24.02.2022
VNC chuyển ngữ
Cuộc xâm lược hoàn toàn không bị khiêu khích, không chính đáng, vô đạo đức của Nga vào Ukraine dường như đánh dấu sự kết thúc của một kỷ nguyên – một kỷ nguyên bắt đầu với sự sụp đổ của Bức tường Berlin vào năm 1989. Trong thời kỳ hậu Chiến tranh Lạnh đó, những ý tưởng của phương Tây về chính trị, kinh tế và văn hóa đã lan rộng trên toàn thế giới phần lớn không bị tranh giành, và sức mạnh của Mỹ đã củng cố hệ thống quốc tế đó. Đó không phải là thời kỳ yên bình – hãy nghĩ đến các cuộc chiến ở Nam Tư và Trung Đông. Nhưng đó là thời điểm mà quyền lực Mỹ và nền dân chủ tự do dường như chiến thắng, và hệ thống quốc tế dường như hoạt động hợp tác hơn bất kỳ thời điểm nào trước đây trong lịch sử.
Pax Americana (Hòa bình Mỹ) bắt đầu suy yếu vì nhiều lý do, bao gồm sự trỗi dậy của các quốc gia như Trung Quốc và Ấn Độ, thảm họa ở Iraq và Afghanistan, và các cuộc khủng hoảng tài chính và dân chủ ở phương Tây. Nhưng động lực gây rối nhất chính là sự trở lại của một nước Nga đế quốc, quyết tâm tái tạo phạm vi ảnh hưởng mà nước này có thể thống trị các nước láng giềng. Trong thập kỷ qua, nước Nga của Tổng thống Vladimir Putin đã là kẻ phá hoại địa chính trị lớn nhất của thế giới, tích cực nỗ lực phá hủy hệ thống quốc tế dựa trên luật lệ.
Đối với nhiều nhà bình luận, cuộc khủng hoảng hiện tại là bằng chứng cho thấy hệ thống này đã sụp đổ và thời đại dân chủ chỉ là một ảo tưởng ngắn ngủi. David Brooks viết rằng “lịch sử đang quay trở lại với chủ nghĩa man rợ.” Robert Kagan nói rằng “rừng rú” đang phát triển trở lại. Nhưng liệu kiểu nhìn bi quan đó có chính đáng không? Tôi hy vọng nhiều hơn rằng trong tin tức khủng khiếp ngày hôm nay có một số nguồn lực tích cực mạnh mẽ.
Rốt cuộc, điều gì đã gây ra cuộc khủng hoảng này ngay từ đầu? Điều này rất đơn giản: người Ukraine khao khát được sống trong một xã hội dân chủ, cởi mở. Chúng ta đừng quên điều gì đã khiến Putin phẫn nộ và khiến ông ta xâm lược Ukraine lần đầu tiên vào năm 2014. Đó không phải là tuyên bố của Ukraine mong muốn trở thành thành viên NATO; đó là những nỗ lực của chính phủ Kyiv (một chính phủ thân Nga vào thời điểm đó) để hoàn tất một “hiệp định liên kết” (association agreement) với Liên minh Châu Âu. Khi tổng thống Ukraine cuối cùng không ủng hộ thỏa thuận này – dưới áp lực từ Nga – ông đã được chào đón bởi các cuộc biểu tình dữ dội trên đường phố và quốc hội đã bỏ phiếu bãi nhiệm ông. Đó là điều đã kích hoạt cuộc xâm lược đầu tiên của Putin vào Ukraine.
Ukraine không đơn độc trong việc lựa chọn con đường thân phương Tây. Trong ba thập kỷ qua, hầu hết các quốc gia mà là một phần của khối Liên Xô, từ nước này tới nước khác, đã chọn trở thành quốc gia cởi mở, tự do, dân chủ và tư bản chủ nghĩa hơn. Không có nước nào là hoàn hảo – một số còn xa cách – nhưng từ các nước Baltic đến Bulgaria, từ các nước lớn như Ba Lan đến các nước nhỏ bé như Moldova, hầu hết đều áp dụng một số phiên bản của chính trị dân chủ và kinh tế mở, dựa trên thị trường. Đã có những trượt dốc ở các nước như Hungary và Ba Lan. Nhưng xét trên bình diện rộng, sự dịch chuyển của các quốc gia đó đối với các giá trị phương Tây kể từ năm 1989 chắc chắn là một sự khẳng định sức sống của dự án dân chủ tự do.
