Nhưng các biện pháp trừng phạt kinh tế bổ sung đang được nghiên cứu có thể tàn phá Moscow hơn những lệnh trừng phạt vừa qua.
Amy Mackinnon , phóng viên thông tin tình báo và an ninh quốc gia, Foreign Policy
Robbie Gramer , phóng viên ngoại giao và an ninh quốc gia, Foreign Policy – December 10, 2021
Người dịch: Lê Nguyễn
Tổng thống Mỹ Joe Biden và Tổng thống Nga Vladimir Putin, ảnh chụp trước hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Nga tại Villa La Grange ở Geneva vào ngày 16 tháng 6 (2021). BRENDAN SMIALOWSKI / AFP / GETTY IMAGES
Tại phiên điều trần trước quốc hội (Hoa Kỳ) hôm thứ Ba ( 7 tháng 12, 2021), chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Thượng viện đã bắn một phát súng vào Nga khi nước này đang tập trung lực lượng gần biên giới Ukraine: Xâm lược Ukraine đi,chúng tôi sẽ phá hủy nền kinh tế của các ông.
“Tôi muốn nói thật rõ với những người đang nghe phiên điều trần này ở Moscow, Kyiv và các thủ đô khác trên thế giới rằng: Một cuộc xâm lược của Nga sẽ kích hoạt các lệnh trừng phạt kinh tế tàn khốc, những điều chúng tôi chưa từng thấy trước đây”, Thượng nghị sĩ Bob Menendez nói [1] .
Lời cảnh báo phản ánh một hồi còi báo động đang rít lên ở Washington rằng Nga đang dàn dựng lực lượng quân sự của mình cho một cuộc xâm lược Ukraine lần thứ hai – một cuộc xâm lược có thể đẫm máu hơn và tàn khốc hơn nhiều so với năm 2014. Nhưng với việc Tổng thống Mỹ Joe Biden loại trừ khả năng Mỹ triển khai quân đội tới Ukraine,điều đó cũng nhấn mạnh rằng các biện pháp trừng phạt kinh tế đã trở thành vũ khí chính được lựa chọn cho phản ứng của Washington trước sự xâm lược của Nga.
Sau khi Biden và người đồng cấp Nga, Vladimir Putin, phát biểu hôm thứ Ba, Cố vấn An ninh Quốc gia Hoa Kỳ Jake Sullivan cho biết Hoa Kỳ sẵn sàng tiến xa hơn so với năm 2014. Các quan chức Hoa Kỳ cho biết họ đang cân nhắc nhiều lựa chọn, bao gồm có thể có khả năng đưa Nga ra khỏi Hiệp hội Viễn thông Tài chính Liên ngân hàng Toàn cầu (SWIFT-Society for Worldwide Interbank Financial Telecommunication), hợp tác xã nhắn tin ngân hàng làm nền tảng cho phần lớn hệ thống tài chính toàn cầu.
Các cá nhân và công ty Nga đã phải chịu nhiều biện pháp trừng phạt cho cuộc xâm lược Ukraine và sáp nhập Crimea năm 2014 cũng như can thiệp bầu cử, tấn công mạng, vi phạm nhân quyền, sử dụng vũ khí hóa học và quan hệ với các chế độ ở Triều Tiên, Syria và Venezuela. Hoa Kỳ có thể làm gì hơn nữa, và liệu điều đó có thực sự hiệu quả không?
Chỉ các lựa chọn nào được đem lên bàn xem xét?
Đây không phải là hành động đầu tiên kiểu cao bồi đấu bò của Washington cho các lệnh trừng phạt Nga. Mặc dù chính quyền Biden đang giữ kín bưng về các bước đi cụ thể, các chuyên gia và cựu quan chức trừng phạt cho biết các mục tiêu tiềm năng bao gồm các ngân hàng Nga, các công ty nhà nước, Quỹ Đầu tư Trực tiếp Nga và các tài phiệt là trụ chống cho Điện Kremlin. Các lựa chọn khác là cắt đứt nước này khỏi SWIFT và mở rộng các biện pháp trừng phạt đối với hoạt động mua bán nợ trái phiếu của Nga trên thị trường thứ cấp.
Brian O’Toole, một cựu quan chức Bộ Tài chính Hoa Kỳ và là chuyên gia về các vấn đề kinh tế của Hội đồng Đại Tây Dương, tin rằng Hoa Kỳ và các đồng minh châu Âu sẽ nhắm mục tiêu vào các ngân hang Nga phục vụ giới tinh hoa của chính phủ Nga, bao gồm cả ngân hàng phát triển Nga VEB, như bước đi đầu tiên, trước khi nhắm vào các ngân hàng thương mại lớn hơn, chẳng hạn như Sberbank của Nga.
