Seite auswählen
  • Luật sư Ngô Ngọc Trai
  • Bài đã đăng trên Facebook của tác giả
  • BBC

Hình minh họa môt nhóm tù nhân tại trại giam Hoàng Tiến ở Hải Dương

AFP VIA GETTY IMAGES, Hình minh họa môt nhóm tù nhân tại trại giam Hoàng Tiến ở Hải Dương

Mới đây khi xem mạng xã hội tôi thấy có hai hình ảnh ở hai vụ án khác nhau đã để lại trong lòng nhiều suy nghĩ.

[BBC:Đó là vụ án Nguyễn Chí Hải (19 tuổi) và Nguyễn Hữu Nhân (17 tuổi) ở huyện Bình Tân, tỉnh Vĩnh Long. Hai người trẻ này ra trước toà không đi nổi, không nhấc nổi tay bị còng. Còn vụ xử ông Lê Chí Thành ở tòa Thủ Đức gây xôn xao dư luận vì hình ảnh bị cáo từng trẻ khoẻ không đi nổi, hai chân bị xiềng và được/bị hai công an viên tay cần dùi cui vực dậy. Hai vụ việc khiến dư luận đặt câu hỏi điều gì xảy ra với họ].

Hình ảnh cho thấy cả hai bị cáo dường như đã gặp phải những vấn đề nghiêm trọng về sức khỏe mặc dù trước đó họ đều là những thanh niên khỏe mạnh.

Đó là hai vụ án ở phía Nam lần lượt mới đưa ra xét xử gần đây, trong khi mình là luật sư ở phía Bắc và qua kinh nghiệm hành nghề cho tôi dự cảm thấy tính phổ biến của những điều bất cập.

Từ lâu nay bản thân tôi đã là người thường xuyên tích cực lên tiếng cho vấn đề giam giữ.

Vài năm trước khi tham gia bào chữa cho thân chủ bị giam tại trại số 2 ở Hà Nội được phản ánh cho biết dù là mùa đông rét mướt nhưng nhiều tháng không được ăn cơm canh nóng, sử dụng nước nóng.

Những điều vốn là giản dị với người ở bên ngoài nhưng trong trại tạm giam lại không có được, do bất cập của việc chuẩn bị phân phát đồ ăn nên khi đến tay người ăn thì đã là đồ ăn nguội. Tôi đã có kiến nghị tới các ban ngành và phản ánh vấn đề của thân chủ qua báo chí.

Một lần khác khi làm việc với người bị giam ở trại giam Cầu Cao tại Thanh Hóa được cho biết mùa hè nóng nực gần 40 độ nhưng phòng giam không có quạt điện. Diện tích chỉ hơn chục mét vuông nhưng giam tới 7, 8 người.

Những người bị giam đã treo một chiếc chiếu trên trần rồi buộc dây hai đầu co kéo qua lại để tạo không khí thoáng mát trong phòng giam. Khi ấy bản thân cũng đã viết kiến nghị và nêu vấn đề qua bài báo.

Năm 2015 khi bào chữa cho thiếu niên Đỗ Đăng Dư bị bạn giam đánh tử vong tôi cũng phản ánh tình trạng cơ sở hạ tầng xuống cấp, phòng giam chật hẹp để gióng lên hồi chuông kêu cứu cho những người bị giam giữ.

Quá trình kêu oan cho tử tù Hàn Đức Long trước kia cũng được cho biết đã bị đánh, hành trình minh oan cho tử tù cũng là hành trình kêu gọi thúc đẩy cho những cải cách tiến bộ tư pháp.

Chứng kiến nhiều bất cập, nghiên cứu sâu về vấn đề, đã nhiều bài báo tôi viện dẫn nội dung Nghị quyết số 49 của Bộ Chính trị năm 2005 về tầm nhìn cải cách tư pháp đến năm 2020, trong nghị quyết có một nội dung về chuẩn bị điều kiện cơ sở vật chất để chuyển giao cho Bộ Tư pháp quản lý các trại giam giữ.

Quan sát giới tư pháp thì thấy dăm bảy năm qua, bản thân tôi hơn ai hết đã tích cực quan tâm phản ánh các vấn đề trong môi trường giam giữ.

