Seite auswählen

 

Hồi thập niên 1980, khi cả miền Nam đều tơi tả sau biến cố 30 Tháng Tư 1975, ông anh cả nhà tôi lấy vợ. Đám cưới hồi ấy đơn sơ lắm, chỉ làm vài mâm để mời bà con và bạn bè. Nhưng cái đơn sơ ấy cũng không hề đơn giản khi mà nhà nào cũng kiệt quệ. Thế là để ủng hộ ông anh, ba tháng trước đám cưới, mấy anh em tôi hì hụi đóng cái chuồng gà, mua chục con gà con công nghiệp về nuôi. Nhà trong hẻm nhỏ nên cái chuồng hai tầng, mỗi tầng một ô thả một chú vào đấy. Cái giống gà công nghiệp nó chỉ nằm im rồi cứ ngày ba buổi thò cổ ra mà mổ lấy thức ăn. Đến ngày đám cưới, lôi cổ ra chú nào chú nấy mập ú, nặng 4kg. Có điều, chú nào cũng nằm một chỗ, bởi hai cái chân không hoạt động, xụi mất tiêu!

Câu chuyện những con gà xụi chân ấy làm tôi liên tưởng đến nền báo chí Việt Nam bây giờ. Tất cả được quản lý bởi một “tổng biên tập” mang tên “Tuyên Giáo”, chỉ đạo sát sườn nên luôn là giàn đồng ca cùng khen ngợi hoặc cùng “chiến”! Mới nhất là vụ đang hết sức ồn ào trong nước, đó là việc công an bắt Phan Quốc Việt – Tổng giám đốc công ty Việt Á – một đơn vị cung cấp tesk kit COVID 19, vì tội cấu kết với các quan chức ngành y để thổi giá. Chỉ riêng mỗi ông giám đốc CDC Hải Dương mà đã nhận của Việt Á đến 30 tỷ đồng thì đủ biết sự vụ khủng tới mới nào, bởi đâu chỉ có mỗi mình Hải Dương!

Chỉ trong một ngày 26 Tháng Tư 2020, hàng loạt tờ báo lớn Việt Nam đều đồng loạt đăng tin bộ kit xét nghiệm COVID-19 của Việt Á được WHO chấp thuận!

 

Trong những ngày này, làng báo chí Việt ra sức “đánh đập” Việt Á và cả quan chức Bộ Khoa học Công nghệ, Bộ Y tế – những cơ quan góp phần “bảo kê” cho Việt Á. Những bài báo, những thước phim quay cận cảnh nơi sản xuất test kit của Việt Á cho thấy hóa ra nhà máy của họ chả có gì; rồi báo chí đặt vấn đề liên quan Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và được biết cơ quan này không hề chấp thuận với test kit của Việt Á như đã từng tự hào hồi năm ngoái!

Cũng những tờ báo ấy, năm ngoái thì “tự hào quá Việt Nam ơi” khi đưa tin về test kit của Việt Á, và bây giờ thì đua nhau nhận Việt Á xuống bùn đen với sự hể hả như là một cuộc điều tra vĩ đại – cho dù dĩ nhiên Việt Á cũng như những kẻ đứng sau nó không chỉ xứng đáng được nhận xuống bùn bẩn mà còn đáng mang ra pháp trường.

Nhiều năm sống trong làng báo Việt trong nước, tôi tin rằng số bài điều tra thật sự của nhà báo cả nước chỉ đếm trên đầu ngón tay. Đại đa số các bài điều tra trên báo chí Việt, đặc biệt lĩnh vực chống tiêu cực, tham nhũng đều là hồ sơ của công an tuồn cho, hoặc là phe nhóm đánh nhau rồi tuồn tài liệu cho báo chí.

