Tác giả: Tôn Thất Thông
Giới thiệu: Hiện nay trên thế giới còn một số rất ít nhà nước đếm được trên đầu ngón tay, trong đó có Việt Nam, vẫn giữ chế độ độc quyền xuất bản. Tại Việt Nam, ai muốn xuất bản gì phải xin giấy phép của một trong khoảng 60 nhà xuất bản của nhà nước, thực chất đều ở dưới sự lãnh đạo của ban tuyên huấn trung ương. Điều này đã làm cho nhiều tác phẩm có giá trị không thể xuất hiện trên thị trường chữ nghĩa, vì không phù hợp với ý muốn của đảng cộng sản. Vì thế, độc giả Việt Nam mất cơ hội tiếp cận kho tàng văn hóa thế giới vô cùng đa dạng và phong phú. Nói cách khác, người dân Việt Nam đang bị chính quyền bưng bít kiến thức bằng chế độ độc quyền văn hóa. Điều ngạc nhiên là, thanh niên trí thức ở Việt Nam không xem trọng chuyện đó. Ngày nào GDP còn tăng cao mỗi năm, cơm áo gạo tiền vẫn đầy đủ, ngày đó dường như những chuyện khác đều trở thành thứ yếu. Thậm chí nhiều người có ăn học và làm công tác chuyên môn còn cho rằng, chỉ cần làm tốt vai trò kỹ thuật của mình là đã hoàn thành nhiệm vụ đối với xã hội. Đúng một phần, nhưng quá ư là thiếu sót. Qua chính sách độc quyền xuất bản hiện nay, nhà nước đang kìm hãm sự phát triển văn minh quốc gia.
Xin giới thiệu câu chuyện lịch sử châu Âu cách đây 500 năm để chiêm nghiệm. Hy vọng qua đây, thanh niên trí thức ở Việt Nam thấy rõ hơn tầm quan trọng của quyền tự do xuất bản, một phương tiện then chốt để quảng bá tri thức và kiến tạo nền văn minh châu Âu trước đây. Họ đã hưởng quyền tự do xuất bản để phổ biến tri thức từ thế kỷ 16, cho nên mới văn minh sớm hơn các lục địa khác. Tiếc thay, các bạn trẻ ở Việt Nam đang bị cướp mất quyền tự do đó. Hãy làm mọi chuyện để giành lại, cho mình và con cháu về sau được hưởng.
***
Cuộc cách mạng ngành in ấn
Với óc tò mò, lòng kiên nhẫn và quyết tâm cao độ để thay đổi cuộc đời, vào đầu thập niên 1450, Johannes Gutenberg người Đức đã miệt mài nghiên cứu thử nghiệm để phát minh một kỹ thuật in ấn hoàn hảo. Phát minh của ông bao gồm bốn thành tố. Thứ nhất, các chữ cái được đúc hàng loạt và có thể uyển chuyển sắp xếp với nhau thành câu chữ, dù với tiếng la-tinh hay bất kỳ ngôn ngữ địa phương nào ở châu Âu. Những ai đã tham quan phòng sắp chữ của một nhà in trong thập niên 1960 có thể hiểu nguyên tắc mà Gutenberg đã sáng chế trước đó 500 năm vẫn còn được áp dụng, không có gì thay đổi. Thứ hai, với kiến thức về luyện kim, Gutenberg khám phá công thức pha chế một hợp chất bao gồm chì, kẽm và an-ti-môn để có thể dễ dàng đúc ra những mẫu ký tự vô cùng sắc sảo. Thứ ba, với sự khéo léo của nghệ nhân và tính chính xác của kỹ sư cơ khí, ông thiết kế một máy ép bản in với vật liệu thô sơ, đầu tiên bằng gỗ và phiên bản cuối cùng bằng kim loại. Thứ tư, sau một thời gian dài thử nghiệm nhiều công thức hóa học khác nhau, Gutenberg cuối cùng khám phá một loại mực in được pha chế với dầu có thể bảo đảm không nhòe, không phai màu dù in trên giấy hay các vật liệu khác.
Qua những phát minh độc đáo đó, người đời sau đã tôn vinh Johannes Gutenberg là “nhân vật của thiên niên kỷ”.
