Mục lục
Scandal Việt Á: Đâu là đầu bạch tuộc?
Trân Văn
20-12-2021
Sự kiện công an Việt Nam tống giam ông Phan Quốc Việt – Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Tổng Giám đốc Công ty Việt Á – vì thổi giá bộ xét nghiệm COVID 19 chỉ là phần nổi của tảng băng liên quan tới tham nhũng tại Việt Nam.
Có hàng loạt dấu hiệu cho thấy sự câu kết để trục lợi, kể cả trục lợi trong thảm họa như đợt dịch COVID 19 thứ tư không chỉ rộng mà còn rất sâu. Ông Phan Quốc Việt hay Công ty Việt Á chỉ là vòi của con bạch tuộc khổng lồ, chưa biết đầu nằm ở đâu!
Bài 1: Thần tốc xét nghiệm diện rộng COVID-19, Thủ tướng bị lừa, hay gì khác?
Theo Bộ Công an Việt Nam, từ tháng 4 năm 2020 đến nay, Công ty Việt Á đã thu được khoảng… 4.000 tỉ nhờ bán các bộ xét nghiệm COVID 19 cho Trung tâm Kiểm soát dịch bệnh (CDC) và các cơ sở y tế của 62/63 tỉnh, thành phố ở Việt Nam.
Trước mắt, công an Việt Nam chỉ mới xác định, sau khi bán cho CDC Hải Dương năm lô hàng đều là các bộ xét nghiệm COVID 19, trị giá 151 tỉ, Công ty Việt Á đã… “thối” lại cho Giám đốc CDC Hải Dương khoảng… 30 tỉ!
Công ty Việt Á đã… “thối” thêm bao nhiêu tỉ trong số 4.000 tỉ thu được nhờ bán các bộ xét nghiệm COVID 19, cho những ai? Nếu không có chủ trương “thần tốc xét nghiệm diện rộng” Công ty Việt Á có thể… “ăn nên, làm ra” như thế không?
***
Khi điều tra Công ty Việt Á, liệu các cơ quan bảo vệ pháp luật của Việt Nam có so sánh và sẽ công bố để dân chúng Việt Nam biết rằng, từ hạ tuần tháng 4 năm 2020 đến hạ tuần tháng 8 năm 2021, Công ty Việt Á thu được bao nhiêu tiền từ việc bán các bộ xét nghiệm COVID-19 và sau khi Thủ tướng Việt Nam hối thúc thực thi “thần tốc xét nghiệm diện rộng”, trước hết ở TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương, Long An (2),… doanh thu của Công ty Việt Á tăng gấp bao nhiêu lần, đạt bao nhiêu ngàn tỉ so với 16 tháng trước đó?
Sở dĩ vấn đề vừa nêu cần được trả lời vì trên thực tế, có rất nhiều dấu hiệu cho thấy, hoạt động nhập cảng và kinh doanh các bộ xét nghiệm COVID-19 tại Việt Nam đã tạo ra cơ hội cho một số cá nhân, một số doanh nghiệp làm giàu nhờ chủ trương… “thần tốc xét nghiệm diện rộng”, thậm chí nhờ Thủ tướng Việt Nam “tả xung, hữu đột”, đốc thúc hệ thống chính trị, hệ thống công quyền từ trung ương tới địa phương phải thực thi nghiêm túc chủ trương này!
Cho dù đã có rất nhiều người, nhiều giới thay nhau phân tích… “thần tốc xét nghiệm diện rộng” vừa không thể đem lại hiệu quả mong muốn, gia tăng nguy cơ lây nhiễm, vừa lãng phí, chỉ tạo cơ hội cho một số cá nhân, một số doanh nghiệp trục lợi, đồng thời làm cho doanh giới, quốc gia thêm kiệt quệ vì chi phí quá lớn nhưng ông Phạm Minh Chính, Thủ tướng Việt Nam vẫn phớt lờ.