Ở Việt Nam có hơn 16 nghìn luật sư, hơn 21 nghìn nhà báo, cùng với đó là công chức các ban ngành, nhưng ít người lên tiếng thúc đẩy cải thiện môi trường giam giữ.

Xin chia sẻ trang web của tôi, trang www.ngongoctrai.com hiện vẫn đang đăng tải những kiến nghị cải cách tư pháp mà tôi cùng các luật sư đồng nghiệp đã kiến nghị gửi đi những năm qua.

‘Lỗi của hệ điều hành’

Một điều quan trọng cần thấy rằng những bất cập trong giam giữ lỗi không nằm ở một vài nhân viên tư pháp nào đó đã mắc lỗi, mà nguyên nhân nằm ở “phần mềm” hay “hệ điều hành” tổ chức việc giam giữ.

Tù nhân ở Việt Nam

AFP VIA GETTY IMAGES

Để thấy được vấn đề thì có thể nhìn từ nước ngoài.

Ở Trung Quốc là nước có hệ thống tổ chức bộ máy nhà nước gần giống với Việt Nam thì từ hàng chục năm trước họ đã chuyển giao cho Bộ Tư pháp quản lý các trại giam giữ.

Ở những nước Âu Mỹ, Bộ tư pháp cũng nắm giữ thẩm quyền quản lý giam giữ, không chỉ thế nhiều trại giam còn do doanh nghiệp tư nhân xây dựng vận hành theo hợp đồng với chính phủ.

Nghị quyết 49 của Bộ Chính trị ĐCSVN năm 2005 hẳn cũng đã dựa trên kinh nghiệm quốc tế và tính khoa học của lý thuyết tư pháp nên đã định hướng công tác tư pháp như vậy.

Đáng tiếc, nội dung này cho tới nay vẫn chưa được thực hiện mặc dù Ủy ban Tư pháp của Quốc hội trong một số thời điểm sửa luật cũng đã có ý kiến đề xuất.

Có thể ai đó sẽ bảo dù sao thì cơ quan nhà nước vẫn nắm thẩm quyền quản lý, việc thay đổi liệu có đem lại hiệu quả hay không khi vẫn là cùng bộ máy nhà nước chứ có khác gì đâu.

Lý do hợp lý cho việc này thì có nhiều và đã được tôi trích dẫn nêu ra trong bài báo trước đây, nhưng lý do mấu chốt đó là việc chuyển giao sẽ giúp dân sự hóa các hoạt động giam giữ, giảm bớt đi yếu tố an ninh chính trị là nguyên nhân tạo ra môi trường khép kín thiếu giám sát lâu nay.

Đoàn VN

FB NGUYEN DINH THANG, Phiên điều trần tại Geneva hồi năm 2018: Đoàn của chính phủ VN nêu cao các cam kết chống tra tấn

Khi dân sự hóa hoạt động giam giữ sẽ thúc đẩy cởi mở, khoan dung trong cách nhìn nhận vấn đề, giúp tăng lên các hoạt động kiểm tra công khai, từ đó các đoàn đại biểu Quốc hội, các hội đoàn dân sự, các hoạt động báo chí có thể tăng cường giám sát, giúp thúc đẩy nâng cao chất lượng hoạt động giam giữ.

Bằng việc lên tiếng bảo vệ cho những thân chủ trong vụ án mình bào chữa, rồi từ đó kiên trì xới xáo vấn đề, kêu gọi sự quan tâm đầu tư, thúc đẩy cải thiện môi trường giam giữ cho hàng trăm nghìn người mỗi năm, cùng với đó là những hoạt động thúc đẩy bãi bỏ án tử hình, tựu chung lại tôi đã làm những việc của một nhà hoạt động vì quyền con người.

Cuối cùng thì khi chứng kiến những bất cập điều nên làm là thấy được giải pháp khắc phục, bằng việc chỉ ra tôi hy vọng sẽ góp phần chung tay với các ban ngành cùng tạo lập bộ máy nhà nước khoa học tiến bộ, tạo lập nền pháp quyền chuẩn mực là cơ chế bảo hộ hữu hiệu cho mọi người.

Bài đã đăng trên trang Facebook cá nhân của luật sư Ngô Ngọc Trai. Các tựa đề do Ban biên tập đặt.

Xem thêm các bài cùng tác giả: