Mục lục
Facebook xóa sổ một nhóm ‘đánh phá người chỉ trích chính phủ Việt Nam’
NGUỒN HÌNH ẢNH,NURPHOTO/GETTY IMAGES Chụp lại hình ảnh, Facebook có hàng chục triệu người dùng ở VN
Facebook vừa công bố họ đã xóa bỏ một mạng lưới dùng chiêu thức báo cáo hàng loạt để lừa Facebook phạt những người đăng bài chỉ trích chính phủ Việt Nam.
Mạng lưới này đã gửi hàng trăm – có khi hàng ngàn – khiếu nại để âm mưu khiến Facebook kiểm duyệt các tài khoản phê phán chính phủ ở Hà Nội.
Trong báo cáo ra ngày 1/12, Meta, công ty mẹ của Facebook, nói: “Chúng tôi đã xóa một mạng lưới các tài khoản ở Việt Nam do vi phạm chính sách về Hành vi không xác thực của chúng tôi chống lại việc báo cáo hàng loạt.”
“Họ điều phối việc nhắm mục tiêu các nhà hoạt động và những người công khai chỉ trích chính phủ Việt Nam và sử dụng các báo cáo sai sự thật về các vi phạm khác nhau trong một cố gắng xóa những người dùng này khỏi nền tảng của chúng tôi.”
“Những người đứng sau hoạt động này đã dựa vào chủ yếu các tài khoản xác thực và trùng lặp để gửi hàng trăm – trong một số trường hợp, hàng nghìn – khiếu nại chống lại các mục tiêu của họ thông qua các luồng báo cáo lạm dụng của chúng tôi.”
NGUỒN HÌNH ẢNH,GETTY IMAGES
Facebook cho hay: “Nhiều kẻ cũng duy trì các tài khoản giả mạo – một số trong số đó đã bị phát hiện và vô hiệu hóa bởi hệ thống tự động của chúng tôi – giả làm mục tiêu của chúng để sau đó chúng có thể báo cáo các tài khoản thật như là giả mạo.”
“Họ thường xuyên thay đổi giới tính và tên của các tài khoản giả mạo của họ cho giống với cá nhân bị xem là mục tiêu.”
“Trong số các khiếu nại phổ biến nhất trong hoạt động lừa đảo này là đi khiếu nại về việc mạo danh, và ở mức độ ít hơn là khiếu nại về tính không xác thực.”
Facebook nói: “Mạng lưới này cũng đã quảng cáo dịch vụ xóa tài khoản người khác trong mục tiểu sử của họ và liên tục phát triển các chiến thuật mới để trốn tránh sự phát hiện.”
Trong báo cáo ra ngày 1/12, Meta, công ty mẹ của Facebook, cho hay ngoài vụ liên quan Việt Nam, họ cũng đã xóa một mạng lưới tương tự tại Trung Quốc, Ba Lan, Belarus.
Facebook là mạng xã hội phổ biến nhất cho người dùng tại Việt Nam.
Chính phủ Việt Nam rất quan tâm đến ảnh hưởng của mạng xã hội này.
Thống kê chính thức của chính phủ Việt Nam nói năm 2020, Việt Nam xác định “khoảng 100 hội nhóm trên mạng xã hội Facebook, 14.000 chuyên trang Facebook; hơn 80 kênh YouTube chống phá với tần suất cao, khoảng trên 54.000 video vi phạm thường xuyên tán phát tin giả có ảnh hưởng tới an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội”.
Một bài viết được đăng gần đây của TS. Nguyễn Ngọc Cương, Phó Cục trưởng Cục An ninh mạng và Phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Bộ Công an, cho hay Việt Nam đã “yêu cầu Facebook, Google gỡ bỏ hơn 10.874 bài viết, video, đường dẫn có nội dung xấu độc, vi phạm pháp luật Việt Nam”.
BBC (02.12.2021)
Theo dõi Nhân quyền: Chính quyền Đắk Lắk bắt giữ bà Huỳnh Thục Vy là ngang ngược!
Theo dõi Nhân quyền lên án vụ bắt giữ nhà hoạt động Huỳnh Thục Vy báo Người Lao Động/RFA edited
Tổ chức nhân quyền quốc tế có trụ sở ở Hoa Kỳ hôm 1 tháng 12 ra tuyên bố lên án việc chính quyền Việt Nam bắt buộc nhà hoạt động Huỳnh Thục Vy đi thi hành án tù mặc dù cô đang nuôi con nhỏ dưới 36 tháng tuổi.
Ông Phil Robertson, Phó Giám đốc khu vực Châu Á của tổ chức Theo dõi Nhân quyền Human Rights Watch trong tuyên bố gửi đến Đài Á Châu Tự Do ngay sau vụ bắt giữ hôm 1/12/2021 có đoạn viết:
“Một người mẹ của hai đứa trẻ; con trai hai tuổi, và con gái năm tuổi, cần phải được ở bên các con của mình chứ không phải ở trong tù. Vậy nên, hành động của chính quyền Đắk Lắk là ngang ngược và không thể chấp nhận được.”
