Seite auswählen
Nguyễn Thông

5-12-2021

Phần 1

Hôm nay 24.11, nhà cai trị xứ này tổ chức hội nghị văn hóa toàn quốc. Sau 73 năm kể từ hội nghị lần thứ 2 (năm 1948) giờ mới chú ý tới văn hóa, kể ra khí lâu, hèn gì văn hóa xuống cấp thảm hại.

Văn hóa là khái niệm rất rộng, chứ không phải chỉ là hát hò, thơ phú, phim ảnh, kịch cọt, nhảy nhót… Nhưng nó rất hẹp bởi chỉ gắn với con người. Chưa ai nói văn hóa của lợn, của cừu bao giờ cả. Người chỉ khác con lợn ở chỗ có văn hóa. Còn người mà không có văn hóa thì chưa bằng con lợn.

Bàn về văn hóa, có ngồi với nhau cả tháng cũng chả nói được một góc, nên để khi khác, tranh cãi sau.
Tôi chỉ nhắc, muốn dân tộc, đất nước, nhân dân, cộng đồng có văn hóa thì mấy ông bà lãnh đạo cầm quyền phải gương mẫu thực hiện trước nhất. Đâu có cái thói miệng nói một đằng, thân làm một nẻo. Đó chỉ là phản văn hóa, thì còn làm gương văn hóa được cho ai.

Khuyên con người đừng tham quyền cố vị nhưng mình bám giữ chức tước bổng lộc quyền hành cho bằng được. Khuyên mọi người tiết kiệm giản dị nhưng mình tinh chơi nhà cao cửa rộng xe sang ăn ngon mặc đẹp. Đứa đệ tử chơi ngông ăn thịt bò dát vàng làm xấu thể diện quốc gia trước thiên hạ mà cũng không dám mắng nó một lời. Khuyên thiên hạ tôn trọng luật pháp nhưng bản thân mình xé luật pháp hơn xé giấy vụn. Khuyên mọi người đừng phá rừng nhưng mình trồng biểu diễn tinh cây cổ thụ, mọi người góp ý mãi vẫn không sửa, cứ bỏ ngoài tai. Khuyên cán bộ đảng viên chú trọng thực chất nhưng mình thì quấn đầy người lời xưng tụng, băng rôn, khẩu hiệu, cờ quạt…

Nói túm lại, đừng nghe các ông bà ấy nói, cứ hé mắt (hé thôi, đừng mở to, có thể sốc, nguy hiểm tới tính mạng) coi các ông bà ấy làm, có văn hóa hay không là biết ngay.

***

Phần 2

Đang lúc “toàn đảng toàn dân phấn khởi thực hiện đường lối văn hóa mới” do tổng bí thư cầm giấy đọc/trình bày tại hội nghị văn hóa toàn quốc thì xảy ra chuyện. Như dội gáo nước lạnh. Ông Trần Ngọc Thêm giáo sư tiến sĩ, thành viên hội đồng lý luận trung ương công khai lập ngôn, bảo rằng đã đến lúc cần bỏ ngay câu khẩu hiệu “Tiên học lễ, hậu học văn”, khiến xã hội nhao nhác, cãi nhau như mổ bò. Lễ hay văn là một chuyện, điều quan trọng ở chỗ nó đụng đến văn hóa.

Nếu một đứa thường dân, loại trẻ trâu, du côn du kề, kẻ lê la đầu đường xó chợ, người đầu tắt mặt tối chỉ chúi đầu vào việc kiếm miếng ăn, v.v.. mà đòi bỏ lễ, bỏ cái dòng chữ khẩu hiệu trứ danh kia, thì dễ thông cảm. Đằng này từ mồm ông có học, ông hội đồng lý luận, nên thiên hạ không thể coi là lời nói gió bay.

Trong cuộc tranh cãi, sư nói sư phải vãi nói vãi hay, ông Thêm có phân trần rằng mọi người chưa hiểu hết ý tôi, chưa nghe hết điều tôi nói đã lao vào ném đá. Vâng, có thể xảy ra trường hợp như vậy. Nhưng thưa giáo sư, cũng chính ông đã nhấn mạnh chữ lễ đã kìm hãm sự phát triển, sáng tạo của con người, của người đi học, “nó xuất phát từ Nho giáo, bảo vệ chế độ phong kiến, mà chế độ này chỉ cần người dân biết lễ nghĩa, biết trên dưới là đủ chứ không cần một xã hội phát triển, dân chủ và sáng tạo” (trả lời phỏng vấn của báo VTCNews ngày 27.11). Ông nhầm to. Trình độ giáo sư mà chỉ hiểu đến thế thì bị ném đá là phải.

