Mục lục
HRW nói về phiên xử Phạm Đoan Trang và nhân quyền Việt Nam
Hai nhà hoạt động nhân quyền nổi tiếng của Việt Nam, Phạm Đoan Trang và Trịnh Bá Phương, dự kiến sẽ hầu tòa trong hai phiên xử riêng biệt từ 14-15/12.
Phiên tòa sơ thẩm xét xử hai nhà hoạt động đã bị hoãn một lần hồi đầu tháng 11, thời điểm ông Phạm Minh Chính, Thủ tướng Việt Nam, sang Vương quốc Anh tham dự hội nghị khí hậu toàn cầu.
Nhà báo Phạm Đoan Trang bị cáo buộc cùng tội danh ‘tuyên truyền chống Nhà nước’. Ông Trịnh Bá Phương bị cáo buộc tội danh “Làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”.
BBC News Tiếng Việt có cuộc phỏng vấn ông Phil Robertson, Phó Giám đốc khu vực châu Á của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền (HRW) trước phiên tòa xét xử hai nhà hoạt động:
BBC: Từ khi bị bắt cho tới nay, Phạm Đoan Trang và Trịnh Bá Phương chỉ mới được gặp luật sư một lần và chưa được gặp gia đình lần nào. Ông nhận định như thế nào về việc này?
Phil Robertson: Việt Nam về cơ bản đã thất bại trong việc đảm bảo công bằng tại các phiên tòa công bằng – và điều này thì ai cũng biết. Những hạn chế mà họ áp đặt khiến luật sư bào chữa gần như không thể gặp thân chủ chỉ là một phần trong số đó.
Cơ quan tư pháp của Việt Nam bị Đảng Cộng sản kiểm soát triệt để nên khó có thể gọi nó là hệ thống tư pháp hay luật pháp vì các phán quyết đã được Đảng quyết định trước.
Ít nhất, người ta hy vọng rằng các nguyên tắc nhân đạo cơ bản như tạo điều kiện cho bị cáo gặp gia đình của họ sẽ được đảm bảo. Nhưng rõ ràng Đảng Cộng sản Việt Nam đang hướng tới một lập trường khắc nghiệt hơn nhiều đối với những người bất đồng chính kiến.
Các bản án tù nặng nề hơn sẽ được tuyên chóng vánh trong các phiên tòa kéo dài một ngày chỉ mang tính ‘trình diễn’.
Nhiều người bị tạm giam trước khi xét xử tới hơn một năm. Trong thời gian đó, các quyền cơ bản của họ đều bị vi phạm, như một phần của cái gọi là ‘giai đoạn điều tra’.
BBC: Sau khi các tổ chức và cộng đồng quốc tế gây áp lực lên chính phủ Việt Nam, một số nhà hoạt động đã được trả tự do và hiện đang sống lưu vong. Ông có cho rrằng Phạm Đoan Trang và Trịnh Bá Phương có thể có kết cục giống như vậy không?
Phil Robertson: Việt Nam đã sử dụng giải pháp ‘trả tự do để lưu vong’ này một cách vị kỷ, khiến những người bất đồng chính kiến nổi tiếng buộc phải rời khỏi đất nước mình, một phần bằng cách làm cho điều kiện sóng trong tù không thể chịu đựng được.
Việt Nam hầu như không cho những người này quyền lựa chọn nào khác, khi mà họ thường đối mặt với các bản án tù dài hơn một thập kỷ trong các nhà tù khắc nghiệt, nơi quyền cơ bản bị vi phạm, mất vệ sinh và thiếu thốn chăm sóc y tế khiến họ có thể đối mặt với cái chết.
Các tù nhân chính trị cũng bị lính canh và các tù nhân ‘được ủy thác’ nhắm tới và đe dọa – đây cũng là một vấn đề nổi cộm đáng lo ngại.
Các chính phủ nước ngoài có thiện chí có thể nghĩ rằng họ đang làm đúng khi tham gia vào các thỏa thuận ‘trả tự do để sống lưu vong’ như vậy, nhưng đó thực sự là một tình huống mà Hà Nội vẽ ra để họ không phải đưa ra giải pháp tôn trọng quyền thực sự.
BBC:Ông có thể so sánh tình hình nhân quyền hiện nay ở Việt Nam với những năm trước đây?
Phil Robertson: Tình hình nhân quyền ở Việt Nam đang trở nên tồi tệ hơn mỗi năm, với nhiều nhà bất đồng chính kiến bị bắt và bị kết án tù nặng nề hơn. Cảnh sát và côn đồ cũng gia tăng sách nhiễu và đe dọa đối với các nhà hoạt động.
Rõ ràng, Việt Nam đã lợi dụng việc cộng đồng quốc tế thiếu chý ý trong thời gian Covid-19 để đàn áp các nhà hoạt động trên khắp cả nước, và đáng buồn là cộng đồng quốc tế hầu như không lên tiếng về điều này.
Người ta hy vọng rằng sẽ có nhiều tiếng nói bênh vực Phạm Đoan Trang tại phiên tòa xét xử cô, nhưng cho đến nay, một năm qua, chứng kiến sự đàn áp gia tăng ở Việt Nam, phần lớn chỉ im lặng.
Điều này không thể tiếp tục và các chính phủ trên thế giới cần kêu gọi Việt Nam lên tiếng vì những vi phạm nhân quyền nghiêm trọng.
