ đó giúp tàu nước này chiếm ưu thế trong khả năng nắm bắt tình hình. Đồ họa: Michael Dahm.

Theo ông Dahm, căn cứ trái phép trên đá Tư Nghĩa còn giúp hệ thống truyền tin và radar của Trung cộng có độ bao phủ, từ đó giúp họ chiếm ưu thế trong khả năng nắm bắt tình hình, cũng như khả năng liên lạc và điều khiển lực lượng dân quân biển neo đậu tại đá Ba Đầu một cách dễ dàng.

“Giá trị thật sự của các đảo nhân tạo (đối với Trung cộng) cả trên phương diện sức mạnh chiến đấu và thông tin chiến trường nằm ở những thông tin liên lạc và dữ liệu tình báo – giám sát – trinh sát các đảo này thu thập được, cũng như sức mạnh trên không”, ông Dahm nhận định.

Mở rộng tầm hoạt động của máy bay

Một lợi thế nữa mà Trung cộng thu được từ những sân bay được xây dựng trái phép tại Biển Đông là việc tăng tầm hoạt động cho máy bay.

Với vị trí nằm cách đất liền Trung cộng 700 hải lý, nếu cất cánh từ những sân bay này, máy bay Trung cộng có thể hoạt động lâu hơn, đặc biệt là loại máy bay làm nhiệm vụ đặc biệt và thiết bị bay không người lái phụ trách truyền tin và trinh sát.

“Một lần nữa, thông tin vẫn là cốt lõi trong chiến thuật chiến tranh thông tin hóa của Trung cộng”, ông Dahm nhấn mạnh.

Quân đội Trung cộng hoàn toàn có thể cho máy bay trinh sát cảnh báo sớm KJ-500 hoặc máy bay chống tàu ngầm KQ-200 bay từ đất liền đến eo biển Malacca hoặc vùng lân cận Singapore.

Nhưng với khoảng cách ấy, kể cả máy bay tầm xa như KJ-500 cũng sẽ phải quay đầu sau khoảng một tiếng.

Một máy bay cảnh báo sớm KJ-500 của Trung cộng cất cánh vào ngày 6/2/2019. Ảnh: China Military.

Nếu bay từ đảo nhân tạo, máy bay trinh sát – chỉ huy – điều khiển của Trung cộng có thể hoạt động trong thời gian dài hơn và có thể vươn tới Vịnh Thái Lan hoặc biển Celebes (vùng biển tiếp giáp Mã Lai, Phi Luật Tân và Nam Dương), theo ông Dahm.

Trong tương lai, máy bay tiêm kích và thậm chí là máy bay đánh bom của Trung cộng có thể được triển khai tới các đảo nhân tạo này. Nhưng lúc này, quân đội Trung cộng đang triển khai máy bay làm nhiệm vụ đặc biệt và trực thăng tới đây.

Ông Dahm cho biết tháng 6/2020, ảnh vệ tinh cho thấy máy bay KJ-500 và KQ-200 được triển khai tới sân bay tại đá Chữ Thập.

Tới tháng 6 và tháng 7, ảnh vệ tinh cho thấy có máy bay làm nhiệm vụ đặc biệt và trực thăng hoạt động từ đá Subi và đá Vành Khăn. Điều này cho thấy các sân bay ở 2 đá này đã có thể hoạt động 100%.

Tóm lại, bất kể Trung cộng triển khai năng lực quân sự gì tới Biển Đông, tầm với và độ chính xác của vũ khí Trung cộng sẽ được quyết định bởi tầm nhìn của họ, ông Dahm nhận định.

“Các đảo nhân tạo là những mắt xích mấu chốt trong một hệ thống tại Biển Đông. Hệ thống này lại bao gồm nhiều hệ thống khác giúp tạo ra mạng lưới truyền tin và trinh sát, từ đó mở rộng phạm vi tấn công và triển khai lực lượng vượt xa khỏi các đảo nhân tạo”, ông Dahm nói.

VietBF (29.09.2021)

 

 

 

Cá do thám? Trung cộng thử nghiệm drone hình cá đuối, lặn dưới Biển Đông

Các nghiên cứu viên thuộc Đại học Bách khoa Tây Bắc Trung cộng tiến hành thử nghiệm bơi của rô-bốt cá đuối ở vùng biển ngoài khơi khu vực quần đảo Hoàng Sa vào đầu tháng 9/2021  Tân Hoa Xã

Theo báo chí Trung cộng, các nhà nghiên cứu tại một trường đại học có liên kết với quân đội của nước này đã hoàn thành cuộc thử nghiệm rô-bốt sinh học với hình dáng và bơi giống như cá đuối. Đây là thử nghiệm ngoài biển khơi đầu tiên của rô-bốt này trong khu vực quần đảo Hoàng Sa.

Chắc chắn các nước có tranh chấp tuyên bố chủ quyền  với Trung cộng ở Biển Đông sẽ theo dõi chặt chẽ việc phát triển loại rô-bốt tinh vi này.

