Seite auswählen
NHỮNG GÓC NHÌN ĐA CHIỀU về một BIẾN CỐ LỊCH SỬ
(Tròn 2 năm ngày chôn cất ông Lê Đình Kình, 13/01/2020 – 13/01/2022)
***
Đúng ngày này cách nay hai năm, ngày 13/01/2020, một đám tang đặc biệt đã diễn ra tại xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, ngoại thành Hà Nội. Một số nhân chứng tại chỗ cho biết đến đưa tang là đông đảo người dân trong xã, cùng một số xã lân cận, nhưng có lẽ không có ai ở bên ngoài có cơ hội đến đưa thi thể người quá cố đến nơi an nghỉ cuối cùng.
Đám tang được kiểm soát nghiêm ngặt. Gần như không có hình ảnh nào về đám tang được chuyển ra ngoài, bởi mọi hành động quay phim, chụp ảnh đều bị an ninh theo dõi nghiêm ngặt.
Đám tang bị ngăn chặn triệt để, trong lúc gần như cả nước Việt Nam không xa lạ với người quá cố, ông Lê Đình Kình, sinh năm 1936, 58 năm tuổi Đảng (ông Kình gia nhập đảng Cộng Sản Việt Nam năm 1961). Những năm 2017 – 2018, tên ông cùng với làng Đồng Tâm nổi bật ngay trên truyền thông trong nước, đặc biệt sau vụ dân làng Đồng Tâm bắt giữ hơn 30 con tin, gồm cán bộ chính quyền và cảnh sát, để chống lại quyết định trưng thu đất của chính quyền địa phương. Vụ bắt giữ con tin hiếm có trong lịch sử chế độ Việt Nam cộng sản, buộc chủ tịch thủ đô Hà Nội phải thân chinh điều đình, cam kết nhiều điều khoản với dân làng, để đổi lại việc trả tự do cho các con tin.
Hơn hai năm sau vụ bắt con tin lịch sử, rạng sáng ngày 09/01/2020, khoảng 3.000 cảnh sát bao vây ngôi làng, nơi ở của ông Lê Đình Kình. Ông Kình bị bắn chết ngay trong nhà. Hàng chục dân làng bị bắt. Trong vụ can thiệp này, 3 cảnh sát được thông báo thiệt mạng. Lý do bị thiêu sống.
Cuối năm 2020, một toà án Việt Nam tuyên án tử hình với 2 người con ông Kình, án chung thân với một người cháu, với tội danh “giết người”, và tổng cộng hơn 100 năm tù với 26 bị cáo khác.
***
PHIÊN TOÀ XỬ NGƯỜI DÂN ĐỒNG TÂM bị LÊN ÁN KHÔNG CÔNG BẰNG
Hai bản án tử hình bị Liên Hiệp Châu Âu lên án mạnh. Khối 27 nước châu Âu kêu gọi chính quyền Việt Nam “tôn trọng pháp quyền và quyền được xét xử công bằng, như quy định tại Điều 14 của Công ước Quốc tế về các Quyền Dân sự và Chính trị (ICCPR) mà Việt Nam đã ký kết”. Theo EU, các báo cáo về những điều kiện và thủ tục tố tụng của phiên tòa “làm dấy lên quan ngại sâu sắc về tính minh bạch và công bằng của phiên tòa này”. 11 tổ chức nhân quyền quốc tế và của người Việt đã gửi thư kêu gọi chủ tịch Hội Đồng Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc, có trụ sở tại Genève, Thụy Sĩ, cũng với cùng thông điệp, là chính quyền Việt Nam cần tổ chức phiên tòa công bằng, theo Điều 14 của Công ước Quốc tế về các Quyền Dân sự và Chính trị.
Đầu năm 2021, toà án phúc thẩm Việt Nam đã xử y án với phán quyết sơ thẩm.
Từ đó đến nay, nỗ lực đòi công lý cho người dân Đồng Tâm trong vụ án ngày 09/01/2020 vẫn tiếp tục. Tháng 11/2021, Dự án 88 (The 88 Project) và Phòng thực hành Nhân quyền Toàn cầu (Global Human Rights Clinic) thuộc Trường Luật Đại học Chicago gửi báo cáo cho Phiên Kiểm điểm Phổ quát Định kỳ (UPR) đối với Việt Nam. UPR là cơ chế đánh giá định kỳ tình trạng nhân quyền tại các quốc gia thành viên LHQ. Mục tiêu của Dự án 88 và Đại học Chicago là cảnh báo về tình trạng nhiều người thông tin về vụ án Đồng Tâm bị chính quyền Việt Nam đàn áp ở nhiều mức độ khác nhau, từ gây khó khăn trong việc truyền tin lên các mạng xã hội cho đến bỏ tù.
***
BIẾN CỐ ĐỒNG TÂM là một BIẾN CỐ LỊCH SỬ PHỨC TẠP
Biến cố Đồng Tâm là một biến cố lịch sử với Việt Nam. Vụ bắt con tin đầu năm 2017, vụ cảnh sát tấn công ngôi làng vào tờ mờ sáng một ngày đầu năm 2020, bắn chết một cụ già hơn 80 tuổi tại nhà, chắc chắn sẽ ghi lại trong lịch sử Việt Nam như một bước ngoặt quan trọng trong quan hệ giữa chính quyền và xã hội.
Đây là một biến cố phức tạp diễn ra trong một bối cảnh phức tạp. Nhiều người coi đây là sự đối đầu giữa một chính quyền tàn bạo đã không từ một phương tiện gì để khẳng định sự thống trị tuyệt đối với xã hội. Một số người khác nhìn thấy ở đây những mâu thuẫn, đối kháng trong nội bộ “hệ thống chính trị” Việt Nam, giữa một bên là phe cánh thuộc thế lực cầm quyền chủ trương dùng bạo lực, cùng mưu mẹo để khẳng định sự thống trị, bên kia là những người dân tranh đấu bảo vệ quyền lợi của mình, nhưng vẫn nhiều phần đặt niềm tin vào sự “anh minh” của các lãnh đạo tối cao, có thể đưa ra một quyết định có lợi cho người dân. Ông Lê Đình Kình, theo lời thuật của người thân, vẫn còn tin tưởng vào lãnh đạo tối cao của Đảng gần như đến phút cuối cùng.
***
AI ĐÚNG ? AI SAI ?
Để quý vị, quý bạn có thêm thông tin cho phép xác định đánh giá về phần mình, chúng tôi xin chuyển đến những góc nhìn rất khác nhau về biến cố Đồng Tâm. Chắc chắn là nhiều bài vở, thông tin này một số quý vị, quý bạn đã từng biết. Nhưng có lẽ hiếm ai có thời gian và tâm trạng, để đối chiếu toàn bộ các góc nhìn đa chiều về biến cố Đồng Tâm, để đúc rút cho mình một cái nhìn mang tính tổng quan.
Từ “Biến cố Đồng Tâm” mà chúng tôi sử dụng ở đây là để chỉ một thực tại bao trùm cả vụ án Đồng Tâm ngày 09/01/2020 và những gì diễn ra sau đó (nỗ lực đưa tin, phân tích về vụ án, số phận những người liên quan, cũng như các phiên toà xét xử người dân Đồng Tâm), và những gì diễn ra trước vụ tấn công ngày 09/01/2020 (trong đó có vụ bắt giữ con tin, phong trào ủng hộ Đồng Tâm, các hành động của chính quyền Hà Nội, thanh tra chính phủ, cuộc chiến trên truyền thông liên quan đến Đồng Tâm…).
***
SÁU GÓC NHÌN RẤT KHÁC NHAU về “BIẾN CỐ ĐỒNG TÂM”
Có ít nhất 6 góc nhìn khác nhau chúng tôi muốn chuyển đạt lại nhân dịp này.
1/ Góc nhìn chính thống của chính quyền về vụ án. Góc nhìn này được báo chí chính thức chuyển tải. Nội dung chính là khẳng định cuộc tấn công là hợp pháp. Ông Lê Đình Kinh, người bị giết là người chống lại công an. Các bị cáo bị kết án tử hình là người giết chết ba cảnh sát…
2/ Về phía chính quyền, cũng cần chú ý đến một góc nhìn khác (quan điểm của một thiểu số). Cũng là chính thống, nhưng không hoàn toàn là quan điểm ủng hộ can thiệp bạo lực. Ngược lại, có cơ quan chính quyền tỏ ý tiếc là chưa làm hết nhiệm vụ, để xung đột bùng phát thành bạo lực.
3/ Góc nhìn coi chính quyền cộng sản Việt Nam là một thế lực hoàn toàn đối kháng với nhân dân. Mọi nhân nhượng, động tác hòa giải chỉ là thủ đoạn. Vụ tấn công làng Đồng Tâm phơi bày bộ mặt thật của chế độ. Để chuyển đạt góc nhìn này, chúng tôi xin giới thiệu bài viết “Nhớ ông Lê Đình Kình (1936 – 2020)” trên Facebook của nhà nghiên cứu văn học, Tiến sĩ Nguyễn Hưng Quốc, Đại học Victoria (Úc).
4/ Góc nhìn của những nạn nhân người Đồng Tâm, gồm những người đang bị giam giữ và thân nhân của họ. Những người phụ nữ trong gia đình ông Lê Đình Kình, đang tiếp tục phải sống trong cảnh vắng chồng, vắng cha. Đau khổ, phẫn uất, chán nản, tuyệt vọng, nhưng họ buộc phải sống vì con, vì cháu. Tiêu biểu cho góc nhìn này, chúng tôi xin giới thiệu bài “Ba người phụ nữ Đồng Tâm và 730 ngày phải sống” của tác gia May (trên Luật khoa Tạp chí), cùng một số bài viết khác.
5/ Một góc nhìn khác rất đáng chú ý, chủ yếu tập trung vào việc khôi phục lại diễn biến thực sự của vụ tấn công, để trả lại công lý. Ngược hẳn với quan điểm chính thống, góc nhìn này phơi bày ý đồ của những thế lực đứng đằng sau vụ tấn công, đưa ra giả thiết về nguyên nhân dẫn đến việc ba người cảnh sát chết cháy hoàn toàn khác với mô tả của chính quyền. Và mục tiêu tấn công nhà ông Lê Đình Kình trong đêm không liên quan gì đến cuộc tranh chấp đất đai Đồng Tâm, mà vì một ý đồ chính trị lớn hơn nhiều. Tiêu biểu cho góc nhìn này có bài “Giải mã vụ Đồng Tâm”, Giáo sư toán học Hoàng Xuân Phú, Viện Toán học Việt Nam, viện sĩ Viện Hàn lâm Khoa học Kỹ thuật CHLB Đức.
6/ Góc nhìn cuối cùng xin được giới thiệu là một góc nhìn khác hẳn những góc nhìn trước. Khác hẳn với góc nhìn chính thống, cũng như góc nhìn bênh vực các nạn nhân. Góc nhìn này cũng không nhằm khôi phục lại diễn biến vụ án Đồng Tâm, tức cuộc tấn công ngày 09/01/2020. Cái độc đáo của góc nhìn này là mong muốn phục dựng lại lịch sử trước cuộc tấn công Đồng Tâm, đặc biệt là những thất bại từ phía phong trào ủng hộ cuộc tranh đấu bảo vệ đất của người dân Đồng Tâm. Tiêu biểu cho góc nhìn này là bài “Ba bài học từ Đồng Tâm”, của tác giả Cái Lư Hương (Luật khoa Tạp chí).
***
THÊM CÁC THÔNG TIN KHÁC về vụ “ĐỒNG TÂM”
Về vụ Đồng Tâm, đáng chú ý là các nỗ lực cung cấp thông tin đầy đủ và đa chiều của Luật khoa Tạp chí, nơi đăng tải bài viết “Tổng hợp các thông tin cần biết về vụ án Đồng Tâm”, trong đó có giới thiệu “Báo cáo Đồng Tâm”, song ngữ Anh – Việt (dày gần 130 trang), do nhà báo Phạm Đoan Trang và nhà hoạt động Will Nguyen thực hiện, giúp độc giả tìm hiểu ngọn nguồn và các diễn biến của sự kiện vụ tranh chấp này.
Với những ai ít thời gian hơn, có thể dành 5 phút để tìm hiểu về vụ Đồng Tâm qua bài “Hỏi nhanh đáp gọn về vụ Đồng Tâm”, gồm 9 câu hỏi mà nhiều người quan tâm nhất về vụ án, bao quát từ nguồn gốc tranh chấp, các quy định luật pháp có liên quan, và cơ sở cho các hành động tấn công cũng như các cáo buộc của chính quyền đối với người dân Đồng Tâm.
***
Ảnh của báo Tuổi Trẻ :
Đông đảo người dân Đồng Tâm đón mừng ông Lê Đình Kình trở về sau thời gian điều trị tại bệnh viện Việt Đức, sau khi bị công an bắt, làm gẫy xương chân. Ảnh chụp đầu năm 2017.
Ist möglicherweise ein Bild von 3 Personen, Personen, die stehen und Menschenmasse

Đồng Tâm: “Sự thật” đã được chế biến như thế

Luật Khoa

Y Chan

10-1-2022

Danh sách dài những sự kiện bị bôi tẩy có thêm cái tên Đồng Tâm.