BBC:Trong khi các phán quyết hoặc quyết định của Liên Hiệp Quốc hoặc các tổ chức quốc tế khác không có giá trị ràng buộc vể mặt pháp lý, theo ông chúng ta có thể làm gì để chính phủ Việt Nam cải thiện tình hình nhân quyền và tôn trọng tiếng nói đối lập?
Phil Robertson: Chính phủ Việt Nam có thể lúng túng trước những tuyên bố mạnh mẽ của các quốc gia ở Châu Âu và Bắc Mỹ, và những nỗ lực mạnh mẽ hơn để gắn các vấn đề như lợi ích thương mại với việc thực thi nhân quyền.
Hà Nội cũng nhạy cảm với những chỉ trích mạnh mẽ từ Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc và các báo cáo viên đặc biệt của tổ chức này. Nhưng Liên Hiệp Quốc đã quá ít chú ý đến bản chất ngày càng đàn áp và độc tài của chính phủ Việt Nam.
Vấn đề cơ bản là trong khi Việt Nam tiếp tục trượt dài thì ‘thành tích’ đáng nể về vi phạm nhân quyền của Việt Nam không nhận được sự chú ý cần có. Và nếu điều đó tiếp tục kéo dài, thì tình trạng vi phạm quyền nghiêm trọng sẽ xảy ra.
BBC: Ông muốn gửi thông điệp gì tới chính phủ Việt Nam trước phiên tòa xét xử Phạm Đoan Trang và Trịnh Bá Phương?
Phil Robertson: Việt Nam quyết định hoãn phiên tòa đột ngột có thể là kết quả của việc giới ngoại giao tại Hà Nội gia tăng áp lực đối với vụ án này. Cũng đã có một tuyên bố chung từ 28 tổ chức phi chính phủ, trong đó có chúng tôi – Human Rights Watch, về vụ việc của Phạm Đoan Trang.
Điều này cho thấy áp lực có thể tác động đến chính phủ Việt Nam, nhưng nỗ lực đó phải được duy trì.
Cả Phạm Đoan Trang và Trịnh Bá Phương đều không làm gì sai, và họ nên được trả tự do ngay lập tức và vô điều kiện.
Những nhà hoạt động xã hội dân sự như thế này cần được khen ngợi vì sự trung thực, dũng cảm và cam kết hành động cho một nhà nước tốt đẹp hơn, chống tham nhũng và bảo vệ nhân quyền. Họ không nên bị trừng phạt như tội phạm.
Mỗi khi những nhà hoạt động như vậy bị bắt vào tù, người dân và đất nước Việt Nam lại yếu thế hơn.
BBC (10.12.2021)
CPJ liệt kê 23 nhà báo bị Hà Nội bỏ tù năm 2021
Ủy Ban Bảo Vệ Ký Giả Quốc Tế (Committee to Protect Journalists, CPJ) nói ít nhất 293 nhà báo bị nhà cầm quyền các nước, gồm cả CSVN, bỏ tù trong năm 2021.
Trong bản tường trình công bố hôm Thứ Năm, 9 Tháng Mười Hai, CPJ nói rằng Trung Quốc đứng đầu bảng với 50 người. Kế đến là Miến Điện với 26 người, Ai Cập với 25 người. CSVN bỏ tù 23 người, đứng hàng thứ tư tồi tệ nhất trên thế giới.
Theo CPJ, năm nay là năm kỷ lục về số ký giả bị nhà cầm quyền các nước bỏ tù so với các năm gần đây. Người ta chỉ sử dụng ngòi bút, phơi bày sự thật hoặc phản bác lại các chính sách hà khắc, ngược lòng dân của các nhà nước độc tài Cộng Sản, quân phiệt, cuồng tín tôn giáo.
Ngoài ra, theo CPJ, còn có 24 nhà báo bị sát hại khi hành nghề, trong khi 18 người khác thiệt mạng trong những trường hợp không thể đích xác nói họ là nạn nhân được nhắm đến.
Nhìn chung nhà cầm quyền các nước ngày càng “không dung thứ cho những thông tin báo chí độc lập.” Các nhà nước độc tài ngày càng phớt lờ thủ tục tố tụng hình sự công khai hợp pháp, bất chấp các thông lệ quốc tế để duy trì quyền lực. Trong khi cả thế giới đều quá bận tâm đối phó với đại dịch COVID-19 và những ưu tiên khác như biến đổi khí hậu, các nhà cầm quyền độc tài biết rất rõ rằng những phẫn nộ của quần chúng về đàn áp nhân quyền cũng chẳng làm gì được họ trong khi các nước dân chủ cũng chẳng mặn mòi gì để trừng phạt về kinh tế hay chính trị,” theo CPJ.
CPJ nêu ra một số những vụ bắt giữ các nhà báo độc lập ở Trung Quốc, Miến Điện, Saudi Arabia, Belarus, Ai Cập…
Mới hôm 1 Tháng Mười Hai, Công An thị xã Buôn Hồ, tỉnh Đắk Lắk, đã xông vào nhà bà Huỳnh Thực Vy, 36 tuổi, bắt bà đi thi hành bản án 2 năm 9 tháng tù có từ hai năm rưỡi trước vì bị cáo buộc xịt sơn lên lá cờ CSVN. Theo luật hình sự CSVN, bà Vy phải được tạm hoãn thi hành án cho tới khi con nhỏ của bà đủ 3 tuổi.
