Đố ai quét sạch lá rừng,
Để anh khuyên gió gió đừng rung cây…
Câu ca dao “đố ai…” này quả khiêm nhường vì chỉ là quét lá, dù không tưởng—làm sao quét sạch lá rừng được đấy.
Thế mà ở thập niên thứ hai của thế kỷ 21 này, không cần đố, cũng không thèm chỉ quét lá thôi, có người đã… bứng sạch cây rừng đem về trồng trên đất riêng của mình. Mà không phải là chuyện không tưởng đâu.
Đầu tuần rồi mở tờ The New York Times ấn bản trực tuyến, một bài viết làm tôi tò mò.
Bài báo tường trình từ Georgia (quốc gia trong cựu Liên bang Sô viết, không phải tiểu bang Georgia của Mỹ) có tựa như sau:
Yêu cây hay phô bầy quyền lực? Công viên kỳ lạ của một cựu đầu sỏ chính trị
Một tỉ phú cựu thủ tướng đã rút lui khỏi chính trường nhiễu nhương của Georgia thế nhưng giới chỉ trích ông thì cho là ông vẫn nắm trong tay quyền lực đáng kể. Một điều không thể bàn cãi: sự đam mê của ông dành cho cây cối.
Tiếp theo là hình chụp công viên tân tạo của ông cựu thủ tướng tỉ phú, với cây cổ thụ sừng sững ở hậu cảnh, và chú thích: “Người làm vườn làm việc vào sáng sớm tại Shekvetili Dendrological Park, do tỉ phú Georgia Bidzina Ivanishvili tài trợ và xây dựng.”
Ảnh Daro Sulakauri cho The New York Times
Bài tường thuật bắt đầu:
SHEKVETILI, Georgia — Suốt trên năm năm qua, người dân Georgia có dịp chứng kiến một cảnh ngoạn mục khá siêu thực: hàng chục cây cổ thụ khổng lồ, có cây cả nhiều thế kỷ, lướt sóng trong thế thẳng đứng trên Hắc Hải (Black Sea).
Nào là những cây mộc lan sừng sững, cây uất kim hương và những loài thảo mộc hùng vĩ khác lướt trên mặt nước, dang rộng những cành cây vạm vỡ trong cuộc hành trình trông vừa có cái gì thơ mộng vừa như trong cơn hôn mê.
Những cây này, cột trên các bè do các tầu kéo đẩy ở phía sau, đang trên đường tới nơi chúng sẽ được trồng lại tại một công viên do một nhà tỉ phú lập dị, nguyên là thủ tướng Georgia, tên là Bidzina Ivanishvili—một người mà nhiều người dân Georgia cho là vẫn nắm trong tay một quyền lực chính trị đáng kể mặc dù chính ông nói đã xa rời chính trường để chuyên chú vào việc từ thiện.
Trên 200 cây cả thẩy đã về tới công viên, được bứng đi từ những ngôi làng nghèo khó và rừng già của Georgia, một quốc gia nhỏ trong rặng Caucasus. Chính ông Ivanishvili đích thân chọn hầu hết các cây này.
Một nửa số cây được chở tới bằng bè, và nửa kia bằng xe vận tải. Lòng sông được nới rộng, tầu hoả phải dừng lại để xe chở cây đi qua, điều mà dân Georgia cho là minh chứng cho khả năng quyền lực còn hữu hiệu của ông trong việc hoán chuyển nhân sự cũng như cây cối. [Hết trích]
Công viên của nhà tỉ phú Georgia này đã được mở cửa cho dân chúng vào xem miễn phí từ năm 2020. Công viên còn có một sở thú nhỏ nuôi khỉ, chim vẹt, và chim hồng hạc. Đúng ra phải gọi là tư viên. Đó đây là những tấm bảng lưu ý đây là đất tư. Cũng vậy là máy thu hình, thiết bị tầm động tác được gắn trước mỗi cây. Xem thôi, cấm sờ. Cùng đừng dẵm lên cỏ. Nếu không, bộ phận bảo vệ với loa phóng thanh sẽ cảnh cáo cho mà biết đấy.
