Gần đây, Tổng cục Hải quan Trung cộng thông báo từ ngày 1/12, sẽ hoàn toàn dừng cấp giấy Chứng nhận xuất xứ mẫu A (GSP form A) cho hàng xuất khẩu sang Liên minh Châu Âu (EU), Anh, Canada, Thổ Nhĩ Kỳ, Ukraine và Liechtenstein. Nghĩa là có 32 nước đã hủy bỏ ưu đãi đối với thương mại với Trung cộng. Cho đến nay, chỉ có Na Uy, New Zealand và Úc là vẫn giữ nguyên ưu đãi này cho Trung cộng.
Các container vận chuyển từ Trung cộng và các nước châu Á khác được dỡ xuống cảng Los Angeles ở Long Beach, California, hôm 14/09/2019 khi cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung cộng đang leo thang. (Ảnh: Mark Ralston/AFP/Getty Images)
GSP là tên viết tắt của Hệ thống ưu đãi phổ cập (Generalized System of Preferences). Đây là một hệ thống mà theo đó các nước phát triển (được gọi là các nước cho hưởng) cho các nước đang phát triển (được gọi là các nước được hưởng) hưởng chế độ ưu đãi bằng cách giảm hoặc miễn thuế. Chế độ ưu đãi được xây dựng trên cơ sở không có sự phân biệt đối xử và không đòi hỏi bất kỳ nghĩa vụ nào từ phía các nước đang phát triển.
Thông báo ngày 28/10 của Tổng cục Hải quan Trung cộng cho biết, từ ngày 1/12/2021, hàng hóa xuất khẩu sang các nước thành viên EU, Vương quốc Anh, Canada, Thổ Nhĩ Kỳ, Ukraine, Liechtenstein đã không còn được ưu đãi thuế quan. Tổng cục Hải quan sẽ ngừng cấp giấy chứng nhận GSP (Mẫu A).
Vì EU có 27 quốc gia thành viên nên tổng số nước hủy bỏ cơ chế ưu đãi thương mại với Trung cộng trong thông báo lần này là 32.
Thông báo ngày 28/10/2021 về hủy bỏ cấp giấy GSP form A của Tổng cục Hải quan Trung cộng. (Ảnh Internet)
Phó giáo sư Thẩm Vinh Khâm (Shen Rongqin) của Đại học York ở Canada cũng chia sẻ tin tức này trên Facebook rằng, “32 quốc gia gồm EU, Vương quốc Anh, Canada, Thổ Nhĩ Kỳ, Ukraine, Liechtenstein đã hủy bỏ GSP đối với hàng hóa thương mại từ Trung cộng, sẽ chính thức có hiệu lực vào ngày 1/12. Trung cộng đã trở thành một quốc gia có thu nhập trung bình”.
Theo Tổng cục Hải quan, kể từ khi thực hiện cơ chế GSP từ năm 1978 tới nay, có 40 quốc gia đã liên tiếp dành ưu đãi thuế quan GSP cho Trung cộng, bao gồm 27 quốc gia EU, Vương quốc Anh, 3 quốc gia thuộc Liên minh Kinh tế Á – Âu, Thổ Nhĩ Kỳ, Ukraine, Canada, Thụy Sĩ, Liechtenstein, Nhật Bản, Na Uy, New Zealand, Úc.
Theo khuôn khổ của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), các nước đang phát triển có thể được hưởng sự đãi ngộ đặc biệt. Trung cộng đã là nền kinh tế lớn thứ hai trên thế giới, nhưng vẫn tự khẳng định vị thế của mình là “nước đang phát triển” để có được những đại ngộ này. Nếu Trung cộng không còn được coi là quốc gia đang phát triển, xuất khẩu của Trung cộng có thể sẽ phải chịu mức thuế cao hơn và các ưu đãi khác sẽ bị hủy bỏ.
Trong những năm gần đây, ngày càng có nhiều quốc gia tuyên bố hủy bỏ ưu đãi GSP đối với Trung cộng. Từ ngày 12/10/2021, hàng hóa xuất khẩu của Trung cộng đã không còn được hưởng các ưu đãi thuế quan của Nga, Kazakhstan và Belarus (3 thành viên của Liên minh Kinh tế Á – Âu).
Bắt đầu từ ngày 1/4/2019, Nhật Bản đã ngừng cấp GSP cho hàng hóa Trung cộng. Từ ngày 1/7/2014, Thụy Sĩ cũng ngừng cấp đãi ngộ này.
Cho đến nay, chỉ còn Na Uy, New Zealand và Úc là 3 quốc gia vẫn còn cấp GSP cho Trung cộng.
Trước đó tại Hoa Kỳ, nhiều nhà lập pháp đã đề xuất Đạo luật Quan hệ Thương mại Trung cộng (China Trade Relations Act) để tước bỏ quy chế “quan hệ thương mại bình thường vĩnh viễn” (PNTR) mà Trung cộng đang được hưởng. Có nghĩa là thu hồi đãi ngộ tối huệ quốc vĩnh viễn của Trung cộng và quay trở lại quy chế trước năm 2001.
Theo Epoch Times tiếng Trung (03.11.2021)