Vào ngày 14 Tháng Mười Hai tới đây, nhà báo, blogger Phạm Đoan Trang, 43 tuổi, sẽ bị đưa ra tòa để chính thức nhận án tù với cáo buộc “tuyên truyền chống nhà nước…” Bà bị công an bắt dẫn đi vào đêm 6 Tháng Mười, 2020, ở Sài Gòn sau mấy năm liên tục chạy trốn sự lùng sục của công an. Bà là tác giả của một số quyển sách biên khảo chính trị như “Chính Trị Bình Dân,” “Cẩm Nang Nuôi Tù,” “Phản Kháng Phi Bạo Lực” và sau cùng là bản báo cáo vụ nhà cầm quyền CSVN đưa lực lượng võ trang đàn áp đẫm máu dân xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, Hà Nội, sáng sớm 9 Tháng Giêng, 2020.
Ngay cả những người từng làm trong các cơ quan truyền thông CSVN sau tỉnh ngộ, dứng ra ngoài viết báo độc lập, cũng không thoát khỏi tù tội.
Nhóm gọi là “Báo Sạch” do ông Trương Châu Hữu Danh đứng đầu, công bố những cuộc điều tra sâu rộng về vụ án oan Hồ Duy Hải, các trạm thu phí “bẩn” dọc theo các trục lộ giao thông tại Việt Nam, hậu quả của tham nhũng quyền lực. Một số nhà báo của chế độ ở Quảng Trị bị vu cho tội “nói xấu lãnh đạo” trên mạng xã hội.
Bảng liệt kê các nước có số nhà báo bị nhà cầm quyền bỏ tù nhiều nhất trong năm 2021. (Hình: CPJ)
Những ngày đầu năm nay, ba nhà báo độc lập của tờ báo mạng Việt Nam Thời Báo (diễn đàn của Hội Nhà Báo Độc Lập Việt Nam) gồm các ông Phạm Chí Dũng, Nguyễn Tường Thụy, Lê Hữu Minh Tuấn đã bị áp đặt các bản án nặng nề từ 11 đến 15 năm tù vì bị vu cho tội “tuyên truyền chống nhà nước.”
Các tổ chức bảo vệ nhân quyền đền lên tiếng phản đối Hà Nội đi ngược lại các cam kết quốc tế về quyền dân sự và chính trị mà họ đã ký kết nhưng không hề có tác dụng. Trước khi bà Kamala Harris, phó tổng thống Mỹ, đến thăm Việt Nam, Tháng Tám vừa qua, Viện Báo Chí Quốc Tế (IPI) tại đại học Columbia University, Mỹ, đã gửi thư thúc giục bà nêu vấn đề tự do báo chí tại Việt Nam. Tuy nhiên, IPI nói không hề thấy tác dụng.
Người Việt (09.12.2021)
LM Đặng Hữu Nam được trao giải Lê Đình Lượng năm 2021
LM Đặng Hữu Nam nói chuyện với ngư dân bên ngoài Tòa án Nhân dân thị xã Kỳ Anh, Hà Tĩnh hôm 26/9/2016 khi người dân đi nộp đơn kiện Formosa Facebook
Linh mục Đặng Hữu Nam ở Nghệ An được đảng Việt Tân, trụ sở ở Hoa Kỳ trao giải thưởng Lê Đình Lượng năm 2021.Thông cáo báo chí của Việt Tân phát đi ngày 9/12 cho biết như vừa nêu.
Sau khi nghe tin được trao giải, Linh mục Đặng Hữu Nam cho RFA biết trách nhiệm của ông trong việc lên tiếng cho những người mà theo ông tiếng nói của họ không được lắng nghe trong nước:
“Trước tiên tôi thấy bất ngờ vì tôi là linh mục Công giáo, không phải bất ngờ trong quan điểm phân biệt tôn giáo mà trong căn tính Công giáo. Tôi là môn đệ, ngôn sứ của Đức Kitô đến để làm chứng cho công lý và sự thật, và đấu tranh cho quyền sống con người.
Tôi là môn đệ, ngôn sứ của Đức Kitô và Giáo hội đã nêu rõ trong Hiến Chế Vui mừng và Hy Vọng của Công đồng Vatican II rằng ‘vui mừng và hy vọng, run sợ và âu lo của người nghèo, của những người bị loại ra bên lề xã hội của người nghèo phải là vui mừng và âu lo của người môn đệ Chúa’, nên tôi không t hể thờ ơ với họ.
Thứ ba tôi là ngôn sứ nên bổn phận ngoài việc loan báo tin mừng, phải lên án điều ác, điều tội, điều xấu, mặt trái của xã hội. Đặc biệt ở VN, mặt trái đó là bất công, nhân quyền không được tôn trọng. Chúng ta đang sống trong một môi trường mà sự thật bị đánh cắp, công lý bị bẻ cong, nhân phẩm bị chà đạp…”
Linh mục Đặng Hữu Nam sinh năm 1976, quê ở xã Đô Thành, huyện Đô Lương, tỉnh Nghệ An. Ông được thụ phong linh mục vào năm 2008. Từ năm 2016, ông được biết đến nhiều qua việc cùng người dân địa phương biểu tình phản đối Nhà máy Gang Thép Hưng Nghiệp Formosa ở Vũng Áng, Hà Tĩnh xả thải trực tiếp ra biển gây thảm họa môi trường, diệt nguồn sinh kế của nhiều ngư dân. Ông cùng hằng trăm người dân kéo đến Tòa án tỉnh Hà Tĩnh để nộp đơn kiện Nhà máy và đòi bồi thường.