Tờ Trung cộng nhật báo (China Daily) dẫn lời các nhà sáng chế từ Đại học Bách khoa Tây Bắc (NWPU) ở Tây An, Trung cộng cho biết đây là phương tiện sinh học không người lái dưới nước (UUV) đầu tiên trên thế giới có thể lặn sâu hơn 1.000 mét dưới biển đồng thời có khả năng tự đẩy bằng việc lướt và vỗ cánh. Các nhà sáng chế này cũng nói thêm rằng thiết bị này có thể “đóng một vai trò quan trọng trong việc bảo vệ môi trường biển”.

Nhưng những sáng chế như thế này cũng có thể được sử dụng cho các mục đích quân sự.

Hầu hết các phát minh tốt về người máy (kể từ những người máy đầu tiên) đều được sử dụng trong quân sự” – ông Noel Sharkey, Giáo sư danh dự về trí tuệ nhân tạo (AI) và người máy tại Đại học Sheffield của Anh cho biết.

Giáo sư Alexandre Vuving tại Trung tâm Nghiên cứu An ninh Châu Á – Thái Bình Dương (APCSS), một viện nghiên cứu có trụ sở tại Hawaii và thuộc Bộ Quốc phòng Mỹ cũng chia sẻ nhận định này.

Trung cộng sẽ sử dụng những rô-bốt có thiết kế phỏng sinh học này cho các mục đích quân sự. Điều này phù hợp với chiến lược phối hợp quân sự và dân sự của họ” – ông nói.

Phối hợp quân – dân là một chiến lược quốc gia nhằm phát triển Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung cộng thông qua khuyến khích đầu tư và công nghệ từ khu vực tư nhân và các tổ chức học thuật.

NWPU được bộ Tư pháp Mỹ liệt kê là “một trường đại học quân sự của Trung cộng có liên quan nhiều đến nghiên cứu quân sự và hợp tác chặt chẽ với Quân đội Giải phóng Nhân dân (PLA) trong việc nâng cao năng lực quân sự của nước này”.

Theo một báo cáo có tên “Bảy người con trai của Quốc phòng” do Viện Chính sách Chiến lược Australia biên soạn năm 2019, Đại học Bách khoa Tây Bắc (NWPU) cũng là một trong số bảy trường đại học hàng đầu của Trung cộng có quan hệ sâu sắc trong lĩnh vực quân sự và công nghiệp quốc phòng. Dựa trên cơ sở dữ liệu do Bộ Ngoại giao Mỹ cung cấp, báo cáo tổng hợp sự hợp tác của các viện giáo dục với PLA và các cơ quan an ninh Trung cộng. Học viện Công nghệ Bắc Kinh và Đại học Kỹ thuật Cáp Nhĩ Tân cũng nằm trong danh sách bảy trường đại học này.

Báo cáo cho biết trong số sinh viên tốt nghiệp niên khóa 2017 hoặc 2018 và có việc làm của NWPU thì có tới hơn 40% đang làm việc trong hệ thống quốc phòng. Trong cơ sở dữ liệu do Bộ Ngoại giao Mỹ tài trợ, NWPU được liệt là đối tượng có mức độ “rủi ro rất cao” vì các mối quan hệ quốc phòng của nó. Trường đại học này cũng nằm trong danh sách đen xuất khẩu của Bộ Thương mại Mỹ.

Người đứng đầu dự án rô-bốt cá đuối, Tiến sĩ Pan Guang, là Hiệu trưởng của Trường Khoa học và Công nghệ Hàng hải thuộc Đại học NWPU đồng thời là một tác giả về cơ học ngư lôi.

“Không có sự khác biệt so với cá đuối thật”

Một video clip được hãng thông tấn Tân Hoa Xã công bố vào đầu tháng 9 cho thấy các nhà nghiên cứu đang thả một con “cá đuối” lớn, màu vàng tươi từ một con tàu tại vùng biển ngoài khơi quần đảo Hoàng Sa ở Biển Đông.

Hình dạng của nó rất giống cá đuối thật, với phần thân phẳng, hai cánh lớn và đầu rộng. Sharkey cho biết ông chưa từng nhìn thấy một thiết bị không người lái nào như vậy trước đây.

“Với hệ thống lực đẩy cá đuối, rô-bốt mô phỏng sinh học này trông khá tuyệt vời” – ông nói.

Các chi tiết vẫn còn sơ sài nhưng theo Tân Hoa Xã, mẫu rô-bốt mềm sinh học nặng 470 kg với sải cánh dài ba mét này có thể lặn sâu tới 1.025 mét.

Lấy cảm hứng từ cá đuối, “một trong những loài bơi hiệu quả nhất trong tự nhiên”, mẫu rô-bốt này được nhóm nghiên cứu ra nó mô tả là có “hiệu suất đẩy cao, khả năng di chuyển và điều khiển cao, độ ổn định cao, ít xáo trộn môi trường, tiếng ồn thấp, khả năng chịu tải lớn và hạ cánh nhẹ nhàng đáy biển”.