Nhà hoạt động Huỳnh Thục Vy, 36 tuổi, đến từ thị xã Buôn Hồ tỉnh Đắk Lắk. Chiều ngày 1 tháng 12, người mẹ của hai con nhỏ này bị bắt ở ở dọc đường, khi đang đi thăm người họ hàng.
Hôm 30 tháng 11, bà Vy đăng tải lên Facebook cá nhân Quyết định củaToà án Nhân dân thị xã Buôn Hồ, tỉnh Đắk Lắk hủy quyết định hoãn chấp hành án phạt tù đối với bà dù rằng còn khoảng 6 tháng nữa mới đến hạn thi hành án.
Nhà hoạt đông nhân quyền này vốn đang trong quá trình hoãn thi hành án vì nuôi con nhỏ dưới 36 tháng tuổi, bà bị kết án “xúc phạm quốc kỳ” và nhận bản án hai năm chín tháng tù giam hồi tháng 11 năm 2018 sau khi chính tay bà xịt sơn lên lá cờ đỏ sao vàng.
Bình luận về bản án này, ông Phil Robertson viết: “Xịt sơn màu trắng lên cờ không phải là tội phạm, do vậy bà Huỳnh Thục Vy đáng nhẽ ra không đáng phải bị bỏ tù.” Ông còn nói việc kết án, và nay là bắt giữ nhà hoạt động này là “hành vi trả thù công dân lên tiếng đòi hỏi quyền lợi”.
Tổ chức Theo dõi Nhân quyền cũng kêu gọi chính quyền ngay lập tức hủy bỏ bản chấm dứt đàn áp nhà hoạt động nhân quyền này.
Dù đã bị bắt đi từ ngày 1/12, tuy nhiên gia đình cho biết không hề nhận được thông báo hay văn bản nào từ phía chính quyền, và đến giờ vẫn chưa biết thông tin về nơi giam giữ một trong những người sáng lập Hội Phụ nữ nhân quyền Việt Nam.
Bà Huỳnh Thục Vy, sinh năm 1985, là chủ nhân của giải Hellman/Hammett do chính Human Rights Watch trao tặng hồi năm 2012 để “ghi nhận lòng dũng cảm và kiên định trước sức ép đàn áp chính trị.”
Tháng 6 năm 2015, bà cho xuất bản sách “Huỳnh Thục Vy – Nhận định sự thật tự do và nhân quyền” tổng hợp những bài viết phê bình những chính sách của chính phủ, đảng cộng sản Việt Nam do nhà xuất bản Việt Thức in tại Hoa Kỳ.
RFA (02.12.2021)
Viện Kiểm sát kháng nghị án ‘bổ sung’ cấm hành nghề báo chí đối với Nhóm Báo Sạch
Các thành viên Nhóm Báo Sạch. RFA
Viện Kiểm sát Nhân dân Cần Thơ đề nghị bỏ phần án phạt bổ sung cấm hành nghề báo chí đối với các thành viên nhóm Báo Sạch. Pháp Luật Online đưa tin hôm thứ hai, 30 tháng 11.
Tin cho hay Viện Kiểm sát Nhân Dân TP Cần Thơ trong cùng ngày đã ra quyết định kháng nghị bản án sơ thẩm của Tòa án Nhân dân huyện Thới Lai, cụ thể là phần ‘phạt bổ sung’ cấm hành nghề báo chí trong ba năm sau khi chấp hành án phạt tù đối với các nhà báo Trương Châu Hữu Danh, Nguyễn Phước Trung Bảo, Đoàn Kiên Giang và Nguyễn Thanh Nhã.
Tại phiên xét xử sơ thẩm hồi tháng 10, năm thành viên nhóm Báo Sạch, gồm các nhà báo nói trên và một thành viên nữa là ông Lê Thế Thắng bị tuyên án tổng cộng 14 năm sáu tháng tù giam vì hành vi “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước” theo Điều 331 Bộ Luật Hình sự.
Tòa án Nhân dân Huyện Thới Lai lúc đó cũng đã tuyên phạt bổ sung là cấm hành nghề báo chí trong thời hạn ba năm đối với bốn thành viên Nhóm Báo Sạch. Tuy nhiên, Viện Kiểm sát Nhân dân đã kháng nghị phần án này vì theo Điều 331 không có hình phạt ‘bổ sung’.
Nhóm Báo Sạch được thành lập hồi năm 2019. Các nhà báo này trước đây đã từng làm việc cho cơ quan báo chí Nhà nước. Nhóm Báo Sạch chuyên đưa tin chống tham nhũng và sai phạm của quan chức Việt Nam.
Nhiều tổ chức bảo vệ nhân quyền và quyền tự do báo chí như Phóng viên Không biên giới (RSF), Sáng kiến Pháp lý Việt Nam và Human Rights Watch đã lên án hành vi đàn áp tự do báo chí của Chính phủ Việt Nam khi tuyên án tù đối với các nhà báo độc lập này.