Thậm chí ngay cả khi thiên hạ đã tính: Trong chín ngày (từ 8/9/2021 đến 16/9/2021), Hà Nội lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho 4.120.000 người cả bằng test nhanh (1.920.000 người), lẫn RT-PCR (2.960.000 người). Kết quả, chỉ có 21 trong số hơn 4,1 triệu người dương tính. Nếu đem tổng chi phí cho đợt xét nghiệm thần tốc trên diện rộng này chia cho 21 ca dương tính, số tiền đổ vào để tìm một ca dương tính với COVID-19 là… hơn 20 tỉ đồng (3), ông Chính vẫn không ngừng lại…
Ngoài việc dùng hệ thống truyền hình quốc gia phát tán chuyện mắng nhiếc các viên chức lãnh đạo Kiên Giang yếu kém trong lãnh đạo, chỉ đạo (4), khiến Kiên Giang phải chi 128 tỉ để thần tốc xét nghiệm toàn tỉnh (5)… nửa đêm, ông Chính còn gọi điện thoại chất vấn chủ tịch một… xã ở An Giang, nhắc… phải tổ chức xét nghiệm hai ngày/ lần (6)… Thúc Bộ Y tế gửi công điện nhắc các tỉnh, thành đang thực hiện phong tỏa phải thực hiện năm yêu cầu mà 3/5 liên quan đến… thần tốc xét nghiệm diện rộng!
Đâu phải tự nhiên mà sau đó, các địa phương như Cà Mau thi nhau tổ chức xét nghiệm trong toàn tỉnh dù cả tỉnh chỉ có 283 ca nhiễm… Ai nhận trách nhiệm kiểm tra và báo cáo với dân chúng: Trong giai đoạn ấy, Công ty Việt Á có thêm bao nhiêu khách hàng, doanh thu tăng thêm bao nhiêu lần? Có phải những con số đó tỉ lệ thuận với số vụ dân chúng bị săn đuổi, bị cưỡng bức… xét nghiệm COVID 19 (7), phản đối thì bị nhốt vào trại tập trung, bị phạt tù?
***
Trung tuần tháng 9 năm nay – khi cùng Ủy ban Thường vụ Quốc hội thảo luận để định hướng cho hoạt động kiểm toán của năm tới, ông Vương Đình Huệ (Chủ tịch Quốc hội) yêu cầu phải lưu tâm tới… việc huy động, phân bổ và sử dụng các nguồn lực phòng, chống dịch COVID-19. Ngoài yêu cầu kiểm tra thực hiện các gói hỗ trợ dân chúng và doanh giới có hợp lý và đúng mục đích hay không, ông Huệ nhắc phải chú ý cả tổ chức xét nghiệm và chi phí (8).
Đến hạ tuần tháng 9, khi cùng một phái đoàn của chính phủ đến thị sát hoạt động ngăn chặn COVID 19 tại Bình Dương, ông Vũ Đức Đam (Phó Thủ tướng), khuyến cáo thế này: Mỗi gia đình hay phòng trọ chỉ nên lấy mẫu xét nghiệm người đại diện. Một người nhiễm thì chắc chắn người ở cùng cũng bị lây nhiễm. Một gia đình có ba người, mỗi người test nhanh 10 lần/tháng, tổng cộng cả nhà thực hiện 30 lần/tháng, chi phí để mua thiết bị test nhanh tốn ít nhất sáu triệu đồng để test cho mỗi gia đình ba người.
Ông Đam nhận định: Việc lấy mẫu xét nghiệm cộng đồng đông đúc sẽ làm tăng nguy cơ lây nhiễm lẫn lãng phí, tốn kém. Tại sao không cho lấy mẫu của đại diện từng gia đình để giảm bớt chi phí? Khi nghe nhiều người từng bị nhiễm COVID-19 (F0) đã xuất viện, đã hoàn thành cách ly y tế tại gia, than rằng vẫn phải đi lấy mẫu xét nghiệm cộng đồng ba ngày/lần. Ông Nguyễn Lân Hiếu (Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội) – một trong những người tháp tùng ông Đam – bảo rằng: Cơ thể các F0 đã khỏi bệnh đã có kháng thể. Tổ chức lấy mẫu cho các F0 đã khỏi bệnh là quá lãng phí (9).