Thưa giáo sư Bớt, ông chỉ hiểu lễ trong phạm vi cạn hẹp nên đã nông cạn coi nó là nguyên nhân tạo ra thứ con người chỉ biết phục tùng, cung kính, cúi đầu, ngoan ngoãn, chấp nhận trật tự trên dưới cao thấp định sẵn. Lễ, theo cách hiểu của ông, chả khác gì sợi dây vô hình trói buộc, thít chặt con người vào tín điều cổ hủ. Lễ ấy đặc sệt lề thói phong kiến, không phù hợp nữa, cần phải tháo cởi, dứt bỏ, phá đi, ý ông là vậy.

Cách hiểu của ông Bớt không có gì mới. Đó là cách hiểu chung, phổ biến của người cộng sản. Họ nhân danh cách mạng, gánh vác nhiệm vụ vĩ đại đổi thay, khi họ cướp được quyền lãnh đạo, đã nhắm mắt nhắm mũi phá bỏ, triệt tiêu biết bao nhiêu thứ tốt đẹp giá trị mà họ quy là phong kiến thực dân cổ hủ, lạc hậu, đồi bại. Họ đã tàn phá một nền văn hóa tinh hoa tới tận gốc rễ, để xây dựng một nền văn hóa xã hội chủ nghĩa như chúng ta đang chứng kiến.

Khi Nho giáo xâm nhập vào nước ta, nội dung ban đầu của lễ có thể như ông Thêm Bớt nói. Nhưng ông và các đồng chí của ông cần hiểu rằng bộ lọc của dân tộc đã gạn đục khơi trong, giữ những phần tốt đẹp, bồi bổ tạo dựng nên những giá trị mới từ món “hàng” nhập.

Lễ cũng như nhiều thứ khác đều qua cuộc thanh lọc ấy, nói theo cách của mấy ông bây giờ là “áp dụng sáng tạo vào hoàn cảnh Việt Nam”, đã đổi mới về chất. Trải qua hàng trăm năm, cả nghìn năm, lễ không bị gói gọn vào lễ nữa mà đã thành đạo đức, văn hóa, giá trị không thể thiếu để làm người, phần không thể thiếu của xã hội tốt đẹp. Đó là chân giá trị, sâu rễ bền gốc, nền tảng. Không có nó, nhiều thứ sẽ sụp đổ, kể cả chế độ. Vậy mà đòi bỏ. Chỉ có khùng điên mới làm vậy, đề xuất vậy.

Phần 3

8-12-2021

 


Ảnh trên mạng

 

Không ít người bênh giáo sư Thêm đã về hùa với ông ta, nói rằng bỏ lễ là đúng. Họ cũng như ông Thêm, đánh đồng lễ với nho giáo, với phong kiến, với sự kìm hãm bằng tôn ti trật tự để trói buộc con người. Họ không cần biết người Việt cả nghìn đời nay đã biến lễ vốn từ sự tuân phục, cung kính giáo điều, chấp nhận sự ngoan ngoãn tẻ nhạt, thành đạo đức, văn hóa, lối sống, thái độ sống, hành vi sống tốt đẹp. Có thể nói không ngoa rằng, người Việt hiện nay còn được người nước khác yêu mến, nể trọng, thì phần rất quan trọng là nhờ thứ “lễ-đạo đức-văn hóa” ấy, chứ không phải do giỏi đánh nhau.

Lại kể chuyện hồi tôi qua Thái Lan, mọi người trong đoàn khách Việt sau cuộc chiêm quan đã có những nhận xét khác biệt về đất Thái, nhưng đều nhất trí với nhau rằng người Thái Lan rất đáng yêu dễ mến. Họ luôn đối xử với nhau và với khách nước ngoài bằng sự nhẹ nhàng, mềm mỏng, ân cần, dịu dàng, gần như chẳng thấy cau có, mặt nặng mày nhẹ, lớn tiếng, cục súc, chửi bới bao giờ. Không có bún quát cháo chửi, không hề thấy vênh mặt lườm nguýt du khách… Thái Lan không bị ảnh hưởng nho giáo nặng đậm như Việt Nam nhưng họ có thứ lễ riêng trong mọi mối quan hệ xã hội rất đáng tự hào. Đó chính là thứ tạo nên bản sắc đẹp đẽ cao quý của người Thái, chứ không phải như ai đó là vênh váo về chuyện giỏi đánh nhau, “tự hào đánh thắng ba đế quốc to” này nọ.

Điều rất dễ thấy, ở xứ ta, những tộc họ, gia đình chú trọng đến lễ, nền nếp, lễ giáo để giáo dục con cái luôn được cộng đồng, xã hội kính trọng, bản thân tộc họ, gia đình ấy cũng rất thành đạt, hạnh phúc. Những gia đình vô lễ, có thể vẫn có con cháu giỏi giang thành đạt, giàu có, nhưng nhận được sự kính trọng của xã hội thì dứt khoát không xảy ra. Ở đâu cũng vậy, chứ không phải riêng xứ này. Lễ là thứ mang đặc trưng người nhất trong ngũ thường “nhân nghĩa lễ trí tín”.