RFA (01.12.2021)
Huỳnh Thục Vy bị bắt thi hành án tù về tội “xúc phạm Quốc kỳ”
Blogger Huỳnh Thục Vy.
Nhà hoạt động trẻ Huỳnh Thục Vy vừa bị cơ quan Thi hành án hình sự, Công an thị xã Buôn Hồ, tỉnh Đắc Lắk, bắt đi vào chiều 1/12 để thi hành án tù đã tuyên năm 2018 về tội “xúc phạm Quốc kỳ”.
Thông tin trên trang Facebook cá nhân của Huỳnh Thục Vy, gia đình cho biết “Huỳnh Thục Vy đã bị công an tỉnh Daklak bắt giữ lúc 4 giờ chiều ngày 1/12/2021” và vào thời điểm thông báo được đưa ra, “gia đình không liên lạc được với chị Thục Vy. Tài khoản FB do gia đình Thục Vy tiếp quản và điều hành”.
Thông tin với VOA vào tối 1/12, ông Lê Khánh Duy, chồng của Huỳnh Thục Vy, cho biết việc vợ ông bị bắt là sớm hơn dự kiến, khi con thứ hai của ông chưa đủ 3 tuổi, là thời gian bà Huỳnh Thục Vy được tạm hoãn thi hành án vì đang có thai và nuôi con nhỏ dưới 36 tháng tuổi.
Ông kể lại với VOA: “Bắt đầu từ tối hôm qua mình thấy có 3, 4 người an ninh canh trước nhà. Sau đó, vào sáng nay thì bên toà án được giấy tống đạt là huỷ giấy hoãn quyết định thi hành án. Chiều nay, Vy đi thăm bà ngoại lần cuối ở Buôn Mê. Đến 4 giờ thì họ áp tải từ trên đó về luôn, về tới trại giam Buôn Hồ là khoảng 5 giờ”.
Ông Duy cho biết ông đã được thăm và mang đồ cho vợ sau đó, và tinh thần của Huỳnh Thục Vy là “không có gì bất ngờ”.
Tuy nhiên, ông Duy bày tỏ lo ngại về chứng trầm cảm nhiều năm của vợ có thể sẽ gây ảnh hưởng cho sức khoẻ tâm thần của Huỳnh Thục Vy khi cô phải sống trong môi trường trại giam.
Ông nói: “Có một vấn đề là Vy hiện tại đang điều trị chứng trầm cảm, cho nên việc thay đổi môi trường và hoàn cảnh sinh hoạt thì mình nghĩ nó sẽ ảnh hưởng khá nhiều đến sức khoẻ tâm thần của Vy. Lúc chiều, Vy có đem thuốc trầm cảm theo nhưng họ không cho đem vô”.
Ông Duy cho biết ông đang lo xin toa bác sĩ để đem thuốc vô trại giam cho vợ. “Nhưng về lâu dài, mình ngại nhất là chuyện khi một người trầm cảm phải đối diện với những ‘tiểu xảo” từ những bạn tù làm theo chỉ thị thì đó là một thử thách đối với Vy. Vì đối với một người bình thường, vượt qua chuyện đó đã khó rồi, mà đối với một người trầm cảm thì đó là một vấn đề về lâu dài”, ông Duy nói thêm.
Trước đó, vào ngày 30/11/2018, Huỳnh Thục Vy bị TAND thị xã Buôn Hồ tuyên phạt mức án 2 năm 9 tháng tù về tội “xúc phạm Quốc kỳ”, sau khi cô dùng sơn xịt lên lá cờ đỏ sao vàng nhân dịp Kỷ niệm 72 năm Ngày Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh của Việt Nam vào ngày 2/9/2017.
Hành động xịt sơn và đăng hình chụp với 2 lá cờ Tổ quốc bị xịt sơn lên mạng xã hội Facebook với nội dung “Phản đối lễ lạc bằng cờ đỏ sơn trắng” của Huỳnh Thục Vy bị cáo trạng của Viện kiểm sát nhân dân thị xã Buôn Hồ cáo buộc là “coi thường pháp luật của Nhà nước”.
Huỳnh Thục Vy được tạm hoãn thi hành án vì đang có thai con thứ hai và nuôi con nhỏ dưới 36 tháng tuổi.
Thục Vy là người sáng lập của tổ chức Hội phụ nữ Nhân quyền Việt Nam với mục tiêu ủng hộ những nhà hoạt động nhân quyền là phụ nữ trên toàn quốc. Cô cũng là một blogger có tiếng khi thường xuyên lên tiếng viết về những tiêu cực xã hội và vi phạm nhân quyền ở Việt Nam.
Sau khi bị bắt giam ngày 1/12, cô tỏ ra bình tĩnh và nhắn nhủ chồng tập trung lo cho hai con nhỏ chỉ mới 5 tuổi và hơn 2 tuổi.
VOA (01.12.2021)
Giới ngoại giao Mỹ, Đức quan tâm đến lệnh cưỡng chế chùa Thiên Quang
Một ngôi tháp tại chùa Thiên Quang, huyện Xuyên Mộc, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu. Photo by Chua Thien Quang.
