“Die Briefmarke” tiếng Việt “Con Tem” là tựa đề bài thơ ra đời năm 1924 của Joachim Ringelnatz, người gốc Đức vừa là diễn viên hài, viết kịch, truyện ngắn, vẽ tranh, làm thơ trào phúng. Nói cho đúng, những bài thơ của ông được độc giả yêu thích, đa số thuộc dòng “vô nghĩa” (Unsinnspoesie, nonsense verse). Dòng thơ này, đọc lướt qua thường thấy nó không chỉ vô nghĩa, mà còn vô bổ, vô dụng, vô duyên, vô ích, vô tích sự, đủ mọi thứ “vô”, như những đứa con vô thừa nhận, bị cha mẹ ruồng bỏ. Thí dụ:
“Ra đi đón gió mùa Thu
quay về chợt thấy ba lu lá vàng
tiên nga chồm hổm ven đường
giọt dài giọt vắn …”
Nhưng đầu tư thêm một ít thì giờ, lật qua lật lại từng phần từng đoạn, chúng ta sẽ thấy bố cục các bài thơ của Joachim Ringelnatz, cộng hưởng nhiều chuyện ngắn thú vị dành cho trẻ thơ, ứng dụng tổng hợp màu sắc, âm điệu, cay đắng ngọt bùi, vặn vẹo ý tưởng lẫn con chữ tài tình để thọc lét người đọc. Ông ta thường không nhận mình là thi sĩ, vì lối sử dụng câu chữ khá ngây ngô, nhiều hình tượng thuộc thể loại tranh biếm họa chỉ là đồ dùng, sinh vật nhỏ nhặt bên cạnh chúng ta hằng ngày: hộp đựng thuốc lá, cục gạch, cái rây bột, con tem, đàn kiến, ổ khóa cửa, que diêm, cây xương rồng v.v. Những thứ hỗn độn tầm thường ấy, tập hợp lại, qua ngòi bút của ông, bỗng dưng biến thành tác phẩm nghệ thuật.
“Die Briefmarke/Con Tem” cũng thuộc dòng thơ vô nghĩa, chỉ vỏn vẹn 8 câu, đọc lướt thấy nội dung chẳng đâu ra đâu (chi tiết xin xem ở phần dưới). Tác giả sinh năm 1883, tên thật là Hans Gustav Bötticher. Thuở niên thiếu ông học hành không mấy giỏi giang, một phần do ngoại hình hơi quái đản, mũi khoằm nhìn mồm, mắt ốc nhồi, cằm nhô ra trước, nên vào trường thường bị bạn học cùng lớp trêu chọc. Joachim Ringelnatz có lúc đã tâm sự “Số phận của tôi rõ ràng do diện mạo mình quyết định. Nếu có một khuôn mặt khác, cuộc sống của tôi chắc đã đi về hướng không như bây giờ.“
Tuổi trẻ gian nan, vất vả ngược xuôi kiếm sống, làm đủ mọi việc ở bến cảng, từ thủy thủ ra khơi, bốc hàng, khiêng hành lý, phục vụ khách v.v. về sau này ông đã thành công trong phạm vi nghệ thuật, một phần do chịu ảnh hưởng đầu óc trào phúng của cha, người từng viết sách khôi hài cho trẻ em. Tay thủy thủ suốt ngày say xỉn Kuttel Daddeldu là hình tượng văn học nổi tiếng nhất của Ringelnatz, cô đọng nhiều yếu tố tự truyện từ những năm tháng hành nghề thủy thủ. Ông cũng thành công trong làng sân khấu trào phúng bỏ túi ở Munich và Berlin, chịu ảnh hưởng khá nhiều từ trào lưu “Simplicissimus“. Văn học của Ringelnatz nằm trong dòng chảy chung từ Christian Morgenstern cho đến Erich Kästner, những cây viết châm biếm Đức, không ít thì nhiều đã cảm nhận, dù là đôi khi còn khá mơ hồ, sự trỗi dậy của con quái vật Đức Quốc Xã, sau khi nền Cộng Hòa Weimar sụp đổ. Và quả nhiên đầu thập niên những năm 1930, khi Phát-xít Đức lên cầm quyền, chúng xếp Ringelnatz vào thành phần thoái hóa, đốt tác phẩm nghệ thuật của ông, cấm tuyệt sáng tác, xuất bản sách, hành nghề sân khấu. Bị bầm dập trong thời thế đảo điên, gia cảnh túng thiếu, ông lâm bệnh lao phổi nặng, từ giả cuộc đời (1934) khi mới 51 tuổi. 17 tháng 11 năm nay (2021) là kỷ niệm 87 lần ngày ông mãi mãi ra đi.
