Vào năm 1966, Thượng tọa Thích Nhất Hạnh, 40 tuổi, dáng dấp mảnh khảnh, đáp máy bay trở lại Hoa Kỳ để kêu gọi ngừng chiến tranh tại Việt Nam. Một năm sau, ông xuất bản cuốn sách viết bằng tiếng Anh đầu tiên trong đời mình.
“Vietnam: Lotus in a Sea of Fire”, tựa tiếng Việt là “Hoa sen trong biển lửa”, được xuất bản lần đầu ở hải ngoại vào tháng 2/1967. [1] Sau 55 năm, dù đã được ra mắt dưới nhiều ngôn ngữ khác nhau, cuốn sách này vẫn chưa được phát hành chính thức tại Việt Nam, cả giai đoạn trước lẫn sau năm 1975.
Nhà xuất bản nổi tiếng Random House nhận định đây là cuốn sách bình luận về bối cảnh văn hóa, chính trị gây được tiếng vang của một tác giả người Việt về Chiến tranh Việt Nam. [2]
Cuốn sách khiến chính quyền Việt Nam Cộng hòa cấm ông trở về nước. Và có lẽ nó cũng góp phần khiến chính quyền Việt Nam sau 1975 cân nhắc không cho ông về nước mãi đến tận năm 2005.
Cho đến nay, nhiều người vẫn dùng tác phẩm này để cáo buộc ông tiếp tay cho miền Bắc, phá hoại chính quyền miền Nam. Cuốn sách đã được viết trong bối cảnh như thế nào, và vì sao nó gây tranh cãi trong suốt hơn năm thập niên qua?
Bối cảnh ra đời
Khó có thể đọc sách mà tách rời bối cảnh chính trị, xã hội khi đó. Biết nó được sinh ra trong thời kỳ như thế nào, bạn sẽ hiểu rõ hơn, có cái nhìn rộng hơn về cuốn sách.
Giai đoạn 1966 – 1967 là lúc tình hình chính trị ở miền Nam rất căng thẳng. Đây là thời kỳ chuyển tiếp từ giai đoạn chính quyền quân quản sang chính quyền dân sự, tức nền Đệ nhị Cộng hòa. Miền Nam khi ấy đang chuẩn bị cho cuộc tổng tuyển cử tổng thống và quốc hội vô cùng quan trọng, diễn ra vào năm 1967. Đây cũng là lúc Mỹ vừa mới đổ quân vào Việt Nam, trực tiếp tham chiến.
Tình hình chính trị đã khiến các hội đoàn Phật giáo bị phân hóa thành các phe phái khác nhau: phe chỉ đấu tranh cho quyền tự do tôn giáo, phe thân cộng sản, phe thân chính quyền, phe chủ chiến, phe chủ hòa, v.v.
Năm 1966, Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất tạm chia thành hai khối đối lập, tách ra thành hai viện hóa đạo (tức cơ quan điều hành của giáo hội). Một là của khối Việt Nam Quốc Tự và một của khối Ấn Quang.
Thượng tọa Thích Nhất Hạnh lúc này theo khối Ấn Quang, phe bị cho là “hòa bình khuynh tả”, kêu gọi chấm dứt chiến tranh và tiến đến thống nhất với miền Bắc.
Khối Ấn Quang có uy tín rất lớn đối với giới Phật tử, đặc biệt sau sự kiện lật đổ Tổng thống Ngô Đình Diệm. Từ đấu tranh cho tự do tôn giáo, các nhà sư khối này đã tiến lên một tầm cao mới, đấu tranh cho một nền chính trị mà họ mong muốn.