Chắc nhiều người đã đọc và ưa thích cuốn truyện nổi tiếng của nhà văn Ý Edmondo De Amicis. Cụ Hoàng Thiếu Sơn dịch là “Những tấm lòng cao cả”, cụ Hà Mai Anh chuyển ngữ thành “Tâm hồn cao thượng”. Để dạy con có tư cách, lớn lên thành người tử tế, trộm nghĩ tủ sách trong mỗi gia đình chỉ cần cuốn này cũng đủ. Sách kể về những tấm lòng, tâm hồn, tình cảm, thái độ, cách đối nhân xử thế của con người, dù là ai chăng nữa, vị bá tước, thầy hiệu trưởng, thầy cô giáo, các phụ huynh, người bán than, những đứa trẻ nghèo… đều toát lên vẻ đẹp của cái mà chúng ta gọi là lễ. Nước Ý từ cổ xưa tới giờ không bị nho giáo thâm nhập, không chịu ảnh hưởng của tư tưởng học thuyết phong kiến phương đông nhưng rõ ràng “lễ” đã thấm sâu vào con người, tạo nên thứ đạo đức, giá trị con người tuyệt vời.

Năm 1977 tôi vào miền Nam nhận việc, bắt đầu cuộc mưu sinh của mình. Điều may mắn là được ném vào đời trong một hoàn cảnh, môi trường, đối tượng tiếp xúc hoàn toàn mới, khác rất nhiều so với cuộc sống, xã hội mà chính mình đã trải qua, chứng kiến. Không mất nhiều thời gian, đám “bên thắng cuộc” chúng tôi nhận ra một sự thật kinh hoàng (tôi dùng chữ kinh hoàng, bởi khi ấy chúng tôi vẫn ngấm ngầm coi mình thuộc phe thắng): người trong này (miền Nam) lễ hơn nhiều so với ngoài mình, dù ở gia đình, nhà trường, nơi làm việc, cộng đồng xã hội. Không thể bảo có được vậy nhờ nho giáo, bởi nho trong Nam nhạt hơn nhiều, trong khi nho xứ Bắc cực đậm. Ngẫm, thứ giá trị tốt đẹp của con người mà chúng tôi giác ngộ được rõ ràng do chế độ, do nền giáo dục nhân bản. Rất tiếc, nền giáo dục ấy đã bị xóa gần sạch và thay thế bằng thứ mà chúng ta đang chứng kiến hôm nay.

Cuộc “Bắc hóa” mà người cộng sản áp đặt ở miền Nam về tư tưởng, lối sống, cách giáo hóa con người đã làm biến mất rất nhiều giá trị tốt đẹp của miền Nam. Đó là sự thực.

 

11-12-2021

 Phần 4 

Chốt lại những ý ở các phần bài trước, rằng không phải cứ cái gì của phong kiến cũng là xấu, là phải bỏ và thay bằng cái mới. Có những giá trị đã được thử thách, chịu cuộc dâu bể và tồn tại mãi tới ngày nay. Lễ chính là thứ giá trị ấy, thành thứ chuẩn mực đạo đức, lối sống, văn hóa, đã là con người thì phải có nó, không thể bỏ được.

Tuy nhiên, gìn giữ ngàn đời nhưng có thể phá trong phút chốc. Thể chế nhân danh cách mạng đã hủy hoại biết bao nhiêu điều tốt đẹp mà cha ông từng gìn giữ bảo vệ, cả về vật chất lẫn tinh thần. Trong đó có lễ. Không ai phá lễ, hủy lễ “giỏi” bằng bộ máy cai trị. Trên ngồi chẳng chính ngôi, nên bề tôi, kẻ dưới mới lăng loàn. Trên thì hống hách, cao ngạo, khinh rẻ người như rơm rác, dưới thì hèn hạ, rạp mình, mất tư cách, không ra thể thống gì. Chả bao giờ như thời nay, nên chính những kẻ vô lễ ấy đã đúc rút ra thứ lễ “tiến lên ta quyết tiến lên/tiến lên ta gọi cấp trên bằng thằng”. Quan lớn quan nhỏ đều mất lễ, bảo sao dân chúng không coi khinh xem thường. Vụ cái vòng hoa viếng nạn nhân tử vong do Covid-19 là biểu hiện “vô lễ” thiếu văn hóa rõ nhất.

Việc giáo sư thành viên Hội đồng lý luận trung ương Trần Ngọc Thêm đòi bớt khẩu hiệu “Tiên học lễ, hậu học văn”, xét về cơ bản là đòi bỏ lễ, nhưng nếu gạn đục khơi trong thì cũng có phần chấp nhận được. Cái “được” nằm ở vấn đề ông Thêm đòi bỏ khẩu hiệu. Ít nhiều ông Thêm đã dám thách thức thứ trật tự an bài, đã bày tỏ thái độ phản kháng đối với sự áp đặt vốn được coi là không thể thay đổi của nhà cai trị.

