Seite auswählen

Quang Nguyên

 

Cụ Huỳnh Văn Lang, một trong những nhân sĩ, trí thức nổi tiếng ở miền Nam Việt Nam, từng giữ vai trò then chốt trong đảng Cần Lao Nhân Vị, một nhà văn hóa giáo dục, một công chức cao cấp thời Đệ Nhất Công Hòa và là tác giả nhiều cuốn sách kể lại trung thực nhiều sự kiện lịch sử đã dành cho phóng viên Việt Nam Thời báo một buổi nói chuyện thân mật, ấm áp.

Cụ  Huỳnh Văn Lang không tin giới trẻ Việt  Nam  có thể làm được điều gì lớn lao

 

Cụ cho biết về việc hình thành thuyết Nhân Vị và đảng Cần Lao Nhân Vị.

Năm 1948 Linh mục Ferdinand Parin, cha sở nhà thờ Đà Lạt cùng với ông Nguyễn Đệ và Cha Giảng lập hội nghiên cứu xã hội gồm khoảng 20 người nhóm họp mỗi 2 tuần. Tài liệu căn bản nghiên cứu là 2 tác phẩm Le Personnalisme của Linh mục Emmanuel Mounier và L’Économy et Humanist của linh mục Labret. Người thuyết trình chính là ông Ngô Đình Nhu và Linh Mục Parin, đồng chủ tịch của hội nghiên cứu này. Chàng trai trẻ, độc thân Huỳnh văn Lang, học trò của cha Parin, được giao làm thơ ký cho các buổi họp.

Đúc kết các cuộc họp bàn, thảo luận nhóm đi đến kết luận phục vụ xã hội chính là phục vụ cho con người, Nhân Vị. Phải lấy con người là trung tâm điểm để phục vụ. Phục vụ con người phải là tôn trọng con người, tôn trọng nhân quyền. Điều này hoàn toàn khác với chủ nghĩa cộng sản lấy đối tượng phục vụ là đảng cộng sản của họ chỉ gồm giai cấp công nhân, tầng lớp vô sản. Chủ thuyết cộng sản lấy giai cấp vô sản tiêu diệt các giai cấp, tầng lớp nhân dân khác, xóa bỏ nhân vị. Chủ thuyết vô thần cộng sản đối nghịch hoàn toàn với học thuyết Nhân Vị phục vụ tất cả các giai cấp, chú trọng đến giai cấp cần lao, vô sản, công nhân. 

Năm 1952 ông Ngô Đình Nhu mang gia đình về Sài Gòn ra tờ Xã Hội, thư ký tòa soạn lúc đó là Đỗ La Lam. Chủ yếu những bài viết trên báo này xoay quanh các thảo luận, thuyết trình về thuyết Nhân Vị.

 

Đảng Cần Lao Nhân Vị thành lập năm 1954, đến năm 1955 được Thứ Trưởng Bộ Nội Vụ, ông Lâm Lễ Trinh, cấp giấy phép hoạt động.

Huỳnh Văn Lang, bí danh Chí Nguyện, được chỉ định làm Bí Thư Liên Kỳ Bộ Nam-Bắc Việt, ông nói rõ Nam là Nam Kỳ, còn Bắc là các đồng bào Bắc di cư. Ông Ngô Đình Nhu giao cho ông 80 ngàn đồng thành lập trung tâm huấn luyện cán bộ. Để kiện toàn trung tâm huấn luyện, ông đã bỏ tiền túi thêm 1 triệu rưỡi. Huấn luyện được 4 lớp, trung tâm này giải tán.

Lớp đầu tiên có Phạm Ngọc Thảo và Trần Thiện Khiêm. Trần Thiện Khiêm sau này là Thủ tướng Chính phủ thời Đệ Nhị Cộng Hòa. Phạm Ngọc Thảo nguyên là cán bộ Việt Minh về đầu thú, được Đức Cha Ngô Đình Thục, bào huynh TT Ngô Đình Diệm giới thiệu cho Huỳnh Văn Lang, viết bài cho tạp chí Bách Khoa, vợ Thảo được cụ Lang giao làm thơ ký cho tạp chí này. Phạm Ngọc Thảo có vai trò khá quan trong trong chính trường miền Nam; hiện vợ con ông này đang ở quận Cam, Orange County, California. Đến nay nhiều người vẫn còn nghi ngờ Phạm Ngọc Thảo có phải đặc tình của cộng sản miền Bắc hay không.  

