Quang Nguyên
5.11.2021
(VNTB) – “Hôm nay chúng tôi mới được các ông cho thấy cái khoảng tối tăm đau xót của đồng bào chúng tôi. Chúng tôi hứa sẽ mở lại các hoạt động nhân quyền làm việc cho người Mông.”
Mất khoảng 8 ngàn dollars gồm tiền thuê xe, ăn, ngủ khách sạn để 5 người đi hơn 8000 miles từ tiểu bang Minnesota miền Trung Tây Mỹ qua hết các tiểu bang ven biển miền Tây có lẽ không đắt, nhưng lại thêm đã được nhìn biết bao cảnh đẹp đẽ, hùng vĩ, kỳ lạ qua các tiểu bang thì là rẻ; hơn nữa nhận được sự tử tế, quý mến và kinh nghiệm của gần 200 thân hữu, từ các bạn trẻ 25, 30 đến các quý vị đàn anh, có vị đã trăm tuổi, quả là vạn hạnh.
Minnesota
Người bay từ Virginia, người từ Baltimore, người vội vàng lái xe từ Oklahoma tập trung về, chúng tôi 2 người thuộc hội Nhà Báo Độc Lập VN, Mục sư Vàng Chí Mình người Mông tranh đấu cho tự do tôn giáo, đặc biệt cho người dân tộc thiểu số của ông đang bị nhà cầm quyền VN đàn áp, và hai vị chúng tôi mời cùng đi, vợ chồng giáo sư Đoàn Viết Hoạt, bắt đầu từ Minnesota.
Ngày đầu chuyến đi, chúng tôi hân hạnh được gặp Thượng nghị sĩ tiểu bangMinnesota, người Mong, ông Foung Hawj, 2 ông Tong Vang và Ganghis Khang Chủ tịch và phó chủ tịch hội cựu chiến sĩ H’Mong cùng ông Chủ Tịch Cộng Đồng và nhiều chức sắc đại diện khoảng 70 ngàn người Mong, hầu hết từ Lào tỵ nạn đang sống tại Minnesota trong tổng cộng khoảng 330 ngàn người tại Hoa Kỳ, phần lớn là người trẻ dưới 20 tuổi.
Đầy kín 4 bức tường hình ảnh quân nhân thuộc quyền Thiếu Tướng Vàng Pao trong phòng tưởng niệm ông ở một building tại Thủ Đô Saint Paul. Nhiều người biết ông từng lãnh đạo một đoàn quân nhiều ngàn người được CIA tài trợ, căn cứ tại Cánh Đồng Chum, Lào chống lại quân cộng sản, nhưng không nhiều người biết ông Vàng Pao là thiếu tướng chính quy duy nhất người Mong, tư lệnh quân khu II Long Cheng của quân đội Hoàng Gia Lào trước năm 1975.
Trong khi Thiếu Tướng Tư Lệnh quân khu ll chưa thể bàn giao quân đội và vùng trách nhiệm của ông cho quân Phathet Lào thì quân cộng sản Bắc Việt Nam đã vây kín vùng quân khu còn cố thủ này, tất cả súng đại bác đều chĩa nòng vào các cứ điểm phòng thủ Long Cheng. Điều này làm Vàng Pao nổi giận, ông ra lệnh tất cả máy bay quân khu thuộc quyền gắn bom chờ lệnh hủy diệt thủ đô Vientiane. Tiến sĩ Yang Đào lúc đó là người thân của Vàng Pao, thường gọi ông này bằng chú, vội vàng báo cho thủ tướng Suvana Phuma ra lệnh cho quân Việt Cộng không được manh động. Yang Đào trốn qua vòng vây của quân Bắc Việt, gặp Vàng Pao thuyết phục ông này bỏ ý định không kích. Hôm sau, gia đình tướng Vàng Pao và nhiều sĩ quan dưới quyền được máy bay của CIA đón đến phi trường Udorn trên đất Thái. Cuộc thảm sát đẫm máu vô ích của cả hai bên đã không xảy ra. Tiến Sĩ Yang Đào và gia đình cũng vượt sông Mekong sau đó. Người Mông Lào thờ Tường Vang Pao như vị thần. Bàn thờ ông được thiết trí trang nghiêm trong phòng tưởng niệm.