Kể từ tháng 6/2020 ông bị chuyển về Nhà Hưu Dưỡng của Giáo phận Vinh ‘nghỉ mục vụ’. Tuy nhiên ông vẫn tiếp tục tham gia nhiều hoạt động nhân đạo, từ thiện giúp cho người dân gặp khó khăn qua các chương trình như ‘gà không đồng’, ‘xe lăn không đồng’, ‘chăn ấm mùa đông’, ‘cây giống cho vùng lũ’.
Giải thưởng Lê Đình Lượng được thành lập vào năm 2018, mang tên người đang phải thụ án tù 20 năm chỉ vì công khai đấu tranh cho quyền lợi của người dân và chủ quyền của Việt Nam.
RFA (09.12.2021)
Việt Nam hiện đang bỏ tù 23 nhà báo, xếp thứ tư thế giới sau Trung Quốc
Ba nhà báo và blogger của RFA hiện đang bị bỏ tù gồm: Nguyễn Văn Hóa, Trương Duy Nhất và Nguyễn Tường Thụy RFA edited
Việt Nam là một trong những nước bắt giam nhiều nhà báo nhất trên thế giới, xếp sau Trung Quốc, Myanmar và Ai Cập, theo báo cáo đặc biệt mới công bố của tổ chức Ủy ban Bảo vệ Ký giả CPJ.
Hôm 8 tháng 12, tổ chức phi chính phủ có trụ sở ở Hoa Kỳ chuyên hoạt động trong lĩnh vực thúc đẩy tự do báo chí và bảo vệ nhà báo, công bố nghiên cứu về tình hình tự do báo chí và đàn áp truyền thông trên toàn thế giới trong năm 2021.
Chính quyền Hà Nội bị liệt vào nhóm bỏ tù nhiều nhà báo nhất trên thế giới, với 23 ký giả hiện đang phải chịu các án tù khác nhau.
Ba phóng viên và blogger của Đài Á Châu Tự do gồm các ông: Nguyễn Văn Hoá, Nguyễn Tường Thụy và Trương Duy Nhất cũng nằm trong danh sách này.
Theo Ủy ban Bảo vệ Ký giả thì riêng trong năm nay, chính quyền Việt Nam đã khởi tố và bỏ tù sáu nhà báo, trong đó có các thành viên của nhóm Báo Sạch.
Bà Huỳnh Thục Vy là trường hợp mới nhất phải trả lại nhà giam sau gần 3 năm hoãn thi hành án vì có con nhỏ dưới 36 tháng tuổi.
Bình luận về báo cáo mới nhất của CPJ về tình hình đàn áp báo chí ở Việt Nam, ông Trịnh Hữu Long, Tổng Biên tập của Luật khoa Tạp chí, cho RFA biết quan điểm:
“Tôi nghĩ rằng đây là một cái bản danh sách, hay có thể nói là “bản thành tích” cực kỳ đáng xấu hổ, cực kỳ đáng lên án của chính quyền Việt Nam.
Và một điều vô cùng đau lòng nữa là trong danh sách này có một người đồng nghiệp cực kỳ thân thiết của tôi là nhà báo Phạm Đoan Trang, người đã cùng tôi lập ra tờ Luật Khoa.
Thế thì tôi nghĩ rằng nó cho thấy một vấn đề rất là lớn của đất nước chúng ta là cái việc hình sự hoá hành vi ngôn luận, trong đó có hành vi ngôn luận của nhà báo.”
Ông Trịnh Hữu Long cũng cho biết bản danh sách 23 nhà báo đang bị giam giữ chỉ nói lên một phần của chiến dịch đàn áp tự do báo chí ở Việt Nam, trên thực tế thì chính quyền còn áp dụng nhiều hình thức đàn áp khác, trong đó theo như ông Long là cái chết đáng ngờ của một vài nhà báo.
Hình thức đàn áp tự do báo chí hiệu quả nhất ở quốc gia độc đảng, theo nhà báo từng có kinh nghiệm trong môi trường báo chí nhà nước là sự tự kiểm duyệt, ông nói:
“Cái việc đàn áp báo chí một cách có hệ thống nhất, hiệu quả nhất, quy mô nhất đó là tạo ra một môi trường tự kiểm duyệt trong toàn bộ hệ thống báo chí Việt Nam, lẫn trong xã hội Việt Nam.
Nỗi sợ hãi bị trừng phạt đã tạo ra hiệu ứng gây cóng trong toàn bộ xã hội, và vô hình chung, những nhà báo là những người đáng ra cần có vai trò dẫn dắt xã hội thì cũng bị chi phối bởi cái hiệu ứng gây cóng này. Và đó là cái khiến cho hệ thống kiểm duyệt, hệ thống quản lý báo chí ở Việt Nam hiệu quả.
Còn cái việc bắt bỏ tù những nhà báo này trên thực tế là công cụ để tạo ra nỗi sợ hãi trong xã hội.”
Nghiên cứu của Ủy ban bảo vệ Ký giả thống kê số nhà báo bị bắn chết hoặc hiện đang bị giam giữ trên toàn cầu. Điều đáng chú ý là con số phóng viên và nhà báo bị bắt giam đạt kỷ lục trong năm 2021, tổng cộng có 293 người hiện đang bị giam cầm ở nhiều quốc gia.
Đứng thứ nhất trong số các quốc gia đàn áp báo chí nặng nề nhất thế giới, theo tổ chức Ủy ban Bảo vệ Ký giả, là Trung Quốc với 50 nhà báo bị bỏ tù. Xếp sau là Myanmar, nơi chính quyền quân sự đang giam giữ 26 ký giả. Tiếp đến là Ai Cập với 25 người, và Việt Nam đứng thứ tư với 23 nhà báo đang ở tù.