Dự án này đã được nhóm nghiên cứu từ đại học NWPU triển khai từ năm 2016. Sau khi phát triển một số mẫu, họ tuyên bố rằng họ đã đạt được “khả năng vỗ cánh, lướt, dừng khẩn cấp, quay đầu và các hoạt động khác cho rô-bốt cá đuối sinh học này và hầu như không có sự khác biệt nào với cá đuối thật”.

Rô-bốt được cho là có thể hoạt động liên tục trong nhiều tuần và được gắn các cảm biến để phát hiện hình ảnh và âm thanh.

Một mẫu đen trắng nhỏ hơn được ra mắt vào năm 2019 thậm chí còn giống với cá đuối thật hơn. Theo các chuyên gia, nhờ khả năng trà trộn với các loài cá khác trong đại dương mà gần như không thể bị phát hiện, khiến nó trở nên lý tưởng cho các hoạt động do thám và giám sát.

Nhà phân tích quốc phòng Nga Vasily Kashin cho biết Chính phủ Trung cộng đã ưu tiên phát triển các phương tiện dưới nước không người lái (UUV) cho cả mục đích dân sự và quân sự.

“Chúng có thể được sử dụng cho cả việc quan sát môi trường lẫn săn tàu ngầm” – ông nói.

Sử dụng trong quân sự

Theo Giáo sư Sharkey từ Đại học Sheffield, rô-bốt cá đuối “chắc chắn có thể được sử dụng để theo dõi những gì đang xảy ra ở vùng biển xung quanh nó và có thể ở trên nó cũng như thu thập thông tin tình báo”.

“Sẽ rất hữu ích nếu biết nó hoạt động có im lặng không – điều đó sẽ khiến nó trở nên cực kỳ hữu ích” – ông nói với Đài Á châu Tự do (RFA).

Các nghiên cứu viên thuộc Đại học Bách khoa Tây Bắc Trung cộng tiến hành thử nghiệm bơi của rô-bốt cá đuối ở vùng biển ngoài khơi khu vực quần đảo Hoàng Sa vào đầu tháng 9/2021. Ảnh: Tân Hoa Xã

Giáo sư Vuving từ APCSS cho biết thêm: “Với năng lực của rô-bốt này, nó có thể được sử dụng để thu thập thông tin tình báo và thậm chí cả mục đích phá hoại.”

Thiết kế mô phỏng sinh học hay việc áp dụng những nghiên cứu về các hệ thống tự nhiên và người máy để thiết kế các phương tiện đi lại mới là một trào lưu đang phát triển trên thế giới. Cá đuối, do các đặc điểm tự nhiên của nó, đã trở thành đối tượng bắt chước trong một số dự án như chương trình Manta Ray của Cơ quan Nghiên cứu Quốc phòng Tiên tiến Mỹ (DARPA), dự án Raydrive của Thủy quân lục chiến Hoàng gia Anh và chương trình MantaDroid của các nhà khoa học Singapore.

Trả lời RFA, người phát ngôn của DARPA xác nhận rằng dự án Manta Ray đã được khởi động nhưng không cung cấp thêm bất kỳ chi tiết nào.

Thời báo Luân đôn đưa tin trong tháng 7/2021 cho biết chương trình của DARPA trị giá 12,3 triệu đô la và dự án Raydrive đang được phát triển với kinh phí 100.000 bảng Anh (135.000 đô la) và có mục đích là do thám tàu ​​chiến và tàu ngầm.

Không rõ số tiền đã được Trung cộng chi cho dự án rô-bốt cá đuối là bao nhiêu nhưng dường như dự án này đã đạt được nhiều thành tựu hơn so với các dự án cùng loại.

Tân Hoa Xã đưa tin rô-bốt cá đuối đã được sử dụng để quan sát môi trường đại dương ở một rạn san hô lớn ở Hoàng Sa – quần đảo được Trung cộng gọi là Tây Sa. Tuy hiện nằm dưới sự kiểm soát của Trung cộng nhưng quần đảo này cũng được Đài Loan và Việt Nam tuyên bố chủ quyền.

Trung cộng tuyên bố các quyền lịch sử đối với 90% Biển Đông. Bất chấp sự phản đối của các quốc gia láng giềng, nước này đã và đang phát triển các tiềm lực quân sự để khẳng định yêu sách của mình đối với các thực thể có tranh chấp. Các bãi đá ngầm xa xôi đã được cải tạo thành các đảo nhân tạo với đường băng cho máy bay chiến đấu phản lực và máy bay vận tải lớn.

Khả năng trinh sát tàng hình dưới nước sẽ là mối quan tâm lớn đối với Việt Nam, quốc gia có hạm đội tàu ngầm lớn nhất Đông Nam Á. Việt Nam đã nhiều lần tố cáo các hoạt động của Trung cộng trong khu vực nhưng vẫn chưa có phản ứng trước diễn biến mới này.