Hòa thượng Thích Tâm Châu, người đứng đầu khối Việt Nam Quốc tự, sau này cho biết trong một bức thư: “Viện hóa đạo Ấn Quang [sau khi vừa mới tách ra] đã cử các vị ra nước ngoài liên lạc với các nhóm phản chiến, yêu cầu Mỹ rút quân, phản đối chính sách chống cộng của Việt Nam Cộng hòa, đòi hòa bình. Viện hóa đạo Ấn Quang cử Thượng tọa Nhất Hạnh làm trưởng phái đoàn Hòa bình bên cạnh Hòa đàm Paris”. [3]
“Hoa sen trong biển lửa” có thể được xem là một dấu mốc lớn cho nhiệm vụ vận động hòa bình của Thượng tọa Thích Nhất Hạnh khi ấy. Cuốn sách không những cho độc giả quốc tế biết rõ về tình cảnh của người dân trong cuộc chiến đang diễn ra mà còn đưa ra một giải pháp chính trị rõ ràng theo quan điểm của tác giả.
Có gì trong cuốn sách?
Sách có thể được đọc xong chỉ trong một buổi. Bạn cũng không cần phải có kiến thức của một nhà sử học để đọc nó.
Cuốn sách chia thành năm phần chính. Mở đầu bằng chương “Nền tảng thực hiện”, tác giả viết về vai trò của đạo Phật với độc lập dân tộc, cùng với các phân tích về đạo Lão, đạo Khổng.
Trong ba chương tiếp theo, ông phân tích về lý do dẫn đến kháng chiến chống Pháp, khả năng đạo Công giáo tham gia vận động cho hòa bình, sự nảy mầm không hề được mong đợi của chủ nghĩa cộng sản ở miền Bắc, những sai lầm của chính quyền Ngô Đình Diệm, lý do Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam (Việt Cộng) ngày càng thu hút được quần chúng, và sự thất bại trong chính sách của Hoa Kỳ.
Cuốn sách khép lại với chương “Con đường thực hiện”. Chương này phân tích về thảm cảnh của chiến tranh và mong ước hòa bình của người dân nghèo. Phần quan trọng nhất của cuốn sách – “Con đường đấu tranh của những người Việt không Cộng sản” – đã vạch ra những bước đấu tranh chính trị cụ thể, bao gồm thành lập một chính phủ lâm thời mới, ngừng chiến toàn bộ tại hai miền, Hoa Kỳ rút quân, hòa đàm với Mặt trận (Việt Cộng) và cuối cùng là hiệp thương với miền Bắc tiến tới thống nhất.
Bối cảnh chính trị khi đó khiến cuốn sách vô cùng nhạy cảm. Không lạ gì nếu có người cho rằng thiền sư Thích Nhất Hạnh đã dấn thân vào con đường chính trị từ trước năm 1975.
Ai nên đọc quyển sách này?
Nếu bạn đã quen với các sách về chánh niệm, từ bi, tình yêu thương của thiền sư Nhất Hạnh thì tác phẩm này của ông sẽ làm bạn ngạc nhiên. Đó cũng là một trong những lý do bạn nên đọc, để tìm hiểu vì sao một nhà sư như ông phải tham gia vào chính trị một cách trực diện như vậy (câu trả lời ở chương thứ tư của sách).
Nếu bạn muốn tìm hiểu về chiến tranh Việt Nam thì đây là cuốn sách đầy hứa hẹn. Nó mang đến góc nhìn đa dạng về cuộc chiến đầy tang thương giữa hai miền qua lăng kính của một nhà sư. Đặc biệt, bạn có thể nghiền ngẫm sách với các sự kiện chính trị đã xảy ra trong thực tế.
Nếu bạn là một học trò của thiền sư Thích Nhất Hạnh, cuốn sách có thể là thứ cần phải đọc để biết ông nghĩ, làm gì ở độ tuổi trung niên khi đất nước điêu đứng vì chiến tranh.
Đây cũng là một quyển sách phù hợp nếu bạn muốn học cách viết bình luận chính trị. Khả năng quan sát tinh tế, sắp xếp hợp lý các dữ kiện, lập luận sắc bén là điều có thể học được từ sách.
Bạn có thể đọc “Hoa sen trong biển lửa” (bản tiếng Việt) trên website của Làng Mai theo đường link tại đây.