Những điều ông Đam, ông Hiếu đề cập không mới. Các chuyên gia y tế, chuyên gia dịch tễ đã nêu ra từ lâu nhưng không thể nào ngăn được chiến dịch… thần tốc xét nghiệm diện rộng! Scandal Công ty Việt Á giúp minh họa cho vấn nạn: Những quyết định được ca ngợi là quyết đoán khi xảy ra thảm họa là thật hay giả? Thần tốc xét nghiệm diện rộng chỉ vì đã thiếu hiểu biết còn độc đoán nên bị lừa hay là một biện pháp hỗ trợ kẻ gian, giúp chúng làm giàu trong thảm họa?
Chú thích
(5) https://vnexpress.net/kien-giang-chi-128-ty-dong-xet-nghiem-dien-rong-4357331.html
(6) https://tuoitre.vn/cuoc-goi-luc-nua-dem-cua-thu-tuong-20210915231837202.htm
Trân Văn
20-12-2021
Chủ trương… “thần tốc xét nghiệm diện rộng” và hàng loạt động tác có tính răn đe nếu không tuân thủ mà hệ thống công quyền tại Việt Nam từng thực thi đã giúp Công ty Việt Á kiếm khoảng 4.000 tỉ đồng trong sản xuất – kinh doanh các bộ xét nghiệm COVID 19…
Tuy nhiên nếu chỉ có những viên chức là lãnh đạo các Trung tâm Kiểm soát dịch bệnh (CDC) và các cơ sở y tế tại hầu hết tỉnh, thành phố ở Việt Nam bị truy cứu trách nhiệm hình sự vì đã nhận tiền mà Công ty Việt Á… “thối” lại thì bạch tuộc có cơ hội mừng… đại thọ!
Cứ đối chiếu những thông tin mới nhất liên quan đến Công ty Việt Á với những thông tin đã từng được loan báo rộng rãi về công ty này ắt sẽ thấy Công ty Việt Á và… xét nghiệm là một lớp trong vở kịch có kịch bản hoàn chỉnh để khai thác nhân dịp… đại dịch.
Bài 2: Ai điều khiển từ trên xuống dưới, từ trong ra ngoài?
Theo VTV (Đài Truyền hình Việt Nam), diện tích xưởng sản xuất các bộ xét nghiệm COVID 19 của Công ty Việt Á chỉ khoảng… mười mét vuông và mười nhân viên (1) nhưng mỗi ngày sản xuất được khoảng… 30.000 bộ xét nghiệm COVID 19!
Tại sao nhà xưởng như thế, nhân lực chỉ có vậy, thiết bị sản xuất các bộ xét nghiệm COVID-19 chỉ vỏn vẹn… “dăm tủ trữ lạnh và vài thiết bị tách chiết cũ kỹ” mà tháng 3 năm ngoái, Bộ Khoa học Công nghệ (KHCN) lại giao cho Học viện Quân y phối hợp với Công ty Việt Á thực hiện một trong “Bốn nhiệm vụ khoa học công nghệ cấp quốc gia” là… “Nghiên cứu chế tạo bộ sinh phẩm real-time RT-PCR và RT-PCR phát hiện virus corona chủng mới (nCoV)”?