Việt Nam đang theo dõi chặt chẽ những gì Trung cộng làm ở Biển Đông. Nhưng tôi không chắc về kết luận tập thể mà Việt Nam sẽ rút ra từ diễn biến này”, ông Vuving nói.

Một mối quan ngại khác mà các chuyên gia về trí tuệ nhân tạo và rô-bốt nêu ra là việc trang bị các hệ thống vũ khí tự động cho các máy bay không người lái. Tuy nhiên, theo Giáo sư Sharkey, rô-bốt cá đuối của Trung cộng vẫn chưa đạt đến mức độ phát triển đó.

“Tôi không thể hình dung nó được trang bị vũ khí trong trạng thái hiện tại” – ông nói.

RFA (28.09.2021)

 

 

Chiến hạm Anh đi qua eo biển Đài Loan thăm Việt Nam, Trung cộng phản đối

Khinh hạm chống ngầm HMS Richmond của Hải quân Hoàng gia Anh  Reuters 

Chiến hạm HMS Richmond của Anh quốc hôm 27/09/2021 thông báo đã băng qua eo biển Đài Loan để đến thăm Việt Nam. Trong cùng ngày, Trung cộng lên án hoạt động này, cho rằng có « ý đồ xấu ».

Đây là lần đầu tiên Hải quân Anh cho tàu chiến đi qua eo biển Đài Loan kể từ năm 2008 đến nay. Trên tài khoản Twitter, thủy thủ đoàn HMS Richmond loan báo : « Sau giai đoạn hoạt động bận rộn với các đối tác và đồng minh ở biển Hoa Đông, nay chúng tôi đang đi qua eo biển Đài Loan để tới thăm Việt Nam và Hải quân Nhân dân Việt Nam ».

Reuters cho biết thêm, chiến hạm Anh được triển khai tại biển Hoa Đông trong khuôn khổ hoạt động của Liên Hiệp Quốc nhằm bảo đảm việc cấm vận Bắc Triều Tiên. AFP trích dẫn thông cáo của bộ Quốc Phòng Anh khẳng định « Hải quân Hoàng gia hoạt động hoàn toàn phù hợp với luật quốc tế », Anh Quốc « có nhiều lợi ích an ninh tại Ấn Độ-Thái Bình Dương », và việc triển khai này « là dấu hiệu cho sự cam kết an ninh trong khu vực ».

Bộ chỉ huy Chiến khu Đông bộ của quân đội Trung cộng nói đã cho máy bay, tàu chiến theo dõi và cảnh báo chiếc HMS Richmond. Cũng theo quân đội Trung cộng, « thái độ này nuôi dưỡng những ý đồ xấu, làm phương hại cho hòa bình và ổn định tại eo biển Đài Loan », đồng thời khẳng định « luôn duy trì mức cảnh báo cao » để chống lại « mọi khiêu khích ».

Được biết chiến hạm Anh đã công khai bật tín hiệu nhận diện AIS khi đi qua eo biển Đài Loan. Bộ trưởng Quốc Phòng Đài Loan Khâu Quốc Chính (Chiu Kuo Cheng) xác nhận sự kiện, nhưng không đưa ra lời bình luận với các nhà báo.

Nếu lâu nay chỉ có các chiến hạm Mỹ thường xuyên đi qua eo biển Đài Loan bất chấp sự phản đối của Bắc Kinh, thì gần đây các tàu chiến Pháp, Canada, Úc bắt đầu du hành qua tuyến đường này, trong bối cảnh Trung cộng ngày càng gia tăng sức ép lên Đài Bắc. Năm ngoái, các phi cơ tiêm kích Trung cộng đã xâm nhập vùng nhận diện phòng không của Đài Loan đến 380 lần, và trong 8 tháng đầu năm nay đã tự vượt kỷ lục này với trên 400 lần xâm nhập.

RFI (28.09.2021)

 

 

Chuyên gia Biển Đông: VN sẽ cân bằng trong quan hệ với AUKUS, Trung cộng

Ba nước Mỹ, Anh, Australia tuyên bố về liên minh AUKUS hôm 15/9/2021.

Ba cường quốc Hoa Kỳ, Vương quốc Anh và Australia hôm 15/9 tuyên bố lập liên minh gọi tắt là AUKUS. Để tìm hiểu về tác động của liên minh này đến Đông Nam Á, tranh chấp ở Biển Đông, và Việt Nam, VOA có cuộc phỏng vấn với thạc sĩ Hoàng Việt, nhà nghiên cứu về Biển Đông và giảng viên luật quốc tế hiện làm việc ở thành phố Hồ Chí Minh. Dưới đây là nội dung toàn bộ cuộc phỏng vấn.

AUKUS chứng minh Mỹ không bỏ đồng minh

VOA: Việc ba nước tuyên bố về liên minh được xem là bất ngờ với thế giới. Vì sao họ có việc làm tương đối đột ngột như vậy?