Mở rộng hơn, không chỉ bỏ bệnh thích khẩu hiệu trong giáo dục-nhà trường, mà cần bỏ ngay, bỏ triệt để bệnh sính khẩu hiệu đã thành mạn tính trong cuộc sống này đã hơn 2/3 thế kỷ. Một căn bệnh hình thức, màu mè, rởm đời, ngứa mắt, không thực chất. Nó chả khác gì thứ u nhọt trên cơ thể đời sống xã hội. Bệnh nặng tới mức có lúc nó còn được tôn vinh thành sách lược, đường lối. Tôi nhớ thời những năm 60 – 70 ở miền Bắc, đám học trò chúng tôi khi học môn lịch sử, trong những bài về thắng lợi này nọ, ở phần nguyên nhân, ngoài những sự lãnh đạo sáng suốt của đảng, đường lối đúng đắn, lòng yêu nước của quân và dân, sự giúp đỡ của bạn bè quốc tế, v.v.., còn có gạch đầu dòng nhấn mạnh việc có khẩu hiệu chính xác, kịp thời. Trên thế gian này, không ai mê cuồng khẩu hiệu bằng người cộng sản.

Tôi có người bạn, bậc đàn anh, anh Nguyễn Thế Khải, người từng đi khắp 5 châu 4 biển, không nơi nào không đặt chân tới. Anh là chủ Công ty Du lịch Hoàn Mỹ nên đi nhiều. Sinh thời, anh (mới mất năm ngoái) có kể với tôi, phàn nàn rằng không có xứ nào mê muội khẩu hiệu rởm đời như xứ ta. Ở đất người ta, căng mắt ra tìm, bói cũng không ra khẩu hiệu. Mỹ, Canada, Úc, hoặc châu Âu đã đành, ngay cả châu Phi cũng cực hiếm khẩu hiệu. Khẩu hiệu đỏ chói lại càng hiếm. Nhưng họ vẫn phát triển, vẫn yên bình. Về tới mình, vừa xuống máy bay là nhức mắt, chịu không nổi. Vừa rởm, màu mè làm xấu cảnh quan, vừa tốn kém không biết bao nhiêu mà kể. Nhiều con đường, khẩu hiệu và cờ quạt đỏ lòe trông như những cục tiết.

Hồi nhỏ tôi đi học, tuy chưa nhiều khẩu hiệu như bây giờ, nhưng trường lớp bị khẩu hiệu chiếm dụng cũng đã ghê. Người ta cứ thay hết câu này tới câu khác, thậm chí cùng lúc bày ra đủ thứ. Hình như họ nghĩ không có khẩu hiệu thì không giáo dục được, không dạy được học trò nên người. Nào là “Học, học nữa, học mãi” (lời dạy này của ông Sáu Lin phòng học nào cũng có, ngự ngay phía trên bảng đen), rồi “Thi đua dạy tốt học tốt”, rồi “Vì lợi ích 10 năm trồng cây…”, rồi “5 điều Bác Hồ dạy”… Chẳng nhẽ người ta nghĩ rằng chỉ cần khẩu hiệu là có thể đảm bảo được chất lượng của nền giáo dục. Bao nhiêu năm cứ thế trôi đi, tới khi giật mình nhận ra sự thực trường không ra trường, lớp chẳng ra lớp, thầy không ra thầy, trò chả ra trò, nát bét cả, mới vội vàng thay đổi, treo “Tiên học lễ, hậu học văn”. Và giờ lại đòi bỏ. Cứ quẩn quanh đèn cù không ra thể thống gì.

Phải triệt để thay đổi nền giáo dục hiện tại, đã từng tồn tại hơn nửa thế kỷ. Nói thẳng, nhà cai trị và những người cầm trịch giáo dục xã hội chủ nghĩa xứ này phải biết ngượng với những gì người Pháp, và cả chính quyền Sài Gòn trước 1975, đã làm được cho nền giáo dục nước nhà.

Cứ lúng túng mãi tự bện dây trói mình, rồi cũng chả đi đến đâu. Lễ hay văn đều cần dạy và học, bởi có thế mới tạo được con người đủ đức đủ tài. Chỉ không cần khẩu hiệu, không cần thứ vỏ rỗng tuếch. Mà không chỉ với khẩu hiệu giáo sư Thêm đề nghị bỏ, cứ bỏ tất, cuộc sống và xã hội không vì thế mà lụn bại.

Giờ đây, với con người, thứ thiếu nhất không phải là lễ hay văn, mà là dũng.