Chức sắc tôn giáo độc lập ở Việt Nam cho VOA biết rằng viên chức ngoại giao của Hoa Kỳ và Đức rất quan tâm đến việc các cơ sở tôn giáo ở chùa Thiên Quang tại tỉnh Bà Rịa -Vũng Tàu bị chính quyền yêu cầu tháo bỏ.
Các tu sĩ tại chùa Thiên Quang thuộc Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất (UBCVN) vừa nhận giấy quyết định của UBND huyện Xuyên Mộc ký vào ngày 5/11/2021 về yêu cầu tháo gỡ các công trình mà chùa đã xây dựng từ 2000 – 2018.
Tu sĩ Thích Trung Qúy tại chùa Thiên Quang nói với VOA:
“Họ đang có dự án làm kênh thủy lợi đi ngang qua chùa và họ yêu cầu cưỡng chế ngôi chùa. Mục đích là vì chùa này thuộc Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất, không theo họ; với lại sư phụ của chùa thuộc ban cố vấn, và đây là nơi cắm trại của Gia đình Phật tử Truyền thống cho nên bị sách nhiễu.”
Chùa Thiên Quang tọa lạc tại xã Hòa Bình, huyện Xuyên Mộc, tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu, là một cơ sở tôn giáo độc lập được hình thành từ năm 2000.
Tu sĩ Thích Đồng Long thuộc Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất, vừa có chuyến thăm đến chùa Thiên Quang và cho VOA biết:
“Đây là một vấn đề sách nhiễu của chính quyền địa phương đối với chùa Thiên Quang, bởi vì chùa Thiên Quang là một cơ sở không trực thuộc Giáo hội Phật giáo Việt Nam (VBS) do nhà nước quản lý.
“Việc cưỡng chế này không đúng. Bởi vì nếu chùa Thiên Quang xây dựng công trình trái phép thì ngay buổi ban đầu người ta đã ngăn chặn. Họ để sự việc diễn ra rất lâu rồi và họ cũng không động gì đến. Đến bây giờ họ thấy cần sách nhiễu, và tìm một lý do để cưỡng chế các công trình ở đó.
“Họ làm như vậy là để khủng bố tinh thần của chư tăng ở đây. Điều này cho thấy sự thiếu tự do tôn giáo ở Việt Nam.”
Tu sĩ Thích Đồng Long viết trên Facebook: “Hơn 20 năm qua, chùa Thiên Quang không ngừng mở rộng và phát triển theo chiều hướng tốt đúng với tinh thần Đạo Pháp- Dân Tộc- Nhân loại của truyền thống Phật Giáo Việt Nam”.
VOA đã liên lạc chính quyền huyện Xuyên Mộc, Sở Ngoại vụ, Ban Tôn giáo tỉnh để tìm hiểu về các phản ứng của đại diện chùa Thiên Quang, nhưng chưa được phản hồi.
Theo thông tin chùa Thiên Quang, Tổng Lãnh sự quán Đức tại Tp.HCM vào ngày 15/11/2021 đã gửi công hàm đến Sở Ngoại vụ tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu để tìm hiểu về quyết định “khôi phục lại hiện trạng ban đầu của khu đất” tại chùa. Ngoài ra, Tổng Lãnh sự quán Hoa Kỳ có cử đại diện đến thăm chùa và cũng có công hàm tương tự.
Tổng Lãnh sự Đức TS. Josefine Wallat thăm chùa Thiên Quang, tháng 11/2021. Photo Facebook Chua Thien Quang.
Tu sĩ Thích Trung Qúy cho biết thêm:
“Vừa rồi bà Tổng Lãnh sự Đức có gửi công hàm cho Sở Ngoại vụ tỉnh và một viên chức của Tổng Lãnh sự quán Hoa Kỳ cũng có đến thăm chùa, phỏng vấn, và gửi công hàm cho Sở Ngoại vụ.”
Công hàm của Tổng Lãnh sự quán Đức mà VOA xem được có đoạn viết: “Tổng Lãnh quán rất lấy làm tiếc nếu các công trình trong khuôn viên của chùa Thiên Quang phải bị phá bỏ.”
“Vừa rồi bà Tổng Lãnh sự – Tiến sĩ Josefine Wallat đã thích thân đến thăm chùa và tận mắt chứng kiến không khí sinh hoạt sống động của các tu sỹ và Phật tử tại đây. Tự do tôn giáo là một quyền quan trọng. Việt Nam cam kết tôn trọng quyền này” công hàm của Tổng Lãnh sự quán Đức viết.
Tu sĩ Thích Trung Qúy cho biết thêm:
“Chùa Thiên Quang cùng với chùa Phước Bửu, chùa Đạt Quang là ba ngôi chùa thuộc Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất, vì không theo nhà nước, nên luôn bị chính quyền sách nhiễu. Trong 20 năm qua, sư thầy trụ trì của chùa vì quyết đi theo con đường của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất mà bị sách nhiễu và đe dọa.