 

Sẽ còn bao nhiêu lớp “sự thật” nữa được phủ lên Đồng Tâm? Ảnh: Nam Trần/Tuổi Trẻ.

Hòn đá rơi xuống hồ, mặt nước sẽ gợn sóng. Hòn đá càng to, sóng càng lan xa. Đó là hiện tượng tự nhiên mà một đứa trẻ cũng biết.

Những sự kiện xã hội cũng vận hành theo quy luật tương tự. Sự kiện càng chấn động, dư âm của nó càng kéo dài.

Cuộc tấn công Đồng Tâm vào những ngày đầu năm 2020 là một sự kiện chấn động như vậy.

Theo lẽ thường, nó sẽ còn được nhắc đến rất nhiều lần, đặc biệt trong những dịp kỷ niệm.

Nhưng đó là lẽ thường, một thứ xa xỉ trong xã hội Việt Nam đương đại.

Vào những ngày đánh dấu tròn hai năm sự kiện Đồng Tâm, người dân không tài nào tìm thấy bất kỳ thông tin gì về nó trên hàng trăm tờ báo nhà nước.

Một sự kiện “khủng bố”, như cách chính quyền gọi tên, bỗng dưng mất tích một cách khó hiểu. [1]

Một vụ án có tới 29 người dân bị truy tố, trong đó hai người bị kết án tử hình, bỗng nhiên không còn được báo đài trong nước nhắc tới. [2]

“Ba chiến sĩ công an hi sinh trong khi làm nhiệm vụ” với những chiếc huân chương chiến công hạng nhất được ký tặng siêu tốc, chỉ một ngày sau khi cuộc tấn công diễn ra, giờ đây cũng biến mất khỏi ký ức của dư luận. [3]

Những người ủng hộ nhiệt thành câu chuyện được biến tấu nhiều lần của chính quyền liệu có bao giờ tự hỏi vì sao một sự kiện rúng động như vậy lại nhanh chóng rơi vào quên lãng? [4]

Vì sao chính quyền đến giờ này vẫn ra điều kiện, buộc gia đình ông Lê Đình Kình phải chấp nhận ông chết ngoài cánh đồng Sênh thay cho sự thật là ông bị bắn chết tại nhà? [5]

Vì sao người anh hùng bắn chết “kẻ khủng bố”/ ông già tật nguyền gần 90 tuổi Lê Đình Kình đến nay vẫn không dám xuất đầu lộ diện trước công chúng để kể về chiến công hiển hách của mình?

Vì sao khi các phiên tòa xét xử đã kết thúc từ lâu, số tiền phúng điếu hơn nửa tỷ đồng của người dân gửi cho gia đình ông Kình vẫn bị ngân hàng Vietcombank phong tỏa mà không có bất kỳ lời giải thích nào? [6] Nếu đó là tiền của “khủng bố” như Bộ Công an tuyên bố lúc đầu, vì sao họ không dám công khai đường hoàng xử lý theo luật? [7]

Quá nhiều câu hỏi vì sao đều dẫn về một câu trả lời: chính quyền đã nói dối.

Phiên bản lịch sử (đã bị chỉnh sửa nhiều lần) mà họ dựng nên về Đồng Tâm là một phiên bản dối trá.

Nếu ví cuộc đời như chiếc thuyền, sự thật là dòng nước, thì mỗi lời nói dối giống như việc tự đục thủng thuyền. Càng nói dối, thuyền càng nhiều lỗ thủng, và người trên thuyền càng phải ra sức bịt các lỗ thủng đó.

Chính quyền lựa chọn cách im lặng để không phải tiếp tục bỏ công sức ra bịt thêm những lỗ thủng/ lời dối trá mới.

Bằng cách đó, họ hy vọng dư luận sẽ nhanh chóng quên đi. Và sau này khi có nhớ lại, dư âm sẽ chỉ còn là những phiên bản lịch sử đã bị cải biên của họ.

“Sự thật” được xuất bản theo những cách thức như thế.

Đó hoàn toàn không phải là điều mới mẻ gì.

Đây là công thức xuất hiện trong mọi sự kiện xung đột lớn nhỏ của chính quyền với người dân. Những vụ cưỡng chế đất đai như tại Dương Nội, Thủ Thiêm hay Vườn Rau Lộc Hưng; các phiên tòa bỏ túi xét xử những người bất đồng chính kiến; những chiến dịch thanh trừng kiểu Cải cách Ruộng đất trước kia; và thông tin về các cuộc chiến tranh trong những thập niên qua – tất cả đều bị nhào nặn dưới bàn tay của chính quyền với mong muốn tạo ra một thế hệ mất trí (nhớ). [8]

Đồng Tâm không chỉ là một cái tên thêm vào danh sách dài dằng dặc những sự kiện lịch sử bị bôi tẩy.

Đồng Tâm, cùng với mỗi một sự kiện đó, là một chiếc kính chiếu yêu.

Để mỗi khi nhắc đến nó, yêu quái đều phải hiện hình.

Còn với những ai nhìn vào câu chuyện của người dân Đồng Tâm mà chỉ thấy hình ảnh quái vật, họ nên xem kỹ lại. [9]

Thứ họ đang thấy là gương mặt mộc trần trụi của chính mình.

_____

*Chú thích:

1. V. (2020, January 20). “Quốc tế hóa” vụ việc Đồng Tâm – một âm mưu gian trá, vô lương tâm. https://www.qdnd.vn. Retrieved 2022, from https://web.archive.org/web/20220109215435/https://www.qdnd.vn/phong-chong-dien-bien-hoa-binh/quoc-te-hoa-vu-viec-dong-tam-mot-am-muu-gian-tra-vo-luong-tam-608274

2. Yên Khắc Chính. (2021, March 8). Tổng hợp các thông tin cần biết về vụ án Đồng Tâm. Luật Khoa Tạp Chí. Retrieved 2022, from https://www.luatkhoa.org/2021/03/tong-hop-cac-thong-tin-can-biet-ve-vu-an-dong-tam

3. Báo Tuổi Trẻ. (2020, January 11). Truy tặng Huân chương Chiến công hạng nhất cho 3 chiến sĩ hi sinh tại Đồng Tâm. TUOI TRE ONLINE. Retrieved 2022, from https://web.archive.org/web/20200111080401/https://tuoitre.vn/truy-tang-huan-chuong-chien-cong-hang-nhat-cho-3-chien-si-hi-sinh-tai-dong-tam-20200111131749048.htm

4. Team, L. K. (2020, September 25). “Báo cáo Đồng Tâm”: Bạch hóa và lưu trữ. Luật Khoa Tạp Chí. Retrieved 2022, from https://www.luatkhoa.org/2020/09/bao-cao-dong-tam-bach-hoa-va-luu-tru

5. May. (2022, January 8). Đồng Tâm sau hai năm: Công an vẫn chưa cấp giấy chứng tử cho ông Lê Đình Kình. Luật Khoa Tạp Chí. Retrieved 2022, from https://www.luatkhoa.org/2022/01/dong-tam-sau-hai-nam-cong-an-van-chua-cap-giay-chung-tu-cho-ong-le-dinh-kinh

6. Xem [5]

7. Báo Pháp Luật. (2020a, January 17). Tài khoản “phúng điếu” ông Kình bị phong tỏa? PLO. Retrieved 2022, from https://web.archive.org/web/20200117154633/https://plo.vn/thoi-su/tai-khoan-phung-dieu-ong-kinh-bi-phong-toa-884449.html

8. Y Chan. (2021, March 14). Gạc Ma: Lời nhắc nhở về chứng mất trí (nhớ) tập thể. Luật Khoa Tạp Chí. Retrieved 2022, from https://www.luatkhoa.org/2021/03/gac-ma-loi-nhac-nho-ve-chung-mat-tri-nho-tap-the

9. May. (2022a, January 8). Ba người phụ nữ Đồng Tâm và 730 ngày phải sống. Luật Khoa Tạp Chí. Retrieved 2022, from https://www.luatkhoa.org/2022/01/ba-nguoi-phu-nu-dong-tam-va-730-ngay-phai-song

 

“Báo cáo Đồng Tâm để lưu lại tội ác của Chính quyền Cộng sản và để vận động quốc tế cho cuộc điều tra độc lập”

 

RFA
2020.09.29

BCDT1Báo cáo Đồng Tâm, ấn bản thứ 3 bằng song ngữ Anh-Việt là bản đầy đủ nhất trong 3 bản được phổ biến trong năm 2020.

 Courtesy: Báo cáo Đồng Tâm, RFA Edited

Báo cáo Đồng Tâm, được thực hiện bởi nữ nhà báo độc lập Phạm Đoan Trang và Will Nguyễn, một người Mỹ gốc Việt, từng bị Chính quyền Việt Nam bắt giữ trong đợt người dân trong nước biểu tình chống hai Dự luật Đặc khu và An ninh mạng hồi tháng 6/2018.

Nhà báo Phạm Đoan Trang dành cho RFA một cuộc phỏng vấn ngắn về ấn bản thứ 3 của “Báo cáo Đồng Tâm”. Trước hết, cô Phạm Đoan Trang cho biết về mục đích công bố ấn bản thứ 3 của Báo cáo Đồng Tâm, sau phiên tòa sơ thẩm xét xử vụ án Đồng Tâm kết thúc.

Nhà báo Phạm Đoan Trang: Mục đích của Will Nguyễn và tôi khi làm báo cáo này là chúng tôi tin rằng Chính quyền Cộng sản, hay các nhà nước độc tài nói chung, thì họ luôn luôn ghét văn bản. Chúng tôi hay nói đùa rằng “Nhà Sản sợ văn bản”. Tức là, cái gì được ghi lại thì họ ghét và sợ. Bởi vì, họ quen với mọi thứ bằng miệng, chỉ đạo miệng hay bằng tin nhắn, lệnh miệng…mà không phải bằng văn bản để dễ chối tội sau này. Đặc biệt họ rất ghét những hành động sai trái của họ, thậm chí là những tội ác của họ bị ghi chép lại. Ghi lại mà dù chưa bao giờ được công bố thì họ cũng ghét và sợ.