Huỳnh văn Lang lo việc tìm và huấn luyện cán bộ nhằm xâm nhập vào các cơ sở cộng sản thuộc các tỉnh miền Tây. Phạm Ngọc Thảo lo việc huấn luyện tình báo. Cán bộ ông phát triển thuộc giai cấp có học thức, trung lưu như giáo chức, tiểu tư sản, tiểu điền chủ có lý tưởng, yêu nước, ủng hộ chính phủ. Tổng số đào tạo được khoảng 240 cán bộ tuyên thệ. Những người được tuyển dụng, huấn luyện xong được giao cho tỉnh trưởng.  Các khóa huấn luyện phải chấm dứt vì tỉnh trưởng Mỹ Tho báo cáo với ông Nhu là trung tâm đã bị cộng sản trà trộn vào.

Được hỏi trong thời điểm này có nên thành lập một đảng giống như Cần Lao Nhân Vị để chống lại đảng CSVN? Cụ Huỳnh văn Lang cho biết không nên. Thế giới bây giờ khác xưa. Theo cụ Huỳnh Văn Lang trong nước phải xây dựng các phong trào đấu tranh đòi lại quyền lợi mà người cộng sản đã cố tình tước đoạt của dân. Tuy vậy cụ không tin giới trẻ VN có thể làm được điều gì lớn lao, tinh thần dấn thân chính trị của họ bạc nhược, có thể một số nhỏ trong họ hoạt động trong nhà thờ, chùa chiền, làm từ thiện tốt nhưng không dám dấn thân thay đổi xã hội.

 

Theo cụ Huỳnh Văn Lang, thế giới chia ra 3 thế lực chính trị, Thiên Chúa giáo, Hồi Giáo, và Cộng sản. Cụ không kể Phật giáo, vì Phật giáo thế giới nói chung không làm chính trị. 3 thế lực chính trị này kình chống nhau. Sức mạnh tinh thần của Thiên Chúa Giáo và Hồi Giáo đặt trên lòng tín ngưỡng và tín đồ của họ liên kết chặt chẽ. Một số tổ chức Hồi Giáo dùng vũ khí áp chế người ngoại đạo không theo họ. Thiên Chúa giáo không dùng sức mạnh, họ khuyến khích, có tính tự vệ, nhưng tinh thần chặt chẽ hơn.

 Chế độ cộng sản, thí dụ như với đảng CSVN, rất yếu về tinh thần, nói rõ hơn tinh thần bảo vệ đảng, chế độ của họ chỉ có trong 5 triệu đảng viên, không lan tỏa được trong người dân vì vậy họ phải xây dựng sức mạnh của đảng qua sự cai trị hà khắc đặt nền tảng trên công an trị, trên vũ khí và bạo lực. 

Người dân ngồi yên chấp nhận sự cai trị của đảng chỉ vì họ sợ bị đàn áp và càng ngày họ càng bị mất tinh thần. Cụ tin tưởng chế độ cộng sản tự nó sẽ tiêu tan và thế giới sẽ còn lại hai thế lực đối đầu là Hồi Giáo và Thiên Chúa Giáo. Cụ không tin Vatican, dù tùy thuộc thế lực Thiên Chúa Giáo nhưng không thể giữ vai trò lãnh đạo được, mà Ba Lan sẽ làm điều này bắt đầu từ tinh thần ái quốc. 

Theo cụ, Trung cộng sẽ gặp rắc rối dẫn đến tan vỡ sau khi Tập Cận Bình, người có tham vọng lãnh đạo đảng suốt đời, chết. Với Việt Nam,  hiện nay Nguyễn Phú Trọng cũng đang khó tìm được người lãnh đạo đảng ‘đúc khuôn’ như ông ta để có thể giữ được đảng không thay đổi, đảng này không thể duy trì nguyên trạng như khi còn ông Trọng còn tại vị. 

NATO rồi sẽ chỉ còn là hình thức, vì Nga sẽ không dám đánh ai. Putin chỉ lợi dụng tình thế để chơi trò bắt nạt, ngư ông đắc lợi, chứ không đánh được ai. Chỉ có Trung cộng thích bành trướng, và vì vậy chuyển qua bao vây Tàu lúc này cần thiết.

Cụ Huỳnh Văn Lang tỏ ý buồn vì các nhà lãnh đạo Việt Nam, ngoại trừ ông Ngô Đình Nhu, không có ai có được viễn kiến về thế giới. Giới lãnh đạo cộng sản Việt Nam lại đặt vị trí của nước mình vào đế chế cộng sản. Họ giống như Tần Thủy Hoàng chỉ mong chinh phục và làm bá chủ. 

Cuộc nói chuyện thỉnh thoảng bị gián đoạn một cách dễ thương bởi những cuộc điện thoại gọi về thăm hỏi sức khỏe của “Papa” từ con gái cụ Huỳnh, qua đó nghe thấy cụ thân thương gọi người con gái đã 80 tuổi bằng cưng, giống như từ ngày cụ còn 25, 30 tuổi xa xưa ấy. 

Cầu xin cụ Huỳnh Văn Lang sống thêm thật lâu để hoàn thành các cuốn sách cụ đang viết.  

 

VNTB (14.10.2021)