Tờ Nhân Dân từng khoe giúp Việt Á, rằng chỉ một tháng (cuối tháng một đến đầu tháng ba)… “các nhà khoa học thuộc Học viện Quân y và Công ty Việt Á đã nỗ lực làm việc một cách sáng tạo, không mệt mỏi, cả ngày nghỉ lẫn ban đêm” và được Hội đồng KHCN Quốc gia do Bộ trưởng KHCN thành lập “nhất trí kiến nghị Bộ Y tế cấp giấy phép sử dụng” bộ xét nghiệm COVID-19. Hội đồng KHCN Quốc gia họp ngày 3/3/2021 và hôm sau, Bộ Y tế đã cấp số đăng ký để Công ty Việt Á có thể kinh doanh ngay lập tức (2).
Trong tin mới nhất về Công ty Việt Á, VTV khẳng định, phần lớn nhân viên của công ty này là kế toán, tiếp thị, bán hàng, còn mười công nhân sản xuất chỉ… “phối trộn nguyên liệu theo hướng dẫn” rồi đóng gói. Dường như Công ty Việt Á không có “nhà khoa học” nào cả! Nếu thế thì tại sao Học viện Quân y lại chọn Công ty Việt Á để… “hợp tác” và giao kết quả nghiên cứu của “các nhà khoa học” tại Học viện Quân y cho Việt Á khai thác để kinh doanh?
Qua Nhân Dân – cơ quan ngôn luận của Ban Chấp hành Trung ương đảng CSVN – có thể thấy, Công ty Việt Á được ít nhất hai bộ trong chính phủ hiện nay là KHCN và Y tế tận tình ủng hộ. Chưa rõ Bộ Quốc phòng có tận tình như thế hay không nhưng tối thiểu, Bộ Quốc phòng cũng đã làm ngơ để Học viện Quân y sử dụng “các nhà khoa học” hỗ trợ Công ty Việt Á trở thành doanh nghiệp Việt Nam đầu tiên cung cấp các bộ xét nghiệm COVID-19 cho thị trường trong nước.
***
Vào lúc này, hệ thống truyền thông chính thức Việt Nam đang đưa công chúng đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác. Sau khi VTV cho biết, trước khi trở thành nhà cung cấp bộ xét nghiệm COVID 19, Công ty Việt Á từng là doanh nghiệp trúng nhiều gói thầu trong lĩnh vực y tế. Doanh nghiệp này có 3.000 khách hàng, thực hiện 1.500 dự án với vốn điều lệ khoảng 1.000 tỉ… tới lượt Tuổi Trẻ công bố một phóng sự điều tra mà theo đó, vốn đăng ký khi thành lập doanh nghiệp vào năm 2007 của ba thành viên sáng lập chỉ có… 80 triệu.
Tháng 10/2017, sau sáu lần điều chỉnh thông tin, tuy vốn điều lệ đã lên tới… 1.000 tỉ đồng nhưng vốn của ba thành viên sáng lập vẫn chỉ chừng 20%. Nói cách khác, 80% còn lại – khoảng 800 tỉ đồng – là của những… cá nhân khác mà các cơ quan truyền thông chính thức chưa tiết lộ là ai… Dẫu vốn điều lệ tới cả ngàn tỉ nhưng Công ty Việt Á vẫn chỉ mượn một địa chỉ ở TP.HCM làm… địa chỉ trụ sở chính chứ không đặt văn phòng (3)…
Tại sao một doanh nghiệp như thế lại liên tục được chọn làm nhà thầu cho các gói thầu lớn của nhiều cơ sở y tế qui mô cực lớn như Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội), Quân y viện 175 (TP.HCM) và số dự án lên tới… 1.500?
Tại sao Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Tổng Giám đốc một doanh nghiệp như thế lại trở thành cổ đông chiếm tới 30% vốn của “Công ty Cổ phần Công nghệ sinh học Vinbiocare” – doanh nghiệp được Vingroup thành lập để sản xuất thuốc, hóa dược và dược liệu?
