Seite auswählen

Hôm 19 tháng 12, một nhóm người Việt ở Cộng hòa Séc tập trung biểu tình trước cổng Tòa Đại sứ Việt Nam ở thủ đô Praha nhằm phản ứng lại những phiên tòa xét xử các nhà hoạt động nhân quyền ở Việt Nam trong những ngày trước đó. 

Người Việt tập trung trước cổng Tòa Đại sứ Việt Nam tại Praha để biểu tình  RFA edited

 

Cuộc biểu tình do nhóm Văn Lang, một tổ chức xã hội dân sự ở Cộng Hòa Séc đứng ra khởi xướng. Hôm 20/12, ông Hoàng Quốc Hùng – người tham gia biểu tình chia sẻ với phóng viên Đài Á Châu Tự Do:

Sau những cuộc xét xử của phía chính quyền Hà Nội với các nhà hoạt động ở Việt Nam từ ngày 14 đến ngày 16 tháng 12. Nhiều người không nghĩ là các bản án lại hà khắc như vậy, người thấp nhất là 6 năm tù là chị Nguyễn Thị Tâm và sau đấy là toàn những người nhận 9 năm với 10 năm cả. 

Đấy là những bản án hà khắc và thực sự ra là nó đi ngược lại với các giá trị nhân quyền mà Việt Nam đã ký kết với cả các nước. Thế cho nên bản thân tôi cũng như là Nhóm Văn Lang thấy là cần phải có những việc làm để phản đối.

Khoảng 10 người biểu tình mang theo băng rôn cỡ lớn gồm hình ảnh của các nhà hoạt động như: Phạm Đoan Trang, Nguyễn Tường Thụy, Nguyễn Thúy Hạnh, Cấn Thị Thêu, Phạm Chí Dũng và Trịnh Bá Phương.

Ngoài ra, biểu ngữ “Nhân quyền cho Việt Nam” bằng ba thứ tiếng gồm tiếng Việt, tiếng Anh và tiếng Séc cũng được căng ra trước cơ quan ngoại giao của Hà Nội. 

Tòa Đại sứ Việt Nam tại Séc. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Cộng hòa Séc từng là một quốc gia Cộng Sản giống như Việt Nam cho đến khi cuộc Cách mạng Nhung xảy ra vào năm 1989, kể từ đó nước này chuyển đổi sang thể chế dân chủ và duy trì cho đến ngày nay. 

Chính việc sinh sống ở quốc gia thuộc khu vực Đông Âu đã thôi thúc ông Hùng quan tâm đến vấn đề nhân quyền ở Việt Nam, ông nói thêm:

Cộng hòa Séc từng là một nước Cộng Sản trong khối Xã hội Chủ nghĩa, và trước kia họ cũng có những sự mất nhân quyền như vậy, nhiều người ngay như ông cố Tổng thống Václav Havel cũng đã bị tù vì một cái tội tương tự như Đoan Trang và những nhà hoạt động khác bị, tức là chống phá chính quyền. 

Sau khi Cách mạng Nhung xảy ra thì đất nước Séc đã thay đổi rất nhiều, và một cái giá trị, tức là người ta được quyền bày tỏ quan điểm của mình một cách ôn hoà, cho dù là phản đối hay biểu tình, hay ủng hộ thì tất cả những quyền đấy phải được đảm bảo. Và đó mới là động cơ để xã hội phát triển, và chính nhờ đó nước Séc họ phát triển được mạnh như ngày hôm nay. 

Chính vì chứng kiến các nước Đông Âu trong đó có Cộng hoà Séc họ phát triển mạnh khi chế độ Cộng Sản không còn, thì tôi cũng mong muốn là Việt Nam được phát triển và được như các nước trên thế giới.

Như chúng tôi thông tin, chỉ trong ba ngày từ 14 đến 16/12/2021, Tòa án Việt Nam đã tuyên tổng cộng 35 năm tù giam đối với bốn nhà báo, nhà hoạt động đất đai như Phạm Đoan Trang, Nguyễn Thị Tâm, Trịnh Bá Phương và Đỗ Nam Trung. 

Hàng loạt các nước phương Tây và các tổ chức quốc tế làm việc trong lĩnh vực xuất bản, nhân quyền cùng lên tiếng kêu gọi trả tự do cho những nhà hoạt động ôn hòa này. 

RFA (20.12.2021)