Ngô Văn, đại diện Việt Nam Thời Báo cho khoảng gần 30 người trong phòng biết về tình trạng hàng ngàn người Mông đang phải trốn tránh nhà cầm quyền Việt Nam, hàng ngàn người sống trong tình trạng vô tổ quốc ngay tại Việt nam, hàng ngàn người khác tại các khu rừng già Miến Điện, Lào, Thái Lan. Họ theo đạo Tin Lành, sống ở các tỉnh Điện Biên, Lai Châu, bị nhà nước bắt bỏ đạo, bị đánh đập giam cầm, bị giết trong trại tạm giam. Chính quyền Việt Nam vu cáo họ vượt biên lập Vương Quốc Mông chống lại nhà nước, truy sát tận nơi họ trốn chạy.
“…Từ nhiều năm trước, chúng tôi đã có dịp dự những hội nghị liên quan đến tự do tôn giáo ở Đông Nam Á, Âu châu và Hoa Kỳ, cùng với người H’Mong, chúng tôi cũng đã từng có dịp đến một số nơi vùng Đông Nam Á tìm và gặp những người H’Mong đang trốn tránh sự đàn áp tự do tôn giáo của cộng sản Việt Nam.
Chúng tôi tìm thấy hàng trăm gia đình người H’Mong phải ẩn núp trong rừng sâu, ép mình vào khu chiến tranh giữa quân chính phủ và phe chống đối, con em họ bị bắt đi lính cho cả 2 bên để đổi lấy sự an toàn cho gia đình. Họ sống tùy thuộc vào lòng tốt của chính quyền địa phương. Người tỵ nạn không có đất canh tác, người chết không có đất chôn phải thả trôi theo dòng sông, dòng suối. Phóng viên VNTB cũng đã đến thăm hàng trăm người H’Mong từ Việt Nam trốn sự đàn áp tôn giáo của chính quyền cộng sản Việt Nam đang sống ở BangKok thủ đô Thái Lan. Nhiều người trong đó đã nhận được quy chế tỵ nạn của Liên Hiệp Quốc, nhưng vẫn có nhiều người gồm cả phụ nữ và con nhỏ, bị giam cầm trong các tù, IDC, Immigrant Detention Center của Thái Lan. Năm vừa qua, tổ chức ICF Foundation của người Việt đã đóng tiền thế chân cho hơn sáu chục người ra khỏi nhà tù.
Những người Mong tỵ nạn ở Thái Lan đang sống trong hoàn cảnh không xứng đáng với con người. Họ phải làm thuê cực nhọc như nô lệ, và thường bị đám cò mồi giựt tiền công, bị cảnh sát bắt phạt, tước đoạt tiền bạc. Họ phải đến các chợ tìm rau, trái cây đã đổ bỏ về làm thức ăn.
Hàng chục người H’Mong bị cộng sản Việt Nam bắt, bỏ tù, giết vì không bỏ đạo Tin Lành.…”
Ngô Văn kể về tình trạng vô quốc gia của người Mông phải chịu trong nước Việt Nam, tình trạng người dân tỵ nạn sống vô cùng khó khăn tại Bangkok, phải đi lượm đồ ăn dư vứt thùng rác ngoài chợ, và nhất là tình trạng nguy hiểm của người Mông trốn trong rừng sâu Miến Điện nơi giáp ranh vùng chiến tranh giữa quân chính phủ và quân nổi dậy trong tiểu bang Shun, nơi thân nhân chết không có đất chôn, thây phải bỏ trôi theo sông.