Phản ứng của Putin là một nỗ lực tàn bạo, đẫm máu để ngăn chặn làn sóng dân chủ hóa này. Ông ấy đã theo dõi một cách kinh hãi khi phong trào này quét qua Ukraine, Georgia và thậm chí vào năm 2020, sang Belarus, nơi đã trải qua các cuộc biểu tình ủng hộ dân chủ lớn nhất trong lịch sử ngắn ngủi của quốc gia đó. Họ đã bị đàn áp dã man, với sự giúp đỡ từ Nga, và giờ đây Putin có thêm một quốc gia mà ông có thể duy trì quyền kiểm soát chỉ bằng sự sợ hãi và vũ lực.
Đối với trật tự quốc tế tự do, nó có nhiều người bảo vệ hơn người ta có thể tưởng tượng. Tuyên bố hùng hồn nhất ủng hộ nó được đưa ra vào tuần này tại Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc, không phải từ một trong những cường quốc phương Tây trong phòng họp, mà là từ đại sứ Kenya tại Liên Hiệp Quốc, Martin Kimani. Ông nói rằng hầu như tất cả các quốc gia ở Châu Phi đều có đường biên giới thiệt không hoàn mỹ. Chúng được vạch ra bởi các thế lực thuộc địa, thường chia rẽ các nhóm dân tộc và ngôn ngữ. Tuy nhiên, ông chỉ ra rằng, các nhà lãnh đạo châu Phi đã quyết định rằng họ sẽ sống với những biên giới không hoàn hảo của họ, bởi vì nếu thách thức chúng, sẽ có một loạt các cuộc chiến tranh và nổi dậy bất tận. Thay vào đó, các quốc gia này đã chọn tôn trọng luật pháp quốc tế và hệ thống của Liên Hiệp Quốc. Kimani nói, “Thay vì hình thành các quốc gia theo quá khứ lịch sử với một hoài niệm nguy hiểm, chúng tôi đã chọn hướng tới một sự vĩ đại mà chưa một quốc gia và dân tộc nào của chúng tôi từng biết đến.”
Xa cách châu Âu, mấu chốt của vấn đề giữa Trung Quốc và Đài Loan là gì? Thực tế là người dân Đài Loan muốn sống trong một xã hội cởi mở, tự do, và họ lo sợ lối sống của họ sẽ bị chế độ độc tài cộng sản bóp nghẹt.
Tôi không muốn giảm thiểu những rắc rối mà chủ nghĩa dân chủ và tự do phải đối mặt. Gần 25 năm trước, tôi đã ghi nhận với sự báo động về sự trỗi dậy của “nền dân chủ phi tự do” và đặc biệt nhấn mạnh vào bước ngoặt tồi tệ mà Nga (trong số các quốc gia khác) đang thực hiện. Tôi đã thấy sự xói mòn các giá trị dân chủ tự do mà tôi yêu quý ở đất nước tôi sinh ra, Ấn Độ, và đất nước mà tôi là một người nhập cư tự hào, Hoa Kỳ.
Nhưng những gì phản ứng dữ dội này cho thấy là nền dân chủ tự do và trật tự quốc tế dựa trên luật lệ cần được bảo vệ – một cách mạnh mẽ, thậm chí xông xáo. Với tiếng nói của chủ nghĩa dân tộc và chủ nghĩa dân túy quá lớn, có vẻ như các giá trị tự do có rất ít người sẵn sàng bảo vệ chúng một cách không nao núng. Đối với những người chăm chú đến các vấn đề của nền dân chủ tự do hơn là lời hứa hẹn của nó, tôi nói, “Hãy để họ đến Ukraine.” Người dân Ukraine đang cho chúng ta thấy rằng những giá trị đó – của một xã hội cởi mở và một thế giới tự do – có thể đáng để chiến đấu và thậm chí chết vì nó.
Câu hỏi đặt ra cho tất cả chúng ta là chúng ta sẽ làm gì để giúp họ?