Thạc sĩ Hoàng Việt: Việc ngày 15/9 ba quốc gia đưa ra thỏa thuận AUKUS mang tính chấn động thế giới. Các quốc gia khác, kể cả nhiều quốc gia thân cận với những nước AUKUS đó như Pháp, châu Âu, hay Nam Dương láng giềng với Australia đều không biết được thông tin, cho nên nó tạo sự chấn động trên thế giới.

Thời điểm tuyên bố AUKUS có nhiều hàm ý. Hàm ý thứ nhất, sau khoảng 1 tháng Mỹ chính thức rút quân khỏi Afghanistan, nhiều quốc gia lo ngại rằng Mỹ sẽ bỏ rơi các đồng minh, các đối tác của mình, đặc biệt là khu vực châu Á. Việc ba quốc gia công bố AUKUS chứng minh ngược lại vấn đề. Tức là Mỹ không bỏ rơi đồng minh của mình.

Ngoài ra, đây cũng là thời điểm đặc biệt vì nước Anh sau khi rút ra khỏi Liên minh châu Âu (EU) đang có những sáng kiến muốn phát triển vai trò của mình hơn. Trong dư luận của Anh, nhiều người chỉ trích rằng Mỹ đã bỏ rơi vai trò của Anh, không coi trọng Anh nữa.

Còn Australia, gần đây Australia hứng chịu rất nhiều đòn trừng phạt từ Trung cộng và nhiều hành động thù địch khác, nên Australia cảm thấy rất căng thẳng. Nhiều người cũng cho rằng Mỹ không quan tâm đúng mức tới Australia.

Cho nên, việc ba quốc gia thành lập liên minh AUKUS rõ ràng khẳng định lại rằng Mỹ và các đồng minh của mình vẫn có quan hệ hết sức bền chặt, và khẳng định một lần nữa Mỹ đang đặt trọng tâm vào khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.

Mục tiêu kiềm chế Trung cộng?

VOA: Mặc dù liên minh này không tuyên bố mục tiêu nhắm vào Trung cộng, song theo ông, nhóm này sẽ nhắm đến và có hành động như thế nào đối với Trung cộng?

Thạc sĩ Hoàng Việt: Trong các phát biểu của ba lãnh đạo những quốc gia trong AUKUS vào ngày thành lập đều không nhắc gì đến Trung cộng. Ngay cả phát biểu mới nhất của Tổng thống Mỹ Biden trước Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc cũng không nhắc đến Trung cộng. Nhưng trong các phát biểu của các lãnh đạo AUKUS và của ông Biden, chúng ta đều thấy có bóng dáng của Trung cộng trong đó.

Nói cho cùng, Mỹ đang đặt trọng tâm vào Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Mỹ không giấu diếm việc Mỹ phải ngăn chặn các hành động mà đặc biệt là việc thay đổi trật tự quốc tế dựa trên luật lệ. Trật tự này được Mỹ và các nước phương Tây thiết lập sau Chiến tranh Thế giới II.

Hiện nay, một quốc gia nổi lên ở châu Á là Trung cộng muốn vẽ lại trật tự, muốn sửa luật quốc tế, mà cụ thể nhất là các hành động của Trung cộng liên quan đến Biển Đông. Trung cộng đưa ra những giải thích về luật biển theo cách của Trung cộng. Thậm chí gần đây Trung cộng còn đưa ra một loạt các luật của Trung cộng mà theo các chuyên gia chúng có các điều khoản vi phạm luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước về Luật biển.

Cho nên, nói cho cùng, liên minh AUKUS này ra đời với mục tiêu quan trọng nhất là kiềm chế lại những đe dọa từ phía Trung cộng.

Nhiều người biểu tình ở Hà Nội lên án các hành vi chèn ép của Trung cộng ở Biển Đông, tháng 1/2017.

Người Việt nhìn chung ủng hộ AUKUS

VOA: Để đi vào các bước cụ thể, ba nước AUKUS sẽ làm những điều gì và chúng liên quan thế nào đến các nước trong khu vực, đặc biệt là Việt Nam?

Thạc sĩ Hoàng Việt: Được biết trong thỏa thuận AUKUS có những nội dung như trao đổi thông tin không gian mạng, những vấn đề công nghệ lượng tử, và đặc biệt là dư luận quan tâm đến việc phía Mỹ sẽ chuyển giao cho Australia một loạt các tàu ngầm hạt nhân.

Đương nhiên, Mỹ và Australia nêu rõ rằng đây là các tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân chứ không phải là gắn vũ khí hạt nhân. Cả ba nước Mỹ, Anh và Australia đều là thành viên Hiệp ước Không Phổ biến Vũ khí Hạt nhân.

Trong tuyên bố, ba quốc gia nói sẽ giao cho Australia 8 tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân. Australia cho biết các tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân này sẽ có thời gian hoạt động lâu hơn, khoảng 2 tháng ở dưới biển, chưa kể là xa hơn, đến khu vực Biển Đông.