Chính vì thế mà chúng tôi muốn làm báo cáo này. Mục đích đầu tiên là có tác dụng lưu trữ. Họ càng không muốn bị ghi lại (vụ án Đồng Tâm) thì chúng tôi ghi nó lại. Và, ghi lại bằng một ngôn ngữ phổ biến là tiếng Anh để cho người đọc trên thế giới biết đến vụ án. Đồng thời, báo cáo cũng được ghi lại bằng tiếng Việt để cho người Việt Nam đọc. Mục đích báo cáo bằng song ngữ là vậy.

Thứ hai nữa, chúng tôi rất mong đây có thể trở thành một bộ hồ sơ, một công cụ để những người có thể có năng lực và có quan tâm thì có thể đi vận động quốc tế cho vấn đề Đồng Tâm để giúp đỡ cho bà con Đồng Tâm; ít nhất là họ tránh được án tử hình và chấm dứt việc họ bị khủng bố, đe dọa triền miên như thế này.

Chúng tôi rất mong đây có thể trở thành một bộ hồ sơ, một công cụ để những người có thể có năng lực và có quan tâm thì có thể đi vận động quốc tế cho vấn đề Đồng Tâm để giúp đỡ cho bà con Đồng Tâm; ít nhất là họ tránh được án tử hình và chấm dứt việc họ bị khủng bố, đe dọa triền miên như thế này.

Chúng tôi rất muốn quốc tế có thể lên tiếng đề nghị để Nhà nước Việt Nam đồng ý cho phía quốc tế mở một cuộc điều tra độc lập về vụ án Đồng Tâm. Tôi biết trên thế giới có những tổ chức có thể làm những chuyện đó một cách độc lập. Thật sự, tôi nghĩ vấn đề Đồng Tâm cũng chẳng cần để chuyên gia quốc tế điều tra độc lập. Bởi vì, những sai phạm của công an đã quá rõ ràng trong quá trình tố tụng. Cho nên, thậm chí họ chỉ cần cho phép điều tra độc lập ở trong nước thôi thì cũng tìm ra được sự thật rồi. Hồi ngày 13/1, Tạp chí Luật Khoa đã gửi một bản câu hỏi đến Bộ trưởng Công an Tô Lâm. Tôi nghĩ rằng Bộ trưởng Tô Lâm hay Bộ Công an mà trả lời trung thực một trong những câu hỏi đấy thì cũng đầy thông tin. Nghĩa là đối với điều tra độc lập, tôi nghĩ về mặt chuyên môn hay kỹ thuật thì không khó và không cần đến quốc tế. Thế nhưng, chắc chắn khi quốc tế đề nghị thì may ra Nhà nước Việt Nam còn cân nhắc, chứ trong nước thì người dân không thể nào đối thoại với nhà cầm quyền cả.

RFA: Trong nội dung của bản báo cáo có những câu hỏi và câu trả lời. Vì sao lại chọn hình thức báo cáo như vậy ?

Nhà báo Phạm Đoan Trang: Như vừa mới nói là chúng tôi muốn báo cáo được lưu trữ lại và có thể tiếp cận đông đảo độc giả. Chúng tôi cũng muốn báo cáo được viết một cách đảm bảo nguyên tắc khoa học, tức là phải chính xác dựa vào sự thật, bằng chứng…nhưng phải được viết bằng cách dễ hiểu, ai đọc cũng hiểu. Tức là, những người không hiểu biết gì về pháp luật, không cần có hiểu biết gì về lịch sử tranh chấp đất đai ở Đồng Tâm, không cần quan tâm đến quy trình là nhà nước đã đền bù chưa…mà chỉ cần đọc báo cáo này thì có thể hiểu toàn bộ vụ án đấy. Bằng nhận thức thông thường là có thể hiểu toàn bộ bản chất vấn đề vụ án Đồng Tâm.

RFA: Chúng tôi thấy có một điểm nhấn mạnh trong báo cáo mà dường như truyền thông cũng không được biết nhiều. Nhờ chị Đoan Trang cho biết thêm chi tiết, qua báo cáo, khi vụ việc Đồng Tâm xảy ra vào đêm rạng sáng ngày 9/1/2020 thì có những thông tin nào được tiết lộ để cho biết rằng đây là một kế hoạch quy mô của Bộ Công an và Chính quyền Việt Nam tấn công Đồng Tâm?

Nhà báo Phạm Đoan Trang: Theo như trong báo cáo, chúng tôi cũng đã vạch ra một điểm cho thấy rằng là không hề có chuyện công an đi đến bảo vệ việc xây dựng hàng rào Miếu Môn, rồi sau đó bị người dân từ trong làng kéo ra tấn công và công an tấn công ngược lại, truy sát và tiêu diệt các đối tượng, đồng thời vô hiệu hóa cuộc tấn công của bà con trong làng Đồng Tâm. Không có chuyện đó, mà tất cả là kế hoạch gọi là tác chiến đã được công an chuẩn bị từ lâu và họ chuẩn bị trên cả phương diện quân sự, vũ khí, số lượng quân lẫn phương tiện truyền thông.

Tôi nghĩ ít nhất đã có một cuộc diễn tập từ trước. Vào ngày 2/1, một người dân ở làng Đồng Tâm đã quay được một video clip diễn tập của công an giống y như buổi tấn công vào làng Đồng Tâm. Người quay clip đã gửi clip đó cho người dân làng Đồng Tâm. Sau đó, anh này cũng đã bị bắt. Trong cáo trạng có nêu chuyện đó. Clip này đã được gửi từ ngày 2/1, có nghĩa là công an đã tập dượt từ trước. Ngoài ra, còn rất nhiều các điểm khác cho thấy đã có sự chuẩn bị trước đó. Ví dụ như trên phương diện truyền thông chẳng hạn, họ đã hạn chế nội dung của một số facebooker nổi tiếng như Bùi Văn Thuận bị báo cáo hạn chế nội dung vào đúng ngày 8/1, trước khi xảy ra tấn công một ngày. Những facebooker khác thường hay nhận những lời kêu cứu từ dân làng Đồng Tâm như Phan Văn Bách, ở Hà Nội hay Bùi Thị Minh Hằng, ở Vũng Tàu cũng đều bị khóa facebook ngay trước giờ họ tấn công. Thật ra từ lúc buổi tối thì không khí đã rất căng thẳng, đã có rất nhiều tín hiệu SOS từ trong làng Đồng Tâm báo ra và tiếp theo là các trang web của làng Đồng Tâm đều bị đánh sập. Và, từ 3 giờ sáng đã có một làn sóng dư luận viên trên mạng chửi bới bà con Đồng Tâm rồi. Nếu không phải dư luận viên hay những người có nhiệm vụ thì chẳng ai thức từ 3 giờ sáng cả. Tức là đã có sự chuẩn bị từ trước rất kỹ càng.

 

Các bản án tù dành cho 29 người dân Đồng Tâm, được tuyên trong phiên tòa sơ thẩm ngày 14/9/2020.

 

 

Các bản án tù dành cho 29 người dân Đồng Tâm, được tuyên trong phiên tòa sơ thẩm ngày 14/9/2020.

Courtesy: Báo cáo Đồng Tâm, RFA Edited

RFA: Qua diễn tiến tại phiên tòa sơ thẩm, báo cáo nhấn mạnh những điểm nào để cho thấy phiên tòa này là không hợp pháp?

 

Nhà báo Phạm Đoan Trang: Ngay từ đầu phiên tòa này đã không hợp pháp vì đã không đảm bảo quyền được xét xử công bằng (right to fair trial) của các bị cáo. Bởi do tất cả các lời khai mà phía công an có được nhờ vào ép cung và tra tấn. Chỉ vì điều đó thì đã khiến cho những lời khai trở thành vô giá trị rồi. Thế nhưng chúng ta cũng thấy rằng họ vẫn tiến hành phiên tòa, thậm chí là đây là phiên tòa độc nhất vô nhị trong lịch sử (tư pháp) của thế giới vì phiên tòa kết tội dựa vào phim tài liệu.

Ngay từ đầu phiên tòa, họ đã cho chiếu một phóng sự tài liệu. Không biết đơn vị sản xuất phóng sự tài liệu đó là đơn vị nào, nhưng nó có đủ cắt ghép, dàn dựng, biên tập, lồng cả âm thành và nhạc vào để mô tả lại buổi tấn công-trận đánh của các chiến sĩ công an tối hôm đó. Có cả những nhân vật không rõ mặt ném cái gì đó cháy sáng từ trên xuống. Sau đó nửa cuối phóng sự, mô tả bi kịch của 3 gia đình chiến sĩ bị sát hại với nước mắt của vợ con họ…Đại khái đó là một phóng sự tài liệu và chẳng có tòa án nào trên thế giới dựa vào phóng sự tài liệu được biên tập cẩn thận như thế để kết tội người ta.

Về luật sư, cứ hễ luật sư muốn biện hộ cho bị cáo thì người ta cho chiếu ngay một cái clip nhận tội của bị cáo. Bị cáo nào cũng có clip nhận tội hết. Và họ nhận tội trong bộ dạng mặt mày bị sưng húp hay hình hài biến dạng bị teo tóp, gầy sọp. Nói chung nhìn qua là biết tất cả bị tra tấn.

Ngoài ra còn một điểm nữa chúng tôi nhấn mạnh trong báo cáo là công an vi phạm tố tụng ngay từ đầu, cụ thể đã vi phạm Điều 49 Bộ luật Tố tụng Hình sự. Tức là, khi công an là một bên gây án, tấn công vào làng, gây ra cái chết cho cụ Lê Đình Kình và công an cũng là bên điều tra.

Chúng ta không thể nào có được kết quả điều tra chính xác vì kẻ gây án lại chính là kẻ phá án, thì làm sao độc lập được? Biên bản được công an lập thật là nực cười, tức là người nổ súng bắn chết cụ Kình thì được gọi là “bị hại” và người đó là cảnh sát hình sự của Công an Hà Nội. Nói chung, tôi không thể hiểu nỗi tại sao lại trắng trợn và trơ trẽn đến như vậy?

RFA: Trong bản báo cáo, chúng tôi cũng thấy tại khoản X liệt kê một số điều cho thấy Chính quyền Việt Nam đang vi phạm nhân quyền qua vụ án Đồng Tâm và phiên tòa xét xử vụ án này. Chị Đoan Trang có thể nêu lên một cách chi tiết về các điều minh chứng vi phạm nhân quyền đó?

Nhà báo Phạm Đoan Trang: Vụ án này là một điển hình rất rõ ràng vi phạm những chuẩn mực tố tụng, vi phạm quyền xét xử công bằng cũng như vi phạm rất nhiều quyền khác, nhân quyền căn bản từ những việc bao gồm đánh đập, tra tấn, ép cung, biệt giam cho đến việc gọi là sử dụng truyền thông để tấn công và bôi nhọ các bị cáo, định hướng dư luận ngay từ đầu. Một trong những cơ quan tham gia tố tụng gồm cả điều tra và xét xử, thậm chí là bên gây án và dấu hiệu bất công đã quá rõ ngay trong phiên tòa. Như là luật sư của bào chữa cho các bị cáo, họ tranh tụng kiểu gì thì tòa án cũng không quan tâm, không trả lời, phớt lờ đi. Họ cứ đưa các clip nhận tội ra để làm bằng chứng rằng đã nhận tội rồi thì còn gì để nói nữa.

Còn phía luật sư của “bị hại”, tức là luật sư của 3 cảnh sát được cho là đã chết trong vụ Đồng Tâm thì nói gì cũng được tòa đồng ý, hưởng ứng và ủng hộ.

Do đó, không chỉ vi phạm những điều về nhân quyền căn bản mà còn vi phạm một cách gọi là trơ trẽn, không màng che đậy. Và đến ngày 10/9 là ngày đỉnh điểm, khi công an và an ninh mặc thường phục có hành động sách nhiễu và tấn công luật sư. Họ đẩy luật sư từ trên cầu thang xuống đất.

