Seite auswählen

Những người phụ nữ Việt lao động tại Ả Rập Xê Út kêu cứu.  BPSOS/CAMSA International

Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc hôm 24/12/2021 đã công bố chính thức bức thư chung của năm báo cáo viên đặc biệt gửi Chính phủ Việt Nam về tình trạng bóc lột lao động nữ ở Ả Rập Xê Út sau khi Chính phủ Việt Nam không đưa ra được các câu trả lời hoặc không đáp ứng đúng mức những khuyến nghị được các báo cáo viên đưa ra.

Bức thư chung được gửi cho Chính phủ Việt Nam vào ngày 24/10/2021. Theo nguyên tắc, sau 60 ngày, nếu Chính phủ Việt Nam không có những hồi đáp đúng mức, UN sẽ công bố chính thức bức thư trên trang mạng.

Đây là bức thư của các báo cáo viên đặc biệt của UN phụ trách các mảng bao gồm: nô lệ, tra tấn và các hình thức đối xử phi nhân đạo, bạo hành đối với phụ nữ.

Các báo cáo viên UN tố giác tình trạng phụ nữ và em gái Việt Nam đã bị đưa đi làm việc nhà tại Ả Rập Xê Út và bị đối xử tàn bạo. Thậm chí một số em gái dưới 18 tuổi người dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên đã bị các công ty tuyển dụng trái phép để đưa đi lao động tại Ả Rập Xê Út.

Bức thư có đoạn viết: “Sau khi đến Ả Rập Xê Út, rất nhiều người trong số các phụ nữ này đã bị bóc lột. Một số bị đánh đập, tra tấn và chịu các hình thức đối xử tàn bạo, phi nhân tính. Cũng có một số các cáo buộc liên quan đến lạm dụng tình dục và bạo lực tình dục. Một số người còn bị cưỡng bức lao động, không được cho ăn, không được điều trị y tế, trả lương thấp, thậm chí thấp hơn mức quy định trong hợp đồng”.

Một số nạn nhân, theo thư của UN, được cảnh sát Ả Rập Xê Út giải cứu và đưa đến trung bảo trợ SAKAn của nước này để chờ hồi hương, một số khác tự chạy thoát đến trung tâm. Tuy nhiên, giấy tờ tuy thân của họ bị trung tâm thu giữ nên họ không thể rời khỏi trung tâm, trừ khi được giới chức của nước sở tại hoặc đại diện ngoại giao Việt Nam đi cùng.

Trong phóng sự mà RFA đã thực hiện gần đây, những nạn nhân cho biết họ đã cố gắng liên hệ với công ty môi giới đưa họ đi lao động xin được trợ giúp về nước nhưng đều bị từ chối và được yêu cầu là phải tiếp tục ở lại làm việc, không được kêu ca.

Theo UN, từ 3/9 đến 13/10/2021, đã có 39 phụ nữ được xác định là các nạn nhân của bọn buôn người đã được giải cứu đưa về nước.

Bức thư của UN cũng đưa ra bốn trường hợp cụ thể là các nạn nhân bị đưa đi lao động tại Ả Rập Xê Út. Trong số này có một em gái người dân tộc thiểu số ở Tây nguyên là Siu H Xuân bị đưa sang Ả Rập Xê Út vào năm 2018 khi mới 15 tuổi. Công ty môi giới ở Việt Nam là VINACO là công ty đã đưa em Siu H Xuân sang Ả Rập Xê Út lao động. Em Siu H Xuân đã bị đánh đập và đối xử tàn tệ nhưng khi em tìm cách liên hệ với VINACO thì được yêu cầu phải tiếp tục ở lại lao động và làm việc tích cực hơn. Em đã qua đời ngay tại Ả Rập Xê Út vào ngày 18/7/2021 trước khi có thể đáp chuyến bay giải cứu về nước.

Các chuyên gia của UN chỉ ra những vi phạm về nhân quyền mà các nạn nhân đã phải chịu đựng dựa trên các điều khoản trên một loạt các công ước quốc tế về nhân quyền mà Việt Nam tham gia bao gồm: Tuyên Ngôn Nhân Quyền Phổ Quát, Công Ước LHQ về Chống Tra Tấn, Công Ước LHQ về quyền phụ nữ, Công Ước LHQ về xoá bỏ phân biệt đối xử vì lý do sắc tộc, Nghị Định Thư về chống tra tấn, Công Ước của Tổ Chức Lao Động Quốc Tế (ILO) về xoá bỏ lao động cưỡng bức và Công Ước ASEAN về chống buôn người.

Các chuyên gia của UN đưa ra sáu khuyến nghị đối với Chính phủ Việt Nam bao gồm:

  1. Cung cấp kết quả điều tra về những tố giác kể trên;
  2. Cho biết những biện pháp chế tài đã áp dụng đối với các công ty xuất khẩu lao động liên quan;
  3. Cung cấp thông tin về sự phối hợp với Vương Quốc Ả Rập Xê Út để triệt phá đường dây buôn người từ Việt Nam và việc xử trị các công dân Việt Nam hoạt động buôn người ở Ả Rập Xê Út;
  4. Cung cấp thông tin về những nỗ lực bảo vệ và hỗ trợ cho các nạn nhân buôn người, bất luận là họ có vi phạm hình sự do hoàn cảnh đẩy đưa;
  5. Giải thích cách ứng dụng nguyên tắc không trừng phạt đối với các nạn nhân bị ép buộc tham gia hành vi vi phạm luật pháp bởi kẻ buôn người;
  6. Cho biết chi tiết về những chương trình hỗ trợ các nạn nhân đã hồi hương về pháp lý, y tế và tâm thần.

Đây không phải là lần đầu tiên trong năm nay UN đưa ra các yêu cầu đối với Chính phủ VN và Ả Rập Xê Út đề nghị giải quyết tình trạng bóc lột lao động và nạn buôn người. Hôm 4/11/2021, Các chuyên gia về Nhân quyền Liên Hiệp Quốc đã ra thông cáo báo chí kêu gọi Chính phủ Việt Nam và Ả Rập Xê Út hợp tác ngăn chặn việc đưa phụ nữ Việt sang làm giúp việc nhà ở Ả Rập Xê Út nhưng thực ra là làm nô lệ và bị đối xử tàn tệ.

Hôm 18/11/2021, tại một buổi họp báo thường kỳ ở Hà Nội, người phát ngôn Bộ Ngoại giao VN Lê Thị Thu Hằng nói Chính phủ Việt Nam “luôn quan tâm, chỉ đạo các cơ quan đại diện ở nước ngoài thường xuyên trao đổi với cơ quan chức năng sở tại, các công ty quản lý và sử dụng lao động để sẵn sàng các biện pháp bảo hộ công dân, đặc biệt là lao động nữ và trẻ em trong trường hợp cần thiết”.

RFA (28.12.2021)