Hồi tháng 6 năm nay (2021), khi đưa tin về sự ra đời của Vinbiocare, báo điện tử Infonet gọi ông Phan Quốc Việt (Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Tổng giám độc Công ty Việt Á), người nắm giữ 30% cổ phần của Vinbiocare là…. “ông chủ kín tiếng trong ngành y tế”. Lựa chọn ông Việt và Công ty Việt Á làm cổ đông cho công ty sản xuất vaccine của mình, Vingroup có nhắm đến cái mà Infonet gọi là “hệ sinh thái và tệp khách hàng đồ sộ của Việt Á” hay không (4)?
Cho dù đang có rất nhiều cơ quan truyền thông chính thức đang giúp Vingroup giãi bày: Hội đồng Quản trị VinBioCare đã bổ nhiệm bà Lê Ngọc Chi làm Tổng Giám đốc mới, thay ông Phan Quốc Việt… Ông Việt cũng đã rút và thôi là thành viên góp vốn tại VinBioCare và không còn bất cứ liên quan nào đến công ty này... nhưng chẳng lẽ chỉ cần như thế thì không cần tìm câu trả lời cho những thắc mắc liên quan đến cuộc hôn nhân giữa Vinbiocare với Công ty Việt Á?
***
Cách nay khoảng ba tháng, lúc mà dân chúng Việt Nam đang xôn xao trước những dấu hiệu một số cá nhân, nhóm đã sử dụng chủ trương… “thần tốc xét nghiệm diện rộng” để làm giàu trong thảm họa, một số facebooker đã công bố hai trang của Công văn 7263/BYT-KH-TC mà Bộ Y tế gửi một Phó Thủ tướng tên là Lê Minh Khái… xin ý kiến về phương án lựa chọn nhà thầu trong trường hợp đặc biệt để mua sinh phẩm xét nghiệm SARS-CoV–2…
Bản chụp Công văn ký ngày 1/9/2021 này có đề cập đến chuyện… Vingroup không phải là nhà thầu, không có kinh nghiệm trong bán sinh phẩm xét nghiệm… nhưng… Bộ Y tế đề xuất áp dụng phương thức lựa chọn nhà thầu trong trường hợp đặc biệt qui định tại Điều 26 Luật Đấu thầu… và biện giải… hình thức mua sắm này tương tự như hình thức chính phủ đã áp dụng để mua vaccine AstraZeneca của Công ty VNVC và như mua vaccine cho Chương trình Tiêm chủng mở rộng…
Trong bản chụp công văn vừa kể, Bộ Y tế cho biết, muốn… ký thỏa thuận khung với Vingroup để mua 10 triệu bộ test Realtime RT-PCR, 15 triệu bộ test nhanh kháng nguyên do Úc và Nam Hàn sản xuất, trị giá 84.120.000 Mỹ kim, tương đương 1,92 tỉ đồng…
Những facebooker công bố bản chụp Công văn 7263/BYT-KH-TC đã đính kèm một số câu hỏi: Tại sao Vingroup mua sẵn mấy chục triệu bộ test rồi giờ bắt Bộ Y tế mua lại? Trong văn bản này, Bộ Y tế còn đề xuất mua hơn 105 triệu test kit kháng nguyên. Mua của Vingroup mới 25 triệu bộ test mà ngốn gần 2.000 tỉ. 105 triệu bộ test kia không biết mua của ai và giá cả ra sao?
Giá test nhanh bán trong siêu thị ở Đức chỉ có 0,95€, mua với số lượng hàng triệu thì còn rẻ nữa – tầm 17.000. Bộ Y có văn bản xác định thanh toán tại bệnh viện là 238.000. Có bệnh viện tính 300.000, thậm chí có nơi 400.000. Trên thị trường có rất nhiều loại test kit. Nhưng mấu chốt là phải do nhà nước đứng ra test và xác nhận. Ta có thể hình dung, tất cả các loại test kit này gom về một đầu mối...
