Seite auswählen

 Giao Chỉ Vũ Văn Lộc

Thân gửi bằng hữu.

Đầu năm Nhâm Dần tôi đọc bài Tâm Tình này của anh Đỗ thông Minh mà hết sức xúc động. Anh viết rất nhiều. Kiến thức uyên bác, nhưng quả thực tràng giang đại hải. Đọc anh hấp dẫn nhưng rất mệt. Nghe anh cũng rất mệt. Con người biết rất nhiểu nhưng suốt đời con tằm cuống quýt nhả tơ. Sân khấu về khuya, ngọn đèn khi tỏ khi mờ, con tằm mệt mỏi vẫn nhả  những sợi tơ mong manh sương khói. Đâu là sợi cuối cùng…Đọc đi các bạn. Dù biết hay không biết anh Thông Minh. Một nhà báo, một tác giả, một học giả, một diễn giả, một người đi kháng chiến, một du học sinh Việt tại Nhật, một người chồng sống nhờ trái Thận của vợ để đi du thuyết năm chân bốn bể. 

*

Trái thận của mình đã chết. Trái trận mượn của em cũng hư rồi. Bây giờ nằm một chỗ hỏi rằng em muốn anh làm gì cho em mai sau? Chúng ta ai la người còn có mai sau? Năm 75 khi VNCH cuốn chiếu anh sinh viên Đỗ Thông Minh từ Đông Kinh bay về Cali đi tìm ông Hoàng Cơ Minh và ông Phạm Văn Liễu . Từ đó mở ra con đường Kháng chỉến hay là chết. Nhưng khi ông số 1 và ông số 2 tan hàng sinh viên Đỗ Thông Minh trở thành diễn giả đi thuyết trình về Con Đường Dân Chủ. Nhân danh một người yêu nước anh mở cuộc chiến một mình. Con đường Dân chủ của riêng anh. Phía trước không có ai, phía sau cũng không có ai theo. Khi Thông Minh nghỉ cuộc chơi. Ai sẽ làm gì cho vợ con mai sau. Ai sẽ làm gì cho đất nước mai sau…Thấy người mà nghĩ đến ta… Đọc đi các bạn… Giao Chỉ, San Jose.

 

Lời Ngỏ coi như cuối cùng “Tạp Ghi Cuối” của Đỗ Thông Minh viết từ Nhật Bản

 

Kính gửi quý đồng hương,

Cùng quý đồng hương,

 

Nếu không kể khi còn học trung học, chúng tôi phụ trách làm “bích báo” tên Trùng Dương của lớp, viết tay trên tờ giấy dày lớn treo tường (bích báo). Chúng tôi chính thức cầm bút từ năm 1970, đúng ra là tập thu thập tin tức, sắp xếp ý tưởng cho bài phóng sự sinh hoạt và đánh máy chữ “Brother” (có dấu tếng Việt mà sau năm 1975 mới biết là do Nhật sản xuất) chỉ ít ngày sau khi bước chân tới đất Nhật năm 20 tuổi tới nay là do những thôi thúc từ cái nhìn của 1 thanh niên trẻ về đất nước xa lạ và nhất là về tập thể sinh viên của chúng tôi mà nghĩ tới tương lại dân tộc, đất nướcViệt Nam.

 

Sau năm 1975, chúng tôi thấy TT CSVN Phạm Văn Đồng tự cao tuyên bố cắm ngọn cờ XHCN trên toàn cõi VN nên chúng tôi để tâm nghiên cứu chủ thuyết. Năm 1977, chủ thuyết “Việt Đạo Nhân Bản” khoảng 100 trang B5 chữ nhỏ do chúng tôi chủ biên ra đời. Chính chúng tôi cũng không ngờ, không hẳn là đắn đo chọn lựa sẽ làm gì ngay từ đầu, mà tình thế đưa đẩy và đầu óc bị cuốn hút vào những chuyện Việt Nam, hành động qua công việc viết và phổ biến, rồi cứ thế mà đi, đi mãi trên 1 con đường…

 

Khi bắt đầu khôn lớn biết suy xét và biết mình nên làm gì cho đất nước.Một khi đã đi thì như bị cuốn hút, say mê, miệt mài hơn cả lo nghĩ đến cái riêng của chính mình. Trong khi học đại học, cũng như sau khi tốt nghiệp, không thiết tha kiếm việc làm, mà coi việc đi làm đều đặn hàng ngày là chôn chân, không thể có thi giờ học và làm theo lý tưởng… Nhất là thấy việc biên soạn đem lại ít nhiều hiệu quả, lòng thấy hạnh phúc, không bao giờ muốn rời ra nữa. Như “Bảng Thường Dụng Hán Tự”, mất có 10 tháng mà có lẽ hơn 600.000 người dùng tại VN trong hơn 30 năm qua, thì dù không thu đồng nào cũng thấy vui.