Một số người cho rằng đây là cách mà các nước AUKUS đang lách luật. Mỹ không chỉ bán tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân mà còn chuyển giao công nghệ hạt nhân này cho Australia nữa.

Người ta cho rằng nếu Australia làm chủ công nghệ hạt nhân dành cho tàu chạy bằng năng lượng hạt nhân thì việc làm giàu uranium để làm vũ khí hạt nhân cũng không khó. Điều đó sẽ dẫn đến việc Australia cảm thấy tự tin hơn trong việc bảo vệ đất nước mình trước sự đe dọa từ Trung cộng với các hạm đội tàu có sức mạnh như vậy.

Những kế hoạch này cũng dẫn đến những hệ lụy. Có những quốc gia tán thành AUKUS một cách công khai. Ở Đông Nam Á có Singapore thể hiện ủng hộ, Phi Luật Tân ủng hộ nồng nhiệt.

Ngoài ra, một số quốc gia lại lo lắng, có thể kể đến Nam Dương và Mã Lai. Trước đây, ASEAN có tuyên bố ZOPFAN từ năm 1971 quy định rằng khu vực này là khu vực hòa bình, ổn định và trung lập, và cũng khẳng định khu vực không có vũ khí hạt nhân.

Nếu Australia được tăng cường vũ khí hạt nhân, Nam Dương và Mã Lai đều lo ngại rằng thứ nhất, có thể xảy ra những tai nạn hạt nhân ở khu vực. Chúng ta đã thấy các tàu ngầm hạt nhân có những sự cố, chẳng hạn như sự cố trên tàu Kursk của Nga.

Thứ hai, Nam Dương và Mã Lai cũng lo ngại rằng với việc trang bị cho Australia những tàu ngầm hạt nhân, Trung cộng sẽ trả đũa và cũng tăng lượng tàu của Trung cộng lên.

Theo báo cáo của Mỹ, hiện Trung cộng đang sở hữu 6 tàu ngầm hạt nhân và 50 tàu ngầm chạy bằng diesel.

Nếu Trung cộng cũng tăng hạm đội tàu chạy bằng năng lượng hạt nhân của mình lên, sẽ dẫn đến cuộc chạy đua vũ trang ở khu vực này, đấy là những lo ngại của Nam Dương và Mã Lai.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam mới đây đã có tuyên bố một cách trung lập nhưng có thể ngầm hiểu rằng Việt Nam cũng ủng hộ sáng kiến AUKUS mặc dù không công khai nói ra. Việt Nam ở trong một vị thế khác.

Nói cho cùng, nhiều người Việt Nam, các chuyên gia Việt Nam, các trí thức Việt Nam cũng ủng hộ AUKUS mặc dù biết rằng nó khiến cho trật tự thế giới dịch chuyển và sẽ dẫn tới nhiều vấn đề khác. Nhưng nói chung với tâm lý của người Việt không thích Trung cộng, và đặc biệt là những hành động của Trung cộng trên Biển Đông ức hiếp các quốc gia nhỏ khác trong đó có Việt Nam, thì những người Việt Nam cảm thấy rằng [AUKUS] đó là điều quá cần thiết.

Tổng thống Mỹ Biden trong lễ công bố AUKUS, 15/9/2021.

VN cân bằng quan hệ với AUKUS, TC

VOA: Ông tiên liệu thế nào về khả năng ba nước AUKUS lôi kéo, mời Việt Nam hợp tác vì Việt Nam là một bên tranh chấp lớn trong vấn đề Biển Đông?

Thạc sĩ Hoàng Việt: Báo chí đưa tin là trong ngày thành lập AUKUS, có quan chức ngoại giao Mỹ nói rằng AUKUS sẽ thúc đẩy quan hệ với các đối tác tiềm năng, trong đó có nhắc tới Singapore và Việt Nam.

Có thể nói Việt Nam nằm trong ảnh hưởng, hay nói là lôi kéo cũng được, từ hai cường quốc là Mỹ và Trung cộng.

Chúng ta thấy trong quan hệ Việt Nam-Hoa Kỳ, liên tiếp có các chuyến viếng thăm của các lãnh đạo cấp cao. Gần đây nhất là chuyến thăm của Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin hồi tháng 7 rồi sau đó vào tháng 8 là chuyến thăm của Phó Tổng thống Kamala Harris. Nối tiếp đó là chuyến thăm của Ngoại trưởng Trung cộng Vương Nghị tới Việt Nam.

Chắc chắn rằng cả hai cường quốc đều muốn và có động tác lôi kéo Việt Nam ủng hộ mình. Đương nhiên, Mỹ khẳng định Mỹ không muốn bất cứ quốc gia nào trong đó có Việt Nam phải chọn bên. Tuy nhiên, Việt Nam ở trong cái thế phải cân bằng các quan hệ đối với cả hai cường quốc đó. Vì vậy đó có thể cũng vừa là cơ hội vừa là thách thức của Việt Nam trong thời gian sắp tới.