Rõ ràng là họ dùng test như chơi một canh xì phé. Con át chủ bài là do nhà nước quyết định, cấp giấy mới cho ra đường, nhằm đánh vào nhu cầu đi lại làm việc, kiếm ăn một cách chính đáng của toàn thể người dân… Ai có lợi không biết, chỉ biết dân suốt ngày bị đè ra chọt chọt dù nhiều chuyên gia đã lên án việc chọt là không hiệu quả, lãng phí, là nguyên nhân của dịch lây lan nhưng dừng sao đặng?
Chọt để mà ra nhà lầu, chọt để mà ra xe hơi, chọt để ra quốc tịch Cyprus thì sao mà không chọt chớ? Chọt cho ngân khố sạch không đầm núi, chọt cho tới người Việt cuối cùng mới thôi (5)…
Cần lưu ý, bản chụp Công văn 7263/BYT-KH-TC được người sử dụng mạng xã hội chuyền cho nhau xem với nội dung như đã đề cập chỉ có 2/5 trang nên không thể xác định thực hư. Tìm kiếm công văn này trên các website chuyên lưu trữ – giới thiệu văn bản của hệ thống chính trị, hế thống công quyền Việt Nam, có thể tìm thấy nhiều công văn khác của Bộ Y tế nhưng không có công văn này…
Trong khi Bộ Y tế im lặng thì ngày 2/10/2021, đột nhiên tờ Thanh Niên giới thiệu một cuộc phỏng vấn mà ông Nguyễn Việt Quang, Phó Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Vingroup dành cho tờ báo này…
Qua cuộc phỏng vấn đó, ông Quang khẳng định, Vingroup không trục lợi trong việc được Bộ Y tế chọn làm nhà thầu cung cấp COVID-19 test kit. Theo ông Quang, vì dịch bệnh leo thang, nhu cầu khẩn cấp nên Bộ Y tế đã vận động các doanh nghiệp tự ứng kinh phí ra nhập khẩu các bộ test về rồi chuyển giao lại cho bộ với giá phi lợi nhuận. Bộ Y tế sẽ làm các thủ tục mua sắm đấu thầu để tiết kiệm thời gian.
Cũng theo ông Quang, Vingroup chỉ mới nhập về 15 triệu bộ và đang chào bán cho các địa phương, đơn vị trong nước theo đúng quy định về đấu thầu. Dù ký hợp đồng trực tiếp với Hãng SD Biosensor của Hàn Quốc, không qua bất cứ trung gian nào để nhập về với giá 61.000 đồng/bộ nhưng để hỗ trợ các địa phương, Vingroup quyết định tài trợ một phần chi phí để bán test kit giá 44.000 đồng/bộ.
Ông Quang nhấn mạnh, Vingroup không lấy đồng lãi nào và rất phẫn nộ trước những quy chụp Vingroup trục lợi. Đó là những quy chụp hồ đồ thiếu lương tâm với tâm huyết chống dịch từ trước đến nay của Vingroup cũng như của các doanh nghiệp khác (6).
***
Báo điện tử Infonet – cơ quan truyền thông cách nay sáu tháng từng giới thiệu ông Việt… vừa “bước ra ánh sáng” với bộ xét nghiệm COVID-19 để hợp tác với Vingroup thành lập Vinbiocare – mới đổi giọng, chỉ trích ông Việt… “nổ” do từng tuyên bố: “Quan điểm của tôi là người Việt dùng hàng tốt giá tốt. Cứ ai hàng tốt giá tốt sẽ dùng chứ không phải là người Việt dùng hàng Việt. Doanh nghiệp sản xuất trong nước phục vụ cho chính người dân của mình. Tại sao phải tăng giá, cắt cổ dân của mình” (7)…
Vì sao “quốc gia”, “dân tộc” càng ngày càng rẻ, từ viên chức đủ cấp đến doanh nhân đủ cỡ đều có thể thi nhau đem cả xứ sở, đồng bào ra bán sỉ, bán lẻ. Có phải do người Việt rất dễ xúc động, rất dễ… “tự hào”, rất dễ hài lòng nên rất dễ gạt bằng mỹ từ? Có vẻ như chuyện xử lý hậu quả của… “thần tốc xét nghiệm diện rộng” cũng sẽ chỉ ngừng lại ở những Phan Quốc Việt và một số viên chức lãnh đạo một số CDC, cơ sở y tế. Còn đâu là đầu bạch tuộc, vòi bạch tuộc thì… phức tạp quá, nhạy cảm quá cho nên… không cần?