Để hiểu bài thơ này chúng ta cần biết rằng, mọi danh từ tiếng Đức, đều thuộc 1 trong 3 giống:
– giống cái, thí dụ: die/eine Briefmarke (con tem);
– giống đực, thí dụ: der/ein Brief (nghĩa là lá thư);
– trung tính, thí dụ: das/ein Datum (ngày tháng).
“Die Briefmarke/Con tem” thủ vai chính trong bài thơ này, tuy là giống cái theo văn phạm tiếng Đức, nhưng được tác giả a) về mặt văn phạm, chuyển giới thành giống đực, b) về mặt nội dung, nhân cách hóa cho biến thành chàng trai nhận “nụ hôn” nồng cháy đầu tiên từ một nàng “công chúa”, và thế là trúng tiếng sét ái tình. Cái gọi là “nụ hôn” từ nàng “công chúa”, thật ra chỉ là hành động rất bình thường của bất cứ một cô gái nào đó sống ở Đức vào thập niên 1920. Nặn tim óc viết xong lá thư (tình?), nàng gấp nó làm tư, nhét vào phong bì, dán kín, lấm lét ghi tên, địa chỉ người nhận (dấu cha trốn mẹ gửi cho tình nhân?) chạy ù ra phố, ghé bưu điện chi vài đồng xu mua con tem, thè lưỡi liếm, dán chặt lên phong bì, rồi bỏ vào thùng thư hay trao cho nhân viên bưu điện.
“Chuyện thường ngày ở huyện” là thế, nhưng khổ nỗi con tem nhà ta đầy ắp ảo tưởng, mơ mơ tỉnh tỉnh như một cậu bé tuổi dậy thì chợt tìm thấy tình yêu, tin rằng mình là “hoàng tử” nên mới được nàng “công chúa” hôn (thật ra là liếm ướt lưng tem để dán). Nhưng suy đi nghĩ lại, có gì là sai trái, đáng chê cười, khi một chàng trai mới lớn mơ mộng tình yêu, miễn sao chàng ta đừng sao nhãng chuyện học hành, công việc hằng ngày v.v. Như ông Hoàng Thi Thơ qua nhạc phẩm “Một lần cuối: Anh vuốt tóc em, anh vuốt tóc em, một lần cuối, một lần cuối cùng, rồi thôi …” , con tem cũng thèm khát được vuốt tóc, ôm hôn nàng thêm ít nhất một lần nữa. Đau đớn thay lưng chàng bị keo dán dính chặt lên phong bì, đành ngậm ngùi theo hệ thống phát thư bưu điện, lên đường đến địa chỉ xa lạ, một cuộc ra đi vô định, không kịp nói lời chia ly, thiếu nụ hôn từ biệt. Thi nhân kết luận: tình yêu đơn phương của con tem (hay của cả loài người) là bi kịch cuộc đời. Triết lý ba xu thật quá ư chí lý !!!
Dù sao tình huống như trên quá đơn giản: 1 người tình, 1 lá thư, 1 phong bì. Nhưng dòng đời thường phức tạp, đôi khi chúng ta gặp phải cô gái đồng thời có tới 3 người tình, nên phải viết 3 lá thư, dán 3 con tem, gửi đến 3 địa chỉ khác nhau, thế là khả năng bỏ lộn thư ni vô phong bì nớ, rất có thể xảy ra. Lạnh lùng nhìn theo khoa học thì xác suất không bỏ lộn thư là bao nhiêu? Câu trả lời: ⅔. Nếu cô ta khôn ngoan, sẽ viết 3 lá thư giống y hệt nhau. Nàng sẽ mở đầu lá thư với hàng chữ chung chung trừu tượng “Anh yêu dấu”, tránh dùng tên cụ thể “Heinrich yêu dấu” hay “Hans yêu dấu” v.v. và trong thư đề cập đến sinh nhật của mình tháng tới, khéo léo nhắc “Anh yêu dấu” nhớ gửi quà. Như vậy chuyện nhét lộn thư, râu ông nọ cắm cằm bà kia, không thể xảy ra. Chỉ đọng lại câu hỏi, 3 con tem khác nhau được cô gái liếm ướt lưng, cảm giác riêng biệt của từng con thế nào? Cái này nhà thơ Ringelnatz không nghĩ đến, nên ông còn nợ chúng ta câu trả lời. Đó là chưa đụng vào trường hợp bưu điện Đức thời thập niên 1920 làm lạc thư tín. 100 năm sau được trang bị máy móc dây chuyền hiện đại, chuyện này khó xảy ra, nhưng không thể hoàn toàn loại trừ. Lung tung bưu điện, địa chỉ, phong bì, toán học như vậy tạm đủ, xin trở lại con tem.