Nếu phân tích thêm thì còn nhiều vi phạm lắm. Nhưng trong báo cáo thì chúng tôi chỉ nêu được một số vi phạm căn bản đối với luật pháp Việt Nam cũng như đối với luật pháp quốc tế.

 

Báo cáo Đồng Tâm, ấn bản thứ 3 được công bố ngày 25/9/2020.

 

 

Báo cáo Đồng Tâm, ấn bản thứ 3 được công bố ngày 25/9/2020.

Courtesy: Báo cáo Đồng Tâm, RFA Edited

RFA: Dưới góc độ của một nhà hoạt động dân chủ, nhân quyền ở Việt Nam, chị Đoan Trang nhìn nhận qua vụ việc Đồng Tâm và phiên tòa Đồng Tâm diễn ra cho thấy điều gì tại đất nước Việt Nam? Và, nếu vụ án Đồng Tâm trong những ngày sắp tới không được xét xử một cách nghiêm minh thì kết quả sẽ thế nào?

 

Nhà báo Phạm Đoan Trang: Vụ án Đồng Tâm, tôi nghĩ đó là một vụ án cực kỳ nghiêm trọng nhưng không phải theo nghĩa nghiêm trọng của nhà cầm quyền nói.

Nhà cầm quyền gọi đó là “vụ giết người và gây rối trật tự công cộng” ở thôn Hoành, xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, thành phố Hà Nội. Tức là, nhắm vào việc buộc tội những người nông dân đã giết người và gây rối trật tự công cộng.

Tôi thì cho là vụ án nghiêm trọng theo một cách khác. Vụ án này nghiêm trọng vì vụ án có đầy đủ dấu hiệu của việc giết người, cướp của. Ở đây, tài sản của gia đình cụ Lê Đình Kình bị cướp, đặc biệt trong đó có giấy tờ liên quan quá trình tranh chấp đất đai giữa người dân Đồng Tâm với nhà nước. Toàn bộ bằng chứng giấy tờ đó đều bị lấy sạch. Thậm chí, TV và tủ lạnh ở nhà cụ Kình cũng bị công an khuân đi. Tôi cho rằng đây là một vụ án giết người, cướp của và diệt khẩu.

Không phải ngẫu nhiên mà họ cố tình ngay lập tức biệt giam những người ở làng Đồng Tâm. Tất cả 29 người Đồng Tâm bị bắt thì lập tức họ bị biệt giam ngay từ đầu. Họ không được tiếp xúc với bất kỳ ai. Tức là trong quá trình thẩm vấn, họ bị biệt lập, bị tra tấn và đặc biệt không ai trong số họ được biết những người còn lại ra sao. Họ chỉ có thể nhìn thấy mặt nhau tại phiên tòa. Đương nhiên là họ không được gặp gia đình. Luật sư cũng chỉ được gặp họ trong thời gian cực kỳ ngắn trước khi phiên tòa diễn ra. Thật sự thì luật sư không thể nào làm được gì cả. Đấy cũng là điều vi phạm tố tụng vì luật sư không được tạo điều kiện để làm việc liên quan vụ án.

Còn tác động lâu dài từ vụ án Đồng Tâm đến tình hình chính trị ở Việt Nam từ nay trở đi, tôi nghĩ rằng vụ án Đồng Tâm có một tác hại rất lớn đối với Đảng Cộng sản cầm quyền. Tức là, đối với họ thì có tác dụng tốt ở điểm vì thật sự đã gây ra một sự sợ hãi. Tôi tin rằng toàn bộ làng Đồng Tâm từ giờ phút diễn ra cuộc tấn công cho đến giờ là bà con sống trong sợ hãi, bà con bị đe dọa và khủng bố triền miên, bà con bị chia rẽ, phân hóa…Và những người sống sót được, tôi nghĩ họ bị sang chấn tâm lý và không bao giờ thoát khỏi nỗi sợ từ bây giờ cho đến cuối đời.

Với những người không phải là dân làng Đồng Tâm, dân chúng trong cộng đồng và toàn xã hội nói chung thì rõ ràng vụ án này cũng đã gây ra một nỗi khiếp sợ, ngay cả giới hoạt động nhân quyền, tôi nghĩ rằng họ cũng sợ. Bởi vì không ai có thể tưởng tượng được một nhà nước giết dân.

Tác dụng của vụ án Đồng Tâm đối với nhà cầm quyền đúng là đã gây ra sự sợ hãi thật. Nhưng tôi nghĩ rằng sau vụ này thì lòng tin của một bộ phận khá đông dân chúng vào Đảng cầm quyền và vào luật pháp của Việt Nam bị sụt giảm đáng kể. Bởi vì, người dân thấy rằng bao giờ kẻ mạnh cũng thắng và chính quyền luôn thắng. Bất cần lý lẽ, chính quyền cứ mang súng và mang còng đến là xong. Cho nên, họ không tin vào Đảng và không tin vào luật pháp nữa. Chẳng có luật nào xử người dân cả. Chẳng có tòa án nào công minh để cho họ dựa vào. Hay chẳng có luật sư nào có thể tranh tụng cho họ. Tóm lại, lòng tin của một bộ phận khá đông trong dân chúng, đặc biệt là các đảng viên bị giảm sút. Đó là thiệt hại đối với Đảng CSVN cầm quyền.

RFA: Cảm ơn chị Phạm Đoan Trang dành thời gian cho cuộc phỏng vấn này với Đài Á Châu Tự Do.

Báo cáo Đồng Tâm (PDF)

Bài thơ Đồng Tâm

Nguyn Đc Tùng

clip_image002

1.

Trời mưa suốt ngày ở Đồng Tâm

Khi chúng tôi đưa ông về với đất

Về với cánh đồng, một người nông dân nói

Sau này nhớ lại, không biết mưa hay nước mắt

Khi lắng nghe bản nhạc cầu hồn

Chúng ta nghe ngàn bước chân dồn dập

Hay tiếng thì thầm

Tiếng đập cửa nửa đêm

Như ngày chiến tranh xưa

Khi những ngả đường chưa giăng bẫy

Chúng ta đến đây sau mưa nhìn đồng Sênh chảy máu

Cho anh nắm tay em

Vị nồng chát mùa xuân nung nấu đất trời

Trong hạt thóc rơi

Trong khói đốt cỏ lác bay mờ ngoài đồng

Trong tiếng kèn xung trận

Tiếng vĩ cầm, cello thánh thót

Làng quê bị vây hãm

Bản nhạc buồn réo rắt năm xưa

Một ngàn người chết qua một đêm

Trong tuyết

Vì súng đạn, vì dịch hạch, vì cúm, vì đói khát

Người ta chỉ đếm những con số giới hạn

Không phải lòng yêu nước

Chỉ đếm những cái tên

Không phải máu, nước mắt

Chỉ đếm những phát súng

Bắn vào tim, vào đầu

Biết chắc nạn nhân sẽ chết

Không tính những phát súng bắn vào chân vào tay vào đầu gối

Những báng súng vào vai vào háng vào ngực

Cuộc chiến tranh với nông dân: không bắt tù binh

Đây là thời gian

Tất cả sẽ bắt đầu

Chúng đánh vào dân tộc những đòn đau nhất

Vào mùa dịch Vũ Hán lấp ló chân trời

Khi thế giới hoảng loạn

Đánh vào tim, đánh vào ngày Tết

Vào ngày giỗ chạp, tiết thanh minh

Vào cô Kiều đi xem lễ hội

Vào ngày rằm trăng sáng mênh mông

Đánh vào dĩ vãng chiến tranh buồn thương, dĩ vãng ngọt ngào

Trên bãi bồi, chim chào mào, tu hú

Đánh vào mùa lúa mùa khoai mùa bắp

Vào người nông dân bán mặt cho đất bán lưng cho trời

Đánh tan tác tình nghĩa cha ông

Sau chiến tranh, chúng ta lại có hoà bình

Sau những năm mất mùa, chúng ta lại được mùa

Anh mất em, anh lại trở về

Tình yêu bén lửa

Trong mùi phù sa sông Hồng

Nơi anh chưa từng đi qua một lần

Mà đã nhớ

2.

Trời mưa suốt ngày ở Đồng Tâm

Khi chúng tôi đưa ông về với đất

Về với cánh đồng, một người nông dân nói

Không biết mưa hay nước mắt

Trên mặt những đứa trẻ lấm bụi đứng hàng dài

Khi chiếc quan tài đi qua

Mặt chúng khô như mặt ruộng nứt nẻ

Nhiều ngày không mưa

Trên mặt những người trẻ tuổi cúi gập người đưa tiễn

Chân trần, móng chân bết bùn đen ruộng lúa

Trên mặt người đàn bà ngẩng đầu lên

Nhìn trời mây đen vần vũ, lo âu, không sợ hãi

Chờ một người đến cứu

Một người chắc chắn sẽ đến

Ngày mai

Từ bên kia cánh đồng

Sau cơn mưa, gió thổi ngoài đê vắng

Mùi lúa, mùi nhựa cây, mùi phân trâu

Mùi xác chết thối rữa

Mặt trăng lên cao nhìn xuống khổ đau

Của dân tộc, muốn biết vì sao

Mời bạn đến đây

Tám ngàn khuôn mặt héo gầy sau tám ngàn cánh cửa

Chờ đợi, bàng hoàng, hoảng sợ

Câu hỏi trên mặt người cúi xuống

Nước mắt nhỏ trên đường quê lặng lẽ

Bụi bay mờ lòng thù hận

Mọi thứ nay đã dần yên tĩnh

Người bị đóng đinh trên thập giá

Vẫn chưa về

Cơn dông bão đã qua

Lũy tre thức giấc

Tiếng đập cửa

Lựu đạn cay

Thuốc mê

Khói xông vào nhà

Tất cả đã tắt

Mùi khét lẹt bay trong vạt áo

Những tên chỉ điểm xông xáo nhất

Cũng đã trở về nhà

Ngày mai trời sẽ mưa trở lại

Con đường vào làng bụi bay trắng xóa

In nghiêng bóng núi

Xa xa dòng sông chảy qua

Một con mèo vào mùa động dục

Kêu réo, nhảy ba bước xuống tường qua rào gai kẽm sắc

Như trong cơn mộng dữ

Khi chúng nổ súng bắn vào ngực cụ Lê Đình Kình

Ba giờ sáng, trước bình minh

Bắn vào trái tim Việt Nam

Ruộng đồng Việt Nam chảy máu

Máu không chảy ngoài đường

Anh đừng mời nhân loại đến xem

Chúng tôi làm gì sang trọng thế

Như trong thơ Pablo Neruda

Đọc ra rả trên quảng trường

Trong các liên hoan thơ Á Mỹ Âu này nọ

Không có đâu

Máu chảy khi chúng tôi cầu nguyện

Trong góc nhà

Nơi người mẹ cho con bú

Nơi người già đang ngủ

Máu chảy trên giường

3.