Hình [1]: Johannes Gutenberg (1400-1468) và tuyệt phẩm in đầu tiên: Thánh Kinh dày 1.500 trang. Nguồn: New York Public Library. Tải từ Wikipedia, CC-BY-SA-2.0
Khám phá của Gutenberg không chỉ là một phát minh mang giá trị kỹ thuật, mà nó đã nhanh chóng khởi động cuộc cách mạng truyền thông đại chúng trên khắp lục địa, với những ngành chuyên môn lúc đó đang còn trong giai đoạn phôi thai: ngành in ấn, xuất bản và tiếp thị sách báo. Sau chưa đầy 50 năm, các nhà in biết sử dụng phương pháp Gutenberg mọc lên nhanh chóng ở các thành phố châu Âu: ở Đức có khoảng 300 nhà in trong 60 thành phố lớn, ở Ý trong 30 thành phố, ở Thụy Sĩ 15, ở Pháp 20[1]. Ngành in ấn ở Anh, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Bắc Âu v.v… cũng phát triển tương tự. Trong toàn châu Âu ở ngưỡng cửa năm 1500, có 1.120 nhà in và khoảng 27.000 đầu sách được xuất bản với số lượng trên dưới 10 triệu ấn bản. Đến năm 1600, số lượng đầu sách đã tăng lên 520.000. Bản dịch Thánh Kinh tiếng Đức của Martin Luther xuất bản năm 1522 với 5.000 bản, sau 15 năm đã lên đến 200.000 bản[2]. Dưới góc nhìn đó, phát minh của Gutenberg là yếu tố then chốt để thành hình ngành xuất bản, một công cụ đắc lực góp phần quyết định trong việc thúc đẩy quá trình phát triển nhiều cuộc cách mạng vĩ đại trong thế kỷ 17 và 18, từ cách mạng văn chương, triết học đến cách mạng khoa học và tất nhiên phải kể đến cách mạng công nghiệp ở châu Âu.
Bùng nổ ngành xuất bản
Trước thế kỷ 15, sách vở được phổ biến thường do những người vẽ đẹp, chữ tốt chép lại từ nguyên bản, mất rất nhiều thì giờ, công sức và đắt tiền, cho nên chỉ có giới nhà giàu, tu viện hoặc các thư viện công cộng mới đủ tiền mua sách. Với phương pháp của Johannes Gutenberg, sách vở tài liệu có thể được các nhà xuất bản phát hành nhanh chóng với giá thành thấp đến độ một người trung lưu bình thường cũng có thể mua về làm của riêng. Thí dụ, Thánh Kinh chép tay trước đó có giá là 300 Gulden, thì nay giá một ấn bản Thánh Kinh chỉ còn 42 Gulden (so sánh thời giá lúc ấy: 3 Gulden có thể mua được một con lừa).
Nhờ phát minh của Gutenberg và kèm theo đó là sự bùng nổ ngành xuất bản, cho đến ngưỡng cửa năm 1500, hầu hết các tác phẩm quan trọng của Hy Lạp và La Mã đều được in và phổ biến rộng rãi trong giới học giả và thanh niên sinh viên, làm nền tảng lý luận cho những khám phá mới trong các lĩnh vực triết học và khoa học tự nhiên. Nhiều tác phẩm gốc là bản thảo do làn sóng di dân mang lại từ đế chế Byzantine sau khi Constantinople thất thủ năm 1453[3].
Thật khó hình dung rằng, phong trào phục hưng và trào lưu khai sáng có thể hoàn thành tốt đẹp các mục tiêu, nếu không có công nghệ in ấn của Gutenberg hỗ trợ. Nhưng kỹ thuật in ấn cũng chỉ là một phương tiện kỹ thuật, một mình nó không thể thúc đẩy sự phát triển văn minh cả lục địa. Điều gì đã làm cho tri thức nhân loại được phổ biến nhanh chóng và hiệu quả đến mọi người? Chính là chế độ tự do kinh doanh trong lĩnh vực xuất bản và phát hành sách báo, một lĩnh vực còn mới mẻ trong thời đại hậu trung cổ. Với kỹ thuật in ấn nhanh và rẻ, nhu cầu đọc sách để nâng cao tri thức phát triển nhanh chóng trong mọi giới, và đã tạo nên một thị trường chữ nghĩa to lớn có sức hấp dẫn đầy ma lực, quyến rũ doanh nhân đầu tư, một xu hướng không có thế lực nào ngăn cản được[4].