“Die Briefmarke/Con tem” còn khiến chúng ta ít nhiều liên tưởng đến chuyện cổ tích Đức nổi tiếng “Dornröschen/Công chúa ngủ trong rừng” của anh em nhà Grimm, xuất bàn lần đầu tiên vào năm 1812. Nhưng nhiều nhà nghiên cứu văn học tin rằng, chuyện cổ tích Đức này xuất xứ từ “La belle au bois dormant” của văn hào Pháp Charles Perrault, sống trước đó hơn nửa thế kỷ. Ngay cả chính bản thân Charles Perrault cũng dựa vào dòng văn chương truyền khẩu đã tồn tại hàng ngàn năm, đời cha truyền sang đời con, để sáng tác. Cái thời thiên hạ chưa có máy tính, điện thoại thông minh, mạng internet v.v. người cầm bút nghe loáng thoáng tam sao thất bổn, chuyện nọ xọ chuyện kia, cứ thế kế thừa sáng tạo, vừa vô tình, vừa cố ý, chẳng có ma nào lên tiếng đòi kiện cáo đạo văn, vi phạm bản quyền. Sẽ “hơi bị” lạc đề nếu tôi đưa chi tiết chuyện cổ tích này vào đây. Chỉ cần biết đại khái nàng công chúa được hoàng tử hôn, và thế là tỉnh dậy sau giấc ngủ 100 năm. Trong bài thơ con tem thì ngược lại, “hoàng tử” được “công chúa” hôn, và bao nhiêu khoái cảm ùn ùn trổi dậy.
Trên đây là đa số những gì thường gây xáo động tâm tư độc giả, những thắc mắc cần lời giải đáp, khi đọc thơ vô nghĩa của Ringelnatz. Năm 2008, nhân kỷ niệm 125 lần sinh nhật Ringelnatz, Bưu điện Đức thực hiện một chiến dịch quảng bá văn hóa 2 trong 1 (con tem bưu điện bên ngoài, che chở con tem thơ phú bên trong) bằng cách phát hành con tem đặc biệt, in 6 câu đầu bài thơ “Con tem” nói trên (xem Hình 1). Nguyên văn bài thơ 8 câu tiếng Đức như sau:
Die Briefmarke
Ein männlicher Briefmark erlebte
Was Schönes, bevor er klebte.
Er war von einer Prinzessin beleckt
Da war die Liebe in ihm erweckt.
Er wollte sie wieder küssen
Doch hat er verreisen müssen
So liebte er sie vergebens
Das ist die Tragik des Lebens.
đủ chỗ in 6 câu đầu bài thơ “Die Briefmarke”, và cái mũi khoằm của Ringelnatz. Nguồn Wikipedia |
vào cuối đời (1930). Nguồn Wikipedia |
Xin giới thiệu với bạn đọc bài thơ dịch từ tiếng Đức sang tiếng Việt thoát nghĩa như sau:
Con Tem.
Con tem “đực” nghĩ mình đang bị điện giật
khoái cảm trào lên trước khi nó dính chặt
được chiếc lưỡi nàng công chúa đẹp như tiên
liếm ngang lưng khiến ngọn lửa tình bùng lên
chàng chưa kịp trao nàng thêm một nụ hôn
nhưng kiếp con tem phải chạy đáo chạy đôn
hôn hay không vẫn là mối tình đơn phương
bi kịch đời người ôi sao thật đáng thương.
Bản dịch ra tiếng Anh của Kery, Leslie A. https://www.babelmatrix.org/works/de/
Ringelnatz%2C_Joachim-1883/Die_Briefmarke/en/62655-The_postage_stamp?tr_id=533
The postage stamp.
A stamp of the masculine gender
lived through a moment quite tender.
Before adhering, a princess licked him.
Love’s wakening had made him victim.
He wanted to kiss her, but hey,
he soon had to travel away.
His love was wasted in the main:
the tragedy of life yet once again.
Khả Tri
Chim Việt Cành Nam
11/2021