“Trước đây, công trình Đại lục hòa và hồ thủy tạ của chùa cũng bị đe dọa cưỡng chế, nhưng được sự can thiệp của các lãnh sự quán và các báo đài nên cho đến nay vẫn ổn.”
Vào tháng 6/2020, trong báo cáo về tự do tôn giáo ở Việt Nam năm 2019, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ viết: “Chính quyền cấp tỉnh và địa phương tiếp tục các dự án phát triển kinh tế – xã hội mà đòi hỏi phải thu hồi quyền sử dụng đất và phá dỡ tài sản của các tổ chức tôn giáo hoặc các cá nhân trên cả nước”, và “trong hầu hết các trường hợp, các tổ chức tôn giáo hoặc tín đồ không thành công trong việc giữ lại quyền sử dụng đất của họ.”
Báo cáo nêu: “Vào tháng 8, theo báo cáo, công an địa phương và công an tỉnh đã cắt ngang một nghi lễ Phật giáo ở chùa Đạt Quang, nơi các nhà sư chùa Phước Bửu và khoảng 30 người cầu nguyện đang kỷ niệm đại lễ Vu Lan. Nhà chức trách nói rằng Thích Không Tánh, người đang chủ trì buổi lễ, không được phép tiến hành các hoạt động tôn giáo ở chùa Đạt Quang bởi vì ông ta không phải là nhà sư ở địa phương.”
Báo cáo của Bộ Ngoại giao Mỹ dẫn thông tin một tổ chức nhân quyền có trụ sở ở Hoa Kỳ, cho biết rằng chính quyền tiếp tục sách nhiễu các cộng đồng Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất với nỗ lực tịch thu các đền chùa, cơ sở của họ và buộc Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất tham gia Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã được chính quyền công nhận.
Bộ Ngoại giao Việt Nam sau đó nhận định rằng Báo cáo Tự do Tôn giáo Quốc tế năm 2019 của Hoa Kỳ “dựa trên những thông tin không chính xác”, “chưa được xác minh” và nêu “nhận định thiếu khách quan về Việt Nam.”
VOA (01.12.2021)
Nhân quyền qua lăng kính độc đảng toàn trị
Thủ tướng Việt Nam cam kết cải thiện nhân quyền để thu hút các nhà đầu tư
Trong một sự kiện được tổ chức vào ngày cuối cùng trong chuyến công du Nhật Bản của Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính sau khi cuộc gặp với Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida, ông Chính cho biết Việt Nam sẽ “tích cực tăng cường hội nhập quốc tế sâu và rộng”.
“Tôi muốn” không hẳn cũng là điều mà “Đảng muốn”
Trước vấn đề nhân quyền và các vấn đề xã hội ngày càng được coi là quan trọng đối với các công ty toàn cầu đang muốn xây dựng chuỗi cung ứng, khi mà nhiều hãng sản xuất quần áo đã ngừng tìm nguồn cung cấp bông từ khu vực Tân Cương của Trung Quốc do bị cáo buộc vi phạm nhân quyền – theo cam kết mang tính cá nhân bằng dùng đại từ “tôi” của Thủ tướng Phạm Minh Chính: “Tôi muốn tăng cường triệt để cải cách hành chính và diệt trừ tham nhũng để mang lại lợi ích cho các nhà đầu tư”.
Vậy thì “nhân quyền” nếu nhìn qua lăng kính một quốc gia đơn nguyên chính trị, liệu có phải là đối lập với “độc tài toàn trị”, khi không có động lực cạnh tranh từ các đảng phái, mà chủ yếu chỉ là cạnh tranh giữa những đảng viên của quyền lực nhóm cùng chung màu cờ đỏ búa liềm cộng sản?
Bàn luận vấn đề “nhân quyền” ở Việt Nam, cho đến lúc này vẫn thuộc phạm trù “nhạy cảm chính trị”, dễ bị chụp mũ chống phá Đảng và Nhà nước.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cùng phu nhân vừa có chuyến công du ở Thụy Sỹ, chắc hẳn ông đã đối mặt với cách hiểu đầy khác biệt về nhân quyền của Châu Âu với Hà Nội.
Theo nội dung Báo cáo của EEAS phát hành hồi tháng 6-2021, tổng kết tình hình nhân dân, dân chủ trên thế giới năm 2020, cơ quan Đối ngoại EU (EEAS) nói năm 2020 các blogger, nhà báo tiếp tục bị bắt ở Việt Nam, và tự do báo chí còn kém, tuy thế EU vẫn tiếp tục hỗ trợ cho nước này phát triển xã hội dân sự và quốc gia 97 triệu dân ở Đông Nam Á vẫn chỉ xếp hạng 175/180 về tự do báo chí.
Từ lâu nay, giới quan sát và đấu tranh cho dân chủ, nhân quyền tại Việt Nam cho rằng cơ chế một đảng cộng sản nắm trọn bộ máy công an cảnh sát, tư pháp, truyền thông, và sự thiếu vắng của nguyên tắc tam quyền phân lập là cản trở cơ bản cho việc cải thiện nhân quyền ở Việt Nam.