Bên cạnh thành quả rõ rệt của kỹ thuật in ấn trong việc phổ biến tri thức qua sách vở tài liệu, kể từ đầu thế kỷ 16, người ta bắt đầu khám phá tác động mạnh mẽ của lợi thế in ấn hàng loạt trong một lĩnh vực mới, mà chúng ta gọi là truyền thông đại chúng theo ngôn ngữ hôm nay. Nhìn trở lại cuộc cách mạng tôn giáo, làm thế nào mà 95 luận đề của mục sư Martin Luther có thể được phổ biến rộng rãi trong toàn nước Đức chỉ trong vòng vài tuần lễ, nếu không nhờ kỹ thuật in ấn hàng loạt? Kể từ giữa thế kỷ 16, việc phổ biến tin tức để hướng dẫn dư luận đã đi song hành với việc quảng bá tri thức qua sách vở tài liệu. Trong lĩnh vực này, sáng kiến mới thường xuyên được khám phá để nâng cao hiệu quả của việc truyền bá tin tức.
Đó là thành quả tương đối rõ rệt có thể quan sát được trong xã hội, nhưng đằng sau các hiện tượng đó ẩn chứa một sức mạnh vô hình khác của con người châu Âu ở ngưỡng cửa năm 1600: sự thay đổi tư duy, niềm đam mê mới của con người về việc tích lũy tri thức và quảng bá tri thức qua sách vở và truyền thông đại chúng. Người ta ghi nhận một hiện tượng tò mò vô hạn trong mọi tầng lớp dân chúng về các vấn đề có thể xem là thích thú. Không riêng gì giới độc giả tăng vọt và không ngừng tăng trưởng, mà số lượng tác giả và tác phẩm cũng tăng lên rõ rệt từng năm. Lấy thí dụ ở Anh, trong thập niên 1620 có khoảng 6.000 đầu sách được xuất bản, đến năm 1720 đã có 21.000 đầu sách trong mỗi thập niên[5]. Văn hóa đọc thể hiện rõ qua số lượng sách phát hành tăng trưởng rất nhanh. Có những cuốn bán được 80.000 bản trong một năm, một con số khổng lồ ở thế kỷ 17 trong một quốc gia chỉ có 21 triệu dân[6] như ở Anh.
Bước ngoặt lớn của truyền thông đại chúng là việc phát minh báo in vào năm 1605[7]. Johann Carolus (1575-1634) người Đức xuất bản tờ tuần báo đầu tiên Relation ở Strassburg, thành phố ở đông nam nước Pháp, sát biên giới Đức. Đây là lần đầu tiên người ta có sáng kiến dùng phương tiện báo chí để phổ biến tin tức, quảng bá tri thức và đạt những mục đích kinh doanh khác. Nội dung tờ Relation rất giống với nội dung mà chúng ta biết hôm nay: có những trang tin tức về chính trị và đời sống, các bài bình luận của tòa soạn, các bài giới thiệu sách mới, và tất nhiên không thiếu các trang quảng cáo. Mặc dù Carolus thất bại trong việc xin công nhận bằng sáng chế, nhưng các sử gia sau này đều thừa nhận Johann Carolus là người khám phá đầu tiên về truyền thông báo chí.
Hình [2]: Johann Carolus (1575-1634) và tờ báo Relation xuất bản năm 1605 ở Strassburg, Pháp. Tờ báo này được viết bằng tiếng Đức cổ. Nguồn: Đại Học Heidelberg. Tải từ Wikipedia, vùng công cộng.