“Sberbank có khoảng 50% thị trường tiêu dùng ở Nga, vì vậy [các lệnh trừng phạt] sẽ có tác động lớn đến người Nga bình thường,” O’Toole nói. “Khi bạn bám theo đánh VEB, con heo đất vô cùng thiết yếu được tôn vinh bởi Điện Kremlin… thì về cơ bản, bạn nhắm mục tiêu vào những người bạn nối khố, những trung tâm quyền lực kinh tế thân hữu xung quanh Putin trước tiên.” (VEB đã từng có liên hệ [2] với các màn lưới gián điệp của Nga ở Hoa Kỳ trong quá khứ.)
Lựa chọn mục tiêu là một quá trình phức tạp, càng trở nên khó khăn hơn bởi sự hội nhập sâu rộng của Nga vào nền kinh tế thế giới. Sau cuộc xâm lược của Nga vào Ukraine năm 2014, Hoa Kỳ đã áp dụng các biện pháp trừng phạt theo lĩnh vực hạn chế như cấm các tương tác tài chính nhất định với các lĩnh vực quốc phòng, tài chính và năng lượng của Nga.
Với sự thống trị của đồng đô la và thị trường Mỹ, việc áp đặt các biện pháp trừng phạt đầy đủ đối với các công ty đó – về cơ bản là khóa chặt họ lại không cho chạm tới đồng đô la và hệ thống tài chính của Mỹ – điều đó sẽ gửi cho Putin một thông điệp mạnh mẽ.
John Smith, cựu Giám đốc Văn phòng Kiểm soát Tài sản Nước ngoài của Bộ Tài chính Mỹ cho biết: “Về bản chất, chúng ta muốn nói với Putin rằng nếu ông ta tiến hành một cuộc chiến tranh quân sự, thì chúng tôi sẽ tiến hành một cuộc chiến tranh kinh tế .
Một lựa chọn tiềm năng khác là trừng phạt các nhà tài phiệt thân hữu Nga, những người được hưởng lợi và giúp hỗ trợ hệ thống chính trị Putin, trong nỗ lực gây áp lực lên Điện Kremlin. Smith, hiện là đối tác của công ty luật Morrison & Foerster, cho biết: “Bạn muốn bóc trần từng người ủng hộ đó. “Bạn muốn ngày càng gây áp lực buộc một chế độ phải thay đổi hành vi của mình bằng cách đánh vào những người ủng hộ chế độ”.
Các biện pháp trừng phạt cũng không phải là phản ứng duy nhất được đưa ra xem xét. Trong cuộc gọi hôm thứ Ba, ông Biden cảnh báo để Putin biết rằng Hoa Kỳ sẽ tăng cường viện trợ quân sự cho Ukraine trong trường hợp xảy ra một cuộc xâm lược và củng cố khả năng của các đồng minh NATO ở Đông Âu, điều mà ông Putin từ lâu đã cố chống lại.
Các biện pháp trừng phạt sẽ có tác động gì đến nền kinh tế Nga?
Nói tóm lại, cũng khó để nói chính xác các lệnh trừng phạt sẽ gây ra cho nền kinh tế Nga bao nhiêu thiệt hại. Daniel Fried, người đã giúp đưa ra phác thảo các biện pháp trừng phạt của phương Tây trước sự hung hăng của Nga đối với Ukraine vào năm 2014 với tư cách là điều phối viên của Bộ Ngoại giao Mỹ về chính sách trừng phạt, cho biết: “Nếu bạn muốn tham gia vào một cuộc chiến, hãy yêu cầu các nhà kinh tế ước tính và đo lường nó.
Vào năm 2019, Quỹ Tiền tệ Quốc tế IMF ước tính rằng các lệnh trừng phạt đã kìm hãm sự tăng trưởng của Nga [3] 0,2 điểm phần trăm từ năm 2014 đến năm 2018. Maria Shagina, một chuyên gia về lệnh trừng phạt và là đồng nghiệp tại Viện Các vấn đề Quốc tế Phần Lan , cho biết các biện pháp trừng phạt không bao giờ có ý định giáng đòn toàn lực vào nền kinh tế Nga. Thay vào đó, việc chính là “gây thêm chi phí hay gây thiệt hại chổ này, chổ kia, rồi sau đó tăng khả năng lên quy mô tổng thể khiến nó bị xiểng niển một chút. Đó là cách nó hoạt động, ”Shagina nói.