Và trong bối cảnh đó nên dù chính phủ có nhiều luật và nghị định, nhưng các văn bản này thường trao nhiều quyền cho hành pháp, cụ thể là Bộ Công an và chính quyền địa phương tự quyết định, thiếu cơ chế kiểm tra chéo trong việc bắt giữ.
Phẩm giá của người phản biện độc lập là tùy thuộc vào người đứng đầu Đảng
Theo một bài viết nhấn mạnh về quan điểm của Bộ Ngoại giao Đức trên trang “Các cơ quan đại diện cộng hòa liên bang Đức tại Việt Nam”, ghi như sau:
“Các nỗ lực của chúng tôi dựa trên sự nhất trí là các quyền con người là các quyền chung cho tất cả mọi người, là không thể tước đoạt và bất khả xâm phạm. Chúng tôi có luật cơ bản là thước đo tiêu chuẩn: Phẩm giá của con người là bất khả xâm phạm.
Các quyền con người trong các hoạt động kinh tế và xã hội cũng được chúng tôi quan tâm như các quyền về chính trị và quyền của công dân. Chỉ những ai không phải lo sợ trước cái đói, cái khát và bệnh tật mới thực sự có thể sống một cách tự do và gánh vác các trọng trách.
Do đó chúng tôi luôn đặt ra các câu hỏi trong việc triển khai các sáng kiến hỗ trợ các quyền cơ bản của con người như quyền được tiếp cận với các nguồn nước sạch và các hệ thống vệ sinh, chống lại nạn buôn người và đảm bảo quyền được sống, định cư một cách phù hợp. Trong ủy ban an ninh, chúng tôi cũng đặc biệt quan tâm tới các quyền của trẻ em trong các khu vực xung đột vũ trang. Chúng tôi sẽ vẫn tiếp tục các nỗ lực bền bỉ của mình trong Hội đồng nhân quyền cho việc bảo vệ quyền trẻ em trên toàn thế giới”.
Như vậy, chỉ với nội dung “Phẩm giá của con người là bất khả xâm phạm”, cho thấy ở thể chế chính trị Việt Nam hiện tại là một nan đề, khi mà cứ mỗi lần nhà nước Việt Nam bắt giam và truy tố một nhà hoạt động, một nhân sĩ theo Điều 117 hay trước đó Điều 88 của Bộ Luật Hình sự Việt Nam, thì thế giới và chính phủ Việt Nam lại tung ra những tố cáo lẫn nhau.
Gần đây nhất là vụ Phạm Đoan Trang, Nguyễn Năng Tĩnh, hay Nguyễn Đình Quý – phía quốc tế lần nữa lên tiếng chỉ trích, lên án; phía Việt Nam thì phản đối và phủ nhận các cáo buộc vi phạm nhân quyền.
Phía Ân Xá Quốc tế hay Tổ chức Phóng Viên Không Biên Giới thì cho đó là vi phạm nhân quyền vì chính quyền “đàn áp những người bất đồng chính kiến”.
Phía chính phủ Việt Nam thì đáp trả rằng họ chỉ “truy tố những kẻ vi phạm pháp luật” và cho rằng những lời chỉ trích từ các tổ chức nhân quyền là “ngang ngược”, “vô căn cứ” và “can thiệp thô bạo vào chuyện nội bộ” của một quốc gia có chủ quyền.
Hiền Lương
VNTB (30.11.2021)
Trại giam Xuân Lộc: Tù chính trị biểu tình tập thể vì bị nhốt trong buồng giam 24/7
Tù nhân lương tâm Nguyễn Ngọc Ánh trước tòa AFP/ RFA edited
Một nhóm tù nhân chính trị tại trại giam Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai đang tổ chức biểu tình nhằm phản đối việc bị nhốt trong buồng giam cả ngày lẫn đêm mà không được ra sân trại để tập thể dục hay hít khí trời.
Hôm 29 tháng 11, bà Nguyễn Thị Châu, vợ của tù nhân chính trị Nguyễn Ngọc Ánh, một trong số các tù nhân đang tổ chức biểu tình phản đối trong trại giam, cho RFA biết về tình hình của chồng bà và các tù nhân chính trị khác:
“Tháng trước vào mùng sáu, hay bảy gì đó thì anh đã báo là trong trại tám anh em phản đối trại không cho ra phơi nắng, rồi xong tám anh em mới cùng nhau không nhận cơm của trại. Thế là, tháng này thì chờ hoài không thấy điện thoại, cứ nghĩ là anh em chắc có chuyện gì xảy ra rồi, thế là Châu mới lên mạng kêu gào, thì là ngày 26 tháng này mới bắt đầu cho gọi về. Thì anh em vẫn tiếp tục là không nhận cơm của trại, chỉ ăn uống lặt vặt rồi uống nước qua ngày thôi.”