Nhờ phát minh của Carolus, truyền thông đại chúng ở châu Âu bước vào một giai đoạn mới vô cùng nhộn nhịp, làm cho việc quảng bá tri thức và thông tin thời sự được hiệu quả hơn và tiếp cận nhiều độc giả hơn. Phát triển tất yếu tiếp theo khi nhu cầu độc giả ngày càng cao là, người ta nghĩ đến việc phát hành thường xuyên hơn với tổng số lượng cao hơn. Từ đó, nhật báo là lời giải tất yếu, với tờ đầu tiên là Nhập Cuộc (Einkommende Zeitung) ở Leipzig năm 1650. Trong thế kỷ 17, châu Âu chứng kiến sự nở rộ về báo in, tuần báo cũng như nhật báo. Có những tờ báo xuất bản lần đầu trong thế kỷ 17 vẫn còn được phát hành cho đến hôm nay, như tờ Thời sự Hàng tuần Châu Âu (Weeckelycke Courante van Europa) xuất bản năm 1656 ở Hà Lan, đến năm 1883 đổi thành Nhật báo Haarlem (Haarlems Dagblad) và giữ tên đó cho đến hôm nay. Về báo hàng ngày thì có tờ Nhật báo Wien (Wiener Zeitung) xuất bản năm 1703 được xác nhận là tờ nhật báo lâu đời nhất mà tên gọi vẫn còn tồn tại đến bây giờ.
Nhưng truyền thông đại chúng không dừng lại ở nhật báo và tuần báo, cũng không dừng lại ở nội dung thời sự. Nhìn thấy tác dụng lớn lao của tuần báo lên độc giả, các cơ quan chuyên ngành tìm cách tổ chức xuất bản các tạp chí chuyên môn với đối tượng độc giả hẹp nhưng chuyên sâu, với mục đích chính là quảng bá tri thức hoặc làm diễn đàn học thuật cho những người hoạt động cùng lĩnh vực. Các tạp chí này chủ yếu là nguyệt san hoặc tam nguyệt san, số lượng xuất bản không cao nhưng nội dung tập trung chuyên ngành và không có quảng cáo. Tạp chí đầu tiên là Lịch sử Viện Hàn Lâm nghệ thuật và văn chương (Histoire de l’Académie Royale des Inscriptions et Belles-Lettres) xuất bản năm 1663 tại Paris. Tại Anh, tạp chí đầu tiên là Hoạt động triết học của Hội đồng Hoàng Gia (Philosophical Transactions of the Royal Society) xuất bản năm 1665. Tại Đức, đầu tiên là tạp chí chính trị Götter-Both Mercurius xuất bản năm 1674.
Tạp chí chuyên ngành phát triển rất mạnh ngay từ lúc mới xuất hiện lần đầu. Trong vòng 55 năm từ 1665 đến 1720, có tổng cộng hơn 250 tạp chí chuyên ngành được xuất bản, trong đó gần 200 tạp chí ra đời trong ba thập niên từ 1690 đến 1720. Đó là thời kỳ bùng nổ tạp chí chuyên ngành, cũng là thời kỳ bùng nổ tri thức để chuẩn bị cho trào lưu khai sáng được thăng hoa. Số lượng tạp chí được xuất bản nhiều nhất bằng tiếng Đức[8], sau đó đến tiếng Anh, Pháp và La-tinh với nội dung chính là văn chương, triết học và khoa học tự nhiên. Một số khác ít hơn bằng tiếng Ý, Hà Lan. Về nội dung, bên cạnh các tạp chí khoa học, triết học và văn chương, chúng ta còn thấy nhiều tạp chí liên quan đến chính trị và lịch sử, vốn dĩ là những ngành còn tương đối mới mẻ. Có thể nói, sự bùng nổ tạp chí bắt đầu ở hai thập niên đầu của thế kỷ 18 và còn phát triển mạnh mẽ cho đến cuối thế kỷ.
Tuy nội dung tạp chí định kỳ không thâm sâu bằng sách nghiên cứu, nhưng đó là một diễn đàn giao lưu rất tốt giữa học giả với nhau và quan trọng hơn là tạo được nhịp cầu giữa học giả và độc giả rộng rãi không chuyên sâu. Thông qua tạp chí, quần chúng rộng rãi có cơ hội tiếp cận với nhiều tri thức mới, khoảng cách giữa giới học giả hàn lâm và độc giả rộng rãi ngày càng được thu hẹp, nhờ thế, những phát kiến của học giả dễ biến thành trào lưu sống động trong xã hội, điều mà nền văn hóa phục hưng trước đó chưa hề đạt được.