 

Hơn 52 năm rồi, bây giờ khó mà tìm ra những bài viết đơn sơ ngày ấy, thôi đành gởi tạm những tâm tình ngày nay. Dù chưa biết viết gì, không giống những sách trước, chọn chủ đề rồi thu thập tài liệu, viết 1 loạt, hết cuốn này sang cuốn khác nên mới gọi là “tạp ghi”, nghĩa là nhớ gì viết nấy. Tất nhiên vẫn là chuyện con nguời, chuyện dân tộc, quê hương đất nước, nhưng các chủ đề chính hầu như đã viết qua khoảng 35 đầu sách rồi, nên chưa định viết gì, chỉ mơ hồ nghĩ là tản mạn của 1 kinh nghiệm sống và đấu tranh hết mình hơn 52 năm qua. Giờ đây có thể là những tản mạn không định trước, nhưng chắc hẳn là gần với thời thế hơn những bài đã viết ra hơn 52 năm trước nhưng 1 điều không thể tránh khỏi là chậm chạp, mắt mờ và thường chỉ đánh bằng 2 ngón tay. Chúng tôi vẫn quen với lối viết nhẹ nhàng, bao biện, súc tích, đôi khi chi li, cặn kẽ, khiến người đọc dễ cảm nhận, ít phải bận tâm, thắc mắc gì thêm nữa.

 

Đơn giản có thể nói là chúng tôi trước hết chú tâm học cho mình rồi gạn lọc, ghi lại để cùng chia sẻ với mọi người. Nếu chúng ta có cùng 1 số điểm chung chính về dân tộc và quê hương thì đó là chất keo đoàn kết. Nên viết rồi và dù tôi có qua đời rồi, xong 1 kiếp người bình thường như mọi người nhưng mãn nguyện kiếp mình. Không góp gì tài chính đáng kể nào cho gia đình và xã hội, nhưng di sản nếu có là tích lũy những kinh nghiệm và biên soạn gửi cho các thế hệ sau. Giúp thế hệ sau thu học mau hơn, là giúp dân tộc tiến bộ nhanh hơn cho kịp với trào lưu chung của thế giới.

 

Trong hơn 52 năm sinh hoạt, chúng tôi đã có dịp giao tiếp với nhiều thân hữu thuộc nhiều giới khác nhau như truyền thông (có lẽ đã đặt chân tới phòng thâu của các đài quốc tế có chương trình tiếng Việt và khoảng 3/4 các phòng thâu VN khác), hội đoàn, nghệ sĩ (đã tổ chức 7-8 lần đại hội văn nghệ tại Nhật Bản và Hoa Kỳ, đặc biệt là “Vân Sơn In Tokyo” DVD số 29, năm 2004 với 1.200 khán giả và khoảng 400 khán giả phải ra về vì không còn chỗ vào, hay đưa 2 nghệ sĩ Nhật, 1nam, 1 nữ, qua Hoa Kỳ trình diễn đàn trưng tức đàn trúc và đàn nhị tại Little Saigon và San Jose giao lưu với nghệ sĩ VN.) và hàng trăm buổi nói chuyện bỏ túi tại nhà các thân hữu…

 

Trong gần 20 năm qua, chúng tôi đã có trên 200 chuyến hướng dẫn đồng hương khắp nơi trên thế giới du lịch Nhật Bản. Và từ năm 2002, đi nói chuyện 216 lần khắp nơi trên thế giới cũng đãgặp gỡ rất nhiều đồng hương. Theo đó, nhiều sách của chúng tôi đã được giới thiệu đến đồnghương…Ngoài ra, chúng tôi cũng đã sinh hoạt trên diễn đàn Paltalk khoảng 20 năm, có hàng trăm buổi làm diễn giả, nói về tiếng Việt, tình hình VN và thế giới…

 

Quý đồng hương thấy tấm hình này có gì lạ không? Có lẽ không ở đâu có trang trí như vậy? Thưa đây là 1 tấm hình đặc biệt chụp nhân khi đài NHK (với khoảng 10.000 nhân viên, ngân sách khoảng 7 tỷ đô-la Mỹ là tiền thu của người xem nên không có quảng cáo) đến cửa tiệm Mekong Center của chúng tôi làm phóng sự Tết ngày 14/1/2005 (?).