Ngày đoàn viên hồng hào như mái ngói

Nỡ nào anh lại ra đi

Anh đứng bên kia cánh đồng xanh

Từ Hà Nội nhìn về hướng ấy

Về Đồng Tâm, Mỹ Đức

Cách Hà nội ba mươi lăm cây số Tây Nam

Chúng ta thử xem trong mười lăm giây cái gì hiện ra

Đây là những thông tin ai cũng biết

Nếu muốn biết

Hơn chín ngàn người

Hai ngàn rưỡi nóc nhà

Thôn Đồng Mít, thôn Hoành, mười bốn xóm

Nhưng nhiều người không biết

Bây giờ, ở đây

Anh và em ở đây

Hoa trái vào mùa

Bầy ong đi làm mật

Anh tập đánh vần câu nói của em

Gió bấc, mưa rào, rì rào thóc giống

Bờ ao dâu bèo chuồn chuồn bay lên đậu xuống

Nơi ngày xưa công chúa đến rửa mặt

Vua Trần tuốt gươm

Ngày quân Pháp bắn vào làng hàng cau cháy xém

Tuổi thơ yên ngủ

Hai cuộc chiến tranh, ba cuộc chiến tranh

Những đúng và sai lẫn lộn

Những giả và thật lẫn lộn

Sông lặng thầm tiếng chảy

Núi Tam đảo đứng thừ người suy nghĩ trong mây

Không tìm ra chân lý

Chân lý là tiếng vạc kêu sương

Xác tôm cá phơi đầy mặt đất

Trên bãi biển chiều

Người vượt biển ra đi mang theo mùi cá

Mang theo quả vải đầu mùa, đỏ như huyết cầu

Nghĩ ngợi chẳng ăn thua, hối hận chẳng nhằm nhò

Cãi nhau dở cười dở khóc

Anh em bữa ăn bỏ đũa đập bàn

Nội chiến: những người chết oan

Lại chết thêm lần nữa

Dân tộc ném vào lửa chiến tranh

Những năm cuối cùng đại học

Những sinh viên sĩ quan chưa ra trường

Mỗi ngày một đại đội qua sông

Nhiều người không biết bơi

Trên chiếu bạc Thượng hải kẻ chơi xì phé đánh ván bài cuối cùng

Chúng ta chưa kịp trở tay

Thì chúng đến

Tội ác đến

Giữa những vì sao rạo rực

Anh chưa kịp hôn em

Thì chúng đến

Màn cửa hồng đào đã kịp mở ra đâu

Ong chưa kịp bay giữa nhành dâu tím biếc

Người nông dân chưa kịp rửa chân, lên giường, ngủ thiếp, mí mắt

Còn rung trong giấc mơ

Người vợ mới cưới hãy còn e lệ

Đi qua trước mặt mẹ chồng

Chưa có giờ trang điểm phòng the

Sau đám mây trăng vừa lu vừa tỏ

Sao Thần nông lấp ló đợi chờ

Thì chúng đến

Chúng ở cách chúng ta một cánh đồng

Bên kia thành phố

Mà ở cách ta ngàn dặm

Ở cách ta ngàn năm lịch sử

Chúng sinh ra từ nhân dân

Nhưng không phải là nhân dân

Trong những ngày chúng ta yêu nhau tha thiết

Hồn nhiên cười nói rỡ ràng

Chúng âm thầm nằm im trong bụi rậm

Không phải bụi rậm, mà trong những tòa nhà cao sang

Gái non chuốc rượu, thi sĩ chầu hầu đọc thơ, bàn mưu tính kế

Trước ao sen mùa hạ

Đặt nhân dân vào hỏa điểm

Ngắm như ngắm quân thù

Mà bắn

Chỉ mười hai giờ nữa đạn sẽ xuyên qua đây

Bức tường này

Gặm hết da thịt

Nuốt hết hương hoa

Giật lấy những giọt lệ riêng tây

Của anh và em

Chúng ta non dại

Không nhìn thấy vết thương bầm tím bầu trời

Trí thức bạc đầu còn ngủ mê như trẻ

Người nông dân ngàn năm hiền lành

Niềm tin yêu ngờ nghệch

Nằm trên mộ người chết như con chó nhỏ

Trên ngọn đồi

Mùa dâu vàng rực rỡ

Không biết rằng chúng sẽ đến nữa

Sau khi bị đánh cho tan tác

Nỗi thù hận đắng ngắt

Chảy bừng bừng trong máu huyết

Khi ta nhìn đời toàn thấy những cành tơ

Chúng chỉ thích mùi khói bay khét lẹt

Em ơi ngày mới đến

Chồi xanh lại ra hoa

Chúng ta bằng lòng mà không mấy khi tự hỏi

Tổ quốc thu về một mối là đâu

Ngôi làng nhỏ, một cánh đồng

Ven bờ phất phơ lau trắng

Tiếng trẻ học bài

Sắc hoa đào im lặng trong mưa bay

Hoa gạo cuối trời

Bến đò đưa em đi học

Những chàng trai cười trong nắng sớm

Ma trơi bay ngoài nghĩa địa

Con nai cuối cùng lững thững bước qua sương mù

Sẽ bị đốn hạ ngày mai

Quê hương trở mình nhức nhối

Chúng tàn phá, tàn phá, tàn phá mãi

Những kẻ quen thói hung hăng

Bắt đầu biết sợ

Thanh gươm của chúng ta không phải là gươm

Chỉ là lời nói thật

Đã đóng hồ sơ ngăn nắp gói kỹ càng trong giấy báo, bọc ni lông

Để trong két sắt

Để yên lòng thế hệ mai sau

Tài sản cha ông, cháu con giữ lấy

Từ đêm tối đến bình minh

Hết tháng chạp trời rét căm căm đến tháng năm mùa sen trẩy hội

Tổ quốc gọi thì đi

Đâu biết cái gì là tổ quốc

Thời đại những kẻ lừa đảo đi đầy đường

Đại bác của lòng tham gầm vang trong biệt thự

Trong tiếng thì thào

Bên gối

Chúng ta nói quá nhiều về biển đảo, núi sông, rừng vàng biển bạc

Nói quá nhiều về tình yêu bảng đen phấn trắng

Về thánh Gióng, vua Hùng

Riết rồi thành bọn nói dối như nhau

Thờ cúng chính mình

Thấy hương hoa chân dung trên bàn thờ mà tưởng thật

Đi lầm đường trật lất cứ tưởng sắp về nhà

Xin lỗi em, nhà ở đâu

Con đường đầy cỏ lau, sim dại, ngọn đèn khêu mãi

Không hết đêm

Giương mắt buồn nhìn nhau sao không chịu ngắm chân trời

Nơi bầy sói đã về rồi

Hú rộn trong đêm, bụi tung mù trời, mờ hướng sao rơi

Chúng lùng sục khắp nơi

Tìm tiền, tìm của

Phật trên chùa cũng bán

Chúa cũng khiêng đi

Sá gì một cánh đồng một khoanh đất mà mong

Những thế hệ máu đổ dài bước chân Nam tiến

Lũ lụt, người chết

Đê vỡ, mất mùa

Trong những đám tang

Lòng tham vẫn không chểnh mảng

Thức dậy đúng giờ, sớm hơn thượng đế

4.

Anh đi giữa mùa hoa xoan

Hỏi hội chèo làng Đặng

Em cười hỏi anh ở đâu về

Mà đi tìm quê Nguyễn Bính

Một dân tộc bị cái đói hành hạ

Nay lại bị đồng tiền hành hạ

Một dân tộc bị lời nguyền rủa của đồng tiền

Cướp đất, cướp biển, cướp làng

Thân tàn ma dại

Hãy nhớ

Những người mắc trong kẹt cửa

Những người nổ tung lên trời

Những người nằm suốt ngày trong hang tối

Chờ đợi mặt trời không đến

Hãy nhớ những giấc mơ của họ

Những phép lạ chỉ có trong thời tiền sử

Chúng dệt mãi lòng thù hận trong bóng tối khi chúng ta đã quên

Như dòng sông chứa đầy xác chết chảy quanh co trong rừng

Cướp đất và trả thù

Trả thù và cướp đất

Cái nào quan trọng hơn

Em đừng hỏi quá nhiều

Không có câu trả lời

Trong nắng chiều tà giới trí thức tinh hoa tàn tạ

Trong những dạ hội thâu đêm suốt sáng cốc thủy tinh vỡ liên hồi

Linh cửu một người già đi qua

Người bị đóng đinh trên thập giá

Dưới bầu trời ảm đạm

Ông có trở thành bất tử không

Đến khi chết vẫn không ngờ được

Người giết mình là ai

Dưới các tầng trời sao thiên thần bay đi đâu

Trong quả thị vàng bà tiên xưa đã chết

Em vặn ngọn đèn thấp xuống

Thì thầm thức thâu đêm

Máu của đêm chảy ra từ cánh cửa nhà tù

Nơi chúng tra tấn những người sống sót

Con cháu của làng Hoành

Của cánh đồng Sênh

Tát vào mặt người đàn bà

Tra tấn đòn roi người chết

Sau lưng, sau ót, bắn vỡ đầu gối

Máu chảy trên các sườn đồi

Tiếng cười man rợ của mặt trời buổi sáng

Máu chảy trong tiếng rú gào của bầy sói

Máu chảy trên cán cuốc

Trên những vết đạn ghim đầy tường

Trên nỗi buồn của chúng ta, anh và em

Máu chảy trong tim những người xa tổ quốc

Dân tộc bàng hoàng tỉnh giấc

Máu chảy từ mặt trăng cuối lũy tre làng

Máu chảy trên thềm nhà, trên ghế xô pha, trên cầu thang gác

Mùi xăng khét lẹt, máu chảy trên màn vô tuyến truyền hình

Trên ngực đứa trẻ sơ sinh ba tháng tuổi

Trên môi người góa phụ Dư Thị Thành

Trên mái tôn

Trong lòng giếng trời

Của những người làm kiếp thiêu thân oan ức chết

Máu dẫn chúng ta qua ngõ hẹp

Đi qua lũy tre xanh

Đi qua thời gian

Đi qua những hạt lúa chín vàng

Sợi dây điện vứt lại bên hàng rào

Kíp nổ, lựu đạn, tàn thuốc lá, ly cà phê uống dở, tách trà tan vỡ, giọt máu đọng trên tấm mạng nhện

Trên đuôi con chó nhỏ sợ hãi nằm yên sau cửa, máu chảy trên sữa trẻ con

Trên linh hồn người tỉnh thức

Trên tuổi trẻ chúng ta buồn bã

5.

Không tội ác nào sinh ra trong một ngày

Chúng đã sinh ra từ hôm ấy

Từ những lỗi lầm đầu tiên

Từ ngã rẽ bất ngờ dại dột

Không tội ác nào là bất ngờ

Chúng đã đến đây nhiều lần

Buổi sáng buổi chiều buổi trưa

Giữa vợ và chồng, chúng nằm xuống

Giữa những vần thơ

Tội ác bám vào chúng ta như đĩa trên chân người bộ hành

Chúng hút máu chúng ta và thay máu khác

Từ trong mùi thơm của biển tội ác lớn lên

Từ trong ánh điện đầu tiên ngày hòa bình tội ác lớn lên

Từ trong nỗi sợ hãi mà chúng ta gieo cho nhau tội ác lớn lên

Chúng đi cày ruộng lấm láp

Chúng đi xe hơi Audi bóng loáng

Chúng ngồi bên xị rượu đế

Chúng ngồi bên cốc rượu vang sang trọng, Chivas 18, Chivas 25

Chúng choàng khăn phula đỏ

Trong những bài xã luận dối trá

Trong vần thơ ba xạo

Trong tiếng đàn ghi ta dạo quán hớt tóc

Trong mũ mão vua quan

Trong áo đại cán

Trong tà áo lụa học trò bay phấp phới còn trinh

Qua trường Đồng Khánh cũ

Trường Trưng Vương Hà Nội

Marie Curie

Trường Bưởi

Tội ác sinh ra nơi không ngờ được

Giữa miệng nói cười

Trong bữa tiệc sang trọng

Bên nồi canh rau mác

Làng quê

Từ kẻ nô lệ đến bọn đè đầu cưỡi cổ

Tội ác sinh ra mà chúng ta không biết

Chúng chỉ đòi một thứ, đòi mải miết, đòi quyết liệt

Dần dà, tương cà, muối mắm

Xe hơi, nhà lầu, thiệp cưới, phong bì

Tiếng thì thầm bên rào tường vi, cái bắt tay lạnh lẽo

Cái ôm hôn nồng ấm, lau vội rồi đi

Chúng đòi một thứ: sự thỏa hiệp

Và ngụy biện, ngụy biện, ngụy biện.