Quá trình phát triển rất nhanh chóng của ngành in ấn và xuất bản sách, nhật báo và tạp chí định kỳ – nói chung là phương tiện truyền thông đại chúng – có nguồn gốc từ sự tương tác giữa hai yếu tố: sự gia tăng số lượng độc giả và khối lượng sách báo được xuất bản. Nó thể hiện rõ nhất qua những thống kê trong hậu bán thế kỷ 18 ở Đức. Năm 1770, giới độc giả chỉ chiếm 16% tức 1/6 dân số, đến 1800 thì tỉ lệ đó đã lên đến 25% tức 1/4 tổng số dân. Đồng thời, nếu đầu thế kỷ mới chỉ có 200.000 đầu sách được xuất bản ở Đức, thì đến cuối thế kỷ, số lượng đó đã lên đến 500.000. Điều đó phần nào cũng nhờ mức độ phổ thông hóa ngôn ngữ quốc gia ngày càng cao: Đầu thế kỷ 18, số lượng sách tiếng La-tinh chiếm 28%, đến giữa thế kỷ chỉ còn 14% và cuối cùng còn 4% ở ngưỡng cửa năm 1800[9]. Tiếng La-tinh đã bị ngôn ngữ địa phương đánh bạt ra khỏi mọi lĩnh vực, nó không còn đóng vai trò nào nữa kể từ thế kỷ 19. Nhờ sự phổ biến của ngôn ngữ quốc gia, tri thức mới được quảng bá dễ dàng đến mọi lớp người trong xã hội.
Học giả thích phát hành sách để đưa vào diễn đàn trao đổi, tranh luận, phản biện. Dịch giả, văn thi sĩ và tác giả chuyên nghiệp thì xem chuyện viết sách báo như một nghề mưu sinh được xã hội trọng vọng. Nổi bật hơn là hiện tượng các nhà đầu tư và doanh nhân mạo hiểm sẵn sàng lao vào ngành xuất bản, một lĩnh vực kinh doanh mới mẻ nhưng đầy rủi ro, tạo nên phương tiện để chuyển tải tri thức đến tay người tiêu thụ. Với mục đích kinh doanh – cho dù chỉ kinh doanh thuần túy – hoạt động của doanh nhân là khâu trung gian làm cầu nối giữa tác giả và độc giả, là phương tiện chuyển tải tri thức đến mọi giới trong xã hội, dù họ từ lúc đầu đi làm kinh doanh không phải vì ý định tốt đẹp đó[10].
Trong lúc vương triều và giáo hội chưa kịp thấy tác động mạnh mẽ của ngành in ấn xuất bản, thì doanh nghiệp tư nhân đã nhanh chóng chiếm ngự thị trường, tạo nên một thế trận không thể nào đảo ngược, một sức mạnh ngành nghề không ai áp đảo nổi, vì sau lưng họ là độc giả, là mọi giới mọi ngành trong xã hội. Và họ đã tạo nên một truyền thống bất thành văn kéo dài đến bây giờ: Sức mạnh của ngành xuất bản mãi mãi nằm trong tay tư nhân. Nhà nước chỉ đóng một vai trò rất mờ nhạt trong hoạt cảnh ấy. Chắc hẳn nhờ thế mà phương cách truyền bá tri thức trong xã hội châu Âu được xảy ra vô cùng đa dạng, là mẫu mực cho nhiều nước sau này noi theo, góp phần thúc đẩy việc nâng cao dân trí.
Kết luận
Quan sát sự phát triển nhanh chóng ngành truyền thông đại chúng ở châu Âu trong thế kỷ 17 và 18, chúng ta thấy rõ rằng, tự do xuất bản là nhân tố quan trọng hàng đầu trong việc quảng bá tri thức, nhờ thế châu Âu đã đi sớm và đi nhanh trong công cuộc phát triển văn minh so với các lục địa khác. Trừ những tạp chí của các cơ quan công cộng, còn lại hầu hết các công ty xuất bản đều ở trong tay tư nhân.