Trái, khách viếng tư viên của nhà tỉ phú Bidzina Ivanishvili. Phải, trước mỗi cây bứng từ các làng hay
rừng dọc bờ biển Hắc Hải ở Georgia về trồng lại trong tư viên đều có tấm bảng gắn hình minh họa
công trình rời chuyển cây. (Ảnh Daro Sulakauri chụp cho The New York Times)
Khách viếng tư viên của nhà tỉ phú vào cửa miễn phí, và là một địa điểm du lịch nổi tiếng trong vùng.
Phải, tư viên do một đội làm vườn hùng hậu trông coi bảo trì, trong đó có Koba Tikaradze
(đứng trên gò trong hình). Anh ta cho biết là đã không thể tưởng tượng nổi một dự án như vậy
có thể thực hiện được. (Ảnh Daro Sulakauri chụp cho The New York Times)
Nhiều người đã tới viếng khu tư viên bên bờ Hắc Hải này. Tính tới nay, mới trong vòng có hai năm, đã có tới 1,5 triệu du khách đặt chân tới đây. Có thể nhiều người tới có lẽ vì tò mò nhiều hơn. Không tò mò sao được vì từ trước tới giờ có ai dám bứng những cây cổ thụ già cả thế kỷ khỏi nơi chúng đã sinh ra và lớn lên hùng vĩ như vậy để đem trồng trên đất riêng của mình. Yêu và tôn thờ cây cối, thiên nhiên, chắc chắn rồi. Nhưng mở ra cho công chúng vào xem miễn phí cũng đáng ca ngợi đấy chứ.
Thế nhưng nhà làm phim Georgia, bà Salomé Jashi, cảm thấy có cái gì khác hơn cả tình yêu thiên nhiên qua sự ám ảnh bởi cây cối của nhà tỉ phú còn nhiều quyền lực này.
“Với tôi, hình ảnh một cây cổ thụ lướt trên mặt nước là biểu tượng của quyền lực, của khát vọng, của việc muốn sở hữu một cái gì bằng mọi giá,” theo bà Jashi, người thực hiện phim tài liệu “Khuất phục khu vườn,” tạm dịch từ “Taming the garden.”
“Taming the Garden”–Bản hùng ca về sự tranh chấp giữa người và thiên nhiên
https://tamingthegarden-film.com/en/
Phim tài liệu “Taming the Garden” dài 91 phút, được trình chiếu từ năm ngoái tại nhiều hội phim quốc tế, trong đó có Sundance Film Festival tại Mỹ, đã được cả chục giải thưởng, kể cả giải Sundance. Cho tới nay, chỉ có Viện bảo tàng Nghệ thuật Hiện đại MoMa ở Manhattan có chiếu phim này, song chỉ dành cho hội viên mà thôi. Trên Amazon, Vimeo quảng cáo có chiếu phim, song lại dẫn tới một trang mạng của một dịch vụ tải phim khác đòi phải đăng ký xem thử một tuần nhưng phải cho số thẻ tín dụng cá nhân. Tất nhiên người viết bài này chưa được xem phim chính, ngoài cái trailer.
Bản thông cáo báo chí của Sundance có phần tóm lược phim như sau: “Một nhân vật quyền lực và vô danh đã khai triển một thú vui khác thường. Ông ta mua những cây cổ thụ cả trên ngàn tuổi, có cây cao tới 15 tầng lầu, từ các làng mạc dọc theo bờ biển Georgia, cho bứng nguyên gốc rễ đem về trồng trên đất riêng. Để chuyên chở các cây to lớn như vậy, cảnh vật xung quanh cây đã bị đào sới và dân quanh đó đã bị buộc phải thích nghi với sự xáo trộn này. Cuốn phim mô tả công trình này, nó đồng thời mô tả nhu cầu và giá trị của xã hội Georgia hôm nay, và phản ảnh chủ đề di dân, trong đó tình trạng ‘bật rễ’ còn chứa đựng hơn một ẩn dụ.”
Trái, bích chương phim, ấn bản Hoa Kỳ. Phải, đạo diễn Salomé Jashi gặp gỡ khán giả tại
hội phim quốc tế Berlin, tháng Hai, 2021. Phía sau bà là bích chương của phim,
ấn bản Âu châu. (Ảnh YouTube)
Salomé Jashi sinh năm 1981 tại Tbilisi, Georgia. Bà theo học báo chí và đã từng hành nghề phóng viên nhiều năm. Vào năm 2005, bà được học bổng của British Council theo học ngành phim tài liệu tại Royal Holloway, University of London.