Tôi ác bắt người trí thức phải thuộc bài

Không những thuộc bài, anh còn trở nên sáng tạo

Còn nghĩ ra thêm nhiều trò cho chúng

Như Ba người khác của Tô Hoài

Đã chết rồi vẫn còn sợ hãi

Khi chúng giẫm bàn chân kiêu ngạo lên ngực đồng bào

Anh ta nghĩ đó là hoa sen đất Phật

Khi chúng vặt lông những con chim cuối cùng

Anh ta nghĩ đó là phép chữa bệnh

Khi chúng phá nát cánh đồng, chặt những cành cây sai quả

Anh ta nghĩ đến những lâu đài rực rỡ

Mà những lâu đài quả thực cũng mọc lên

Phấp phới ngọn cờ thiêng

Vẽ hình đồng tiền ở giữa

Quả thực đó là những ngôi nhà sang cả

Người ở một đêm ba trăm đô, năm trăm đô, một ngàn

Làm anh quên mất thuở anh trèo dừa chạy chơi bên bờ sông

Thuở trời xanh tha thiết

Làm anh quên mất cứ tưởng muốn làm giàu thì phải giết

Muốn hạnh phúc thì phải chà đạp lên người khác

Muốn khôn ngoan phải biết chạy thoát quê nghèo

Không phải đi tìm vị thuốc cứu người

Mà đi tìm vị thuốc trường sinh cho chính mình

Hay cho vợ con mình

Hay cho con bồ nhí

Lông nhiều

Đêm ngày thỏ thẻ: ôi anh yêu

Vì nó

Anh sẵn sàng bịt mắt

Mà không có nó

Anh cũng bịt mắt bịt tai

Quê hương la đà những tổ chim, chúng hót cho ai?

Gió nồm, gió chướng, gió lào, gió bấc

Hoa tím luống khoai, mặt đất cày phơi ải

Dàn bầu xưa của mẹ

Mùi hoa lý đêm đêm

Em về

Những thèm khát thời mới lớn

Đồng quê thanh bình

Đã chết theo viên đạn đầu tiên bắn vào trái tim

Của một người đàn nông dân tám mươi ba tuổi

Vô tội, hiền lành, chất phác

Một phát đạn trúng tim các bạn

Thưa các bạn

Những đứa trẻ chạy chơi chang chang nắng ngoài đồng

Những người già sắp xuống lỗ

Những người ngọn đèn thầm vặn nhỏ

Ở Paris

Những người vì đâu xa đất nước

Người thắng cuộc, người thua

Chúng bắn một người hôm qua

Khi mới hết canh ba, đầu canh tư

Chúng bắn bằng đạn gì không ai biết

Mặt đầu mờ sương mù

Chúng bắn bằng súng gì không ai biết

Chúng mổ bụng lấy đi

Những tang chứng cuối cùng

Không phải tang chứng về cái chết

Mà tang chứng về sự sống

Về sự hồi sinh rực rỡ

6.

Cuối cùng, sau tất cả mọi chuyện, điều còn lại trong căn nhà

Là những vết đạn, bức chân dung một cụ già

Nụ cười hiền từ, chòm râu trắng xóa, bức ảnh ngày đám cưới

Người vợ trẻ hơn hai mươi tuổi, điều cuối cùng

Sau tất cả mọi chuyện là cái giếng trời, không sâu lắm

Đủ giết ba người, ngọn lửa bí mật, thây cháy thành than

Một giáo sư toán

Về thăm, đo đi tính lại, vẫn không giải thích được, máu và nước mắt

Mọi thứ bắt đầu ra sao, những kẻ nào đứng trong bóng tối

Nửa đêm tấn công người vô tội, oán hận ngất trời

Năm 2020 mở đầu, ngay trước tết, dùng cái chết

Bắt người nông dân cúi đầu, dùng khổ đau

Dẫn đường dân tộc, một trăm năm trước

Con đường bắt đầu từ Saint Petersburg

Hay từ năm mươi năm trước, cuộc cách mạng văn hóa

Dân tộc ngã vào hố thẳm. Càng đi càng lạc đường

Một dân tộc đầy lòng yêu thương đã trở nên thù hận

Hung hãn, sau tất cả mọi chuyện, mưa bắt đầu rơi

Xuống cánh đồng, máu đã lau xong, đất rơi vào tay chúng

Đất vàng đất bạc

Kẻ độc ác thoát khỏi tòa án dư luận

Căm hận lắng xuống, đọng lại như trầm tích

Thèm mồi lửa, chờ ngày bốc cháy

Anh tập ngủ một mình với đêm

Tập nhìn sao trời đổi ngôi

Để nhận ra em

Sự hào nhoáng phục kích chúng ta

Giai cấp thượng lưu mà chúng ta xua đuổi phục kích chúng ta

Phép hùng biện điêu ngoa phục kích chúng ta

Không phải chúng mà hồn ma của chúng

Gái đẹp phục kích chúng ta

Anh làm sao biết lá bàng

Rơi vào nhà hàng xóm

Tâm hồn trống rỗng còn chỗ không

Cho ngày về

Có gì đâu mà đợi

Nhớ nhau lời hẹn chín rưỡi lần đơn sai

Nỗi buồn dài dằng dặc lũy tre

Người nông dân bơ vơ gốc rạ

Lang thang không nhà

Bị gậy phương xa

Con gái làm điếm nước ngoài

Con trai buôn lậu Đông Âu

Câu quan họ gầy như cánh vạc

Thắt lưng hoa đào ngơ ngác chốn thị thành

Ban mai rạn nứt

Đồng ruộng vắt kiệt mình nuôi những đứa con

Tình yêu chỏng chơ ngày về

Con thuyền không người, sắp cập bến

Bóng ma đầu ngọn cây

Bị giết giữa khuya không thể về nhà

Muối trộn vào cơm rắc phong long đầy đường

Chúng vẫn canh chừng như ăn trộm

Trong bụi sả, bụi dâu, chúng nằm suốt đêm

Mặc mưa tầm tã, nắng chang chang

Ngậm sâm Tàu mà chống lại nhân dân

Ăn hạt lúa trời mà rạch trời rạch đất

Tìm vàng bạc

Những đam mê lú lẫn váng vất ngả đường

Anh về Hà Nội, chẳng thấy mùi hương

Của sen hồng mới nở

Chiếc mo cơm ngày đói khát

Chúng giấu biệt đi đâu sau bức tường

Những người đàn bà gò lưng gánh hoa về chợ

Vành nón kéo sụp xuống giấc mơ tan vỡ

Nắm lạc nắm vừng mẹ gói cho con

Ngày ra ga

Hoa bưởi rụng trắng trời xa thương nhớ

Anh về đây nhìn người dân Thăng Long im lặng

Dân tộc võ vàng

Bầy chó con bên hồ Tây ngỡ ngàng đi tìm mẹ

Mẹ chúng đã chết

Nằm trên bàn tiệc

Họng súng bốc khói

Cha lang thang khắp cánh đồng

Trên mảnh đất có máu xương những tiền nhân mở nước

Người với người nhìn nhau vô cảm

Cơn mưa rơi nhẹ trước hiên nhà

Sao không rơi vào song sắt xà lim

Tắm mát cho người tù tội

Người tù vô tội nhớ cánh đồng xa xôi

Nhớ trời sao lấp lánh, tiếng hát nghẹn ngào trong ngực

7.

Tôi hỏi anh

Tưởng tượng một người đàn bà cần phải làm gì

Khi chị bị lột hết quần áo

Bị lôi vào bụi rậm

Họ phải làm gì

Khi một gã đàn ông sực mùi rượu

Cúi xuống trên ngực họ

Họ phải làm gì

Khi xong việc gã lăn ra ngáy khò khò

Lưỡi gươm tuốt trần rơi bên cạnh

Uất hận

Người đàn bà phải làm gì nếu không cầm lên

Đâm vào ngực lút cán

Dù mang tội sát nhân

Kìa người phụ nữ đang đứng trước tòa

Tòa án chính chúng ta lập ra

Chiếc khăn voan trên mặt đã tháo rồi

Nhưng em không nhìn thấy anh

Dân tộc mất đi những đứa con đẹp nhất

Đường phố mất đi quán cà phê thơ mộng nhất

Bọn chúng cần gì kỷ niệm?

Không còn chiếc lá nào lành đùm bọc cho nhau

Tội ác gạt nhân dân về hai phía

Ngẫu nhiên như cái gạt nước

Trên mặt kính xe hơi, một bên là bụi, bên kia lá vàng ly biệt

Bạn chọn bên nào?

Một ngày chúng ta qua sông

Không ai chết

Những người lính bị pháo dập

Vẫn sống sót

Cùng với củi rều

Nhưng chiếc nhẫn đánh rơi

Không tài nào nhặt được

Anh yêu xứ sở này như anh yêu em

Ăn chén cơm nguội cuối cùng

Ngồi nhìn trăng mọc

Trong vườn một đóa hoa côi cút

Càng chết càng lớn lên

Ngoài trời ba cây hương cháy rực

Sao anh không về

Nhân gian càng sống càng bé lại

Nhà càng to càng chật chội

Chim phượng hoàng bay qua biển Đông

Không có nơi mà đậu

Hoàng Sa đã mất

Khi chúng ta còn tất bật đánh nhau

Anh tưởng ngày ngây dại đã qua

Tưởng vẫn còn Trường Sa ư?

Khi bạn thưởng thức pháo hoa trên sông Sài gòn

Thì chúng tới ngoài khơi

Những kẻ không muốn hòa bình

Chỉ muốn cướp giật

Không muốn cởi trói hận thù dân tộc

Chỉ muốn buộc chặt

Đạo lý đại đoàn kết sao không dùng

Luật nhân quả nhà Phật không dùng

Đang ngồi xử nhân dân

Mùa cướp đất bắt đầu

Mùa hoa ban nở trắng đồi Tây Bắc

Không làm trái tim chúng thắt lại

Câu quan họ cất lên

Có thể làm em rơi nước mắt

Chúng ta nghèo lắm

Một cành hoa cũng nhặt lên

Một câu hò bay qua giơ tay mà nắm lại

Thế mà chúng cần gì đẳng cấp

Cần gì phẩm chất

Có biết ghê sợ là gì

Trên cành mai bỡ ngỡ chúng treo chiếc quần lót

Trên cành đào e ấp chúng treo thanh gươm

Trên ngôi mộ tổ ngày xưa không ai vào đấy

Chúng hò hẹn nhau suốt ngày

Rậm rịch

Mùa lúa chín thơm đòng làm chúng ngứa ngáy

Đất bùn, cỏ dại, chúng căm ghét

Tháng ngày thương nhớ hóa thành xi măng

Kỷ niệm tang tóc phải biến mất

Cuộc đời phải là một trò vui

Mọi thứ là một trò chơi

Ngày nào cũng là ngày tết

Không phải ngày tết của dân tộc

Ngày tết của chúng

Mỗi phong bao lì xì cho khách qua đường một triệu

8.

Xin lỗi em, sự giận dữ này

Trời mùa xuân rây mưa nhỏ lệ

Chúng ta đứng bên này sông

Bên kia là cánh đồng

Anh nhìn không chớp mắt

Lũy tre xanh, tàu lá chuối non

Bình minh ló dạng

Người chết có trở lại không

Em hỏi

Người lão nông có sống lại không

Quê hương như tình ái

Người dân có cần vĩ đại bao giờ

Tiếng trẻ con học bài không làm anh khuây được

Mái tóc em dài không làm anh khuây được

Người già, nắm đất

Cái chết đau đớn, ngất trời

Oan khiên giặc dã

Giấc ngủ lấm tấm sao rơi

Anh vòng tay, cúi đầu

Có thể thanh bình đang trở lại

Có thể chúng ta không trả lời mà chỉ hỏi

Em ơi đừng cười anh khóc nhiều thế

Trước cái chết của một người xa lạ

Như một đứa bé phải nhảy vào lửa

Anh thèm sự sống

Thèm chiếc vòng đeo tay màu xanh thiên lý của em

Mẹ mua ở Châu đốc Long xuyên

Không gian tĩnh lặng trong rừng

Sông Hồng cuồn cuộn

Thèm được nghe em hỏi: anh muốn làm gì em?