Theo bà Châu thì chồng bà cùng với bảy tù nhân chính trị khác biểu tình theo hình thức không nhận cơm từ trại giam được gần 60 ngày, đồng thời sẽ tiếp tục không nhận cơm cho đến khi nào các yêu cầu được đáp ứng. Những người này bao gồm các ông: Huỳnh Đức Thanh Bình, Nguyễn Văn Đức Độ…
Trong cuộc gọi về nhà, kĩ sư thuỷ sản Nguyễn Ngọc Ánh cho biết, gần nửa năm nay toàn bộ tù nhân chính trị đang bị giam ở trại Xuân Lộc đã bị nhốt trong buồng giam cả ngày lẫn đêm mà không được ra ngoài kể từ hồi tháng 6.
Và mặc dù các phạm nhân đã được tiêm vắc-xin, cũng như không có ca lây nhiễm COVID-19 nào trong trại giam, nhưng suốt mấy tháng qua các tù nhân vẫn bị giam hãm trong phòng.
Vợ của tù nhân chính trị này cũng cho biết việc tiếp tế lương thực, thuốc men và quần áo cho người thân trong tù cũng đã bị gián đoạn suốt mấy tháng qua.
Khi được hỏi liệu chồng bà có biết việc không cho các phạm nhân ra khỏi buồng giam là được áp dụng đại trà với toàn bộ tù nhân ở trại Xuân Lộc, hay chỉ với tù chính trị, bà Châu nói:
“Cái khu tù nhân chính trị này nằm riêng biệt ở đằng sau, qua hai, ba lớp cổng lận, vì khu đó riêng biệt ở đằng sau cho nên nếu tù nhân hình sự ra (ngoài) thì các anh cũng không thấy được.”
Về tác hại của việc bị nhốt trong buồng giam trong thời gian dài mà không được ra ngoài, cựu tù nhân chính trị Nguyễn Tiến Trung, cho RFA biết về trải nghiệm của ông qua tin nhắn:
“Việc bị nhốt trong phòng quá lâu chắc chắn sẽ ảnh hưởng tới thể chất và tâm lý. Về mặt thể chất, việc không được tiếp xúc với ánh nắng trong thời gian dài sẽ ảnh hưởng tới thị lực vì thiếu vitamin. Tâm lý của người tù cũng bị ảnh hưởng, như là bị hoang mang, khủng hoảng. Tâm lý và thể chất liên quan đến nhau, như vòng luẩn quẩn, cái này tác động đến cái kia, để càng lâu càng trở nên nghiêm trọng.“
Theo ông Trung thì ở trong tù, mục đích thường thấy của phía trại giam khi tạo ra áp lực vê mặt tâm lý và thể chất lên người tù, là nhằm ép họ nhận tội dù vừa mới bị kết án hoặc đang thụ án trong nhiều năm.
Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2015 quy định phạm nhân có quyền hoạt động thể dục, thể thao, sinh hoạt tôn giáo, văn hoá, văn nghệ và tiếp cận thông tin qua sách, báo, và truyền hình.
Phóng viên của Đài Á châu Tự do đã gọi vào số liên hệ của Trại giam Xuân Lộc để xác minh thông tin nhưng không nhận được phản hồi.
Mặc dù hồ sơ nhân quyền của Việt Nam thường nằm trong danh sách đen của các tổ chức quốc tế, tuy nhiên chính quyền thường phủ nhận nước này có tù nhân lương tâm hay tù nhân chính trị, và khẳng định chỉ có những cá nhân vi phạm pháp luật được xét xử một cách công bằng.
RFA (29.11.2021)
Nhân Quyền Cho Việt Nam – Tâm Thư
TÂM THƯ
Kính Gửi:
– Quý vị lãnh đạo Tinh thần các Tôn giáo.
– Quý Đồng hương Việt Nam.
– Quý Hội Đoàn, Đoàn Thể.
– Quý Cơ quan Truyền Thông Báo Chí.
Kính thưa Quý vị,
Nhân kỷ niệm năm thứ 73 năm ngày Liên Hiệp Quốc công bố bản Tuyên Ngôn Quốc tế Nhân quyền 10-12-1948, tuyên dương lý tưởng nhân bản cao đẹp của nhân loại mà tất cả các dân tộc, tất cả các quốc gia phải thực hiện như sau: “ Mọi người sinh ra đều được tự do và bình đẳng về nhân phẩm và quyền sống làm người, quyền tự do căn bản như tự do ngôn luận, tự do tín ngưỡng… để mọi người không còn nghèo khó và sợ hãi bạo quyền, nhân quyền phải được tuyên xưng như là ước vọng cao nhất của con người”. Theo đề nghị của Hội Ái Hữu Tù Nhân Chính Trị và Tôn Giáo Việt Nam chọn “Ngày Quốc Tế Nhân Quyền” là “Ngày Tù nhân Lương tâm Việt Nam” đã được sự ủng hộ nhiệt tình của 109 Hội đoàn, Đoàn thể trong nước và Hải ngoại cho nên ngày 10-12-2012 Quốc Hội Tiểu Bang California đã vinh danh “NGÀY TÙ NHÂN LƯƠNG TÂM VIỆT NAM” đúng vào ngày “Quốc Tế Nhân Quyền” 10-12 hàng năm để chúng ta cùng nhau vận động cho tiến trình Dân chủ hóa Việt Nam.