VOA: Nếu AUKUS mời hợp tác, Việt Nam sẽ phải cư xử như thế nào để có lợi nhất song cũng không gặp những phiền toái từ phía Trung cộng gây ra?

Thạc sĩ Hoàng Việt: Trong thời gian qua, Việt Nam bước nào thành công trong cân bằng quan hệ giữa Trung cộng và Hoa Kỳ.

AUKUS được thành lập nhưng việc chia sẻ những nội dung hoạt động sẽ là một thời gian rất dài, kể cả việc giao 8 tàu ngầm hạt nhân cho Australia. Cho nên AUKUS sẽ còn chuyển dịch, đây mới chỉ bước khởi đầu của AUKUS mà thôi. Thời gian này, Việt Nam sẽ cố duy trì chính sách cân bằng như trước đây.

Sau khi Mỹ rút khỏi Afghanistan, ông Biden cho rằng học thuyết của Mỹ bây giờ không phải dùng quân sự để can thiệp nữa, mà là dùng thương mại, các quan hệ đối tác, đồng minh chiến lược để cùng phát triển, chứ không phải lúc nào cũng sử dụng tới quân sự.

Và điều đó tôi nghĩ rằng Việt Nam sẽ hoan nghênh những việc thúc đẩy các quan hệ về thương mại, về quan hệ đối tác với các bên, như trong thời gian qua Việt Nam đã làm.

Việt Nam cũng đã thúc đẩy quan hệ với Australia là quan hệ đối tác chiến lược toàn diện. Mới đây nhất, hạm đội của Australia đã đến thăm Việt Nam.

Đối với Anh, Việt Nam cũng có quan hệ rất là phát triển.

Còn với Mỹ, quan hệ giữa Việt Nam và Mỹ càng ngày càng phát triển trên nhiều lĩnh vực khác nhau, đặc biệt là trong quan hệ quốc phòng.

Nếu tiếp tục các hoạt động như vậy, với ba quốc gia AUKUS này, Việt Nam cũng sẽ duy trì và tiếp tục phát triển quan hệ theo hướng như cũ mà có thể phát triển lên mức cao hơn.

Còn đương nhiên, Việt Nam sẽ tránh những chuyện liên quan đến quân sự. Bởi vì đây là chuyện không chỉ riêng gì Việt Nam mà tất cả các quốc gia Đông Nam Á khác cũng đều lo ngại khi mà như [Thủ tướng Singapore] ông Lý Hiển Long đã nói “Nếu ASEAN đứng về phía Trung cộng, Mỹ sẽ hủy diệt ASEAN, và ngược lại, ASEAN mà đứng về phía Mỹ, Trung cộng cũng sẽ hủy diệt ASEAN”.

Chính vì vậy, Việt Nam cũng sẽ tìm cách cân bằng. Tôi tin rằng học thuyết do Tổng thống Mỹ Biden đưa ra cũng có điểm chung với Việt Nam trong việc tìm cách phát triển mối quan hệ kinh tế, thương mại và quan hệ đối tác trong nhiều lĩnh vực khác chứ không nhất thiết cứ phải là quân sự.

VOA: Xin cảm ơn ông!

An Tôn – VOA   (28.09.2021)

 

 

 

Chuyển động hàng không mẫu hạm, tàu Đại Dương, tàu Hải Dương 10

Chuyển động của hàng không mẫu hạm Anh và Mỹ gợi ý một cuộc tập trận giữa ba nhóm tác chiến hàng không mẫu hạm có thể sẽ diễn ra ở Biển Phi Luật Tân trong những ngày tới.

  1. Tàu hộ vệ Anh xuyên qua eo Đài Loan thăm Việt Nam

Rạng sáng 27.9, tàu hộ vệ Anh HMS Richmond bất ngờ thông báo trên Twitter rằng tàu này sẽ từ Biển Đông băng qua eo biển Đài Loan để đến thăm Việt Nam.

Đây là động thái hiếm thấy bởi trước đây tàu chiến Mỹ chỉ thông báo về các chuyến băng qua eo biển này sau khi kết thúc.

Ảnh trên mạng

Thậm chí, tàu Richmond cũng bật tín hiệu AIS để ai cũng có thể theo dõi hành trình của nó thông qua các ứng dụng theo dõi tàu biển.

Nó như một cách để phía Anh thể hiện đây là hành động băng qua vùng biển quốc tế bình thường và không đếm xỉa gì đến phản ứng của Trung cộng.

Về chuyến thăm Việt Nam, có khả năng nó đã được lên kế hoạch từ lâu, nhưng được giữ kín đến phút cuối theo yêu cầu của phía Việt Nam.

  1. Chuyển động hàng không mẫu hạm

Rạng sáng nay, hàng không mẫu hạm USS Ronald Reagan cùng tàu tuần dương USS Shiloh đã rời Biển Đông thông qua eo Verde Island.