Giả dụ như doanh nhân ngành xuất bản chỉ đứng trên quan điểm thuần kinh doanh, xem tri thức là món hàng có thể mang lại lợi nhuận, thì hoạt động kinh doanh của tư nhân vẫn đóng vai trò tác động rất quan trọng trong việc biến tri thức hàn lâm của học giả thành ý thức sống động trong xã hội, nâng cao dân trí mọi người, một tiền đề cần thiết để hoàn tất sự biến đổi hệ hình khi đòi hỏi của xã hội đã chín mùi. Mặc dù doanh nhân không tự khoác cho mình sứ mạng cao cả đó, nhưng bàn tay vô hình[11] trong nền kinh tế thị trường đã dẫn dắt họ đến những quyết định và hoạt động tất yếu, mà ban đầu chỉ để phục vụ cho lợi ích của doanh nhân, nhưng vô hình trung cũng mang lại lợi ích cho xã hội, hoàn tất vai trò lịch sử mà Hegel sau này gọi là tinh thần thế giới[12]. Một thí dụ dễ hiểu: Để công ty hoạt động hiệu quả, doanh nhân phải thuê mướn nhân công và trả lương đầy đủ để họ yên tâm sản xuất. Bản thân chuyện đó đã tạo nên công ăn việc làm cho người lao động. Cả hai bên, doanh nhân và xã hội đều có lợi lộc, mỗi bên đạt một loại lợi ích khác nhau.
Ngành xuất bản sách và báo chí được xuất hiện và phát triển như vũ bão sau khi cuộc cách mạng in ấn được khởi động bởi Johannes Gutenberg. Đến thế kỷ 18, số lượng tác phẩm được phát hành hằng năm tăng lên gấp đôi sau mỗi thập niên, số người thoát khỏi tình trạng mù chữ cũng tăng lên tương ứng. Các lĩnh vực văn chương, nghệ thuật, triết học, khoa học ở châu Âu nhờ thế mà phát triển mạnh, làm cho họ nhanh chóng vươn lên vượt xa các lục địa khác, mặc dù trước ngưỡng cửa năm 1500, trình độ nhân loại đâu đâu cũng gần giống nhau, không chênh lệch nhiều.
Các doanh nhân ngành xuất bản không hề có ý định làm chuyện lấp biển vá trời để đưa nền văn minh châu Âu lên đỉnh cao, nhưng hoạt động xuất bản của họ trong môi trường tự do kinh doanh vô tình đã tạo nên những chuyện thần kỳ chưa từng có. Vô vàn tác phẩm thuộc nền văn minh cổ đại được in ra hàng loạt, tạo tiền đề cho những nhà nghiên cứu triết học và khoa học tự nhiên đạt được những thành quả vĩ đại mà chúng ta vẫn còn hưởng đến hôm nay; mỗi công trình và sáng kiến mới trong nghiên cứu được phổ biến nhanh chóng, tạo nên những diễn đàn tranh luận sống động có ích lợi cho mọi người, từ tác giả cũng như công chúng độc giả; những lý thuyết mới mẻ trong triết học và khoa học đều được nhanh chóng xuất bản, vừa phục vụ cho độc giả đương thời, cũng như để lại tư liệu vô giá cho chúng ta hôm nay.
Đó chỉ là vài thí dụ. Mặc dù nhiều tác phẩm có giá trị của các vĩ nhân đương thời như Descartes, Kant, Voltaire v.v… bị giáo hội La Mã đưa vào danh mục sách cấm (Index librorum prohibitorum), nhưng ngành xuất bản vẫn không hề nao núng chùn tay, vẫn không ngừng phổ biến ra công chúng bằng nhiều cách, nhờ thế mà công cuộc phát triển văn minh châu Âu không bị ngưng trệ.
Tóm tắt từ kinh nghiệm lịch sử châu Âu, có thể nói rằng tự do xuất bản là phương tiện cốt lõi để truyền bá tri thức, nâng cao dân trí, thúc đẩy văn minh.
Bài học lịch sử này vẫn còn giá trị hôm nay để Việt Nam học hỏi.
./.
Tôn Thất Thông, Tháng giêng 2022
Diễn đàn Khai phóng
Xem thêm cùng tác giả: Những bài viết về lịch sử, kinh tế và các đề tài khác
Tài liệu tham khảo
- Burckhardt, Jacob: Die Kultur der Renaissance in Italien. ISBN 3-933-20389-9. (Văn hóa phục hưng ở Ý).
- Challoner, Jack: 1001 Inventions that changed the world. ISBN 978-1-84403-611-0. (1001 phát minh thay đổi thế giới).
- Guizot, François: The History of Civilization in Europe (Lịch sử Văn minh châu Âu – William Hazlitt dịch từ tiếng Pháp: Histoire Générale de la Civilisation en Europe). Penguin Books 1997.