Năm nay, Hội Ái Hữu Tù Nhân Chính Trị và Tôn Giáo Việt Nam phối hợp với Hội Đồng Liên Kết Quốc Nội Hải Ngoại Việt Nam, Tập Thể Chiến sĩ Việt Nam Cộng Hòa Hải Ngoại, Khối 8406 cùng tổ chức Ngày Quốc Tế Nhân Quyền 10-12-2021 sẽ công bố “Bạch Thư” Nhân Quyền Việt Nam 2021 và Vinh danh DÂN QUYỀN 2021 cùng một số “Cây Mùa Xuân Dân Chủ” gửi về cho thân nhân một số tù nhân chính trị và đồng bào dân oan đi thăm người thân trong dịp Tết Nguyên Đán sắp tới để ấm lòng các chiến sĩ nơi lao tù khổ ải trầm luân.
Hội Ái Hữu Tù Nhân Chính Trị và Tôn Giáo Việt Nam, các Hội Đoàn Đoàn thể phối hợp sẽ phát động Phong Trào lấy tên là “Tuần Lễ Nhân Quyền Cho Việt Nam” tại Paris Pháp Quốc. Nhân dịp này, sẽ Vinh danh Dân Quyền 2021 và công bố một Bạch Thư về Nhân Quyền Việt Nam năm 2021 gửi văn Phòng Nghi Viện Châu Âu ở Bruxelle. Đồng thời BS Võ Đình Hữu sẽ đại diện Hội Đồng Liên Kết Quốc nội Hải Ngoại gặp và trao Bạch Thư Nhân Quyền Việt Nam 2021 đến Cao Ủy Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc ở Newyork Hoa Kỳ.
Trân trọng kính mời Quý vị vui lòng bớt chút thì giờ quý báu tới tham dự “Lễ Kỷ Niệm 73 năm Ngày Quốc Tế Nhân Quyền, Công bố “Bạch Thư” Nhân Quyền Việt Nam 2021 và Giải Dân Quyền Việt Nam 2021” được tổ chức vào lúc 3 giờ trưa ngày Chủ Nhật 5-12-2021 tại Paris. Ngày 10-12-2021, phái đoàn sẽ sang Brusselle tham dự “Ngày Nhân Quyền Quốc Tế” rồi trở về Paris biểu tình cùng với đồng hương Paris.
Việc vinh danh Dân Quyền 2021 các chiến sĩ Dân chủ thể hiện lòng biết ơn những sự hy sinh gian khổ của của các nhà đấu tranh trong nước, tuy giá trị vật chất chia xẻ với gia đình tù nhân không bao nhiêu nhưng cũng đủ ấm lòng các chiến sĩ Dân chủ, Đồng bào nơi địa ngục trần gian. Sự hiện diện của quý vị, quý đồng bào chứng tỏ tấm lòng của những người Việt lưu vong luôn nhớ tới quê hương, nhớ tới 90 triệu đồng bào Việt Nam đang chịu cảnh khốn khổ đọa đày dưới ách thống trị của tập đoàn Việt gian Bất nhân Hại dân Bán nước.
Toàn thể Đồng bào Việt Nam ở Hải ngoại đoàn kết một lòng, Quyết tâm Yểm trợ Quốc nội “Diệt kẻ Nội Thù – Chống Đế quân Tầu Cộng xâm lược”.
TM Ban Tổ chức
Nhà Biên Khảo Phạm Trần Anh
CT Hội Đồng Điều Hành Hội Ái Hữu Tù Nhân Chính Trị và Tôn Giáo Việt Nam.
Đồng CT kiêm TTK Hội Đồng Liên Kết Quốc Nội Hải Ngoại Việt Nam.
BS Phạm Đức Vượng
CT Hội Đồng Chấp Hành Tập Thể Chiến sĩ Việt Nam Cộng Hòa Hải Ngoại.
Đồng CT Hội Đồng Liên Kết Quốc Nội Hải Ngoại Việt Nam
Nhạc Sĩ Đình Đại: Trà Đàm Paris
Ô Vũ Hoàng Hải Đại diện Khối 8406. TTK Hội Ái Hữu Tù Nhân Chính Trị và Tôn Giáo Việt Nam.
Bạch Liên Chapelle: Chi Hội Ái Hữu Tù Nhân Chính Trị và Tôn Giáo Việt Nam Pháp Quốc.
Chúng tôi tha thiết kính mong Quý Lãnh đạo Tinh thần các Tôn Giáo, Quý Hội Đoàn, Đoàn thể, Tổ Chức, Cộng Đồng Người Việt Quốc Gia trong cũng như ngoài nước Ủng hộ, ký tên vào Bạch Thư Nhân Quyền 2021. Xin gửi email về phamtrananh2015@gmail.com