Chính phủ Nga đã tìm cách bảo vệ nền kinh tế khỏi cú sốc của các lệnh trừng phạt, phát triển một giải pháp thay thế cho SWIFT, giảm sự phụ thuộc vào đồng đô la và xây dựng quỹ thịnh vượng quốc gia phòng khi thiếu hụt. Ngoài ra, việc đồng rúp Nga giảm giá sau lệnh trừng phạt năm 2014 thực sự đã giúp giải quyết một số vấn đề: Moscow kiếm được nhiều đô la nhờ xuất khẩu năng lượng nhưng thanh toán hóa đơn trong nước lại được rẻ hơn.
Nhưng tất cả điều này phải trả bằng một giá đắt để tăng trưởng. Fried nói: “Về trung và dài hạn, đó là một tin rất xấu đối với nền kinh tế Nga. “Tương lai của họ trông càng hẹp và càng đen tối khi nhìn về phía trước.”
Cái được gọi là lựa chọn “tàn phá tối đa”(nuclear) là gì?
Vào năm 2019, Thủ tướng Nga khi đó là Dmitry Medvedev đã mô tả việc cắt đứt Nga ra khỏi SWIFT tương đương với một lời “tuyên bố chiến tranh ”[4]. Nhưng các chuyên gia và cựu quan chức về các biện pháp trừng phạt thường thận trọng hơn và cho rằng điều đó không phải lúc nào cũng là giải pháp tuyệt hảo như được đưa ra cho những người thích nghe. O’Toole nói: “Mọi người đều rất hứng thú với nó bởi vì nó là một điểm dễ được đưa ra để nói tới, nghe thì có vẻ quan trọng nhưng việc thực hiện khó khăn hơn người ta nghĩ.”
Động thái này sẽ gây ra sự hỗn loạn đáng kể trong ngắn hạn, cả ở Nga và đối với các công ty quốc tế kinh doanh ở đó, vì nó sẽ tạm dừng hầu hết các giao dịch quốc tế. Nhưng trên thực tế vẫn còn có các chọn lựa khác để nhắn tin tài chính vẫn tồn tại và kể từ năm 2014, Nga đã phát triển hệ thống chuyển tin nhắn tài chính của riêng mình, hiện chiếm khoảng 20% [5] tổng số chuyển khoản trong nước.
Việc cắt đứt Nga ra khỏi SWIFT tự nó có thể không phải là một lựa chọn tàn phá kinh khủng, nhưng sự kinh hoàng của các thị trường sẽ biến nó thành một sự tàn phá khủng khiếp. Shagina nói: “Không phải tính kỹ thuật này sẽ làm suy yếu nền kinh tế Nga, mà nó sẽ dẫn đến đó do việc các thị trường phản ứng quá mức”. “Đồng rúp của Nga sẽ tuột giá và rất nhiều nhà đầu tư sẽ rút khỏi nền kinh tế Nga”.
Như đã xảy ra trong sự leo thang trừng phạt Iran, động thái nhằm cắt đứt Nga khỏi SWIFT có thể được xem như là một nhát dao xoáy sâu vào cơ thể đằng sau các biện pháp khác, nó có tác động mạnh hơn sau các biện pháp khác đã được ban hành. O’Toole nói: “Cắt đứt các ngân hàng, là điều có tác dụng nhất.”
Các biện pháp trừng phạt có đủ để ngăn Putin xâm lược Ukraine (một lần nữa)?
Nhiều quan chức thời chính quyền Obama tin rằng các lệnh trừng phạt của phương Tây đã ngăn cản Nga thâm nhập sâu hơn vào Ukraine và đẩy Moscow vào bàn đàm phán với Kyiv trong cuộc đàm phán giảm leo thang ở Minsk, Belarus. Nhưng vì Điện Kremlin đã nỗ lực xây dựng sau đó một nền kinh tế có khả năng chống lại các lệnh trừng phạt, nên có thể nó đã được tăng cường với các yếu tố mới để thích ứng khi có sự hăm dọa dẫn đến bị phạt thêm cho các hành động phiêu lưu quân sự mới.
Shagina nói: “Tôi đang nghĩ không biết liệu các bạn có nghĩ rằng những người ở Điện Kremlin là những người hoàn toàn có lý trí và không hề có cảm xúc rằng buộc với những gì đang xảy ra ở Ukraine hay không”. “Nhưng chính nỗi sợ hãi về sự mở rộng của NATO … thật sự mới là điều đã đánh tan tất cả các lý do khác ở đây.”
Nguồn:
Xem thêm: Những bài viết / dịch của Lê Nguyễn
Nguồn tham khảo:
[2]https://www.buzzfeednews.com/article/scottpham/veb-russia-bank-spy-ring