Đồng thời, nhóm tác chiến hàng không mẫu hạm HMS Queen Elizabeth cũng thông báo rời Guam vào sáng nay.

Trong khi đó, tàu USS Carl Vinson cũng đã dịch chuyển xuống phía nam đảo Miyako và phía đông eo biển Ba Sỹ.

Nhóm tàu Úc do tàu đổ bộ tấn công HMAS Canberra dẫn đầu đã ghé vào Manila vào hôm qua, bắt đầu chuyến thăm kéo dài 3 ngày.

Những chuyển động của 3 nhóm hàng không mẫu hạm tạo cơ hội cho chúng cùng gặp nhau ở Biển Phi Luật Tân trong những ngày tới.

Ảnh: Twitter Đặng Duân

Nếu cuộc tập trận này diễn ra, đây sẽ là lần đầu tiên 3 hàng không mẫu hạm hội tụ ở Tây Thái Bình Dương kể từ năm 2017.

Trong khi đó, hàng không mẫu hạm Sơn Đông vẫn ở phía nam Tam Á ngày hôm qua.

  1. Tàu khảo sát Đại Dương

Cuối tuần qua, tàu khảo sát Đại Dương của Trung cộng đã di chuyển vào thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Mã Lai.

Trong ngày 26.9, tàu này hướng đến vị trí của tàu khoan West Capella đang hoạt động trong vùng đặc quyền kinh tế Mã Lai. Đến khoảng cách khoảng 10 hải lý nó ngoặt sang phải, băng qua vùng đặc quyền kinh tế Brunei và chuyển sang nữa bên kia của vùng đặc quyền kinh tế Mã Lai vào sáng nay.

Tốc độ di chuyển của tàu Đại Dương là 4-5 hải lý/giờ. Đây là tốc độ thường thấy của tàu Trung cộng mỗi khi chúng tiến hành khảo sát.

Ảnh trên mạng

Hộ tống tàu Đại Dương là tàu Hải cảnh 5202. Không loại trừ khả năng tàu 6307 cũng tham gia hộ tống nhưng tắt tín hiệu bởi tàu này di chuyển cùng 5202 từ Tam Á xuống Đá Chữ Thập trước đó.

Trước khi tiến vào thềm lục địa Mã Lai, tàu Đại Dương đã từ Đá Chữ Thập di chuyển vào thềm lục địa của Việt Nam, nhưng giữa chừng nó đổi hướng.

Đội hình tàu Đại Dương khi nó ở trong JDA giữa Việt Nam và Mã Lai ngày 25.9. Ảnh: SCS Brief

Ít nhất một tàu Kiểm ngư Việt Nam được ghi nhận bám theo tàu này trong thời gian nó ở thềm lục địa với Việt Nam và khu vực xác định chung (Joint Defined Area – JDA) giữa thềm lục địa của Việt Nam và Mã Lai.

Trong khi đó, tàu Hải cảnh 5103 thường lượn lờ ở cụm bãi cạn Luconia đã trở về Tam Á.

  1. Tàu Hải Dương Địa Chất 10

Ngày 26.9, ảnh vệ tinh của Sentinel 2 lần đầu tiên chụp được tàu Hải Dương Địa Chất 10 đang hoạt động trong vùng đặc quyền kinh tế Nam Dương.

Hình ảnh cho thấy nó được hộ tống bởi một số tàu hải cảnh hoặc tàu chiến Trung cộng. Mặt khác, Nam Dương cũng triển khai tàu tuần tra hoặc tàu hải quân đến khu vực.

Ảnh: Twitter Đặng Duân

Trong khi đó, tàu Hải cảnh 6305 cũng đã được tăng cường đến khu vực tham gia hộ tống tàu Hải Dương Địa Chất 10, gợi ý chiến dịch của tàu này sẽ tiếp tục kéo dài.

Như vậy, Trung cộng đã cùng lúc triển khai hai tàu khảo sát vào vùng đặc quyền kinh tế của cả Nam Dương và Mã Lai.

Một nguồn tin cấp cao từ Jakarta gợi ý với tôi rằng Nam Dương nhiều khả năng sẽ không công khai lên tiếng về tình hình cho đến khi giàn khoan Clyde Boudreaux kết thúc hoạt động khoan ở lô Tuna vào khoảng cuối tháng 10. Tuy nhiên, họ vẫn có những động thái phản ứng nhất định.

Đặng Sơn Duân

Tiếng Dân (27.09.2021)

 

Durch die weitere Nutzung der Seite stimmst du der Verwendung von Cookies zu. Weitere Informationen

Die Cookie-Einstellungen auf dieser Website sind auf "Cookies zulassen" eingestellt, um das beste Surferlebnis zu ermöglichen. Wenn du diese Website ohne Änderung der Cookie-Einstellungen verwendest oder auf "Akzeptieren" klickst, erklärst du sich damit einverstanden.

Schließen