 

Đây là chương trình định kỳ đặc biệt hàng ngày của đài sau phần tin tức buổi trưa khoảng 20 phút, nên cũng được coi là giờ vàng. Thường là phóng sự khắp nước Nhật, thu phát trực tiếp toàn quốc dài khoảng 23 phút nên được chuẩn bị rất công phu. Nhóm thực hiện đã đến nói chuyện với chúng tôi khoảng 5 lần, có cả 1 lần tổng dượt.

 

Hôm thu và phát hình, có cả 1 xe tiếp vận với ra da chuyển về đài chính để phát đi lập tức. Một máy thu hình đặt trên nóc 1 chung cư đối điện, và 1 máy thu hình đi sát chúng tôi. Vì là ngày gần Tết, họ mua cả 1 cây mai Nhật đem tới, phần chúng tôi lo trang trí bàn thờ Tết kết hợp Việt-Nhật. Như trong hình, ở giữa là Bánh Dày tròn (tượng trưng Mặt Trời, người Nhật chỉ thờ Mặt Trời mà không thờ Quả Đất) và trang trí kiểu Thần Đạo, 2 bên là Bánh Chưng vuông (tượng trưng cho Đất, Bắc Bộ) và Bánh Tét (Nam Bộ). Vì không khí Tết Việt-Nhật và nhớ lại câu chuyện Lang Liêu thời Vua Hùng Vương thứ 6 đã dâng Vua cha Bánh Chưng và Bánh Dày, tượng trưng cho Trời-Đất, ý chỉ người hiểu được đạo lớn của Trời-Đất nên được Vua cha truyền ngôi cho. Câu chuyện ý nghĩa như vậy nhưng nay hầu hết người Việt đón Tết chỉ trang trí Bánh Trưng hay Bánh Tét mà không có Bánh Dày. Ở đây trên đất Nhật, chúng tôi đã trang trí phối hợp, cũng là dựa theo câu chuyện cổ tích nổi tiếng của dân tộc Việt vậy…

 

Như ngay lúc này đang nằm bệnh viện lọc máu thì đánh máy bằng 1 ngón tay (vì 1 tay bị châm 2 kim lọc máu thì hầu như không nhúc nhích được), khi về nhà thì dùng 2 ngón! Một tuần cứ 3 lần đi lọc máu 4 tiếng rưỡi, coi như quãng thời gian không làm việc gì thì bắt buộc làm việc thông thường là vẫn đọc, nghe tin, textchat và biên soạn được, nhưng không nói được vì làm ồn chung quanh.

 

Chúng tôi cũng xin thú thực không biết viết ra những “lời cuối” lúc này là sớm hay trễ, vì không biết sẽ ra đi lúc nào? Chỉ tự cảm nhận sức khỏe có vấn đề, bệnh tình hiện tạm ổn, nhưng không biết phát nặng lúc nào nên cứ viết cho chắc.

 

Bệnh tình làm chúng tôi như bị chôn chân tại chỗ, không còn tung tăng khắp nơi như trước, có thế mới thấy quý 30 năm ghép thận thành công (1990-2020) cho tôi sức khỏe hoạt động cho đến khi quả thận ghép vào không còn hoạt động nữa, phải đi lọc máu trở lại. Thân xác không thể rời xa bệnh viện ở Tokyo, nhưng lòng vẫn nhớ những chuyến đi xa, nhớ thân hữu khắp nơi.

 

Cuối năm 2019, chúng tôi trở về Nhật Bản sau lần Mỹ Du thứ 45, không ngờ đó là lần cuối, nên vẫn hẹn sớm trở lại mà giờ mới biết là vô vọng, mà vẫn mong vì chưa kịp chào tạm biệt ai! Với 45 lần đi vòng HK, thời gian tổng cộng khoảng 6-7 năm sinh hoạt tại đây, bây giờ không đi được nữa thì nhớ lắm, tiếc lắm!