Nhà báo công dân Lê Trọng Hùng không có tên trong danh sách này, mặc dù ông sẽ ra tòa trong tháng 12 này cùng với một phiên tòa khác xử bà Phạm Đoan Trang, cả hai đều bị cáo buộc tội danh “tuyên truyền chống nhà nước”.
RFA (09.12.2021)
Công An Việt Nam ngăn chặn tín đồ Cao Đài tham gia Hội nghị Tự do Tôn giáo và Niềm tin khu vực Đông Nam Á lần VII
Dương Xuân Lương
Nhiều người tham gia hội thảo trực tuyến từ Việt Nam bị chính quyền sách nhiễu nhưng cho đến nay chưa ai bị bắt giữ.
Bộ Công An Việt Nam đã ra lịnh cho công an các địa phương như Tây Ninh, Long An, Tiền Giang, Sài Gòn, Bình Dương, Bình Định…đồng loạt gởi giấy mời hay gọi điện thoại ngăn chặn người Đạo Cao Đài tham gia Hội nghị Tự do Tôn giáo và Niềm tin khu vực Đông Nam Á lần VII do BPSOS tổ chức chủ đề Đạo Cao Đài: Thách đố và Triển vọng ngày 29, 30 tháng 11-2021.
Hàng ngàn tín đồ Đạo Cao Đài các địa phương đã tham gia hội luận trực tuyến được tổ chức tại Virginia, Hoa Kỳ với nhiều tham luận được trình bày bởi nhiều giới chức quốc tế nổi tiếng như bà Anurima Bhargava, thành viên của Uỷ Hội Hoa Kỳ về Tự Do Tôn Giáo Quốc Tế: Nhận định về sự phân biệt giữa Đạo Cao Đài và Chi Phái do nhà nước dựng lên theo chỉ thị của Đảng Cộng Sản năm 1997. Ông Dan Nadel, viên chức thâm niên, Phòng Tự Do Tôn Giáo Quốc Tế, Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ: Chia sẻ về chính sách của Hoa Kỳ về bảo vệ tự do tôn giáo ở Việt nam nói chung, liên quan đến Đạo Cao Đài nói riêng. Đại Sứ Jos Douma, Đặc Phái Viên Tự Do Tôn Giáo của Hà Lan và Chủ Tịch Liên Minh cho Tự Do Tôn Giáo hay Niềm Tin: Giải thích về những gì Liên Minh của 33 quốc gia có thể đóng góp cho nỗ lực phục hồi cơ đạo của các tín đồ Cao Đài. Bà Victoria Sheahan, đồng sáng lập viên mạng lưới Caodai Today: Giới thiệu về mạng lưới nối kết các tín đồ Cao Đài ở trong và ngoài nước nhằm phục hồi cơ đạo. Cô Chian Yew Lim, viên chức LHQ trình bày về Các cam kết với quốc tế của Việt Nam về tự tôn giáo hay niềm tin.
Các tham luận viên thuộc đạo Cao Đài cũng trình bày nhiều vấn đề liên quan đến tôn giáo này như: Những diễn tiến quan trọng trong Tôn giáo Cao Đài Tòa Thánh Tây Ninh từ sau 1975. 12 văn bản của Đảng và Nhà Nước nhằm triệt tiêu Đạo Cao Đài. Đạo Cao Đài và Chi Phái 1997: Vấn đề chính danh và khía cạnh pháp lý. Góc nhìn từ hải ngoại của một chức sắc Cao Đài . Biện pháp đối phó với sự bách hại và sách nhiễu [của chính quyền Việt Nam].Kinh nghiệm đối phó với Chi Phái 1997 và chính quyền địa phương. Vai trò và những đóng góp của các nữ tín đồ Cao Đài. Đánh bại nỗ lực thực thi Nghị Quyết 36 của Chi Phái 1997 ở hải ngoại. Vai trò và công dụng của công tác truyền thông. Các phương án hành động để phục hồi cơ đạo. Vận động và liên kết quốc tế. Xây dựng nội lực. Sử dụng hệ thống luật pháp nội địa. Phục vụ nhơn sanh và nối kết xã hội.
Riêng Tham Luận Viên Nguyễn Hồng Phượng không thể phát trực tiếp bài tham luận của bà vì từ chiếu tối công an đã quanh quẩn chung quanh nhà bà quấy rối.
Tín đồ Đạo Cao Đài xác định nhà nước Việt Nam hậu thuẫn chi phái 1997 chiếm Tòa Thánh Tây Ninh của Đạo Cao Đài. Nhà nước Việt Nam vi phạm QĐ 124 của Uỷ Ban Nhân Dân tỉnh Tây Ninh ngày 4-6-1980, tại Điều 2: công nhận quyền hành đạo của người Đạo Cao Đài tại Toà Thánh Tây Ninh, Báo Ân Từ, Hộ Pháp Đường, Giáo Tông Đường.
Tưởng nên nhắc lại, Ủy ban Nhân Dân tỉnh Tây Ninh đã ra Bản Án Cao Đài (*) buộc tội các chức sắc đã chết của đạo này và sau đó, năm 1997, dựng nên chi phái Cao Đài mới do ông Nguyễn Thành Tám làm chủ, thường bị các tín hữu Cao Đài trong và ngoài nước gọi là Chi Phái Nguyễn Thành Tám, hay chi phái 1997
Các tín đồ Cao Đài tham dự hội thảo mong muốn BPSOS, đơn vị tổ chức hội luận, trợ giúp pháp lý để khởi kiện ra toà án Việt Nam vụ chi phái 1997 chiếm đoạt Toà Thánh Tây Ninh.
