Phạm Đức Nhì
Tự do như muối
Hạnh phúc như đường
Khi còn đang ăn đủ miếng ngọt miếng ngon
Khó thấy giá trị của hạt đường hạt muối
tôi sống ở miền nam
nhìn dòng đời trôi nổi
nở lại tàn
bao nhiêu mùa hoa
hai nền Cộng Hòa
một cuộc chiến tranh dài đẫm máu
tôi đã dốc lòng chiến đấu
bảo vệ tự do
dưới lá cờ
nền vàng ba sọc đỏ
tiếc thay trong đội ngũ
chúng tôi có ít những Ngô Quang Trưởng, Nguyễn Khoa Nam
mà lại khá nhiều Nguyễn Vĩnh Nghi, Nguyễn Văn Toàn
nên lính mất niềm tin
dân chán nản
những kẻ có lòng
lắc đầu ngao ngán
rồi nước Mỹ đồng minh, xưa là bạn
nay trở mặt lọc lừa
quên lời hứa năm xưa
bỏ mặc “tiền đồn của thế giới tự do”
thất thủ
kẻ thù đưa tôi lưu đày biệt xứ
rồi khua chiêng gióng trống ăn mừng
đám trí thức, sinh viên, học sinh
xưa trốn vô bưng
mơ một thiên đường trên trái đất
nay ngồi trên khán đài nghếch mặt
“Thiên đường đang ở trong tầm tay”
Má Hai
xưa đào hầm nuôi cán bộ
nay hớn hở
“Tụi nó dzià mình chắc có tương lai”
bà Tám con chết trận Đồng Xoài
hãnh diện lãnh bằng gia đình liệt sĩ
những nhà văn, nhà thơ, xưa chống “cuộc chiến tranh phi lý”
(đâm sau lưng người lính Cộng Hòa)
nay chìa bút ra
xin viết bài ngợi ca chế độ mới
đám thanh niên xưa trốn chui trốn nhủi
ở hậu phương
xanh mặt khi nghe nhắc tới chiến trường
nay tự nhận đã yêu thầm cách mạng
những người dân bình thường
xưa gặp lính khi ghét khi thương
lúc buồn ngồi chửi đổng
“Tao chửi cả thằng Tổng Thống
xá gì lính tráng tụi bay”
nay cũng ngập ngừng vỗ tay
nhưng mắt nhìn quanh lấm lét
họ chưa có câu trả lời dứt khoát
muốn đợi một thời gian
sau vài năm
cuộc hôn nhân qua tuần trăng mật
đã đầy nước mắt
và những tiếng nấc nghẹn ngào
đám trí thức vô bưng năm nào
tức giận thấy mình bị bội phản
buông lời phản kháng
kẻ vô khám Chí Hòa
người bị quản thúc tại gia
đưổi gà cho vợ
thiên đường ước mơ sụp đổ
má Hai
đã quen dần với bo bo, với sắn với khoai
như người dân miền Bắc
những cán bộ xưa má nuôi trong hầm bí mật
đã ra lệnh bắt má mấy lần
má không đủ ăn
lấy đâu đóng thuế
bà Tám ôm tấm bằng Gia Đình Liệt Sĩ
bụng đói meo
làng trên xóm dưới ai cũng nghèo
tình người hiếm hơn hồi đó
bà ra mộ con ngồi nhổ cỏ
khóc thầm
những văn nhân
một thời phản chiến
“ngộ biến tòng quyền”
cố bẻ cong ngòi bút
nhưng với văn thơ, với nhạc
quen phóng túng tự do
sao chịu nổi gông xiềng
lại tiếc những ngày trời rộng thênh thang
múa bút
đám thanh niên hèn, khoác lác
tưởng được chế độ mới tin dùng
bị đi lao động quốc phòng
thanh niên xung phong
làm việc không công nơi rừng sâu nước độc
cháy da vàng mắt
đói lòng
những người dân
xưa chửi vung chửi vít
nay im thin thít
chẳng dám hé môi
một số kẻ lỡ lời
bị đi “tù không án”
khi cán bộ xưng tụng “bác” Hồ, ca ngợi “Đảng”
họ cao giọng hoan hô
vỗ tay thật to
nhưng bụng thầm ao ước được sống lại những ngày xưa cũ
sau ba mươi tháng tư, đớn đau tủi hổ
là gia đình người lính Cộng Hòa
kẻ bị cướp nhà
người bị cướp đất
con bị đuổi học
vợ mất sở làm
chồng đi tù biệt tăm
đi họp, cán bộ Cộng Sản mỉa mai nhiếc móc
ra đường bị lườm dọc nguýt ngang
đến khi ruộng vô tập đoàn
gạo vải sữa đường bán theo tiêu chuẩn
nhà máy công ty hãng xưởng
trờ thành quốc doanh
công an khu vực đầy quyền hành
thực thi chính sách nhân hộ khẩu
người dân chịu đời không thấu
mà chẳng dám than vãn kêu ca
bấy giờ gia đình người lính Cộng Hòa
mới nhận được những tia nhìn thiện cảm
nghĩ đến con, đến chồng, đến cha
trong nhà tù Cộng Sản
họ hãnh diện ngẩng đầu
hôm nay giữa trời cao
được thấy lá cờ vàng ba sọc đỏ
phất phới bay trong gió
tôi muốn khóc thật to
tôi muốn hét lên
“Đây hạnh phúc! Đây tự do!”
Mà thuở nào tôi đã buông tay đánh mất
để phải chôn tháng năm tươi đẹp nhất
của cuộc đời
trong các trại tù rải rác khắp nơi
trên đất nước
họ hàng tôi, đồng bào tôi
những ai không đi được
mấy chục năm trường
gánh chịu đau thương
uất hận tủi hờn
nhìn quê hương tan nát
mẹ Việt Nam ơi! Những đứa con lưu lạc
đã nhận rõ lỗi lầm
đang đấu tranh âm thầm
cho một ngày quang phục
sẽ còn nhiều khó nhọc
để dành lại giang san
từ tay bọn Cộng Sản tham tàn
nhưng kìa! Phất phới bay trong gió
vẫn như ngày nào
lá cờ vàng ba sọc đỏ
mà sao hôm nay chính nghĩa sáng ngời
chẳng cần một lời luận bàn lý giải
Viết tại San Leon sau một lần dự lễ dựng
kỳ đài tại Houston.
Phạm Đức Nhì
Viết tại San Leon sau một lần dự lễ dựng
kỳ đài tại Houston.