 

Năm 1975, chúng tôi bắt đầu làm nguyệt san Người Việt Tự Do. Năm 1978, sau lần đi HK đầu tiên, khoảng năm 1979, tôi được cử qua HK làm nguyệt san Người Việt Tư Do ấn bản Bắc Mỹ cho tới năm 1982. Năm 1982, cả Ban Biên Tập Người Việt Tự Do đổi qua làm nguyệt san Kháng Chiến, tôi làm Chủ Bút. Nhưng chỉ khoảng 10 tháng sau thì tranh chấp giữa ông số 1 và ông số 2 ngày càng trầm trọng, tôi chán nản trở về Nhật. Cuối năm 1984 tranh chấp trở thành công khai với 2 Đại Hội ở Bắc và Nam Cali trong buổi sáng và chiều cùng ngày.

 

Đầu năm 1985, khi ông Hoàng Cơ Minh từ HK ghé Nhật Bản trên đường về Thái Lan, trong buổi họp Xứ Bộ Nhật Bản, tôi đã công khai xin rút lui khỏi Mặt Trận. Khi đó tôi đã bắt đầu đi làm thông dịch cho trại xúc tiến định cư người Việt tại Nhật tên Kokusai Kyuen Center (Trung Tâm Cứu Viện Quốc Tế) và kéo dài được khoảng 5 năm. Không ai chọn nơi ra đời, nhưng chắc chắn rất nhiều người quyến luyến, thiết tha như trong tiềm thức luôn bị réo gọi từ nơi mình ra đời, từ xuất phát điểm ngày nào.

 

Chúng tôi từ khi rời vòng tay ba mẹ, rời VN đi du học Nhật Bản, suy tư còn non nớt nhưng đã quyết chọn làm cái gì đó đền ơn tổ tiên, dân tộc, cha mẹ. Chúng tôi đã chọn con đường đấu tranh cho dân tộc, mà không mang quốc tịch bản xứ, không màng tìm nơi dung thân sung túc, không màng nghề nghiệp, không màng nhà, không màng xe, không vướng bận gì ngoài chuyện VN. Cứ thế, kiên trì, lầm lũi, cứ thế đi cho tới nay.

 

Chúng tôi hầu như tay trắng, không lái xe, thế mà có thể đi khắp nơi bất cứ lúc nào cảm thấy cần là nhờ có sự giúp đỡ của đồng hương, cái nếu gọi là có chỉ là “tấm lòng”, quyết chí đi chia sẻ tâm tư với đồng hương và nhất là biên soạn thành sách để bảo tồn và phổ biến rộng tới các thế hệ sau. Tóm lại là để lại 1 cái gì đó như 1 nhân vật đại gia nổi tiếng ngành hàng hải Nhật Bản là ông Sasakawa Ryoichi (笹川良一, Thế Xuyên Lương Nhất, 1899-1995) đã nói: “Nokoshiteagetai.” (残してあげたい = Muốn để lại.).

 

Chúng tôi trước làm hướng dẫn du lịch cũng được gần 20 năm, nay vẫn làm tin cho các đài, bán sách và được ủng hộ nên cũng lo tạm được.

 

Chúng tôi có 1 trai 2 gái, đều đã lập gia đình, có 1 cháu nội và 3 cháu ngoại, tất cả đều khỏe mạnh, cuộc sống ổn định. Chúng tôi xin mạo muội chia sẻ “tạp ghi cuối” vì tuổi đã cao, sức đã yếu và rất mong có được sự cảm nhận đồng tình và nhiệt tình ủng hộ của quý đồng hương cả ở trong và ngoài nước. Năm 2002, tình cờ được mời đóng phim với ban ca nhạc trẻ nổi tiếng 5 người, có tên “ピカ☆ンチLIFE IS HARDだけどHAPPY” (Cuộc Đời Cực Mà Vui hay Tuổi Xuân Tuyệt Vời). Phim nói về 5 cuộc sống khác nhau của 5 ca sĩ. Tôi khi đó đóng vai làm việc tại 1 quán nhậu Nhật, mặc quần áo“Ninja” (Nhẫn Giả) chụp với vai chủ tiệm là ông Tayama Ryosei và đóng vai cùng “bà xã” dạy 1 trong 5 ca sĩ là anh Matsumoto làm gỏi cuốn để Tham dự 1 lễ hội Nhật… Sau khi đóng xong, chúng tôi được mời đi xem buổi chiếu thử, đã 20 năm, tôi không còn nhớ gì nhiều, vì cũng không có bản lưu. Ngày 6/12/2021, cô Y Tá nơi tôi lọc máu đem điện thoại cầm tay đến hỏi phải tôi đóng trong phim này không? Tôi coi mới dần nhớ lại. Cô đã chuyển cho tôi mấy tấm hình chụp khi đó và mấy trích đoạn phim…

