Seite auswählen

Tại một cuộc họp của Liên Hiệp Quốc, hàng chục quốc gia đã ra một tuyên bố chung chỉ trích chính quyền Trung cộng đàn áp người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương, và yêu cầu Bắc Kinh ngay lập tức để các quan sát viên độc lập tới khu vực này.

Ảnh tư liệu chụp ngày 03/12/2018 tại Trung tâm Dạy nghề Artux, tỉnh Tân Cương, Trung cộng. AP – Ng Han Guan

Theo hãng tin AFP, tại cuộc họp của Ủy ban phụ trách nhân quyền của Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc (tên chính thức là Ủy ban thứ Ba, phụ trách các vấn đề xã hội, nhân đạo và văn hóa), hôm qua 21/10/2021, đại sứ Pháp tại Liên Hiệp Quốc, ông Nicolas de Rivière, đã thay mặt 43 quốc gia đọc bản tuyên bố chung, bày tỏ « mối quan ngại đặc biệt về tình hình tại vùng tự trị Tân Cương ».

Tuyên bố của nhóm 43 nước nêu lên các thông tin đáng tin cậy về tình trạng « giam cầm một cách độc đoán » hơn một triệu người trong « các trại cải tạo ». Tuyên bố nhấn mạnh đến các hành động tra tấn, cách đối xử độc ác, phi nhân tính và hạ nhục con người, cưỡng bức triệt sản, bạo lực tình dục và kỳ thị giới tính, cũng như tách trẻ em khỏi gia đình, nhắm vào cộng đồng Duy Ngô Nhĩ và các cộng đồng sắc tộc thiểu số khác. Tuyên bố kêu gọi chính quyền Trung cộng « cho phép ngay lập tức và không gây trở ngại các quan sát viên độc lập, bao gồm Cao ủy Liên Hiệp Quốc về Nhân quyền và các thành viên của Phủ Cao Ủy vào khu vực Tân Cương ».

Tuyên bố chung lên án Bắc Kinh xâm phạm nhân quyền tại Tân Cương có sự tham gia của Hoa Kỳ, nhiều nước châu Âu, châu Á và châu Phi. Thổ Nhĩ Kỳ nằm trong số 43 nước ký tên. Từ nhiều năm nay, các xâm phạm nhân quyền của Trung cộng tại Tân Cương đã liên tục bị lên án tại diễn đàn của Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc. Tuy nhiên, cách nay hai năm, mới chỉ có 23 quốc gia ký tên vào tuyên bố chung. Hồi năm ngoái, bản tuyên bố đã được 39 nước ủng hộ. Đến năm nay, có thêm ba quốc gia mới tham gia, là Thổ Nhĩ Kỳ, Eswatini (châu Phi) và Cộng Hòa Séc.

Ngay sau tuyên bố chung của nhóm 43 nước, đại sứ Trung cộng Trương Quân (Zhang Jun) đã lên án « các vu cáo » và « một mưu đồ nhằm gây tổn hại cho Trung cộng ». Theo đại sứ Trung cộng, Tân Cương đang phát triển và « người dân Tân Cương luôn tự hào về các tiến bộ đã đạt được ». Đại sứ Cuba bảo vệ Bắc Kinh, chỉ trích 43 nước can thiệp vào công việc nội bộ của Trung cộng.

Bắc Kinh lên án ngược lại Mỹ, Pháp và Anh về « những xâm phạm nhân quyền khủng khiếp », chuyển đến báo chí một tài liệu lên án Hoa Kỳ tình trạng « thanh lọc sắc tộc chống lại thổ dân » và « sự gia tăng các hành động quấy nhiễu nhắm vào các công dân Mỹ gốc Á » tại Mỹ. Trung cộng còn cáo buộc Pháp « thảm sát hàng chục nghìn người vào thời kỳ thực dân », « phạm tội ác chống nhân loại ». Tài liệu nói trên cũng nhấn mạnh đến « nạn bài Hồi Giáo »  và « tình trạng tồi tệ trong các nhà tù » tại Pháp.

Theo nhiều nhà ngoại giao, hàng năm, chính quyền Trung cộng vẫn liên tục gây áp lực lên các quốc gia thành viên Liên Hiệp Quốc nào ký tên vào bản tuyên bố chung về tình hình Tân Cương.

 

Haiti và Thụy Sĩ rút khỏi tuyên bố chung

Theo AFP, Haiti và Thụy Sĩ đã rút khỏi tuyên bố chung nói trên: Haiti vì đang trong giai đoạn quan hệ tế nhị với Trung cộng, từ khi chính quyền nước này công nhận Đài Loan. Thụy Sĩ vì muốn tạo điều kiện cho đối thoại Mỹ – Trung, sau khi làm nơi tổ chức cuộc gặp giữa hai phái đoàn cao cấp Mỹ – Trung mới đây.

Trọng Thành

RFI (22.10.2021)