Mặc dù nhiều người tham gia hội thảo trực tuyến từ Việt Nam bị chính quyền sách nhiễu, cho đến nay trong những người này chưa ai bị bắt giữ. Điều này khác những lần tín đồ Cao Đài tham dự các hội thảo về Tự do Tôn Giáo và Niềm Tin trước kia trong vùng Đông Nam Á bị chính quyền chân bắt khi trở về.
Dưới đây là bài tham luận của Chánh Trị Sự Lê Văn Một tại hội thảo. Khối Nhơn Sanh tranh đấu cho đạo quyền trong 18 năm qua có sự đóng góp rất quan trọng của Phước Thiện.
*****
Nam Mô Cao Đài Tiên Ông Đại Bồ Tát Ma Ha Tát
Tôi là Chánh Trị Sự Lê Văn Một Tộc Đạo Thủ Thừa Long An xin cảm ơn Ban Tổ chức cho phép trình bày về sự đóng góp của Phước Thiện trong nỗ lực tranh đấu cho đạo quyền. Khi chi phái 1997 chiếm đoạt Thuyền Bát Nhã và không cho đưa quan tài đi an táng thì Khối Nhơn Sanh bị bế tắc. Phước Thiện đã tạo ra Thuyền Bát Nhã để khai thông.
Phước Thiện hành đạo theo Hiến chương 1965 tại Chương Tám Điều 21, Phước Thiện là cơ quan lo về xã hội, tế độ người tật nguyền cô độc, kẻ gặp tai ương thống khổ. Điều 22 …Phước Thiện được lập cơ sở lương điền, công nghệ thâu huê lợi tạo nền nhân cội nghĩa.
Phước Thiện đảm nhiệm toàn bộ chi phí về kinh sách, đi hành đạo, phương tiện hành đạo trong nước, ngoài nước hay dự hội nghị quốc tế.
Phước Thiện Hương Đạo Rạch Ông, Sài Gòn tạo ra Thuyền Bát Nhã đầu tiên để khai thông bế tắc, sau đó giúp cho các địa phương khác như: Định Quán, Gò Công, Tây Ninh, Long An… cũng có Thuyền Bát Nhã và hiến tặng quan tài cho người cần giúp đỡ, chủ động về tang tế sự, tạo ra sự vững chắc cho công cuộc tranh đấu cho đạo quyền. Trong đợt dịch Covid-19 vừa qua Phước Thiện đã cứu giúp cho nhiều gia đình vơi đi sự đau khổ.
Đặc biệt là Long An thành lập Công ty Phước Thiện 257 để có điều kiện trợ giúp cho các địa phương mở trại hòm. Công ty mua bảo hiểm cho anh em Ban thuyền, giúp đạo phục cho tín đồ mới nhập môn, hỗ trợ gạo, thuốc uống… Mua tập sách và hỗ trợ học phí cho con em nhà đạo có hoàn cảnh khó khăn.
Phước Thiện các địa phương như Phù Mỹ, Nam Hoài Nhơn (Bình Định), Phú Chánh (Bình Dương), Củ Chi, Rạch Ông (Sài Gòn); Đồng Tháp… duy trì việc nấu cơm chay để hiến tặng cho xã hội.
Tóm lại Hành chánh đạo như một cơ thể thì Phước Thiện chính là nguồn máu để nuôi sống cơ thể ấy. Trong công cuộc tranh đấu cho đạo quyền nơi nào có Phước Thiện thì nơi đó phát triển và bền vững. Công dụng của Phước Thiện là khuyến khích tín đồ Cao Đài tuân thủ Thánh Lịnh 257, thể hiện sự dấn thân vào các công tác xã hội của người theo Đạo Cao Đài, và tạo điều kiện cho các tín đồ Cao Đài thuần thành hợp tác chặt chẽ với nhau.
Xin cảm ơn Ban tổ chức và Quý hiền nhân quân tử.
Cầu xin Đức Chí Tôn, Đức Phật Mẫu ban ơn lành cho toàn hội nghị.
Nay kính.
VNTB (08.12.2021)
Không gian dân sự của VN bị xếp loại ‘đóng’
Hình minh hoạ: Công an và an ninh ngăn cản người biểu tình ở Hà Nội đòi bảo vệ môi trường năm 2016 Reuters
Không gian dân sự tại Việt Nam bị tổ chức CIVIUS Monitor xếp vào loại ‘đóng’. Bốn nước ở Châu Á thuộc nhóm này ngoài Việt Nam còn có Trung Quốc, Lào, Bắc Hàn.
Báo cáo công bố ngày 8/12 được thực hiện bởi CIVIUS Monitor, một nền tảng nghiên cứu trên mạng chuyên theo dõi và xếp loại các quyền tự do căn bản tại 197 quốc gia và vùng lãnh thổ trên toàn thế giới. Báo cáo năm nay có tựa ‘People Power Under Attack 2021’; tạm dịch ‘Quyền lực Nhân dân bị Tấn công trong năm 2021’.
Báo cáo cho thấy những biện pháp hạn chế và tấn công nhắm vào các nhà hoạt động và xã hội dân sự tiếp tục diễn ra khắp khu vực Châu Á. Trên thực tế những quyền tự do căn bản gồm tự do ngôn luận, tự do hội họp một cách ôn hòa, quyền lập hội không được tôn trọng tại hầu hết các nước ở lục địa này.