 

Ngày 29/12/2021 và 10/1/2022, phim này được chiếu lại trên BS191 WOWOWプライム. Trong thời gian này, 2 vợ chồng tôi mở tiệm tạp hóa Mekong (lâu lâu tôi đi làm hướng dẫn du lịch), được khoảng hơn 20 năm thì đóng vì không còn ai mua sách và nhạc nữa. Tiệm Mekong phát hành bản tin nguyệt san Mekong, đươc 118 số, sau đó ngưng vì tốn tiền in và cước quá, chịu không nổi (báo bên đây hầu như không có quảng cáo như bên HK, Úc) trước khi đóng cửa tiệm Mekong vào khoảng năm 2014. Tiệm cũng ít khách vì khi đó người Việt định cư tại Nhật còn rất ít (cả nước nhật chỉ có khoảng 15.000 tỵ nạn địng cư và sau thêm khoảng 15.000 đoàn tụ, sau này có du học sinh và đi lao động, tăng vọt trong mấy năm gần đây lên khoảng 400.000 người), tôi càng dồn sức biên soạn và đi nói chuyện, chính thức là từ năm 2002.

 

Kết cục tôi không có nghề tay phải như ngành học Hóa Học Hữu Cơ, chỉ toàn nghề tai trái theo ý thích, nên có nhiều thì giờ đi theo lý tưởng cho tới nay.Với vợ tôi, tôi về thăm VN năm 1973, gặp nàng hàng xóm làng giếng, chí cách nhau khoảng 20 mét, băng qua 1 con đường. Khi chúng tôi trở về Nhật thì viết thư, cuộc tình hàm thụ khoảng 1 năm thì nàng bằng lòng. Đầu năm 1975, tôi về làm đám cưới, đúng hôm 10/3, CS tấn công Ban Mê Thuột. Tới ngày 11/3, thì dân Sài Gòn mới biết tin Ban Mê Thuột đã thất thủ. Vợ tôi khi đó tốt nghiệp Cử Nhân Luật, đang là Lục Sự tại Tòa Án Sài Gòn. Tôi về thì thì giờ rảnh lo đi chào 2 họ, đi gửi thiệp cưới, rồi lại đi chia tay, bận suốt. Chúng tôi đang lo thủ tục xin đoàn tụ tại Nhật thì ngày 28/4, phi trường Tân Sơn Nhất bị pháo kích, ngày 304, Sài Gòn sụp đổ. Sau 2 lần vượt biên chui thất bại, tới giữa năm 1982, nàng mới qua được Nhật. Vợ tôi không viết sách nhưng đọc tiểu thuyết rất nhiều, nên chữ nghĩa trong sáng, đã giúp tôi hiệu đính hầu hết các sách tôi biên soạn.

 

Khi về già, gần cuối năm 2021, 1 hôm tôi hỏi vợ, mình ở với nhau không còn bao lâu nữa, em thích cái gì anh sẽ ráng chiều. Vợ tôi nói không cầu gì, chỉ mong có 1 số tiền nhỏ dưỡng già và chữa bệnh già vì không muốn nương nhờ con, chúng nó phải lo gia đình riêng… Vợ tôi xưa nay lo việc nhà, chăm sóc 3 con, không có cao vọng nào ngoài mong 1 cuộc sống đơn giản, yên bình.

 

Ngày 16/11/2021, tôi nhờ 1 nhân viên của công ty sửa máy điện toán đến lấy dự kiện từ trong 2 máy Mac đã cũ trên 15, 20 năm không còn khởi động được nữa (trước đây tôi thường dùng máy Mac vì máy này có khả năng dùng đa ngôn ngữ, nay thì máy Window cũng dùng được đa ngôn ngữ nên tôi đổi qua dùng Window cho tiện trao đổi hơn) để cứu bộ sách “Nhật Bản Dưới Mắt Người Việt” bộ 4 cuốn khoảng 2.000 trang…

 

Ngày 28/11, nhân viên đến cho biết dữ kiện trong 1 máy Mac lấy ra được còn 1 máy thì không. Nhưng là các tập tin trên Mac quá cũ nên máy Mac bây giờ có dùng được không, cũng chưa biết có đổi được ra Window hay không!

