Seite auswählen

Nguyễn Thọ

9-11-2021

Ngày 9.11 đối với dân tộc Đức là một “ngày số phận”. Lẽ ra người Đức nên lấy ngày này làm ngày quốc khánh chứ không phải ngày 3.10. Đó là ý kiến của ông Wolfgang Niess, một nhà sử học, một nhà báo có tên tuổi ở Đức.

Ngày 9.11.1918, cuộc cách mạng Đức nổ ra, lật đổ hoàng đế Wilhelm đệ nhị. Từ cửa sổ nhà quốc hội Đức, lãnh tụ đảng Dân chủ xã hội (SPD) Philipp Scheidemann tuyên bố thành lập nước Cộng hòa Đức. Ông tính đi trước những người cộng sản. Dù chậm chân, hai giờ đồng hồ sau, từ nhà Thị chính Berlin, Karl Liebknecht, lãnh tụ phái thiên tả trong đảng SPD, cùng những người cộng sản trong hội Spatakus tuyên bố thành lập nước Đức Tự do XHCN. Hai cuộc cách mạng tranh chấp cùng ngày này đã đưa nước Đức đến nền Cộng hòa Weimar, một chế độ dân chủ chông chênh, tạo đất sống cho Chủ nghĩa Phát xít.

 

Ảnh ghép kỷ niệm ngày 9.11 trên trang mạng T-online.de. Hai bên là cảnh phá bức tường Berlin 9.11.1989. Ở giữa là hình ảnh cách mạng vô sản Đức 9.11.1918 và ảnh nhà thờ Do-Thái bị đốt cháy đêm 9.11.1938. Ảnh tư liệu

Ngày 9.11.1923, nhân kỷ niệm 5 năm ra đời nền cộng hòa, Hitler tổ chức một cuộc đảo chính ở Munich. Cuộc đảo chính thất bại. Hitler bị bắt và bị tuyên án 5 năm tù. Sau 9 tháng thì y được thả vì “hạnh kiểm tốt”. Sau khi lên nắm quyền 1933, Hitler lấy ngày 9.11 làm ngày kỷ niệm những “hy sinh” của phong trào Phát xít.

Ngày 9.11.1938 được biết đến trong sử sách là “Đêm pha-lê”, khởi đầu phong trào tiêu diệt người Do-Thái đẫm máu nhất trong lịch sử. Sáu triệu người Do Thái đã bị thảm sát từ đó đến tháng 5.1945.

Nhưng cũng ngày 9.11.1989, nhân dân Đông Đức đã phá bỏ bức tường Berlin, biểu tượng của chiến tranh lạnh, của quá trình chia cắt nước Đức. Lúc đầu nhân dân Đông Đức chỉ muốn phá bỏ bức tường, phá bỏ chế độ chuyên chế SED để xây dựng một nước Cộng hòa Dân chủ Đức dân chủ, tự do, bình đẳng như nước Cộng hòa Liên Bang Đức bên cạnh mình. Nhưng khi nhìn thấy những thách thức trong quá trình khôi phục đất nước bị lạc hậu và trì trệ, họ đã tiến tới quá trình thống nhất để xây dựng một nước Đức mới.

Trước sức ép của thời thế, ông Kohl và các chính khách Đông Đức không thể trù trừ được ngày nào. Hai nước Anh và Pháp không muốn Đức thống nhất. Liên Xô đang như một thùng thuốc súng. Các thế lực bảo thủ có thể bất cứ lúc nào đó lật đổ Gorbachov, người đã đồng ý cho dân tộc Đức tự quyết. Nếu không làm nhanh, có thể cơ hội tuột tay.

Theo ông Niess: Ngày 3.10.1990 được coi là một lựa chọn thuần túy kỹ thuật để thành ngày thống nhất, cũng là ngày quốc khánh. Đối với nhiều người Đức, ngày 3.10 không gợi lại ký ức gì. Nhưng lịch sử đã đi con đường của nó và không có lý do gì để đổi ngày quốc khánh sang ngày khác.

Mặt khác nhiều người Đức không muốn gắn ngày quốc khánh của mình với những kỷ niệm như “Đêm-Pha-lê”. Với người Đức, ngày 9.11 vừa là ngày ôn lại quá khứ đẫm máu, đau thương của dân tộc vừa là ngày chiến thắng của khát vọng tự do, dân chủ.

 

Đêm Pha lê 9.11.1938, hàng ngàn nhà thờ và các cơ sở của người Do Thái ở Đức và các vùng nói tiếng Đức bị đốt phá. Ảnh tư liệu

Nhưng nền dân chủ đạt được sẽ không tự nhiên tồn tại, nếu không biết bảo vệ nó. Đảng cực hữu AfD (Sự lựa chọn cho nước Đức) đang muốn biến ngày 9.11 hàng năm thành một ngày lễ. Hitler đã từng làm như vậy để kỷ niệm những tay chân bị giết chết trong cuộc đảo chính ngày 9.11.1923.

 

Hitler kỷ niệm ngày 9.11.1923, ngày đảo chính hụt ở Munich, đánh dấu sự hình thành chủ nghĩa Phát xít Đức. Nguồn T-online.de

Năm 1933 y đã cho in tem kỷ niệm những nhân vật này với dòng chữ: Các bạn đã chiến thắng!

Có điều Hitler nhầm to. Các chế độ độc tài có thể chiến thắng trước mắt. Về lâu về dài thì dân chủ vẫn thắng. Lịch sử đã chứng minh như vậy.