Hơn là đứng ở đây chờ đêm xuống

Đêm đã xuống trên đất nước chúng ta

Trăng lên vàng vọt

Lá vàng từ biệt giữa mùa xuân, tiễn người ra đi, người ở lại

Em đưa anh về ngày thơ dại

Cho anh được khóc, được cười

Một đêm nay nữa

Ngày mai anh đi xa cánh đồng sương khói

Bầu trời rưng giọt lệ

Ngày tháng nhớ thương đã đến kia rồi

Người con trai miền Nam ra thăm Kinh Bắc

Tháng Giêng

Lần đầu tiên

Cho anh cầm lấy tay em

Được em tặng một giải thắt lưng vàng

Buộc đời mình vào trăng sáng

Buộc anh vào cái chết

Vào sự sống

Chúng ta bỏ lại một dòng sông

Bỏ lại cánh đồng Sênh

Bỏ lại một người già đã chết

Tim đập liên hồi như trống trận

Không nhìn thấy gì

Không nghe thấy gì

Mùa xuân im phắc

Chúng ta ra đi

Mang theo nỗi buồn hôm nay

Mang theo đàn trẻ thơ hôm nay

Mang theo tình yêu hôm nay

Rồi sẽ có một ngày chúng ta trở lại

Em yêu, em đừng sợ hãi

Thuốc độc đã rưới vào gốc cây

Hãy để mưa làm sạch lại

Mưa cần có thời gian

Như người đàn bà cần có thời gian để xinh đẹp

Ngọn lửa cần thời gian để dập tắt

Trái tim cần thời gian tập hợp

Em đi cùng anh, kết cỏ ngậm vành

Hát bài ca tình yêu đất nước

Tập ăn cơm trưa ngoài đồng như người cày cuốc

Tập khóc như trăng

Tập đứng trên một chân

Nhớ thương người anh đã khuất

Ngày mai cơn gió lành sẽ về thổi mát ngày giỗ chạp

Vượt qua đêm tan nát

Vượt qua ngày đê vỡ, lũ sông Hồng, mùa đạo lý mất trắng không

Chúng ta sẽ về

Đi trong lòng Hà Nội

Ngồi trước thềm Văn miếu

Đi trên phố Tràng tiền

Nghe lại một lần bản nhạc cầu hồn của Igor Stravinski

Bầy chim ngói bay đi mà anh không hiểu

Ngồi giữa cánh đồng

Ngực thơm mùi mồ hôi của cha

Tóc thơm mùi hương cau của mẹ

Những người yêu nhau không thể nào không đứng lại mà hôn nhau dưới trời mưa

Nước mưa hay là nước mắt

Nước mắt ngày càng khó khăn

Để chảy

Sống mà không cần niềm tin yêu

Hay bất cứ một điều gì anh có thể bám lấy

Một chiếc thuyền buộc vào thân cây

Nhờ một chiếc dây bập bềnh trên sóng

Ngày càng có nhiều những chọn lựa

Áo quần lụa là gấm vóc

Người già cần săn sóc con trẻ cần học hành

Nhà cửa cần sửa sang

Bạn đánh mất mình trong hơi nóng của mùa hè, trong gió bấc

Trong hoang mang những ngày chạy loạn

Đói khát, không phải bây giờ, bây giờ bạn đã quá giàu sang, quá tiện nghi, mà trong giấc mơ

Bạn cần gì, chúng trở lại, gào rú trên những bãi tha ma

Gọi bạn trèo qua cửa sổ nửa đêm

Đi tìm một bóng ma áo trắng, không phải

Con ma mà bạn đã giết

Bằng đạn tiểu liên, bằng hơi cay, thuốc nổ, độc dược, chiến tranh yêu nước, lý tưởng giả vờ, kẻ ngây thơ bị đẩy từ lầu cao

Mà giấc mơ của bạn, sao bơ vơ không về

Thế giới là ngôi nhà đóng kín cửa

Anh càng sống càng hiểu

Về dòng sông về cánh đồng

Chúng ngày một lớn lên trong trí nhớ của anh

Ngày một đen đúa, u sầu, xanh xao buồn bã

Đàn chó sói đêm đêm về canh cửa, cho anh ngủ

Bốn mươi lăm năm đã trôi qua

Kể từ ngày chúng ta có hòa bình

Hoa lê trắng rụng biết bao lần

Trên những đồi cỏ xanh

Bây giờ mùa xuân đôi khi một nửa

Của anh còn ở lại

Một nửa đã ra đi mãi

Thành câu chuyện của đất trời

Trong cơn sốt, mùi mồ hôi, mùi lá sả, lá hành, ngải cứu

Bay lên từ nồi xông hơi của mẹ

Cái chết hóa trang như tuổi trẻ

Xông vào các tình yêu, giữa hai trái tim, cướp lấy ngọn đèn

Trên căn gác nhỏ, mà đêm đêm

Một người đang đi trên đường quay nhìn lại

Thời hôm nay, những người yêu nhau vẫn còn sợ hãi

Càng yêu nhau càng sợ hãi

Khuôn mặt Thượng Đế lùi dần

Tiếng vỗ của một bàn tay

Trên gác chuông ngày nọ

Vang lừng sóng nước hồ Tây

Khi anh sinh ra mùi mít mật đã thơm lừng

Chim cu bay từng đôi

Con diều bay lững thững trên trời

Anh sinh ra sông Hồng đã cuốn đi người đàn bà trên nước lũ

Để lại người chồng và bầy trẻ nhỏ chiều chiều trên đê Yên Phụ

Chúng ta còn bao nhiêu mùa xuân

Mà để mất dần

Trên sông Hương cầu Tràng Tiền gãy nhịp chiến tranh

Em ơi gà gáy sớm

Mà bức thư tình anh chưa kịp kết

Nắm cơm cho cụ Lê Đình Kình ướt nhẹp ngoài đồng

Ước gì chúng ta lại được về thăm

Ngủ một đêm với những người nông dân

Ngồi bên đống lửa

Nghe kể chuyện, uống tách trà thơm, cho anh vuốt tóc em

Tóc em vẫn còn xanh

Ngày chúng ta trở lại

Miễn là ước mơ đừng lặng quá

Máu đã khô

Dù vết thương chưa lành

Tay anh viền quanh miệng chén

Nghe âm thanh như sóng biển như gió núi vi vu trong lòng tay

Âm nhạc của tình yêu dạo ấy

Lá thư ố vàng đọc lại trong đêm, giữa chừng dừng lại

Em đứng lên, đời sống dễ dàng hơn, trăng sáng hơn

Người rửa chân bên giếng nước

Người ngủ mê thức dậy giữa chừng

Tình yêu đa mang đi qua hàng chè tàu

Nhấp nhô lồng đèn

To tiếng cãi nhau, bỗng im lặng lắng nghe mùi hoa lý

Trên đường này, nơi cánh đồng xưa, mọi người đứng lại

Ngước nhìn lên

Chỗ đất cát chính là nước mắt

Nỗi đời éo le dừng lại, trong rễ cây, màu hoa tím

Tình yêu đi qua những tháng ngày khắc nghiệt

Không ai biết

Gió biển mặn hơn hay môi người mặn hơn trong những ngày bất trắc

Làng quê lên đèn, đom đóm bay, thời gian quay đầu

Cây nêu thời gian mọc cao hơn sương mù

Người chết trở về đi qua cánh đồng, đang rảo bước

Về phía chúng ta.

Văn Việt

Giỗ cụ Lê Đình Kình: Nghĩ về vòng xoáy tội ác — Vòng xoáy đau thương

Phạm Đình Trọng

16-1-2022

15 tháng Chạp năm Kỷ Hợi – 15 tháng Chạp năm Tân Sửu (9.1.2020 – 17.1.2022)

1. Ra đời từ nạn đói năm 1945, không một hạt gạo, không một xu dính túi, nhà nước cộng sản của Hồ Chí Minh được người đàn bà goá bụa Nguyễn Thị Năm, chủ doanh nghiệp Cát Hanh Long mở lượng hải hà nghiêng nhà, nghiêng cửa dốc của cải, tiền bạc cả đời tần tảo, nhạy bén kinh doanh tích lũy của mẹ goá con côi ra nuôi nấng, chăm bẵm từ người đứng đầu nhà nước cộng sản đến người lính để nhà nước cộng sản làm cuộc kháng chiến chống Pháp giữ chính quyền.

Cuộc chiến tranh chống Pháp chỉ là cuộc chiến tranh giữ chính quyền cộng sản cũng như cuộc chiến tranh Nam – Bắc chỉ để áp đặt chính quyền cộng sản trên cả nước chứ không vì độc lập của nước, không vì tự do của dân. Cho đến nay nhà nước cộng sản Việt Nam vẫn bị cột chặt vào nước cộng sản đàn anh trong thế giới cộng sản thì làm gì có độc lập thực sự. Cho đến nay người dân vẫn không có những quyền tự do đương nhiên của con người, không có những quyền tự do đương nhiên của công dân thì làm gì có tự do.

Nuôi chính phủ, nuôi quân, nuôi cả cuộc kháng chiến đầu tiên của nhà nước cộng sản. Khi cuộc kháng chiến cuồn cuộn thế tiến công đến thắng lợi, chính quyền cộng sản được củng cố vững mạnh, nhà nước cộng sản liền vu cho người đàn bà nuôi nhà nước cộng sản từ thuở trứng nước là địa chủ, lôi người đàn bà ân nhân, lôi người đàn bà là Thánh sống cứu sinh của chính quyền cộng sản ra bắn trong cánh rừng âm u của bầy thú thời hồng hoang.

Ngày 9 tháng bảy năm 1953 tiếng súng tội ác của nhà nước cộng sản bắn chết người đàn bà tài năng, giỏi làm giầu chính đáng và rộng lớn lòng yêu nước thương nòi Nguyễn Thị Năm.

Người dân đều biết CB là bút danh quen thuộc của ông Hồ Chí Minh trong nhiều bài viết đăng trên tờ báo đảng của ông. Mười hai ngày sau khi bắn bà Thánh Cát Hanh Long Nguyễn Thị Năm, ngày 21 tháng bảy năm 1953, trên báo đảng lại có bài viết của CB: Địa Chủ Ác Ghê, bịa đặt, vu khống cho người đàn bà tài hiền, lòng Phật những tội do bộ máy vu khống chuyên nghiệp của đảng tạo ra. Địa Chủ Ác Ghê là những ngụm máu phun vào người đàn bà có tấm lòng Phật Nguyễn Thị Năm:

Mụ địa chủ Cát-Hanh-Long cùng hai đứa con và mấy tên lâu la đã:

– Giết chết 14 nông dân.

– Tra tấn đánh đập hằng chục nông dân, nay còn tàn tật.

– Làm chết 32 gia đình gồm có 200 người – năm 1944, chúng đưa 37 gia đình về đồn điền phá rừng khai ruộng cho chúng. Chúng bắt làm nhiều và cho ăn đói. Ít tháng sau, vì cực khổ quá, 32 gia đình đã chết hết, không còn một người.

– Chúng đã hãm chết hơn 30 nông dân – Năm 1945, chúng đưa 65 nông dân bị nạn đói ở Thái Bình về làm đồn điền. Cũng vì chúng cho ăn đói bắt làm nhiều. Ít hôm sau, hơn 30 người đã chết ở xóm Chùa Hang.