- Herold, Theo và Wittenberg, Hildegard: Aufklärung & Sturm und Drang (Khai sáng & Bão táp và Thúc giục – Tủ sách Lịch sử văn học Đức). ISBN 3-12-347221-6.
- Kapr, Albert: Johannes Gutenberg, Persönlichkeit und Leistung (Johannes Gutenberg, Nhân cách và Thành quả). Nhà xuất bản Urania, Leipzig 1986.
- Le Goff, Jacques: Das Hochmittelalter (Thời trung cổ hưng thịnh – Sigrid Metken dịch từ tiếng Pháp). ISBN 3-596-60011-1.
- Maddison, Angus: The World Economy – Volume I & II (Kinh tế thế giới – Tập I và II). ISBN 92-64-02261-9.
- Pleticha, Heinrich chủ biên và nhiều tác giả: Reformation und Gegenreformation 1517-1648 (Cải cách tôn giáo và chống cải cách 1517-1648). ISBN 3-570-00955-6 (Bertelsmanns Deutsche Geschichte – Band 6).
- Porter, Roy (1): Enlightenment – Britain and the creation of the modern world (Khai sáng – Anh quốc và sự thành lập thế giới hiện đại). ISBN 0-14-025028-X.
- Porter, Roy (2): Kleine Geschichte der Aufklärung (Lịch sử ngắn về Khai sáng – Ebba D. Drolshagen dịch từ tiếng Anh: The enlightenment, xuất bản 1990). ISBN 3-8031-2192-2.
- Samhaber, Ernst: Geschichte Europas (Lịch sử châu Âu). ISBN 3-771-30169-6.
- Smith, Adam: An Inquiry into the nature and causes of the wealth of nations (Khảo sát bản chất và nguồn gốc sự phồn vinh của các quốc gia). ISBN 978-01-9283-546-8 hoặc 01-9283-546-7.
- Van Doren, Charles: Geschichte des Wissens. ISBN 3-764-35324-4. (Lịch sử của tri thức – Anita Ehler dịch từ tiếng Anh: A history of knowledge).
- Ziegler, Walther (SMITH): Smith trong vòng 60 phút. Nhà xuất bản Hồng Đức và Văn Lang 2019. ISBN 978-604-9948-30-5.
Tủ sách “Những nhà tư tưởng lớn” (Tôn Thất Thông dịch từ bản tiếng Đức: Smith in 60 Minuten. ISBN 978-3-7347-8157-5).
Ghi chú
[1] Xem A. Kapr trang 274.
[2] Xem H. Pleticha, trang 224 – Christian Roedig.
[3] Xem C. Van Dooren, trang 204.
[4] Ghi chú thêm: So sánh với những hệ lụy của chính sách độc quyền xuất bản tại Việt Nam hiện nay, chúng ta cũng dễ dàng nhận thấy tầm quan trọng của chế độ tự do kinh doanh ngành xuất bản trong thế kỷ 16 tại châu Âu.
[5] Xem R. Porter (1) trang 73.
[6] Xem thống kê dân số của A. Maddison, trang 232.
[7] Xem J. Challoner trang 177.
[8] Kể về số lượng tạp chí, Đức chiếm hàng đầu. Nhưng về số lượng phát hành thì giới độc giả ở Đức không đông đảo bằng Anh, và so với Pháp thì càng ít hơn.
[9] Xem T. Herold và H. Wittenberg, trang 30.
[10] Xem A. Smith trang 291-292: Smith có một luận cứ bất hủ đã trở thành nguyên lý quan trọng của kinh tế thị trường: „Người doanh nhân lúc đầu không có ý định làm kinh doanh để phục vụ cho lợi ích xã hội, cũng không hề biết mình đóng góp bao nhiêu vào việc đó, […] nhưng anh ta được một bàn tay vô hình hướng dẫn để hỗ trợ cho những mục đích mà anh ta không hề dự tính nhắm tới, […] và hoạt động của anh ta thường xuyên mang lại lợi ích cho toàn xã hội“.
[11] Invisible hand: Xem ghi chú ở trên về Adam Smith.
[12] Weltgeist (world spirit): Xem W. Ziegler (SMITH) trang 70-71.