Trước “Taming the Garden,” bà cũng đã thực hiện một số phim tài liệu, trong đó có phim “The Dazzling Light of Sunset” (2016), tạm dịch là “Ánh sáng chói loà của hoàng hôn,” đã được nhiều giải thưởng của các hội phim bên Âu châu. Phim này kể về một phóng viên duy nhất của một đài truyền hình địa phương cố gắng tường trình các sinh hoạt lớn nhỏ của cộng đồng, trong một tình trạng eo hẹp tài chính của đài và bối cảnh của một Georgia chuyển mình từ một chư hầu trong Liên bang Sô Viết của Nga (sau khi khối này tan rã vào đầu thập niên 1990) sang một nền dân chủ vẫn còn rất phôi thai.
Tên tuổi của Jashi cho tới nay mới chỉ được biết đến nhiều ở Âu Châu. Thực tình, đây là lần đầu tiên tôi nghe biết về bà. Có thể lần này với giải phim hay nhất của Sundance Institute, và với phim “Taming the Garden” độc đáo, khán giả Mỹ sẽ biết tới tên tuổi và tác phẩm của bà hơn.
Về việc thực hiện phim “Taming the Garden,” bà Jashi cho biết khi nghe về việc nhiều cây cổ thụ đã được bứng gốc chở bằng bè qua biển Hắc Hải về trồng tại một khu đất tư nhân, bà không khỏi ngỡ ngàng. “Chứng kiến hình ảnh (một cây cổ thụ lướt sóng biển) giống như thấy thực tại có cái gì trục trặc,” bà viết trong thông cáo báo chí. “Nó vừa đẹp, vừa thơ mộng, đồng thời như có cái gì sai quấy, một thứ cảm giác khó chịu.”
“Tôi bắt đầu thu hình cho dự án phim khi toàn vùng bờ biển Goergia bận rộn với việc thực hiện giấc mộng của một người này,” bà Jashi tiếp. “Tôi muốn tìm hiểu cái gì ở phía sau cái hình ảnh lạ lùng một cách mê hoặc làm vậy; kể về tham vọng của một người quyền lực, người đã biến đổi cả phong cảnh, bứng cây, khiến các nhân chứng ngỡ ngàng–tất cả chỉ để thoả mãn khoái lạc cá nhân.”
Bà cho biết là cuốn phim không chỉ có một giòng chuyện, mà gợi nên những khía cạnh khác của đời sống, như suy nghĩ về nam tính, về cưỡng bách di dân, về việc bật rễ không chỉ là vật chất mà còn cả tinh thần, các giá trị văn hoá và tình trạng ổn định bị xáo trộn bởi những thay đổi không ngừng của giòng đời.
“Tôi coi cuốn phim như một hành trình vào thế giới siêu thực, và một cách nghịch lý là nó lại hoàn toàn dựa vào các dữ kiện,” Jashi nói.
Jashi và đoàn quay phim tốn gần hai năm để thu hình. Khác với phim truyện có bài bản, đoàn quay phim hoàn toàn lệ thuộc vào thời khoá biểu luôn thay đổi của nhóm bứng và trồng cây vốn cũng lệ thuộc vào thời tiết mưa gió và cả tình hình chính trị chung trong ngày.
Với đoàn quay phim, “thử thách lớn nhất là móc nối vớí người dân điạ phương,” bà Jashi viết.
“Vì người đàn ông quyền lực đằng sau công trình này cũng đồng thời là một người có quyền lực chính trị, nên dân địa phương sợ,” Jashi viết. “[Họ] không dám cả xuất hiện trước máy thu hình vì sợ hậu quả có thể có, cái sợ mà chúng ta, như trong mọi nền dân chủ còn sơ khai khác, vốn mang sẵn trong máu.”
Bên dưới là một số hình ảnh rút ra từ trailer phim.
Chuẩn bị đưa cây cổ thụ lên bè chở qua biển về đất tư của nhà tỉ phú.
Dân làng an ủi nhau trong lúc từ biệt cây bị bứng mang đi. Người đàn bà mặc áo đỏ làm dấu thánh giá
xong ôm mặt che dấu cơn xúc động.
Cùng nhau tiễn đưa cây ra biển để lên bè.
Cây trên đường vượt biển về đất tư của nhà tỉ phú.
[TD2022/01]