– Năm 1944-45, chúng đưa 20 trẻ em mồ côi về nuôi. Chúng bắt các em ở dưới hầm, cho ăn đói mặc rách, bắt làm quá sức lại đánh đập không ngớt. Chỉ mấy tháng, 15 em đã bỏ mạng.

Thế là ba mẹ con địa chủ Cát-Hanh-Long, đã trực tiếp, gián tiếp giết ngót 260 đồng bào !

Còn những cảnh chúng tra tấn nông dân thiếu tô thiếu nợ, thì tàn nhẫn không kém gì thực dân Pháp. Thí dụ:

– Trời rét, chúng bắt nông dân cởi trần, rồi dội nước lạnh vào người. Hoặc bắt đội thùng nước lạnh có lỗ thủng, nước rỏ từng giọt vào đầu, vào vai, đau buốt tận óc tận ruột.

– Chúng trói chặt nông dân, treo lên xà nhà, kéo lên kéo xuống.

– Chúng đóng gióng trâu vào mồm nông dân, làm cho gẫy răng hộc máu. Bơm nước vào bụng, rồi giẫm lên bụng cho hộc nước ra.

– Chúng đổ nước cà, nước mắm vào mũi nông dân, làm cho nôn sặc lên.

– Chúng lấy nến đốt vào mình nông dân, làm cho cháy da bỏng thịt.

– Đó là chưa kể tội phản cách mạng của chúng. Trước kia mẹ con chúng đã thông đồng với Pháp và Nhật để bắt bớ cán bộ. Sau Cách mạng tháng Tám, chúng đã thông đồng với giặc Pháp và Việt gian bù nhìn để phá hoại kháng chiến . . .

Địa Chủ Ác Ghê là sự vu khống vô cùng đê tiện, hèn hạ như giọng điệu của đám dư luận viên hạ đẳng ngày nay.

2. Phát động cuộc chiến tranh Nam – Bắc bằng nghị quyết trung ương 15/1959 nhằm áp đặt thể chế cộng sản trên cả nước, nhà nước cộng sản lại vét sức dân, vét máu dân làm cuộc nội chiến đẫm máu. Anh thanh niên nông dân Lê Đình Kình hăng hái nhập ngũ cầm súng đi vào cuộc nội chiến. Từ mặt trận cuộc nội chiến trở về đồng ruộng, người lính xuất ngũ Lê Đình Kình liền được trao trách nhiệm lo cho màu xanh cánh đồng, lo cho cuộc sống người dân làng xã. Lần lượt đảng viên Lê Đình Kình gánh vác: Chủ nhiệm hợp tác xã nông nghiệp toàn xã Đồng Tâm. Trưởng công an xã. Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân xã. Bí thư đảng uỷ xã.

Từ đó, cuộc sống người dân Đồng Tâm là cuộc sống gia đình đảng viên Lê Đình Kình. Sự được, mất của mùa màng Đồng Tâm là niềm vui, nỗi buồn của lương tâm Lê Đình Kình. Sự tồn tại của mảnh đất Đồng Tâm là sự tồn tại của cuộc đời, sự nghiệp con người Lê Đình Kình.

Sau gần suốt cuộc đời gắn bó máu thịt với mảnh đất Đồng Tâm, trí nhớ minh mẫn và văn bản nhà nước về mảnh đất Đồng Tâm có đầy đủ trong tay, lão nông Lê Đình Kình thuộc địa phả Đồng Tâm như gia phả nhà mình. Biến động của đất nước, đất sống của Đồng Tâm cứ hao hụt là nỗi lo, nỗi bận tâm Lê Đình Kình.

Năm 1961 Đồng Tâm phải cắt 300 ha trong 406,3 ha đất cánh đồng Sênh cho quân đội làm trường bắn của sư đoàn 308, nay là trường bắn quốc gia Miếu Môn.

Năm 1981, sân bay đã chiến Miếu Môn được qui hoạch. 47,3 ha đất phía Đông đồng Sênh lại nằm trong 208 ha đất sân bay Miếu Môn. Một lần nữa Đồng Tâm lại phải cắt đất đồng Sênh giao cho bộ Quốc phòng. Dân Đồng Tâm chỉ còn 59 ha đất Tây đồng Sênh.

Đất sống của Đồng Tâm hao hụt hàng trăm ha, xót xa lắm nhưng nhà nước thu hồi đất đúng pháp luật thì phải chấp hành. 59 ha đất phía Tây đồng Sênh còn lại của tổ tiên người dân Đồng Tâm kéo địa giới Đồng Tâm vào tới chân dãy núi Găng, giáp đường Hồ Chí Minh đã xác định hình hài, tầm vóc Đồng Tâm, đã xác định vị thế chiến lược Đồng Tâm trong thế chiến lược của đất nước. 59 ha đất đồng Sênh còn lại của lịch sử, của sự sống Đồng Tâm, đầm đìa mồ hôi, đầm đìa khát vọng người dân Đồng Tâm càng vô cùng quí giá đến thiêng liêng.

Nhưng qua thời bần cố nông lộng hành. Qua thời bộ máy vu khống chuyện nghiệp tạo dựng lên những bần cố nông vu khống, đấu tố, buộc tội và giết hại bà Thánh Nguyễn Thị Năm lại đến thời tư bản hoang dã lộng hành. Quyền lực đồng tiền của tư bản hoang dã kết cấu với quyền lực nhà nước cộng sản sử dụng bộ máy vu khống chuyên nghiệp vu khống, buộc tội và sử dụng bạo lực nhà nước cướp đất dân.

Cho đến nay không có bất cứ một văn bản hợp pháp nào của nhà nước thu hồi 59 ha đất Tây đồng Sênh của dân Đồng Tâm. Nhưng lòng tham của tư bản hoang dã mang tên doanh nghiệp quân đội Viettel đã nhòm ngó mảnh đất Tây đồng Sênh thì dân Đồng Tâm phải mất đất Tây đồng Sênh. Như dân Văn Giang, Hưng Yên phải mất 500 ha đất bờ sôi ruộng mật, như dân Dương Nội, Hà Đông phải mất mảnh đất sống cho tư bản hoang dã chiếm làm đất kinh doanh thu lợi nhuận tư bản. Bộ máy vu khống chuyên nghiệp liền lu loa hô biến 59 ha đất Tây đồng Sênh của dân Đồng Tâm thành đất quốc phòng.

Làm kinh tế là hoạt động sản xuất kinh doanh tư bản. Quân đội làm kinh tế đã biến những tướng tá quân đội ở những đơn vị làm kinh tế thành những nhà tư bản thời tích luỹ tư bản, thời tư bản hoang dã, lòng dạ và tâm địa chỉ vì lợi nhuận. Biến người lính ở những đơn vị làm kinh tế thành những lao động không công cho những tướng tá kinh doanh tư bản. Như những nô lệ da đen lao động không công cho những tư bản da trắng thời nước Mỹ làm công nghiệp hoá.

Quân đội làm kinh tế biến nhiều tướng tá thành tư bản hoang dã, hối hả săn tìm lợi nhuận. Lợi nhuận bất chính đã dẫn dắt nhiều ông tướng vào con đường phạm pháp, tù tội, từ thượng tướng thứ trưởng bộ Quốc phòng đến trung tướng tư lệnh Cảnh sát biển. Quân đội làm kinh tế làm hư hỏng quân đội, tàn phá sức mạnh quốc phòng của đất nước và biến quan hệ quân dân cá nước thành quan hệ đối kháng. Đối kháng giữa tư bản hoang dã cướp đất phi pháp với người dân giữ đất hợp pháp, chính đáng.

Lão nông, đảng viên Lê Đình Kình quyết giữ chính đáng 59 ha đất Tây đồng Sênh cho người dân Đồng Tâm đã phải đối đầu với sức mạnh đồng tiền của tư bản hoang dã, đối đầu sức mạnh chính trị lực lượng vũ trang của đảng, đối đầu sức mạnh bạo lực nhà nước chuyên chính vô sản và người nông dân giữ đất chính đáng Lê Đình Kình phải nhận cái chết rùng rợn, man rợ hơn cả cái chết đau đớn của bà Thánh Nguyễn Thị Năm.

Bà Thánh Nguyễn Thị Năm bị toà án bần cố nông tuyên án tử hình và bị đội du kích xã xử bắn ban ngày trong cánh rừng chiến khu Việt Bắc.

Không có bản án nào buộc tội công dân Lê Đình Kình. Không có một hình thức kỉ luật nào kết tội đảng viên Lê Đình Kình. Đang là công dân lương thiện, đang là đảng viên trong sạch, giữa đêm bình yên rạng sáng 9.1.2020 đúng ngày rằm tháng chạp Kỷ Hợi, lão nông Lê Đình Kình bị cả một trung đoàn cảnh sát cơ động với xe bọc thép súng lớn, xe vũ khí điện tử, với ba ngàn quân tinh nhuệ vây kín quanh nhà và đội đặc nhiệm cảnh sát còn đảng còn mình, coi dân có tiếng nói khác biệt với đảng là thù địch, sôi sục sắt máu, phá cửa xông vào tận giường ngủ kề súng vào sát đầu, sát ngực dân xả đạn.

Công dân lương thiện, đảng viên trong sạch Lê Đình Kình không những bị bắn vỡ sọ, thủng ngực, toác đầu gối mà còn bị mang xác đi phanh thây từ cổ tới tận cùng bụng. Chỉ những kẻ lòng lang dạ thú không còn một chút tính người mới hành xử với con người, với đồng loại man rợ như vậy.

Giết bà Thánh Cát Hanh Long Nguyễn Thị Năm rồi CB Hồ Chí Minh viết trên tờ báo đảng của ông vu khống người đàn bà mở lượng hải hà nuôi nấng đảng cộng sản thành địa chủ giết người!

Tung cả một trung đoàn công an tinh nhuệ trong đêm đánh úp thôn Hoành bé nhỏ, bình yên, tung lực lượng đặc nhiệm phá cửa xông vào tận giường ngủ bắn nát tim, vỡ sọ đảng viên lão thành cách mạng 59 tuổi đảng rồi tướng phát ngôn bộ Công an Tô Ân Xô lên báo vu cho công dân lương thiện, đảng viên trong sạch Lê Đình Kình là “Địa chủ cường hào mới”. Tướng Xô đơm đặt: “Sự nổi lên của đối tượng cầm đầu, nhất là ông Lê Đình Kình trong bối cảnh dòng họ Lê Đình có ảnh hưởng lớn tại thôn Hoành, có khả năng chi phối, tác động kết quả bầu cử ở cơ sở, là một loại cường hào địa chủ mới” Địa chủ thì phải làm chủ nhiều đất hơn người dân trong làng xã. Cường hào thì phải có sức mạnh quyền uy và sức mạnh bạo lực đàn áp, khống chế người khác. Đảng viên Lê Đình Kình chỉ có lòng tin ngây thơ, son sắt vào đảng của ông và tình yêu máu thịt với con người và mảnh đất Đồng Tâm.

3. Từ đội du kích thi hành bản án tử hình xử bắn bà Thánh Nguyễn Thị Năm giữa ban ngày trong cánh rừng vắng đến đội đặc nhiệm cảnh sát trong đội hình trung đoàn cảnh sát cơ động giữa đêm xông vào tận giường ngủ hành quyết không cần có bản án, xả súng giết rồi phanh thây công dân thánh thiện, đảng viên trong sạch Lê Đình Kình đã tạo ra vòng xoáy tội ác ngày càng ghê tởm, tội ác đã được đẩy lên cao tới tận cùng man rợ!

Trong nhà nước cộng sản, quyền lực cộng sản cứ ngạo nghễ ngự trị trên vòng xoáy tội ác và người dân cứ mãi mãi chìm sâu trong vòng xoáy thăm thẳm đau thương, oan trái và oán hờn.

Tiếng Dân