Đây cũng là một xu hướng toàn cầu và dữ liệu của CIVIUS Monitor cho thấy 89% người dân trên thế giới nay phải sống trong những quốc gia mà không gian dân sự bị ‘đóng, ngăn trở hay đàn áp’.
Trong số 26 quốc gia và vùng lãnh thổ ở Châu Á được theo dõi, ngoài bốn nước bị xếp loại ‘đóng’ như vừa nêu, có bảy nước bị đưa vào nhóm ‘ngăn trở’ và 11 nước bị liệt vào nhóm ‘đàn áp’ không gian dân sự. Các quốc gia gồm Nhật Bản, Mông Cổ, Hàn Quốc thuộc nhóm ‘bị hạn chế’, chỉ duy nhất Đài Loan là nước có không gian dân sự ‘mở’.
CIVIC Monitor ghi nhận trong năm 2021 Chính phủ Việt Nam tiếp tục sử dụng những định nghĩa luật mơ hồ như ‘tuyên truyền chống Nhà nước’, ‘lợi dụng các quyền tự do dân chủ’ để truy tố và bỏ tù những nhà hoạt động, giới bloggers, phóng viên độc lập qua những bản án nặng nhiều năm.
Báo cáo của CIVIUS Monitor cho thấy có hơn 200 tù chính trị bị giam cầm trong một hệ thống trại giam cẩn mật ở Việt Nam. Nhiều người trong số họ bị biệt giam thời gian dài, bị tra tấn và không được chăm sóc y tế.
RFA (08.12.2021)
Tổ chức quốc tế cáo buộc CSVN bóp nghẹt quyền dân sự
Chức Liên Minh Bảo Vệ Nhân Quyền Quốc Tế (CIVICUS) cáo buộc CSVN bóp nghẹt quyền dân sự của công dân qua các luật lệ mơ hồ.
Hôm Thứ Tư, 8 Tháng Mười Hai, tổ chức CIVICUS cáo buộc Hà Nội bỏ tù hàng trăm người tại Việt Nam với các điều luật hình sự mơ hồ trong khi tại các nước dân chủ thật sự, các quyền công dân ai cũng đương nhiên được hưởng.
CIVICUS là một tổ chức trụ sở chính ở Nam Phi và có văn phòng ở New York, Mỹ, liên minh với hơn 20 tổ chức bảo vệ nhân quyền quốc tế, hằng năm công bố những bản tường trình về tình hình nhân quyền tại 197 nước và vùng lãnh thổ trên thế giới.
“Sự vi phạm quyền dân sự rất phổ biến tại Châu Á năm 2021 là các nước dùng luật lệ hình sự để giới hạn quyền tự do lập hội, tự do hội họp và phát biểu ôn hòa tại ít nhất 21 quốc gia. Trong số những luật lệ được dùng để siết chặt giới bất đồng chính kiến là những luật liên quan đến an ninh quốc gia và chống khủng bố, bảo vệ trật tự xã hội và phỉ báng,” CIVICUS viết trong bản phúc trình năm nay.
Riêng tại Việt Nam, CIVICUS tố cáo chế độ đang bỏ tù hơn 200 tù chính trị tại các trại giam rải rác khắp nước. Nhiều tù nhân chính trị bị nhốt một mình trong các phòng giam nhỏ bé không có ánh sáng từ năm này sang năm khác. Họ phải chịu đựng những đau đớn của cơ thể trong khi không được điều trị thuốc men.
“Suốt bao năm qua, nhà cầm quyền CSVN dùng một loạt những luật hình sự mơ hồ như ‘Tuyên truyền chống nhà nước…’ và ‘Lợi dụng các quyền tự do dân chủ…’ để bỏ tù những ai tham gia vận động dân chủ hóa đất nước với các bản án rất dài,” CIVICUS viết.
Tất cả những người này đều viết blog hay có những trang cá nhân trên Facebook trao đổi thông tin và bình luận về các vấn đề thời sự của đất nước. Cái làm họ bị bắt và ở tù là những gì họ trình bày trái ngược hoàn toàn với thông tin một chiều chỉ nhằm tuyên truyền dối trá cho nhà nước và đảng Cộng Sản, ngược với nhu cầu thông tin thật sự và quyền lợi của người dân.
Ông Trương Châu Hữu Danh (trái, hàng đầu) và các thành viên nhóm “Báo Sạch” bị kết án tù ngày 28 Tháng Mười, 2021. (Hình: VNExpress)
CIVICUS cũng nêu ra các trường hợp tương tự xảy ra tại các quốc gia Châu Á khác như Trung Quốc, Cambodia, Malaysia, Sri Lanka, Bangladesh, Indonesia… Tổ chức này nêu hai trường hợp tại Việt Nam là nhóm “Báo Sạch” bị bỏ tù ở Cần Thơ hồi Tháng Mười vừa qua và blogger, nhà báo độc lập Phạm Đoan Trang sắp bị kết án tù vào ngày 14 Tháng Mười Hai tới đây.
Nhà cầm quyền CSVN luôn luôn chối là không có tù chính trị hay tù nhân lương tâm tại Việt Nam mà chỉ có những người bị bắt giam vì “vi phạm pháp luật.”