Chú thích
(1) https://www.youtube.com/watch?v=sQtu1pVcTVk&ab_channel=VTV24
(3) https://tuoitre.vn/bi-an-dong-tien-ngan-ti-o-cong-ty-viet-a-20211220080348561.htm
WHO chưa bao giờ chứng nhận bộ xét nghiệm COVID Việt Á
Bộ Công an hôm 17/12/2021 bắt giữ Tổng giám đốc công ty cổ phần công nghệ Việt Á Phan Quốc Việt và Giám đốc Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh Hải Dương Phạm Duy Tuyến.
Hai ông này cùng với 5 người khác bị khởi tố và bắt tạm giam vì bị cho là đã bắt tay nhau nâng khống giá để hưởng lợi từ bộ xét nghiệm COVID-19 do Việt Á và Học viện Quân y sản xuất.
Sau khi vụ việc được Bộ Công an thông báo, người ta mới phát hiện sản phẩm này chưa bao giờ được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) chứng nhận hay cấp phép thông qua.
Trở lại thời điểm tháng 4/2020, các tờ báo nhà nước đều dẫn thông tin từ Bộ Khoa học và Công nghệ Việt Nam cho biết, WHO công nhận bộ KIT xét nghiệm vi-rút corona do Bộ này giao cho Học viện Quân y và Công ty Việt Á phối hợp nghiên cứu và sản xuất.
Bộ KH-CN khẳng định, WHO đã đánh giá bộ xét nghiệm do Việt Á sản xuất theo Quy trình lập danh sách Sử dụng Khẩn cấp (EUL) và cấp mã số EUL 0524-210-00.
Quy trình của WHO đưa ra việc kiểm thử dựa trên rủi ro cơ bản để đánh giá và liệt kê các vắc-xin, phương pháp điều trị và chẩn đoán trong ống nghiệm chưa được cấp phép nhằm hỗ trợ thông tin cho các cơ quan mua sắm và các nước thành viên Liên Hiệp Quốc.
Tuy nhiên, tài liệu đính kèm chỉ thể hiện Tổ chức Y tế Thế giới đã nhận đơn xin cấp phép và cấp cho sản phẩm của Việt Á một số tham chiếu dùng để theo dõi và trao đổi thông tin.
Đến ngày 20/10 năm ngoái, tổ chức này ra thông báo không chấp thuận sản phẩm của công ty Việt Á do hồ sơ công ty này nộp vì “không tạo thành bằng chứng đầy đủ về việc tuân thủ ISO 13485: 2016 Medical“.
Ngoài ra, phóng viên còn phát hiện thêm sản phẩm bộ xét nghiệm của một công ty khác là công ty cổ phần Sao Thái Dương không “có tên trong danh sách sử dụng khẩn cấp của Tổ chức Y tế thế giới” như công bố hồi tháng 6/2020.
Trên thực tế, hai sản phẩm gồm kit xét nghiệm nhanh COVID-19 và kit xét nghiệm dùng cho xét nghiệm PCR của Sao Thái Dương chỉ nằm trong danh sách đang được đánh giá để cấp phép sử dụng khẩn cấp của WHO và đều bị yêu cầu thông tin thêm từ nhà sản xuất./.
Đã vậy mà còn nổ nữa “WHO đã lập tức…xin phép chia sẻ”. Hết biết!