Chính cái cách nuôi nấng, vỗ béo báo chí theo kiểu nuôi gà công nghiệp đã khiến làng báo Việt trong nước giờ như gà xụi chân! Một vụ thể hiện đỉnh nhất là vào cái hồi dân Sài Gòn rùng rùng xuống đường phản đối Formosa, công an TPHCM đã cho rằng những cuộc biểu tình ấy là do Việt Tân đứng phía sau giật dây, tổ chức. Một trong những nhân vật mà công an cho rằng đã nhận tiền Việt Tân để kích động biểu tình là một thanh niên 17 tuổi, “du thủ du thực”, “bất hảo”…

Tất cả chỉ là lời nói một chiều của công an, thế mà một tờ báo vào loại lớn nhất nước đã đăng bài viết y như thật. Ngay lập tức, anh chàng thanh niên 17 tuổi ấy đã truy tìm ra số điện thoại của tay phóng viên viết bài, chất vấn rồi ghi âm hẳn hoi tung lên mạng. Quả tình là một nỗi ê chề cho làng báo nói chung, với tờ báo ấy nói riêng khi tay phóng viên ấp úng trước các câu hỏi của anh thanh niên: Anh đã gặp tôi bao giờ chưa mà dám viết rằng tôi là bất hảo, du thủ du thực? Rồi tay phóng viên trả lời: Ơ… ơ… công an cung cấp… Anh thanh niên chất vấn tiếp: Anh làm báo kiểu gì mà chỉ nghe công an nói là đưa tin ngay mà không đi tìm hiểu? Đến đây thì tay nhà báo câm tịt. Ôi thôi, tay nhà báo ấy giờ đã là trưởng ban chính trị xã hội của tờ báo lớn!

Với báo chí được gọi là chính thống ở Việt Nam hiện nay, phần lớn phóng viên đã hình thành trong đầu một suy nghĩ là “công an là nguồn tin không cần kiểm chứng. Cái gì công an đưa ra là khuôn vàng thước ngọc”! Người ta chả thèm nhìn lại xem đã có bao nhiêu vụ án oan do công an mà ra… “Trời” sinh báo chí là để giám sát chính quyền, trở thành một quyền lực độc lập, chỉ đối diện duy nhất với một cấp trên là “độc giả”. Báo chí làm bậy, độc giả quay lưng. Báo chí làm đúng, giúp xã hội trong sạch hơn, độc giả tiếp nhận, ủng hộ. Nhưng ở Việt Nam thì không thế, “cấp trên” của báo chí là tuyên giáo, và cho gì “vào máng” thì báo chí biết thế mà thôi.

Nhưng đã có người hỏi tôi thế này: Vài mươi năm trước, có lúc thấy báo chí cũng được lắm mà, sao ngày càng đổ đốn thế? Đã có những bài điều tra nảy lửa kiểu như vụ phanh phui điện kế điện tử ở TPHCM chẳng hạn…

Vâng, cái này thì hên xui thôi. Nói gì thì nói, gạt qua những bất đồng chính kiến về tư tưởng, chính trị, cũng phải thừa nhận một điều rằng thế hệ lãnh đạo Việt Nam như ông Võ Văn Kiệt dù thế nào cũng ít nhiều không dám đi quá xa khỏi con đường vận mệnh của đất nước và dân tộc. Vì vậy, thời ấy, chí ít ra nhân dân và một bộ phận của đảng cầm quyền còn có thể gặp nhau một điểm chung là lòng yêu nước, trách nhiệm với đất nước. Còn bây giờ, chính những đảng viên gạo cội cũng phải thừa nhận rằng Đảng Cộng sản Việt Nam ngày nay chỉ còn cái tên gọi thôi. Tuyên giáo nhân danh Đảng, nhưng thật sự là bảo vệ lợi ích nhóm.

Mới đây, tôi có gặp một con trai của một người tù Côn Đảo. Anh ấy kể rằng, mẹ mình đã gần 80 tuổi, còn minh mẫn và bà rất chán ngán với những gì đã và đang diễn ra trên đất nước này. Đơn giản bởi, cho dù không não thì cũng phải thấy rằng tuyệt đại đa số đảng viên cầm quyền đều nói một đằng làm một nẻo. Miệng thì hót như nghị quyết, nhưng tay nào cũng âm thầm đưa con cái sang các nước tư bản mà họ vẫn ra rả mạt sát là thối nát. Vì vậy, Đảng và Chính quyền với người dân Việt bây giờ là hai đường thẳng song song không bao giờ gặp được nhau. Trong bối cảnh ấy, báo chí là công cụ của Đảng-Chính quyền, được nuôi như gà công nghiệp để chỉ hót những điều có lợi. Người dân ngày càng quay lưng với 800 tờ báo của một Tổng biên tập là điều dễ hiểu./.

Sài Gòn Nhỏ