Không riêng gì các tổ chức nhân quyền quốc tế, Ủy Ban Nhân Quyền của Liên Hiệp Quốc cũng từng lên án các điều luật hình sự CSVN như “Tuyên truyền chống nhà nước,” “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ,” ngay cả điều luật “Hoạt động lật đổ”… đều dựa trên những chứng cớ giải thích sao cũng được hoặc ngụy tạo để bỏ tù bất cứ ai bị nghi ngờ nguy hiểm đối với sự tồn tại của chế độ. (TN) [qd]
Người Việt (08.12.2021)
HRW kêu gọi Úc thúc ép Việt Nam tôn trọng nhân quyền
Ngoại trưởng Úc Marise Payne bắt tay Ngoại trưởng Việt Nam Bùi Thanh Sơn trong chuyến thăm của bà tới Hà Nội hôm 8/11. Theo HRW, bà Payne không công khai nêu quan ngại về nhân quyền của Việt Nam trong chuyến công du này.
Tổ chức Theo dõi Nhân quyền (HRW) thúc giục Chính phủ Úc gây sức ép để Việt Nam đạt được những mốc tiến bộ rõ ràng về nhân quyền trong cuộc đối thoại nhân quyền song phương lần thứ 17 giữa 2 nước, dự kiến được tổ chức trực tuyến vào ngày 8/12.
“Australia cần sử dụng ảnh hưởng của mình để gây sức ép với Việt Nam nhằm buộc họ thực hiện những hành động cụ thể để đảo ngược hồ sơ nhân quyền tồi tệ của mình,” bà Elaine Pearson, giám đốc quốc gia Australia của HRW, nói trong một thông cáo được tổ chức có trụ sở chính ở New York, Mỹ, đưa ra hôm 6/12. “Nhiều người ở Việt Nam đã bị truy tố chỉ vì cố gắng thực thi các quyền chính trị dân sự cơ bản mà người dân Australia coi là chuyện tất yếu.”
Trong một tờ trình đưa ra hôm 6/12, HRW đã kêu gọi chính phủ Úc vận dụng cơ hội đối thoại vào ngày 8/12 để gây sức ép với Việt Nam trong việc chấm dứt “chính sách đàn áp một cách có hệ thống” các quyền chính trị và dân sự cơ bản, trong đó có quyền tự do biểu đạt, lập hội, nhóm họp ôn hoà và quyền tự do tôn giáo cũng như tín ngưỡng. Tổ chức theo dõi nhân quyền quốc tế cũng nói rằng Australia cần yêu cầu Việt Nam ngay lập tức phóng thích tất cả các tù nhân và nghi can chính trị cũng như sửa đổi các điều luật hình sự và tố tụng hình sự “có vấn đề” để đưa những bộ luật này về quỹ đạo phù hợp với các tiêu chuẩn quốc tế.
Việt Nam, tuy nhiên, luôn phủ nhận việc giam giữ bất kỳ tù nhân lương tâm nào, cũng như nói rằng các quyền cơ bản của con người luôn được đảm bảo tại quốc gia Đông Nam Á này.
Một công dân Úc, Châu Văn Khảm, hiện vẫn đang thụ án 12 năm tù ở Việt Nam từ tháng 1/2019 vì bị cáo buộc tội “khủng bố nhằm chống chính quyền nhân dân” liên quan đến Việt Tân, một tổ chức chính trị ôn hoà tập trung vào dân chủ và nhân quyền ở Việt Nam nhưng bị Hà Nội đưa vào danh sách “khủng bố.” HRW cho rằng việc thương lượng để ông Khảm, 72 tuổi, được phóng thích và trở về Úc đoàn tụ với gia đình phải là một ưu tiên hàng đầu của Canberra trong cuộc đối thoại với Hà Nội.
Tính tới tháng 12 năm nay, HRW đã ghi nhận được ít nhất 146 người đang bị giam sau song sắt ở Việt Nam vì thực thi các quyền cơ bản của họ, trong đó có các blogger và các nhà hoạt động nhân quyền nổi tiếng như Trần Huỳnh Duy Thức, Phạm Chí Dũng, và Cấn Thị Thêu. Vẫn theo thống kê của tổ chức này, công an Việt Nam đã bắt ít nhất 30 người khác với cáo buộc mang động cơ chính trị trong đó có blogger nổi tiếng Phạm Đoan Trang và các nhà hoạt động vì quyền đất đai Trịnh Bá Phương và Nguyễn Thị Tâm. Cả ba người này dự kiến sẽ được đưa ra xét xử trong tháng này.
Hồ sơ nhân quyền của Việt Nam thường bị các chính phủ phương Tây và các tổ chức quốc tế chỉ trích là yếu kém. Bộ Ngoại giao Mỹ, trong Báo cáo về các thực hành nhân quyền 2020, nói rằng quốc Việt Nam có những vấn đề nhân quyền đáng lưu ý như việc bắt giữ và giết hại bất hợp pháp và tuỳ tiện của chính phủ, vấn đề tù nhân lương tâm hay những hạn chế nghiêm trọng về tự do biểu đạt, tự do báo chí, tự do hội họp và nhiều quyền cơ bản khác.
Quan hệ song phương giữa Úc và Việt Nam tiếp tục tăng trưởng mạnh trong những năm gần đây. Úc trong năm nay đã trở thành một trong 10 đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam. Tuy nhiên, theo HRW, Ngoại trưởng Australia, Marise Payne, tới thăm Hà Nội vào tháng trước và không công khai nêu các quan ngại về nhân quyền trong chuyến công du này.
Đối thoại nhân quyền thường niên lần thức 16 giữa Úc và Việt Nam được tổ chức tại Canberra vào năm 2019. Cuộc gặp lần thứ 17 được dự kiến diễn ra tại Hà Nội vào năm ngoái nhưng bị hoãn cho tới năm nay do đại dịch COVID-19.
VOA (07.12.2021)