 

Nhân tiện tôi nhờ xem giùm cái máy laptop hiệu Toshiba của tôi mua đã 6-7 năm trước. Máy ghi lại số lần tôi sử dụng là hơn 20.000 lần, trong khi độ bền của máy cho phép sử dụng tối đa khoảng 26.000 lần. Đây là máy Toshiba thứ 2 của tôi trong tổng số khoảng 10 máy điện toán đã dùng trong khoảng 40 năm qua, như vậy nó cũng già yếu như tôi rồi. Khi còn mới mỗi lần khởi động chỉ tốn độ chưa tới 1 phút, nay tốn tới 5-7 phút, chập chờn có khi phải khởi động 2, 3 lần mới được, vậy là nó cũng sắp hư hỏng đến nơi rồi, coi như cũng vừa với giai đoạn biên soạn cuối này!

 

Không chỉ người yếu mà cái máy laptop Toshiba mua dùng suốt cả ngày 6-7 năm qua cũng đã rệu rạo lắm rồi, trục trặc liên tục, bộ nhớ cũng sắp đầy. Ôm máy cũ thì cũng vất vả với máy, mà mua cái mới thì sợ không dùng nhiều nữa…

 

Quý đồng hương có thể tưởng tượng nhà Nhật chật như thế nào không? Tôi muốn chụp các sách đã xuất bản, tương đương 60 cuốn 532 trang, bằng 1 sải tay mà không có chỗ bầy ra để chụp!

 

Các bài đều nặng về biên khảo nên có 1 số trích dẫn từ các tài liệu trên Internet. Có rất nhiều bài tác giả đã xin phép trích dẫn, nếu có vị nào chúng tôi không liên lạc được để xin phép và không đồng ý đăng xin báo cho biết, chúng tôi sẽ lấy xuống.

Trong các cuốn sách đều có rất nhiều links, để quý độc giả có thề truy nguồn gốc và tìm hiểu thêm. Mỗi link trung bình dài gấp 5-20 lần phần được đưa vào sách, nên tất cả là khoảng 30.000 trang sách, nhưng nếu xem hết các links thì thành khoảng 300.000 trang sách.

 

Với mục đích phổ biến càng rộng càng tốt như gieo những hạt mần làm nền tảng góp phần xây dựng tư duy VN, chúng tôi thiển nghĩ mỗi tổ chức người Việt, các thư viện, các cơ quan truyền thông, các nhà nghiên cứu… nên có 1 bộ “Con Đường Dân Chủ” gồm: 22 + 8 cuốn Phụ Lục + 1 cuốn “Tạp Ghi Cuối” là 31 cuốn, giá khoảng 750 đô-la Mỹ (giá in digital và cước trong HK là hơn 400 đô-la Mỹ, nếu in theo lối cổ điển bằng plate thì giá khoảng 250 đô-la Mỹ, nhưng số lượng phải là 1.000 thì không có tiền và không có chỗ để! Xin để lại với quý đồng hương giá yểm trợ và ủng hộ tượng trưng bớt 25% trong các đợt tổng in, còn 560 đô-la Mỹ, kể cả cước nặng khoảng 20 kg. Hay bộ bao quát thêm hơn 20 cuốn khác là khoảng 1.000 đô-la Mỹ (gồm bộ “Con Đường Dân Chủ” 31 cuốn và khoảng 20 cuốn khác. Trong thời gian qua, chúng tôi đ ã tặng 1 số thư viện, cơ quan truyền thông và nhà đấu tranh bộ sách 15 cuốn “Con Đường Dân Chủ”…Các thế hệ sẽ lần lượt qua đi, nhưng dòng sống của dân tộc vẫn trôi chảy theo thời gian với đầy những thách thức… hãy cùng nhau chung lòng giải quyết. 

 

Xin kính chào tạm biệt. Tác giả cẩn bút. Tokyo, 2022

 

Đỗ Thông Minh