Ngô Văn nói xong, ngồi xuống. Không ai vỗ tay, phòng họp im lặng, chỉ nghe tiếng thở dài buồn bã như trong đám tang, người cúi đầu lặng thinh, người sửng sốt nhìn nhau, người ứa nước mắt. Ông Thượng nghị sĩ vuốt mặt, cúi đầu, “Họ là người Việt Nam, nhưng cũng là người đồng bào của chúng tôi.” Ông nghẹn ngào tiếp, “Hàng chục năm nay, chúng tôi lo hối thúc con em chúng tôi phải trở nên những nhà triệu phú, thành những người có ích cho đồng bào, cho nước Hoa Kỳ mà bây giờ chúng tôi là công dân, chúng tôi đã có hàng ngàn tiến sĩ các ngành, hàng ngàn nhà đầu tư, kinh doanh, giáo sư đại học, bác sĩ, luật sư, nhà văn, nghệ sĩ. Hôm nay chúng tôi mới được các ông cho thấy cái khoảng tối tăm đau xót của đồng bào chúng tôi. Chúng tôi hứa sẽ mở lại các hoạt động nhân quyền làm việc cho người Mông.”
Em ruột Thiếu Tướng Vàng Pao và những nhà hoạt động trong cộng đồng Mông mời chúng tôi đến trước bàn thờ Tướng Vàng Pao, gắn cho Ngô Văn, ông Đoàn Viết Hoạt và tôi mỗi người một huân chương mà họ bảo cao quý nhất của Vương quốc Lào. Trong suốt những ngày đi, tôi không có dịp đem khoe tấm huy chương tôi được gắn trên chiếc áo của người Mông. Một người khác đem ra chai rượu của người Mong chưa khui ông đã để dành nhiều năm, hứa chỉ có dịp vui nhất, hài lòng nhất mới khui mời mọi người uống. Ông cho tôi vinh dự rót rượu. Tôi cung kính mời mọi người trong phòng, vừa vặn còn một ly cuối cùng dành cho mình.
Sau bữa ăn chiều ngay trong phòng họp, thư ký của ông TNS và vài người khác dẫn chúng tôi ra đài kỷ niệm của người Mông trước điện Capital Minnesota. Tôi đã đến đây vài lần thăm nơi này, Lần nào cũng thầm trách cộng đồng người Việt, trong đó có tôi, lúc nào cũng tưởng mình văn minh, giỏi giang hơn người Mong, vậy mà mỗi lần tổ chức lễ kỷ niệm quốc hận đều phải kéo nhau đến trước đài tưởng niệm tử sĩ Hoa Kỳ dựng cờ.
Đài tưởng niệm người Mong có hình búp măng tre, cách điệu như chiếc khăn đội đầu của phụ nữ Mong, trên dập nổi những hình cảnh sinh hoạt của người Mông vùng nông thôn Lào.
Họ chia tay chúng tôi, hẹn gặp nhau tại Văn phòng ông TNS sau khi điện capital sửa xong. Mục sư Vàng Chí Mình dẫn chúng tôi thăm một công viên có liên quan đến người Mong đang xây gần xong. Khu này chiếm một vị trí đắc địa bên hồ Phalen Lake, nhìn giống như một công viên Tàu với những mái vòm cong, cột đá, câu đối hoành phi chữ Hán, sơn màu xanh đỏ và khu hoa viên kiểu Tàu. Vàng Chí Mình cười mỉa mai, “Khu này người ta bảo xây dựng để tăng cường tình hữu nghị Mông-Trung Hoa, một chính phủ địa phương Tàu bỏ tiền xây dựng để lấy lòng chính phủ tiểu bang Minnesota hầu ký được các hợp đồng kinh tế”. Người vận động Minnesota ký cho phép xây khu kỷ niệm là thượng nghị sĩ người Mong Foung Hawj.
Phần 2: Đi Về Hướng Tây