Seite auswählen

Chạy xe ngang thấy hàng bánh gói lá chuối hình chóp nhọn quen thuộc, bèn dừng lại nói “cô ơi bán cho con chiếc bánh giò” thì nhận lại sự ngỡ ngàng trên mặt người bán…

 QUỲNH ĐÀO, THEO TRÍ THỨC TRẺ 

18/02/2019

Lá chuối là món dùng để gói bánh phổ biến ở Việt Nam, đó là một chuyện. Tuy nhiên hình dạng các loại bánh lại là chuyện khác. Bánh truyền thống Việt Nam rất đa dạng, cho dù hay sử dụng nguyên liệu tương tự nhau như gạo, nếp, đậu… thì những món bánh đều có hình dáng rất khác nhau, và đôi khi chính cái hình dáng này lại là điểm quan trọng nhất để phân biệt chủng loại bánh. Ví dụ như ta có bánh tét và bánh chưng, về cơ bản đều có nhân nếp, đậu và thịt mỡ, tuy nhiên do hình dạng khác nhau (một loại hình vuông dẹt một loại hình trụ) nên được xem là hai loại bánh khác.

Ấy vậy mà, bên cạnh đó cũng có những loại bánh tuy khác vị, nhưng lại có cùng hình thức khiến nhiều người phải nhức đầu là bánh giò, bánh ú và bánh ít. Ba loại bánh này cũng được gói bằng lá chuối, buộc bằng lạt và có hình chóp nhọn. Đã vậy kích thước còn giống nhau nên thường xuyên bị nhầm.

Bánh giò

Việt Nam có ba loại bánh truyền thống suốt ngày bị nhầm với nhau chỉ vì lý do này - Ảnh 1.
Việt Nam có ba loại bánh truyền thống suốt ngày bị nhầm với nhau chỉ vì lý do này - Ảnh 1.

Bánh giò được làm từ bột gạo tẻ và bột năng, hoà cùng nước xương hầm, có nhân mặn làm từ thịt nạc vai lợn, trộn với nấm mộc nhĩ, hành, hạt tiêu, nước mắm, muối… Đôi khi bánh còn có cả nhân trứng cút. Món bánh này có đặc trưng là có hình dáng như khối tam giác giống kim tự tháp, được gói bằng lá chuối và hấp bằng chõ. Bánh thơm, ngọt và bùi hương gạo tẻ, đậm đà vị thịt và giòn giòn, sần sật phần nấm. Đây là món bánh có xuất xứ miền Bắc nhưng được người dân mọi miền yêu thích như một thức ăn sáng hoặc ăn nhẹ.

Bánh ú

Việt Nam có ba loại bánh truyền thống suốt ngày bị nhầm với nhau chỉ vì lý do này - Ảnh 2.
Việt Nam có ba loại bánh truyền thống suốt ngày bị nhầm với nhau chỉ vì lý do này - Ảnh 2.

Bánh ú là loại bánh có nhiều chủng loại, nhưng về cơ bản thì được làm từ gạo nếp. Nhân bánh đa dạng qua nhiều vùng miền, trong số đó có nhân đậu xanh là kinh điển nhất, ngoài ra thì còn có nhân chuối, nhân thịt mặn… Đây là loại bánh thường hay xuất hiện trong các lễ cúng gia tiên vào dịp Tết Đoan Ngọ mùng 5 tháng 5 âm lịch hằng năm. Bánh ú có nhiều biến tấu như bánh ú bá trạng, bánh ú lá gai…

Bánh ít

Việt Nam có ba loại bánh truyền thống suốt ngày bị nhầm với nhau chỉ vì lý do này - Ảnh 3.
Việt Nam có ba loại bánh truyền thống suốt ngày bị nhầm với nhau chỉ vì lý do này - Ảnh 3.

Cũng làm từ gạo nếp, nhưng bánh ít được làm từ gạo nếp xay nhuyễn thành bột tạo nên kết cấu mịn, dai và mềm. Nhân bánh cũng thường được làm từ đậu xanh hoặc dừa. Bánh ít có nhiều hình dáng trên khắp mọi miền nhưng ở miền Nam thì có hình chóp nhọn tương tự với bánh ú và bánh giò. Đây là một thức quà truyền thống ở các vùng quê miền Nam, được đông đảo trẻ em yêu thích. Bánh ít nhân mặn thường được ăn cùng với nước mắm, mỡ hành. Thoạt nhìn thì bánh ít khá giống với bánh giò, song do làm từ gạo nếp nên bánh ít dai hơn.

Có thể thấy:

Ba loại bánh này đều có hình chóp rất đặc trưng, thoạt nhìn dễ bị nhầm với nhau. Chính vì thế mà đôi khi đi ngoài đường, nếu chỉ nhìn qua hình dạng thì lắm khi sẽ bị “hố” bởi vì kích cỡ cũng như cách gói các loại bánh này thực sự có điểm tương đồng cực kì lớn. Bánh ú có thể nhỏ hơn bánh giò một chút, bánh ít có thể “thuôn thả” hơn hai loại bánh còn lại một chút, song điểm khác biệt nhỏ này phải để ý kỹ mới nhận ra được.

Việt Nam có ba loại bánh truyền thống suốt ngày bị nhầm với nhau chỉ vì lý do này - Ảnh 4.

Gói bánh giò.

Không có nhiều giải thích cho việc vì sao mà người Việt thường ưa gói các loại bánh kiểu này, nhưng nếu phải suy đoán thì có lẽ bắt nguồn từ tính chất chung của bánh ú, bánh ít và bánh giò. Dễ thấy, kết cấu của ba loại bánh này nhìn chung đều rất mềm và dễ chảy, vì vậy mà việc cuộn lá chuối lại thành phễu trước rồi cho bánh vào sẽ hạn chế việc rơi vãi, và dễ tạo hình hơn. /.